BA MẸ & CON CÁI – NHỮNG TIẾNG LÒNG CHÔN SÂU ĐƯỢC DỊP MỞ RA: PHẦN 2

>
>
BA MẸ & CON CÁI – NHỮNG TIẾNG LÒNG CHÔN SÂU ĐƯỢC DỊP MỞ RA: PHẦN 2
Phần 2 chủ đề

PHẦN 2: SỰ MẠNH MẼ CỦA NGƯỜI MẸ, CÓ THẬT SỰ ĐANG BẢO VỆ CON MÌNH?

Nối tiếp câu chuyện ở Phần 1: “Tình thương của ba mẹ mới là thứ con cần nhất”, phần 2 của chủ đề “Ba mẹ và con cái” được viết nên từ câu chuyện của một gia đình nhỏ khác, mà ở đó, mẹ và cô con gái nhỏ cùng nhau tham gia lớp học này.

Con sinh năm 2010, nghĩa là năm nay mới 12 tuổi. Hai mẹ con tham gia lớp Cấp độ 1 tại Phan Thiết: mẹ là thành viên lớp Căn bản quản trị cuộc sống với Nhân số học dành cho người lớn, còn con học lớp Định hướng cuộc sống với Nhân số học dành cho độ tuổi thanh thiếu niên. Mà, với những em bé ở độ tuổi như thế này, thường các con sẽ chỉ dừng lại ở lớp cấp độ căn bản là đủ. Nên khi nghe mẹ đăng ký cho em tham gia lớp cấp độ 2, tụi mình cũng có chút e ngại…, vì tính chất của các lớp 2 thường sẽ có những câu chuyện kể mà đôi khi… nó vượt quá khỏi sự nghe và sự hiểu của các con. Các em trong team giáo vụ có trình bày điều này với mẹ em, nhưng chị bảo: “Không sao đâu, mọi người cho bé cùng tham gia đi. Vì biết đâu khi được lắng nghe những câu chuyện từ mọi người, bé sẽ tự ngẫm ra được nhiều điều cho bản thân”.

Hai ngày đầu tham gia buổi học, con vẫn trong một khuôn mặt lạnh lùng, lầm lũi học, lầm lũi đi ăn, thậm chí ngay cả việc được mẹ rủ cùng mọi người đi chơi ở thác cũng khiến con khó chịu. Con không chịu hợp tác với mẹ, giãy giụa và nhắn với mẹ rằng: “Từ nay về sau, mẹ đừng bắt con đi như thế này nữa nha!” Tuy nhiên, khi đã thực sự cùng đi với mọi người trekking trong rừng, và hòa mình trong dòng nước mát của thác Bìm Bịp dội xuống người, cô bé lại có vẻ bắt đầu ‘giãn’ ra, bớt căng cứng, cô bắt đầu có vẻ dễ chịu hơn với mọi người xung quanh…

Vì thế, điều đáng ngạc nhiên đã đến, là trong bữa cơm tối của ngày học thứ hai, con chủ động đến chỗ mình đang ngồi và chủ động mở lòng cùng mình. Càng ngạc nhiên hơn khi đằng sau sự đối kháng với mẹ, sự lạnh lùng con tự bao bọc bên ngoài, con lại là một cô bé vô cùng lễ phép, hiểu chuyện, và con đã tự mở cánh cổng lòng con để cho mình được bước vào.

Mình hỏi con, tại sao con lại phải bọc mình bởi một sự lạnh lùng như vậy? Con có biết là con cười lên sẽ rất đẹp không? Con bảo “Con biết, nhưng con phải luôn tự bọc mình trong sự mạnh mẽ như vậy vì chính con… cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường, của sự tẩy chay. Con phải gồng mình lên như vậy để bảo vệ chính mình.” Đến đây, mình sững người. Tại sao lại có quá nhiều đứa trẻ đang phải chịu những nỗi đau về nạn tẩy chay học đường như vậy? Và cũng tại sao, những đứa trẻ lại không dám tâm sự với ba mẹ những điều như thế để rồi cứ ôm nỗi tổn thương như một vết sẹo lòng khó lành. Mình nói với cô bé, khi nào tới lượt con, con hãy mạnh dạn chia sẻ những điều này trước lớp. Hãy can đảm nói ra những điều lòng mình đang nghĩ, vì một lần nói ra, là một lần con đang tự chữa lành chính mình.

Buổi sáng hôm sau, khi đến phiên con chia sẻ trước lớp về trường hợp phân tích về mình, trong sự rụt rè, con bảo: “Từ lúc nhỏ đến giờ, con khó có niềm vui nào trọn vẹn, nên nhìn khuôn mặt con, dù là lúc con vui nhất thì vẫn phảng phất những nét buồn. Con bị nhạy cảm, khó kết bạn, hay suy nghĩ phức tạp hóa mọi vấn đề, nên con khó kiểm soát được cảm xúc của mình và luôn cảm thấy cô độc. Con không kể điều này với mẹ được, vì mẹ quá bận, và với mẹ đây cũng chỉ là những chuyện bình thường của những đứa nhỏ”. Lúc này đây, người mẹ từ phía cuối lớp tiến lên đứng cạnh con. Mẹ thừa nhận, mẹ là người ham việc. Thậm chí, khi sinh hai đứa con, mẹ cũng không có thời gian để nghỉ ngơi. Đứa con gái đầu lòng, sau khi sinh một tháng, chị đã lao vào công việc. Còn sau khi sinh đứa thứ hai, là cô bé này, chỉ vỏn vẹn một tuần sau đó, chị cũng bắt đầu đi làm lại. Và chị thừa nhận: “Đó là một cái sai lớn nhất của mình. Vì mải lo kiếm tiền để gia đình đảm bảo về vật chất, mà chị quên mất việc phải bồi đắp tình thương trong ngôi nhà này. Đứa con gái lớn của chị đã gần như bị tự kỷ do phải ở với cô giúp việc quá lâu, và không ai trò chuyện cùng con. Khi nhìn ra được điều đó, 45 tuổi, chị bắt đầu buông bớt công việc và quay về sửa sai…”.

Mình hỏi chị: “Chị biết, cái sai lớn nhất của chị đang nằm ở đâu không?”. Chị im lặng, nhìn về phía em Phong Windie đang ngồi ở cuối lớp, chị gật đầu: “Mình biết, vì mình quá mạnh mẽ. Phong hay bảo mình hãy buông cái mạnh mẽ của mình ra đi và hãy sống thật với cảm xúc của mình. Vậy đó mà khó lắm, vì mình nghĩ mình cần phải mạnh mẽ mới là điểm tựa cho con, cho gia đình”. Mình bảo, chị sai rồi. Chị có biết trong lúc nói chuyện với mình, bé đã nói gì không. Nó bảo: “Mẹ con yêu ba con say đắm, nhưng mẹ con đóng vai là người thành đạt mạnh mẽ nên mẹ con hoàn toàn thất bại trong gia đình này. Giờ con như một con bồ câu đưa thư, vì ba mẹ muốn nói chuyện với nhau đều phải thông qua con”. Đến đây, thêm một câu hỏi lớn được đặt ra: Sự mạnh mẽ của một người mẹ, có thật sự đang bảo vệ con mình?

Mẹ bảo mẹ cố gắng mọi thứ vì con. Mẹ mạnh mẽ là để bảo vệ con. Điều đó không sai, và rất đáng quý nhưng mẹ phải hiểu thêm một điều rằng, ngoài sự mạnh mẽ, gánh gồng mọi thứ ra, đôi lúc mẹ hãy cho mình những khoảnh khắc nhu nhuyến trong ứng xử, mở lòng để cùng con và gia đình có những cơ hội được ngồi lại nói chuyện với nhau, để cùng hiểu và thương cho những nỗi lòng, nỗi niềm mà mỗi người đang trải. Mình hỏi chị: “Có bao giờ, chị đóng vai yếu đuối bên chồng không? Có bao giờ chị đóng vai yếu đuối bên con, ngả người vào chúng mà nói chị mệt quá, chị cần một cái ôm hay một lời thương từ chúng không?” Mà, chính sự mạnh mẽ của chị cũng đã tạo nên một bức tường vững chắc, cản ngăn mọi người tiến gần đến chị. Cụ thể trong trường hợp này, là khoảng cách giữa chị và các con.

Ở đây, không có đúng hay sai, mà trong sự hiểu và thương, chỉ cần mỗi người chịu giảm cái tôi của mình xuống một tí, chịu lắng nghe nhau, thì mọi thứ sẽ ‘mềm mại’, ‘uyển chuyển’ hơn rất nhiều. Kết thúc phần trình bày, mình bảo con ôm mẹ một cái đi, nói thương mẹ một cái đi, vậy mà con ngượng ngùng không chịu. Trước sự cổ vũ, vỗ tay, nở hoa của cả lớp, cuối cùng con cũng đã ôm ôm mẹ được một cái, trong niềm vui và sự gửi niệm lành cùng cả lớp. Tin rằng, sau hôm ấy, mẹ sẽ cởi bỏ được vỏ bọc mạnh mẽ bên ngoài ra, còn con sẽ chịu mở lòng với mẹ nhiều hơn.

Mình biết, đó cũng phải là một chặng hành trình dài, là một sự nỗ lực rất lớn giữa các bên. Nhưng niềm vui nhất là mình nghe mẹ bé chia sẻ, là sau buổi nói chuyện với mình hôm ấy, sáng hôm sau, con đã chủ động nhắn tin nói mẹ đợi con đi thiền cùng mọi người với và khi quan sát, mình cũng đã bắt đầu thấy con nở nụ cười với mọi người nhiều hơn. Con bảo mẹ: “Đừng lo cho con, vì con là người có số chủ đạo 10 nè. Con như ‘một chú tắc kè’ hoa, giỏi và dễ thích ứng với được nhiều thứ. Ngày hôm nay, con như bật được công tắc, để cắm mình ‘về nguồn’. Vậy thì thời gian tới, hai mẹ con cố gắng cùng nhau thực hành tăng năng lượng, con cũng bắt đầu đọc những bài kệ nhỏ như Kinh từ ái để khởi lên tình thương, sự hòa ái trong mình. Lúc đó, con cũng không sợ ai sẽ ăn hiếp mình nữa, vì khi con đã là một bình năng lượng tròn đầy, tự khắc những người cùng năng lượng sẽ đến với con”.

Khép lại bài viết này, mình hy vọng sẽ mở ra cho mọi người thêm một góc nhìn nữa về những sự hiểu và thương trong cuộc đời. Mọi ‘bài thi’, mọi chướng ngăn, mọi khoảng cách suy cho cùng, cũng đều hướng chúng ta về với sự hiểu và thương, để đối đãi với nhau trong cuộc đời. Hiểu, để biết đối phương làm những điều ấy là muốn mang đến những điều tốt nhất cho ta mà thôi, dù cho đôi khi, các thể hiện, hay truyền tải của họ vẫn còn những hạn chế. Hiểu, để bỏ qua những điểm còn hạn chế ấy, mà chấp nhận họ trong những phiên bản mà họ đã thật sự cố gắng tốt hơn mỗi ngày. Để rồi từ hiểu, ta sẽ thương họ nhiều hơn và chấp nhận mình có nhau, trong cả những ưu khuyết điểm, để từ đó mỗi người tự hoàn thiện bản thân, và cố gắng tốt hơn mỗi ngày.

Đừng gồng mình là những ‘người hùng mạnh mẽ’ mà cứ cho mình được yếu đuối trong vòng tay những người thân, người thương của mình. Vì ta cần họ, và họ cũng thương ta, bạn nhen! 🌵🌿

Gửi thật nhiều cái ôm và niệm lành, đến với tất cả!

(13.07.2022 – QH & MayQ Team)

Bạn có thể đọc lại Phần 1: “Tình thương của ba mẹ, mới là thứ con cần nhất” tại đây.

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart