Cái câu “Người ta lấy nhau, KHÔNG phải để bỏ nhau” được tụi mình đặt làm tựa cho bài viết này, cũng là câu được mình nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong lớp cấp độ 2 vừa qua. Ngẫm, dù đến nay, cũng đã có trên 10 lớp cấp độ 2 diễn ra rồi, vậy mà cái sự chiêu cảm những con người có cùng một tần số, một loại vấn đề về cùng một lớp vẫn thật vi diệu. Cứ mỗi lớp trôi qua, không chỉ riêng tụi mình mà tất cả các thành viên trong lớp, sẽ đều nhận thấy được cái vấn đề nổi bật nhất trong lớp mình là gì, để rồi bài thi, lời giải đáp cho vấn đề của người này, cũng chính là bài học cho người khác tự nhìn nhận và thay đổi.
“Hôn nhân – Gia đình” là một chủ đề được tụi mình chia sẻ rất nhiều lần trên trang thông qua các bài viết, như “Những nỗi đèn vàng”, “Còn tình yêu ấy, lỗi lầm sẽ qua…”, “Những ngã ba đường trong hôn nhân”,… Để rồi trong những dòng chia sẻ, là muôn mặt của vấn đề hôn nhân được giãi bày: nào là những ‘nỗi niềm đèn vàng’ của cái sự ‘tiến không được – lùi không xong’ trong n những câu chuyện duyên dang dở; nào là những cuộc tình ban đầu mặn nồng say đắm để rồi khi cưới nhau về lại… vỡ mộng vì người ta không hoàn hảo như lúc mới quen; hay những sự ‘say nắng’ của những anh chồng cũng làm cho không khí gia đình ‘cơm không lành, canh không ngọt’, hoặc cũng có thể là những áp lực từ phía gia đình chồng đè nặng lên mối hôn nhân của hai người,… Mà sau này, khi được học và biết thêm về luật Nhân – Quả, Duyên – Nghiệp thông qua các giáo lý Phật pháp, tụi mình nhận ra rằng, tất cả những ai có mặt trong cuộc đời mình cũng đều có lý do, họ đều là duyên nợ của ta và những gì xảy ra đều là ‘bài thi’ để mỗi người học hạnh hiểu và thương rồi từ đó, cùng nhau vượt qua ‘bài thi’ về tình thương của mình. Chính vì thế, mà trong những vấn đề mà các học viên đặt ra “Liệu có nên cắt mối duyên trong cuộc hôn nhân này không?” thì mình thật lòng khuyên tất cả là KHÔNG, vì bởi đến đời này, NGƯỜI TA LẤY NHAU KHÔNG PHẢI ĐỂ BỎ NHAU.
Hơn 10 câu hỏi như vậy được lặp đi lặp lại trong cùng một lớp học, mình biết, đây chính là ‘bài thi’ chung của cả lớp, và chúng mình cũng phải có được một cái nhìn và định hướng thật khách quan, cho vấn đề này.
Trong một phần kiến thức ở lớp cấp độ 3, tụi mình sẽ chia sẻ cho mọi người về những mối duyên trong cuộc đời mỗi người thông qua mối quan hệ về những bộ phận trên một cái cây. Có người lướt qua đời ta chóng vánh tựa hồ một chiếc lá. Cũng có người có mối duyên đậm sâu hơn, đồng hành với ta một chặng đường, đây là những người có nhiệm vụ đến dạy ta một bài học rồi đi, tụi mình xếp đó là nhân duyên cành. Nhưng cũng có những mối duyên không nằm trong sự lựa chọn của bạn, mà nằm ở duyên và sự sắp xếp của Vũ trụ. Nhân duyên này chính là duyên nợ của bạn, gắn với nhau trong sợi dây bởi huyết thống như cha mẹ, con cái,… Vậy thì vai trò của người chồng, người vợ nằm ở đâu trong những mối duyên này?
Có người chọn là nhân duyên cây – cành, nghĩa là họ chỉ đến dạy cho chúng ta một bài học nào đó rồi rời đi. Nhưng cũng có những người chọn là cây – rễ, xem họ như một phần định mệnh của đời mình. Đúng là trong trường hợp này, sẽ không có đáp số chung mà còn phụ thuộc vào cách nhìn và đón nhận của mỗi người. Nhưng với bản thân tụi mình, người chồng hay người vợ đến với đời ta, được ràng buộc bằng pháp lý chính thức bởi tờ giấy đăng ký kết hôn, thì chắc chắn, họ chính là mối duyên sâu đậm của đời ta. Và đó cũng có nghĩa là, không phải khi vui thì hợp còn khi buồn, mệt mỏi thì chọn tan. Vì bởi, chúng ta thật khó để có thể ‘đoạn’ họ ra khỏi cuộc đời mình như đoạn đi một cái cây. Họ đến để cả hai cùng học, thi và lên lớp mà
Mình thấy rõ sự dùng dằng trong tâm trí của mỗi người, trong những lựa chọn tiếp tục hay dừng lại một cuộc hôn nhân. Và cũng thật hiểu sâu sắc, cái sợi dây mỏng đến mong manh giữa hai con người, chỉ cần một ai đó chạm vào là có thể vỡ tan. Nhiều học viên hỏi mình, tại sao khi yêu thì đối phương trong một phiên bản hoàn toàn khác, đầy những tính tốt, tử tế, chân thành, hiểu chuyện vậy mà khi cưới nhau về là bao nhiêu tính xấu hiển lộ. Phải chăng là do họ đổi thay, và tất cả những điều mà trước đây người ta làm cho mình là giả tạo, không xuất phát từ tình thương? Mình cười, hỏi cả lớp “Mọi người biết đó là gì không? – Chính là Nghiệp che mắt mắt chứ còn gì nữa!!!” Bạn nghĩ đi, nếu cho bạn nhìn thấy, thấu hết, hiểu hết thì chắc gì bạn đã chọn lấy người ta để rồi nhận lấy đau khổ đúng không? Vũ Trụ gửi ‘bài thi’ tinh tế lắm, nên việc của chúng ta là đón nhận và thi thôi, ngưng thắc mắc, ngưng oán giận, thì cuộc sống của bạn cũng từ đó xoay chuyển. Chưa kể, cái hồi bạn đến với người ta, bạn cũng đang trưng cho người ta thấy một phiên bản hết sức tốt đẹp của chính bạn. Và biết đâu, giờ đây, phía bên kia, người ta cũng đang… thắc mắc giống y như bạn vậy? Bởi vì, sau khi lấy nhau về, rất nhiều đôi vợ chồng đã không còn giữ sự ‘tương kính như tân’ với nhau như thời kỳ đầu nữa. Và cũng chính vì vậy, những đẹp đẽ bên ngoài dần phai nhạt, rơi rụng với thời gian, và những tánh xấu, chướng tật ai cũng có sẵn, cứ thế mà hiển bày…
Mình đã từng nói rất nhiều lần, mọi sự tương phùng, mọi mối duyên đến với bạn trong cuộc đời này đều là do sự dẫn dắt của Duyên – Nghiệp. Và tất nhiên, vợ chồng cũng không nằm ngoài mối duyên đó. Có người đến để trả ơn nhau, nhưng nhiều khi, là đến để ‘đòi nợ’ nhau. Nếu bạn đang trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ấy là khi hai người tìm đến nhau để trả những ơn nghĩa từ vô lượng kiếp, thì chúc mừng, bạn thật sự là một người rất rất may mắn. Thế nhưng, vẫn không ít người đến để đòi nợ nhau, những oán nợ trùng trùng ta đã không phải gây ra trong đời này kiếp này, mà tận từ những đời kiếp sống trước đây, mà đời này, với cái nhìn hạn hẹp của con mắt trần ta không thể nào nhìn thấu. Vậy thì, nếu ta không hóa giải ‘bài thi’ chướng duyên này để bằng mọi giá trở về tình yêu thương, mà cố tình chọn cách cắt lìa nó quách cho rồi, “cho đỡ mệt”, thì bạn đã không vượt qua được ‘bài thi’ mà Vũ trụ dành cho bạn rồi.
Mà cái ‘bài thi’ này nó muôn hình vạn trạng lắm, nhiều khi nó hiển lộ to đùng ra trước mắt nhưng đôi khi cũng đến một cách thật vi tế, mà bản thân người trong cuộc không thể nhìn thấy. Rồi, thử nhìn vào các lớp học đã qua của chúng mình, mình sẽ liệt kê cho bạn một vài trường hợp điển hình nhất, trong vô vàn những nguyên nhân gây nên những trúc trắc trục trặc trong đời sống hôn nhân nha.
Đầu tiên, cái mà dễ thấy nhất và dường như cũng xảy ra kha khá nhiều trong một mối quan hệ, chính là tình trạng “Khi chàng có thứ phi…”. Vấn đề này, tụi mình cũng đã đề cập trong một bài viết trước đây, nên ở đây xin phép không đề cập lại quá nhiều ở đây. Chỉ muốn nhắc lại cho những ai đang trong hoàn cảnh này một điều rằng, cái bạn cần làm không phải là ‘nhảy dựng lên, đòi làm cho ra lẽ’, hoặc kéo đi đánh ghen, hoặc âm thầm héo hon trong đau khổ, mà cần biết vừa xoay cái vô vi bên trong, vừa xoa dịu cái hữu vi bên ngoài. Tất cả những chướng ngại đau đớn trong hôn nhân nếu có, nó cũng chính là những ‘bài thi lớn’ về tình thương, mà ở trong đó, bạn có vượt nổi cái góc nhìn nhỏ hẹp của những mối quan hệ đời này – kiếp này, mà chịu khó nhìn rộng ra hơn nữa, mường tượng dài sâu hơn nữa, về tận những kiếp đời quá khứ, mà ở trong đó, rất có thể những đau đớn của bạn về một ‘người thứ ba’ nhảy chân vào cản trở, cũng chính là nỗi đau chính bạn từng mang đến cho con người ấy, ở một đời kiếp xa xưa đó, mà trong đó, biết đâu được, bạn chẳng từng là một ‘người thứ ba’ đem chen chân vào hạnh phúc của gia đình người… Luật Nhân quả vẫn đang âm thầm và lạnh lùng thể hiện trên mọi phương diện của đời sống, kể cả ở mặt này, những mối quan hệ tay ba trong những mái gia đình. Như mình đã khá nhiều lần khẳng định, sống ở trên đời, cái vô vi mới là cái quyết định cái hữu vi, cái bên trong mới xoay chuyển cái bên ngoài, chứ không phải là ngược lại. Chăm chăm ‘sâu đâu chặt đó’, rốt cục cái cây bạn vốn từng xanh tốt, nay sẽ còn lại gì đâu, ngoài một thân cây cụt lủn và đầy vết chặt xước? Bạn hiểu heng!
Thêm một nguyên nhân tiếp theo dẫn đến rất nhiều xáo trộn trong một mái ấm gia đình, chính là sự can thiệp quá sâu bởi các thành viên trong gia đình lớn vào cuộc sống hôn nhân của hai người. Mình vẫn nhớ ánh mắt và gương mặt của một chị học viên ở lớp cấp độ 2 vừa qua, khi kể về câu chuyện của mình. Chị bảo: “Từ khoảng năm 2015 đến nay, cuộc sống của chị có nhiều trục trặc, bất ý xảy ra nhất và khi học Nhân số học, chị mới nhận ra đây là khoảng thời gian nằm ở Chu kỳ rồng thứ ba của mình. Gia đình xáo trộn bởi người chồng nóng tính, không nói chuyện với nhau được. Thêm cảnh sống chung với ba chị chồng, không hòa hợp nhau dẫn đến trong một khoảng thời gian dài mình cứ chịu đựng, nhẫn nhục và rất khổ tâm”. Và rồi, trong một lần chị vắng nhà, con gái nghe được những người cô trong nhà nói xấu mẹ mình và đã ghi âm lại cho chị nghe. “Tức nước thì vỡ bờ”, có lẽ bao nhiêu sự nhẫn nhục, chịu đựng của chị trong quãng thời gian ấy chạm đến điểm sôi, những lời nói vô hình nhưng lại có tính sát thương cực mạnh, thêm một lần nữa chà sát vào nỗi đau âm ỉ của chị bấy lâu nay. Cuối cùng, gia đình bốn người chia hai ngả. Người chồng với đứa con lớn vẫn ở đó, còn chị và cô con gái nhỏ quyết định ôm gói ra đi, tìm một căn phòng trọ ở tạm. Sự việc ấy, cũng đã để lại trong đứa con gái của chị một vết sẹo về tình thương với những người ruột rà.
Mà, ngẫm lại, cái nguyên nhân thứ hai này cũng xuất hiện quá trời nhiều trong các mái nhà à nha! Hai năm trước đây, tụi mình cũng đã từng làm một buổi trò chuyện truyền cảm hứng với chủ đề “Làm sao thương được mẹ chồng”, để rồi khi nhận thư các bạn gửi về, tụi mình nhận ra, nhiều khi cái mâu thuẫn âm ỉ đó không chỉ xuất phát từ mẹ chồng – nàng dâu không đâu mà còn nhiều nhân vật khác đằng sau đó như chị em chồng, gia đình hai bên nội ngoại,… Cũng vòng vèo và vô cùng phức tạp, mà đúng là những ai ‘dây thần kinh mỏng’ một chút là khó mà chịu nổi. Rồi họ phải làm sao để hóa giải những ‘chướng duyên’ này? Tụi mình sẽ ‘kê đơn’ chung ở cuối bài viết heng!
Giờ thì quay trở lại với câu chuyện trên, bạn thấy một hệ lụy vô cùng lớn trong mỗi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, không chỉ dừng lại ở việc hai người trong cuộc đau khổ mà song song đó, cũng gieo vào trong con cái những tổn thương nhất định. Bé gái trong câu chuyện được kể trên, sau khi mẹ em học xong lớp Quản trị cuộc sống với Nhân số học cấp độ 1 của chúng mình, bắt đầu thực hành các bài tập Năng lượng, Biết ơn, Sám hối và rồi như lời chị kể, sau 14 ngày, người chồng gọi cho chị và mở lời “Thôi hai mẹ con về nhà đi!”. Để rồi, cái vấn đề chị đặt ra và cần lời khuyên trong lớp học là “Giờ chị có nên quay trở về không trong khi nỗi đau, sự tổn thương trong chị vẫn còn”? Mà nếu cho chị có về thì cũng thật khó thuyết phục con gái “Vì bây giờ nó hận ba và các cô của nó lắm! Nó không muốn về!”.
Cái từ ‘hận’ khởi lên từ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ba mẹ trong một cô bé chưa đầy mười lăm tuổi, nghe thật xót xa làm sao! Bạn còn nhớ trong tập Góc nhìn cuộc sống “Tuổi 23 và Những lần ‘vượt sóng cuộc đời'” mà chúng mình vừa phát vào tuần trước không? Cô bé trong tập ấy cũng chính là ‘nạn nhân’ của một gia đình không hạnh phúc khác: “Con sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc, từ bé con phải chứng kiến những cuộc cãi vã, bất hòa, bạo lực của bố, đến năm con lên 7 thì bố mẹ con ly hôn, con ở với mẹ còn em trai ở với bố”. Để rồi chuỗi ngày dài sau đó, cô bé phải sống trong những ngày thương nhớ em và trách cuộc đời sao quá bất công “Cứ nằm xuống là con khóc, con quằn quại, giằng xé tâm can, con nhớ em trai, con muốn có một gia đình bình thường như bao người khác, không cần giàu sang chỉ cần bên nhau là đủ mà sao khó quá, những lúc này con yếu đuối thương cho số phận mình”.
Thấy thương cho những chiếc mầm xanh, lẽ ra các con phải được vươn mình trong những tươi tắm bởi tình thương gia đình, được phát triển một cách vô âu, trong trẻo với lứa tuổi của các con. Vậy mà cuộc sống lại thử thách con quá nhiều, thông qua ‘bài thi’ của ba mẹ. Vậy thì nếu xét theo mặt đời, một cuộc hôn nhân không an vui, hạnh phúc không chỉ gây đau khổ cho bản thân người trong cuộc, mà còn để lại những hệ lụy rất nhiều trong sự trưởng thành và nhận thức của con trẻ. Tụi nó sẽ lớn lên vớt những vết sẹo chằng chịt từ câu chuyện của bố mẹ mình, để rồi không ít những bạn trẻ xuất hiện trong các lớp học của mình đã từng bảo rằng: “Vì chứng kiến những cuộc bố bạo hành mẹ từ nhỏ, nên bây giờ em hoài nghi vào tình yêu đôi lứa và không tin tình yêu đôi lứa còn tồn tại”. Rồi bạn thấy sau tất cả, cũng chẳng có ai an vui gì. Bạn không vui, người bạn đời của bạn chưa chắc cũng hạnh phúc, mà những đứa con của bạn thì lại bị sang chấn tâm lý quá nhiều.
Đấy là tụi mình đang xét về mặt đời, về những nỗi đau hiển lộ rõ ở mỗi người trong một mối hôn nhân không hạnh phúc. Còn nếu ta chịu khó nhìn sâu vào trong vấn đề, nếu những bất ý, những chướng duyên xảy đến trong mối quan hệ của bạn, mà bạn chọn cắt đoạn nó đi thì phải chăng bạn cũng ‘rớt bài thi’ mà Vũ trụ dành cho bạn rồi. ‘Bài thi’ đến nhưng bạn chọn không thi, cắt đoạn nó và nhảy qua, thì bạn đâu được lên lớp đâu đúng không nè? Mà khi không được lên lớp, tất nhiên, bạn phải học lại ‘bài thi’ đó rồi. Vũ trụ có thể nhìn thấu mọi sự luồn lách của bạn một cách đầy vi tế, nên bạn cũng đừng nghĩ đến việc che mắt Vũ trụ khi chưa hoàn thành ‘bài thi’ được giao đâu.
Với những cặp vợ chồng đã ly hôn rồi, thì thôi sự cũng đã lỡ. Lúc này đây, cái mà mỗi người cần là ngưng oán giận. Đừng để sự hằn học, oán thù dai dẳng đeo bám và làm khổ mình, làm khổ người đến cuối đời. Vì cứ như vậy, kiểu nào kiếp sau hai bạn cũng phải gặp lại nhau, để đòi mối nợ chưa dứt này. Mà cứ lặp đi lặp lại những vòng tròn như vậy, mệt quá phải không bạn. Nên thôi, bây giờ ta ý thức được rồi, thì tha thứ và buông đi. Đừng chấp mắc vào những việc đã xảy ra nữa, nhen!
Còn với những cuộc hôn nhân đang chênh chao trên bờ vực thẳm hoặc đã ly thân thì mình luôn luôn khuyên mọi người, ĐỪNG BỎ NHAU. Những cái tính xấu, những điều còn bất ý, những mỏi mệt, lo lắng mà mọi người đang trải qua cũng chỉ là một ‘bài thi khó’ mà Vũ trụ dành cho cả hai mà thôi. Và bạn tin mình đi, Vũ trụ sẽ không cho ai một ‘bài thi’ quá sức đâu, mà quan trọng là ở cách bạn đón nhận, quyết tâm để thi nó như thế nào mà thôi.
Người ta thường nói, duyên do trời định nhưng phận do người tạo. Việc giữ nhau hay buông tay nhau, hoàn toàn đều nằm trong sự chủ động của hai người đúng không? Vậy thì, Vũ trụ đâu ép bạn vào ngõ cụt trong một sự lựa chọn duy nhất là ly hôn đâu, mà ở đó, bạn có quyền lựa chọn cho cuộc sống của chính mình. Mà lựa chọn đầu tiên có lẽ là học cách Hiểu và Thương. Đâu phải ngẫu nhiên, những ai đang vướng phải ‘bài thi’ về tình thương gần như đều trống hoàn toàn con số 6 trong Biểu đồ dù đã điền đầy đủ họ tên vào. Vậy thì bạn phải hiểu một điều, bạn đến đời này để học những bài học về tình thương, mà trước hết là học thương chính mình và những người thân cận với mình như chồng/vợ, con, ba mẹ,… Có nhiều người mải mê đem năng lượng, tình thương của mình chan rải khắp nơi để rồi tự hỏi, tại sao cả cuộc đời mình đem hết lòng hết dạ lan tỏa tình thương cho những người xung quanh mà sao vẫn thấy thiếu thiếu một chút gì đó trong hơi ấm gia đình. Bạn biết vì sao không? Là vì bạn quên mất một điều, trước khi tỏa tình thương đi khắp nơi, bạn phải đủ năng lượng tự thân, bạn phải biết thương mình trước, thương những người thân gần với bạn trước, để rồi cuộc sống của bạn thật sự an ổn thì bạn mới lan tỏa điều đó lan rộng hơn được. Một vòng tay không khỏe thì làm sao dang ra để ôm trọn mọi thứ vào lòng, phải không?
Vậy thì nếu bạn và người bạn đời đang có những bất ý chưa an vui, đừng tự hỏi “Tại sao người đó thay đổi? Người đó không giống với phiên bản mình biết trước đây?” mà trước hết hãy nhìn lại mình, mình có thay đổi gì không, mình có đem cảm xúc và sự kỳ vọng của mình áp đặt lên cuộc sống của đối phương hay không? Nếu những ai đã tìm hiểu về Nhân số học rồi, thì có thể vạch ra những biểu đồ của nhau, để xem những điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người để hiểu mình, hiểu người hơn, rồi từ đó bạn sẽ nhận ra, bên cạnh việc thấy quá trời những điều không hoàn hảo ở đối phương, bạn cũng sẽ nhận ra mình cũng có quá trời những điểm chưa hoàn thiện, và thay vì cứ mệt mỏi, kêu gào, than phiền vì tại sao họ lại thế này, thế nọ, bạn chọn cách đi sửa mình tốt hơn, tăng năng lượng của mình lên thì tự nhiên bạn sẽ thấy, đối phương của bạn cũng sẽ thay đổi rất nhiều.
Bên cạnh đó, tụi mình cũng đã nhấn mạnh rất nhiều lần, việc một ai đó đến trong cuộc đời của bạn cũng chính là sự dẫn dắt của Duyên – Nghiệp. Bạn nghĩ đi, tại sao trong mấy tỷ người khác, bạn không chọn ai mà lấy đúng anh này làm chồng? Hay tại sao trong rất nhiều cô gái bạn gặp, bạn chỉ có thể rung động với mỗi cô này, và lấy về làm vợ. Phải là có những mối duyên đậm sâu với nhau lắm mới có thể nên duyên vợ chồng ở kiếp này. Thế nhưng cuộc sống hôn nhân đâu phải lúc nào cũng đầy rực rỡ, êm đềm, mặn nồng đâu mà sẽ có những trục trặc, bất ý xảy ra sau khi cưới nhau về. Những lúc đó, đừng vội buông nhau mà bạn phải hiểu rằng, Vũ trụ đã chọn người đó đến đời này để làm ‘bài thi’ cho mình. Vậy thì, cứ thi thôi, và thi cho tốt vào!
Đầu tiên hãy thực hành miên mật các Bài tập Biết ơn mà nhà MayQ đã khuyên bạn thực hành trong suốt một năm nay.
Mà một trong 28 bài tập đó, có một bài về “Phép màu cải thiện mối quan hệ”, trong đó, bạn phải viết ra mười điều bạn cảm thấy biết ơn với những người đang làm bạn đau khổ. Điều này dễ không? Không dễ chút nào phải không, khi một trái tim đang bị tổn thương quá nhiều, thường họ sẽ nghĩ đến vết đau đang hiện hữu mà khó có thể nhìn thấy những điều tốt đã và đang hiện hữu ở người gây nên đau khổ trong bạn. Thế nhưng, như cô Rhonda Byrne chia sẻ trong phần bài tập ấy: “Đổ lỗi cho nhau sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề, và cũng không khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn đổ lỗi càng nhiều, thì mối quan hệ càng xấu đi và cuộc sống bạn càng tồi tệ”. Vậy nên, thay vì oán giận trong những câu hỏi Tại sao? thì bạn hãy hành động đi. Ngoài việc thực hành các bài tập Biết ơn để gia tăng năng lượng, cân bằng cảm xúc thì một phương pháp vô cùng hiệu nghiệm mà các học viên trong các lớp học chúng mình đã áp dụng và xoay chuyển được cuộc sống của họ rất nhiều, đó chính là Ho’Oponopono. Chỉ mất có 13 phút mỗi ngày thôi, bạn hãy đọc 108 lần Ho’Oponopono và hướng về người bạn muốn xoay chuyển. Hãy quán gương mặt người đó trong phiên bản thật dễ thương, hiền hòa mà bạn từng biết trong lúc đọc để rồi sau khoảng một thời gian dài, bạn miên mật thực hành, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ hơn, mọi việc đến với bạn một cách dễ chịu hơn và người bạn muốn hướng đến cũng có một sự thay đổi ít nhiều. Bên cạnh đó, nếu bạn nào đang theo Phật giáo thì việc đọc Lương Hoàng Sám và Lạy Sám hối mỗi ngày, thành tâm ăn năn sám hối những oan oan tương báo mà mình cố tình hay vô ý gây ra từ vô lượng kiếp cho đến nay, để tẩy đi những nghiệp xấu, và những chướng duyên đang đến để làm ‘bài thi’ cho mình. Bạn ráng lên nha, xoay chuyển mỗi ngày một ít, 21 ngày, 49 ngày hay thậm chí một năm, ba năm để hóa giải cho một chướng duyên là điều hoàn toàn có thể. Quan trọng là bạn phải thật kiên trì, hành Hiểu và Thương, và đừng bỏ cuộc!
Bên cạnh đó, việc ngồi lại nói chuyện với nhau cũng là một phương thuốc vô cùng hiệu nghiệm để giải quyết và hàn gắn các mối quan hệ. Tất nhiên cuộc trò chuyện cũng phải xuất phát từ thái độ thiện chí, lắng nghe và mang tính xây dựng từ cả hai bên nhen. Chứ ai cũng mang cục nóng và cái chấp trong người ra để nói chuyện, là càng ‘hư bột hư đường’ thêm nữa. Và khi chịu lắng nghe nhau, hiểu được tiếng lòng của nhau, bạn sẽ thấy mọi chuyện sẽ dần dần bé lại mà sự bao dung và tình thương trong nhau sẽ dài rộng thêm ra. Và khi đã có lại được tiếng nói chung rồi, lúc này đây bạn nhớ, đừng giữ nhau ở mặt đời mà hãy song hành cùng nhau thêm một tầng mới của nhận thức. Lúc này đây, hai bạn có thể trở thành những bạn đạo của nhau, cùng nhau sám hối, tu tập, thực hành các bài tập đẩy năng lượng lên mỗi ngày. Và khi mỗi người được trở về đúng với sự phát triển theo Chu kỳ Rồng, bạn sẽ nhận ra, những ‘bài thi’, những ‘chướng duyên’ cũng từ đó dần dần được tháo gỡ.
Lúc bấy giờ, hãy nhớ lại lời bạn QH từng nói nhen “Người ta lấy nhau, KHÔNG phải để bỏ nhau”. Mà là để cùng ‘học’, cùng ‘thi’, cùng ‘lên lớp’ và cùng chạm đến những phần nhận thức mới trong đời này.