DU HỌC ANH BẬC TRUNG HỌC

>
>
DU HỌC ANH BẬC TRUNG HỌC

Hổm rày, biết Tin Nhái sắp sang du học tại Anh, không ít bạn đã tỏ ý nhờ mình chia sẻ những điều mình biết hoặc có kinh nghiệm về việc này để các bạn tham khảo. Vậy hôm nay nhân mình còn nhớ tới đâu sẽ viết ngay tới đó, nhe.

Có điều này phải thưa từ đầu, Tin Nhái nhà mình du học ở Anh hoàn toàn là vì… ảnh quá yêu nước Anh, và chọn Oxford là vì trường mà ảnh hay theo học các đợt du học hè trước đây, đào tạo dài hạn thì chỉ có hai cơ sở ở Anh: một ở Oxford một ở một thành phố biển ở phía Tây Nam, và Oxford có vẻ yên tĩnh trầm lắng hơn, nên Tin chọn, vậy thôi chứ chẳng phải qua tiêu chí gì lớn lao cho cam.

Thêm nữa, việc tụi mình chọn trường mà Tin sắp theo học thực sự cũng là do duyên đẩy đưa chứ không phải qua nghiên cứu sàng lọc cân nhắc so đo gì cả, nên có thể đây không phải là chọn lựa tốt duy nhất, nhà mình chỉ đọc tham khảo rồi có thể nghiên cứu thêm một số trường khác tương tự nhe.



Cơ duyên bắt đầu từ khi tụi mình cho Tin đi du học hè lần đầu tiên, là nghe theo lời rủ của chị gái mình, cho Tin đi theo các anh họ cho Tin quen dần với việc đi học xa một mình. Năm đó sang Mỹ. Rồi từ lần đầu đi học thấy ổn, năm sau, năm sau nữa lại tiếp tục cho con đi học hè với cùng một trường này cho chắc ăn. Rồi từ sự chắc ăn, thôi chọn luôn trường này gửi con đi học luôn hai năm cuối phổ thông, cũng… để giảm thiểu rủi ro thử lại chỗ khác. Thực sự tụi mình không có dịp để đi thử qua các trường khác, nên những lời khuyên đầu tiên của mình nếu các bạn nào muốn cho con đi du học nước ngoài là:

1/ Trước khi cho con đi du học hẳn dài hạn, hãy cho con thử qua vài kỳ du học hè, ở một số nước khác nhau mà con có thể thích, và tùy theo khả năng tài chính của bạn. Sau đó ‘giáp mí’ lại, xem rốt cục con thích môi trường nơi nào nhất thì đặt ưu tiên cho nơi đó.

Ví dụ: mình cho Tin đi ba lần du học hè, đợt đầu ở California (Mỹ), năm kế tiếp ở Cambridge (Anh), năm sau con trai muốn thử quay lại Mỹ (New York). Sau đó kết luận: con vẫn thích môi trường yên tĩnh ở nước Anh hơn. Rồi, ưu tiên tìm hướng cho con sang Anh vậy.

2/ Mỗi kỳ du học hè, bạn nên tìm một trường hoặc cơ sở du học hè khác nhau để có dịp thử so sánh đánh giá chất lượng của các trường, ưu điểm riêng của mỗi cơ sở (chi phí, điều kiện chăm sóc, giáo trình…) Điều này rút kinh nghiệm từ trường hợp của Tin, cả 3 năm đều đăng ký ở một trường mà mình đã thấy tốt, chỉ đổi địa điểm đi học. Giáo trình của cả hệ thống trường này thì giống hệt nhau trong cùng cấp độ trên toàn thế giới, vì vậy trong 3 năm Tin… học đi học lại cùng một giáo trình. Tuy đây cũng chỉ là một phần trong lịch hoạt động hè, vì bên cạnh học theo giáo trình, các bạn mỗi nơi sẽ có lịch tham quan hay hoạt động ngoại khóa khác nhau, nhưng đây cũng là một giới hạn không nhỏ cho sự khám phá mới mẻ của các năm. Và bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên đặt yêu cầu là con bạn cần được học trong một lớp có không quá nhiều số học sinh đến từ cùng nước mình. Vì như trường hợp của Tin, hai năm đầu rất tốt, sau một kỳ du học hè con dạn dĩ lên thấy rõ, quen thêm nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng sang năm thứ ba lớp con học đến 90% là học sinh từ Việt Nam sang, thế là lớp du học hè bỗng nhiều lúc trở thành… lớp học Việt Nam tổ chức tại Mỹ, do các bạn… lười trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh như yêu cầu!

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy ưu tiên chọn khóa học hè nào cho ở dạng homestay (cùng ở lại nhà người bản xứ). Điều này mình sẽ có dịp nhắc lại ở phần sau của bài, tuy vậy, trong khuôn khổ du học hè, mình khuyến khích các bạn chọn cho con ở homestay, vì đàng nào cũng chỉ có một tháng, con nên tận dụng cơ hội để học sống thích nghi trong một ngôi nhà lạ, học những thói quen sinh hoạt trong một thành phố lạ như cách đón xe bus để đến trường, cách giao tiếp, làm quen với n người dân địa phương trên đường con đi học mỗi ngày…

Rồi, bây giờ nói đến chuyện chính. Khi mình tỏ ý muốn cho con đi du học ở Anh từ bậc phổ thông, trường tụi mình tiếp xúc khuyên chúng mình cho con đi học ngay từ đầu lớp 10, để con có được hẳn một năm chuẩn bị và thích nghi trước khi bước vào chặng quan trọng trước khi vào đại học theo hệ thống giáo dục ở Anh. Tuy vậy, tụi mình cân nhắc kỹ, thấy chặng tuổi 16, con vẫn nên tiếp tục ở gần để được cha mẹ bảo ban, dạy dỗ cho cứng cáp. Rồi hết lớp 10, con bắt đầu du học là vừa đẹp.

Ở Anh, học sinh chỉ học hết lớp 11, sau đó sẽ chọn khối và tập trung học 4 môn bạn chọn, gọi là A Level. Các học sinh quốc tế nếu muốn chọn học tại Anh giai đoạn này cũng có thể chọn theo nhánh A Level, hoặc theo một hướng khác: IB – International Baccalaureate (Tú tài Quốc tế).

+ Nếu theo A Level: lợi thế rất lớn là con bạn sẽ không mất sức vì các môn không liên quan, mà chỉ cần tập trung vào 4 môn quan trọng nhất mà con bạn đã chọn. Bất lợi là con bạn sẽ không thể đủ thời gian để ‘xé nháp làm lại’ nếu con bạn muốn đổi ý chọn môn khác hay ngành khác.

+ Nếu bạn theo IB: con bạn sẽ chọn 6 môn trong 6 nhóm, dựa trên sở thích của con bạn và ngành con bạn chọn. Trong đó, sẽ cần 3 môn ở mức ‘Tiêu chuẩn’ (Standard Level) và 3 môn nâng cao (Higher Level), trong đó, cần để ý có môn ngôn ngữ mẹ đẻ. Nếu con bạn đến từ Việt Nam, môn này giống như môn Ngữ văn con học ở trường phổ thông, và thường được để ở chế độ Self-Taught (Tự học). Nghĩa là con bạn tự học kiểu gì thì học, miễn sao cuối năm 2, con phải vượt qua cho được kỳ thi do một giáo viên người Việt ra đề, ở một trình độ tương đương. Điều này với các bạn học trường công trong nước hay trường dạng ‘bán quốc tế’ (vẫn học theo hệ thống của Bộ Giáo dục – Đào tạo, kết hợp với phương pháp giảng dạy năng động theo phong cách quốc tế) giống như trường Đinh Thiện Lý của Tin thì tốt, nhưng với các bạn học theo trường quốc tế hẳn ở VN thì hơi mệt. Như một bạn học trước Tin một năm tại trường này ở Oxford thừa nhận, ở bậc trung học bạn theo học trường quốc tế nên đã không còn học môn văn học Việt Nam, vì thế hiện giờ bạn đang ‘chiến đấu’ với môn này khá vất vả.

Điều quan trọng nữa là bạn cần trao đổi với con để chọn được 6 môn này càng sớm càng có lợi, dựa trên ngành học mà con dự định sẽ chọn trong tương lai. Các thầy cô ở trường cũng sẽ hỗ trợ con bạn chọn môn học, và nếu con bạn dự định sẽ tiếp tục xin vào một trường đại học tại Anh, các trường sẽ không có các kỳ thi tuyển riêng mà sẽ dựa vào tổng điểm các môn mà họ yêu cầu, nhé. Tốt nhất là chọn sẵn một số trường đại học có ngành mà con bạn chọn, trong đó họ yêu cầu điểm những môn gì môn gì…, coi coi những môn đó con mình học có nổi không, rồi chọn luôn, nha.

Vậy, thoạt nhìn, IB Level có vẻ yêu cầu nhiều môn hơn, lại còn phải đòi hỏi phải có điểm CAS (Creativity – Activity – Service), tức điểm hoạt động sáng tạo, cộng đồng. Tuy vậy nhánh này lại linh động hơn, cho phép học sinh được điều chỉnh sau một thời gian thử thâm nhập vào các môn. Điểm CAS cũng khiến cách con trở thành những con người năng động, sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Và một ưu điểm nữa của IB: sau hai năm này, nếu con bạn muốn đổi ý và chuyển sang tiếp tục bậc đại học tại một nước khác, điểm IB này cũng có thể áp dụng tại nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.

Một năm học được chính thức bắt đầu từ đầu tháng 9, và học sinh sẽ có một tuần lễ để làm quen, thích nghi với các định hướng, quy củ của trường, để tuần lễ thứ hai của tháng 9, các môn học chính thức bắt đầu. Nếu theo học luôn dạng 2 năm này, chúng mình chọn cho con ở luôn khu ký túc xá trong trường (KTX- gọi là Residence). Phương án này hay hơn Homestay ở chỗ con bạn sẽ luôn được đặt dưới sự quản lý của các thầy cô hay đội ngũ các House Parent (không biết dịch chính xác cụm từ này thế nào, nôm na là các anh chị phụ trách từng khu nhà, 24/24 hoạt động, để đảm bảo con bạn được giúp đỡ ngay trong thời gian sớm nhất). Ở Residence, con bạn cũng sẽ không bị lệ thuộc vào độ tử tế, khó hay dễ chịu (vốn rất hên xui) của chủ nhà homestay, hoặc không mất thời giờ phải chạy tới chạy lui từ nhà đến trường mỗi ngày, để dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học, tự nghiên cứu. Tuy vậy, hãy ý thức rằng khi ở Residence, con bạn sẽ không có cách nào tự nấu ăn kiểu Việt cho đỡ thèm, vì thường các Residence chỉ có một chỗ nho nhỏ đặt lò vi sóng để học sinh hâm thức ăn tự có, chứ không cho phép dùng lửa nấu ăn tự do để giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn.

Nếu ở homestay, con bạn sẽ được nhà chủ cung cấp bữa ăn sáng và ăn tối, và là một chọn lựa duy nhất mỗi ngày. Ở KTX, ba bữa ăn đều được cung cấp tại các căng tin (gọi là Cafeteria) thường với khá nhiều món khác nhau để chọn lựa mỗi ngày. Tuy vậy, các món này cũng phần lớn là các món Anh, nên cũng không dễ ăn hoài mỗi ngày. Vì điểm này, các bạn Homestay thường tranh thủ mua thêm gạo hay các rau củ về nấu kiểu cơm Việt nếu các gia chủ dễ chịu, còn học sinh ở KTX thì chỉ có nước lâu lâu bắt xe bus đi ra trung tâm thành phố, kiếm một quán hay nhà hàng có nấu đồ Việt ăn đỡ. Ví dụ như ở trung tâm thành phố Oxford có nhà hàng Phở do một người Anh mua theo kiểu nhượng quyền (franchise), nấu cũng hao hao chứ không giống hẳn, giá khoảng 10 bảng/ tô phở. Tính theo thời giá ở Anh thì cũng không đắt không rẻ, nhưng so về tiền VND thì tô phở lên đến tầm… 400k, cũng hơi đau bụng ah 

Thông thường, với một học sinh du học bậc trung học, ngoài vé máy bay cho bản thân học sinh, tùy nhà trường sẽ có chế độ đài thọ thêm vé máy bay khứ hồi + 2 đêm lưu trú cho một phụ huynh đưa con sang. Tuy vậy, nếu bạn có điều kiện hơn một chút, có thể dùng suất này để đưa con bạn sang thăm trước cơ sở vật chất và gặp gỡ qua các thầy cô phụ trách chính ở trường, để đảm bảo bạn và con bạn thông suốt các vấn đề có liên quan và có thể phát sinh trong quá trình học tập. Như trường hợp của mình và Tin, tụi minh vốn đã xác định sẽ cho con sang học, tuy vậy vẫn muốn lắng nghe cảm giác của mình nên dành suất nhà trường đài thọ để đi ‘tiền trạm’, đổi lấy sự yên tâm và cả quyết tâm theo học đến nơi đến chốn của con.

Cũng đừng quá lo rằng con bạn sẽ đi học rồi là ‘một trời xa biền biệt’. Hiện giờ Vietnam Airlines đã có đường bay thẳng HCMC – London, bạn chỉ mua vé khứ hồi và ngồi máy bay một chặng 14 tiếng là đến sân bay Heathrow, và ngược lại. Giá vé dao động tùy mùa và tùy thời gian đặt vé sớm muộn, khoảng tầm 1.300USD khứ hồi. Con bạn cũng sẽ có tầm 4 lần nghỉ / năm, cụ thể gần nhất, sau khi mở năm học vào tháng 9, con có thể được quay trở về thăm nhà vào mùa nghỉ Giáng Sinh, tầm 3 tuần. Tuy vậy, các thầy cô cũng không mong con sẽ lục tục bay về đủ cả 4 kỳ này của năm, vì những chặng nghỉ dài, con vẫn có nhiều bài học, bài nghiên cứu để cần chuẩn bị. Vì thế, tụi mình cũng định sẽ chỉ cho con quay về lần đầu mùa Noel cho đỡ nhớ nhà giai đoạn đầu, sau đó là khuyến khích con thích nghi với những hoạt động tại nơi con ở. Nhà trường cũng thường hay có những hoạt động ngoại khóa cuối tuần để các học sinh tham gia, đã được tính luôn vào chi phí trọn gói, để học sinh vui chơi cũng có mà đôi khi còn là tính điểm CAS cũng có.

Học bậc trung học tại Anh, con bạn không được khuyến khích đi làm thêm ngoài giờ, mà thực tế cơ hội để làm thêm cũng không nhiều, nên thôi trước mắt khuyến khích con toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học, nhé.

Các vấn đề phát sinh có liên quan đến sức khỏe cũng sẽ được bao gồm trong học phí hàng năm, ngoại trừ… phí làm răng (thẩm mỹ), ahihi.

Học phí cho một năm học cũng dao động tùy từng năm học, như của Tin học năm nay, số tiền bằng bảng Anh cụ thể ra sao mình quên rồi, nhưng quy ra tiền VND thì xấp xỉ 1,2 -1,3 tỉ đồng/ năm, đã bao gồm phí ở KTX.

Và để con bạn có thể kịp nhập học vào đầu tháng 9 hàng năm, bạn cần chuẩn bị trước cả năm, cả về tâm lý cho con lẫn cho những người… thương con đứt ruột ở nhà, như ông – bà, các cô dì chú bác…  Sau đó, cần xúc tiến gặp gỡ đại diện bên trường ở VN càng sớm càng tốt, để được hướng dẫn các giấy tờ cần thiết. Visa sang Anh xin không dễ, đặc biệt là con bạn phải xin thời hạn 02 năm, và bạn cũng phải… xin luôn visa 2 năm để còn bay qua bay lại thăm con. Thường lần đầu, bạn sẽ chỉ xin được trong thời hạn 6 tháng. Nhưng sau đó, những lần sau có thể sẽ dễ dàng hơn.

Để xin visa lần đầu, bạn hơi cực với đủ các loại giấy tờ: hợp đồng lao động, giấy xác nhận đang làm việc tại đâu, xác nhận thu nhập 3 tháng gần nhất, xác nhận số tiền tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng, giấy chứng nhận chủ quyền tài sản (nhà, đất, xe cộ…), hôn thú, hộ khẩu, CMND, passport của cả cha lẫn mẹ…; Phần của con bạn, ngoại trừ passport và bảng điểm 2 năm gần nhất, còn có tất cả giấy khen bằng khen xác nhận thành tích… Tất cả giấy tờ này phải được dịch thuật sang tiếng Anh bởi một công ty dịch thuật hợp pháp. Và phải mất khoảng 3 tuần để visa được xét duyệt, nên bạn phải chủ động xúc tiến sớm để kịp mua vé máy bay nhe.

Để được cấp visa 2 năm học ở Anh, con bạn buộc phải đạt 6,5 chứng chỉ tiếng Anh IELTS do tổ chức UKVI đích thân sát hạch, chứ bạn đừng nghĩ con bạn thi IETLS ở cơ sở quốc tế nào thì cũng được xác nhận nhé.

Sang Anh, con bạn thì vô trường ở, bạn sẽ có thể thuê một dạng Guest House (cũng khá tinh tươm nhưng không gian bé hơn chuẩn khách sạn) ở gần trường con học, lưu lại vài ngày để đảm bảo con không gặp vấn đề gì tại trường rồi có thể ra về. Giá một phòng ở dạng 2 giường đơn tại Oxford khoảng 120 bảng/ đêm.

Rồi, trước mắt nhớ tới đâu chia sẻ đến đó, hy vọng giúp ích được cho các bạn nào cũng đang muốn cho con đi học ở Anh mà vẫn còn đang ‘bơi’ trong một nùi thông tin lờ mờ, giống như mình một năm trước  Sau đó, trong quá trình con thực sự theo học, ngẫm ra được gì thêm mình chia sẻ tiếp nhe.
(3.5.2018 – QH)

+ Tin Nhái nhà mình đi học theo hệ thống trường của EF Academy. Bạn có thể dễ dàng tra Google để tìm hiểu về hệ thống của trường này trên toàn cầu hoặc trụ sở của trường ở VN để tìm hiểu thêm nhé. Cá nhân mình đánh giá sau chuyến đến tham quan trường, là EF vận hành khá quy củ và đủ tin cậy, cơ sở vật chất tại Oxford cũng đủ đẹp và yên tĩnh, riêng tư để con tập trung học hành, không bị chia trí bởi những ‘thú vui’ bên ngoài. Tuy vậy, như mình đã nêu ngay từ đầu, tụi mình từ đầu cũng theo duyên mà ngẫu nhiên đến với EF rồi bén duyên luôn chứ không thông qua nghiên cứu nhiều hơn các trường khác nữa, nên tốt nhất các bạn cứ thong thả thu thập dữ liệu từ nhiều cơ sở khác nhau, rồi sau đó đối chiếu lại các dữ liệu mình đưa ra trên đây, để chọn ra được trường nào con bạn phù hợp nhất, cả về chuyên môn học tập lẫn điều kiện tài chính của các bạn, nhé.

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart