KHI ‘HỘI CHỨNG LƯỜI’ HỘI TỤ
BƯỚC KHỎI ‘VŨNG LƯỜI: ‘HỘI CHỨNG LƯỜI’ HỘI TỤ
Đó là một lời nói vui mà hầu như các bạn ở lớp cấp độ 2 tại Lak vừa qua đã tự nhìn nhận chính bản thân mình. Cái chữ ‘lười’ ấy, như một điểm nhấn đặc biệt của lớp, khiến cả lớp được dịp cười òa mỗi khi có ai đó lại thừa nhận bản thân họ là một “người rất lười”. Mà, ngộ là, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở một hay vài người, nó chiếm đến… hơn 2/3 số lượng của cả lớp, để sau những trận cười vì những chân thành nhìn nhận bản thân của người trình bày, thì tất cả mọi người trong lớp được dịp tự soi lại chính mình, để xem mình có đang trong trạng thái tương tự không. Và khi nhận ra xung quanh không phải chỉ mình ta lười, ta không phải là trường hợp cá biệt, trường hợp duy nhất, thì trong những sự đồng cảm, họ lại có động lực để cùng nhau bước ra khỏi ‘vũng lười’ ấy, để có thể cùng kéo nhau lên.
‘Mở hàng’ cho ‘hội chứng lười’ này, là chia sẻ của một bạn nữ sinh ngày 23/3/1988, bạn mở đầu bằng câu nói với giọng điệu rất kiểu ‘ba phần vui vẻ, bảy phần bất lực’: “Em lười lắm, lười từ nhỏ đến lớn. Lười cả trong suy nghĩ lẫn hành động”. Cái cách em nhìn nhận yếu điểm của mình một cách thành thật, không trốn tránh, và… có chút ‘lực bất tòng tâm’ vì không biết phải làm thế nào, khiến cho cả lớp vừa được một trận cười, vừa thấy thương em, vừa thấy… mệt cho em. Mình hỏi em, vậy em đang làm việc gì, và với cái sự lười như em mô tả, thì làm cách nào để em hoàn thiện công việc của mình? Em bảo: “Em không tìm thấy công việc bản thân muốn làm và có khả năng làm tốt. Lý do lớn là vì tính cách khá lười và thụ động. Trong suốt cuộc đời em từ nhỏ đến giờ, những việc em thích làm thường không kéo dài lâu, dễ bỏ cuộc giữa chừng và chuyển sang thích một việc khác”.
Lúc này đây, tụi mình thật sự thắc mắc, không công việc, cùng với tính lười như em kể, vậy thì em duy trì cuộc sống của mình như thế nào? Em cười cười: “Em có nguồn thu từ bất động sản được thừa kế”. Và em cũng không quên bổ sung thêm: “Tại vì là người có nhiều số 8, nên em không phải quá lo nghĩ về tài chính. Và cũng là người sống an toàn, không có quá nhiều trải nghiệm. Em là người có số chủ đạo 7, nhưng em thấy cuộc đời em đủ đầy mọi thứ, chẳng có mất mát gì cả: cuộc sống rất êm đềm, về mặt tình yêu thì không yêu ai vì không quan tâm chuyện tình cảm, sự nghiệp cũng không có gì đáng nhớ hết”. Cái cách em nói, lại một lần nữa, làm mọi người vừa cảm thấy mắc cười, mà cũng thấy thương em. Mình nói, thử nhìn sâu và ngẫm lại, thì em đang mất đấy chứ. Người ta đến đời này, là để hoàn thiện và phát triển thêm nhiều phần nhận thức, còn em cứ cho phép mình ì ạch trong vòng an toàn như thế, phải chăng mình đang bỏ lỡ rất nhiều thứ. Về mặt đời, em có thể bỏ mất những khoảnh khắc thật đẹp của đời sống đang chuyển động, bỏ lỡ những sự kết nối với những mối quan hệ thương yêu, bỏ mất cảm giác hết lòng tận hiến cho công việc mà mình yêu thích. Mở rộng hơn, về mặt tâm thức, tâm linh, em đang vì cái sự lười của mình mà ‘cản bước’ chính mình trong hành trình tiến hóa tại đời này.
Có vẻ như em bắt đầu cảm được những gì mình đang nói, em hỏi chúng mình: “Vậy với cái lười quá lớn trong tính cách này của em, phải làm sao để cải thiện?”. Mình hỏi em, thế hai người bạn được phân công thảo luận cùng nhóm em, họ khuyên em như thế nào. Em cười bẽn lẽn: “Dạ, nhóm ba người. Có một người chưa kịp tới nên không tham gia thảo luận được, người còn lại, cũng… lười giống em!” Ta nói, nghe đến đây, vừa giận, mà cũng vừa mắc cười, với ‘cái kết’ thiệt ‘hết thuốc chữa’ này!
Thật tình, rõ ràng, em đang biết bản thân em đang mơ hồ trong một vòng an toàn mà không biết làm cách nào để thoát ra. Bên cạnh những tính chất của con số 8 em đã nhận thấy ở phía trên, thì em còn là người sinh tháng 3. Mà theo Nhân số học, những người có con số 3 thường là những người mang đặc trưng của tính cách thích mơ mông, nhiều hưởng thụ, ham chơi, nhưng không phải là hưởng thụ vật chất, mà là thích thả lỏng mình tùy duyên theo những thú vui tinh thần. Để rồi, một ngày khi nhìn lại, bạn sẽ tự giật mình nhận thấy bản thân mình sao cứ nhàn nhạt, và muốn thoát ra khỏi cái vòng ấy. Vậy thì khi đã ý thức được điều này, việc đầu tiên là mình phải tìm cách bước ra. Mà để bước ra khỏi ‘vũng lười’ tựa như một thói quen ấy, có dễ không?
Không, thật sự rất khó, nhưng không phải là không thể. Nó cần rất nhiều sự nỗ lực của chính bản thân em ấy, và cần sự đồng hành của ‘bồ đề quyến thuộc’ trong lớp, để cùng nương nhau đi. Vậy thì, hy vọng trong lớp học này, sẽ có những anh chị em, những bạn đã có những sự thực hành miên mật, để là những ban cán sự lớp, tổ chức các hoạt động để mọi người cùng thực hành. Khi đó, em hãy tham gia cùng mọi người, đó là lúc, em bước ra khỏi vòng an toàn và sống một cuộc đời mới.
Và thế là, hành trình vừa lắng nghe những chia sẻ, vừa để ý để tìm ra ban cán sự lớp bắt đầu… Tụi mình hay nói vui, các thành viên trong lớp, cũng giống như một đội bóng khi ra sân vậy. Mỗi người sẽ có những vai trò khác nhau, có người là tiền đạo giữ vai trò dẫn dắt, nhưng cũng có những người làm trung vệ, hậu vệ, ở những vị trí phía sau. Và trong một tập thể, cần có những ‘tiền đạo’ để dẫn dắt, tạo phong trào, để kết nối mọi người và cùng đẩy nhau về phía trước.
Nhưng lạ thay, trong lớp học lần này, một buổi học, hai buổi học, ba buổi học trôi qua… ‘tiền đạo’ đâu không thấy, chỉ thấy toàn những sự đồng cảm đến thân quen: “Em là một người không chủ động, có những chuyện muốn làm nhưng mãi vẫn không bắt đầu được. Học đại học nửa chừng thì bỏ, về bán hàng online. Là một người có số chủ đạo 9 và có đỉnh cao số 11, những biểu hiện về tâm linh rất rõ nhưng mãi vẫn không tu tập được, vì lười”.
Hay như một bạn khác thành thật chia sẻ: “Mình là một người thích hưởng thụ. Mệt tâm, mệt não bao nhiêu cũng chịu được, nhưng cực thân thì không thể. Hai năm gần đây sức khoẻ và công việc của mình không được tốt, mình muốn “chậm lại một chút” để cân bằng lại và mình quyết định tham gia lớp học. Mong muốn của mình cho bản thân là “sửa” được một số tính cách như “cả thèm chóng chán”, và không theo đuổi tới cùng, hay trì hoãn và có phần suy nghĩ tiêu cực”…
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những chia sẻ có nội dung tương tự ở phần trình bày trong lớp học. Nói công tâm, không phải tất cả các học viên đều sở hữu ‘bệnh lười’ giống nhau này, nhưng chắc chắn là có đến 3/4 lớp đang trong ‘bài thi’ về ‘hội chứng lười’ và cần phải bước ra khỏi ‘vũng lười’ ấy. Sự chiêu cảm những con người có cùng một vấn đề vào cùng một lớp như thế này, cũng là lúc để mọi người được nhìn một cách rốt ráo vấn đề của bản thân, cùng ‘mổ xẻ’ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vậy, và cùng nhau đưa ra những giải pháp, để cùng thay đổi và hoàn thiện bản thân mình.
HỘI CHỨNG LƯỜI’ HỘI TỤ:
Mỗi người sẽ là một câu chuyện, một vấn đề, một màu sắc riêng. Nhưng nếu nhìn trong phương diện Nhân số học, nhìn chung, ai cũng thấp thoáng có những nét đặc trưng do tác động từ những ưu nhược điểm của các con số trong biểu đồ của mình. Chẳng hạn:
_Thứ nhất, đa số mọi người trong trường hợp mình vừa kể trên, đều có các con số 4,8 trong số chủ đạo hoặc trong ngày, tháng, năm sinh; hoặc có từng cụm ngày – tháng – năm sinh cộng lại ra các con số 4 hoặc/và 8. Mình đã từng có một bài viết dành riêng cho những người có những con số này, về những bài thi liên quan đến sự ‘vượt sướng’, để bước ra khỏi vùng an toàn. Chính sự quá mức vững chãi, ổn định của thế hộp vuông vức một tầng (số 4), hai tầng chồng kép lên nhau (số 8 = 4 x 2), một mặt mang lại cho những người thụ hưởng những giá trị đảm bảo nhất định về vật chất, lại cũng đồng thời mang đến cho họ một bài thi ‘thuận’: bài thi ‘vượt sướng’, và đó chính là một trong những nguyên nhân chính, làm cản trở hành trình tiến hóa của mỗi người. Cụ thể, nếu những ai vướng vào các dạng ‘Bài thi thuận’ là sự sướng thân vật chất như những con số 4 và số 8, sẽ dễ dàng trụ bám mãi trong sự dễ chịu vật chất mà quên mất luôn lối về chân thật của mình. Thậm chí, nếu ở mãi trong sự thụ hưởng đó mà không chịu chủ động quay trở lại, về Nguồn, để ‘cắm cái phích điện’ của ta đời này kiếp này trở về Gốc căn cơ chân thật của ta đó, thì sẽ không loại trừ khả năng, ta của đời này sẽ phạm phải những sai lầm căn cơ nghiêm trọng nào đó, về mặt đời, khiến bao nhiêu phước đức tu tập của chúng ta, vốn nằm im bao nhiêu năm nay trong tâm ta dưới dạng các ‘file nén’ dần mất sạch. Lúc đó mới gọi là trắng tay thực sự, quay trở về, đi lại từ những bước đầu tiên, thì hỡi ôi, đường Về Nhà càng xa càng xa mịt mù… Và, cũng chỉ có CHÍNH BẠN mới có thể tự mình tạo ra những biến chuyển nơi mình. Và chỉ có bắt tay vào CHĂM CHỈ THỰC HÀNH, bạn mới có thể biến chuyển được mình. Để rồi, sớm thôi, bạn không những chạm được sự an vui từ thân đến tâm, và còn quan trọng hơn, bạn nhìn rõ hơn, con đường bạn Trở về Nhà.
_Thứ hai, những người này có thể rơi vào những dấu hiệu của người có con số chủ đạo là 3, hoặc trong ngày, tháng, năm sinh cộng lại có con số 3. Thì đa số những người này sẽ mạnh về tư duy và lý luận. Những người có con số 3 sẽ có những mục đích chính liên quan tới các khả năng tư duy, suy nghĩ. Họ đặt tầm quan trọng lên mục tiêu thấu hiểu cuộc sống cùng với sự phát triển cá tính, có điều những điều này có liên quan đến khả năng vận dụng tư duy của họ nhiều hơn. Chính vì vậy, những người số 3 thường bị ‘chấp’ vào ‘thế trí biện thông’, thường họ sẽ dễ tin vào những giá trị ‘nghe có vẻ logic’, hoặc ‘đã được khoa học chứng minh’; và chính vì vậy, đây cũng là một bước cản rất lớn, trong hành trình phát triển phần tâm linh, tâm thức của họ.
Bên cạnh đó, càng về sau này, khi nghiên cứu sâu hơn về Nhân số học Mandala, con số 3 còn thể hiện cho những người đến với đời này, nếu không ý thức mình có một khả năng tư duy, lý luận rất sâu, và thực hành miên mật để ‘lôi cho rốt ráo’ tinh thần này ra, thì đôi khi những người có con số 3 này cả đời cũng sẽ như một chú bướm nhàn du, nhàn tản hết đậu lên cánh hoa này lại rà sang cánh hoa nọ, miễn sao cho thỏa những nhu cầu tinh thần của mình (mà nhiều khi chúng rất… mang tính ‘tiên tử’, hihi). Thế nên, đôi khi họ có thể bị sa đà bởi những niềm vui tinh thần ấy mà quên mất ‘nhiệm vụ chính’ của đời này, là ta phải biết quay trở về, và phát triển sâu hơn phần tâm thức của mình, để đường quay về Chân ngã, vốn là bản thể không sinh không diệt chân thật có trong mỗi con người, càng gần.
_Thứ ba, đa số những người trong ‘hội chứng lười’ trong lớp này đều có chung một đặc điểm ‘nhận diện’, đó chính là thiếu số 4 trong biểu đồ, dù cho đã điền đầy đủ họ tên vào biểu đồ. Mà theo Nhân số học, những người có biểu đồ thiếu số 4 thường là những người thiếu kiên nhẫn, ù lì, và khó tự mình thoát ra khỏi những vấn đề của bản thân. Những người này, phần lớn sẽ cần có ai đó để giúp họ có những định hướng để giải quyết những vấn đề của chính họ, hoặc giả, cần ai đó đủ tin cậy để kéo họ đi theo, thì được.
Đó là nhìn theo những khía cạnh và tác động của Nhân số học. Còn xét về mặt đời, thì rõ ràng, một trong những yếu tố dễ thấy của đại đa số những con người hội tụ ‘tính lười’ này, chính là, họ có dư điều kiện… để lười! Bởi vì người sinh ra trong những gia đình nghèo khó, sẽ không bao giờ dám cho mình được phép lười dù chỉ một ngày, bởi đối diện với họ là những bài toán cơm áo gạo tiền, chưa kể không chỉ lo cho bản thân, mà có thể còn có gánh nặng phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng gia đình lớn nhỏ… Đàng này, các bạn này được sinh ra và lớn lên trong những gia đình đảm bảo cho họ không phải quá suy nghĩ về chuyện cơm áo gạo tiền, thậm chí, không cần làm gì cũng sống khỏe re. Đó chính là môi trường vô cùng thuận lợi để… máu lười phát triển.
Nói nôm na, những người này được xếp vào nhóm những người ‘Có phước’. Và chính vì được bọc trong một chiếc vỏ sung sướng vật chất vững chắc như vậy, một khi đã lỡ ươm ‘máu lười’ trong người, họ cũng ít khi nào có đủ động lực tự thân để tự mình thoát ra chiếc vỏ bọc ngọc ngà ấy, để phấn đấu và vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, mình cũng đã nói cho các bạn biết, quỹ phước của mỗi người có lớn tới cỡ nào mà chúng ta không biết hành hai điều quan trọng sau đây, thì rồi phước nào cũng sẽ có lúc cạn:
_ Một là không biết hành thêm điều lành để tăng thêm phước lành hiện có.
_ Hai là không biết ‘tiếc phước’, có nghĩa là không ý thức tiết kiệm, ‘xài nhín nhín’ phước báu đang có của mình, cứ chăm chăm tận tình hưởng dụng phước dồi dào đang có bằng những hoạt động ăn xài xa xỉ, đi chơi dọc dài…
LÀM SAO ĐỂ BƯỚC KHỎI ‘VŨNG LƯỜI’?
Chúng ta nên ý thức rằng, phước báu sẵn có của một con người thường chỉ đủ nuôi một con người trong một thời gian đầu đời, kéo dài cho tới tầm trên dưới 30 tuổi, thì lúc đó phước dần dịch chuyển sang những gì ta phải tự thân gầy dựng từ đời này kiếp này. Cho nên, khi nhìn ra được điều này, bạn cần bắt đầu thực hành ‘tích luỹ phước mới’ càng sớm càng tốt, càng lâu trước khi chạm vào ‘thời điểm hạn chót’ này càng tốt, chứ đừng để chạm tới ngưỡng tuổi này, cuộc sống bắt đầu gặp sóng gió, thì mới cuống cuồng chạy đi kiếm phương án vá víu, nhiều khi không còn kịp nữa. Và khi thực hành ‘tích luỹ phước mới’, cần phải thực hành song song hai nhánh: Tu Phước và Tu Huệ. Tu Phước để phước báu mặt vật chất (sức khoẻ, diện mạo, tài lộc, mối quan hệ…) tiếp tục tăng trưởng tốt đẹp. Tu Huệ để trí tuệ mở mang, để ta mới hiểu rằng đã làm thân con người, vẫn còn mang nhiều nghiệp bất thiện, nếu không có ý thức chủ động tẩy tịnh nghiệp dần dần, thì rồi sẽ có lúc bạn rơi vào vùng trũng năng lượng, thì nạn tai kéo tới. Những ‘vùng trũng năng lượng’ này, bạn có ngó thử vào bất cứ môn nghiên cứu bản thân nào từ cổ chí kim, từ đông sang tây, như Nhân số học, Tử vi, Chiêm tinh, 12 Cung hoàng đạo… và nhiều nhánh khác nữa, thì tất cả đều khẳng định, đường đời một con người nhất định sẽ phải có lúc đi qua chúng. Rồi, nếu bạn không chủ động bắt tay vào thực hành ‘bồi phước’ và ‘bồi huệ’ cho bản thân ngay từ khi bạn còn khỏe, còn khá giả, đời sống bạn còn tốt đẹp êm đềm, thì khi một ngày những ‘vùng trũng năng lượng ấy’ tới, cũng là lúc phước bạn đã cạn, trí tuệ cũng không sinh, bạn sẽ xoay sở cách nào?
Đến đây thì tụi mình sẽ chia sẻ lại với các bạn chi tiết hơn chút về hai nhánh ‘Tu Phước’ và ‘Tu Huệ’ nha.
Thật ra đơn giản lắm, xuyên suốt trong rất nhiều bài viết, video đã đăng tải, tụi mình đã chia sẻ cho nhà mình về hai khái niệm Tu Phước và Tu Huệ này rồi. Tu Phước là cái mà đại đa số con người chúng ta hay làm, đó là thờ cha, kính mẹ, sống tốt, cho đi, bố thí, cúng dường, giúp người vô vụ lợi,… Nhưng đại đa số chúng ta lại rất thiếu một điều cũng quan trọng không kém, đó chính là Tu Huệ. Trong con người chúng ta, ai cũng đã có sẵn một bề dày tâm linh rất sâu, và khi chúng ta được quay trở lại với đời này, đại đa số chúng ta đều không biết mình có vốn tâm linh đó, nên nếu những ai không được may mắn sinh ra trong một gia đình có nền tảng thực hành tâm linh đúng mực rồi, đại đa số trước giờ đều sống ‘một cách bình thường’, nghĩa là làm một người lương thiện, và chúng ta đều cảm thấy như vậy đã đủ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không có Tu Huệ, làm cho tầng thức tâm linh của ta thức dậy, nó nôm na giống như phần ‘linh thức’ bên trong ta, phần con người tâm linh luôn sẵn có đó, nó vẫn luôn bị ngủ vùi, và nếu chúng ta không chủ động hiểu biết và dùng các hình thức tu tập hàng ngày để nhẹ nhàng khởi cho nó thức dậy, thì rồi sẽ có những thời điểm, sóng gió cuộc đời sẽ đến viếng thăm ta, nhằm mục đích lớn nhất: từ trong hoang mang khổ đau, ta sẽ buộc phải đi tìm ‘thuốc giải khổ’, qua đó, ta sẽ bắt đầu thực hành tu tập, và qua đó, phần tâm linh trong chúng ta được thức dậy. Và có điều này không biết bạn có ý thức được chưa, do ai đến cuộc đời này cũng qua nhân dạng của một em bé, đại đa số chúng ta đều không thể biết hay nhớ được, kiếp trước hay những đời kiếp trước ta đã là ai, đã từng có những tiến bộ gì, đã từng có những thành tựu ra sao… trong đó, không loại trừ những thành tựu và tiến bộ đáng kể về mặt tâm thức, tâm linh!
Bạn thử tưởng tượng xem, khi bạn nhảy xuống nước, muốn bơi được, cân bằng và thoải mái tiến về phía trước, bạn phải cần phải quạt đều, song song cả hai cánh tay. Thì áp một cách ví von vào trong đời sống, việc Tu Phước chính là quạt nước ‘bể khổ’ bằng cánh tay trái, việc Tu Huệ chính là quạt nước ‘bể khổ’ bằng cánh tay phải. Bạn sẽ khó thể nào ‘bơi qua bể khổ’ đời trần thế này nếu bạn chỉ bơi bằng một bên tay, hoặc tệ hơn, là… không thèm đưa cánh tay nào ra để quạt nước, phải không bạn! Vì vậy, hãy ý thức, Tu Phước và Tu Huệ phải đi đôi với nhau, song hành nhau và quan trọng như nhau!
Chính vì vậy, mà trong những chuyến đi, hay các lớp học, nhà MayQ tụi mình luôn khuyến khích mọi người đọc kinh, lạy sám hối, thiền khai tâm…, chúng chỉ là những hình thức ‘cắm sạc’ để các bạn bén duyên, bắt cầu để các bạn nối về chính nguồn tâm của mình. Để rồi từ đó, mỗi người vẫn phải cố gắng duy trì thực hành miên mật những thời khóa tu tập, thực hành các bài tập gia tăng năng lượng ổn định, thì qua đó, dần dần, ‘quỹ phước’ trong bạn cũng được bồi lên từ từ.
Tuy nhiên, với một lớp hội tụ đa số là những người có tính cách ‘lười’ như thế này, thì việc để mỗi người tự đẩy chính bản thân mình thực hành, là điều không hề dễ dàng. Chính vì vậy, họ cần nương nhau, tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh của ‘bồ đề quyến thuộc’ để cùng khuyến khích nhau thực hành các phương pháp tu tập và gia tăng năng lượng. Và, một ban cán sự lớp đã được hình thành ngay trước khi lớp kết thúc, mỗi người một điểm mạnh, người thì có thời gian để gửi các bài thực hành cho lớp; người thì có sẵn kiến thức về yoga, hứa sẽ mở những buổi hướng dẫn thực hành yoga qua Zoom để mọi người cùng luyện tập. Chúng mình hy vọng rằng, khi đã nhìn nhận ra vấn đề của mình, các thành viên sẽ đủ quyết tâm và đủ kỷ luật, để vượt qua được ‘hội chứng lười’ của bản thân, để cùng nhau thực hành, cùng nhau thay đổi bản thân một cách miên mật, ít nhất là trong ba tháng mười ngày sau lớp học.
Và với bài viết nhỏ này, chúng mình hy vọng những ai đang có những ‘triệu chứng’ tương tự, cũng có thể tham khảo, dù cho bạn chưa có duyên để tham gia lớp học chính thức nào của nhà MayQ. Cách thực hành dễ lắm, bạn có thể tìm trong các bài đăng cũ trên trang FB Quynh Huong Le Do này, chuỗi bài về 49 ngày Tu dưỡng Thân – Tâm – Trí, 28 ngày Biết ơn, 28 ngày thực hành Ho’Oponopono, cũng như các bài kinh, hướng dẫn thiền tĩnh tâm,… Tất cả đều được chúng mình đăng tải trên đó, bạn có thể lựa chọn thực hành những bài, những phương pháp nào mà mình cảm thấy phù hợp với bản thân nha.
Chúc cho cả nhà mình, những ai đủ duyên sẽ có đủ những động lực và sự kiên trì để bước qua ‘vũng lười’, bởi vì các Thầy dạy: “Đừng để khát mới đi đào giếng”. Mà, đường đời khó nói lắm, chẳng ai dám tự tin mình chẳng bao giờ có lúc ‘khát nước’ đâu, phải không.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(09.08.2023 – QH & MayQ Team)
con chào cô Quỳnh, sau khi đọc bài viết này con thấy hơi bị rối ren xíu xiu ở điều số 1 và số 3 ạ, vì sao có cố 4 trong ngày tháng năm sinh ở điều 1 cũng bị hội chứng lười mà không có số 4 ở trong biểu đồ ngày tháng năm sinh cũng bị vậy ạ? hix con hơm hỉu nhắm. Mong cô và team hồi âm khai sáng điều này giúp con với ạ.
Con cảm ơn mọi người.
Bạn thân mến, thật không dễ để có thể hiểu sâu điều này chỉ trong vài câu chữ. Nếu được bạn có thể thu xếp theo học một số cấp độ Nhân số học của nhà MayQ sẽ tự mình nhìn ra các vấn đề vi tế này nhé.
Bạn có thể liên hệ các trang sau để team lớp học Quản trị cuộc sống với Nhân số học được tư vấn chi tiết đến bạn nha.
https://www.facebook.com/mayqshare
https://www.mayqshare.com.vn/
Hoặc liên hệ số hotline/zalo: 0983277327 (Mr. Việt Tuân)
Cảm ơn bạn!
Thân mến.
MayQ Team