‘GIA TÀI’ QUÝ NHẤT
Chúng mình đã ngẫm ra, và đã tâm đắc đề tài này từ rất lâu… Dặn lòng phải viết, mà có lẽ đến sáng sớm hôm nay nó mới đủ chín để được chấp bút, trào xuống thành câu chữ. Chia sẻ với những ai hữu duyên, đồng cảm với chúng mình, nha.
1
Trong lớp học cấp độ 4 Online mới đêm hôm trước, ngẫu nhiên có đến hai câu chuyện về những bạn trẻ được mẹ đưa tới. Đầu tiên là một chị học viên tuổi ngoài năm mươi. Chia sẻ với sự vui mừng không thể giấu được, chị nói, khi bén duyên với các khóa Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ và nhận ra khả năng xoay chuyển cuộc sống qua các khóa học này, nỗi mong ước của chị chỉ là, làm sao mỗi đứa con ở nhà chị chịu tham gia khóa học, để tự tụi nó cảm và hiểu được, để qua đó tụi nó đủ nội lực mà ‘bước qua bể khổ’ ắt có của đường đời. Và tụi nhỏ – từ chỗ hồi đầu đã… khóc không chịu khi chị phải ‘thuê’ chúng đi học, vậy mà hôm nay, đã chủ động xin mẹ đi học tiếp đến lớp cấp độ 3 rồi! “Bọn nhỏ nhà chị” trong lời kể của chị bao gồm một anh con trai 25 tuổi và một cô con dâu cũng trạc tuổi đó. Và mình nhớ ra rồi, hóa ra, đó chính là một cặp vợ chồng trẻ măng, hồi khóa cấp độ 2 từng lo lắng về vài vấn đề sức khỏe của em bé trong bụng, vì trước đó cũng xảy ra một số triệu chứng đáng lo ngại. Các em đã được tụi mình tư vấn một số cách thức để sống tích cực, yên vui cho bà bầu, và nương nhờ đức tin tâm linh thiện lành để trợ duyên cho sự an bình của em bé. Chị cười, “Bây giờ thì tụi nhỏ cứ tập trung đọc kinh, lễ Phật, cầu nguyện cho em bé suốt ngày. Và tụi nó ngoan hẳn ra. Tôi cũng mừng cho tụi nó lắm cô!”
Trong cùng buổi học đó, có thêm một cô bé sinh năm 2001, nghĩa là chỉ lớn hơn Tin nhà mình có một tuổi thôi chớ mấy. Ở tuổi 20, đang là du học sinh tại Canada, cô bé vẫn giữ được nét hồn nhiên trong veo của những em bé mới lớn. Vậy mà sự chững chạc hiểu chuyện điềm nhiên của em làm cho tất cả các cô chú anh chị học viên lớn tuổi hơn cùng lớp phải yêu mến hết sức. Em thừa nhận, em từng quả thật có ‘bài thi về tình thương’ với chính người mẹ ruột của mình, hai mẹ con ‘khắc khẩu’, không thể nói chuyện ôn hòa với nhau quá 15 phút. Nhưng rồi mẹ em bén duyên với những chuyến đi đại cộng hưởng với nhà MayQ, và từ đó, tâm tính mẹ thay đổi nhiều, ôn hòa với em hơn, cũng cố gắng nối một nhịp cầu với em rõ hơn. Khóa học này là do mẹ đăng ký và gửi em vào học. Nhưng không ngờ, từ sự chỉ học một cấp độ cho biết, em thấy hứng thú với những gì mình đang được khám phá, nên xin mẹ tiếp tục được học lên đến những cấp độ cao hơn. Và giờ đây, ở cấp độ 4, em chia sẻ, em đã có được sự kết nối với mẹ, cảm nhận được tình thương nơi mẹ – điều mà nhiều năm trước đây, có lẽ do chướng duyên cản trở em mãi vẫn không cảm nhận được. Và em bình tĩnh nhìn biểu đồ full Mandala của mình ở cấp độ 4, bình tĩnh chấp nhận một số dấu hiệu có khả năng không tốt, nói em may mắn vì đã được biết về nó rất sớm trước khi nó có khả năng thực xảy ra, và em vẫn còn có nhiều thời gian để kịp tu-tập và xoay chuyển những gì vốn xem là ‘kế hoạch A’ mà Vũ trụ đã cài đặt sẵn trong đường đời của em, để biến nó thành ‘kế hoạch B’ tốt đẹp hơn. Cả lớp ai cũng yêu em gì đâu với sự chững chạc và tự tin này. Có bao nhiêu cô gái, chàng trai trẻ tuổi hai mươi đủ bình tĩnh nhìn kế hoạch đường đời của mình và bình tĩnh đưa ra quyết tâm, mình sẽ dùng sự chủ động tu sửa thân tâm để qua đó, phần nào ‘cải mệnh’ tích cực cho chính mình?
Cùng trong lớp học cấp độ 4 hôm ấy còn có thêm một số bà mẹ trẻ, tự thú nhận mình thuộc tuýp người ‘lười’ vì mặc cho bao nhiêu khuyến khích cùng thúc đẩy của nhà MayQ, các bạn vẫn khá lười thực hành các phương pháp tu sửa thân tâm, nuôi dưỡng thân – tâm – trí, đơn giản chỉ vì các bạn thấy… cuộc đời mình cho đến thời điểm này chưa có gì là khổ lắm (^^). Tuy nhiên, khi nhìn vào biểu đồ full Mandala mà các bạn tự vẽ ra cho các con mình, các bạn mới… toát mồ hôi hột, khi thấy nếu mẹ trì hoãn, lười biếng ngày nào, thì các con bạn mới sẽ thực sự là những các ‘đề thi khó’ cho bạn sau này nha! Và chỉ như thế, các bạn mới thực sự có đủ động lực để tự đẩy chính mình ra khỏi ‘vùng trì trệ’, bởi lắng nghe hàng trăm câu chuyện đời sống động đủ mọi góc cạnh từ lớp cấp độ 2 lên cấp độ 4, các bạn đã kịp hiểu rằng, những con số như vậy như vậy…, khi nó thể hiện thấp thoáng đâu đó trong biểu đồ Mandala của bạn, nếu bạn không chủ động có ý thức tu-tập, sám hối và phát hạnh lành, sống gìn giữ giới đức nghiêm túc, cuộc đời bạn hoàn toàn có thể đưa tới cho bạn nhiều nỗi đắng cay, biết tỏ cùng ai!
2
Những ngày này, ngẫu nhiên xảy ra một vụ việc song song. Hồi lễ giáng sinh năm nay, trong những câu chuyện Tin gọi về kể hàng ngày, có tin tức không mấy tốt: một bạn học đại học của Tin ở Anh đã được báo cáo là “mất tích” sau bốn ngày gia đình không liên lạc được với em. Khi kể những điều này, Tin tỏ vẻ xuống tinh thần thực sự, vì người bạn ấy có học cùng con trong một số môn chung. Mình nói, khi bạn đã bị mất tích cả một số ngày và đến nay mình mới biết được, thì nhiều khả năng mọi việc đã an bài rồi con… Thôi bây giờ, tất cả những gì ta có thể làm được là con gửi niệm lành đến bạn, nếu bạn còn sống thì an mà thác thì sớm siêu thoát, rồi để mọi chuyện tùy duyên vậy. Bởi bạn cũng như con, đã hơn 18 tuổi, hoàn toàn tự quyết định mọi hành động của mình. Và sự mất tích của bạn cũng không phải trong một hoàn cảnh bất khả kháng hay rủi ro nào, mà là do chính bạn chủ động chọn lựa. Bạn đã được báo nhìn thấy lần cuối vào lúc 4 giờ sáng, trong một quán bar tại Luân Đôn, cách thành phố các con học đến sáu tiếng đồng hồ đi xe. Một hành động – tạm gọi là buông thả, thiếu cân nhắc, thiếu kiểm soát, khi xảy ra chuyện thì ta khó thể trách trời, mà chỉ có thể tự trách mình…
Ngày hôm kia, trong câu chuyện về nhà, Tin cập nhật: bạn có thể đã được tìm thấy rồi mẹ. Người ta nhận dạng một người nhiều khả năng là bạn, ở dưới sông… Mình lại nói, thôi con đọc cho bạn ba hồi Chú Vãn Sanh, xong rồi xin để bạn lại qua một bên, và đừng nghĩ thêm về điều này nữa. Con người ta đến cuộc đời này, mỗi người đều cõng theo sau lưng phước và nghiệp của riêng mình. Đã làm thân con người, ai cũng khó tránh khỏi những nghiệp bất thiện, còn lưu giữ từ những suy nghĩ, hành động, lời nói không thiện của ta trong những đời kiếp trước. Mà đã từng tạo nhân, ắt khó tránh khỏi có ngày nào đó trong tương lai, những cái nhân ác đó đủ duyên chín, tạo thành quả ác. Nó có thể đòi ta về sức khỏe, tiền bạc, sự nghiệp, nạn tai…, thậm chí, là đòi mạng. Vậy, ai đủ phước thì tự nhìn ra sớm, mà lo sám hối cho những ác nghiệp đã tạo đó, đồng thời chủ động ý thức mà đừng lại phạm nữa, đồng thời phải biết chủ động trồng thêm nhiều những cái nhân lành, gọi là ‘bồi phước’.
Mình thương đạo lý của nhà Phật, là nguyên tắc bất di bất dịch: ngưng tạo lại nghiệp ác, giữ mình sống thiện lành, tạo thêm nhiều thiện nghiệp. Vậy, cái điều “Giữ mình sống thiện lành” ấy, với những bạn nào có đủ may mắn được dạy dỗ từ bé như một điều kiện quan trọng của đời sống mà các con cần giữ, có phải là một trong những nền tảng quan trọng đi theo các con dài qua năm tháng, để cho các con trở thành những người trưởng thành biết sống đàng hoàng, tử tế, không phạm phải những điều tha hóa của thế gian vốn đầy những cạm bẫy giắc mang của thời-mạt-pháp?
Và điều này, thật vừa hay, không chỉ trong mỗi đạo Phật. Mình nghiêm túc quan sát, trong hầu hết những tôn giáo, đức tin thiện lành khác, việc “Giữ mình sống thiện lành” đã được đưa vào như một trong những điều kiện tiên quyết để các gia đình có đức tin tâm linh thiện lành rèn dạy các con. Đó đã không còn là chuyện ‘nên làm’ nữa, mà là điều ‘cần làm’, và ‘phải làm’. Vì thế, quan sát thấy, thực sự rất nhiều những người bạn quanh mình, nhiều người là gia đình Phật tử hay giáo dân thuần thành, ở họ có những nét lành và thuần chân, thiện lương rất đáng cảm mến. Và cũng chính vì sự thuần chân, thiện lương này, phần lớn họ đi qua cuộc đời một cách nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với những người sống bình thường một cách bản năng khác.
Nói tới đây lại ngẫm về một điều được lặp lại, ở tất cả các lớp cấp độ 2, là nơi thực hành, chia sẻ những câu chuyện đời của các học viên. Ở đó, có đến hơn 90% các bạn học viên chọn vào nhóm An vui đều ngẫu nhiên chia sẻ, các bạn được sinh ra trong những gia đình có truyền thống thực hành đức tin tâm linh khá miên mật. Có bạn thì được bà, hay ba mẹ đưa đến sinh hoạt tại các thời khóa gia đình Phật tử tại các chùa, có bạn lại là những gia đình đạo Công giáo thuần thành, và việc xem lễ, đọc Kinh Thánh là những điều cả gia đình đều yêu mến thiết tha thực hành hàng ngày… Và điều hay là, cho dù ở tôn giáo nào, thì việc các bạn hưởng được năng lượng từ đức tin tâm linh thiện lành đó xuất phát từ nền tảng gia đình thực hành hàng ngày, như một hình thức tu dưỡng chuyên cần và hết lòng, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ rất ‘vãn cảnh xem hoa’, đến chùa dăm ba lần dịp lễ lạc đầu năm, mà với tâm thế rất ‘thực dụng’: cầu xin được điều này, điều nọ, chứ không ý thức được, tu dưỡng là cái cần được thực hành từ trong chính tâm của mình, và là cái nên được ý thức thực hành hàng ngày!
Một số bạn khác thuộc nhóm An vui lại thừa nhận, không phải các bạn không từng khổ, thậm chí rất khổ. Nhưng cũng nhờ… bị khổ từ sớm như vậy, mà các bạn, bằng bản năng, chạy đến chùa, đến nhà thờ để cầu nguyện hết lòng, và được gia hộ, để các bạn có động lực tu sửa thân tâm miên mật, từ đó đã sớm xoay chuyển cuộc đời mình… Để rồi từ những sự ‘thoát khổ’ vi diệu nương theo đức tin thiện lành ấy, không cần phải bị ai đôn đốc nhắc nhở, các bạn đã luôn ý thức chủ động thực hành việc tu-tập mỗi ngày, như một dạng thanh lọc thân – tâm thường xuyên cùng đưa những dòng dưỡng chất lành vào trong con người, giúp cho các bạn được ổn định trong cuộc sống an yên và giảm thiểu nguy cơ ‘lại bị rơi vào khổ như trước’.
Tin nói với mình, Tin thực sự biết ơn vì con đã được mẹ rất kiên trì và nhẫn nại để hướng dẫn con về biết đọc kinh, cầu nguyện và sống biết giữ gìn từ khi con còn rất trẻ thế này. Với những gì đang xảy ra với người bạn kia của con, con cảm thấy mình thật là may mắn, vì đã nhờ có thực hành đức tin tâm linh mà hiểu chuyện sớm, và cũng có niềm tin, là con đang thực sự được Ơn Trên che chở. Và con cũng cười cười, nếu mẹ thời gian qua không kiên trì cùng nhẫn nại uốn nắn con đi theo, chắc con cũng chưa làm được vầy. Mình cũng chân thành nói với con, đó là vì mẹ cũng thuộc loại cứng đầu và vô minh dài hạn, nên mãi sau tuổi bốn mươi rốt cục mới cảm nhận được ý nghĩa hoàn toàn của sự nương nhờ đức tin tâm linh, rồi qua đó mới nhọc công uốn nắn con theo như vậy. Chứ mẹ mà đủ duyên được nương nhờ đức tin tâm linh từ bé, thì chỉ nội việc mẹ thực hành miên mật mỗi ngày, con sinh ra là đã ăn theo, uống theo, hít thở theo cái không khí thực hành thiện lành ấy ở gia đình, lẽ tự nhiên con đã có thể hòa theo được mà không hề có một sự cố gắng nào rồi!
3
Mình lại ngẫm thêm, nói đi cũng nói lại, đúng là mình có lì, có bướng, có chấp và có ‘vô minh dài hạn’ thật, nhưng có lẽ, chính nhờ những cái mầm lành mà ngày trước mẹ mình từng gieo cho mình khi còn rất nhỏ, bà dẫn tụi mình đến chùa, dẫu thời đó cũng chỉ dừng lại ở việc lễ lạy Phật với tâm thế rất ‘xin-cho’, nhưng nó vẫn là những dấu ấn đầu đời, để rồi sau này dọc dài đường trưởng thành, mỗi khi gặp nạn, gặp khổ, bằng vô thức, mình lại chạy đến chùa… Để rồi từ đó, con đường tâm linh cứ được kết nối, dẫn dắt từ những duyên như vậy, mà cho đến được như bây giờ…. Lại nhớ bắt sang một số những gương mặt những người, vừa là bạn hay đối tác quý, vừa là đàn anh, vừa là những học viên trong những lớp cấp độ 4 của nhà MayQ tụi mình. Như My Hương, một quản lý cấp cao của một tập đoàn đa quốc gia; hay anh Sĩ Hoàng, một trong những nhà thiết kế hàng đầu… Trong những câu chuyện chia sẻ của họ, đều phảng phất bóng dáng của những chuyện được bén duyên tâm linh từ bé, nhưng đã không đủ duyên để tin và đi theo… Nhưng khi trưởng thành, khi gặp chướng duyên hay đau khổ, rốt cục họ vẫn được dắt về, và một khi đã được ‘chạm về’, họ đi rất nhanh.
Mình lại nhìn sang một số không ít các trường hợp khác, đang ở ngay trước mặt mình, xung quanh mình, thậm chí là một số người rất thân. Họ rõ ràng đang gặp khổ nạn. Những khổ nạn này vẫn giăng giăng đê đê không có hồi kết thúc, mà họ cứ mãi loay hoay chưa có các nào thoát ra được. Nhưng ngặt nỗi, phần lớn họ đều sinh ra trong những gia đình nào giờ chưa từng bén duyên tâm linh, thì có kêu họ thực hành gì, họ cũng thấy thật khó mà làm, thậm chí cảm thấy phản cảm, vì họ chưa từng được có cơ hội được đẫm mình trong những môi trường lợi lạc thiện lành như vậy. Trong khi đó, nói thật lòng, chỉ cần chịu khó ngồi lập các biểu đồ nhân số học dựa trên ngày sinh của họ, phải đến 99% là có chứa những con số rất ‘thay lời muốn nói’, những con số cho chúng ta những cái ám chỉ, chỉ thông qua tu tập, sám hối giải nghiệp ác và năng tạo phước, mở mang trí tuệ, họ mới có đủ cơ hội mà ‘lội’ cho qua cái khúc khổ đó!
Những trường hợp ấy, mình chỉ còn biết thở dài, gửi niệm lành cho họ, vì mình hiểu rằng, con đường còn rất xa…, vì bản thân các bạn không có môi trường thực hành tâm linh từ bé, nên bây giờ còn rất khó để thực hành tu tập hàng ngày.
Hơn thế nữa, thời gian sau này mình còn quan sát thêm, một đức tin thiện lành còn thực sự là một mái che vĩ đại, che chở cho một con người đỡ bị quật xước da rát thịt trong những lúc buộc phải đi qua giông gió khó tránh khỏi của cuộc đời. Giống như, ai rồi cũng phải lao ra ngoài giông gió. Vậy, chỉ có những ai có được sự chuẩn bị từ trước, với tất cả niềm tin và lòng tin, về sự gia hộ, chở che của những đấng Ơn Trên hữu duyên, sẽ như được mang theo một cái ô, một chiếc áo mưa, được nấp dưới một cái mái hiên vững chãi. Bởi, sinh ra làm con người, ai nào tránh khỏi tám cái khổ căn bản của chuyện làm người, như Đức Phật từng chỉ rõ. Tuy nhiên, trong khi đối mặt với những cái khổ trước sau gì cũng có lúc tới đó, người có sẵn cái nôi tâm linh thiện lành từ bé sẽ dễ quay về nương tựa Ơn Trên, để mà qua nhẹ nhất có thể. Còn những người không có, thì hoang mang, thậm chí trầm mê trong khổ não.
Việc đưa con cái về với tâm linh thiện lành từ bé, như đã nói ở trên, còn là cơ hội dạy con những đức tính tốt đẹp từ sự Tu – Tập. Con sẽ dễ trở thành con người tốt đẹp hơn, mà từ sự bảo ban dạy dỗ từ những giáo pháp đẹp đẽ của các đức tin tâm linh thiện lành mang lại, khiến cha mẹ không phải quá lao tâm khổ tứ lo lắng cho các con nữa.
Vậy suy ra thật rõ, cho đến độ tuổi này, mình cảm nhận, cái ‘gia tài’ quý nhất mà ông bà cha mẹ có thể để dành cho con cháu không phải là vốn liếng về của cải hay ấm êm vật chất, mà là một cái nôi tâm linh thiện lành. Ông bà, cha mẹ có thực hành, đương nhiên con cái sẽ thấm đẫm không khí này và bước vào thực hành tâm linh một cách tự nhiên, như thể đó là một vốn sống có sẵn cùng con rồi. Mà như vậy, hãy có niềm tin và sự yên tâm, là con sẽ được Vũ trụ, Ơn Trên dẫn dắt, theo cách tốt nhất và phù hợp nhất.
Trong thời buổi thế giới đang đi về hướng ‘không biết rồi sẽ tới đâu, về đâu’ này, khi tất cả tiền bạc của cải của tất cả bậc ông bà, cha mẹ giàu nhất thế giới cũng không thể đảm bảo được cho con cháu mình một tương lai ổn định này, điều này lại càng thêm rõ nét hơn nữa. Vì thế, nếu thật sự thương con mình, cháu mình, cũng là biết thương cụ thể lấy chính bản thân mình, ta hãy nghiêm túc thử cho mình một cơ hội thực hành tu-tập thiện lành mỗi ngày. Hãy nhớ một lần nữa, khái niệm tu-tập mà mình nói ở đây hoàn toàn không phải chỉ giới hạn trong khuôn khổ Phật giáo hay phải chỉ là ta phải xuất gia đi tu, chúng ta chỉ tạo thêm một không gian thực hành tâm linh thiện lành hàng ngày, ngay tại nhà. Thêm một hồi lễ lạy Ơn Trên hữu duyên với đức tin của bạn tại nhà, một thời kinh, câu kệ, một thời thiền tĩnh tâm…, và với các em bé rất bé, những câu kệ đơn giản mà như những bài học đạo đức cũng vô cùng cần thiết và quý giá. Thậm chí, những ai chưa thấy mình sẵn sàng đi sâu hơn cũng có thể tập cho mình cùng cả nhà thói quen cùng nhau đọc bốn câu ‘thần chú’ của tình thương yêu và sự biết ơn, xin lỗi hàng ngày: “Tôi xin lỗi – Hãy tha thứ cho tôi. Cám ơn bạn. Thương lắm!” Là phép Ho’ Oponopono đó. Bạn tin mình đi. Các em bé nhà bạn, cho dù các con có 2 tháng tuổi, hay 10 tuổi, hay 20 tuổi, chỉ cần tụi nhỏ chịu đọc theo những câu này hàng ngày, tầm sau vài tuần thôi, gương mặt các con sẽ sáng lên, đẹp thêm ra. Và cuộc đời các con chắc chắn sẽ tươi hơn vài phần so với cái ‘Kế hoạch A’ mà Vũ trụ đã cài đặt sẵn.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(8.1.2022 – QH & MayQ Team)
Chia sẻ bài viết