THA THỨ MỘT NGƯỜI

>
>
THA THỨ MỘT NGƯỜI

Cái hồi mình viết bài Thương một người trong cuốn Yên, lúc ấy mình viết từ trường hợp của một cô gái trẻ gửi vào hộp thư riêng trang mình, một câu hỏi ngắn ngủn mà thật là lạnh lẽo: “Chị ơi, làm sao thôi hận một người?”

Lúc ấy mình nghĩ, chắc là ở trên đời, hận nhất có lẽ là hận vì tình. Thế nên, bài viết lần ấy, chủ yếu mình khuyên nhủ mọi người theo hướng buông bỏ nỗi hận tình, hoặc hận bị người hại… Vì thế, có chút bất ngờ lẫn sững sờ khi một ngày nọ, trong một chuyến tour Yên, phát hiện ra trong đoàn khách đi cùng có đến hai chị mang cảm giác hận sâu sắc một người…, mà người đó lại không phải là người yêu hay chồng họ. Mà chính là người mẹ ruột đã sinh ra họ.

Người mẹ dường như thường được mặc định mang tình mẫu tử bao la và hy sinh vô bờ bến, cái này dường như ai cũng biết. Thay lời muốn nói mỗi lần mở chủ đề Mẹ đều ngập trong những cánh thư chan chứa yêu thương của con cái kể về mẹ, dễ khiến cho người ta có cảm giác rằng, Mẹ là một đấng thiêng liêng mà con cái mặc định sẽ kính yêu, hoặc chí ít ra, cũng giữ một sự kính trọng nhất định. Vậy mà, hôm đó, người phụ nữ ấy ngồi trước chúng mình, vẻ cứng cỏi như vẫn cứng cỏi suốt từ ngày đầu tiên tụi mình gặp chị đến nay. Người phụ nữ quyền lực, thành đạt, có vẻ không hề thiếu thốn gì về vật chất ấy bỗng đôi mắt vụt đỏ hoe, giọng nghẹn lại: “Chị hận mẹ chị!”

Một người mẹ như thế nào để khiến con có thể nuôi lòng hận thù đến như vậy? Những chia sẻ vụn vặt giữa những chặng hành trình cho biết, mẹ chị là một phụ nữ theo kiểu bà mẹ Bắc xưa, còn nặng về trọng nam khinh nữ. Bà dồn hết tình yêu thương vào cậu con trai và dường như bỏ mặc hoàn toàn các cô con gái còn lại trong nhà, khiến cho các cô con gái – vốn sinh trưởng trong một gia đình quyền quý vẫn đầy mặc cảm tự ti và cay đắng. Một bà mẹ sẵn sàng chạy đến nhà người con trai mà con gái bà đang ‘để ý’, mắng nhiếc sỉ vả gia đình người ta, cho đến nỗi họ phải bắt con trai họ đi cưới vợ gấp để ‘hả giận’. Cô con gái bị sốc, cố gắng tìm một người con trai khác để lấy đại, ‘đáp lễ’ với cú sốc này. Để cho vài chục năm sau, cuộc sống hôn nhân có không trọn vẹn đi nữa, chị thà chọn cuộc sống cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình, quạnh quẽ trong chính sự thành công và quyền lực của mình chứ không tách bạch rõ ràng chấm dứt mối quan hệ đã từ lâu lạnh lẽo với chồng, chỉ để chứng mình cho mẹ chị thấy mẹ chị sai rồi. Là vì hồi đó quyết định lấy đại người ấy, chị cũng từng vấp phải cơn chống đối dữ dội của mẹ chị. Rằng “Thằng đó cũng chỉ nhào vài lợi dụng mày thôi.” Rằng “Nó có bỏ mày, nhà này cũng không chất chứa mày về đâu nhé…”

Mẹ của một chị khách khác lại trong một tình huống khác. Ba chị qua đời lúc chị mới lên sáu bảy tuổi, là chị cả của hai đứa em nữa. Mẹ chị rốt cục bỏ ba đứa con để đi lấy chồng khác. Ba chị em tự nheo nhóc nơm nhau, rồi được một vị ni cô thương tình dắt díu nhau đưa về một vùng quê xa lạ để chăm sóc nuôi dưỡng. Lớn lên, chị may mắn gặp được nhà chồng thương yêu. Má chồng thấy chị hiền lành dễ thương, dần thương chị như thương con gái ruột. Và từ từ, chị mới lấy lại được niềm vui trong cuộc sống, nhưng cũng chỉ mới vài năm trở lại đây chị mới tạm gọi là buông xuống nỗi hận người mẹ đẻ ra mình…

Thấy xót xa. Mà, cả hai chị mình kể ở trên đều tuổi đời không còn trẻ. Rốt cục mối hận này đã được họ hun đúc suốt bao năm, trước khi một chị phần nào đã buông xuống được, một chị vẫn còn đó nỗi hận thù?

Mình ngồi ngẫm nghĩ mãi về trường hợp của hai chị gái này. Thấy, ở chị gái đã buông xuống được phần nào, chị ấy có vẻ đang sống nhẹ nhàng hơn chị gái kia. Vậy thì, phải chăng, chính cái sự buông xuống không được nỗi hận thù đối với người lẽ ra ta yêu kính nhất đời này đã làm chị chết luôn cả cảm xúc tích cực về mọi điều khác mà lẽ ra chị đáng được hưởng?

Cái hình chụp mình đang chuẩn bị thổi bay đi những cánh hoa bồ công anh trong chuyến Yên gần nhất. Ừ, tất cả rồi cũng sẽ bay đi hết, nhẹ tênh ấy mà, còn lại gì đâu kể cả nỗi hận thù.

Khi mình khuyên chị nên buông xuống giận hờn đối với mẹ để sống vui vẻ hơn, chị bảo, bây giờ chị đối với mẹ bình thường. “Bình thường”, có nghĩa là chị không cãi không nháo gì với mẹ, nhưng đồ ăn mẹ chị làm kêu xe ôm gửi sang thì chị kêu xe chở trả về. Mỗi năm chỉ về nhà mẹ một lần cho có lễ. Và không có nhu cầu chia sẻ qua lại gì.

Mình nói với chị, không, chị đang không “bình thường”, chị đang không ổn. Phần lý trí trong con người chị lên tiếng với chị rằng chị không sao, nhưng thực tế bằng vô thức chị cảm nhận rõ, chị đang rất ‘có sao’, và mọi thứ khi đã đi một bước sai sẽ dẫn đến hàng loạt những điều sai khác, như những con cờ domino xếp dọc sát bên nhau bị đổ thì đổ hàng loạt. Chị lại nói, tất cả đã quá muộn rồi. Mình nói với chị, không bao giờ là quá muộn. Thậm chí, có thể chị không tự nhận ra đâu. Thế nhưng nội chỉ việc chị tìm đến tour Yên với chúng mình – mặc dù chị có thể có lý do ‘chính đáng’ khác, đã cho thấy vô thức chị đã khát khao ‘mổ xẻ’ nỗi đau này, khát khao được giải thoát khỏi vết thương lòng sâu đậm này.

Bởi vì, có lẽ chính chị cũng biết, cũng theo nguyên lý trị bệnh phải trị từ tận gốc. Tất cả những nỗi khổ hoặc chai sạn cảm xúc mà đang trải qua bây giờ, chỉ có thể chấm dứt từ việc chị có chấp nhận tha thứ cho con người từng gây ra hàng loạt những nỗi đau khổ đầu tiên mang tính dây chuyền dẫn đến mọi đau khổ của chị sau này, chính là mẹ chị hay không.

Thật ra, tha thứ cho một người có dễ dàng gì đâu, mình biết.

Khi cứ mỗi lần nghĩ đến là mỗi lần tim ứa đau, miệng lại trào ra toàn những ký ức cay đắng cùng đau đớn. Ừ, thôi có thể lòng tự dối lòng rằng không thèm để ý nữa. Nhưng, cái “không thèm để ý đến nữa” đó, nó vẫn là thứ cảm xúc thụ động, chết lặng, là kiểu tự tiêm cho mình liều thuốc tê để chỗ đau ấy tê dại đi, để không còn cảm thấy đau nữa.

Thế nhưng, cái chỗ cảm thấy không còn đau nữa đó, nó có mất đi không? Không hề, vẫn còn ở đó. Vẫn là một ‘khối u ác tính’ giả bộ nằm im, nhưng chỉ một cái khẽ chạm nhẹ vào thôi, cũng sẽ bong da, tróc vẩy, máu chảy đầm đìa. Huống hồ, người mà ta thừa nhận là “hận” đó lại là người có ràng buộc máu mủ ruột rà với ta, người mà bằng pháp lý ta sẽ không bao giờ rũ bỏ được mối liên hệ.

Mình cứ nhớ hoài câu nói của một vị thầy mà mình nghe được từ bản audio, những ngày nằm lắc lư trên xe bus xuyên đường Ấn Độ. Vị ấy bảo, “Chúng sinh hữu tình – tức có lúc vui lúc buồn, lúc tốt lúc xấu, nên mới cần chúng ta dùng lòng thương mà làm thay đổi họ. Chứ tự thân họ đã tốt đã đáng yêu sẵn rồi thì cần ta làm gì.” Ừ, với một số chúng sinh, càng đặc biệt cần dùng lòng thương vượt ngưỡng giới hạn bình thường.

Huống hồ, như mình đã nói, tất cả chúng ta trên thế gian này đều không thể thoát khỏi sự kết nối với nhau. Ta tha thứ cho người, có nghĩa là ta ân xá cho bản thân ta trước tiên. Cắt cả khối u ác tính khỏi tâm hồn ta, bạn có bao giờ tưởng tượng bạn sẽ nhẹ nhàng đến mức nào không? Cả cuộc đời bạn, vui cũng sống một đời mà buồn cũng là một đời. Chỉ sợ có những giông bão bên ngoài kéo đến còn vất vả chống chọi, chứ còn thứ bão tố nội tâm, một khi ta đã nhìn ra cốt lõi vấn đề, chỉ cần xác định tâm lý, ta có muốn tha thứ cho người đó hay không.

Mình nói với chị, tha thứ cho một người thật ra cũng không quá khó như ta tưởng. Vấn đề khó nhất là ta có sẵn sàng chấp nhận cho việc đó xảy ra hay không.

Mình nhớ hồi đó, một cậu em thương thiết trong team bị vấp ngã với mối tình đầu. Người yêu dấu của nó bắt cá hai tay, rồi rốt cục quay về với người yêu cũ. Những ngày đó, nhìn nó quặt quà quặt quẹo khóc rồi ủ rũ, tụi mình xót cả ruột. Rồi nó… đi coi bói. Bà thầy bói này chắc là nhà tâm lý học nè, bà bảo cách tốt nhất để cậu sống dậy được là… thật tâm tự niệm trong lòng lời chúc phúc cho hai người đó. Cái gì? Con người mà mình đang hận thấu xương cộng thêm cái kẻ mình ghét cay ghét đắng, làm sao mở miệng ra mà nói lời chúc phúc cho hai con người đó! Cậu em mình không cam lòng, nên nó… không thèm làm theo lời bà thầy bói chỉ.

Không nói, và nó tiếp tục chìm đắm trong đau khổ. Rồi đến một ngày, nó tự cảm thấy nó không thể nó lay lắt hoài trong tình trạng này được. Nó tự nhủ thầm, thôi kệ miệng mình cứ nói, giả tạo cũng được. Rồi nó lẩm bẩm mấy câu chúc phúc. Sang ngày hôm sau, lời chúc phúc ‘giả tạo’ kia thoát ra khỏi miệng có vẻ hơi thuận miệng hơn một chút.

Sang ngày hôm sau, nó lặp lại lời chúc phúc kia nữa, càng cảm thấy dễ mở miệng ra nói hơn một chút nữa rồi…

Cho đến một ngày, nó phát hiện ra nó đã đọc câu chúc phúc kia một cách rất bình thường, thì trong lòng nó, dường như nỗi đau kia đã phai nhạt đi ít nhiều rồi. Để rồi thêm một ít thời gian nữa, nó có người thương mới, người vẫn gắn bó với nó cho đến hiện tại.

Mình nhớ, cái hồi đi tìm lời giải thích nào thoả đáng cho sự căm hận, thù ghét nhau sâu sắc giữa một người với một người, hồi đó làm chủ đề trò chuyện Làm sao thương được mẹ chồng đó, mình từng đọc được trong một cuốn kinh, rằng chúng sanh sinh ra làm thân bằng quyến thuộc của nhau nhiều phần là vì họ từng là những “oan gia trái chủ” của nhau từ nhiều vòng đời kiếp trước. Hai người oán nhau, nếu đặt ở xa nhau thì làm sao báo oán lẫn nhau được? Vì thế, được đặt gần bên nhau, để mà hành hạ nhau cho dễ. Cũng vì vậy, mà bao nhiêu điều khổ đến không thể giải thích được vẫn cứ điềm nhiên xảy ra. Không làm khổ tâm thì hành khổ thân. Mà nào giờ, phổ biến là con cái làm khổ cha mẹ, giờ lại là mẹ làm khổ đời con cái rồi…

Vậy thì, cách duy nhất có thể dần dần thoát khỏi sự ‘trả oán’ này chính là thành tâm sám hối cho những điều có thể ta đã gây ra cho người kia từ đời kiếp nào đó. Xin lỗi họ. Và không ngờ, cái cách bà thầy bói từng bày cho cậu em trong team chính là một trong những cách ‘tự ám thị’ để giải đi những oan kết này đây. Và nó đã hiệu quả.

Vậy thì, trong những lúc lòng ta không nguôi đau đớn vì nỗi hận một người – ruột thịt hoặc thân bằng quyến thuộc mà ta không thể từ bỏ, hãy nghĩ đến việc tập tha thứ cho người ấy. Những ai theo đạo Phật có thể tìm đọc nhẹ nhàng một vài hồi kinh trong quyển 5 cuốn Lương Hoàng Sám. Đây là một phần trong bộ kinh sám hối mà tương truyền rằng ngày xưa vua Lương từng nhờ các vị cao tăng soạn ra để cứu vợ ông thoát khỏi nghiệp chướng đến đòi. Những ai không phải Phật tử, hãy thử hát theo bài hát Ho’Oponopono mà mình đã nhiều lần chia sẻ với mọi người đó. Đó là phương pháp thiền của người Hawaii cổ, chỉ gồm có 4 câu vô cùng giản đơn mà ‘thần thánh’:

I’m sorry.
Please forgive me.
I thank you.
And I love you.

Bốn câu giản dị thôi, bạn cứ nghe đi nghe lại và hát theo mỗi ngày đi. Mỗi khi hát, trong đầu bạn hãy nghĩ đến con người đó, con người mà bạn cảm thấy không thể nào tha thứ được đó. Bạn có thể thoạt đầu tự lừa mình một chút cũng được, kiểu “Thôi kệ, ta chỉ hát và giả bộ đọc cái tên thôi, đâu phải ta sẵn sàng tha thứ thật đâu mà sợ.” Cứ dùng cái đầu lý tính của bạn làm quen trước đã. Rồi từ từ, theo đúng tác động của sự tự ám thị, tâm hồn bạn cũng sẽ dần dịch chuyển. Bạn sẽ không ngờ đâu!

Vấn đề cuối cùng: bạn đã sẵn sàng để cắt bỏ khối u ác tính trong tâm hồn bạn, để sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới của đời sống, nơi chan hoà yêu thương của rất nhiều mối dây oan kết – một khi đã được gỡ bỏ nút thắt siết ở gốc, sẽ dần dần được nới ra, và thông suốt. Bạn không yêu mến cuộc sống nhẹ nhõm, bình yên như vậy sao? Bạn không thèm mong cảm giác mỗi ngày mở mắt ra là đón mặt trời lên, cuối ngày về tắt đèn đi ngủ trong sự thanh thản vì đã không còn gánh nặng đeo đẳng sao?

Mình tin là bạn thèm mong điều đó. Vậy, hãy mạnh dạn cho mình một cơ hội đi bạn. Hãy tha thứ một người. Bạn làm được, phải không? 🙂

(5.11.2018 – QH)

+ Link bài Ho’Oponopono Song, dành cho bạn nào chưa tìm được bài này:
https://youtu.be/7Qoq75-DQm4

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart