KAILASH 2024: MỘT CHUYẾN ĐI CỦA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

>
>
KAILASH 2024: MỘT CHUYẾN ĐI CỦA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
KAILASH 2024: MỘT CHUYẾN ĐI CỦA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

HÀNH TRÌNH KAILASH 2024: MỘT CHUYẾN ĐI CỦA TÌNH ĐỒNG ĐỘI 💙

Mình không muốn viết về những gì diễn ra trong chuyến đi này theo lối review thông thường của Ngày 1, Ngày 2, Ngày 3… nữa. Bởi lẽ, sau lần đầu tiên chúng mình chạm ngõ vòng kora Kailash vào năm 2019, thời điểm ấy, bao nhiêu cảm xúc mới mẻ và những gì bỡ ngỡ lạ lẫm ghi nhận được trong suốt chuyến đi đã được mình ghi nhận đầy đủ, viết theo một ký sự hành trình tương đối chi tiết. Lần này trở lại, vẫn quy trình đường đi đó. Vẫn là những ngày dằng dặc ngồi xe để đến được chân núi Kailash và dằng dặc ngồi xe ra về; vẫn là cung đường Kora 52 kilomet dài đằng đẵng, được chia làm ba ngày, với ngày thứ nhất 22km, ngày hai 20km kèm địa hình đèo dốc lên xuống ở độ cao trên 5.000m, và ngày ba nốt 10km cuối cùng. Vẫn là những thử thách từ nhẹ nhàng đến khắc nghiệt của thời tiết, của chứng sốc độ cao… mà mỗi người trong chúng mình, ai ai cũng đều phải vượt qua, không ai có thể đi thay thế cho ai. Vả chăng, chuyến đi thời điểm 2019 ấy, đoàn MayQ Go ngày đó cũng chỉ có 7 người. Lần này, trở lại Kailash năm 2024, đoàn nhà MayQ Go chúng mình lên đến tổng cộng 25.
25 con người, 25 cá tính, 25 trái tim và lối suy nghĩ, tập quán sống, tình trạng sức khoẻ… Vì vậy, cũng vẫn là những chặng hành trình tương tự như thế đó, cũng vẫn những nhọc nhằn và thử thách, nhiều khi đến cùng cực muốn khiến cho con người ta muốn bỏ cuộc giữa chừng đó, cái đọng lại, và lấp lánh mãi cho đến tận ngày lưu luyến chia tay bịn rịn ở sân bay, chính là tình thương yêu, gắn bó giữa những thành viên trong đoàn dành cho nhau, là tình đồng đội. Và đó chính là cái mình thiết tha muốn viết về nhiều nhất, và có lẽ, cũng chính là giá trị to lớn nhất, đọng lại như một mảng ấm áp nhất, mà có lẽ, sẽ còn tồn tại dài lâu lắm, sau này trong lòng mỗi thành viên, sau khi hành trình này khép lại.
Khi mình gõ đến những dòng này, trong đầu lại vang lên những lời của lạt ma Anagarika Govinda đã viết, trong quyển sách nổi tiếng The Way of The White Clouds. (Đường mây qua Xứ tuyết – Nguyên Phong phóng tác). Ngài ấy nói, “Có những ngọn núi chỉ là núi, nhưng cũng có ngọn núi có tính cách riêng rõ rệt.” Núi thiêng Kailash nằm trong số một trong những ngọn núi đặc biệt ấy.
Núi thiêng Kailash nằm ở phía Tây Tây Tạng, trong rặng núi Himalaya bao la bạt ngàn. Là một ngọn núi có chiều cao ước chừng 6.666m, và mỗi năm đều có thể ‘lớn lên’ thêm một chút cho đến gần 6.700m. Với hình dáng hình kim tự tháp, cùng thế núi đặc biệt – linh địa, được bao quanh bởi bốn quả núi của Tứ vị Phật và Kim Cang trong Ngũ Trí Như Lai, Kailash còn có các hang động của Tổ sư Liên Hoa Sinh (Đức PadmaSambhava – Guru Rinpoche, bậc Thầy sáng lập phái Ninh Mã của Mật Tông Tây Tạng); các hang động của Tổ sư Milarepa – bậc Thầy sáng lập phái Kagyu của Mật Tông Tây Tạng; và các hang động và dấu tích được cho là của Bồ tát Quán Thế Âm… Với Phật giáo Mật Tông, Kailash được xem như Núi Tu Di, là trục của Vũ trụ, là trú xứ, là Đại Đàn tràng – Mandala vĩ đại của các vị Thiền Phật và Bồ tát, là một Ngôi Đền tự nhiên thiêng liêng nhất mà bất cứ người con Phật nào cũng muốn được đến chiêm bái, đảnh lễ.
Từ núi Kailash bắt nguồn bốn con sông lớn của thế giới: Brahmaputra, Indus, Sutlej và Karmali, chảy bảy vòng uốn lượn vòng quanh hồ thiêng Manasarovar dưới chân Kailash, để rồi tự chúng chia thành những nhánh nhỏ hơn, toả xuống các vùng đồng bằng, nuôi dưỡng gần hết các vùng quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á. Với địa thế linh thiêng và từ trường đặc biệt toả ra từ Núi, khiến Kailash được coi như Luân xa (trung tâm năng lượng) số 7 của thế giới, và là thánh địa hành hương của bốn tôn giáo: đạo Phật, đạo Hindu, đạo Jain, và đạo địa phương – đạo Bon. Và vì vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi việc hành hương, đi kinh hành (Kora, hay đi nhiễu) một vòng xung quanh Kailash đã trở thành một ước mơ, một mục tiêu thiêng liêng của nhiều người. Đi được một vòng Kora quanh dưới chân Kailash, dẫu chỉ là vòng bên ngoài (outer Kora), chính là đang được từng bước đặt lên trên lòng Mandala vĩ đại của Ngũ Trí Như Lai, sinh ra năng lượng vô biên. Và nếu hành giả ý thức nhiếp tâm trì niệm kinh chú, hoặc toàn tâm chánh niệm vào từng bước đi, từng hơi thở trong suốt từng thời Kora, đây được coi như một thời huân tu miên mật sinh ra công đức và trí tuệ khó thể nghĩ bàn.
Lợi lạc là thế, song việc Kora vòng quanh Kailash được xếp vào top những cung đường trekking khó khăn nhất trên thế giới. Việc đi bộ hoàn toàn bằng đôi chân của chính mình – mà không nương nhờ bất cứ sự trợ giúp nào như đi ngựa hay đi bằng xe ô tô…, vượt qua hành trình 52km trong một độ cao lúc nào cũng xấp xỉ trên dưới 4.000-5.000 mét, chỉ được vỏn vẹn trong ba ngày, là một thử thách thực sự. Bình thường, bước đi vượt qua trên dưới 20km mỗi ngày ở điều kiện độ cao vừa phải ở đồng bằng cũng đã không tính là quá dễ dàng, nay kết hợp với tình trạng ‘sốc độ cao’, thiếu oxy lên não, khiến người cứ lờ đờ muốn ngủ, hoặc nhức đầu, hoặc tê bì tay chân, hoặc cảm thấy tứ chi như bị ai ‘phế võ lâm, hoặc đi ba bước là phải dừng lại thở… Đó là những điều mà hầu như ai cũng phải trải qua, hoặc suốt hành trình, hoặc ít nhất là một chặng nào đó của cuộc hành trình.
So với lần đến đầu tiên vào năm 2019, lần này trở lại, nhà MayQ Go chúng mình có sự chuẩn bị tương đối kỹ càng hơn, từ điều kiện thể chất đến tâm thế đi qua những ngày Kora. Tất cả những thành viên trong đoàn đều trải qua một điều kiện ‘đầu vào’ nghiêm túc. Đó là chỉ nhận những ai đã từng đến qua Tây Tạng (chuyến phổ thông, dễ đi hơn, đến thủ phủ Lhasa và một số các thành phố khác của Tây Tạng…, đã làm quen với độ cao 3.000-4.000 mét trở lên…), hoặc Bhutan, Nepal, hoặc vùng Ladakh, Sikkim của Ấn Độ…, những vùng đất có độ cao tương đối dọc dài rặng Himalaya. Các thành viên phải ở trong tình trạng khỏe mạnh, không có các bệnh lý nền về tim mạch, huyết áp… Các thành viên đã quen với hành trình di chuyển dài, đồi núi chập chùng quanh co. Các thành viên được yêu cầu luyện tập thể lực, sức bền nhiều tháng trước khi lên đường. Và kèm theo đó, các thành viên được khuyến khích uống các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não, cung cấp thêm lượng oxy bơm lên não, nhiều ngày trước hành trình. Và đặc biệt, các thành viên phải là những người đã từng trải qua tu tập trước đó, đến với vòng Kora Kailash trong tâm thế thành kính của một người hành hương, chứ không mang tâm thế ‘chinh phục và chiến thắng’ một đích đến nổi tiếng và đầy thử thách.
Tây Tạng những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, thời tiết tính ra đã là khá dễ chịu so với các mùa khác trong năm, do có mưa, lưu lượng nước trong các dòng sông, dòng suối lớn nhỏ dọc theo đường đi khá đầy đặn, và vì thế, không khí cũng không rất khô như trong những mùa khác. Nhờ vậy mà sau bước chuyển tiếp từ Thành Đô lên thủ phủ Lhasa, trong một hai ngày đầu, đại đa số các thành viên trong đoàn, ai nấy đều tươi tỉnh, vui vẻ, ăn được, ngủ tốt. Sau nhiều lần kiên trì ‘đấu tranh’ với phía đối tác Tây Tạng, đoàn chúng mình đã được cung cấp cho những bữa ăn tương đối nhẹ nhàng, ít dầu mỡ, ít mùi hăng đặc trưng của vùng miền. Vì đây là chuyến Tịnh, nên cả đoàn cùng ăn chay suốt chuyến. Kết hợp với một số món chay khô nhà MayQ mang theo, và những viên canh khô thơm ngon, ai nấy đều đảm bảo được phần sức khỏe từ dinh dưỡng để duy trì hành trình.
Tuy vậy, trong ba ngày dọc dài di chuyển dần từ thủ phủ Lhasa về phía Tây, từ Gyantse, Shigatse, Saga rồi Darchen… thời tiết khắc nghiệt thêm dần. Cái khô và lạnh kết hợp địa hình đèo dốc quanh co dẫn lên độ cao ngày càng dốc khiến một số thành viên trong đoàn không khỏe. Đây mới chính là lúc tình thương và tinh thần đồng đội của cả đoàn được bộc lộ, ngày càng rõ nét.
Đoàn 25 con người thì trong đó có khá nhiều anh chị em từng là các thành viên qua các khóa về Quản trị cuộc sống với Nhân số học qua các cấp độ, hoặc là những khách hàng đã từng đi qua nhiều chuyến đi trước đây với nhà MayQ Go. Từng nhóm nhỏ rủ nhau cùng đi, bước vào một tập thể lớn, những khối nhỏ 2-3 đến 5 người ấy đã kết lại với cả tập thể thành một khối gắn kết mạnh mẽ. Đường dài và xa, trên xe có khối thời gian để mỗi người lên chia sẻ, kể chuyện đời, những người khác hồ hởi lắng nghe mà không hề mang tâm sốt ruột; mà trái lại nữa đàng khác, bao nhiêu trải nghiệm quý giá của cá nhân, bao nhiêu cuộc đời chìm nổi thăng trầm, bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc hay những khó khăn buồn khổ…, cứ theo những ki lô mét hành trình dọc dài ấy mà trải đi, khiến đường dài như qua mau. Ba ngày ngồi xe suốt từ Lhasa về chân núi Kailash, và ngược lại, sau chuyến Kora tiếp tục lại là ba ngày ngồi xe suốt từ chân núi Kailash ngược về lại Lhasa, vậy mà cả đoàn ai cũng thấy sao như mau quá!
Cũng chính vì được lắng nghe một cách thoải mái, người nghe người kể đều rộng tâm mà chia sẻ, mà đón nhận, nên từ lúc nào không rõ, mọi người trong đoàn ai cũng đều biết rõ tên nhau, biết luôn cái tính tình đặc trưng, một số chỗ dễ thương, một số chỗ… ít dễ thương hoặc chưa dễ thương (hihi) của các bạn ‘Bồ đề quyến thuộc’ trong tập thể của mình, để mà mở lòng ra mà thương, mà hiểu. Vì ai nấy đều đã được chuẩn bị tâm thế trước, những vùng đất năng lượng cao như Kailash, mọi cảm xúc đều được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Nếu bạn nuôi dưỡng được tâm hiểu, tâm thương được trong mọi hoàn cảnh, đối với mọi điều kiện hay con người xung quanh mình, dung lượng trái tim của bạn sẽ được lớn rộng thêm, sâu thẳm thêm nhiều đi qua những ngày này. Còn bằng ngược lại, chỉ cần bạn bị dính mắc ở một ‘bài khảo’ lớn nhỏ nào đó, từ một con người hay hoàn cảnh nhỏ lớn nào đó, tâm giận trong người bạn sẽ nhanh chóng bùng lên, và chính nó sẽ huỷ hoại toàn bộ năng lượng bình yên bên trong con người bạn. Và bởi vì bạn cần dành dụm toàn bộ năng lượng – nói cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng – bên trong con người bạn để hoàn thành chuyến hành trình đầy nhọc nhằn và thử thách này, một khi bạn để tâm sân giận nuốt trùm lấy bạn, bạn sẽ không còn năng lượng để mà đi tiếp cho trọn vẹn hành trình, một cách đẹp đẽ và đầy đặn nữa.
Ý thức là như vậy, nên thực sự, suốt hành trình gần 14 ngày của chuyến đi, hầu như ai ai cũng chủ động ý thức mở trái tim mình ra, về hướng hiểu và thương. Mà khổ cái, ở những dạng chuyến đi hành hương đặc biệt tới những vùng đất linh như thế này, mà tụi mình hay ví von nôm na là “Đi thỉnh Kinh”, chướng ngại luôn luôn ở đâu chực chờ sẵn, có thể xổ ra bất cứ lúc nào để ‘làm khó’ mọi người. Từ một chuyến bay được hãng hàng không xử lý vụn để cả đoàn bị trễ chuyến, bắt buộc phải lưu lại Thành Đô thêm một đêm trước khi được hãng đền bù lại cho vé khác đi lên lại Lhasa vào sáng hôm sau. Rồi tình trạng sức khỏe không tốt ở một số thành viên dẫn đến tình trạng ‘khó ở’, rồi cũng tình hình sức khoẻ có thể khiến một vài thành viên không đủ khả năng đi đến hồi cuối cùng, hoặc một số thành viên đi về đến đích cuối ngày trong tình trạng rất muộn… Chúng mình đều quyết tâm, choàng gánh cho nhau, nán lại đợi nhau, sẵn sàng nhường thêm bạn khuân hộ hành lý (porter) để đỡ thêm cho bạn mình dễ đi hơn… Một miếng bánh, thanh kẹo, bình nước dọc đường có thể được chan trải cho bất kỳ một thành viên nào khác trong đoàn, mong bạn mình có thêm sức mạnh để hoàn thành ngày dài. Một cái ôm ấm áp giữa đường, khi gặp nhau, để tiếp thêm năng lượng cho nhau. Những phần săn sóc đặc biệt từ ba bốn thành viên: đánh dầu, xoa bóp chân tay, cạo gió,… mỗi khi một thành viên nào ngã bệnh. Hành lý trở thành hành lý chung, quần áo, khẩu trang, nón, găng tay, áo mưa… ai thiếu sẽ luôn được các bạn xung quanh tiếp ứng kịp thời, để đi qua từng thời rét giá trên đỉnh đèo, của mưa đá nhỏ nhẹ dọc đường, của những thời nắng rát da rồi lại sụp nắng, cái lạnh như hụp vào trong mặt… Tất cả, như từ cái nắm tay “Yeah!” thật mạnh mẽ, 25 bàn tay chồng khắn khít lên nhau, quyết tâm ‘Một đi, tất cả đều đến đích, không một ai bỏ lại giữa chừng”!
Lần thứ hai quay trở lại Kailash, cá nhân mình cảm nhận, mình có quen hơn ở độ nhận biết địa hình, có bền sức hơn ở những ngày Kora thứ nhất và thứ ba, khi việc sải bộ vài chục cây số vẫn diễn ra trên mặt bằng đường dài, nhờ có ý thức kiên trì tập luyện chạy bộ trên máy tầm 18km hàng ngày trong lúc đọc kinh chú buổi sáng. Tuy nhiên, lộ trình đèo dốc đứng ở độ cao trên 5.000m ở buổi sáng ngày thứ hai vẫn làm khó mình và một số đáng kể các anh chị em trong đoàn. Những lúc ấy, cảm giác “Làm sao qua được những khoảnh khắc này” nó thường trực trong đầu. Và cắn răng, bước từng bước một. Ba bước, dừng lại thở. Trời xanh mây trắng, núi tuyết trùng điệp mênh mang, khiến con người mình trở nên vô cùng nhỏ bé. Nào Gương Tử Thần, nào Rìu Nghiệp Lực, nào Người Đọc Sách… từng cột mốc một dần được vượt qua một cách chậm rãi. Dứt được cả một đoạn đèo ‘trần ai’ mà đỉnh điểm là đỉnh đèo Domala cao 5.300 mét, Hồ Từ Bi như một giọt nước mắt xanh màu ngọc bích mà Mẹ Quán Thế Âm từ bi nhỏ xuống thương cho nỗi khổ của nhân gian, mình đứng lặng một hồi. Một cảm giác cảm khái bồi hồi bao trùm, khó tả thành lời. Đoạn dốc xuống xem ra cũng ‘trần ai’ không kém gì khi lội ngược lên, nhưng tụi mình trước sau đều dũng cảm vượt qua. Thỉnh thoảng, lại nghe em Phong to giọng hô tên những bạn còn quá mệt đang chậm chạp tiến lên phía sau, vừa như sự động viên, vừa như tiếp thêm ‘hơi’, cho các bạn phía sau tiến bước.
Lội xuống được một trà quán nằm dưới chân đèo, ngỡ đã đi rất dài rồi đó, vậy mà có chút ngỡ ngàng khi điện thoại báo cáo: hoá ra sáng giờ cuộc ‘vật vã’ trèo lên rồi lại tuột xuống trên các khoảng đèo, nó chỉ mới tổng cộng có… 8km mà thôi. Nghĩa là, để về đến chỗ tạm nghỉ ngơi dừng chân đêm thứ hai, còn tận 12km đường bằng nữa cơ!
Đoạn đường 12km còn lại của ngày kora thứ hai này đã được tất cả thành viên trong đoàn ‘yêu thương’ ví von sinh động bằng đủ tên, đủ hạng, đủ mọi sắc thái màu sắc cảm xúc, thật là sinh động ^^ Tuy vậy, tất cả đều thống nhất ở chỗ: đó là đoạn ‘khó nhai’ nhất trong toàn hành trình, dài thăm thẳm, đi hoài không thấy tới nhà, haha! Đến lúc ấy, đã là đi bằng ý chí, bằng niềm tin, và trong chúng mình, mỗi bước chân đi đã không còn bằng đôi chân của chính mình. Chúng mình âm thầm nguyện cầu Ngài Guru Rinpoche – Đức Liên Hoa Sinh, vị Thầy dường như vô cùng có duyên hướng chúng mình về với những hành trình dọc dài Himalaya. Chúng mình nguyện cầu Ngài Milarepa, vị thánh tăng đã từng lên được đỉnh Kailash mà thiền định và đắc đạo. Tùy duyên mỗi người cầu nguyện suốt hành trình, và trong những lời nguyện cầu, là cầu nguyện cho đôi chân con đủ bền bỉ vượt hết hành trình này mà về đến nhà nghỉ an lành, và trái tim con đủ khoẻ mạnh để duy trì những hơi thở đều đặn. Chỉ vậy thôi, không dám nghĩ gì về bất cứ điều gì khác. Cứ nắm tay nhau mà đi, hoặc nắm tay anh/em porter mà lầm lũi bước. Chỉ khi thực sự bước được vào không gian ấm áp của ngôi nhà nghỉ rồi, tay rưng rưng bưng chén cháo nóng lên mà húp rồi, mới nhận ra, ôi đôi chân của mình, thân thể của mình, chúng nó đâu cả rồi ^^ ^^
Một giấc ngủ khá ngon tuy ngắn ngủi sau đó được đánh động bởi hồi chuông báo thức. Khẽ lắc nhẹ đôi chân, khớp gối vẫn cứng và hơi đau. Cô bé ở cùng phòng là một bác sĩ đưa mình một tuýp thuốc bôi giảm đau. Mình định vén ống quần lên bôi thuốc rồi, tự nhiên lại nghĩ: nếu mình bôi thuốc bây giờ, một chút có đi lại được bình thường, thì sẽ nghĩ là nhờ có tác động của thuốc. Không, mình muốn để không như vậy, thử xem khả năng hồi phục đến thế nào. Và thật kỳ diệu. Chỉ sau mười bước đầu tiên còn có vẻ hơi khập khễnh do còn đau mỏi, những bước sau đó, như dầu được bôi trơn các khớp gối, mình vung gậy chống, đi ‘phà phà’, thần thanh khí sảng vượt nốt 10km còn lại của hành trình một cách nhẹ nhàng. Và đến khi về lại được khách sạn ở Darchen cùng với gần chục bạn khác về tới còn trước hơn mình, sảng khoái húp xì xụp một tô mì nước nóng hổi, mình và các bạn trong đoàn đều ngạc nhiên nhận ra: Ủa, sao cái mệt ‘ngất ngư’ của mấy ngày trước, của 52km vượt các loại hình đèo dốc độ cao…, sao chúng nó đã nhanh chóng rút đi đâu mất hết cả rồi? Tốc độ hồi phục khá diệu kỳ của hầu hết các thành viên trong đoàn càng làm chúng mình thấy vui, và thêm tin tưởng vào năng lượng thiêng liêng của Đại Đàn tràng Mandala Kailash, thấy hạnh phúc vì, sau tất cả, tụi mình đã toàn bộ mà về được đến đích, hoàn thành vòng Kora 52km một cách trọn vẹn, không ai bỏ dở giữa chừng! Thật thương cái gì đâu mà! 🤗
Hơn cả một vòng Kora, suốt hành trình 14 ngày này, chúng mình đã thực sự nghiêm túc theo sát một lịch trình tu tập nghiêm túc: mỗi ngày một thời Khấn nguyện trợ duyên, trong đó phần Chú Lăng Nghiêm được đọc bản đầy đủ 554 câu, 3 biến Chú Đại Bi, bổ sung thêm Chú Trăm Âm, Chú của Ngài Liên Hoa Sinh… Chúng mình tải được hoàn chỉnh 10 quyển trong bản kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, bản kinh mạnh mẽ không thể nghĩ bàn trong việc sám hối tiêu nghiệp chướng và tăng trưởng công đức. Chúng mình còn đã lạy được hai lượt Ngũ Bách Danh, tức 500 năm danh hiệu cứu khổ cứu nạn của Đức Đại Bi Quán Thế Âm. Làm sao quên được những thời đọc kinh cùng nhau, thật thân thương và ấm áp, bên trong một gian điện thờ ở tu viện Pabongka (Lhasa), hay phía trước sảnh đường của tu viện Kumbum (Gyantse), hay một góc ‘mật thất’ của cung điện Potala, hay được hòa cùng sự hướng dẫn của một vị tăng sĩ trẻ mà ngân nga trì Chú Trăm Âm lần đầu tiên trong đời với nhiều người trong đoàn, tại một tu viện cổ có tuổi đời hơn một ngàn năm dọc đường từ Darchen trở về Saga… Làm sao quên được, những thời cùng quỳ gối bên trên không gian thênh thang của tu viện Tashilunpo (Shigatse), nơi đào tạo các Ban Thiền Lạt Ma, mà lễ lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm; hay những thời lễ lạy trong tinh mơ sương sớm, giữa vuông sân khu resort hữu duyên kề sát sườn núi của tu viện Tashilunpo, để rồi từ đó, vài trăm danh hiệu Ngũ Bách Danh, chúng mình cứ cúi mình mà thành kính lễ lạy, cảm nhận sự thiêng liêng khôn cùng…. 
Làm sao quên được những thời rủ nhau ra ngoại sân đền Đại Chiêu (Jokhang) mà đi Kora, rồi đọc kinh, rồi lạy sám hối cùng nhau, hoà cùng hàng trăm con người khác, từ bốn phương trời, nam phụ lão ấu… Tất cả đều gặp nhau ở sự thành kính, và mỗi lần chúng mình được ngắm một ai đó đang trải dài thân thể áp xuống sát mặt đường để thực hành lạy “Ngũ thể nhập địa” (Năm vóc sát đất), thật thấy thương vô cùng, cũng kính nể vô cùng. Mà trong đó nào phải chỉ có những người trưởng thành, còn có rất nhiều những bạn thanh thiếu niên trông rất ‘fashion’, còn có cả những bé nhi đồng nhỏ xíu, từ 4-5 tuổi, mỗi cuốc lạy vòng quanh còn có sự giám sát, dẫn dắt của bố mẹ. Tụi mình tự nhiên nghĩ, những em bé này, những thiếu niên này, từ bé đã được dẫn dắt về với lòng thành kính, về với lối sống thiện lương, biết giữ giới và tránh làm điều ác năng làm điều thiện lành, thì khi trưởng thành, nhất định các con sẽ là những người tốt. Thật lành thay! 
Hành trình này, cứ như một sự nối dài từ chuyến Tịnh Nepal của dịp 30/4 năm nay, những tu viện chúng mình được đưa đẩy đến viếng và lễ bái, ngẫu nhiên đều thờ Đức Liên Hoa Sinh là chủ yếu. Tụi mình vừa ngạc nhiên, vừa cảm động khôn xiết. Cảm giác, trong hành trình này, bàn tay dẫn dắt của Ngài quá rõ nét, từ hang động còn lưu lại dấu bàn tay Ngài ở Kathmandu (Nepal) mà chúng mình do bị huỷ chuyến bay mà được dẫn dắt đến thăm; đến hàng loạt những tu viện thờ Ngài, có những truyền thuyết gắn liền với cuộc đời tu tập và hành đạo của Ngài, như tu viện cổ Chiu Gompa còn lưu lại dấu chân Ngài ở bên thánh hồ Manasarovar, tu viện cổ bên bờ thánh hồ Namtso, tu viện cổ dọc hành trình Darchen – Saga… Để rồi, từ chỗ còn khá mơ hồ về Ngài trong những giai đoạn ban đầu, đến nay, hình ảnh và lòng kính ơn đối với Đức Liên Hoa Sinh trong lòng chúng mình đã đong đầy, vừa thương vừa kính Ngài, nhiều lắm!
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến một điều nổi bật nữa của hành trình này. Bình thường, các tuyến ‘Tây Tạng phổ thông’ sẽ đưa người đến những nơi tương đối nhẹ nhàng, dễ đi ở Tây Tạng, như thủ phủ Lhasa, Gyantse, Shigatse, và thánh hồ Namtso; trong khi vòng Kora Kailash sẽ thiên về thánh hồ Manasarovar. Riêng với hành trình lần này, do một lần đi một lần khó, và trái tim nhà MayQ chúng mình quá in đậm hình ảnh Mẹ hồ Namtso, nên vẽ ra một hành trình ‘đo ni đóng giày’: vừa viếng được thánh hồ Manasarovar, vừa vòng về viếng được thánh hồ Namtso trong cùng một hành trình! Vì vậy, những pháp khí, những chuỗi hạt đá… của các thành viên trong đoàn đã được nhúng xuống cả hai thánh hồ trong cùng một hành trình. Và những chú cá thiêng chúng mình thỉnh từ thánh hồ Manasarovar ở trên cao, dưới chân núi Kailash đã được chúng mình thành kính đưa về thánh hồ Namtso mà làm một nghi thức cúng dường Mandala cá thiêng bên bờ hồ Namtso. Cá thiêng là những chú cá chết đi một cách tự nhiên trên hồ Manasarovar sau mỗi mùa nước nổi, được người dân vùng này vớt về, phơi khô, sử dụng như những phương thuốc diệu kỳ chữa được nhiều chứng bệnh, trong đó có chứng hiếm muộn. Do những chú cá được đẫm trong môi trường nhiều khoáng chất và năng lượng thiêng nơi thánh hồ và núi Kailash, nên việc dùng phần thân phơi khô của các chú để giúp cải thiện nhiều chứng bệnh tật, theo niềm tin và hiệu quả của người dân địa phương, cũng là điều thú vị.
Buổi chiều hôm ấy, buổi chiều gần như cuối cùng của cuộc hành trình, chúng mình đến được với thánh hồ Namtso. Bờ hồ tuyền là sỏi nhỏ, sạch như boong, nước dưới hồ trong văng vắt. Nắng vàng và mây trắng trên nền trời xanh, tạo nên một không gian năng lượng yên ả đến tuyệt mỹ. Mình sải thân, nằm úp sấp xuống mặt bờ sỏi, đầu hướng về mé nước, cứ úp mặt đấy vào lòng đất mà thưa: “Mẹ ơi, con đã về lại rồi đây…” Cứ thế mà cứ lặng đấy, lắng nghe từng cảm giác hoan hỉ nhảy nhót đâu tận từng đầu dây thần kinh vi tế nhất.
Buổi chiều hôm ấy, cùng nhau, chúng mình nắm tay nhau mà thành kính thực hiện nghi thức Cúng dường Mandala Cá thiêng, cùng nhau xướng nghi thức Quy Y Tam Bảo, trì Bát Nhã Tâm Kinh và 21 biến Chú Vãng Sanh hồi hướng cho chúng sanh hữu duyên quanh thánh hồ. Chúng mình cũng lặng đứng bên nhau, nắm chặt tay nhau, cảm nhận sự bình yên và hạnh phúc, đã cùng nhau vượt qua ngần ấy gian nan thử thách của cuộc hành trình, để chạm giây phút thương yêu ấy. Cùng nhau, chúng mình thiền Nước – Sat Narayan, để cho dòng nước thánh hồ Namtso róc rách len lỏi chảy tràn suốt khắp tất cả các trung tâm năng lượng trong cơ thể. Và cùng nhau, chúng mình cảm nhận từng giọt giai điệu, từng lời hát đong đầy yêu thương của Hạnh phúc trong ta:
“Hạnh phúc là gì? Là hiện tại và nơi đây.
Hạnh phúc là được ngồi, lặng nhìn mây trắng bay…”
Giờ phút ấy, những câu hát ấy, nó sống động tới từng chi tiết. Và cũng chính vì vậy, nó lay động đến từng ngóc ngách cảm xúc.
“Hạnh phúc là lựa chọn. Nên đừng chọn lựa thương đau.
Chọn nhìn lên bầu trời, đừng nhìn vào hố sâu…
Chọn lấp lánh như vì sao. Chọn lung linh trên trời cao.
Chọn tỏa hương, bay đi về muôn hướng…
Dù bao nhiêu đổi thay
Dù bao nhiêu những đắng cay
Hãy cứ sống như những đóa hoa
Để nhận ra, Hạnh phúc ở trong ta.”
Nhiều người trào nước mắt.
Ừ thì, buổi chiều đẹp đẽ ấy, bên bờ thánh hồ Namtso, thế là đã quá đủ đầy để khép lại một hành trình cũng thật đẹp là hành trình Kailash 2024. Là một hành trình có đủ ngọt đắng buồn vui, thử thách gian nan cùng những trái ngọt trổ lành dọc dài theo hành trình, mà trong đó, sự ‘đồng cam cộng khổ’ – chia ngọt sẻ bùi, từ tất cả mọi thành viên trong đoàn, đã trở thành một yếu tố quyết định then chốt.
Biết ơn lắm, chúng ta đã chọn nhẫn nại với nhau, yêu thương và bao dung cho nhau, trong mọi thuận lợi và bất lợi của ngoại cảnh, và nội tâm con người.
Biết ơn lắm, mọi bàn tay, trái tim góp phần cho hành trình thêm ấm áp và đầy đặn: từ phía đối tác Tây Tạng với các anh hướng dẫn địa phương và cả anh lái xe, đều coi các thành viên như người thân ruột rà mà đối đãi, đến đa số các anh chị em khuân vác hành lý dọc đường Kora, đến mỗi thành viên trong đoàn…
Trên tất cả, biết ơn sự hộ độ, che chở và dẫn dắt của Chư Ơn Trên, cùng các vị linh thánh địa phương, các vị Hộ pháp, đã bảo hộ chúng con an lành vượt qua tất cả, hoàn tất chuyến đi một cách đầy đặn và đầy cảm xúc.
Hẹn nhé, hành trình Kora Kailash 2026, Năm con Ngựa – năm của Núi Kailash. Người dân Tây Tạng tin rằng, vào Năm Ngọ, một vòng Kora quanh Kailash sẽ mang một lực mạnh mẽ, lớn lao tương đương với 13 vòng Kora trong các năm bình thường khác. Vì vậy, nhà MayQ Go chúng mình, vốn không bao giờ dám coi những chuyến Kailash như những ‘hành trình du lịch tâm linh bình thường’ khác, vẫn chỉ dám quyết tâm mở thêm một chuyến nữa, vào dịp cuối tháng 8, đón đầu lễ 2/9 của năm 2026. Hành trình đặc biệt này, cũng chỉ nhận giới hạn số lượng tối đa là 38 người, kết hợp với 4 người nội bộ nhà MayQ, tạo thành đoàn tổng 42 thành viên mà thôi. Ai cảm thấy mình thôi thúc muốn có mặt trong hành trình đặc biệt này cùng với nhà MayQ, xin hãy chuẩn bị tinh thần và tâm thế từ bây giờ. Hãy luyện cho mình một đôi chân thật bền, một trái tim và hơi thở thật ổn định. Và cũng như trước, hành trình khó khăn này, chúng mình chỉ xin phép nhận những ai tối thiểu đã từng đi qua những vùng có độ cao tương đối như Tây Tạng (tuyến phổ thông), Tịnh Nepal (với thử thách 13 vòng kora quanh đại bảo tháp Swayambhunath), Bhutan (có trèo thành công lên Tiger Nest…).
Và như vậy, để chuẩn bị luyện sức cho hành trình lớn Kailash 2026, năm sau, 2025, nhà MayQ tụi mình dự định mở ba chuyến đến đất đặc thù như trên: Tịnh Nepal và Bhutan (đều lấy dịp lễ 30/4, nhánh Tịnh do Quỳnh Hương và Phong Windie dẫn, Bhutan do Yến Hương và Việt Tuân dẫn); Tây Tạng (tuyến phổ thông), lấy dịp lễ 2/9/2025. Bạn nào có nhu cầu, hãy liên hệ và để lại thông tin cá nhân của bạn ở bên trang MayQ Go nhé (link page MayQ Go, chúng mình để ở dưới phần bình luận). Khi nào có lịch trình và chi phí cụ thể, team Go sẽ liên lạc lại và báo các bạn sớm.
Gửi niệm lành cho tất cả,
(06.09.2024 – QH & MayQ Team)
Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart