TIBET – TÂY TẠNG #7: MỘT VÀI ‘BÍ KÍP’ KHI ĐẾN TÂY TẠNG

>
>
TIBET – TÂY TẠNG #7: MỘT VÀI ‘BÍ KÍP’ KHI ĐẾN TÂY TẠNG

Hổm rày bận rối nùi, trong lòng vẫn ‘canh cánh’ phải ‘trả nợ ân tình’ với pà con đang đợi đọc các tips này cho xong nè. Mình biết cảm giác này, vì trước chuyến đi Tây Tạng vừa rồi, mình cũng lục tìm mấy cái tips dạng này, từ những ai đã đi qua rồi đó!

Vậy giờ bắt đầu nhe 

1. SỨC KHỎE:

  • Khẳng định lại lần nữa, không biết các đoàn khác khó đi hoặc chịu nhiều khổ sở do thiếu dưỡng khí thế nào, còn đoàn mình (khoảng 30 con người đi trên 2 xe) ai nấy đều khá bình thường, dĩ nhiên những đoạn phải đi lên các khu vực cao trên 5.000m thì khá nhức đầu, khó chịu hơn bình thường, nhưng cũng không đến nỗi không chịu được.

  • Không phù hợp với những ai có chứng say tàu, xe… do các đoạn đường đến hồ Namtso và dọc Cung Đường Vàng, xe phải men theo đèo dốc khá ngoằn nghoèo, quanh co.
  • Để giảm tối thiểu những tác động của sự thiếu dưỡng khí khi lên cao, tốt nhất nên duy trì tập luyện thể dục thể thao ngay từ ở nhà. Nếu không được như vậy, ít ra nên tập thể dục tương đối đều đặn khoảng một tháng trước khi lên đường. Mục đích là để cơ thể quen với việc bơm oxy mạnh mẽ lên não, và cơ bắp chân quen với việc leo trèo dốc. Khá nhiều các điểm tham quan ở Tibet có dốc và nhiều bậc thang, mà ở độ cao 3.000 -5.000m so với mặt nước biển, việc trèo dốc sẽ mau mệt hơn so với bình thường. Tuy vậy, khi bạn cảm thấy mệt, hãy tập hát chú “Om Ma Ni Pad Me Hum” khe khẽ và hít thở nhẹ nhàng, bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn nhiều. Chúng mình toàn dùng cách này để vượt qua những chặng dốc ‘thử thách’ ở tu viện Drepung, điện Potala, hay những dặm bờ biển hồ Namtso… Bên cạnh đó, khi đến những nơi có năng lượng dồi dào, bạn sẽ cảm thấy việc hít thở dễ dàng hơn nhiều, và vì thế, cũng nhanh chóng lấy lại được cảm giác ‘thần thanh khí sảng’.
  • Tây Tạng nắng rất nhiều mà gió cũng rất nhiều, khí hậu lại rất khô, nên nhất định bạn phải mang theo mũ rộng vành (không sợ gió gì thổi bay đâu), kem chống nắng nồng độ cao, mắt kính mát, sữa dưỡng ẩm, chai nước khoáng xịt mặt, và chai xịt mũi! Đặc biệt mình nhấn mạnh vụ chai xịt mũi, vì lên đây thiếu món này bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu với cái mũi đau rát. Ngoài các loại bạn đem sẵn từ nhà, lên đến Lhasa bạn có thể tìm mua chai xịt mũi có thảo dược mà tụi mình mua được ở một tiệm thuốc gần khách sạn. Xịt vào, mũi thông thoáng và mát lạnh, có thể giữ được ẩm vài tiếng đồng hồ rồi xịt lại. Xem mẫu chai tham khảo trong hình bên dưới nha. Ai có thể quen với khẩu trang thì nên đem theo một số các khẩu trang nhé, cũng bảo vệ mũi khá tốt đấy, tiếc là mình không quen đeo sùm sụp đi cả ngày nên đành chịu trận ^^
  • Với các cô gái, buổi sáng trước khi ra khỏi phòng, tốt nhất nên bôi một lớp sữa dưỡng ẩm lên mặt, sau đó mới bôi kem chống nắng lên mặt. Ở những nơi nắng to, dù có lạnh đi nữa, cũng cố gắng khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ thì nên bôi lại 1 lần kem chống nắng nhe. Cái này nói thiệt là lười kinh khủng (mình cũng ít làm huhu), nhưng sau đó về mới thấy làn da chịu tác động khá nhiều. Thêm nữa sau mỗi lần xuống se đi tham quan các vùng lạnh và khô, lên xe nên lấy chai xịt khoáng, xịt qua một vòng toàn bộ gương mặt để giữ ẩm nhé. Chai khoáng xịt dạng nhỏ giờ nhiều hãng mỹ phẩm thiên nhiên đều có nha.
  • Đừng quên mang theo một số thuốc cảm cúm mà bạn hay dùng, vì kiểu gì trong 8 ngày của chuyến hành trình, bạn cũng sẽ có một vài ngày… dính cảm, do thời tiết thay đổi khắc nghiệt, nhất là ngày đi Hồ Namtso.
  • Cuối cùng mà siêu quan trọng: nhớ uống thuốc giúp tăng hoạt huyết não trước khi lên đường! Có khá nhiều loại thuốc khác nhau, nhưng Acetazolamide 125mg, ngày uống 2 lần sáng – chiều là một lựa chọn tốt. Duy trì uống khoảng 5-6 ngày, bạn sẽ thích nghi độ cao tốt hơn và đỡ các triệu chứng sốc độ cao hơn.

2. TRANG PHỤC:

  • Đừng nghe lời ‘hù’ là không nên mặc váy, các cô ạ. Trong đoàn mình có mấy phụ nữ xuynh đệp mặc các loại váy ‘bụi bụi’, dài từ quá gối đến lên trên mắt cá chân, ngắm cực cool nha! Việc mặc váy đi đứng cũng không gặp khó khăn gì vì cũng chẳng phải gọi là ‘trèo đèo lội suối’, chỉ có điều phải nhớ mang giày thấp, giày càng thoải mái càng tốt, đừng ham mang chi gót cao 5 phân 7 phân hoặc thậm chí cả giày đế xuồng cũng không phù hợp. Như đã nói, lên trên độ cao này, bạn cao lên một phân là bạn phải cực thêm một phân à!

Image may contain: 1 person, standing and outdoor

    Ai mặc váy thì nhớ mặc quần legging để… tránh trống đôi chân, đi vào các đền chùa không phù hợp, hihi.

  • Các mùa khác trong năm không biết thời tiết có chuyển biên thế nào, riêng tụi mình đi khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, ở Lhasa buổi sáng và tối hơi se lạnh, tầm 15-23 độ C, chỉ áo khoác mỏng và khăn quàng cổ là ok. Nhưng vào khoảng giữa trưa, trời nắng nóng khủng khiếp do mặt trời rất gần. Nên tốt nhất là mặc đồ như bình thường (không nên mang theo nhiều áo len, vừa dày nặng tốn chỗ, vừa khó cởi lớp khi cần), sau đó mặc thêm các loại áo khoác dày mỏng tùy theo ngày.

  • Lý tưởng nhất là nên có áo khoác dạng chống nước, chống ẩm (dạng ‘áo phao’ 2 lớp bằng vải dù, Uniqlo là một nhãn tin cậy, có bán loại áo khoác mỏng và nhẹ, nhưng vẫn đủ ấm đến khoảng 10 độ nha). Không thì bạn ra thử các khu bán đồ xuất khẩu ở thành phố bạn đang ở, miễn sao là loại áo phao này là được. Đừng mang theo áo măng tô nỉ, nặng và lên những vùng cao, gió xuyên thấu, bạn chịu cũng không nổi đâu.
  • Nếu trong tour bạn có đi đến hồ Namtso, nhất định phải mang áo khoác dày và dài tới gối (cùng dạng áo phao chống gió), mũ len hoặc mũ nỉ có vành, đồ chụp tai, khăn choàng cổ loại dày, găng tay loại dày. Quần legging dày cỡ nào cũng không ăn thua ở đây, nên riêng cho hành trình này, cố gắng ‘giảm đẹp’ để ‘đỡ lạnh’ nha hihi. Nên mua loại quần ‘đông –xuân’, mình được giải thích là loại quần lưng thun, rộng rãi bằng vài nỉ, trong mặc thêm quần ôm sát người bằng thun nữa càng tốt (Uniqlo có loại đồ này, nhớ mua dạng có công nghệ Heat-tech để giữ ấm tốt hơn). Ngày đi dọc Cung Đường Vàng xuôi xuống trấn Giang Tử và Gyatse cũng cần giữ ấm, vì các nơi dọc đường đi bạn dừng chân lại, gió rất nhiều.

3. NHỮNG NƠI NÊN ĐẾN:

Cái này tùy theo cảm nhận riêng của mỗi người, nhưng theo phần đông các thành viên đoàn mình bình chọn, có những địa điểm đặc biệt nhiều năng lượng và linh thiêng mà bạn không nên bỏ qua dù mệt đến thế nào, và ở những nơi này, sau khi thực hiện các lễ khấn xong, nên tranh thủ ngồi tĩnh tọa để hít thở không khí, nạp năng lượng tích cực. Liệt kê theo thứ tự của những ngày đi tham quan, đó là:

1 / Đền Jokhang (ở đây, cố gắng tìm đến khấn trước pho tượng Phật Jojo (tức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni năm Ngài 12 tuổi)

2 / Tu viện Drepung

3 / Điện Potala (cố gắng ngồi lại một chút ở cửa ra, lúc chuẩn bị đi xuống để ra về nhé).

4/ Hồ Namtso (ngồi hít thở tĩnh lặng bên bờ hồ là một trải nghiệm đặc biệt! Hãy ưu tiên cho hoạt động này, đừng mất quá nhiều thời gian cho chụp ảnh, uổng lắm nhé. Bên cạnh đó, hãy cố gắng nhúng qua các loại vòng đá trang sức mình có mang theo xuống hồ, đá sẽ trở màu, bóng loáng, các vân đá chìm ẩn cũng lộ ra, rất đẹp. Bên cạnh đó, do hồ rất linh thiêng trong lòng mọi người nên bạn đừng cho chân bạn xuống hồ nhé. Cố gắng đứng trên bờ và lấy được 1-2 chai nước hồ (mang theo chai nước uống rỗng để tích nước mang về), về đây bạn cũng sẽ dùng nó được trong nhiều hoạt động có thể mang đến cho bạn năng lượng đấy.

Image may contain: one or more people, ocean, sky, hat, outdoor, water and nature

5 / Chùa Bạch Vân Cư Tự (trấn Giang Tử): cả đoàn nên góp một ít tiền dầu đèn để thực hiện qua một lễ nhỏ tại đây, rất hay! Sau đó, đừng bỏ qua quầy bán các vật phẩm phong thủy ngay trong chùa, giá khá hợp lý so với các chùa khác, mà bạn mang về chính mình dùng hoặc làm quà tặng người thương quý cũng rất tốt.

6 / Tu viện Tasihlunpo (Ban Thiền Lạt Ma) – trấn Gyatse : ở đây, cố gắng xin được vài hạt lúa mạch, ngũ cốc… mà các tăng sư ở đây cho bạn, mang về thả vào khạp gạo nhà mình hoặc để trên bàn thờ, cũng rất hay đó.

7/ Ngoài ra, dọc theo Cung Đường Vàng hoặc sông Nhã Lung cũng có nhiều chỗ khí trời trong lành rất tuyệt. Bạn hãy tranh thủ vài phút dừng xe tản bộ để ngồi tĩnh tọa và hít thở không khí trong lành tại đây nha.

4. MUA SẮM:

Image may contain: food

Đi đến Tây Tạng, bạn sẽ… chết chìm trong đủ thứ các thể loại đồ lưu niệm và vật dụng muốn mua! Nhất là các ‘tín đồ’ của các loại vòng đeo tay, vòng đeo cổ theo phong cách Tibet. Tuy vậy, cần cảnh giác và nhớ trả giá, giá có thể cao gấp đôi hoặc 3 lần so với giá thực tế, nên bạn cứ trả thoải mái đi, nếu họ không bán, bạn đi sang hàng khác, thể nào cũng có tương tự, và bạn ‘rút kinh nghiệm’ để nâng giá lên chút đỉnh. Những điểm để bạn ‘chết mê chết mệt’ với các món đồ này:

  • Chợ Barkhor: bên hông Đền Jokhang. Ở trong đây mênh mông hàng hóa, bạn sẽ luôn được dành một buổi chiều tối để la cà trong đây, nên yên tâm nhé.

  •  Các khu phố dọc theo đường dẫn vào Đền Jokhang: hàng đẹp, nhưng giá khá cao. Nếu không có món gì bạn đặc biệt mê mẩn, hãy cứ ghi nhận lại đó, sau đó vô các khu rẻ hơn để tìm lại và trả giá để mua nhé.
  • Khu cửa hiệu vòng quanh Đền Jokhang: mình thích nhất khu này, và cũng đã mua được nhiều đồ nhất từ các buổi ta bà dạo phố vòng quanh khu này. Khu này mở cửa cũng khá khuya, đến tận 23g, nên giờ nào rảnh bạn cũng có thể tạt ra nhé.
  • Bên trong các tu viện đều có các gian hàng, nhưng giá cao khoảng 5-10 lần giá ở ngoài do được các nhà sư trì chú qua. Nếu bạn thích thật thích bạn cũng có thể mua vài món. Riêng gian hàng ở Bạch Vân Cư Tự thì giá khá mềm, hàng hóa lại rất nhiều, bạn đừng bỏ lỡ.
  • Những món đồ đậm chất Tibet như các loại đồ bạc có khắc chữ OM hay Lục Minh Tự Chú (Om Ma Ni Pad Me Hum), các đồ trang sức thể hiện các pháp khí Kim Cương Thừa, các vòng tay đá thô được khai thác ngay từ các vỉa đá dọc đường đi…: bạn hãy tận dụng mọi lúc nghỉ chân ven đường nhé! Rất nhiều món vừa thô mộc vừa quyến rũ khiến bạn không ngừng… lôi ví ra thanh toán đó! Nhưng bạn yên tâm, đồ dọc đường đi giá không hề cao nếu bạn biết trả giá, mà mấy món này mang về, ta nói… nó quý và độc và lạ lắm bạn ơi…

No photo description available.

À quên, nhưng nhớ tỉnh táo chỉ mua các món đồ mang đậm nét thô mộc của Tibet nhé. Coi chừng mua nhầm mấy món đưa từ TQ lên thì uổng công mình lắm đó ^^

Ngoài ra, đừng bỏ qua đội ngũ bán hàng rong trước cửa xếp hàng vào điện Potala. Mấy tiếng xếp hàng đợi vào tham quan, bạn sẽ có thời gian trả giá (ở đây nhớ trả giá còn xuống 1/4 – 1/3 thôi nha!), bạn sẽ được những chuỗi vòng tay, vòng cổ rất rất là Tibet đó!

Đặc biệt, bạn đừng quên mua về cho bạn bè, người thân 2 món mà tụi mình cực thích từ đất Tibet: tấm ‘Đắc Nhân Tâm’ bằng đồng có khắc ký hiệu Bát Cát Tường và các vòng chú gì đó, đi về mang theo người sẽ được… củng cố lòng tin về sự may mắn; và các vòng đeo tay làm bằng dây leo Tibet phơi khô có gắn một khúc bạc chạm trổ. Giá cả các món này không đắt, nhưng mang được về đây rồi thì ta nói, ai đeo vào cũng quý thôi rồi

  • Ngoài ra, những ai tin vào giá trị tâm linh có thể mua thêm các bức tranh Thangka (vẽ các vị Phật theo phái Mật Tông), hoặc tranh Mandala (là những hình tròn chứa hình vuông đối xứng, theo quan niệm của Mật Tông, là nơi gìn giữ rất nhiều giá trị quý nhà Phật). Giá những món tranh này nếu vẽ tay cũng không rẻ, nhưng nếu bạn mang được một vài bức về treo trong nhà hoặc biếu người quý, cũng hay lắm đấy.

Tóm lại, đi Tibet, bạn… chuẩn bị tiền để ‘ma-rốc’ đi thôi  Tuy vậy, cỡ nào cũng có quà lưu niệm, nên bạn đừng sợ bạn không có tiền nhiều thì không mua được đồ nha! Bao nhiêu cũng có thể loại quà phù hợp cho bạn mua hết!

• Lưu ý: 
– Ở Tây Tạng người ta rất ít khi nhận thanh toán bằng thẻ, nên tốt nhất là nên đổi tiền mặt cầm theo. Tây Tạng vẫn dùng tiền Nhân dân tệ (RMB) của TQ, hiện giờ tỉ giá 100RMB đâu bằng khoảng 350.000 VND.

5. ĐỒ ĂN :

Đồ ăn Tây Tạng không phải quá khó ăn, nhưng hơi bị đơn điệu, vì họ ít ăn rau, cũng ít thấy đồ ngọt (các loại yaourt chua lè luôn á !) Nhiều món còn nấu theo vị của đạo Hồi, nặng mùi nên tốt nhất bạn đừng chọn, hehe. Món ăn thấy được nhất là món Yaksteak hay Yak Zissler (giống như dạng beefsteak hay bò né ở bên mình), vị không nặng mùi, ăn với khoai tây chiên và sốt tương ớt tương cà. Còn lại, tụi mình toàn gọi các món quen ăn bên nhà ở các nhà hàng Hoa, cho dễ ăn. Ở đó việc phải nạp vào cho đầy bụng để đủ năng lượng đi tới đi lui mới là quan trọng nhe.

  • Đồ ăn sáng ở các khách sạn cũng khá đơn điệu, bạn cũng phải dậy sớm để đi đường khoảng vài ngày, nên mang mỗi người khoảng 4-5 gói mì gói để chắc ăn nhé (với điều kiện bạn ăn nổi hết mớ này không là chuyện khác đó, hihi).

  •  Gừng là một người bạn thân ! Nên trữ theo một ít mứt gừng, hoặc kẹo gừng (ngoài siêu thị có bán, loại kẹo dẻo, ăn rất ấm người), và loại trà gừng bỏ thành túi lọc. Mỗi ngày trên đường bạn đều cần các thể loại này đấy.
  • Chà bông các loại (ruốc) cũng là một người bạn thân luôn, nếu bất kỳ lúc nào trên đường bạn không thích ăn đồ ăn bản xứ.
  • Ngoài ra, không cần đem quá nhiều đồ ăn. Bị các bạn công ty lữ hành ‘hù’ quá, đoàn mình ai cũng lụi cụi ôm theo cả đống đồ ăn các loại hihi (đem dư để còn cho những người khác trong đoàn). Ai dè lên bị ‘dội chợ’, nên ngày nào cũng có màn… rao để rủ rê ăn dùm cho hết đê, hihi.
  • Cố gắng uống thiệt nhiều nước ! Ở xứ lạnh, điều kiện vệ sinh bên ngoài lại kém, nên bạn có phản xạ ngại uống nước. Đừng nha, uống cho thiệt nhiều nước vô, nó sẽ giúp bạn chống lại ‘sốc độ cao’ dễ dàng hơn đó. Bên cạnh đó, buổi tối ngủ trong phòng khách sạn, bạn cũng luôn thủ sẵn ly nước trên bàn ngủ cạnh giường, giữa đêm sẽ thi thoảng bạn bị thức giấc do họng quá khô. Lúc này cứ uống một hớp nước, rồi ngủ tiếp héng

6. CHUYỆN… ĐI NGOÀI :

Đây là một vấn đề nghiêm túc! Và nói thiệt, là một trong những điều làm mình… ngán nhứt khi nghĩ đến chuyện quay trở lại Tibet. Ở các khách sạn thì ổn lắm, nhưng toilet tại các quán ăn dọc đường đi hoặc các trạm dừng chân thì ta nói… thặc là khó tả ! Bởi vậy, đừng nói đến những nơi ‘đèo heo hút gió’ như dọc Cung Đường Vàng hay khu vực Hồ Namtso. Tả vắn tắt, do phần lớn người Tibet là dân du mục, rày đây mai đó nên họ không có thói quen xây nhà xí hai ngăn có hầm chứa chất thải kín đáo và tự hoại. Họ đơn giản chỉ đào những cái hầm thiệt là to, sau đó bắt lên đó hai cái thanh, sau đó… chấm hết ! Điều này có nghĩa là ai đi vô cái chỗ ‘toilet’ đó đều được… khủng bố bằng mùi kinh dị và… hình ảnh trực quan kinh dị bên dưới ! Vài phút ngắn ngủi mà tràn đầy… kinh dị tại đây đã khiến cho nhiều du khách quyết định… tẩy chay với ‘toilet được ghi chữ toilet’, mà đi luôn… ngoài đồng, dọc đường, gió mát nắng ấm ^^ ^^ ^^

Ta nói trải nghiệm này khó tả lắm, thôi không tả nữa, bạn cố gắng thử qua một lần đi, cho biết 

TÓM LẠI, đi Tây Tạng là một trải nghiệm rất đặc biệt, có… thống khổ có lâng lâng, ở tại chỗ thì đôi khi muốn chạy về với độ cao bình thường mà dìa tới đây rồi lại rất muốn… có dịp quay trở lại 

(2.5.2016 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart