CHIA SẺ VỚI CON TRAI: “HÃY LÀM MỘT CÂY CÓ GỐC RỄ SÂU, SẼ KHÔNG DỄ DÀNG BẬT GỐC GIỮA NHỮNG PHONG BA CỦA ‘THỜI MẠT PHÁP’ “
Trong buổi chiều tối ngột ngạt ngày hôm qua, câu chuyện giữa mình với cậu con trai Tin Nhái xoay xung quanh sự đáng sợ của một cái gọi là ‘đạo phái’ đang hoành hành trong nhiều nhóm cộng đồng, thậm chí lan đến cả giới sinh viên, làm mệt đầu không ít người nhìn thấy và cả cảm giác ‘dị ứng’, phản cảm cho không ít người sống bình thường, đồng thời gây hoang mang cho những người đang theo đuổi một số đức tin khác.
Thằng con nói, con sợ, mẹ, vì con còn trẻ quá, mặc dù con sẽ luôn ráng tỉnh táo, nhưng con sợ có lúc con sẽ không đủ sức phân biệt được. Thế giới này ngày càng hỗn loạn điên đảo quá.
Mình nói với con, đừng sợ. Chắc có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu phái, bộ, nhóm, nhánh tôn giáo hay tín ngưỡng, hay đức tin tồn tại trên trái đất này, và thậm chí con số đó có thể mỗi ngày tăng lên thêm vài ngàn nữa, khi có một cá nhân hay một nhóm nào đó, một ngày đẹp trời bỗng dưng cảm thấy những nhóm những nhánh đang hiện hữu… chưa đúng hoàn toàn những gì họ cảm nhận, hoặc giả, chưa phù hợp hoàn toàn với tôn chỉ, con đường mà họ đang hướng đến. Tuy vậy, cho dù có một triệu nhánh đức tin, tín ngưỡng, tôn giáo đi nữa, thật ra, các giá trị căn bản làm nên một tín ngưỡng đúng đắn chỉ gom về có vài ý đơn giản. Con chỉ cần áp vào vào các tiêu chí sau đây, sẽ dễ dàng biết đó có phải là một đức tin, tín ngưỡng con nên theo hay không:
1/ Một tín ngưỡng tốt không bao giờ yêu cầu con phải phủ nhận tổ tiên, ông bà, cha mẹ con (đừng nói tới đòi đi đập bàn thờ gia tiên). Không bao giờ kêu gọi con buộc phải rời bỏ gia đình con, cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái con, để đi theo cái gì kêu là ‘đức tin’ hay ‘chân lý’, theo một bang, một phái, một hội đoàn nào cả.
2/ Một tín ngưỡng tốt không bao giờ bắt buộc con phải đóng khoản phí A hay nộp món tiền B…, cho dù với bất kỳ lý do gì, mục đích gì.
3/ Một tín ngưỡng tốt không bao giờ kêu gọi con phải rời bỏ môi trường bình thường mà con đang sống, mà chỉ hướng dẫn cách con làm sao mỗi ngày một sống tốt đẹp hơn trong môi trường đó.
4/ Con hãy để ý, với một tín ngưỡng tốt, khi gạt ra ngoài yếu tố tôn giáo hay tâm linh nếu có, nó vẫn là một hệ thống những đạo lý sống, trong đó, cho dù có thể khác biệt nhau về câu chữ hay cách thể hiện, tất cả chỉ gom về một số giá trị cốt lõi cơ bản: Làm sao buông bỏ được những muộn phiền, buông tâm ghét giận, mà sống vui vẻ, yêu thương, cho đi nhiều hơn. Không sống ích kỷ chỉ riêng cho lợi lạc bản thân mình mà còn phải biết nghĩ cho người khác.
5/ Và có lẽ điều này chưa phải là điều cuối cùng, nhưng ít ra cho đến bây giờ mẹ mới tìm ra có bao nhiêu đây. Nhưng điều này là một điều con có thể tự cảm nhận được bằng cảm giác, không cần lấy lý trí hay thang bậc gì ra so đo cả: khi con nhìn một người đang theo một tín ngưỡng nào hoặc có đức tin nào đó, mà thấy mặt mày họ sáng láng, tinh thần sảng khoái, tinh anh, nói năng minh mẫn thực tế, đầu óc hoạt bát, có đời sống thể chất và tinh thần tích cực, là con sẽ biết tôn giáo, tín ngưỡng mà họ theo cũng… khỏe mạnh, lành mạnh
Như vậy đó. Cuộc sống ngày càng có vẻ phức tạp hơn, đáng sợ hơn với rất nhiều những hành động leo thang về mặt ác độc mà người ta ngày càng ít ngại ra tay xử lý nhau, kể cả vật chất hay tinh thần. Ngày càng nhiều những vụ giết nhau, đâm chém nhau, hạ độc nhau, tàn hại lẫn nhau. Đâu phải người ta không nhìn ra rằng khi làm những điều đó, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả thế nào, hoặc sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thế nào. Nhưng mình cảm nhận, hoặc là họ không hề ý thức gì về Luật Nhân – Quả, nên họ không nghĩ rằng những việc họ đang gây ra ngày hôm nay có thể sẽ còn là cái gánh oằn lưng họ đến nhiều đời kiếp sau nữa, chồng chất tội lỗi không bao giờ thoát nổi. Hoặc là, trong những khoảnh khắc ấy, họ có thể đã không còn là họ nữa, mà đã bị những ‘nguồn năng lượng xấu’ nào đó vốn nhan nhản rình rập khắp nơi, chỉ đợi những người nào không vững tâm, tỉnh trí, không đủ bản lĩnh tinh thần, hoặc một khoảnh khắc họ nuôi một suy nghĩ tiêu cực, là sẽ ập đến, thao túng ngay.
Chính vì vậy, không chỉ với thằng con trai mà ngay cả với bản thân mình, mỗi ngày mình đều tự niệm mình, nhắc mình về sự tử tế, về sự tích cực. Nhắc mỗi ngày cũng không thừa, vì nói thật, có mấy ai dám vỗ ngực xưng ta là vững vàng toàn phần? Cái ‘thời mạt pháp’ này, mỗi ngày mỗi giờ, biết bao nguy cơ vẫn đang chực chờ đâu đó, chỉ cần ta sơ sảy một chút, hoặc thiếu cảnh giác, hoặc để tâm ỷ lại, kiêu mạn một chút, là sẽ lập tức bị sập bẫy. Ý thức như vậy để không lơi lỏng bản thân chút nào, đồng thời cũng ráng cột mình vào cọng chỉ đỏ những điều tốt đẹp từ đức tin của mình, để giữ mình tỉnh táo và sáng suốt hết mức có thể. Và mỗi ngày ý thức học hành thêm một chút, tu thân dưỡng tính thêm một chút, chắc cũng sẽ ví như việc bền bỉ nhẫn nại xây thêm từng viên gạch xung quanh, ngày lại ngày, tạo thành một lớp tường đủ vững chắc, để bảo vệ bản thân mình.
Nhưng, luôn luôn cứ phải cảnh giác như vậy, chẳng phải sẽ mệt mỏi quá sao? Cũng không đến nỗi. Mình nói với Tin Nhái, con hãy luôn giữ sự kính trọng và kết nối về tình yêu thương với ông bà tổ tiên nhà mình, gọi là ‘cửu huyền thất tổ’ nhà mình, các vị sẽ không để con lạc bước trong u mê đâu mà sợ. Còn nhớ trong phim CoCo không, luôn có một lực lượng ‘hoành tráng’ các ông bà, tổ tiên luôn hướng về chúng ta trong sự yêu thương. Mà chỉ cần một ngày nào chúng ta còn nghĩ về họ, còn nhớ về họ, còn cầu nguyện họ theo dõi chúng ta, họ sẽ còn ‘sống’ mãi, mà bảo ban, dạy dỗ ta, mà bảo vệ ta khỏi những điều xấu, con đừng lo. Và điều đó, con tin không, sẽ không phải tinh thần của riêng một Ông Cố A một Bà Ngoại B hay Bác Thím C… cụ thể, mà là sức mạnh đoàn kết của cả một tập thể tổ tiên ta qua nhiều thế hệ
Nhắc đến mà vẫn nghe ấm áp cả cõi lòng Hãy biết ơn và trân trọng ông bà tổ tiên nhà mình, ta sẽ không bao giờ cảm thấy đơn độc, ngay cả trong những cơn ‘lũ dữ’ của cái thời này. Nói tâm linh cũng được mà nói tự ám thị về tâm lý cũng được, nhưng mình thực sự cảm thấy như vậy đó. Mình cũng vậy, mà chắc là khi mình nói, thằng con mình cũng cảm nhận được như vậy.
Vì cuối cùng, không kể đến cả tâm linh hay tâm lý, việc ta sống với sự trân trọng, tri ân tổ tiên và biết sống với đức tin đúng đắn cũng giống như ta là cái cây có gốc, có rễ được ăn sâu vào đất. Sẽ không dễ dàng bị bật gốc trong những cơn phong ba của ‘thời mạt pháp’.
(24.4.2018 – QH)
*Bổ sung: có một bạn đọc vừa gửi tin nhắn, bảo mình nên “Suy xét kỹ dùm” và “Đừng chụp mũ”, vì theo bạn, “bài viết chị đăng về tà giáo vô tình như bôi nhọ luôn những người con Chúa chân chính…”. Và khi mình nhờ bạn ấy bình tâm đọc kỹ lại từng câu từng chữ mình đã viết ở trên xem có chỗ nào mình đã có “chụp mũ” và đã “bôi nhọ những người con Chúa chân chính”, thì bạn ấy không đưa ra được, và nói “Nhưng vẫn không thích cách viết của chị”, và tuyên bố “Từ nay sẽ không theo dõi trang chị nữa”.
Quan điểm của mình như vầy nhen: ngay cả đạo Thiên Chúa Giáo – mà mình có rất nhiều bạn bè đang theo – cũng có thể quy về 5 giá trị cốt lõi mà mình đã nêu, và mình hết mực tôn trọng. Và những tôn giáo mà mình biết và mình tôn trọng trước giờ, dù có khác nhau về cách thể hiện, chung quy vẫn tương đồng ở 5 giá trị này. Vì vậy, việc ai có đọc bài và có tự cảm thấy chấp chướng gì thì đó là quan điểm của người đọc, không phải quan điểm của người viết. Và cuối cùng: trang mình là trang mở, nên thật cũng không thể ép được một người phải buộc theo dõi nữa nếu họ không còn tìm thấy niềm vui hay sự thoải mái. Nên thôi mình cứ vận hành theo duyên nhen bạn 😊 Thân mến, QH.
* Bổ sung 2: ‘Thời mạt pháp’ mà mình cảm nhận được là cái đang diễn ra trên khắp thế giới này, không chỉ riêng ở xã hội ta, bạn nhé.
Không có bình luận