SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 3: TRÁI TIM ÔM TRỌN THÁI HƯ – NHẪN THẾ GIAN & NHẪN XUẤT THẾ GIAN
[Từ những lời dạy của Sư Ông Làng Mai] Series LƯỢNG CẢ BAO DUNG (NHẪN BA LA MẬT)
[Lời QH] Cả nhà mình thân mến, chuỗi bài về ‘Lượng cả bao dung: Nhẫn Ba La Mật’ này đến với chúng ta trong những ngày cuối cùng của năm cũ âm lịch, và mang lại những giá trị quán sát để thông suốt rất lớn. Sau hai bài trước đây, tìm hiểu những khái niệm về sự ‘Chịu’ – ‘Đựng’ để học mở rộng Tâm lượng chúng ta ngày càng rộng lớn hơn, học đối diện, chấp nhận và ôm ấp những trải nghiệm lớn mà đời người ai cũng phải trải qua như Sinh – Lão – Bệnh – Tử, bài thứ 3 hôm nay của chuỗi bài quý này từ Sư Ông Làng Mai sẽ đưa chúng ta đi đến những khái niệm rộng lớn hơn nữa: “Trái tim ôm trọn Thái Hư’. Và, chúng ta cũng qua đó bắt đầu làm quen với hai khái niệm mới: Nhẫn theo cách sống của thế gian, gọi là Nhẫn Thế gian, và Nhẫn theo cách nhìn của những người biết thực tập theo lời Phật dạy, gọi là Nhẫn Xuất thế gian.
Chúng ta bắt đầu học cùng nhau nhé!
[Lời dạy của Sư Ông]
Chúng ta đã nói tới danh từ chịu đựng. Chịu có nghĩa là chấp nhận và Đựng có nghĩa là ôm lấy. Ôm lấy có nghĩa là không phải vứt bỏ ra ngoài, không liệng ra ngoài. Nếu chúng ta có thể ôm lấy được, thì đó là vì dung tích của trái tim chúng ta lớn. Còn nếu trái tim chúng ta nhỏ thì chúng ta sẽ không ôm lấy được. Nếu chúng ta ôm được và ôm hết lòng thì đối tượng ấy sẽ được chuyển hóa. Đó là tại vì cái lượng của chúng ta lớn. Bài chúc tán có câu: “Bậc đại giác viên mãn xuất hiện nơi cõi Ta bà, tấm lòng ôm trọn cả thái hư.” “Tấm lòng ôm trọn cả thái hư” là được dịch từ câu: “Tâm bảo thái hư”. Mấy chữ đó cho chúng ta thấy trái tim của đức Thế Tôn rất lớn. “Lượng châu sa giới”: lượng Từ Bi của Ngài ôm được cả vũ trụ. Thái là lớn, Hư là không gian, Thái hư là mang nghĩa là Vũ trụ. Bốn chữ này là bốn chữ ca ngợi đức từ bi và nhẫn nhục của đức Thế Tôn. Trái tim của Bụt (đức Phật), tình thương của Ngài có thể bao trọn và ôm hết được tất cả các loài chúng sanh với tất cả những gai góc khó khăn; ôm lấy được hết, ôm mà không đau khổ. Khi trái tim mình còn nhỏ, mà mình phải ôm thì mình đau khổ, nhưng khi trái tim đã lớn, có nghĩa là khi tình thương đã mở rộng, thì mình không còn đau khổ nữa. Cho nên sự thực tập của chúng ta là phải làm cho tim ta lớn lên hơn mỗi ngày.
“Lượng”, chữ này chúng ta đã học rồi. Lượng tức là sức dung chứa, là sự bao dung của ta. Trong thơ Kiều có câu: “Có dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Châu là bao trùm, là đi giáp một vòng xung quanh. Sa giới tức là những thế giới nhiều như cát ở sông Hằng. Trái đất của chúng ta chẳng qua chỉ là một phần rất nhỏ của thái dương hệ, của một tiểu thế giới thôi, và ngoài kia còn có biết bao nhiêu tinh hà, còn có biết bao nhiêu thế giới trong vũ trụ nhiều như số cát sông Hằng. Vì vậy thế giới được gọi là sa giới. Cái lượng của đức Thế Tôn bao trùm hết tất cả mọi cõi. “Tâm bảo thái hư, Lượng châu sa giới”, chỉ tám chữ mà nói lên được cái từ bi vô lượng, lòng thương và sức dung chứa vô lượng của một trái tim. Người ấy là ai mà có một trái tim rộng lớn như vậy? Chúng ta là học trò của Người, chúng ta phải thực tập thế nào để trái tim của chúng ta cũng càng ngày càng lớn để có thể nhìn những người khác bằng một cặp mắt ít khắt khe hơn, ít hẹp hòi hơn.
Chúng ta phải nhìn bằng con mắt rộng rãi. Chúng ta phải có không gian bên trong thật nhiều thì tự nhiên con mắt chúng ta sẽ sáng ra. Con mắt đó có thể nhìn mọi loài với tình thương. “Nhìn mọi loài với tình thương” là năm chữ ở trong kinh Pháp Hoa, “Từ nhãn thị chúng sinh.” Thế nhưng, không phải là hễ chúng ta muốn nhìn bằng tình thương mà nhìn được đâu. Ai lại không muốn nhìn bằng tình thương, nhưng nếu trái tim ta đang còn nhỏ thì ta nhìn cách ấy không được. Do đó sự thực tập của chúng ta là phải nuôi cho trái tim lớn lên. Mà muốn nuôi cho trái tim lớn lên thì ta phải thực tập quán chiếu để thấy. Khi có thấy thì mới có hiểu, và có hiểu rồi thì mới có thương.
“Bậc Đại Giác Viên Mãn
Xuất hiện nơi cõi Ta bà
Tấm lòng ôm trọn cả thái hư
Trí giác soi cùng đại thiên thế giới”
Ngay đối với cái bệnh của chúng ta, dù là một chứng bệnh ngặt nghèo, nan y hay là một chứng bệnh tầm thường mỗi ngày của chúng ta, mà nếu chúng ta có một trái tim lớn, có một cái nhìn lớn thì những chứng bệnh đó không còn làm khổ chúng ta nữa.
Kỳ trước chúng ta đã nói tới bốn cái bệnh lớn mà người nào cũng đang mang ở trong con người, là bệnh sinh, bệnh già, bệnh bệnh và bệnh c.h.ế.t. Bốn cái đó làm cho chúng ta đau nhức. Mỗi khi nghĩ tới bốn cái đó, chúng ta thấy nhức nhối tại vì thân của chúng ta đã bị điều kiện hóa bởi chúng. Ta thế nào cũng phải già, ta thế nào cũng phải bệnh, ta thế nào cũng phải chết, và tệ hơn nữa là chết rồi ta lại phải sinh ra trở lại để mà tiếp tục chịu khổ. Đó là chứng bệnh trầm kha mà đức Thế Tôn đã đi tìm những phương thuốc để trị liệu.
NHẪN THEO THẾ GIAN & NHẪN XUẤT THẾ GIAN
Trong giới Phật học, người ta có ý niệm về hai loại Nhẫn, tức là hai loại chịu đựng. Thứ nhất là Nhẫn thế gian và thứ hai là Nhẫn xuất thế gian. Nhẫn thế gian nghĩa là cái nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của người phàm, còn nhẫn xuất thế gian là một loại nhẫn được làm bằng chất liệu của tuệ giác. Có những người có một khả năng nhẫn nhịn nào đó, nhưng trong khi nhẫn nhịn họ cảm thấy đau khổ và thấy rằng mình phải nghiến răng chịu khổ. Khi thực tập Nhẫn xuất thế gian, chúng ta vượt tới một bờ bến rất xa lạ: trong khi nhẫn, chúng ta không còn thấy chúng ta nhẫn nữa, chúng ta không cần chịu đựng nữa, tại vì chúng ta đã có tuệ giác, đã tiếp xúc được với bản môn – tức quay về với bản chất của mọi sự vật hiện tượng.
Nhẫn của thế gian chẳng qua chỉ có thể giúp ta tránh khỏi một ít những đổ vỡ và lầm lỗi. Ngày xưa có một đại gia đình, cả trăm người, suốt trong chín thế hệ, nổi tiếng là ăn ở với nhau vô cùng hòa thuận. Đó là gia đình Trương Công Nghệ. Vua nghe đồn là gia đình đó ăn ở với nhau rất hòa thuận nên mới ngự giá tới thăm. Tất cả mọi người trong gia đình đều ra quỳ xuống để đón tiếp vua. Vua hỏi: “Bí quyết của các vị là gì mà có thể sống với nhau có hạnh phúc, không có sự xáo trộn, không có sự mâu thuẫn và không chia rẽ?” Ông tộc trưởng mới dâng lên một tờ biểu để trả lời. Trong tờ biểu đó chỉ có viết một trăm chữ “Nhẫn”. Vua gật đầu khen phải và thưởng cho gia đình kia mấy tấm lụa. Đó là bài học thuộc lòng trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư mà thầy được học hồi còn nhỏ. Và đây là cái nhẫn gọi là nhẫn thế gian.
Thế nhưng, Nhẫn của thế gian, có những người có một khả năng nhẫn nhịn nào đó, nhưng trong khi nhẫn nhịn họ cảm thấy đau khổ và thấy rằng mình phải nghiến răng chịu khổ, thì tới một mức nào đó thì người đời hết nhẫn được nữa và họ sẽ nổ tung. Còn khi học Phật, chúng ta phải học cho được Nhẫn xuất thế gian. Chính cái nhẫn của xuất thế gian mới đem lại cho ta an lạc thực sự.
[Từ chuỗi bài pháp giảng của Sư Ông Làng Mai]
[QH & MayQ Team] Thật sự, chỉ khi chúng ta hiểu biết về khái niệm Nhẫn Xuất thế gian, chúng ta mới biết rằng, chỉ có thực hành thật sâu và thật miên mật cái Nhẫn Xuất thế gian mới cho chúng ta một sự an lạc và giải thoát rốt ráo, chứ chúng ta không nên chỉ tự thuyết phục mình dừng lại ở Nhẫn theo thế gian, vì biết chắc rằng cái nhẫn của thế gian thể nào cũng chỉ đến một giới hạn nào đó, mà những bài khảo của cuộc đời rồi sẽ lần lượt đến với ta như để thử thách ta đến cực hạn. Những phương pháp chi tiết của Nhẫn Xuất thế gian sẽ được Sư Ông lần lượt hướng dẫn trong bài tụi mình sẽ giới thiệu tiếp theo, sẽ giúp được chúng ta rất nhiều khi ta đi qua bất ý, bệnh nạn, oan khiên…, những trải nghiệm mà có lẽ không có ai trên đời này tránh khỏi. Chúng mình sẽ cùng nhau đón đọc/nghe trong bài của ngày mai, cùng ngẫm ngộ những điều này, để ngay trong những ngày cuối cùng của năm cũ này, chúng ta cùng bắt tay vào, tập thực hành ngay quán chiếu mọi sự việc theo hướng Nhẫn Xuất thế gian, để mỗi ngày đưa dần chúng ta đến sự an lạc bền ổn và vững vàng, dẫu xung quanh ta những bài khảo có khắc nghiệt đến độ nào, cả nhà mình nhé.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(7.2.2024 (28/Chạp Quý Mão) – QH & MayQ Team)
#SưÔngLàngMai
#Nhữnglờidạy
#Lượngcảbaodung
#Nhẫnbalamật
#SinhLãoBệnhTử
Không có bình luận