AN NHẬT BẢN: CHÙA BỔN MÔN CÁC TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO NHẬT BẢN
[Hành trình AN TRÊN XỨ PHÙ TANG 6N5Đ (31/8 – 5/9/2023)]
Bài 4: CHÙA BỔN MÔN CÁC TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO NHẬT BẢN TRONG LÒNG CỐ ĐÔ KYOTO
Không chỉ có hai quần thể thánh địa thiêng liêng Koyasan và Hieizan, ngay trong lòng cố đô Kyoto, chuyến “AN trên xứ Phù Tang” lần này của nhà MayQ Go sẽ đưa bạn đến viếng thăm một số những ngôi chùa linh thiêng được xếp vào hạng ‘Chùa Bổn Môn’, là nơi phát tích các pháp môn quan trọng của Phật giáo Nhật Bản.
_ Đó là chùa Tenryuji (Thiên Long Tự) nằm sát cạnh một rừng tre bạt ngàn gợi nhớ cảnh quay vô cùng đẹp mắt trong phim Thập Diện Mai Phục. Ở Tenryuji vẫn còn có lạch nước ngầm được đặt tên là Phục Nguyên, tương truyền là nơi phát tích các nhánh thiền Lâm Tế tông tại Nhật Bản. Nơi đây cũng có khu vườn được xếp hạng một trong năm khu vườn cảnh đẹp nhất nước Nhật, bạn có thể thả hồn vãng cảnh, hoặc ngồi lặng trong thiền đường để học tĩnh tâm theo các bậc cao nhân ngày xưa.
Tại đây, chúng mình dự định sẽ sắp xếp cho chúng ta có một thời thiền trong thiền đường, và một thời trì Khấn nguyện trợ duyên trước khu linh đường ban thờ Chư Tổ Lâm Tế tông.
_ Đó là chùa Chion-in (Tri Ân Viện), ngôi chùa Bổn Môn phái Tịnh Độ tại Nhật Bản. Người dân Việt Nam vốn đã rất quen thuộc với câu niệm thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, giờ chúng ta được đến viếng một ngôi chùa quan trọng hình thành phái Tịnh Độ tại Nhật Bản, được cùng nhau trì một thời kinh A Di Đà và niệm 108 thánh hiệu “A Di Đà Phật” cùng với đoàn 108 người tại đây, sẽ là một sự xúc động và lợi lạc lớn lao.
_ Đó là một trong những ngôi cổ tự linh thiêng nhất Kyoto: Chùa Diệu Pháp (Myoji), một quần thể chùa cổ với 16 ngôi cổ tự theo Thiên Thai Tông. Trong đó, chúng ta đi vào đảnh lễ tại Viện Liên Hoa Vương – Renge-in, ngôi cổ tự bằng gỗ dài nhất Nhật Bản với 33 gian thờ. Nơi đây đặt 1.001 tôn tượng chư Bồ tát Quan Thế Âm bằng gỗ thếp vàng với những hình tướng và tên gọi khác nhau, cùng các vị Thiên vương hộ vệ, và Lôi thần cùng Phong thần.
Ngày chúng mình đi khảo sát, dù đã đặt chân đến hàng mấy chục ngôi chùa cổ, vậy mà khi chính thức đặt chân vào khu ‘33 gian’ với 1.001 tôn tượng Bồ tát Quan Âm san sát nhau này, năng lượng dạt dào từ những pho tượng gỗ thếp vàng tại đây, trải qua hàng ngàn năm vẫn khiến cho cái ‘cột ăng-ten’ bên trong con người mình chấn động dữ dội. Bước đến đảnh lễ rồi tìm một chỗ lặng lẽ ngồi xuống, cảm nhận từ trường mãnh liệt mà quần thể tượng cổ đang tỏa ra, thật tự nhiên, mình âm thầm gửi lời cầu nguyện cho tất cả những ai có mặt trong chuyến khảo sát, cho cả những ai đủ duyên lành có mặt trong chuyến AN chính thức vào dịp 2/9 tới. Bản thân mình có một điểm mình cũng thấy… hơi ngộ với chính mình, rằng đi khảo sát, đi thăm viếng nhiều nơi linh thiêng, nhưng đại đa số các nơi, mình chỉ dập đầu đảnh lễ, thưa với các Ngài là con đã đủ duyên lành về đây, kính đảnh lễ các Ngài, mong các Ngài chứng giám lòng thành của con và nếu có điều gì cần thiết xin hãy dạy bảo con. Chỉ có một số nơi nhất định, tự nhiên được lọt vào một trường năng lượng lạ lùng nào đó, trong mình bỗng bật lên lời nguyện cầu. Và bản thân lời nguyện cầu ấy cũng không hẳn do mình nghĩ ra, mà nó bật đâu đó ra trong tự nhiên. Cho nên mình nghĩ, có thể giây phút ấy, là các vị đang hiện diện ở tại nơi ấy thông qua sự nhất tâm của mình mà ‘bật đèn xanh’ cho mình khởi lời cầu nguyện, và chính các vị cũng dẫn dắt cho mình biết, mình nên nguyện cầu những gì, nguyện cầu thế nào thì cần thiết và linh ứng cho mình và những người hữu duyên trong thời gian tới.
Ngồi mải miết hơn chục phút trong những lời nguyện cầu miên man không dứt, mở mắt ra, tự nhiên xúc động đến lạ thường! Đây cũng là một trong những điểm mà mình ghi nhận có trường năng lượng đặc biệt và mạnh mẽ nhất trong toàn bộ hành trình, vốn đong đầy những điểm đến đặc biệt. Nếu bạn cũng có duyên có mặt cùng chúng mình trong chuyến AN tới, hãy thử tự mình trải nghiệm, xem ở những nơi nào sẽ cho các bạn những xúc cảm và năng lượng mạnh mẽ nhất, thì những nơi ấy xem ra bạn ‘có duyên’ nhất, nhen!
Tiếc rằng không gian bên trong gian điện 33 gian này cấm chụp ảnh, nên tụi mình đành mượn tạm vào tấm ảnh trên mạng cho bạn mường tượng sơ bộ về các pho tượng cổ, chứ cảm giác đi vào không gian thờ thật sự, không có ngôn từ nào tả hết nổi luôn!
Tuy vậy, khu vực đàng sau khu Điện Liên Hoa Vương, nơi cho phép chụp ảnh có những hành lang dài màu đỏ cam rất đặc trưng của nước Nhật. Đó cũng chính là nơi mình đã chụp được những bức ảnh có thần thái và dòng năng lượng sáng sủa nhất, như mình đăng kèm trong bài viết này. Hơn thế nữa, tại đây trong chuyến AN chính thức dịp 2/9 tới, chúng ta dự kiến sẽ cùng nhau có một thời trì Kinh Bổn Môn Pháp Hoa tại đây, một nơi tôn vinh giá trị sâu mầu của Kinh Pháp Hoa, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi lạc và cảm xúc cho tất cả các thành viên trong đoàn.
_ Phạm vi bài chia sẻ này, tụi mình còn muốn kể cho bạn nghe về ngôi chùa Katsuo-ji (Thắng Vĩ Tự). Nơi này tuy không phải là một ngôi chùa dạng Bổn Môn, nhưng vẫn được chúng mình đưa vào trong hành trình bởi độ đặc sắc và thanh lành của nơi này. Đây là một ngôi chùa cổ kính trải rộng trên một ngọn núi bốn bề cỏ cây xanh ngát, ở ngoại ô Osaka. Và tụi mình tìm đến được đây cũng là nhờ công ‘nhiệt liệt tiến cử’ của cô bé con chị học viên tình nguyện đi cùng nhóm khảo sát của mình. Em bảo, nơi này đặc biệt lắm, cô và các anh nên đến thử. Rồi em đích thân chở chúng mình lên núi.
Điểm đặc biệt nhất ở ngôi chùa này chính là, hình tượng ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị Sư tổ của phái thiền, vốn rất uy nghi nghiêm trang trong những phác họa chính thống, vào đến đây bỗng… trở nên vô cùng gần gũi và dễ thương qua tạo hình của những chú Daruma (Con lật đật). Gương mặt các chú Daruma này vẫn mô phỏng nét mặt Ngài, tuy nhiên vóc dáng lật đật thì đáng yêu không tả nổi. Hàng trăm ngàn chú Daruma với mọi đủ kích cỡ, từ lớn đại đến nhỏ xíu bằng quả trứng gà, được tín đồ muôn phương đến cầu nguyện và đặt lại tại mọi nơi trong khuôn viên chùa, tạo nên một khung cảnh vừa dễ thương mà không kém phần thiêng liêng.
Giá thỉnh mỗi chú Daruma nhỏ nhất (khoảng một nắm tay) cũng không rẻ, tầm 800Y (khoảng 150.000VND), được tô vẽ tinh xảo. Người ta truyền với nhau rằng, mỗi vị Daruma này sẽ giúp chuyên chở một ước nguyện lành trở thành hiện thực. Và quá trình của việc cầu nguyện này cũng khá thú vị, như vầy: Chúng ta thỉnh cho mình một chú Daruma, viết lời ước nguyện của mình lên sau lưng chú, và khấn nguyện tại trước Chánh điện, hơ chú Daruma lên trên làn khói hương trầm tại đó. Sau đó chúng ta tô đen một bên mắt Daruma của mình, mang về nhà và cố gắng tận lực để biến ước nguyện ấy thành hiện thực. Khi nào ước mơ thành, ta sẽ tô nốt con mắt còn lại của vị Daruma này, và mang gửi Daruma trở lại Chùa nếu bạn có cơ hội. Còn nếu không, vẫn giữ chú ấy tại nhà và đặt lên nơi trang trọng, xem như một kỷ niệm đẹp của cuộc đời mình.
Trong chuyến khảo sát, tụi mình cũng được khuyến khích thỉnh mỗi người một vị. Mình thỉnh một vị xong, đứng trước gian chánh điện, lại ngẩn người ra một hồi, vì… thực sự không biết nên ước nguyện những gì. Từ lâu, từ khi đi vào con đường lắng nghe các tín hiệu từ Ơn Trên và mải miết thực hành theo, mình đâu còn mong cầu gì nữa. Tuy nhiên, nếu vị Daruma nhỏ xíu này đã đủ duyên nằm gọn trong lòng bàn tay mình, nghĩa là mình nên khởi lên một ước nguyện thiêng liêng nào đó. Thế là, tự trong tâm mình bật lên một điều ước nguyện. Điều này có lẽ đã ngủ yên rất lâu trong lòng mình gần chục năm qua, từ khi mình bị chướng duyên cản trở, khiến ước nguyện học tiếp lên bậc nghiên cứu sinh trong ngành Âm nhạc Trị liệu của mình bị đứt ngang. Thế là mình xúc động quá, nghĩ biết đâu đã đến lúc Ơn Trên cho quay trở lại với con đường này, bèn nắn nót viết ước nguyện ấy đàng sau lưng vị Daruma của mình, rồi cặm cụi tô đen một bên mắt vị ấy.
Xong, nhìn vị dễ thương quá, bèn tự nhiên nghĩ ra thêm, ủa con đường học hành này, xem ra mình sẽ nên cùng đi với Tin – con trai mình mà, như thỏa thuận gần đây giữa hai mẹ con. Thế là mình chịu khó chạy trở ra, thỉnh thêm một chú Daruma mới tinh nữa, lại cặm cụi viết ước mơ thay Tin về đường học vấn của con, rồi lại nắn nót tô một bên mắt cho chú ấy. Sau đó ôm hai chú Daruma chuyên chở ước mơ của hai mẹ con, thành tâm cầu nguyện, hơ qua khói trầm. Rồi cẩn thận gói ghém hai chú lại, cẩn thận mang về nhà, dự định lúc nào qua dự lễ tốt nghiệp của Tin sẽ trao lại cho con chú Daruma của con. Vậy đó, mà tự nhiên lòng vui cả buổi!
Đang ngồi nghỉ mát, anh hướng dẫn tiến đến, muốn đưa mình đi ngược lên sườn núi thêm một chút nữa. Nơi này hoàn toàn thanh vắng, khách đến viếng chùa cũng ít ai lên được tới nơi đây. Anh xúc động nói, nơi đây là linh đường thờ một phần xá lợi (phần còn lại từ nhục thân của một vị cao tăng) của ngài Pháp Nhiên (Honen), là vị tổ sư lập phái Tịnh Độ Tông đây. Mình, lúc đó nào đã biết Ngài Honen là ai, chỉ cúi đầu lễ lạy, ra mắt Ngài. Vậy mà, duyên đưa kiểu gì, suốt mấy ngày sau đó, tụi mình được dẫn dắt để đến viếng thêm được tổng cộng 5 ngôi chùa có dựng linh đường thờ xá lợi của Ngài, trong tổng số 25 ngôi chùa có thờ xá lợi Ngài trên toàn nước Nhật. Anh hướng dẫn nói, các bạn thuộc loại có duyên với Ngài sâu đậm đó, chứ bản thân Phật tử phái Tịnh Độ ngay tại nước Nhật này cũng không phải ai cũng đủ duyên đi viếng được nhiều chùa có thờ linh đường Ngài như vậy đâu!
Ngẫm lại, thấy mọi cái thật là khớp nhau, như thể đã được sắp xếp một cách đẹp đẽ.
Chỉ từ sau khi sự ra đi của Cha tụi mình, chị em nhà mình mới thật sự cảm thấu càng ngày càng sâu sự vi diệu không thể nghĩ bàn của câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” nghe qua có vẻ giản đơn như vậy. Và từ cảm được, càng muốn dốc lòng đi sâu hơn vào pháp môn Tịnh Độ, và hơn thế nữa, càng muốn lan tỏa được cho nhiều người xung quanh hơn về giá trị của việc thực hành câu niệm Phật vi diệu này. Rồi cái khi mọi cái đang sẵn sàng, thì mình đủ duyên được dắt đến ‘diện kiến’ Ngài Pháp Nhiên. Thật là thương cái gì đâu luôn mà!
Thương hơn nữa, là ngày chúng mình kết thúc chuyến khảo sát mười ngày dọc dài nước Nhật và bay trở về Sài Gòn, thì chỉ một ngày sau, một cơn bão nghiêm trọng ồ ạt đổ vào khu vực Kyoto, Kansai của nước Nhật, khiến giao thông bị ách tắc, đình trệ trong suốt nhiều giờ. Nhiều người Nhật nói, phải lâu lắm rồi nước Nhật mới gánh chịu một cơn bão lớn và nghiêm trọng đến như vậy. Vậy mà tụi mình đã – như một sự sắp xếp diệu kỳ nào đó – đã ‘đào thoát’ được khỏi trận bão ấy một cách nhiệm màu! Điều này càng khiến cho chúng mình ngập tràn lòng biết ơn đối với chư vị Ơn Trên của đất Nhật, biết ơn tất cả những nơi chúng mình đã đến, đã khảo sát, và càng nung nấu một niềm tin mãnh liệt, rằng đất Nhật quả là một đất linh, và hơn thế nữa, chúng mình quả thực có duyên lành thật lớn đối với vùng đất ấy! Đủ để ước nguyện rằng, chuyến đi AN trên đất Nhật của chúng mình, đưa 108 người đến với đất thiêng Kyoto – Koyasan – Hieizan – Kansai – Osaka sẽ là một chuyến đi trọn vẹn!
Thương lắm.
(20.6.2023 – QH & MayQ Team)
Cập nhật đến tình hình hiện tại: Chúng mình chỉ còn 10 suất cuối cùng cho chuyến AN trên xứ Phù Tang lần này. Quý bạn nào muốn có mặt vui lòng liên lạc thật gấp với team MayQ Go mới không bỏ lỡ dịp đặc biệt này nha! Cảm ơn các bạn.
Không có bình luận