SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 4: ‘LƯỢNG CẢ BAO DUNG’ TRONG CHẤP NHẬN VÀ CHUYỂN HÓA BẤT Ý, BỆNH NẠN, OAN KHIÊN, ĐAU KHỔ
[Từ những lời dạy của Sư Ông Làng Mai] Series LƯỢNG CẢ BAO DUNG (NHẪN BA LA MẬT)
[Lời QH] Ở bài thứ 3, chúng ta đã hiểu rằng, chỉ có thực hành thật sâu và thật miên mật cái Nhẫn Xuất thế gian mới cho chúng ta một sự an lạc và giải thoát rốt ráo, chứ chúng ta không nên chỉ dừng lại ở Nhẫn theo thế gian – nhẫn mà thấy rằng mình vẫn còn nghiến răng chịu đau, chịu khổ, vì biết chắc rằng cái nhẫn của thế gian thể nào cũng chỉ đến một giới hạn nào đó, mà những bài khảo của cuộc đời rồi sẽ lần lượt đến với ta như để thử thách ta đến cực hạn. Những phương pháp chi tiết của Nhẫn Xuất thế gian sẽ được Sư Ông lần lượt hướng dẫn trong bài thứ 4 này, mà chúng mình xin được trích lược những ý quan trọng nhất từ chuỗi bài dạy của Sư Ông về đề tài lớn ‘Lượng cả bao dung: Nhẫn Ba La Mật’. Chúng ta cùng nhau tiếp tục học nhé.
HIỆU ỨNG ‘MŨI TÊN THỨ HAI’
Khi một người bị trúng tên, người đó sẽ cảm thấy đau nhức. Nhưng giá dụ có một mũi tên thứ hai được bắn tới và trúng ngay chỗ mũi tên đầu, thì nạn nhân của hai mũi tên không phải cảm thấy đau nhức gấp hai lần, mà có thể đau nhức gấp trăm lần. Bụt (đức Phật) nói: “Khi có một sự đau nhức trong cơ thể, chúng ta phải thực tập như thế nào để thấy rằng đó chỉ là một đau nhức của cơ thể mà thôi, và ta thấy được tầm vóc chính xác của sự đau nhức đó. Đừng đánh giá nó một cách sai lầm”. Nói như vậy có nghĩa là, khi có một đau nhức ở trong cơ thể, ta phải quán sát cho kỹ để thấy đó chỉ là một sự đau nhức trong cơ thể có giới hạn của nó thôi, và đừng tưởng tượng rằng sự đau nhức đó quá trầm trọng. Tưởng tượng như vậy, ta sẽ lo lắng. Và khi chúng ta hoảng sợ tức là mũi tên thứ hai đã lao tới, đã cắm vào chỗ của mũi tên thứ nhất, và sự đau nhức đó sẽ tăng lên gấp trăm lần. Bụt (đức Phật) dạy, đừng để cho mũi tên thứ hai bay tới. Khi có một khổ đau nào đó, ta phải biết nhận diện tầm quan trọng của nó và đừng cường điệu, đừng tưởng tượng. Mũi tên thứ hai có thể là sự giận dữ hay sự oán hờn. Ta có thể oán trách những người khác, ta có thể oán trời trách đất, là tại sao ta là người phải gánh chịu cái bệnh đó mà không phải là một người khác? Thường thường chúng ta hay nghĩ là những loại bệnh nan y thì người khác bị chứ tại sao mình lại bị. Người khác bị thì ta chấp nhận được, còn ta bị thì đó là vô lý, là không đúng, là bất công, là không thể chấp nhận được.
Cái khuynh hướng suy nghĩ như vậy có mặt trong tất cả mọi người. Các chứng bệnh, những tai nạn xe hơi, nước, lửa, bão tố, v.v.., những cái đó chỉ có thể xảy ra cho ai khác thôi. Điều đó chứng tỏ ta không thấy được rằng ta đang mang trong ta đủ bốn thứ bệnh, cũng như tất cả mọi người khác. Ai cũng có thể bị bệnh và có thể bệnh ấy sẽ bộc phát ra bất cứ lúc nào. Đó là một sự thật đơn giản. Người nào, trẻ hay già, cũng có thể bị bệnh và có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Chúng ta phải học chấp nhận chuyện đó. Đó gọi là chịu. Vì không chấp nhận được nên khi bị bệnh ta mới phản kháng, mới nổi giận, mới oán trời trách đất. Vì không có trí tuệ cho nên ta mới không chấp nhận được cái chuyện là có thân thì có bệnh. Người có trí tuệ và có quán chiếu chấp nhận được sự thật một cách dễ dàng. Người không có trí tuệ và không có quán chiếu thì tiếp tục lồng lộn phản kháng. Và sự đau khổ đó, sự bực bội đó, hoặc sự thất chí đó chính là mũi tên thứ hai.
HỐ THẲM VÀ ĐẤT LIỀN
Khi có một nỗi đau nhức hay một chứng bệnh trong cơ thể, ta phải nhận diện nó và học phương cách để chấp nhận nó. Chấp nhận được thì chúng ta bắt đầu khỏe. Đó là điều kiện nền tảng để chúng ta có thể đi tới, ôm lấy nó và chuyển hóa nó. Có nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cái mà họ cần nhất là sức khỏe, sức khỏe toàn hảo. Khi ta cầu nguyện Bụt (đức Phật) hay cầu nguyện Chúa, chúng ta muốn Chúa hoặc Bụt (Phật) sẽ cho ta một sức khỏe toàn hảo. Nhưng đó không phải là một lời cầu nguyện được soi sáng bởi trí tuệ, tại vì, cái gọi là ‘sức khỏe toàn hảo’ ấy không bao giờ có mặt, đó là cái không thể có. Chúng ta phải học sống với cái bệnh của chúng ta, phải làm hòa với cái bệnh của chúng ta, và phải ôm lấy cái bệnh của chúng ta, đó gọi là Nhẫn. Nhẫn là ôm lấy một cách vui vẻ, chấp nhận và chịu đựng. Sở dĩ chúng ta còn sống đây là vì hồi còn bé chúng ta đã bệnh lên bệnh xuống liên miên, hết cơn bệnh này tới cơn bệnh kia. Chính nhờ em bé bệnh lên bệnh xuống như vậy, cơ thể em mới phát sinh ra khả năng chống cự được với những con virus, vi khuẩn, với những loại nấm độc. Nếu em bé không trải qua những cơn bệnh như vậy, thì em bé không khỏe mạnh được như bây giờ chúng ta thấy. Thành ra chúng ta phải học để chấp nhận cái bệnh và phải ôm lấy cái bệnh chúng ta, phải sống an lạc và hòa bình với nó. Bệnh của quý vị, cho dù là bệnh ruột, bệnh tim, bệnh nhức mỏi, bệnh thận hay bệnh tiểu đường cũng vậy, quý vị phải chấp nhận nó và phải ôm lấy nó.
Trong kinh Tương Ưng Bộ S.IV, 207, Bụt (đức Phật) dạy: “Người phàm phu chưa được học pháp của Bụt (Phật pháp) không có khả năng đối phó với cái đau khổ của họ. Trong đại dương có một hố sâu thăm thẳm không có đáy. Hố sâu thăm thẳm không đáy đó tượng trưng cho cái khổ. Cái khổ có thể là không có đáy.”
Trong kinh, Bụt (đức Phật) dạy, cơ thể của chúng ta giống như bầu hư không. Và trong bầu hư không đó có nhiều loại gió thổi tới: gió Đông, Nam, Tây và Bắc… Có những ngọn gió mang theo cát bụi rất nóng, có những ngọn gió mang theo hơi lạnh căm căm, có những ngọn gió làm cho mình nóng điên lên và có những ngọn gió làm cho mình mát mẻ. Cơ thể của mình là không gian, và những cảm thọ khác nhau là những luồng gió thổi trong bầu không gian cơ thể ấy của chúng ta. Bụt (Đức Phật) cũng dạy rằng cơ thể chúng ta giống một quán trọ có đủ thứ người: người dễ thương, người dễ ghét, người giàu, người nghèo… từ tứ phương tới, lưu trú một thời gian rồi đi. Cơ thể của chúng ta cũng là nơi mà mọi loại cảm thọ có thể xảy ra. Trong đại dương mênh mông có một cái hố thẳm không đáy. Đại dương đó là cơ thể chúng ta, là con người chúng ta. Cái hố sâu thăm thẳm đó được tượng trưng cho cái khổ của chúng ta. Kẻ phàm phu, người không biết chánh pháp và không biết tu tập thì rất sợ hãi khổ đau. Đối với họ, khổ đau là hố sâu thăm thẳm, họ không nghĩ rằng họ có thể chịu đựng được. Nhưng người có trí, biết tu tập, biết quán chiếu và biết thực tập nhẫn Ba La Mật, thì sẽ cảm thấy mình đang đứng trên đất liền mà không phải là đang đứng trong đại dương hay đứng trên bờ vực của hố thẳm khổ đau. Vì vậy khi thực tập nhẫn Ba La Mật, chúng ta sẽ có cảm tưởng an toàn là chúng ta đứng trên đất liền chứ không phải đứng trong hố thẳm của đại dương khổ đau. Khi ta thực tập thì trái tim của ta rộng mở, trí giác của ta rộng mở và ta có thể mỉm cười với tất cả mọi nỗi khổ đau. Ta bao trùm được hết.
Nếu ta khổ đau quá, nếu ta không chịu đựng được thì ta sẽ phải muốn tự kết liễu đời mình Vì ta chưa có cái lượng của các bậc Thánh Nhân, của các vị Bồ Tát và của các vị Bụt (Phật), vì trái tim của ta chưa có dung tích lớn như vậy, cho nên ta phải tu tập để cho cái thấy cũng như là trái tim của ta lớn lên. Ta phải làm như Bụt (đức Phật), trái tim ta phải ôm được thái hư, và trí giác ta phải bao trùm đại thiên thế giới.
Nếu chúng ta hắt vào dòng sông mênh mông một chậu nước dơ, thì nước của dòng sông đó vẫn có thể trong, và ta vẫn có thể lấy nước sông uống được như thường, tại vì dòng sông mênh mông quá, nó dung chứa được chậu nước dơ đó và chuyển hóa được nó một cách rất là dễ dàng. Còn nếu chúng ta đổ chậu nước dơ đó vào trong một thùng nước, hay trong lu nước trước nhà chúng ta, thì chắc chắn là lu nước đó ta không thể uống được nữa, tại vì lu nước đó nhỏ quá và nước trong lu ít quá. Dòng sông mênh mông đã ôm lấy chậu nước dơ và chỉ trong vòng một, hai giờ đồng hồ đã làm cho nước dơ đó chuyển hóa, tất cả những cái dơ lặn xuống dưới đất, dưới đáy sông, trộn lẫn với đất, với cát và nước của nó trở thành ra trong trở lại. Dòng sông đâu có làm gì nhiều đâu, ấy vậy mà chậu nước dơ chúng ta đổ vào dòng sông tự nhiên biến thành nước trong, là tại vì đất ở dưới dòng sông rất lớn và nước trong dòng sông rất nhiều.
Bụt (đức Phật) và Bồ Tát cũng vậy, nên quý vị không cần “cắn răng chịu đựng”. Chỉ có những người trong phạm vi thế gian mới phải cắn răng chịu đựng, đó gọi là nhẫn thế gian. Khi trái tim mình đã lớn, khi tâm lượng mình đã trở nên vĩ đại thì mình đâu cần phải cắn răng chịu đựng nữa, đó gọi là Nhẫn xuất thế gian. chúng ta biết rằng đè nén và chịu đựng một hồi thì chúng ta cũng sẽ bùng nổ, cho nên phương pháp nhẫn thế gian không đáng để chúng ta học theo. Chúng ta phải học theo nhẫn xuất thế gian. Trái tim chúng ta lớn chừng nào thì ta dung nạp càng dễ chừng đó, mà dung nạp được một hồi thì sẽ có chuyển hóa. Chúng ta hãy bắt chước dòng sông, tập nhìn bằng con mắt không hẹp hòi, không khắt khe, tập nhìn bằng con mắt độ lượng và bao dung thì chúng ta sẽ không còn khổ nữa.
Nhẫn nhục, ở đây, không đòi hỏi một sự cắn răng chịu đựng, vì nhẫn xuất thế gian rất khác với nhẫn thế gian. Khi nói: “Tôi không muốn thấy mặt anh nữa, tôi không muốn nghe đến tên anh nữa, tôi muốn anh ra khỏi cuộc đời tôi…” là chúng ta đang làm ngược lại với tinh thần “Đựng”. Chúng ta chỉ muốn đổ ra ngoài. Ta nghĩ rằng người đó đã làm cho ta đau khổ, ta không chịu đựng nổi và ta quyết tâm đẩy người đó ra ngoài trái tim của ta. Ngay cái ý định đẩy người đó ra ngoài trái tim của mình đã là một nguyên do của khổ đau rồi. Trái tim của Bụt (đức Phật) là trái tim có dung lượng rất lớn. Bụt (Phật) không muốn đẩy ai, bỏ ai ra ngoài dung lượng của trái tim ấy cả. Nếu ta không có khả năng đựng, không có khả năng ôm lấy một người em, một người anh, một người chị, đó là tại vì sao? Tại vì trái tim ta chưa lớn. Trái tim ta chưa lớn là tại vì sao? Tại vì ta đang còn ngu si, tại vì ta không thực tập quán chiếu, ta không biết rằng người đó chính là ta và người đó cần ta. Ta vẫn coi người đó là kẻ thù, và đó là nguyên do của đau khổ trong ta. Khi ta nhìn người bằng con mắt khắt khe, khi ta nói với người bằng những lời trách cứ, khi ta làm khổ họ bằng những cử chỉ, những lời nói và những ánh mắt của ta, tức là ta không có khả năng ôm, ta không có khả năng đựng. Sự thực tập của ta là phải quán chiếu để có thể ôm, có thể chịu, đó là Nhẫn Nhục Ba La Mật.
Khi một tai nạn hay một khổ đau xảy đến cho ta, ta thường hay có khuynh hướng nghĩ rằng: “Ta đang là nạn nhân của sự bất công. Tại sao người kia không bị như vậy mà ta lại bị như vậy? Tại sao người đó được thương mà ta lại không được thương? Tại sao người đó không có bệnh mà ta lại bị bệnh?” Ta thấy ta là nạn nhân của một sự bất công, sự bất công đó có thể từ xã hội hay Thượng Đế đưa tới. Đó cũng là vô minh. Chính vô minh đã làm cho chúng ta khổ.
“TẤT CẢ CHỈ LÀ NHỮNG PHÉP THỬ”
Có khi chúng ta tự hỏi: “Tại sao mình phải gánh chịu cái tai nạn này, tại sao mình lại bị bệnh nan y này, tại sao mình bị khuyết tật từ ngay khi cha mẹ sanh ra, tại sao con mình mới sanh ra có hai tuổi thôi mà đã bị bệnh nan y?” Có nhiều trường hợp ta không thể nào hiểu được. Không hiểu tại sao những người ăn hiền ở lành mà lại gặp phải những tai nạn ghê gớm như vậy.
Nhìn vào xã hội, vào loài người, vào hoàn cảnh xung quanh để tìm ra một lý do và một nẻo thoát, người ta không tìm ra được và vì vậy người ta phải ngửa mặt lên trời để hỏi.
“Vương bà nghe bấy nhiêu lời,
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên.”
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Trời là cái hướng duy nhất còn lại để mình có thể vạch ra mà kêu oan. Còn ở bên đạo Công giáo, trong Kinh Cựu Ước có một thi phẩm rất hay, đó là “The book of Job” (Câu chuyện về ông Job). Job là một con người hạnh phúc, một ông nhà giàu có hàng ngàn con bò, con cừu và những đứa con xinh đẹp, lại có một địa vị lớn trong xã hội. Người ta nói rằng ông Job rất kính trọng, nghe lời, sợ hãi Thượng Đế và có niềm tin nơi Thượng Đế một cách vững chãi. Một hôm, vị quỷ Satan xuất hiện nơi thượng giới và muốn đưa ra thử thách cho ông Job, một con người ở thế gian được cho là có niềm tin vững chãi nơi Thượng Đế như vậy. Thượng Đế trả lời: “Ông cứ thử đi, nhưng ông đừng động tới sinh mạng của người đó.”
Hôm ấy, trong khi ông Job đang ngồi trong phòng khách ấm cúng của mình thì có một người đầy tớ về báo cáo rằng tất cả những con trâu, bò, lạc đà, cừu của ông ta đều chết hết. Mấy đứa con gái yêu quý của ông ta đi ăn đám giỗ ở nhà đứa em út cũng bị tai nạn chết hết rồi. Lúc đó ông Job chắp tay lại, nói: “Nếu những cái này xảy ra, đó là tại vì có lý do sâu sắc nào đó mà mình chưa hiểu”. Và ông hoàn toàn không trách móc, không lên án Thượng Đế.
Satan thất bại. Satan lên trên Thiên đình một lần nữa và nói với Thượng Đế là tại vì mình chưa chạm vào con người anh ta, nếu chạm vào người anh ta thì có lẽ là anh ta sẽ trách móc, oán hờn Thượng Đế. “Hãy cho tôi thử đi. Nếu tôi không thử thì làm sao ta biết được sự trung kiên ấy có hay là không?” Thượng Đế chịu thua. Ngài bảo Satan: “Như vậy thì ta cho phép anh thử, nhưng đừng làm cho người đó chết.” Lần này Satan bắt Job phải đau những chứng bệnh rất ngặt nghèo, cả người đều bị lở lói, không di chuyển được, nằm một đống, đau khổ vô cùng. Sự sản tan nát, các con đều chết, bây giờ thân hình mình bị tật bệnh rất nặng. Lúc đó, ông Job mới mở miệng ra nguyền rủa, nhưng không phải là nguyền rủa Thượng đế mà là nguyền rủa cái ngày sinh của mình, nguyền rủa cái huyền ước của mình. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để cho tôi phải khổ như ngày hôm nay? Tại sao tôi phải sinh ra để gánh chịu tất cả những đau khổ này?”
Lúc đó có bốn người bạn của Job tới. Thấy ông đau khổ như vậy, họ không biết làm gì cả. Sau đó, họ bắt đầu nói chuyện với Job: “Có lẽ là trong quá khứ mình cũng đã có gây tạo những tội lỗi nào đó mà không biết, cho nên bây giờ mình mới phải gánh chịu những khổ đau cùng cực như vậy.” Nhưng ông Job nhất định không chấp nhận. Job nói: “Tôi chưa từng gây tạo một nỗi khổ đau, một tội lỗi nào hết. Tôi đã sống theo đường lối của Thượng Đế đã dạy. Tôi chưa làm điều gì thất đức thì tại sao tôi phải gánh chịu những tai ương như thế này? Tôi không nguyền rủa Thượng đế, nhưng tôi không thể nào không nguyền rủa cái ngày sinh của tôi”. Người bạn cuối cùng an ủi không được, mới nói: “Đau khổ cần thiết cho con người. Có lẽ đau khổ giúp cho ta học một bài học của sự sống, và ta sẽ lớn lên từ sự đau khổ đó.” Nhưng Job cũng không vừa ý.
Cuối cùng thì Thượng Đế xuất hiện trong tiếng gió, và Thượng Đế nói: “Cái ngày mà ta tạo thiên lập địa, có mặt ngươi đó hay không? Ai thắp mặt trời lên buổi sáng, ai thắp mặt trăng lên buổi chiều, có mặt ngươi đó không? Có nhiều cái ngươi chưa biết.” Và Job nhận ra rằng quả thật có nhiều cái mình không biết. Chính sự chấp nhận có những cái mình chưa biết làm cho Job bớt đau khổ, và ông quỳ xuống để hối lỗi. Lúc đó, Thượng Đế hoàn trả lại cho ông tất cả những gì mà Job đã mất, nào lạc đà, nào ngựa, nào trâu, nào bò, nào con cái…
Tác phẩm này là một tác phẩm thi ca rất nổi tiếng trong Thánh Kinh. Còn chúng ta thì thông qua tác phẩm này, nhận ra một phép ẩn dụ sâu sắc, rằng tất cả những khổ đau trên đời mà ta có thể gánh chịu, có thể chỉ là những phép thử mà thôi.
‘CHA ĂN MẶN – CON KHÁT NƯỚC’
Ở trong đạo Bụt (đạo Phật), khi được hỏi tại sao những người ác độc vẫn sống phây phây và những người nhân từ lại khổ đau, có nhiều vị pháp sư trả lời: “Đó là tại vì những người đang đau khổ ấy tuy bây giờ hiền lành nhưng trong kiếp trước đã làm những điều dữ. Nếu có những người dữ đang sống phây phây bây giờ là vì trong kiếp trước họ đã biết làm điều lành.” Nói như vậy để chúng ta có thể chấp nhận được khổ đau của chúng ta. “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Muốn biết những cái nhân của kiếp trước mình gây tốt hay không, thì mình chỉ cần nhìn những kết quả mà mình thu nhận trong đời sống ngày hôm nay. Nếu mình bây giờ có hạnh phúc, được đoàn tụ gia đình, có công ăn việc làm đàng hoàng, thiên hạ đối xử với mình tử tế, mình không bị bệnh tật là tại vì sao? Nhìn vào những cái mà mình thọ hưởng ngày hôm nay, mình biết ngày xưa mình đã gây ra những nhân tốt. Còn nếu nhìn vào những cái khổ đau trong đời sống bây giờ, mình biết rằng tại vì trong quá khứ, trong đời trước, mình đã làm những việc ác đức.
Nếu muốn biết rằng đời sau mình có được hạnh phúc hay không, nếu muốn biết cái quả của đời vị lai thì mình chỉ cần nhìn vào những hành động của ngày hôm nay. “Kim sinh tác giả thị” là những cái gì mình tạo tác ra trong đời sống hiện tại. Nếu trong đời này mình làm những chuyện thất đức thì kiếp sau mình sẽ khổ đau, mình sẽ lãnh đủ.
Đó là cách giải thích cho những người quá đau khổ để họ có thể chấp nhận được số phận của họ. Lối giải thích đó, tuy cũng đúng với luật nhân quả, nhưng chỉ đúng có một phần thôi. Tại sao? Cố nhiên theo luật nhân quả: trồng ngô thì hái ngô, trồng đậu thì hái đậu, gieo gió thì gặt bão. Vậy tại sao không nói là đúng hết, mà chỉ nói đúng một phầ ? Đúng một phần, là tại vì lối giải thích về nhân quả này còn vướng vào ý niệm ‘Ngã’ (cái tôi riêng biệt). Vì vậy lối giải thích ấy chưa phải là nhân quả đích thực của đạo Bụt (Phật). Đạo lý nhân quả đích thực của đạo Bụt (Phật) phải đi đôi với giáo lý vô ngã. Khi ta hiểu được giáo lý vô ngã, theo nguyên lý vô ngã, khi ta hiểu được giáo lý nhân quả trong ánh sáng của vô ngã, thì lúc đó ta mới bắt đầu hiểu được thực sự tại sao “cha ăn mặn” mà “con lại khát nước”. Tại vì ‘cha ăn mặn’ mà ‘con khát nước’ cũng cùng là một sự thật. Người này làm mà người kia chịu, như vậy nó có phải là một điều trái chống với lý nhân quả không? Không, nó không trái chống với lý nhân quả, nó đúng là lý nhân quả trong đạo lý vô ngã, tại vì cha với con không phải là hai thực thể riêng biệt. Cha với con cùng chung một dòng sinh mạng, vì vậy cho nên những điều gì mà cha ông ta làm ngày xưa, bây giờ ta sẽ tiếp tục thừa hưởng hoặc lãnh đủ.
Có thể ta không biết, nhưng mỗi khi ta hút một điếu thuốc hay uống một ly rượu, thì hành động này chắc chắn là có tác động tới cháu chắt của ta trong nhiều đời về sau. Khi được thừa hưởng một cơ thể lành mạnh không bệnh tật, chúng ta đừng nói rằng cái đó là chỉ do kiếp trước ta đã trồng những nhân tốt cho nên trong kiếp này ta được thừa hưởng một thân thể lành mạnh không có tật bệnh. Có những em bé mới sinh ra đã có một cái cơ thể bèo nhèo rất tội nghiệp. Trong sự thật “cha ăn mặn, con khát nước” vừa có lý nhân quả vừa có lý vô ngã. Nếu ngày hôm nay ta được thừa hưởng một cơ thể lành mạnh không bệnh tật, thì ta biết rằng đó là nhờ cha, nhờ mẹ, nhờ ông nội, nhờ bà nội, ông ngoại, bà ngoại và những thế hệ khác đã sống như thế nào, đã giữ gìn cơ thể họ như thế nào nên hôm nay ta mới có được cơ thể này. Vì vậy không phải chỉ có ta gieo hạt trong quá khứ, mà ông cha chúng ta cũng đã gieo hạt trong quá khứ. Như vậy cũng có nghĩa ông cha ta tức là ta, ta là sự tiếp nối của ông cha. Đây là đạo lý vô ngã.
Cho nên khi gánh chịu một khổ đau, ta phải thấy rằng khổ đau này là ta đang gánh chịu cho cả dòng họ, cho cả những cộng đồng lớn hơn mà ta thuộc về. Khi thấy như vậy, thì ta sẽ đỡ đau khổ nhiều lắm, và trong khi gánh chịu ta có thể có rất nhiều nghị lực và nhiều niềm vui, vì ta đang gánh chịu với tình thương và trách nhiệm của một thành phần trong dòng sinh mạng.
Một ví dụ như thế này: trong khi lau chùi nhà vệ sinh, một sư chú biết rằng sư em mình đang nói pháp thoại trên thiền đường. Tuy vậy, sư chú vẫn lau chùi dọn dẹp nhà vệ sinh một cách rất hạnh phúc, và thấy rằng việc lau dọn nhà vệ sinh là một việc rất cao cả, quan trọng không thua gì việc nói pháp thoại. Sư chú biết rằng nhờ sư chú đang lau chùi dọn dẹp nhà vệ sinh, nên sư em mới có cơ hội để nói pháp thoại. Như vậy việc lau dọn nhà vệ sinh cũng là một hình thức nói pháp thoại. Trong khi sư em mình nói pháp thoại có lợi lạc cho sư em và cho những người khác, thì sư chú lau dọn nhà vệ sinh cũng có rất nhiều lợi lạc và cũng đem lợi lạc này lại cho rất nhiều người. Vì vậy không có sự kỳ thị giữa việc lau dọn nhà vệ sinh và việc nói pháp thoại. Đó là vô ngã.
Ta biết rằng đức Quan Thế m Bồ Tát đã thành Bụt (Phật) từ vô lượng kiếp rồi, nhưng trong pháp hội của Bụt (Phật) Thích Ca, đức Quan m vẫn đóng vai trò của một người đệ tử. Chúng ta biết rằng Bụt (Phật) Thích Ca cũng có thể làm chuyện đó. Có thể trong một hoàn cảnh khác, đức Quan Thế m Bồ Tát đóng vai trò của một bậc Chúng Trung Tôn và Bụt Thích Ca Mâu Ni lại đóng vai trò của một người đệ tử. Tất cả đều là thị hiện. Thị hiện trong tuệ giác tôi với anh không phải là hai thực thể: anh làm chuyện này, tôi làm chuyện khác; anh vo gạo, tôi rửa bát, tất cả đều mầu nhiệm như nhau. Vì vậy cho nên dù ngồi trên pháp tọa hay đang làm vua thì mình cũng không thấy mình bị tách rời ra khỏi những thực thể khác ở chung quanh mình. Vì vậy mình có khả năng hạnh phúc, và nếu cần đau khổ, mình cũng có thể chấp nhận được, tại vì mình đang gánh chịu cho anh mình, cho chị mình, cho em mình, cho cộng đồng, cho dòng họ của mình. Đó là Nhẫn.
Nhẫn tức là có một trái tim rất lớn có thể chứa đựng được những cái mà những trái tim khác không thể chứa đựng. “Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”, đó là một câu ở trong truyện Quan m Thị Kính. Chứa đựng những cái không thể chứa đựng được, đó mới gọi là chân tu. Mà tại sao trái tim mình đã lớn lên được tới cái mức đó, có thể chứa đựng được tất cả những đau khổ, những bất công như thế? Đó là tại vì mình đã có dụng cụ của sự quán chiếu. Dụng cụ của sự quán chiếu ấy tháo tung được trái tim mình ra, và làm cho trái tim mình có thể ôm trọn cả được thái hư. Còn nếu không thì mình vẫn còn trách trời, trách đất, nguyền rủa thiên địa, nguyền rủa xã hội, nguyền rủa cha mẹ, nguyền rủa đủ thứ và mình tiếp tục đau khổ.
[Từ các bài giảng của Sư Ông Làng Mai]
[Từ QH & MayQ Team] Những nguyên lý thật sự sâu sát, thuyết phục và đủ sức chạm, đủ để chúng ta tập thực hành sâu và rộng hơn, để qua đó chúng ta dần buông xuống được sự nhẫn nhịn theo phương pháp đè nén cảm xúc của thế gian và dịch chuyển dần sang hướng ‘Hiểu sâu – Thương lớn’. Đó chính là sự kỳ diệu của Nhẫn Xuất thế gian – tức Nhẫn Ba La Mật vậy.
Sau khi học xong bài hôm nay, trong những ngày cuối cùng của năm cũ này, chúng ta cùng ngẫm ngộ, tập thực hành ngay quán chiếu mọi sự việc theo hướng Nhẫn Xuất thế gian – Nhẫn Ba La Mật, để mỗi ngày đưa dần chúng ta đến sự an lạc bền ổn và vững vàng, dẫu xung quanh ta những bài khảo có khắc nghiệt đến độ nào, cả nhà mình nhé.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(8.2.2024 (29/Chạp Quý Mão) – QH & MayQ Team)
#SưÔngLàngMai
#Nhữnglờidạy
#Lượngcảbaodung
#Nhẫnbalamật
#SinhLãoBệnhTử