NHỮNG VẾT SẸO TUỔI THƠ CẦN ĐƯỢC CHỮA LÀNH

>
>
NHỮNG VẾT SẸO TUỔI THƠ CẦN ĐƯỢC CHỮA LÀNH

❓ Đã bao giờ bạn dành ra một chút thời gian cho riêng mình và tự hỏi, đứa trẻ bên trong bạn đang cảm thấy thế nào?

❓ Bạn có đang cảm nhận được, đứa trẻ ấy vẫn luôn song hành trong hành trình lớn lên của bạn không?

Những ngày này, khi các lớp cấp độ 2 diễn ra với tần suất dày hơn, tụi mình nhận thấy các bạn trẻ xuất hiện trong các lớp học chúng mình với số lượng nhiều hơn hẳn, cuối 9X có, đầu 2000 có. Thật lòng nếu không biết trước năm sinh, chẳng ai nghĩ các con vừa mới chạm tuổi mười tám, đôi mươi đâu vì đằng sau vẻ ngoài trong veo của các con là một phần trình bày của nhiều vấn đề được hiển lộ, một cái nhìn cuộc đời vẫn còn những băn khoăn, trăn trở về những tổn thương nào đó ở những tháng ngày thơ ấu. Ừ thì, nếu không quá khổ, chắc các con cũng không chịu lọt vô được lớp học này, ngồi say sưa học và hoàn thành lớp cấp độ 1 để đăng ký lên đến lớp cấp độ 2 đâu heng!

Thú thật, nhìn những gương mặt của các bạn trẻ ấy, mình thương thiệt thương. Thương cái sự trong trẻo của tuổi mới lớn và thương cả những câu chuyện mà các con mang đến trong khóa học. Mà trong các buổi học gần đây nhất, là câu chuyện về những vết sẹo được hình thành trong quá khứ, để rồi khi đó, các con còn quá nhỏ để biết cách xoa dịu, chữa lành nó, và dần dà nó thành một phần trong ký ức của mỗi người trong hành trình trưởng thành. Và chỉ cần một chút ‘trái gió trở trời’ thôi, cũng đủ gợi lại những tháng ngày không vui với những vết thương lòng.

Phần lớn trong số đó là các con có một gia đình không hạnh phúc ngay từ khi sinh với những cằn nhằn giữa ba và mẹ; hay chứng kiến những đòn roi, bạo hành của ba; hoặc là thiếu vắng đi tình thương của một trong hai người khi ba mẹ ly hôn. Rồi từ đó, hình thành trong ký ức của những đứa trẻ là những hình ảnh tiêu cực về đời sống hôn nhân gia đình, một cảm giác thiếu vắng tình thương, là sự tự ti khi đến lớp bị chúng bạn chê cười. Cái cảm giác thiếu an toàn và thiếu tình thương ấy, vẫn luôn song hành trong hành trình lớn lên của những đứa trẻ để rồi ngày hôm ấy, trong phần trình bày của mình, các con phải thú nhận “Con đang có một khoảng trống rất lớn ở trong lòng, lúc nào cũng cảm thấy mình cô độc và luôn cảm thấy mình thiếu một điều gì đó mà không thể cảm nhận được niềm vui hay hạnh phúc trọn vẹn”. Hoặc như trường hợp của một bạn khác, bây giờ trên tay của em có rất nhiều vết sẹo vì ngày đó, gia đình em có người bố rất là gia trưởng, còn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, hay bạo hành mẹ. Sống trong một môi trường như thế, em luôn cảm thấy tự ti và thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Để rồi, trong những lúc quá mệt mỏi lâm vào trầm cảm, em tự vạch những vết sẹo trên tay (người ta hay gọi là Self-Harm – Hội chứng tự ngược bản thân), để nỗi đau về thể xác làm nguôi đi nỗi đau tinh thần trong em. Tụi mình nghe, không khỏi bàng hoàng.

Những vết sẹo hữu hình trên tay em cùng với vô vàn những vết thương lòng vô hình bên trong những con người trưởng thành khác vẫn đang cần được chữa lành, mà đôi lúc trong cuộc sống, ta cứ lớn lên và mang nó theo như một phần tất nhiên song hành mà không nghĩ cách xoa dịu và chữa lành chúng.

Khái niệm về “Đứa bé bên trong” có lẽ đã không quá xa lạ với chúng ta nhưng việc hiểu và ‘tiếp cận’ đứa bé ấy đúng cách, thì không phải ai cũng làm được. Đứa bé bên trong dù là một điều gì đó vô hình, bạn không thể cầm nắm, nhìn thấy bằng xương bằng thịt như những con người hữu hình được, nhưng bạn phải biết rằng, đứa bé ấy là một phần KHÔNG THỂ THIẾU BÊN TRONG BẠN. Nếu như trong hành trình trưởng thành, bạn càng ngày càng lớn lên cả về thể chất lẫn tâm hồn, thì đứa bé ấy vẫn song hành bên trong bạn. Và nếu những ai ý thức được mình có một đứa trẻ bên trong, thường xuyên vỗ về, trò chuyện cùng em ấy thì em bé cũng sẽ khỏe mạnh và vui vẻ cùng với cuộc sống đang hiện hữu của bạn. Nhưng cũng có những em bé chằng chịt những vết tổn thương, về một vài hình ảnh, câu nói, câu chuyện đã xảy ra và để lại trong em ấy những nỗi đau, sự dằn xé, ám ảnh mà nếu không được bôi thuốc, không được yêu thương thì nỗi đau trong các em bé ấy vẫn sẽ âm ỉ, và thỉnh thoảng sẽ lại nhói lên… vì một điều gì đó gợi nhắc.

Càng đi qua nhiều lớp, càng được lắng nghe và hiểu mỗi học viên ở những cấp độ cao hơn, càng nhìn sâu vào những nỗi đau của mỗi người, tụi mình nhận ra, một phần cái đang làm cho người ta đau khổ chính là những ám ảnh về những nỗi đau trong quá khứ mà họ chưa thể để nó ra khỏi cuộc đời mình được.

Mà đứa trẻ ấy, và những vết thương lòng ấy là ai và từ đâu ra? Đó chính là phiên bản trong quá khứ của bạn chứ ai. Nếu xét về mặt đời, thì đó chính là những tổn thương hình thành trong bạn từ 1.001 lý do khác nhau: một lời nói đùa vô tình của ai đó, rằng bạn “là đứa con được nhặt ngoài thùng rác”, từ một nỗi sợ sau vài lần hụt chân đuối nước nên đến giờ không dám học bơi, từ sự nghèo khó của gia đình, để rồi khi lớn lên, bạn luôn trong trạng thái lo sợ vì sự thiếu thốn,… Nhiều lắm! Mà có lẽ trong một bài viết như thế này, tụi mình cũng không thể liệt kê hết ra được. Chỉ kể ra một vài điều ở trên, để bạn thấy rằng, đâu phải chỉ những tổn thương hay mất mát quá lớn lao mới để lại vết sẹo dài lâu trong một ai đó mà đôi khi chỉ một lời nói, một hành động vô tình thôi, cũng đủ khiến làm cho họ tổn thương và vô tình thành một nỗi day dứt không nguôi trong lòng.

Và từ khi nghiên cứu Nhân số học, tụi mình có thêm được một công cụ để nhìn vào những vấn đề mà những con người này đang đối mặt một cách dễ dàng hơn. Phần lớn họ đều có một combo trống con số 6 và 4 trong Biểu đồ Họ tên. Thiếu số 6 nên nhiều lúc cái khát khao thương và được thương mãnh liệt bên trong nhưng họ không biết làm sao để biểu lộ chúng để rồi họ không biết cách thương chính bản thân mình, điều cần thiết nhất để bước đầu chạm đến sự an vui. Ngoài ra, việc thiếu số 4, họ sẽ không tự kéo mình ra khỏi những vấn đề đang hiện hữu. Bên cạnh đó, những ai đang bị trống Mũi tên 2-5-8 (Mũi tên chỉ sự Nhạy cảm) và trống Mũi tên 4-5-6 (Mũi tên Uất giận), cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề hình thành trong đứa bé bên trong. Bạn quá nhạy cảm, đề rồi một lời nói đôi khi chỉ là đùa của ai đó cũng làm bạn buồn và tổn thương. Sự nóng giận, uất giận trong bạn không giúp cho bạn lắng tâm lại suy nghĩ mọi thứ, thay vào đó suốt này đi đổ lỗi, bực dọc.

Những vết sẹo cứ nằm đó, bạn nhìn nó như một phần hiện hữu trong cuộc sống của mình, mà không can đảm một lần nhìn thẳng vào vấn đề, là mình đang ‘bị thương’ và mình cần được chữa lành. Liều thuốc hữu hiệu nhất chính là sự đối mặt và chấp nhận mọi thứ như nó vốn là, để từ đó, bạn mới ‘chẩn đoán’ chính xác được đó là loại bệnh gì mà biết cách tìm thuốc để xoa dịu, đúng không? Còn đằng này, bạn cứ gồng mình, lấy sự mạnh mẽ bên ngoài để che lấp phần nội tâm yếu mềm bên trong và vô tình tạo nên chiếc vỏ cứng cáp bao bọc bên ngoài bạn. Để rồi, không ai có thể chạm được bạn, và ngay cả khi bạn đưa tay ôm lấy chính mình, thì chiếc vỏ cứng ấy cũng sẽ làm bạn đau. 🌵

Vậy thì bạn ơi, hãy nhẹ nhàng tháo bỏ lớp vỏ bạn đã xây và một lần nhìn thẳng vào những điều đang khiến mình tổn thương, đau khổ hay bất an đi. Nếu bạn cứ trốn thì nó vẫn cứ theo bạn mà thôi. Trong các lớp học, mình hay nói với các bạn học viên, khi mọi người đã nói ra được vấn đề của mình cho gần 60 con người ở đây nghe, nghĩa là bạn cũng đã một phần nào chữa lành được chính mình rồi. Điều quan trọng, là phải bắt đầu ‘kê thuốc’ và sẵn sàng chấp nhận những điều đã xảy ra với mình và từ từ chữa lành nó.

Nếu xét về mặt đời, đó là những vết thương nhưng nếu chúng ta chịu nhìn sâu hơn một tí, có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao điều đó lại xảy ra với mình, mà không phải là một ai khác?”, “Tại sao cuộc sống lại không công bằng với mình?” Cuộc sống không bất công với ai cả, và những điều xảy ra trong cuộc sống của bạn, chắc chắn cũng là điều phải xảy ra. Chúng ta đến đời này, trong thân xác này nhưng theo vòng tiến hóa, thì tâm thức của chúng ta đã có từ rất nhiều từ đời kiếp trước, và trong những đời kiếp trước đó, ta đâu biết mình đã từng gieo những nhân gì ở đó. Chính vì thế, mà theo quan điểm của nhà Phật, mọi chuyện xảy ra, mọi người mình gặp trong cuộc đời này cũng chịu ảnh hưởng của Duyên và Nghiệp.

Trong những trường hợp này, mình vẫn hay mượn ý trong nội dung một bài pháp giảng của Hòa thượng Thích Trí Quảng để nói với mọi người, trên đời này có ba loại người tương ứng với ba tướng phước. Có những người phước dày nghiệp mỏng, ví như người được mặc chiếc áo sạch tinh tươm, đời sống an lành, chỉ khởi tâm nguyện cầu đã được an yên. Lại có người nghiệp không ít nhưng không quá nặng nề, ví như mặc phải chiếc áo đã dơ, chỉ cần có ý thức phải ‘giặt sạch áo’ – tức miên mật sám hối phát tâm lành một thời gian, đã thấy quả ngọt dần trổ. Lại cũng có những người, phước mỏng nghiệp lại quá dày, đời sống khổ đau cùng cực, ví như đời này mặc phải chiếc áo đã dơ lại còn lủng thủng chỗ rách, nhất định phải mất rất nhiều thời gian cùng lòng kiên trì, vừa phải vá lại những chỗ rách cho lành lặn, rồi đem giặt áo sạch nữa, mới được mặc lại áo lành sạch tinh tươm, mới mong thấy được bình minh hửng nắng.

Vậy thì khi bạn ý thức được điều đó, tự soi chiếu vào cuộc sống của mình đang thuộc chiếc áo nào mà biết cách giặt, và vá cho đúng thì mình tin, dần dà chiếc áo trong bạn cũng sẽ trắng hơn, lành lặn hơn và cuộc sống của bạn cũng sẽ khác theo một hướng tích cực hơn. 🌻

Tụi mình biết, việc ý thức mình có một đứa bé bên trong vẫn đang hiện hữu và song hành cùng mỗi người là vô cùng quan trọng, chính vì thế mà trong phần nội dung của lớp cấp độ 3, tụi mình đã dành hẳn một buổi để nhắc về nội dung này. Tại buổi học, gần như lúc nào cũng có hơn 90% học viên trong lớp rất xúc động. Có rất nhiều học viên đã đi qua khỏi tuổi 30, thậm chí ngoài 40, 50 tuổi, khi học đến buổi này mới ngỡ ngàng nhận ra, thì ra đã hàng mấy chục năm nay, các anh chị đã ‘mang’ trong mình một đứa trẻ bên trong đầy tổn thương, mà bản thân họ cũng chưa từng nhận biết! Chỉ cảm thấy sao mình mãi chưa được an vui… Chỉ cảm thấy mình sao dễ buồn bã cô độc quá… Nhiều người không cầm được nước mắt trong những phút giây thiền kết nối với đứa trẻ bên trong. Mình nói mọi người, cứ để cảm xúc của mình được xả ra một cách tự nhiên đi, vì có lẽ, đã quá lâu rồi, đứa bé bên trong bạn đã bị lãng quên, và nay chỉ cần một chút chạm, cũng khiến cảm xúc dâng trào. Và bạn cũng phải biết rằng, đây là lúc bạn và đứa trẻ ấy đã gặp nhau, và đang tự chữa lành cho nhau đó.

Hầu hết các lớp học của chúng mình, mọi người đều có một ‘Bồ Đề quyến thuộc’, là các bạn chung lớp để có thể tâm sự và trò chuyện trong các nhóm Zalo. Có nhiều bạn bảo, có những chuyện mà trước đây mình cứ ôm trong lòng không biết tâm sự cùng ai, mà hôm nay nói ra được rồi thấy nhẹ hẳn, và coi như xong. Chính vì vậy với những bạn chưa hữu duyên tham gia cùng lớp chúng mình thì hãy nên tìm một người nào đó bạn tin tưởng để tâm sự những điều mình đang trải qua hoặc bạn cũng có thể chọn cách viết ra những điều mà mình đang nghĩ, viết những điều còn làm bạn nặng lòng và chưa an vui ra giấy. Đó là một hình thức viết để chữa lành, vì khi bạn đặt bút xuống viết cũng là lúc bạn đang đối diện một cách chân thật nhất với chính mình. Vậy thì hãy thành thật, bao dung và yêu thương mình, để những vết sẹo được chữa lành một cách tròn vẹn nhất, nhen! 📝

Bên cạnh đó, bạn cũng phải miên mật thực hành các bài tập tăng năng lượng và thực hành sám hối, tu tập để thanh tẩy những nghiệp xấu mà ta đã gây ra từ vô lượng kiếp cho đến nay để làm đầy thêm vốn phước trong mình. Và bạn cũng phải hiểu rằng, có những đứa bé với những vết thương mỏng, thì thời gian bạn chữa lành sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những em bé chằng chịt những tổn thương. Những lúc này đây đừng nản lòng, cho mình một năm, hai năm, thậm chí là ba năm để cùng vỗ về, nói chuyện và chữa lành cho nhau. Rồi một ngày đứa bé bên trong bạn khỏe hơn, bạn sẽ thấy tâm trí bạn cũng khỏe hơn, an vui hơn, hạnh phúc hơn.

Ngoài ra, điều này mình đặc biệt muốn gửi đến những ai đang là người lớn, đặc biệt là những người đang làm cha làm mẹ, hay đang công tác trong những lĩnh vực liên quan đến con người như thầy cô giáo,… thì mong mọi người cần thận trọng và ý thức hơn khi nói ra một câu nào đó, làm hành động một điều gì đó… với những đối tượng là em bé, trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên. Chúng ta hãy thận trọng xem lại, lời nói hay hành động có vẻ vô tình của mình liệu có khả năng ảnh hưởng gì đến sự phát triển của những đứa trẻ quanh mình hay không. Vì như những ví dụ mình đã dẫn ở đầu bài, đôi khi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hay những lời cãi vã của cha mẹ cũng đủ tạo nên sự tổn thương cho đứa trẻ rồi. Hoặc nếu như bạn có xem tập Góc nhìn cuộc sống về cậu bé 15 tuổi mình mới vừa lên sóng cách đây mấy hôm, cậu bé kể, vì một câu nhận xét từ cô giáo dạy Văn lớp 9 của em: “Viết văn gì không bằng một đứa lớp 5, lớp 6” đã khiến em không còn tin vào khả năng viết của mình. Những đứa trẻ rất nhạy cảm, đừng nghĩ chúng còn nhỏ mà không để ý gì, chúng hiểu và ghi nhớ hết tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình đó nha. Vậy thì, hãy gieo những điều tử tế, những ngọt lành, những góp ý một cách tinh tế và giàu tính xây dựng (thay vì chỉ trích, chê bai) vào những đứa trẻ, để mỗi đứa đều được lớn lên trong tình yêu thương, những điều thiện lành và không phải mang những vết sẹo bên trong, bạn heng! 🙂

Viết những điều này, để bạn hiểu rằng, đứa bé bên trong chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Vì thế, hãy thương và chuyện trò cùng em ấy mỗi ngày, để cả hai cùng thật khỏe mạnh, đong đầy đủ tình thương trong hành trình phát triển thân – tâm – trí mỗi ngày.

🌵 Mong đứa bé bên trong của bạn đều được chữa lành.

🌻 Mong bạn cũng thật an vui, trong phiên bản tuổi thơ của chính mình.

(06.10.2021 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart