RẦY & BỊ RẦY

>
>
RẦY & BỊ RẦY

Thời gian sau này, liên tục phải đối mặt với những bài thi khó dạng ‘Tâm’.

Kể từ khi biết học Phật, ý thức về tự tu chỉnh thân tâm đến giờ, càng ngày mình càng ít có phản ứng nóng nảy trước mọi việc – những điều mà, có lẽ những ai là người quen hay người thân biết mình trước giai đoạn 40 tuổi sẽ nhìn rất rõ. Bản chất của mình bộc trực, thẳng tính, gặp việc bất bình sẽ ‘quật’ thẳng. Mà mãi sau này khi đủ duyên bén với Nhân số học, mới biết là do biểu đồ ngày sinh, sau khi điền thêm tên Quỳnh Hương vào thì quá dư nhiều con số 5 🙂 Cái sự trực tính, thẳng băng này từng mang tới cho mình khá nhiều sự vì nể (nếu nhìn theo hướng tính cực, bởi vì người ta hiểu, hễ mình thấy cái gì ‘sai sai’ là mình ‘xử’ liền, bất kể cấp bậc, mối quan hệ, haha); nhưng đồng thời lấy đi của mình nhiều thứ, do một phần người ta cũng… ngán mình, ngán cái ‘pà Cọp tánh nóng như lửa’, là mình.

Vậy cho nên, khi quan sát hành trình mình từ từ kiểm soát bản thân dần dần tốt hơn trong mấy năm qua, cũng cảm nhận, đây có lẽ là một hành trình khó khăn và cần sự nhẫn nại dài lâu nhất. Bởi cái gì thuộc về bản tánh, làm sao có thể ngày một ngày hai mà thay đổi được. Vì vậy, mình nhìn thấy mật độ ‘nổi giận’ của mình hàng năm mỗi lần như vậy giảm dần, giảm dần…, cho đến một hai năm gần đây, thì đếm được luôn trên đầu ngón tay, và nhớ rõ luôn, một số ít lần mình cảm thấy tâm mình cuộn lên, sôi trào là những khi nào. Mà, những khi đó, hầu như rồi mình cũng kiểm soát được hết. Cũng đều nhớ và biết lùi lại, tĩnh tâm, quan sát tâm mình để coi cơn tức giận này nó trào lên là từ đâu, rồi quan sát nó lớn mạnh lên, đến cực điểm là khi nào.

Có điều, cứ dửng dưng quan sát coi nó đến rồi nó tự đi như các vị thiền sư thì… mình chưa làm được, hehe. Chỉ làm được tới cái mức là, ngồi quay ngược lại, coi căn nguyên của cơn giận này là từ đâu tới, do những đối tượng nào mang tới. Để rồi, khi ngồi lại, bình tĩnh phân tích khách quan những điều đang xảy ra, biết chắc rằng điều này không phải do từ mình, mà những đối tượng kia chính là những dạng ‘chướng duyên’, đem bài thi mới tới cho mình giải, thì mình sẽ cố gắng tìm một cách này hay cách khác để mà hóa giải chúng đi, theo cách thức thỏa đáng nhất. Mà trong đó, 99% là chọn cách hành ‘Nhẫn Ba la mật’, nghĩa là ráng hóa giải chướng duyên đó bằng cách Hiểu và Thương, cùng cố gắng tìm ra được cái để mình Biết ơn cái chướng duyên đó, coi đó là một dạng ‘nghịch hạnh bồ tát’ tới khảo mình, để qua đó, mình nhẫn được, thì mình ‘lên đô’. Mà hơn nữa, còn học ra được một điều, là họ có quyền không phải với mình, có quyền thiếu lễ độ hay xấc xược với mình, nhưng ngược lại, mình không được quyền nóng nảy với họ, không được quyền ‘xử tay đôi’ với họ, đơn giản chỉ vì mình ở vai lớn hơn, đòi hỏi sự thấu hiểu hơn, bao dung hơn. Và những lúc đó, mình hiểu, để mình nổi nóng lên và hành xử nóng nảy với họ, đơn giản, là mình đã bị ‘đánh rớt bài thi’ từ Vũ trụ rồi 🙂

Cho nên, cái lần gần đây nhất, cách đây hơn một tuần, khi trong một cuộc họp, mình nghe các em team giáo vụ báo cáo khẩn cấp một trường hợp ‘vượt ra ngoài hành vi ứng xử thông thường’ của một nhóm các bạn học viên của một lớp cấp độ cao, mình bị ‘đứng hình’ hết mấy giây. Sau đó, mình giao lại việc xử lý này cho một số các anh chị lãnh đạo khác, vì… thật tình mình không biết, trong trường hợp này mình nên ra hướng xử lý như thế nào cho tốt! Một trường hợp mà, nói nôm na là kéo căng dây kẻ chỉ thẳng băng ra mà nói, thì chẳng có gì gọi là sai hết; nhưng nói về cái gọi là ‘đạo lý thường tình’, thì người có suy nghĩ bình thường… sẽ không ai làm như vậy mà coi được hết! Mà chính vì cái chuyện rõ ràng người hiểu chuyện bình thường sẽ không ai làm như vậy được hết, cho nên khi chuyện ấy thực sự xảy ra, mình thực sự… quá ngại, không biết phải xử lý làm sao cho phải!

Cho đến khi, các anh chị lãnh đạo khác đã giải quyết qua rồi mà sự việc vẫn chưa thể dừng lại, mà thậm chí, còn có nguy cơ trầm trọng hơn một bậc. Vì phía bên kia khi đã không hiểu chuyện mà bị xử lý, thì lại càng ức chế, đem lý lẽ ra mà đọ, mà nói vì sao lại sai, trong khi căng về lý, ai cũng là đang làm điều tốt kia mà!

Đến đây thì mình đã hiểu, thôi rồi lần này bài thi của Vũ trụ gieo thẳng vô tay mình rồi, muốn né cũng không được. Và vấn đề là, một khi đã hiểu, “Sanh một niệm sân đốt một rừng công đức”, và cũng biết rằng, bằng mọi giá không được để xảy ra mâu thuẫn thêm nữa, vì còn mâu thuẫn nghĩa là sẽ còn tạo ra nghiệp oan gia, không chỉ ở một cấp độ giữa ta và các đối phương trực tiếp mà còn có khả năng ảnh hưởng đến năng lượng của hàng chục học viên khác, ta phải làm sao?

Trầm ngâm suy nghĩ đến nửa đêm thì quyết định phải đối diện với vấn đề. Phải rầy thôi. Và đã phải rầy, thì phải rầy cho đến nơi đến chốn, có lý có tình. Ngồi suy nghĩ và gõ ra lá thư rầy cho các đương sự có liên quan. Để rồi, gõ xong, thận trọng kiểm tra lại lần nữa quyết định của mình với một quẻ Dịch. Dịch cho một lời đơn giản: quẻ Tổn. Chấp nhận mất mát, tổn thất về tình cảm, mà trong đó, nhấn mạnh “sự nghiêm khắc và chân thành mới sẽ bất chấp tổn thất mà làm nên lợi lạc”. Mình bấm gửi đi vào nhóm trao đổi chung cả lớp lúc một rưỡi sáng. Thư rầy học trò gửi đi rồi, cả đêm vẫn còn trằn trọc.

Thấy, thật ra có mấy ngày đời được hoàn toàn An đâu, mà thực chất, An được ba ngày, rồi bạn sẽ luôn phải giải những cái đề thi mới từ Vũ trụ, mà bạn có né tránh, thoái thác đến độ nào, rồi cũng phải đối mặt với nó, phải giải cho được nó, và giải nó cho được theo cách tốt nhất mà thôi. Và đó là con đường duy nhất!

Ngẫm lại, thấy những năm tháng vừa qua đã xoay chuyển, trui rèn mình thành một con người ‘dĩ hòa vi quý’, nếu thật sự có thể không phản ứng, thì mình nhất định không phản ứng. Cái bài thi ‘Ra mặt rầy’ này, chắc chắn đã không phải là một con đường dĩ hòa vi quý. Mà khi đã phải ra mặt để rầy học trò, thì chắc chắn học trò đã không vui, mà người rầy nào có thể vui vẻ gì.

Vậy, ngẫm tới rồi lại ngẫm lui, ngẫm dài cho đến thấy được, ngày càng thường xuyên hơn những ‘bài thi nghịch duyên’ từ rải rác các học viên nhiều cá tính, làm tụi mình hao tâm suy nghĩ tìm cách đối xử cho phù hợp. Vậy dạng bài thi này, Vũ trụ muốn mình học được điều gì? Cái chìa khóa nằm ở đâu? Vì sao mình càng nhẫn nhịn, Vũ trụ lại gửi xuống càng thường hơn, cùng dạng bài này như vậy? Mà đáng nói, những trường hợp này lại toàn nằm ở những cấp độ cao hơn, không thể nói họ thiếu suy nghĩ hay ít hiểu biết được. Vậy, trong những trường hợp đặc thù như thế này, hành Nhẫn Ba la mật lại có vẻ không phải là một cái ‘chìa khoá’ đúng.

Cái cảm giác trì oằn này ngụ lại trong mình suốt mấy ngày, càng làm cho mình thôi thúc, nhất định phải nhìn cho ra công thức, tìm cho ra cái ‘công tắc’, bật cho sáng được vấn đề này. Cho tới đêm rằm vừa rồi, mình thả mình vào một thời thiền trăng dài, hoàn toàn buông mọi suy tư, nghĩ ngợi. Mình khấn với Vũ trụ, nếu đúng đó là bài thi cho con, thì sẽ cho cho con đủ sức ‘nhìn ra’ vấn đề này, thông qua thời thiền này nha! Thiền xong rồi, dứt khoát đi ngủ. Sớm hôm sau thức dậy lúc hơn bốn giờ sáng, mọi cái tự nhiên thông tỏ!

Tự nhiên tất cả đến với mình cùng một lúc.

Trong một sát na, mình nhìn thấy mình hồi còn là một đứa bé gái nhỏ bảy tám tuổi, lúc đó có một bác bạn cha mình đến nhà chơi. Lúc đó, mình đem cây chổi ra quét nhà, trong đầu óc non nớt của mình thời điểm bấy giờ, mình chỉ nghĩ bác kia thấy mình như vậy thể nào cũng khen mình “con bé siêng năng” cho xem. Ai ngờ bữa đó mình bị cha mình rầy cho, nói vì sao khách đến chơi nhà mà con lại đem chổi ra quét nhà, như vậy là tín hiệu đuổi khách à! Mình vừa ức, vừa quê…, thiệt sự lớn lên nghĩ lại, không biết hồi đó sao mà mình nghĩ và làm như vậy được nữa á!

Rồi cái cũng trong một sát na, cái đầu mình nối liền được hành vi của con bé Quỳnh non nớt ngày xưa đó, với hành vi ‘không hiểu sao mà làm được’ của một số bạn học viên dẫn dắt nhóm trong lớp học mà mình rầy kia. Có thể các bạn đã làm hành động đó, và làm một cách vô cùng hồn nhiên, là bởi vì thật sự các bạn cũng không ý thức được, làm như vậy là vô cùng không phải so với đạo lý xã hội, là điều mà người ta cần tránh, kiểu ‘quét nhà là đuổi khách’. Có thể ở môi trường các bạn từng sống, chưa từng ai dạy qua các bạn một số điều đạo lý cơ bản đó, hoặc giả, là những người trẻ đầy cá tính và muốn thể hiện trách nhiệm và khả năng của bản thân, các bạn đã vô tình phạm mà không ý thức hết được hậu quả. Bởi, nếu đã chủ động ý thức được, các bạn đã đâu có làm, kiểu như hồi đó mình vẫn biết ‘quét nhà là đuổi khách’ đó chứ, nhưng trong một khoảnh khắc nhất thời nào đó, con bé Quỳnh của ngày thơ dại đó đã vì ham thích thể hiện nhất thời mà quên mất đi bản chất của hành động đó!

Vậy thì, việc rầy và bị rầy trong việc này là điều không thể tránh khỏi. Mình nhận ra rồi, ngay cả trong một môi trường trọng sự an hòa như tụi mình hay theo từ lời khuyên của các Thầy, vẫn không thể thiếu cái gọi là sự uốn nắn, rèn giũa. Cây có mọc lên cao cỡ nào, khi cây đó hữu duyên lọt vào vườn nhà mình, được Vũ trụ giao cho mình nhiệm vụ chăm dưỡng ở một mặt nào đó, thì trong sự chăm dưỡng ấy không thể thiếu được sự uốn nắn. Mà đã ‘uốn’ và ‘nắn’, thì làm sao tránh khỏi có lúc phải thực sự nghiêm khắc, thì cái cây đó mới mọc thẳng, vươn cao được.

Mình biết, những khóa học về Quản trị cuộc sống của nhà MayQ tụi mình, suy cho cùng cũng chỉ là những khóa học về kỹ năng sống. Nhưng đó vẫn là một phần trách nhiệm quan trọng của tụi mình, là một dạng ‘công tác’ mà giai đoạn này, tụi mình được Vũ trụ giao nhiệm vụ cho làm. Mà ở đó, không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức hay kỹ năng sống, đó còn đòi hỏi việc phải dùng chính tâm và lực của mình, để phần nào định hướng và uốn nắn lối sống của cả những ai hữu duyên tìm đến với chúng mình!

Thốt nhiên, mình nhớ lại, trong bước đường làm học trò của Thầy tụi mình, bản thân mình đây cũng đã từng bị Thầy mình rầy không biết bao nhiêu lần…, mà mỗi lần bị rầy như vậy, là sự tổn thương ghê gớm 🙂 Nhưng rồi, bước qua khỏi sự tự ái ban đầu đó, bình tĩnh ‘liếm láp vết thương’ và quay lại soi rọi từ bên trong mình, mình lớn khôn, hiểu chuyện hơn nhiều từ những lần ‘bị rầy’ đó. Vậy thì, tự nhiên thấu suốt, cái sự ‘rầy học viên’ của mình ngày hôm nay, phải chăng bản chất của nó chính là sự tiếp nối của sự uốn nắn, rèn giũa trong nghiêm khắc, những khi thực sự cần thiết, để đối tượng chịu cái sự rầy của mình cũng sẽ rồi vượt qua được những sự tự ái cá nhân, mà khi cần thì soi rọi lại bản thân, để qua đó, cũng sẽ lớn khôn và trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn?

Tự nhiên, mình nhẹ nhõm. Tự nhiên, mình an lòng. Cái ‘chìa khóa’ để mở ra vấn đề về những chướng duyên đến từ các học trò cấp độ cao đầy cá tính, có lẽ mình đã nhìn ra được phần nào. Và mừng là mình đã chọn cách phù hợp. Để rồi đây, những ai đủ duyên sẽ hiểu, mình vì thương và thực sự muốn tốt hơn cho mọi chuyện mới phải làm cái việc chẳng ai mong muốn, là rầy các bạn.

Xét ra, dường như sau mỗi chặng thời gian, gánh nặng trách nhiệm của tụi mình trong những giai đoạn cụ thể ngày càng nặng thêm thì phải. Hồi đó làm truyền hình, chỉ cần tập trung làm nội dung cho hay, cho chạm lòng người, là được. Sau đó chuyển qua giai đoạn làm du lịch truyền cảm hứng, cũng chỉ phụ trách khách của mình trong chuyến đi mà thôi. Còn về sau này, khi nhánh lớp học mở ra, nhiệm vụ của tụi mình không chỉ là truyền tải kiến thức, kinh nghiệm, mà còn phải dùng tâm sức của mình bồi đắp nên những cộng đồng học viên biết sống thuận hòa, hợp lẽ, biết yêu thương nhau và hiểu chuyện. Và chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, dù không được ai nhắc nhở hay hối thúc, tự thân mình luôn phải tự nhắc mình cố gắng tu tập miên mật và đẩy năng lượng, nội lực của mình ngày càng lên cao, mới có thể làm được cái việc “Cây càng cao, rễ phải bám sâu, thân phải thật dày, mới trụ được với gió ngày càng lớn”.

Càng dọc dài theo những khóa học ngày càng mở ra đến nhiều hơn những đối tượng học viên thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau, tụi mình không thể tránh khỏi phải đối diện với một số những con người đầy cá tính, với những nếp suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Khi xảy ra những việc như đã thấy, nghĩa là lực mình chưa đủ, để họ tự nhìn người dạy mà tự tu chỉnh cho trang nghiêm, cho hiểu chuyện. Vì vậy, đã có mấy trường hợp, mình phải xin kiếu tạm thời không tiếp nhận vào các lớp tiếp theo. Đây có thể nói cũng là một trường hợp giải quyết nghiêm khắc, cho cả hai bên. Phía chính mình, là sự thừa nhận không tự ái, là mình chưa đủ lực để cảm hóa các đối tượng đặc biệt đặc thù này, cần phải ra công nỗ lực bồi đắp nội lực và sám hối cho miên mật để nghiệp nhẹ hơn nữa. Còn phía các bạn chịu hướng giải quyết đặc thù này, đây cũng là thời gian tạm ngưng, để các bạn từ nhìn lại bản thân và qua đó, cũng có thể rút kinh nghiệm ít nhiều về những gì mình đã làm…

Cái là mình nhớ, ừ, cũng dọc dài trên con đường cầu học, mình bị chính vị thầy ‘ruột’ truyền cho mình bao nhiêu điều quý giá về Phật pháp và Nhân số học đây, ‘từ mặt’ cho mấy lần rồi. Lần nào cũng ‘từ mặt’ công khai, thả vào cả nhóm thông báo cho biết. Cũng đau đớn, cũng khóc lóc nước mắt nước mũi chèm nhem bao lâu mấy lần rồi… Mà nếu đã là duyên gắn bó, thì sau mỗi vụ ‘bị rầy nghiêm khắc’ và ‘bị từ’ như vậy, Thầy trò rồi cũng gắn bó trở lại, để rồi sau mỗi lần như vậy, dường như giữa thầy trò lại hiểu nhau hơn, ăn ý với nhau hơn, và mình lại học thêm được biết bao nhiêu điều cơ mật mà, có lẽ nếu không phải học trò bị rầy, bị từ nhiều như vậy, chưa chắc học trò khác đã học được (nói tới đây, thiệt là vừa nói vừa chấm nước mắt luôn ^^)

Mình thương cái chữ “Rầy”. Từ này chắc là một từ rất mang phương ngữ Nam Bộ, chỉ sự uốn nắn nghiêm khắc nhưng mang hàm sự yêu thương, muốn tốt cho đối phương. Vậy, tự nhiên xâu chuỗi lại tất cả những lần bất đắc dĩ ở trong vai trò ‘bị rầy’ trong quá khứ, thấy cảm kích những lần ‘bị rầy’ đó quá. Bởi lẽ, nếu không có những lần ‘bị rầy’ đó, cái cây ngông nghênh của thời tuổi trẻ là nhỏ Quỳnh đây có thể đã không học được hạnh hiểu chuyện mà khiêm hạ cúi mình, như bây giờ 🙂

Rồi cái tự động mình liên kết sang những gì đang diễn ra giữa mình với các đối tượng bị mình ‘rầy’ những ngày này. Tự nhiên thấu một cách sâu sắc, những lần gián đoạn duyên này, giữa mình và một số bạn cụ thể, coi như cũng là bài ‘test’ chung cho cả các bạn, lẫn mình.

Nếu còn duyên, chúng ta sẽ có ngày gặp lại, ở một mức độ hiểu nhau sâu sắc hơn, và vì thế chắc chắn, mức độ lợi lạc hai bên mang lại cho nhau hẳn sẽ tăng thêm được một bậc.
Tuy nhiên, nhìn ở khả năng ngược lại, nếu đã nhân sự việc lần này mà những ai đó tự ái, rời đi vĩnh viễn, ấy cũng là một đoạn duyên mỏng, nay cũng đã đến lúc đoạn rồi. Mình rất thích câu “Duyên mỏng trách sao tình không sâu”. Nếu đã quán chiếu sâu sắc, vạn sự trên đời vận hành theo duyên, thì ta đi theo duyên vậy.

Gửi niệm lành cho tất cả,
(20.12.2021 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart