TIBET – TÂY TẠNG #5: DỌC DÒNG NHÃ LUNG

>
>
TIBET – TÂY TẠNG #5: DỌC DÒNG NHÃ LUNG

Chỉ sau khi bạn đã trải qua trọn một ngày ròng ngắm những khung cảnh toàn núi đá và đồi trọc, bạn mới cảm nhận hết nỗi phấn khích của của chúng mình khi ngày hôm sau, chiều ngược lại từ trấn Shigatse (Nhật Khách Tắc) trở về lại thủ phủ Lhasa, dọc theo hai bên đường cao tốc chúng mình đi là những màu xanh mát mắt của sự sống. Loài cây được trồng phổ biến dọc theo hai bên đường là một loại thanh liễu lá nhỏ và mảnh, cùng thi thoảng cây bồ đề lá những đôi tay tí hon vẫy chào. Khá nhiều đàn gia súc đặc thù nơi này thong dong chạy men theo đường đi, với sự chỉ huy của đám con nít má rám nắng tay vẫy mấy cây cờ hiệu nhỏ xinh. Trên đồng cũng xuất hiện nhiều đôi trâu (bò) Yak cặm cụi cày trên những thửa ruộng khô, trên sừng được trang trí những cuộn len đỏ tươi, trông thật dễ thương. Nhiều mái nhà ấm trồng rau củ chạy dài, mái bạc lấp lánh.

Mình không ngạc nhiên trước tất cả sự xanh mát này so với cái đẹp lạnh lẽo của Cung Đường Vàng ngày hôm trước. Hầu như toàn bộ chuyến về của tụi mình đều đi dọc theo dòng sông Nhã Lung (Yarlung Tsangpo).

Có cái gì kêu là ‘nhất kiến chung tình’ (vừa gặp đã yêu), hihi? Đi về, ấn tượng sâu đậm nhất về mặt cảnh quan ở Tibet, trong lòng mình lại là dòng Nhã Lung lững lờ trôi, mỏng mảnh một dòng nhỏ nhẻ, cũng không có vẻ gì là phù sa màu mỡ. Cảm xúc này thật lạ, vì ở miền Tây quê mình đâu thiếu sông ngòi kênh rạch, cũng không thiếu màu xanh mát mắt hai bên bờ sông. Nhưng cái kiểu xanh biêng biếc của dòng Nhã Lung, nó kỳ lạ lắm. Vừa thanh tĩnh mơ màng vừa có chút xa lạ bí ẩn, khiến mình khó thể nào rời mắt được. Máy cứ giơ lên chụp mãi, tuy vậy, thật tiếc không phải lúc nào mình cũng bắt được cái ‘thần’ của dòng Nhã Lung, như đôi mắt của mình đang tận ngắm. Chỉ đôi khi được dừng chân nghỉ ‘xả hơi’ và hít khí trời, mới ngỡ ngàng trước những quan cảnh xung quanh đẹp hơn tranh vẽ…

No photo description available.

Với những tấm ảnh chụp dòng Nhã Lung, mình cương quyết không chỉnh ảnh một chút nào kể cả chỉnh độ sáng tối. Hãy để dòng Nhã Lung tự bật lên nét quyến rũ của chính nó, trong những khoảnh khắc nắng – gió – mây trời hòa quyện vào nhau một cách đầy mê hoặc. Và hãy nhớ rằng, đó chỉ là những đoạn dừng chân vô cùng ngẫu nhiên ven những khúc đường vắng. Vậy những lúc không có người đi qua đi lại, những cảnh quanh đẹp hơn tranh vẽ này, chỉ đẹp cho riêng nó mà thôi… Hơi có chút… đau lòng. Ờ, mà tại mình tự mình đau lòng thôi, chứ cảnh quan ở đó muôn thuở là vậy, nó đẹp là vì tự nó đẹp, chớ nó có cần ai tới ngắm mới chịu làm đẹp đâu hà… 

Thi thoảng dọc theo những khúc sông quanh co, chúng mình thấy khá nhiều dây cờ nhiều sắc màu phất phơ trong gió, nhiều nơi, ở vách đá đối diện có nhiều hình chiếc thang vẽ bằng sơn trắng. Mình hỏi anh hướng dẫn viên địa phương, được anh cho biết, những nơi này là nơi người Tạng thường thực hiện nghi thức Thủy táng cho những người qua đời. Trời đất, trong người từng đợt da gà ẩn ẩn… nổi lên, huhu. Là vì mấy ngày trước, chúng mình vừa được ‘cập nhật’, ở Tây Tạng sở dĩ không tìm thấy một nấm mồ nào hay nghĩa trang nào, vì ở đây người dân thường không thực hiện Thổ táng (chôn xuống đất), mà thường là Thiên táng hoặc Thủy táng. Và… kinh dị hơn cả hình ảnh vẽ ra trong đầu về những thi thể treo lên cây hoặc thả trôi sông cho cá rỉa, anh hướng dẫn viên cho biết, cơ thể người chết, sau ba ngày đặt trong nhà để người thân cúng bái dưới sự dẫn dắt tâm linh của các sư tăng – sẽ được… đưa đến một nơi để… tiến hành băm nhỏ (má ơi!) rồi mới đốt lửa gọi kền kền xuống ăn, với niềm tin kền kền ăn xong sẽ bay lên trời mang theo linh hồn người đã khuất. Hoặc thả xuống những đoạn sông đó đó…, để cá xúm vào ăn (huhu). Và đó là một trong hai lý do chính vì sao người Tạng không ăn cá. Lý do còn lại, còn là vì họ cho rằng cá cũng là một loại vật linh thiêng, trên trán có ký tự OM.

Thú thiệt, một hai ngày đầu biết về tục táng lạ lùng và có phần hơi… ghê sợ này của người Tạng, mình không cách nào quen cho được. Tuy vậy, khi Thinlei, anh hướng dẫn viên địa phương đáng yêu không ngừng khẳng định, bản thân anh và gia đình cũng sẽ nguyện ý thực hiện y như vậy sau khi qua đời, tự nhiên… mình thấy… chấp nhận đây như một nét đặc thù của văn hóa của người Tạng. Có điều, nếu cũng là một phần ý nguyện được giữ môi trường thanh sạch và linh hồn không bị lệ thuộc, mình thấy coi bộ cái sự hỏa táng xong đem tro rắc ra cửa sông hoặc ra biển, hong chừng nó… dễ thương và nhẹ nhàng hơn à ^^ Hoặc đem chỗ tro đó vùi vô hạt, ươm lên một cây cổ thụ, tối ngày lá hát rì rào, cũng thiệt hay hơn nha 

Image may contain: 1 person

Nhân nói về các tập tục kỳ lạ của người Tạng, sẵn mình kể luôn, mình ‘mắt tròn mắt dẹt’ nhứt là khi Thinlei cho biết quê anh ấy ở vùng gần rặng Hymalaya, và ở đó người ta có tục cộng thê, nghĩa là ba bốn anh em trai trong cùng một gia đình hoàn toàn có thể cưới cùng… một cô vợ nha! Thú thiệt trước giờ mình cũng có đọc qua vài tác phẩm nhắc về tục ‘cộng thê’ của những người dân vùng này, nhưng mà cứ tưởng vụ này phải đâu ở xưa lắc xưa lơ gì rồi cơ, ai dè bây giờ vẫn còn tồn tại. Ví dụ gần nhất là trong nhà của Thinlei có 5 anh em trai, ngoại trừ Thinlei đi học xa để về làm hướng dẫn viên, còn lại 4 anh em ở nhà được ba mẹ anh ấy cưới cho đúng một cô vợ ^^ Thinlei cười haha, thú thật dĩ nhiên hiện trạng ‘4 anh 1 cô’ như vậy không thể tránh khỏi chuyện… chăm sóc không đều, haha, nên hai người anh của Thinlei đã… bỏ của chạy lấy người, ra ngoài cưới vợ khác, giờ chỉ còn hai cậu em của anh ấy là còn chung một cô vợ thôi! Mình thắc mắc, chài ai vậy rồi con của ai làm sao mà biết? Ảnh cười, con của ai cũng không quan trọng, miễn sao người anh lớn hơn cả sẽ được đám con gọi là ‘Cha’, còn tất cả các em trai đều được chúng gọi là ‘Chú’. Ảnh còn cười, bồi thêm: nhiều khi ‘Chú’ kia vậy chớ thằng con mặt mũi y chang hà ^^

Lý giải cho tục cộng thê này, là vì trong cách nghĩ của người Tạng, như thế để đảm bảo gia sản của họ không lạc ra ngoài gia tộc. Gia sản của người du mục ở Tây Tạng gồm đàn gia súc (dê, cừu, và đặc biệt là trâu (bò) yak), và mấy con chó Ngao. Chó Ngao ngay tại xứ Tạng cũng đắt giá vô cùng, vì nó rất uy dũng, có thể giúp gia chủ bảo vệ đàn gia súc rất hữu hiệu. Mình thì chưa từng gặp qua em chó Ngao nào hùng hồn dũng mãnh như được đọc bao nhiêu về ẻm, chỉ có thấy mấy em Ngao hiền queo được các chủ chúng tô bờm xanh đỏ quấn xích ngồi chụp hình ở dọc theo mấy tuyến du lịch, thiệt là cám cảnh chịu không nổi 

Bên cạnh đó, nghĩ là cùng cần nói thêm một chút về các em trâu (bò) Yak – một loại bò Tây Tạng có lông rất dày (nhìn là muốn ôm rồi dụi mặt vô cổ nó ghê nơi, haha!) Yak có thể nói là một loài gia súc cực kỳ thân thiết và cần thiết đối với người Tạng, khi toàn bộ các bộ phận trên người nó, còn sống hay khi đã bị ‘hóa kiếp’, đều được người Tạng tận dụng triệt để. Ngoài sữa để uống và làm phô-mai, thịt để ăn, mỡ làm dầu thắp, lông – da làm quần áo, chăn mền, các lớp phên chắn cửa cực ấm, xương và sừng làm đồ trang sức hay các chuỗi tràng hạt dùng trong cầu nguyện… (Người Tạng không chống đối việc dùng xương hay sừng Yak làm vật đeo trên người, vì như đã nói ở trên, trái lại, những gì được lưu lại trên người sau cái chết còn mang ý nghĩa linh thiêng nữa. Chính vì vậy mà hôm trước, đọc trong một tập sách viết về Mật Tông của người Tạng, đoạn mô tả các nhạc cụ trong dàn nhạc lễ còn có ống sáo làm bằng… ống xương đùi người, mô tả hình đàng hoàng nữa (eo ôi, sợ!)

Nói không hề kỳ chút nào nha, ngay cả uế vật bỏ đi của con Yak (phân của nó đấy ạ) cũng không hề bị bỏ phí, mà được người Tạng ở nông thôn… thân ái đắp thành bờ trên tường rào, hay đắp cục bốp bốp trên tường nhà í! Để chi biết hôn, để phơi khô và dùng dần… làm khí đốt nha! Thinlei bảo, phân Yak – vì ăn thuần cỏ – nên không hề có mùi khó ngửi đâu, mà trái lại, ngai ngái hương cỏ khô. Nhưng mà, mình… hong có dám đi ngửi thử đâu, haha! Chỉ ráng chụp lại vài tấm hình cho nhà mình nhìn qua…, cho có khái niệm thoy!

Kể chuyện ‘hậu trường’ nghe chơi nà, hihi. Em Yến Hương của mình chụp ảnh em Yak gửi về, ở nhà anh xã ẻm khăng khăng đó là con bò, em Yến Hương thì cả quyết đó bên này hay được người Việt mình gọi là con trâu. Thế là hai chúng hắn… tranh luận khí thế, haha. Và vì thế, ngày hôm sau, một chị bạn vui tính đi cùng đoàn khẳng định: để đảm bảo toàn vẹn sự êm ấm cho gia đình em Yến Hương, đề nghị từ đây về sau không ai được gọi ‘trâu Yak’ như trước giờ, mà phải gọi là con “Trâu bò Yak!” Gọi một hồi sao thấy dài dòng quá, mệt miệng quá, chị í bèn… chủ động rút gọn thành “Con Bâu Yak” (B là Bò + Âu là Trâu đó mà!) Ta nói cả đoàn cười mỏi miệng! Và từ đó về sau, mỹ danh “Bâu Yak” cũng được tặng cho những ai lên đến Tây Tạng mà hỏng có mệt, cứ hùng hục đi hùng hục shopping hùng hục nói chuyện vậy á! 

… Ta nói cứ ngỡ mình đã đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều lắm rồi đấy. Vậy mà đối với những chuyện nghe được, lượm lặt được dọc đường gió bụi lần này, cũng thật nhiều khi đúng nghĩa là ‘mắt tròn mắt dẹt’ luôn à!

                                                                                                                                            (9.5.2016 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart