NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT

>
>
NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT
MC Quỳnh Hương chia sẻ lại những ký ức thời thơ ấu những ngày giáp Tết

28 Tết, mình ngồi lần giở quyển Chuyện nhỏ nhà Quỳnh, đọc lại được một bài tản mạn nhỏ của thời cách đây chín năm, năm 2014, cũng một ngày giáp Tết – 28 tháng Chạp như thế này. Thời đó, tụi mình còn ở nhà cũ ở đường Điện Biên Phủ, công việc của mình còn ở ngành truyền hình, làm chương trình Thay lời muốn nói và các chương trình ca nhạc khác. Thời đó, cha mẹ tụi mình còn sống dưới Long An, mỗi lần giáp Tết, tụi mình sẽ cố gắng dành một hai ngày chạy về Long An, hưởng không khí những ngày giáp Tết với cha mẹ…

Chín năm có thể làm biến đổi nhiều thứ. Cha mẹ tụi mình giờ đây đều đã già yếu, đều đã được con cái đưa lên Sài gòn để tiện bề gần gũi chăm sóc. Cha ở với vợ chồng mình, mẹ ở với cụm nhà chị Hai và chị Diễm. Cha lại còn đang trải qua một cơn bạo bệnh, giờ vẫn còn yếu lắm… Vì thế, tự nhiên, cái Tết, đối với mình năm nay thật là bình đạm, chỉ giữ cho lòng bình thản đi qua những ngày tháng này. Đọc lại những dòng xưa cũ, thấy thời gian thật vô thường.

Nhưng những ký ức về những ngày giáp Tết thời thơ ấu, nó mới thật là đáng quý làm sao. Chia sẻ lại cho nhà mình đọc, để cảm thêm một chút những tâm tình ngày giáp Tết xưa cũ, thấy thương làm sao…

(19.1.2023 (28 tháng Chạp Nhâm Dần – QH)


Về lại với những ngày giáp Tết xưa cũ…

28 Tết, đôi khi có cảm giác lạc mất khái niệm về thứ hay ngày. Chỉ thực sự cảm thấy đây là quãng thời gian mà ai dường như cũng ngừng công việc lại, ráo riết chạy về nhà. Ấm áp nhất của chữ Tết, trong thời hiện đại này có lẽ nằm ở chỗ đó…

Nhà sanh toàn con gái, nên những đêm giao thừa, thường các con gái về sum họp cùng đại gia đình bên nhà chồng. Mình suốt cả chục năm trước cũng chạnh lòng như vậy, ở dưới nhà nội Tin mà chiều ba mươi là lòng cứ ngóng lên này. Hai nhà cùng tỉnh, cách nhau chưa tới mười lăm cây số, mà nghe thương thương xót xót… Cũng may vài năm trở lại đây tìm ra được ‘phương án hợp lý’, mình xin anh xã cho mình đưa con trai về nhà ngoại chơi trước một hai ngày. Sáng giờ về, xà quăng trong nhà nấu cái này ăn cái kia, đi mua cái nọ, dẫu còn thiếu đứa út đang tạm thời ở xa năm nay, vẫn đậm không khí quây quần sum họp. Chị Diễm mình nói, đúng là “Tết là để về nhà”…

Thời thơ ấu của mình, nhà mình có một tiệm chụp hình, ở sát bên chợ Tân An, coi như là cái chợ lớn nhất tỉnh. Vì vậy buổi đêm những ngày cận Tết, thiên hạ đi chơi Tết đông nhất cũng là những ngày nhà mình bận rộn tối mắt tối mũi. Hồi đó làm gì có chuyện người người có cái điện thoại chụp hình được như bây giờ, các gia đình, trai gái hẹn nhau đi chợ Tết, đi chơi…, thường sẽ ghé vô, chụp hình vài ‘pô’ trước mấy tấm phông vải vẽ cảnh xanh đỏ. Những ngày đó, mấy chị em mình thường cũng được mẹ cho ở cùng ngoài tiệm, tha hồ căng mắt dỏng tai, phồng mũi hít lấy hít để từng khoảnh khắc của cái Hương Tết nó cứ lượn lờ, tràn vào tận từng ngóc ngách của các giác quan. Chụp ảnh cho khách đến khuya, có khi về được đến nhà – cách tiệm khoảng ba cây số, là đã quá nửa đêm.

Những nôn nao hớn hở tận hưởng những ‘đêm cận Tết’ là có thật, quá tươi tắn sống động trong lòng mình nữa là khác. Tuy vậy, những đêm ba mươi, những giây phút cuối cùng của năm cũ khi chiếc kim đồng hồ nhích dần về con số mười hai, thường cũng là những giây phút đầy lo lắng với các chị em mình. Hồi đó vẫn phổ biến nếp nghĩ, đêm giao thừa mọi người đều phải có mặt ở nhà, ai phải ở ngoài đường thời khắc thiêng liêng đó là điều khó thể chấp nhận được. Hồi đó, chưa có điện thoại bàn chứ đừng nói đến điện thoại di động, nên nỗi ngóng mẹ của tụi mình nó càng trở nên dài đăng đẵng… Là vì, buông được nhóm khách chụp ảnh cuối cùng, còn vài chục phút hiếm hoi, lúc đó mẹ mình mới kịp tranh thủ tạt qua tiệm làm tóc quen, gội nhanh cái đầu, làm nhanh bộ móng tay chân ‘ăn Tết’. Để rồi, phải đến còn chừng vài ba phút nữa thì chạm mốc giao thừa, mới được nghe tiếng xe mẹ dừng trước cổng. Vừa thở phào vừa muốn rơi nước mắt, mà năm nào cũng như năm ấy. Nên về sau này, làm các Thay lời muốn nói chủ đề xuân, thi thoảng có khán giả mô tả nỗi khắc khoải ngóng đợi ba hoặc mẹ về cho kịp thời khắc giao thừa, mình đọc một cái là thậm thấu hiểu.

Cái nỗi ám ảnh ‘phân tán rải rác’ ấy còn kéo dài trong suốt mấy ngày Tết. Tết có ba ngày mồng quan trọng nhất, cũng là lúc người ta có nhu cầu chụp ảnh nhiều nhất, cả nhà mình vì thế những ngày đầu năm luôn phải ở trong tình trạng ‘phục vụ thượng đế’, không có nổi một phút thư giãn, không có được một bữa cơm cả nhà sum vầy. Bởi vậy, dường như điều này đã thấm rất sâu trong lòng mình, gần như trở nên một ‘quyết tâm’: lớn lên không bao giờ chọn nghề dịch vụ. Có lẽ cũng vì vậy mà, dẫu thời mới lớn cũng trải qua vài ba cơ hội chạm ngõ nghề ca hát, nghề đóng kịch…, mình đều kịch liệt quay đi, chọn nghề sư phạm, một nghề bình ổn, và đặc biệt là, …đảm bảo có ngày nghỉ Tết dài hơn các nghề khác.

Vậy mà, cuộc đời đưa đẩy…, rốt cục mình cũng ‘nhào vô’ một công việc… hỏng mấy gì ‘bình lặng’ ^^ Nhưng dù thế nào, mình cũng trung thành với nguyên tắc, ngoại trừ các chương trình do Đài phân công, còn lại, mình nguyện ý xin khước từ tất cả các chương trình rơi vào đêm giao thừa và Tết. Cũng may, với đặc thù của mảng Ca nhạc, các chương trình phần lớn tụi mình được làm sẵn, mấy ngày Tết được ngồi ở nhà với gia đình mà xem các ‘tác phẩm’ mình làm phát sóng

Chiều tối nay, cơm nước xong, mình nói với Cha Mẹ: “Con yêu những ngày cận Tết như vầy còn hơn chính những ngày Tết”. Mẹ mình nói, ừ, nhưng là vì các con đang còn tuổi để thưởng thức cái vui của cuộc sống. Còn ở tuổi như mẹ, mà nhất là đối với những người không có tiền, Tết càng đến gần càng buồn…

… Hay là vì những ngày cận Tết dễ làm lòng người ta chùng lại với những cảm xúc phức tạp của muôn mặt ngổn ngang của cuộc sống? Nhưng mình nghiệm ra, có lẽ không phải ngẫu nhiên mình yêu ca khúc Câu chuyện đầu năm của nhạc sĩ Hoài An, một ca khúc xưa cũ mình được nghe từ hồi nhỏ xíu. Yêu đến mức đã năm lần bảy lượt cứ đưa nó vào những chủ đề đầu năm của TLMN, là vì mình tìm được trong ca khúc ấy biết bao là nỗi lòng của một con người bình thường sống một đời sống bình thường. “… Trên đường đi lễ xuân đầu năm – Qua một năm ruột rối tơ tằm – Năm mới nhiều ước vọng chờ mong – May nhiều rủi ít ngóng trông….”

Ừ, cùng với nỗi ước mong dần rồi an sinh xã hội ngày sẽ được tốt hơn, mình cũng thầm cầu mong mỗi người cũng sẽ được may mắn cùng chủ động xây được cho mình một cuộc sống đủ vững chắc để, nếu không phải rơi vào những hoàn cảnh ‘thậm tệ’ như thiên tai, chiến tranh loạn lạc hay những cái ‘nạn’ trong đời người phải trải, tuổi xế chiều ai cũng sẽ đủ bằng an – dẫu chẳng cần đến mức dư dả – để vẫn thưởng thức được niềm vui, những ngày năm hết Tết về…. Bởi, bằng an mà trải qua một đời, đó có lẽ không phải là ước mơ tột cùng của chỉ mỗi riêng mình, phải không…. (29.1.2014. QH)


Bạn biết không, đọc lại những dòng này, lại bắt rưng rưng khi đọc tới đoạn mẹ mình nói “Các con đang còn tuổi để thưởng thức cái vui của cuộc sống. Còn ở tuổi như mẹ, mà nhất là đối với những người không có tiền, Tết càng đến gần càng buồn…” Đó là thời mẹ còn trẻ hơn bây giờ, mà mẹ đã có cảm giác như vậy. Còn Tết này, mẹ bước sang tuổi 79. Tự nhiên mẹ xuống sức một cách nhanh chóng, không còn đi đâu hay làm gì được nữa, giờ suốt cả ngày ngồi chỉ cười hiền lành. Tự nhiên thấy đứt ruột…

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart