“CHỦNG TỬ THIỆN”

>
>
“CHỦNG TỬ THIỆN”

Hôm nay, trong phần lời đi kèm theo ảnh cover mình vừa thay, mình có ghi một câu pháp mà mình đã ghi nhận được trên dọc đường Tây Tạng. Rằng đại loại đời sống con người cũng tương tự những búi cỏ khô cháy ven đường, nhìn khô cằn như đã chết rồi, nhưng chỉ cần một lúc nào đó đất ấm lên, một cơn mưa tới, sẽ bung mầm để mọc lên những sức sống mới mạnh mẽ, thiện lương. Điều đó là nhờ trong mỗi người ai cũng có sẵn những chủng tử thiện. Nhiều bạn không hiểu lắm khái niệm chủng tử thiện là gì nên hỏi mình. Thì đây, mình giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất cho mọi người cùng nắm nha.

Theo mình đọc được trong quyển Đường mây qua xứ tuyết, lạt ma Govinda – tác giả quyển sách này cho rằng một cá nhân thường được định nghĩa gồm có hai phần: tâm lý và sinh lý – hay còn gọi là Tâm và Thân. Thân là phần vật chất được cấu tạo bởi các yếu tố mà khoa học có thể giải thích và chứng minh được, thế nhưng Tâm là những tri giác, suy tưởng, quan niệm và tình cảm của con người mà ngay cả khoa học Tâm lý học và Thần kinh học, cho tới thời điểm này vẫn đang trên đường ‘cố gắng giải thích’ mà thôi.

Trong khi đó, giáo lý Phật giáo đã giải thích rất rõ rệt sự liên hệ giữa hai phần này như sau: Con người có các giác quan (tức thuộc các yếu tố sinh lý), nhưng các giác quan này cần phải có thêm các thức căn (thuộc các yếu tố tâm lý) thì mới có thể sử dụng được. Có năm thức căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân – liên quan mật thiết với năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Mỗi thức căn này chỉ hoạt động trong một phạm vi nhất định chứ không mang tính tổng quát, chẳng hạn như Nhãn căn phối hợp với mắt dùng để nhìn nhưng không thể nghe được, Nhĩ căn phối hợp với tai để nghe lại không thể nói được… Ngoài ra cóng vai trò kiểm soát, điều khiển các thức căn kia, nhưng ngoài ra nó còn có thể phân biệt, tiên đoán, tưởng tượng, phối hợp mọi thứ. Tuy nhiên, Ý thức vẫn có tính chất giới hạn vì khi thân thể ta ngủ say, Ý thức cũng ‘ngủ’ theo, nên bên Phật giáo còn có thêm một thức căn nữa, gọi là Ý căn để duy trì dòng ý thức của ta không bị gián đoạn. Ví dụ như khi ta ngủ, Ý thức bị gián đoạn, nhưng Ý căn vẫn còn, nên khi tỉnh giấc dậy con người ta vẫn tiếp tục nhớ những gì đã xảy ra chứ không bị ‘quên sạch’. Và cũng chính vì tính chất không gián đoạn này, nên Ý căn sẽ đi theo các kiếp sống của ta, đi ‘đầu thai’ từ kiếp này qua kiếp khác. Khoa Phân tâm học có cố gắng giải thích Ý thức và Ý căn bằng những danh từ đậm tính khoa học, như ‘tiềm thức’ hay ‘vô thức’, nhưng họ không thể đi xa hơn, do thiếu kinh nghiệm tâm linh và thiếu cả phương tiện để đào sâu hơn vào tâm hồn con người.

Ngoài ra, Phật giáo còn phân biệt thêm một thức nữa có tính cách bao gồm tất cả, phát sinh mọi hiện hành, gọi là Tàng thức. Chính Tàng thức gìn giữ tất cả mọi kinh nghiệm cá nhân trải qua các kiếp sống, và tùy theo những định luật vô cùng tế nhị mà thúc đẩy các cơ hội thuận tiện, các cơ duyên cho hạt giống chất chứa nơi đây phát triển. Tất cả mọi tư tưởng, hành động của con người đều tạo ra một thứ năng lực làm rung động và biến chuyển vạn vật xung quanh. Các năng lực này được ghi nhận vào tàng thức dưới hình thức những CHỦNG TỬ, và tùy theo các định luật nhân – quả phức tạp mà các chủng tử này hoặc sẽ phát triển, hoặc sẽ tiếp tục tiềm ẩn trong một kiếp sống cụ thể sau đó.

Nói cách khác, những chủng tử này luôn luôn đi theo chúng ta từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, và cũng tương tự như vậy, những gì tốt đẹp cần học hỏi, những tư tưởng thiện lành ta học được qua các kiếp sống không bao giờ là uổng phí. Bởi, những gì tốt đẹp ta còn đang ấp ủ ở đời này mà chưa kịp làm, ta sẽ có cơ hội được tiếp tục thực hiện chúng ở một đời sống sau này. Không một tư tưởng nào ta đã nảy sinh lại mất đi, tất cả đều được lưu trữ vào tàng thức dưới dạng các Chủng tử, và tùy theo những nhân duyên thích hợp, chúng sẽ phát sinh.

Vấn đề nằm ở chỗ, đời này kiếp này, làm sao chúng ta có thể tạo được đủ Duyên để khơi gợi được thật nhiều những Chủng tử thiện có sẵn trong tàng thức của mỗi con người. Đó cũng chính là tâm nguyện của mình cũng như rất nhiều người khác, những ai thấu hiểu được nhiều tầng tàng thức đắp bồi qua lớp tích thời gian, hơn là chỉ đơn giản một kiếp sống hữu hạn của đời này, kiếp này.

Nghĩ thì thấy phức tạp, những thật ra bản chất có lẽ rất đơn giản. Tất cả những ai mang tâm thiện lành đều có khả năng đánh thức, khơi gợi những chủng tử thiện có sẵn trong tàng thức của những con người quanh mình. Điều này không lệ thuộc vào trình độ học vấn hay địa vị xã hội, mức độ sang hèn… Bạn thử nghĩ lại xem, trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, cô Thị Nở vừa xấu vừa thất học, chỉ với một bát cháo hành ấm tình người còn có khả năng đánh thức chủng tử thiện nơi anh Chí Phèo cả một thân đầy tính xấu cơ mà! Cho nên, chỉ cần bạn ý thức, chính bạn hoàn toàn có thể là một cơn mưa lành, một làn gió ấm, bạn hoàn toàn có thể làm sống dậy rất nhiều những Chủng tử thiện tàng sâu trong tâm thức của những con người quanh bạn đấy, bạn ạ. Đó có thể là những người thân trong gia đình bạn – những người nào giờ bạn thấy sao quá khó gần; những đồng nghiệp trước giờ bạn thấy khó chơi; cả những khách hàng, đối tác khó tính, những ‘người dưng’ đáng ghét qua đường, những học sinh cá biệt, những tội phạm khó cảm hóa…

Tất cả đều xuất phát từ Tâm. Một khi Tâm bạn phát ra được tình thương yêu chân thật, chính nó sẽ là cơn mưa ấm lành nhất, đánh thức những chủng tử thiện ngủ quên lâu nhất, tàng ẩn sâu nhất! Đó chính là giá trị của tình thương yêu, thứ năng lượng có thật mà cách đây nhiều năm, nhà bác học Einstein đã từng khẳng định!

(11.5.2017 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart