TỪ TÌNH YÊU TÂY TẠNG, BẮT CẦU QUA LADAKH…

>
>
TỪ TÌNH YÊU TÂY TẠNG, BẮT CẦU QUA LADAKH…
MC Quỳnh Hương cùng các anh chị em đi khảo sát tại Ladakh

#Ký_sự_hành_trình_chuyến_khảo_sát_tour_Ladakh

[MayQ Go] Chị Lê Đỗ Yến Hương là em gái ruột của chị Quỳnh Hương, cũng là một trong bốn thành viên trụ cột của nhà MayQ với vai trò là CEO của công ty. Bình thường, mọi người thường biết đến chị với nhánh cửa hàng vật phẩm trợ năng lượng và tâm linh OM Malas Shop, tuy nhiên, ít ai biết rằng chị còn là một con người có tình yêu và sự gắn bó rất sâu đậm với đất Tây Tạng nói riêng và những vùng đất dọc dài theo dãy Hymalaya nói chung. Tháng 10 vừa qua, chị Yến Hương cùng với nhóm đồng sự đã có chuyến khảo sát vùng Ladakh, một trong những ‘mé bên kia’ của dãy Himalaya, với những nét tương đồng với Tây Tạng, nhưng vẫn giữ được những nét đặc thù riêng biệt rất ‘Ladakh’. Chuyến đi gợi nên được trong lòng team khảo sát những ấn tượng tốt đẹp sâu đậm, và nhà MayQ đã quyết định mạnh dạn chọn khung ‘thời gian vàng’ cho mùa nghỉ lễ 30/4 năm tới cho cung đường này. Chuyến đi do chính chị Yến Hương và một thành viên cột trụ khác của nhà MayQ là anh Phong Windie đích thân dẫn đoàn để đảm bảo tinh thần của các buổi cộng hưởng đặc trưng của nhà MayQ được diễn ra trọn vẹn.

Do địa hình hiểm trở, chuyến tour đặc biệt này của MayQ Go chỉ có thể nhận tối đa từ 50-70 suất, dành cho những người có đủ sức khỏe và ưu tiên đăng ký sớm nhất. Để cảm nhận rõ nét hơn những gì tạo nên được sức hút Ladakh trong mắt nhìn của team khảo sát nhà MayQ Go, chúng mình mời các bạn cùng theo dõi các bài viết Ký sự hành trình dọc các cung đường Leh – Ladakh cùng chị Yến Hương nhé!

🗻🗻🗻🗻🗻🗻🗻🗻

BÀI 1: TỪ TÌNH YÊU TÂY TẠNG, BẮT CẦU QUA LADAKH…

[Lê Đỗ Yến Hương]

Không hiểu vì sao, từ khi bén duyên với Tây Tạng, mình có một tình yêu và sự gắn bó kỳ lạ với vùng đất huyền bí này. Mình thương các tu viện, dãy núi, sông hồ,… thương tất thảy các nơi mà mình đã từng được đặt chân đến dù rằng các trải nghiệm mình nhận được ở đó thật không dễ dàng gì.

Thật ra sau khi viếng Tây Tạng nhiều lần, mình cũng từng đến Bhutan, nơi được xem là có nền văn hoá tôn giáo giống Tây Tạng nhất. Thế nhưng khi đến nơi này, tâm mình lại không thể nào tìm được cảm xúc như khi mình đặt chân đến Tây Tạng. Cái cảm giác thương yêu tận sâu trong tâm trí khiến mình cứ muốn quay lại lần này đến lần khác và mỗi lần đặt chân đến lại có một cảm xúc vẹn nguyên y như lần đầu mình chỉ tìm thấy ở Tây Tạng mà thôi.

Rồi đại dịch kéo tới, Tây Tạng đóng cửa. Khi cả thế giới đã thông thương trở lại, thì tại xứ tuyết xa xôi kia, tình trạng bị đóng cửa cách ly vẫn diễn ra y như thời Việt Nam còn ở đỉnh dịch. Tụi mình chờ đợi mỏi mòn, nhưng ngày Tây Tạng được mở cửa trở lại thật mịt mờ. Vậy là ngay sau chuyến Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal hồi tháng 10, mình quyết định rủ mấy anh chị em thân đi cùng mình đến Ladakh – nơi được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng mà khi xưa mình chưa đến được, bắt đầu chuyến khảo sát cho tuyến tour mới của nhà MayQ Go.

Leh Ladakh là một vùng đất thuộc bang Jammu và Kashmir (viết tắt là J&K) của Ấn Độ. Với địa hình hoang mạc bao la và trập trùng núi tuyết, Ladakh là nơi không dành cho những ai thích nghỉ dưỡng, mà chỉ dành cho những người đam mê khám phá. Tụi mình không thuộc về nhóm ‘đam mê khám phá’, nhưng thực sự đã vượt đường xá xa xôi tìm đến vùng đất này, chỉ vì cụm từ ‘Tiểu Tây Tạng’.

Vào những ngày cuối tháng 10, Ladakh không còn đón tiếp khách du lịch nữa, họ bắt đầu chuẩn bị cho kỳ nghỉ đông khi thời tiết lạnh xuống dưới âm độ và tuyết đã lác đác rơi. Mùa du lịch của Ladakh bắt đầu từ tháng 3 đến đầu tháng 10 hàng năm. Thế nhưng đặt chân đến Ladakh vào những ngày cuối tháng 10 lại có những điểm thú vị hơn hẳn.

Nhóm mình có 5 anh chị em thì đã có 4 người đã cùng rong ruổi nhiều nẻo đường ở Tây Tạng, cũng đã cùng nhau kora vòng quanh Kailash. Chỉ có người anh rể mình là thành viên mới toanh trên cung đường khám phá này nên mình hơi lo, đặc biệt là anh quyết định tham gia chuyến đi khá trễ. Nhưng kinh nghiệm từ bao nhiêu năm chinh chiến các chuyến quốc ngoại, việc quảy vali lên đường cùng nhóm mình được anh quyết định nhanh chóng. Tụi mình chỉ kịp tư vấn cho anh các vật dụng cần chuẩn bị, thuốc men cần uống trước và trong chuyến đi,… và đặc biệt là niềm tin tâm linh khi đặt chân đến các vùng đất linh thiêng như thế này, rồi tụi mình lên đường.

Để đến được Ladakh, tụi mình phải quá cảnh ở Delhi. Mình bay chuyến bay đêm nên đến Delhi khá khuya, nghỉ đêm ở khách sạn gần sân bay được vài tiếng rồi lại kéo vali ra sân bay tiếp do chuyến bay đi Leh khá sớm. Và vì dồn dập vừa chuyến bay đêm hôm trước, hôm sau là chuyến bay sớm lại liên tiếp mấy ngày trước tranh thủ giải quyết công việc cho kịp ngày đi làm mình khá mệt. Leo lên máy bay, cậu em người Ấn bảo, chị ơi em lấy chỗ ngồi cửa sổ cho mấy chị em mình rồi, bên tay phải, để mọi người được ngắm dãy Himalaya. Nghe đến đây tự nhiên mình nôn nao đến lạ. Cái mệt dường như tan biến khi rặng Tuyết sơn từ từ hiện ra trước mắt, thật hùng vỹ, thật thân thương. Thời gian bay từ Delhi đến Leh mất khoản 1 tiếng 30 phút. Sau tầm 40 phút bay, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy rặng Tuyết Sơn này. “Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự hùng vĩ, bao la của rặng Tuyết Sơn.” Thật đúng như Lama Govinda đã viết trong cuốn Đường Mây Qua Xứ Tuyết, mình, từ một người vô minh đến mức không thể đọc nổi một phẩm kinh nào, không thích đi chùa do một số chướng duyên và dính chấp, mà khi bước chân đến đó lần đầu tiên cách đây 7 năm, đến bây giờ đã có không biết bao nhiêu thay đổi trong tâm thức và tinh tấn trên con đường tu tập.

Sân bay Leh khá nhỏ, tuy nhiên một sân bay lớn hơn đang được xây dựng. Leh là một thành phố được quân đội kiểm soát khá gắt gao. Đường sá ở Leh nhỏ, lại đang được sửa chữa xây dựng, nên việc di chuyển chủ yếu bằng các xe 7 chỗ, xe to nhất để chở khách cũng được tầm 10 người. Leh có độ cao tương tự như Lhasa (thủ phủ Tây Tạng), tầm khoản 3.500 mét so với mực nước biển, cho nên việc cho các thành viên trong đoàn có thời gian để thích ứng độ cao là một điều bắt buộc. Mình khá ỷ y khi đã nhiều lần đến Lhasa và ngay cả lần đến Kailash cũng không có vấn đề, gì nên chỉ uống thuốc phòng sốc độ cao mà bỏ qua thuốc hoạt huyết dưỡng não. Cho đến buổi trưa hôm sau, các cơn nhức đầu bất thường xuất hiện và bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Mình uống liền thuốc vào, tranh thủ nghỉ ngơi và ngồi thiền. Vậy là sau 1 đêm mình bắt đầu khoẻ lại. Cho nên rút kinh nghiệm sâu sắc, cho dù mình có đi bao nhiêu lần cũng không thể bất cẩn với sức khỏe của mình được.

Do bắt đầu vào đông, trời ngày càng chuyển lạnh hơn nên khá nhiều nhà hàng và khách sạn đóng cửa. Tụi mình may mắn ở được khách sạn khá gần chợ trung tâm Leh, rất thuận tiện để đi qua chợ mua sắm hay đi ăn ở các nhà hàng lân cận. Ngày đầu tiên đến Leh, sau khi nhận phòng khách sạn, ăn trưa, tụi mình bắt đầu đi khám phá trung tâm Leh. Và điều đầu tiên mình làm là đi đăng ký mua SIM 3G. Vì vị trí nhạy cảm của Leh nên quân đội kiểm soát hoạt động ở vùng này khá gắt gao. Nếu việc mua SIM 3G chỉ mất 10 phút tại các bang khác ở Ấn Độ thì nơi đây mình mất tầm 20-25 phút để hoàn thành việc đăng ký này. Bạn phải tự mình cung cấp thông tin liên lạc và được chụp ảnh rồi đăng ký lên hệ thống. Và một điểm đặc biệt mà bạn dễ dàng gặp được ở Ấn Độ mà phải mất thật lâu mình mới tạm quen được, đó là … Ấn Độ không vội được đâu nha, hãy kiên nhẫn chờ đợi!

Leh là vùng đất gần như ‘đối xứng’ với Tây Tạng bên kia rặng Himalaya, vì thế, ở Leh, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy các vật phẩm mang đậm phong cách Tây Tạng, hay đậm văn hoá Mật tông Tây Tạng. Các tín đồ shopping sẽ lạc lối tại đây, y như mình lạc lối ở khu chợ Bakhor ở Lahsa vậy. Nếu bạn không phải tín đồ shopping cũng không sao cả, tìm một quán nhỏ ngay khu chợ trung tâm, gọi một ly cà phê hay ly trà masala đậm vị rồi ngồi vừa nhâm nhi vừa ngắm phố phường khi hoàng hôn xuống cũng thú vị lắm.

Trong mùa du lịch, ẩm thực ở Leh cũng khá đa dạng. Có thể tìm thấy các nhà hàng Ấn, Hoa, Tây và có cả nhà hàng BBQ Hàn Quốc nữa. Do nằm trên đất Ấn, ở đây họ ăn chay là chủ yếu, nếu ai ăn ‘mặn’ cũng thường chỉ có gà. Rất hiếm gặp những món ăn có thịt heo hay bò, cá. Có một nhà hàng pizza khá ngon ở đây, tụi mình đến ăn vào ngày chay (nghĩa là toàn bộ các nhà hàng đều bán đồ chay) mà phải xếp hàng lấy bàn khá lâu mới vào ăn được. Nói chung sau chuyến Đại cộng hưởng Tứ Động Tâm ở Ấn Độ – Nepal về thì mấy nhà hàng này đã giúp tụi mình vượt qua 9 ngày ở Leh, Ladakh vì mình khó có thể dung nạp thêm đồ ăn đặc thù Ấn được nữa.

Sau khi khám phá khu chợ Leh, tụi mình quay về khách sạn nghỉ ngơi để dành sức cho ngày hôm sau nữa. Ngày đầu tiên ở Leh trôi qua khá thú vị như thế.

(10.2022 – Lê Đỗ Yến Hương & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart