“TUỔI THƠ NHƯ CHIẾC GỐI ÊM, ÊM CHO TUỔI GIÀ ÚP MẶT…”
Hôm nay một bạn trẻ gửi vào hộp thư trang mình: “Chị ơi, trong bài hát Mẹ Tôi của chú Trần Tiến có câu “Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt…” Câu ấy nghĩa là gì vậy chị?” Các bạn Admin sau khi xin lỗi và mời bạn ấy tìm hiểu ở nguồn khác, thì chuyển câu hỏi qua mình.
Giữa những lu bu, mình nhìn câu hỏi mà mỉm cười. Ừ nhỉ, em này còn trẻ quá, bọn Admin nhà mình cũng còn trẻ quá. Các em chắc chưa thể hiểu nổi, một khi về già người ta có thể nghĩ hay cảm nhận thế nào.
Mình cũng không chắc khi anh Trần Tiến viết nên câu này anh ấy nghĩ thế nào. Tuy vậy, mỗi lần nghe ai hát tới câu này, cảm xúc trong lòng mình lại dâng lên dào dạt. Mình chưa chạm đến tuổi già, nhưng cũng lững thững trèo đi được một qua một quãng đường đời khá dài. Đủ để hiểu rằng một khi chân đã mỏi gối đã chồn, một người được gọi là ‘người già’ sẽ không còn gì chờ đợi ở trước mặt. Và lúc đó, những gì đã qua: những ngày hoa niên hồn nhiên vô tư lự, sống với mẹ với cha, hoà lẫn trong không gian vui tươi của xóm của làng, rồi buồn vui với bè bạn… Tất cả sẽ như những sợi bông gòn mềm mại, cuộn vào nhau dệt nên một “chiếc gối ký ức” êm ái mà người ta chỉ muốn vùi mặt mình vào, để chạm cái má răn reo nếp nhăn tuổi tác vào nó, để như được một lần lội ngược thời gian, được rón rén lẻn về cái thời kỳ đáng yêu ngập tràn kỳ vọng đó.
Em à, em chưa nghe người ta hay nói câu “Người trẻ sống với tương lai – Người già sống nhờ quá khứ” sao?
Bởi vậy, những ngày này khi ta còn trẻ, còn cả một tương lai rạng ngời trước mặt, hãy ráng làm sao để mai kia về già, sẽ có cả một trời quá khứ thật đẹp để ta nhớ về, sống nhờ nó, héng em
(13.9.2017 – QH)
Không có bình luận