‘VÒNG CÔNG THỨC NĂM MÓN’ CỦA NGƯỜI TRUNG HOA CỔ

>
>
‘VÒNG CÔNG THỨC NĂM MÓN’ CỦA NGƯỜI TRUNG HOA CỔ

Trưa nay dùng cơm cùng hai người bạn quý. Trao đổi qua lại, học được một khái niệm không hẳn mới hoàn toàn, nhưng nghe rất có lý.

Anh bạn mình nói, theo quan niệm của người Trung Hoa cổ, một con người sống trong đời này chịu chi phối lần lượt bởi 05 yếu tố: PHƯỚC, VẬN, PHONG THỦY, ĐỨC, GIÁO, xếp theo thứ tự quan trọng khác nhau.

1/ PHƯỚC: Quan trọng hàng đầu chính là Phước hay Phúc. Mỗi con người mở mắt chào cuộc đời này với một ‘quỹ phước’ sẵn có – chính là thứ mà con người ta đã tích lũy được qua nhiều đời nhiều kiếp. Đây cũng có thể được ví như một cái ‘Sổ học bạ’ của mấy năm học trước mà giờ, khi mình vô lớp mới, giáo viên năm nay mở ra coi tham khảo… trình độ học vấn của mình ra sao vậy đó!

2/ VẬN: Nhờ có cái ‘quỹ phước’ đó, mà mỗi con người ta sẽ có một loại vận riêng. Nếu phước dày, họ sẽ gặp nhiều vận tốt. Nếu phước mỏng, họ sẽ vướng phải nhiều vận xấu.

3/ PHONG THỦY: Cũng nhờ Phước của nhiều đời trước, con người ta sẽ được sắp đặt trong một môi trường có phong thủy thuận, khiến cho mọi việc có vẻ hanh thông hơn. Ngược lại, cũng có nhiều người sinh ra trong những vùng khó thuận lợi.

4/ ĐỨC: Ngạc nhiên chưa, chữ Đức nghe… nổi tiếng đến thế vậy mà phải chịu xếp đến hàng thứ tư lận đó! Và hồi nào giờ hay nghe chữ Đức đi liền chữ Phúc thì tưởng nó nghĩa gần nhau. Không đâu ạ. Phúc là ‘quỹ phước’ sẵn có, Đức là tất cả những gì TA CỐ GẮNG Ở ĐỜI NÀY, giúp cho Quỹ phước mà ta gầy dựng không bị hao mòn đi, mà trái lại còn có thể càng ngày càng vun đầy hơn nữa. Nói một cách nôm na: Đức vun đắp ở đời này sẽ trở thành Phước của đời sau.

5/ GIÁO: Là những gì con người ta được học hỏi, được thụ lĩnh ở đời này, để đầu óc người ta mở mang hơn, rồi từ đó mới lấy những gì người ta học được đem áp vào cuộc sống, thay đổi vận mạng.

🌕🌖🌗🌘🌑

Nếu hiểu theo ‘Vòng công thức năm món’ này, thì PHƯỚC chính là thứ mà ta không thể thay đổi được, nên có thể hiểu ngắn gọn là: Nếu ta có nhìn thấy ai sao sinh ra sung sướng quá, cũng đừng đố kỵ. Có thể nhiều đời nhiều kiếp trước họ làm nhiều chuyện tốt hơn ta 

Cũng tương tự như vậy, là VẬN. Cho nên đôi khi bạn sẽ thấy nhiều người sinh ra trong nhung lụa, chẳng cần cố gắng gì vẫn sống thoải mái, trong khi nhiều người sinh ra nghèo khó, trầy trật mãi vẫn thấy con đường đi sao quá nhọc nhằn… Ta sẽ thấy nhiều người sao mà may mắn quá, cái gì cũng trôi chảy, làm gì cũng thắng, mà những người khác chỉ biết chép miệng kêu “Sao mà vận đỏ quá!” Cũng ngược lại, nhiều người nỗ lực quá chừng vẫn gặp toàn… chuyện gì đâu, than rằng “Sao vận đen quá.”

Điều này nghĩa là gì: không phải đời này người ta làm toàn điều tốt thì người ta sẽ được may mắn. Ông Tám bán nhang cho nhà mình hồi nhỏ là một ví dụ. Mình cứ nhớ hoài hình ảnh ông già quắc thước, mặt đầy vẻ phúc hậu, lại luôn phải cần mẫn gánh gánh nhang đi bán rong. Mỗi lần ông đi ngang tiệm chụp hình của mẹ mình, mẹ hay mời ông vào nhà mua cho ông vài bó nhang, mời ông uống ly nước… Mình ám ảnh hoài nụ cười của ông, ông bảo hồi nhỏ má ông làm bà mụ vườn, suốt bao nhiêu năm tuổi thơ ông chuyên môn xách đèn dầu chạy trước rọi cho má ông đi đỡ đẻ cho bao nhiêu ca trong các vườn ruộng xa xôi, mà sao đời ông đến già vẫn cơ cực thế. Hồi đó, lần nào mình nhìn ông cũng thấy nhói ruột. Câu hỏi của ông cũng từng đeo theo mình bao nhiêu năm, cho đến mãi gần đây mới tìm được lời giải. Luật nhân quả là một luật rất ‘sòng phẳng’, không mang tính cấn trừ. Có thể nhiều đời trước ông chưa tích được nhiều Đức để tạo thành Phước cho đời này, nên đời này ông phước mỏng, vận không may. Nhưng những điều thiện lương ông làm đã kịp ‘ghi điểm Đức’ cho ông trong đời này, và mình tin chắc rằng nếu lăn tiếp tới đời sau trong vòng luân hồi, chắc chắn đời sống sau của ông sẽ là một đời sống đẹp và nhiều vận may mắn.

Và cũng từ nguyên tắc này đây mới suy ra một điều quan trọng: Người đời này có vận tốt mà không biết quý rồi từ đó ráng làm điều tốt để tích thêm đức, học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải, vận tốt nào cũng từ từ sẽ cạn. Họ sẽ ăn mòn phước báu rồi từ từ chìm xuống, nếu không phải là ngay cuối của đời này, thì chắc chắn cũng là một đời sau đó. Đáng sợ.

Nhân tố thứ ba, PHONG THỦY xem ra là yếu tố trung dung nhất, nhưng cũng góp phần đẩy cho thuận duyên thêm những trường hợp Phúc dày Vận tốt, và ngược lại, cũng chính là yếu tố để chặn bớt những điều thuận lợi đến với vận khí một người nếu người ta không đủ Phước để hưởng. Cũng có thể, chính những Đức mà người ta nỗ lực gầy dựng trong đời này sẽ đủ để người ta ngẫu nhiên xoay chuyển được vào những yếu tố phong thủy thuận lợi hơn, rồi từ đó vận người ta cũng chuyển biến tốt đẹp hơn.

ĐỨC, tuy đứng thứ tư ở đời này, nhưng xem ra theo quan điểm của mình, lại quan trọng nhất để xây dựng cho một tương lai lâu dài. Vì chỉ những ai ý thức được ta luôn phải thực hành Đức, tích Đức, thì Đức của đời này mới mong đủ để chuyển hóa thành Phước cho những đời sau này. GIÁO cũng rất quan trọng trong việc giúp đỡ một người mở mang ý thức cho bản thân, đủ để hiểu đâu là điều hay lẽ phải, điều thiện cần làm điều ác tránh làm.

Như vậy, tóm lại, ĐỨC và GIÁO tuy đứng ở hai vị trí chót bét trong ‘vòng công thức năm món’ này, nhưng lại chính là hai thứ mà con người ta có thể CHỦ ĐỘNG thực hiện được, và cần miệt mài thực hiện mới mong cải thiện được Phước phần của bản thân, nếu không kịp ở đời này chí ít ra cũng vun đắp cho mai sau. Và cứ thế một vòng rồi lại một vòng, năm yếu tố này sẽ tuần tự xoay vần để làm tiếp những vòng đời sống nối nhau trong luân hồi.

Mình cứ nhớ câu nói được cho là của Khổng Tử: “Chớ có thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chớ có thấy việc ác nhỏ mà cứ làm.” Những người được dạy dỗ tử tế về Luật Nhân Quả ắt sẽ không hành xử mù quáng, chỉ biết đâm đầu theo cái lợi trước mắt, bất chấp hậu quả, kể cả sự tàn hại người khác, tàn hại cộng đồng.


Rồi rốt cục mình thấy, như mình đã từng thấy nhiều năm rồi mà sao có nhiều người vẫn… cố ý không chịu nhìn ra: cái mà con nít nói riêng và con người ta nói chung bây giờ cần được dạy nhất chắc là sự ý thức về 
Luật Nhân – Quả. Bởi vì cho dù anh có thừa nhận nó hay không, anh tôn trọng nó hay không, Luật Nhân – Quả vẫn hiên ngang tồn tại và tác động lên bất cứ sự vật, đối tượng nào tồn tại trên dải thiên hà này.


Ghê vậy đó chớ.

(3.8.2017 – QH)


🐯 Đi kèm bài học về ‘vòng công thức năm món’ (tên do tui tự đặt) là một chiếc mề đay hình… con cọp cười (nằm ngay trong hình minh hoạ ^^) Ờ, lâu quá rồi mới có người nhắc cho tui nhớ tui là một con cọp ^^ Bao nhiêu lâu nay tui trở nên… hiền queo hà, nhiều lúc tưởng mình… chuyển sang tuổi con mều rồi chớ!

🐿 Đây là một bài học nghe thấy có lý rồi từ đó tự suy luận lý giải thêm theo cách hiểu của mình. Bạn nào thấy cũng có lý giống mình thì đọc qua tham khảo chơi, hong thì thôi đóng lại bỏ qua, hỏng chơi tạo diễn đàn tranh luận với nhau nha. Hôm nay trời đủ ‘nóng’ rồi 🐳

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart