ĐẤT PHẬT BODH GAYA Bài 1: CỘI BỒ ĐỀ Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

>
>
ĐẤT PHẬT BODH GAYA Bài 1: CỘI BỒ ĐỀ Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Trước hết phải nói trước là đừng cười mình tội nghiệp, vì mình thiệt là cũng… tồ lắm. Cảm thấy mình rất quý đạo Phật nhưng kiến thức về Phật pháp cứ lõm ba lõm bõm, kiểu hữu duyên thì cứ ít lâu lại được nạp vào thêm một ít, vậy đó, chẳng có hệ thống và cũng chỗ được chỗ mất. Và cũng vì kiểu như thế, mãi cách đây hai năm, nhân ra viếng Huyền Không Sơn Thượng ngoài Huế mới phát hiện ra đạo Phật thế nhưng có đến mấy nhánh. Ngoài Mật Tông ở Tây Tạng (mà mình nhận diện dễ dàng hơn qua hệ thống tượng Phật và các lối trang trí, các điện thờ… khác biệt), có hai phái mà người bình thường khó phân biệt được: phái Tiểu Thừa và phái Đại Thừa. Tiểu Thừa, là Phật Giáo Nguyên Thủy, thờ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, một con người có thật trong lịch sử, đã từng bỏ nhiều năm tháng đi tìm hiểu các triết lý cuộc đời và cuối cùng đã đắc đạo, truyền lại được nhiều vốn quý về tư tưởng cho nhiều thế hệ đệ tử đàng sau. Phái Đại Thừa thì bên cạnh Đức Thích Ca Mâu Ni còn thờ Đức A Di Đà, cùng rất nhiều chư vị Bồ Tát… (Dĩ nhiên còn rất nhiều sự khác biệt về bản chất giữa hai phái này, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, xin dừng lại ở điểm này cho dễ tập trung vào điểm chính).

Image may contain: 1 person, smiling, standing, sky, outdoor and nature

Điểm chính là, đâu khoảng một ngày sau khi mình về từ chuyến du lịch đầu năm đến ba vùng Đất Thánh của Thiên Chúa giáo, mình nhận được lời mời đi đến Đất Phật Bodh Gaya bằng… tin nhắn, từ anh Hùng của tập đoàn Sovico – HDBank – VietJetAir. Hơi sửng sốt, vì đi nước ngoài mà, đâu phải nói “Đi!” một cái là đi đâu. Nhưng mình thực sự rất thích cơ hội này! Trước giờ cũng muốn đi Ấn Độ lắm nhưng vẫn còn ngần ngại điều này điều nọ, kiểu như chưa đủ duyên. Mà lần này, nghe nói đi Ấn Độ mà chỉ vỏn vẹn trong ba ngày. Thế là mình “Dạ đi!”, và mọi chuyện sau đó diễn ra gấp rút, từ việc xin e-visa, làm đơn xin phép cơ quan… Mấy ngày sau, mình lên đường.

Chuyến bay của VietJetAir bay thẳng từ TP.HCM sang Bodh Gaya mất tầm ba tiếng rưỡi. Quá nhanh quá đơn giản. Trên máy bay, mình mới được cho biết là Bodh Gaya là một tỉnh xa, và khá nghèo của Ấn Độ. Vì thế sân bay khá bé, mọi khâu được thực hiện bằng tay. Vì thế đoàn mình gần 180 người đã phải mất… hơn hai tiếng đồng hồ để làm xong mọi thủ tục nhập cảnh. Thế nhưng điều đó không làm mình kinh ngạc bằng chi tiết sau này, mà mãi một ngày sau mình mới biết thêm, khi đã rất thích những gì đang trải nghiệm và ước mong được đưa gia đình quay trở lại nơi này. Đó là, chuyến bay ngày hôm ấy là một chuyến bay đặc biệt mà VietJetAir tổ chức riêng để mời các đối tác thân quý của hãng và của tập đoàn đi viếng chùa đầu năm mới bay thẳng như vậy. Chứ nếu như đi theo lộ trình bình thường, hiện giờ VN chưa có chuyến bay thẳng đến Bodh Gaya, mà phải transit làm mấy bận: từ TP.HCM sang Bangkok, rồi từ Bangkok bay sang New Delhi, rồi từ New Delhi mới ngồi xe ròng rã về tỉnh Bodh Gaya, vì mỗi ngày từ New Delhi về Bodh Gaya có mỗi một chuyến bay duy nhất thôi à ^^ Tóm lại, hình như hiện giờ, lộ trình tour đến Bodh Gaya của các hãng lữ hành VN thường phải mất đến gần chục ngày hay sao đó.

Ấn tượng đầu tiên của Bodh Gaya là sự nóng. Cái nóng hầm hập ập vào người, mặc dù tụi mình đã được cho biết đây còn thuộc mùa ‘dễ chịu’ trong năm. Chứ còn bắt đầu bước qua tháng Tư kéo dài đến tầm tháng Tám tháng Chín thì người phương xa đến, không quen, bị nóng chắc khỏi thở. Chính vì vậy, các khách sạn ở Bodh Gaya cũng mở theo thời vụ, và những mùa nóng thì thường sẽ đóng cửa luôn. Mình được ở tại một khách sạn có người Việt góp phần hùn nên các bữa ăn (được phục vụ theo kiểu buffet) nghe khá ra vị Việt Nam, đỡ một khoảng ái ngại việc thức ăn lạ mùi như đã được khuyến cáo.

Và sau đó, suốt ba ngày ở đó là ba ngày chúng mình đi theo một lộ trình quen thuộc: từ khách sạn sang Bồ Đề Đạo Tràng, rồi từ Bồ Đề Đạo Tràng về khách sạn. Ba ngày ấy, đúng nghĩa “Đi Chùa” chứ không phải “Đi du lịch” gì nhen 

Bồ Đề Đạo Tràng là một khu vực khá rộng lớn, bao gồm Tháp Đại Giác cùng rất nhiều những tháp vệ tinh xung quanh. Và nhân vật được mọi người chú ý đến nhiều nhất, cũng nhận được nhiều tình yêu thương nhất, chính là một cội bồ đề thật to, tỏa bóng rộng thật rộng xung quanh. Tương truyền rằng, cội bồ đề này có niên thọ hơn 2.600 năm, vì ngày xưa khi còn tại thế, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng ngồi dưới cội này mà đi đến chỗ đắc đạo. Buổi trưa đầu tiên chúng mình đến, cùng nhau ngồi dưới tán cây và mở ra quyển kinh Phật để đọc những thời kinh đầu tiên, trong mấy mươi phút ấy gió xôn xao, và có ba bạn lá cây rơi xuống trúng người mình, trong đó, có một bạn rơi đậu hẳn trên vai mới thương chứ! Mình vui quá, mình lấy xuống khẽ khàng ép vào tập kinh và tiếp tục đọc theo mọi người, đến cuối buổi mới được một anh người Việt đến đó mấy tháng nay làm công quả cho biết một tin vui và một tin… hỏng mấy vui, với mình:

– Tin vui là lá cây bồ đề này cực kỳ quý giá, đặc biệt là khi nó tự chủ động rơi xuống quanh người ta hay trên người ta. Anh nói đoàn mình may đó, chứ nhiều khi cả buổi cây chẳng chịu rơi xuống lá nào. (Mà mình xác nhận thiệt: mấy buổi sau chúng mình cũng quay lại ngồi hàng buổi ở đó, không thấy lá rơi nhiều như buổi đầu tiên nữa.) Chắc cội bồ đề biết đoàn mình từ phương xa tới nên thả lá đón mừng chăng 

– Tin ít vui là những ai nhận được lá bồ đề rơi ngay xuống mình thì nên nhặt ngay lấy lá ấy ép vào cuốn kinh (ủa cái này hồi nãy mình có vô tình làm đúng ý luôn rồi nè!) và khấn ngay một ước nguyện chính đáng. Ước nguyện đó của ta sẽ có nhiều khả năng trở thành hiện thực! (Ôi chao cái này sao giờ này anh mới nói! Hồi nãy mình đâu biết, ép xong là mình… hoan hỉ đọc kinh tiếp hà, đâu có biết để mà khấn nguyện gì đâu nà ^^)

Nói vui vậy thôi, chứ thật lòng ngay lúc ấy mình có tiếc thật. Nhưng ngẫm lại, nếu cho mình đột xuất ngay thời khắc đó, biểu mình nghĩ ngay đến một ước nguyện, nào mình… có biết ưu tiên cho ước nguyện gì? Toàn là những nỗi lo về tài chính, về kinh phí, về chuyện làm sao vận hành được chuỗi dự án mới, làm sao nuôi được các chương trình cũ…, những điều ấy, áp vào bầu không khí thanh lành và tĩnh tại này, thấy nó… hơi trần tục ^^ Nhất là buổi sáng cuối cùng, khi đi dạo quanh toàn bộ bảy nơi mà Đức Thích Ca Mâu Ni từng ngẫm ngợi và nghiệm ra những chân lý của cuộc sống, mình mới càng thấy những gì mình nghĩ là đúng. Đức Phật từng dùng cả cuộc đời mình để khuyên mọi người buông bỏ những gánh nặng vật chất để có một đời sống an lạc. Mình lại đến, mè nheo, năn nỉ xin Ngài… cho mình về kiếm được nguồn kinh phí để làm mấy chuyện ‘gánh nặng’ đó. Cho dẫu những gánh nặng ấy rốt cục cũng quay về để phục vụ cộng đồng, nhưng thấy nhìn ngược nhìn xuôi kiểu gì cũng thiệt là kỳ quá xá :(((

Vì thế dứt khoát, trong những ngày ở đó, chỉ cầu nguyện những điều: cho tâm mình luôn giữ được sáng, trí huệ ngày càng được sáng suốt linh mẫn hơn, nhận biết những điều gì cần làm, nên làm, để mỗi ngày giúp được nhiều người hơn, theo kiểu của mình và khả năng của mình. Vậy đó, mà ba ngày trôi qua trong an lạc, thật nhẹ nhàng và thanh thản.

Cội bồ đề là một nơi đặc biệt mà rất nhiều người hành hương đến đó chỉ để ngồi tĩnh lặng cả buổi, nhiều khi cả ngày. Hôm chúng mình đến cũng là một dịp nhiều năm hiếm gặp lại: dịp Rằm tháng Giêng trùng với Đại Lễ bên Ấn giáo. Vì thế dòng người đổ về Bồ Đề Đạo Tràng cũng không ngớt. Trong đó, có rất nhiều sắc áo. Các đệ tử đến từ Thái Lan, Singapore, Philippines… thì thuần sắc trắng. Không ít chư tăng từ các vùng theo phái Mật Tông sang, sắc đỏ quấn vai, và thi hành lễ nghiêm ngặt theo đúng cách thức mà chúng mình từng thấy nhiều người thực hiện quanh đền Đại Chiêu tại Tây Tạng: tam bộ nhất bái – đi ba bước sẽ quỳ rạp cả người, vươn hai tay chắp lại về phía trước trên mặt đất mà cầu nguyện. Rất nhiều Phật tử từ Việt Nam sang, thể hiện rõ nét nhất trong sắc áo tràng màu lam. Tiếng người Việt ý ới trao đổi với nhau nghe cũng rõ. Và rõ nhất cho việc này, là hầu hết những người bán hàng rong hay trẻ em xin ăn dọc hai bên đường đều có thể xướng câu “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” và “Nam mô A Di Đà Phật” bằng tiếng Việt khá sõi!

Mình cũng đặc biệt yêu được ngồi nhắm mắt tĩnh tại dưới cội bồ đề, dẫu do trùng ngày lễ, lượng người đông cũng ảnh hưởng đến sự thanh tĩnh để yên lặng chiêm nghiệm không ít. Sau được nói mới biết, bồ đề là một loại cây đặc biệt phù hợp với những người tu hành thiền, vì cây không ra hoa ra quả, và 24 tiếng đồng hồ đều nhả ra oxy chứ không bị lệ thuộc quá trình quang hợp với ánh sáng mặt trời như phần lớn loài cây khác. Ngồi lâu, mình lại ngẫm ra thêm: có lẽ do lượng người hành hương về đây cùng mang về một lòng kính ngưỡng sâu đậm, bản thân đó cũng góp thêm những năng lượng lành. Sóng năng lượng lành này được trùng trùng bồi đắp thêm mỗi ngày, nên những ai ngồi tĩnh lặng nơi này, biết thiền định được thì càng tốt, chắc chắn sẽ hội được nhiều năng lượng lành.

Buổi sáng cuối cùng trước khi bay về, đoàn chúng mình được anh người Việt ‘thổ địa’ tại nơi đó là anh Tú Hùng đưa đi qua toàn bộ bảy điểm quan trọng mà Đức Thích Ca Mâu Ni từng trải qua trong bảy tuần Ngài ngẫm ngợi, đi đến con đường đắc đạo. Mình nghe xong, ngắm lại cây bồ đề, ngắm cái bãi đất bằng nhỏ nhỏ rồi cái hồ nước…, tất cả những điểm này mình lui tới mấy ngày nay, giờ phút này bỗng dưng trở nên thân thương và gần gũi lạ thường! Mình đứng một mình ngắm mãi vào trong chóp Đại Tháp, mặt trời gần xế trưa trở nên chói lóa qua những kẽ lá. Nói mình ‘ngộ’ thì thiệt hơi quá, nhưng mình hiểu ra thêm được một chút rồi, cái kiến thức về lịch sử Phật pháp mình hiểu biết lõm ba lõm bõm. Rằng thì là nào có phải Đức Phật ‘bỗng dưng’ nhờ ngồi dưới cội bồ đề bảy tuần rồi mà đắc đạo. Để có thành quả qua bảy tuần lễ ấy, Ông đã phải có cả một quá trình mấy mươi năm được đào tạo bài bản, kiến thức tinh thông với sự đào tạo dành cho một thái tử. Ông đã phải bỏ ra hai năm theo phái Tu Thiền để từ đó vận dụng được khả năng thiền mới soi được về quá khứ nhiều đời kiếp trước. Ông cũng đã phải bỏ ra gần sáu năm theo phái tu Khổ hạnh để thấm được thế nào là Khổ, từ đó mới ngẫm ngợi ra cách thoát khổ. Vậy thì cái gì cũng là một quá trình! Và điều này để ta thấm thía một chân lý bất di bất dịch: bất cứ một kết quả nào, ta thu hái được xứng đáng đều không hề từ sự ăn may. Nó chỉ có thể khả thi trên một quá trình thu góp, tích lũy kiến thức hay trải nghiệm dài lâu! Và hơn nữa, sẽ có nhiều cái mà lúc dò dẫm đường đi ta cứ nghĩ những việc ấy ta làm không mang lại lợi ích gì, nhưng không, tất cả những điều ấy đều gom góp lại, tạo thành một dạng kiến thức chung, trải nghiệm chung, góp phần lớn nhỏ vào thành quả chung ta đạt được sau này!

(Nói thiệt, đọc tới đây chắc nhiều bạn cười, kêu “Xời, thông tin phổ biến như vậy mà giờ mới biết.”) Có thể nó không mới với những tín đồ Phật giáo thuần thành, nhưng với mình, thực sự đó là cả một sự nhận biết mang tính bước ngoặt  Vì sau đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong lòng mình bỗng dưng trở nên Thật hơn bao giờ hết, gần gụi hơn bao giờ hết. Ông không còn là một đấng rất cao, rất xa mà trong cái đầu mơ hồ của mình trước đây cứ bị nhầm lẫn lung tung hết cả. Ông thoắt nhiên giống như một vị tổ tiên xa xưa của mình, một người ông vô cùng giỏi giang bản lĩnh và đầy chí khí để vượt qua bao khổ ải tìm về những chân lý đích đáng của cuộc sống cho con cháu nhiều đời sau học. Và những gì mình chia sẻ sau đó với các anh chị trong đoàn trên chuyến bay về lại SG cũng là điều rất thực: Mình thực sự thấy thương Đức Phật hơn! Và những gì ông đã tìm ra sau bảy tuần ngẫm ngợi ấy cũng khiến mình ‘tâm phục khẩu phục’, lúc nào có thời gian mình lại kể các bạn nghe.

Nhưng vừa kịp nhận ra tình thương của mình với từng nơi chốn cụ thể ấy, nơi vị Tổ tiên đáng kính ấy của mình từng ngồi từng ngẫm trong từng phút giây của 2.600 năm trước, thì đã đến giờ phải về rồi. Thật tiếc.

Tiếc nữa là do mới cách đây vài tháng, khu vực này từng xảy ra một vụ dọa khủng bố từ nguồn điện thoại di động, nên thời điểm tụi mình tới, khâu kiểm soát an ninh rất gắt gao, cùng toàn bộ điện thoại phải để lại ngoài xe. Vì thế mình không chụp được tấm ảnh nào về cội bồ đề đặc biệt này, cũng như cảnh bên trong Bồ Đề Đạo Tràng. Thôi thì hữu duyên, cảm nhận nhau qua những dòng chữ này của mình tạm vậy 

(19.3.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart