ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 4 – NHỮNG THỜI CỘNG HƯỞNG ĐẦY XÚC ĐỘNG TẠI KUSHINAGAR
[Đại cộng hưởng Ấn Độ Nepal 28.11 – 03.12.2023]
Bài 4: NHỮNG THỜI CỘNG HƯỞNG ĐẦY XÚC ĐỘNG TẠI KUSHINAGAR, NƠI ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN & BUỔI BÚN RIÊU TRƯA ĐẦY TÌNH THƯƠNG TẠI CHÙA KIỂU ĐÀM DI
THỜI CỘNG HƯỞNG ĐỌC KINH DI GIÁO TẠI THÁP TRÀ TỲ
Chiều qua, rong ruổi một đoạn đường thật dài từ Nepal về lại Kushinagar, để rồi sáng sớm hôm nay, cả đoàn đã có mặt tại Tháp Trà Tì, nơi hoả táng kim thân của Đức Phật để có một thời cộng hưởng tại đây.
Lần nào trở lại đây, cảm xúc trong chúng mình vẫn luôn thật xúc động, khi được cùng hơn một trăm thành viên đọc những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn trong bản Kinh Di Giáo, để tự nhắc mình, tự soi mình trong từng lời dạy, quán chiếu bản thân một cách rốt ráo và triệt để, nguyện sửa mình trong những phiên bản tốt hơn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài chứng ngộ và trở thành một bậc Toàn Giác, thấu suốt tất cả, vì vậy những gì Ngài để lại bằng những lời dạy trong Kinh Di Giáo thật minh triết và dễ đi vào lòng người.
Điều đầu tiên, Đức Phật dạy tất cả chúng ta phải biết giữ tịnh giới, tam nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, như vậy, cuộc đời chúng ta sẽ được thanh tịnh.
Tiếp theo, chúng ta cần phải tránh hết mức có thể làm những việc bất chính. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kỳ môi trường nào, bất kỳ một tình huống nào,… phải luôn lấy sự lương thiện làm gốc.
Lại nữa, ta phải nhớ không được giữ cho mình bị cuốn vào trong ngũ dục: tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ. Năm thứ này luôn đeo bám chúng ta, sai sử chúng ta lăn trôi không ngừng, hết say đắm cái này lại ham muốn cái kia. Chính vì vậy, trong Kinh Di Giáo, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Tỳ-kheo các ông! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải kiềm chế ngũ căn, chẳng để buông lung theo ngũ dục. Thí như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho chúng vào lúa mạ của người khác. Nếu thả lỏng ngũ căn, chẳng những chạy theo ngũ dục không bờ mé, không thể kiềm chế được, mà còn gây hại rất nặng, cũng như ngựa chứng, chẳng dùng dây cương chế ngự thì chính nó sẽ đưa người ta vào hầm hố”. Điều này khuyên mình phải luôn tỉnh giác, chế ngự mọi ham muốn của mình.
Lại nữa, ta phải nhớ nhiếp phục tâm mình, tức kiểm soát và điều phục tâm mình, đừng để nó cuốn đi trong vui buồn, hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Lúc đó, ta sẽ giữ được tâm mình tĩnh lặng.
Lại nữa, Đức Thế Tôn cũng dặn chúng ta giảm bớt thời gian ham ngủ nghỉ, để dành thời gian cho thiền định. Thiền định giúp cho chúng ta lắng tâm triệt để và từ đó ta có thể mở ra được trí tuệ vô hạn của mình.
Ngoài ra, Đức Thế Tôn còn dạy chúng ta hành chữ Nhẫn. Đại đa số những người bình thường như chúng ta, khi gặp việc trái ý rất dễ tức giận. Và thậm chí với những người tu tập lâu năm, vẫn sẽ có những bài khảo lớn hơn và lớn hơn nữa để thử thách lòng nhẫn nhịn của mỗi người. Đức Thế Tôn dặn rằng, người nào phải hành chữ Nhẫn thì mới có thể tăng tiến tâm linh. Ta có thể hiểu rằng, tất cả những gì bất ý, hoặc là những người đem gieo đau khổ cho chúng ta, họ chỉ là những bậc ‘nghịch duyên bồ tát’ được Ơn Trên cử tới để khảo sự nhẫn nhịn của ta. Và nếu ta nhẫn nhịn mà vẫn thấy rằng ta đang đè nén bản thân mình, là ta vẫn chưa qua được ‘bài thi Nhẫn’ của mình. Ta phải nhẫn làm sao đến mức độ Nhẫn Ba la mật. Nhẫn mà không thấy mình nhẫn nữa, tìm ra được những điểm mình yêu thương từ những người đang làm mình đau khổ kia, thì chúng ta đã vượt được bài nhẫn. Và khi vượt được bài nhẫn, chúng ta sẽ tinh tấn rất nhanh.
Một lời dạy của Đức Thế Tôn nữa, là chúng ta không được sân giận, bởi “Sinh một lòng sân, đốt một rừng công đức”. Ta trước đó có làm bao nhiêu điều thiện lành, chỉ cần nổi tâm giận lên là có thể phá bỏ tất cả những gì tốt đẹp mà ta đã tạo tác trước đó. Xin hãy nhớ trong tâm mình rằng, luôn sẽ có những ‘bài khảo’ tới bằng cách này hay cách khác, có thể làm cho ta nổi giận. Nhưng khi chúng ta không giận, cũng là lúc ta điều phục được cơn sân của mình.
Đức Thế Tôn còn dạy, ta không được dua nịnh, cũng không được ngạo mạn, tâm kiêu mạn sẽ làm ta đốt sạch công đức của mình.
Một ý nữa là Đức Thế Tôn cũng dặn dò hết sức cần trọng, hãy để sự biết vừa đủ, ‘biết đủ là đủ’. Nếu mà biết đủ thì trong sự nghèo khó cũng thấy mình giàu có. Còn nếu không biết đủ, dù có đặt ở thiên đường mình vẫn sẽ không thấy vui tươi, cảm thấy bất mãn. Vì vậy, hãy nên biết đủ với tất cả những gì mà chúng ta đang có.
Ngài cũng nhắc nhở chúng ta không ngừng thực hành chánh niệm. Trong mọi lúc ta đều phải biết mình là ai? Mình đang trong hoàn cảnh nào? Mình đang như thế nào? Như vậy ta sẽ không bị cảnh đưa kéo, và ta không dễ bị kéo vào những dục lạc hoặc là sân giận, hoặc là si mê.
Đức Thế Tôn cũng nhấn mạnh tính trí tuệ. Khi chúng ta đã khởi được trí tuệ rồi, ta không còn một ham muốn nào nữa. Và để phát sinh được trí tuệ, ta phải để cho tâm mình tĩnh lặng và không sa đà vào tranh cãi. Ta nên dùng sự tu tập của mình, sự tinh tấn hành trì của mình, để mở cho trí tuệ chúng ta sáng ra và từ trong sự sáng ra đó, chúng ta sẽ thấy biết những gì là sự thật tuyệt đối, không tranh cãi với những người không cùng quan điểm của mình, đó chính là điều Đức Thế Tôn dạy.
Tất cả những lời dạy của Phật, để chúng ta tìm về bốn chân lý, đó là Tứ Diệu Đế: Khổ, nguyên nhân của Khổ, cách diệt khổ và con đường đạo đi đến diệt khổ. Khi chúng ta đã hiểu được điều này rồi, ta sẽ hiểu rõ lẽ vô thường, vô ngã. Ta hiểu rằng có hợp có tan, có thân này sẽ có lúc thân này tan rã, vì vậy ta không mong cầu thân này kéo dài mãi mãi, cũng không mong cầu hạnh phúc sẽ ở bên ta trường tồn. Ta chỉ biết ‘tận nhân lực’ và chấp nhận mọi cái đến với mình trong tâm thế hoan hỉ nhất. Hiểu được điều này, ta sẽ sống một cuộc đời an lạc hơn, miên mật tu tập để tự mình giải thoát, bước ra khỏi sinh tử luân hồi.
Ta phải nhớ, Đức Thế Tôn là người lương y giỏi cho thuốc, nhưng bản thân chúng ta phải là người tự uống thuốc; Đức Thế Tôn là người chỉ đường, còn bản thân chúng ta phải là người tự mình bước đi, để tự mình thoát khổ. Bản thân chúng ta phải bắt tay vào, tự mình thực hành, tự mình chuyển hoá, tự mình bước ra khỏi khổ đau, bệnh tật, và sinh tử.
Trong những sự xúc động sau khi đọc xong bản Kinh Di Giáo ấy, mọi người đã cùng nhau lạy 54 lạy sám hối đầu tiên trong chuỗi 108 lạy Sám hối và Khai tâm. Mỗi ngày trong suốt chuyến hành trình Tứ Động Tâm, chúng mình đều sẽ luôn cố gắng duy trì một thời lạy ngắn với 54 lạy, như một sự gieo duyên nhẹ để cho mọi người bắt đầu bén duyên với pháp môn tu tập lạy Phật, và cũng để mỗi người tự soi chiếu mình vào từng lời dạy trong bản Sám hối và Khai tâm. Chúng mình khép lại thời cộng hưởng sáng đầy ý nghĩa bằng việc mỗi người tự đi nhiễu quanh Tháp Trà Tuỳ, vừa đi vừa niệm hồng danh Đức Phật, cung kính đặt lên Tháp những đoá hoa súng bằng tất cả lòng thành kính, biết ơn.
LỄ DÂNG Y ĐẦY XÚC ĐỘNG TẠI THÁP ĐẠI NIẾT BÀN
Đoàn có năm xe, chúng mình chia thành hai đợt, lần lượt nối đuôi nhau, thành kính dâng y đi một vòng từ ngoài cổng Tháp Đại Niết Bàn, tiến vào bên trong, nơi tôn tượng Đức Phật Niết Bàn đang nằm ung dung tự tại, hoàn mãn một kiếp sống ở cõi tạm thế gian.
Những lời hát “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” vang lên, đều đặn, đầy thành kính. Chậm rãi từng bước chân, từng lời niệm Phật, cả đoàn dâng y từ từ vào bên trong, lần lượt đắp lên Người một tấm y với đầy sự biết ơn, trân trọng, như một lời tiễn biệt từ tận trái tim mình. Đã có thật nhiều nước mắt rơi, đã có thật nhiều sự xúc động. Khoảnh khắc ấy, chúng mình tựa như những đứa con xa quê, nay có dịp cùng trở về Nhà, cúi đầu đưa tiễn Cha mình lần cuối.
Hôm nay chúng con về đây. Gửi lời ước nguyện lên Chư Phật. Mong rằng Phật sẽ gia hộ cho chúng con thành tựu được những phẩm chất cao quý của Đức Phật. Và vững bước trên con đường tu tập và làm cho cõi đời này trở nên thánh thiện, mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Kính Bạch Đức Thế tôn. Chúng con là những đứa con dại khờ, vô minh chấp ngã. Đã bao kiếp chúng con mãi trôi lăn trong lầm lỗi, khổ đau.
Mãi cho đến 2567 năm sau khi “Cha” của mình nhập diệp thì chúng con mới được về đây để viếng ‘Người Cha lành’ của mình.
“Hạt mưa nào rồi cũng rơi xuống đất, dòng sông nào cũng sẽ trôi về biển, ai rồi cũng phải tìm tới nơi nương tựa cho tâm hồn mình. Phật chính là nơi cho chúng con tìm về nương tựa nương náu giữa biển đời còn tràn ngập khổ đau tăm tối. Phật là ánh dương soi sáng thế gian. Phật là dòng suối tươi mát lòng người. Phật là đại dương mênh mông công đức. Phật là núi cao vời vợi uy nghi. Chúng con xin dâng lên Thế Tôn lòng tôn kính vô biên. Kính lạy cho Thế Tôn gia hộ cho chúng con chân cứng đá mềm, vượt qua mọi thử thách chông gai để tiến tu và hoăng thông giáo pháp.
Đền ơn Phật con nay phát nguyện
Cả một đời tinh tiến tu hành
Rồi đem Chánh pháp thiêng liêng
Gieo vào khắp chốn chúng sinh vạn loài”
(Lời cảm niệm từ Thượng toạ Thích Chân Quang)
BỮA BÚN RIÊU TRƯA ĐẦY TÌNH YÊU THƯƠNG TẠI CHÙA NI KIỀU ĐÀM DI
Khép lại hai thời cộng hưởng đầy xúc động tại vùng đất Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn, đoàn chúng mình lên xe, di chuyển hơn ba tiếng đồng hồ để đến với chùa Kiều Đàm Di.
Món quà thiệt lớn cho cả đoàn chính là những tô bún riêu ngon lành, nóng hổi, được các Sư cô ở Chùa nấu bằng tất cả tình yêu thương, đậm vị Việt Nam tại đất Ấn Độ.
Sau hơn ba ngày rong ruổi, trải nghiệm những đồ ăn nơi đất Ấn, đến ngày thứ tư này, ai cũng thèm một món nước nóng nóng, và thế là… món bún riêu chay ngày hôm nay, như xoá tan sự mệt mỏi, dằn xóc một quãng đường di chuyển thật xa, cũng như xoá nhoà sự nhớ nhung hương vị quê hương trong mỗi người.
Nhìn nồi nhưng bún ngập tràn nào là riêu chay được làm bằng đậu hủ, nào là những lát cà chua đỏ mọng óng ánh, nào là những dĩa rau được chuẩn bị một cách chỉn chu, tô sa tế thơm ngon,… mắt ai cũng lấp lánh vừa vui mừng, vừa xúc động. Và đã không phụ lòng chuẩn bị của các Sư Cô, chúng mình đã ăn những tô bún một cách ngon lành bằng tất cả sự biết ơn. Ai cũng húp xột xoạt đến những giọt nước cuối cùng, có bạn còn ăn đến tô thứ hai. Thương nhất vẫn là mấy bạn tourguide Ấn Độ, lúc ban đầu còn e ngại vì sợ không hợp vị đồ ăn Việt nên không dám ăn, nhưng sau khi được các bạn trưởng xe phía nhà MayQ mời ăn thử, thì đã vô cùng thích và cùng thưởng thức ngon lành, có bạn còn ăn đến tô thứ ba Thật sự, nhìn mọi người ăn mà tụi mình cũng thiệt vui trong lòng!
Sau giờ ăn trưa, cả đoàn ngồi quây quần với nhau dưới chân Bảo tháp tại Chùa, nơi đang thờ tôn tượng của Bà Kiều Đàm Di cùng các Nữ Ni thời kỳ đầu tiên. Bà Kiều Đàm Di là Dưỡng Mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa, và sau này khi Ngài thành Phật, bà đã ba lần kính đệ lên Đức Thế Tôn nguyện vọng được xuất gia. Lần cuối cùng, với sự kiên tâm và kham nhẫn của bà và 500 nữ quyến dòng họ Thích Ca, Đức Thế Tôn đã đồng ý cho nữ giới xuất gia. Mình đã có những chia sẻ cho mọi người hiểu tại sao ngôi chùa này có tên là Chùa Kiều Đàm Di, cũng như kể lại câu chuyện thành lập Chốn Tổ Ni đoàn tại vùng đất Vaisali này.
GHÉ CHỐN TỔ NI ĐOÀN VÀO LÚC CHIỀU TÀ
Tạm biệt chùa Kiều Đàm Di, chúng mình ghé Chốn Tổ Ni Đoàn khi trời dần ngả sang chiều tà. Mùa này thời tiết Ấn Độ không nắng, nên chiều càng sập xuống nhanh. Ngồi cạnh bên Tháp A Nan, để cùng nhau chia sẻ về cơn đại dịch năm ấy, Đức Phật đã về thành phố này và giúp nơi đây thoát khỏi đại dịch. Cả đoàn chúng mình đã cùng nhau đọc một thời Kệ diệt trừ dịch bệnh và Sám cầu mưa thuận gió hoà, để gửi những niệm lành cho quốc thái dân an, tiết trời thuận lợi, mọi người sống với nhau bằng tất cả tình yêu thương và sự tử tế.
Bên cạnh đó, chuyến đi lần này trong đoàn có rất nhiều thành viên đang mang những căn bệnh khác nhau, hay gặp những chướng ngại về sức khoẻ. Chính vì vậy, mặc dù nằm ngoài kế hoạch như đã dự tính, tụi mình quyết định đưa thêm bản Sám hối oan gia trái chủ trên thân của Hoà thượng Tịnh Không vào thời cộng hưởng chiều nay, như một sự gieo duyên cho mọi người, để nương vào năng lượng cộng hưởng này, những ai đang có vấn đề về sức khoẻ sẽ khởi phát những ước nguyện cho chính mình, đồng thời cũng hy vọng, khi trở về nhà, mọi người sẽ duy trì đọc bản sám hối này, mình tin, nếu bạn thực hiện bằng tất cả sự thành tâm, chắc chắn, sẽ có những sự xoay chuyển tích cực cho vấn đề của bạn.
Sau khi đọc xong phần Sám hối, chuyển đến phần niệm Phật, trời rơi lác đác vài hạt mưa. Nhưng thật thấy thương là mưa đủ nhẹ để cho chúng mình hoàn mãn thời khoá tu tập cùng nhau và sau khi kết thúc, trời tạnh hẳn. Mọi người trong đoàn nói vui với nhau, những hạt mưa này như một sự ứng chứng mà Ơn Trên đang gửi cho cả đoàn.
Khép lại một ngày dài bên nhau, gõ những dòng này khi xe chúng mình đang di chuyển về thành Vương Xá, để sáng sớm mai, chúng mình sẽ cùng nhau đến đỉnh Núi Linh Thứu và có một thời cộng hưởng đặc biệt tại đây.
Hẹn gặp cả nhà trong những dòng ký sự hành trình tiếp theo nhen!
Gửi niệm lành cho tất cả!
(01.12.2023, QH & MayQ Team)
Không có bình luận