“ƠN ĐỀN, OÁN QUÊN”

>
>
“ƠN ĐỀN, OÁN QUÊN”

Mình cứ nhớ mãi câu chuyện với một người chị đáng kính chiều hôm ấy. Chị ngồi trước mặt mình, kể về những nỗi khổ đau, những tệ bạc mà người thân đối xử với chị trong quá khứ với vẻ mặt điềm tĩnh lạ lùng, cũng không hề rơi một giọt nước mắt. 

Chị nói, chị mang bầu tổng cộng bảy lần, chỉ giữ được đứa đầu và đứa cuối. Còn năm đứa chính giữa…, ít nhiều đều đã ra đi khi được năm sáu tháng. Trong đó có một lần, là do những bạo hành về tinh thần và xô đẩy của người chị chồng. Cái thai không còn cũng là lúc chị quyết tâm dứt áo, ra khỏi nhà chồng để hai vợ chồng ở riêng, gầy dựng lại sự nghiệp mới.

Thế nhưng, quyết định ra ở riêng của chị sau này khiến anh thương và nể phục. Anh chị vẫn trở về thăm mẹ chồng đều đặn, mẹ chồng vẫn yêu thương chị như chị yêu thương bà. Và khi người chị chồng bạc đãi chị ngày nào rơi vào cảnh cơ cực khốn quẫn không còn tiền để chạy chữa cho người con chị ấy bị bệnh hiểm nghèo, mẹ chồng ngại ngùng mở lời mong chị xuất ra một lượng vàng cho người chị chồng ấy mượn tạm. Chị nói, “Xin lỗi con không cho mượn, vì xét theo những gì chị ấy đã làm với con, con có quyền đối xử lại như vậy mà không ai có thể trách cứ gì con được”. Mẹ chồng và cả chị chồng đều bần thần, nín lặng.

Thế nhưng, chị lại nói tiếp: “Tuy vậy, con sẽ gửi tặng luôn chị ấy ba cây vàng, để chị lo lắng cho cháu”. Mẹ chồng và chị chồng đồng loạt ngỡ ngàng. Con trai lớn của chị – lúc nhỏ đã chứng kiến qua những bạc bẽo mà bà cô đối xử với mẹ mình, cậu nói, “Mẹ, vì sao người ta đối xử tệ với mẹ như vậy mà mẹ lại đối xử lại tử tế như vậy, có đáng không?” Chị nói với con trai, “Mẹ làm như vậy là vì mẹ nhớ lại, những ngày gia đình ta còn ở chung trong nhà bà nội. Hồi con còn nhỏ, có lần con bị bón, khóc khổ lắm, cô con đã là người đưa tay mà (xin lỗi) móc phân trong ruột con ra giúp con đi cầu lại được. Mẹ nhớ cái ơn ấy.”

Và chị nhìn mình, cười nhẹ như không, nói, với chị, nguyên tắc sống của chị luôn là câu mà chị luôn dạy các con của mình: “Ơn đền – Oán quên”.

Nghe có vẻ trái khoáy khỏi cái ‘nguyên tắc ứng xử’ phổ biến là “Ơn đền – Oán trả” quá phải không? Chị nói, khi người ta làm một chuyện gì tốt cho mình dù là nhỏ xíu, mình đều luôn phải ghi nhớ để có lúc nào có dịp thì báo đáp lại cho người ta gấp bội phần. Còn với những ai đã tạo oán cho mình, mình ghi nhớ trong lòng làm gì cho nó nặng nề uất ức. Quên đi cho rồi, để đầu óc mình còn trống, tâm trạng mình còn tốt để còn đi làm nhiều việc hữu ích khác, để còn có cơ hội đền ơn những người đáng quý khác.

Hiện giờ, chị là vợ của một trong những doanh nhân rất thành đạt ở TP.HCM. Anh xã chị tuy một miệng uy phong, trong tay nắm cả ngàn quân, vẫn hết lòng thương và nể, nghe lời khuyên của vợ. Các con trong nhà ngoan ngoãn, chí thú làm ăn. Con dâu hiếu thảo, các cháu đuề huề, ấm áp, thuận hòa.



Mình cứ ngồi ngẫm mãi về trường hợp của chị. Phải chăng, chính nhờ ‘câu thần chú’ mà chị nhất định theo đó, mà chị đã đạt đươc tất cả những điều có vẻ thập phần viên mãn này, mà ai ai đều ao ước? Cái nguyên lý có vẻ ngược đời đó, “Ơn đền – Oán quên” đã giúp chị phăng phăng vượt qua những ngày tháng thống khổ của một thời. Bởi, có lẽ thống khổ là cái ai chẳng có lúc phải vượt qua không ít thì nhiều, không dài thì ngắn, ở ‘cõi đời’ này. Kiểu gì cũng phải lội cho qua, vậy thì ai tìm ra được những cái ‘phao’ hữu hiệu thì nổi lên được mà bơi cho qua đến bến bờ bên kia, còn ai bị thù giận dìm xuống sẽ chìm nổi không biết ngày nào ngóc lên được trong bể khổ cuộc đời.
Nói đến đây lại tiếp tục nhớ đến một người phụ nữ khác, cũng từng làm mình sửng sốt không thôi. Ngày đó mình được gặp chị – là một bác sĩ khá thành đạt ở nước ngoài. Ở chị cũng có một sự điềm tĩnh và an lạc đến lạ lùng. Thân thân hơn một chút, chị kể, chị biết ơn mỗi nghịch cảnh mà cuộc đời đã đưa đến cho chị, vì nhờ vậy chị mới cảm nhận được những tình thương đặc biệt không theo lẽ thường! Chẳng hạn, lúc chị sinh ra đời, mẹ chị bỏ đi mất, và chị phải được một người phụ nữ ở hàng xóm cũng đang ở cữ nhân tiện cho ‘bú thép’ – tức bú nhờ. Mình lặng người nhìn chị, lòng xót xa thương cảm, nghĩ, ắt hẳn chị phải hận người mẹ chị lắm… Nhưng không, chị lại mỉm cười, nói nhờ hoàn cảnh như vậy chị mới biết ơn người phụ nữ hàng xóm đã cho chị bú thép ngày ấy, một tình thương bao la vì không ruột rà gì mà sẵn sàng cho đi những giọt sữa quý báu cho chị sống qua ngày.
Rồi chị lớn hơn… Tới bốn tuổi thì ba chị cũng đi lấy vợ khác, ông nội qua đời, chị không có ai nuôi, bèn được… đưa vô chùa! Những ngày sống như cành cây ngọn cỏ trong chùa, chị nào có cái gì làm vui, bèn… lấy việc đọc kinh – chú vãn sanh để cầu nguyện cho mấy con chuột, con gián bị chết làm thú vui ^^ Đọc riết thuộc, con gì chết chị cũng đọc cầu nguyện cho bọn chúng. Rồi lớn chút nữa, đâu có tiền đâu đi học, chị nhận lời đưa đứa nhỏ con nhà giàu trong xóm đi học, rồi sẵn đứng lấp ló ngoài cửa sổ để… học lóm. Đâu có tiền đâu mua tập vở, chị xé lá chuối, lấy mấy cành cây khô, quẹt chữ quẹt số lên đó, học dần…Vậy mà bạn tin không, cứ cái kiểu ‘học lóm – lá chuối làm tập que cây làm bút’ đó, chị đã… vượt qua được bốn năm! Tới năm thằng nhỏ trong xóm lên lớp Nhứt (tương đương lớp Năm bây giờ), cô giáo trong lớp đó phát hiện ra có con nhỏ sao cứ đứng lấp ló ngoài cửa sổ ngày này qua ngày khác, cô kêu nó vô, hỏi gì nó cũng trả lời được hết ráo! Cô thương quá, cô hỏi con có muốn chính thức vô lớp học không, nó bảo “Con không không có tiền”. Cô nói, “Cái đó để cô lo”. Và thế là với lòng thương của cô giáo lớp Nhứt, chị được vô ngồi học đàng hoàng cùng chúng bạn. Và chỉ sau một thời gian ngắn, chị… leo lên đứng hạng nhất lớp! Rồi cùng cái cách đó, lớn hơn chút chị đi bán báo cho các quân nhân nước ngoài ở các khu căn cứ quân sự rồi tranh thủ học tiếng Anh và tích lũy tiền để đi học tiếp những năm trên… Và chị đậu Y khoa, ra trường, làm nha sĩ. Rồi cuộc đời đẩy đưa… cũng trôi nổi, bầm dập không thua gì một kẻ ‘xui xẻo’ nhất, chị rốt cục định cư ở nước ngoài, … học tiếp một bằng tiến sĩ y khoa khác của đại học danh tiếng Standford, và bây giờ, trở thành một bác sĩ nổi tiếng chuyên điều trị bằng năng lượng và tinh thần!

Những con người như vậy, thực sự có một năng lượng tích cực mãnh liệt mà bất cứ ai ở gần, hoặc trò chuyện với đều được ‘lan tỏa’ lây năng lượng lành này. Và ở họ, bạn sẽ học được vô số điều hữu ích và quý giá, mà những câu chuyện hôm nay mình trích ra kể chỉ mới là những lát cắt nhỏ. Chị bác sĩ trong câu chuyện thứ hai là một Phật tử, còn chị vợ doanh nhân thành đạt trong câu chuyện thứ nhất theo đạo Công giáo. Cả hai chị đều có một điểm chung nổi bật nhìn thấy ngay, là trong con người các chị không có chỗ cho năng lượng xấu của sự thù hận, mà tràn ngập năng lượng tích cực, lạc quan của sự biết ơn và yêu thương!

Tự nhiên nghĩ, thấy cảm nhận của mình thêm một lần nữa được xác định. Rằng mặc cho câu chữ hay các khái niệm gọi tên có thể khác nhau, thế nhưng tôn giáo chính đáng nào cũng đưa con người ta về với những giá trị cốt lõi thống nhất: buông bỏ hận thù, khai khởi lòng biết ơn và tình thương yêu vạn vật quanh mình. Và dường như đó cũng chính là những chìa khóa vạn năng để con người ta khóa lại những cánh cửa đau thương thống hận sau lưng mà đường hoàng mở ra những cánh cửa bước vào thế giới của sự an lạc và bình yên!

Lại nghĩ đến câu chuyện về người khách tour Yên mang nỗi hận thù mẹ mình hôm trước, người mà đã từ chị mà khởi ra duyên cho cả cuộc ngồi lại đọc Lương Hoàng Sám – Tha thứ để Bình yên vừa rồi đó… Sau rất nhiều điều chị đã rất hợp tác cùng chúng mình thực hiện, như ngồi lại buông xả và tha thứ…, tới hôm nay chị nói có lẽ tụi mình đã thành công với trường hợp ‘chữa lành’ cho chị rồi. Chị nói, “Chị đã không còn thấy hận mẹ chị như trước đây nữa. Tết này chị sẽ về thăm mẹ chị…, điều mà sau gần một đời người không dám nghĩ đến….”

Tụi mình vui trong bụng! Thế là lại mon men đưa ra tiếp một đề nghị ‘lớn mật’. Chị đang thu xếp để cùng đi Ấn Độ với tụi mình đợt tháng 12 này. Mình nhắn, “Chị, có bao giờ chị nghĩ đến việc đưa mẹ chị đi chuyến Ấn Độ cùng chị không?” ^^

Thiệt ra ý tưởng ‘táo bạo’ này không phải mình tự nghĩ ra, mà là ý anh xã mình. Mình có thói quen hay kể cho anh xã mình nghe mọi chuyện trên trời dưới biển xảy ra với mình mỗi ngày. Tới bữa anh xã nghe mình kể về chuyến Yên Đà Lạt vừa rồi và những cái duyên đưa đẩy tụi mình tới với cuộc lớn Yên – Tha thứ để Bình yên ấy, ảnh ngẫm ngẫm một hồi rồi nói: “Nếu chị ấy chịu đưa mẹ chị ấy cùng đi chuyến Ấn, mà ở đó hai mẹ con được cộng hưởng cùng năng lượng của nhiều người khác và của đất linh, rồi được nghe kinh đọc kinh và ngẫm ngợi… Dám về hai người bỏ qua được hết chướng mắc mà thương nhau bù lại những tháng ngày giằn vặt lẫn nhau đã qua lắm à!” 🙂

Lời đề nghị táo bạo, nhưng không phải là không có lý. Mình ngẫm tới ngẫm lui, thấy mẹ chị ấy thật ra cũng là một người đáng thương hơn đáng giận. Vì bà vô minh, không được nghe, được tiếp cận với những suy nghĩ đúng và không được đặt vào môi trường nhiều tình yêu thương và từ bi, nên cái Ngã của bà nó bị phát triển vặn vẹo. Để rồi từ đó bà hành khổ nhiều người khác trong đó có chính những đứa con gái của bà khiến đời sống của các con cũng bị vặn vẹo méo mó…, mà chính cũng bà cũng không được hạnh phúc hay mang phước báu về cho mình. Mà, ngẫm xem, cây nghiêng hướng nào, khi đổ sẽ ngã về hướng đó. Cứ giữ vô minh như vậy, mai mốt tới ngày nằm xuống bà phải trả nhiều nghiệp báo biết bao… Mình khuyên chị, nếu bỏ qua cho bà, chị đã Thiện Hành chữ Nhẫn rồi! Trong Lương Hoàng Sám có nói: Hạnh Nhẫn là hạnh lớn lao cao cả, ví như muốn vượt biển lớn phải nương ghe thuyền… Nếu chị mà ‘chở’ được mẹ chị vượt qua được cái vô minh này, để bà có một cơ hội mà được gần với kinh Phật, gần với những duy nghĩ đúng và năng lượng lành, của cộng hưởng yêu thương trong năm sáu ngày, mình tin về bà sẽ thay đổi! Mà chị cũng sẽ thực sự tạo nhiều phước báo, vì chị đã cứu được chính mẹ chị à!

Mình cũng nói với chị, mình biết, với chị điều này không hề dễ dàng, nhưng chẳng phải mọi cái đều có thể biến chuyển một khi một niệm nổi lên trong đầu ta sao? Chị cứ chậm chậm và cẩn thận suy nghĩ. Mà, nếu chị thấy quá khó để phải ở gần mẹ chị trong suốt hành trình, tụi mình có thể thu xếp cho bà ở cùng một cô cùng chặng tuổi khác – một người nào đó có năng lượng thật tích cực, đủ để rủ rỉ ‘cảm hoá’ bà trong suốt mấy ngày 🙂

Mình lấy ‘ví dụ’ ngay, rằng trong chuyến Tứ Động Tâm vừa rồi có một chị khách đưa theo má chồng cùng đi. Bà là một mẹ chồng Bắc chính cống, người khó tính, cũng không có thói quen giao tiếp với mọi người, nên một – hai ngày đầu, gương mặt bà… khó đăm đăm hà! Vậy mà bước qua ngày thứ ba trở đi là bắt đầu bà có chuyển biến, và cho tới ngày về là mặt bà tươi cười dễ thương thôi rồi luôn, còn hẹn mình là “Rồi cô sẽ tiếp tục vào đi cùng con” nữa chớ! Vì vậy, những chuyến đi dài cùng nhau có giá trị lớn lắm, năng lượng cộng hưởng khi được ở gần những người có năng lượng tích cực cũng có tác động ‘được lan tỏa’ diệu kỳ, ở trên mình có đề cập qua rồi đó!

Thực sự, cái gì khó mà mình cố gắng bước cho qua mà làm được, thì phước báu mình tích được sẽ tăng gấp n lần những điều ‘thuận lý thành chương’, tức những điều dễ dàng thuận lợi. Nhất là thay đổi ý niệm trong đầu mình, từ chỗ ‘thôi không hận nữa’ chuyển sang ‘thương yêu, cứu giúp’ mẹ mình, hẳn là điều phước báu vô lượng. Bởi, nói gì đi nữa, dù sao ta cũng phải mang ơn công mẹ ta mang nặng đẻ đau ra ta rồi…, phải không?

Có lẽ mình may mắn, nên trong những hoạt động mỗi ngày mình làm, những nơi mình đi, những người mình gặp, thi thoảng lại gặp được những người như vậy, lảy ra được bao nhiêu bài học quý như vậy. Nay mình tặng lại các bạn, những người bạn trang mình, với hy vọng các bạn cũng sẽ phần nào cảm thụ được sự thần diệu của câu thần chú “Ơn đền – Oán quên”. Để rồi các bạn cũng sẽ ít nhiều áp được nguyên lý này vào cuộc sống ít nhiều nỗi thăng trầm của chính mình, để chính các bạn cũng sẽ đạt được những thành tựu trong cuộc sống giống như họ, và quan trọng hơn, chạm được sự an yên trong cuộc sống, giống như họ!

(21.11.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart