Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/tmp/#sql-temptable-8650-53a5-47b2.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /var/www/vhosts/ledoquynhhuong.com/httpdocs/wp-includes/class-wpdb.php on line 2349

Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/tmp/#sql-temptable-8650-53a5-47b3.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /var/www/vhosts/ledoquynhhuong.com/httpdocs/wp-includes/class-wpdb.php on line 2349

NỮ VĂN SĨ QUỲNH DAO: “KHI BÔNG TUYẾT RƠI…” ❄️

>
>
NỮ VĂN SĨ QUỲNH DAO: “KHI BÔNG TUYẾT RƠI…” ❄️

NỮ VĂN SĨ QUỲNH DAO: “KHI BÔNG TUYẾT RƠI…” ❄️

Nhân vật trong số Góc nhìn cuộc sống qua Nhân số học ngày hôm nay không phải là thành viên của khóa Quản trị cuộc sống với Nhân số học, cũng không phải là khách đi các chuyến tour của MayQ Go, hay là một bạn hữu trên trang – là những nhân vật thường gặp trong các tập phát sóng trước đây. Mà đây là một người có ảnh hưởng rất sâu đậm với cá nhân QH cũng như cả gia đình mình từ lúc nhỏ đến bây giờ. Đó chính là nữ văn sĩ Quỳnh Dao.
Những ngày gần đây, có lẽ mọi người đã đọc thông tin trên các báo và biết rằng ở tuổi 86, nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã chọn cách rời khỏi cuộc sống của mình một cách nhẹ nhàng và chủ động, sau khi bà đã sống trọn vẹn một cuộc đời đầy đặn. Ở đây, tụi mình xin phép không ý kiến hay trao đổi gì về quyết định này của bà. Nhưng, là một người nghiên cứu về các dữ liệu xung quanh Nhân số học, khi đọc được tin này về bà, mình đã lên mạng Internet, tìm ngày tháng năm sinh và tiểu sử cuộc đời bà, và đã ngồi một buổi tối để thử vẽ ra biểu đồ và nhìn cuộc đời bà dưới góc nhìn Nhân số học. Và, không nằm ngoài dự đoán của mình, những sự lột tả cuộc đời bà thông qua các dữ liệu bằng con số làm mình thật sự thổn thức.
Chính vì vậy ngày hôm nay, tụi mình xin phép được làm một tập Góc nhìn cuộc sống qua Nhân số học, thử nhìn cuộc đời bà, một thân phận đặc biệt, trải lắm buồn vui, cũng mang đến cho cuộc đời không ít những tác phẩm chạm tâm nhiều người. Có thể những gì chúng mình nhìn thấy cũng chưa được đầy đủ hay trọn vẹn, mong mọi người cũng hoan hỷ tiếp nhận như là một chút tấm lòng của chúng mình, để cho những ai yêu mến nữ văn sĩ Quỳnh Dao có thể có thêm một chút những góc nhìn, để chúng ta có thể hiểu và thương bà nhiều hơn.
Đầu tiên, chắc phải kể một chút về mối duyên của QH cũng như gia đình mình với những tác phẩm của tác giả Quỳnh Dao. Có bao giờ bạn hỏi tại sao Quỳnh Hương lại có tên là Quỳnh Hương không? Thời điểm mẹ đang mang bầu mình vào năm 1973, lúc bấy giờ, cái tên Quỳnh Dao đang rất nổi bật trên văn đàn với nhiều tiểu thuyết diễm tình đã về đến Việt Nam, với hàng loạt tác phẩm chạm vào trái tim của những người phụ nữ lúc bấy giờ như “Mùa thu lá bay”, “Hải âu phi xứ”, “Bích Vân Thiên”, “Xóm vắng”,… Đặc biệt, khoảng thời gian mang bầu mình, mẹ rất thích đọc cuốn “Cánh hoa chùm gửi” (“Thố ty hoa”). Trong tác phẩm đó, mẹ rất thương một nhân vật nữ chính có tính cách quật cường, vượt nghịch cảnh để tìm lấy hạnh phúc cho chính mình. Vì ở nhà mình, các cô con gái tên đều được lấy chữ cuối cùng là Hương theo tên mẹ, nên bắc qua năm 1974, khi mẹ sinh mình ra, mẹ ‘ái mộ’ nữ văn sĩ Quỳnh Dao đến độ đã mượn chữ ‘Quỳnh’ trong Quỳnh Dao để đặt tên mình thành Quỳnh Hương. Và từ đó, cái tên của mình được ra đời.
Và như một ‘chủng tử nhỏ’, tính cách của nhân vật nữ trong quyển sách Cánh hoa chùm gửi mà mẹ đã đọc trong lúc mang bầu mình ấy, trong vô thức đã ‘vận’ vào tính cách của mình từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Hơn thế nữa, sau này khi lớn lên, mình hay quan sát lại tính tình của mình, thỉnh thoảng lại cười, nói nửa đùa nửa thật với mẹ rằng, có lẽ vì ngày đó mẹ đọc tiểu thuyết Quỳnh Dao nhiều quá, nên khi sinh ra, mình cũng ‘đa sầu đa cảm’, dễ mũi lòng, dễ ‘mít ướt’ và đặc biệt cũng rất thích đọc những câu chuyện về đời người và về nhân văn như vậy. Có lẽ đó cũng là một trong những mối dây liên kết đầu tiên dẫn mình đến với con đường văn hóa văn nghệ. Sau này khi lớn lên, đủ tuổi để đọc tiểu thuyết tình cảm, mình cũng từng đọc rất nhiều tiểu thuyết của tác giả Quỳnh Dao. Đến khi đã chính thức bước chân vào con đường văn hóa văn nghệ, làm truyền hình, làm những tác phẩm kết nối mọi người qua Thay lời muốn nói,… từ cách hành văn, kết nối mọi người ở dòng cảm xúc,… một phần nào đó chắc cũng có sử ảnh hưởng từ văn phong của bà.
Có một điều cũng lạ là, lớn lên và ngưỡng mộ nữ văn sĩ Quỳnh Dao từ xa, nhưng mình cũng chưa từng một lần thử lấy ngày sinh của bà để nghiên cứu cứu thử. Mãi cho đến khi đọc được những dòng thông tin, thông báo việc bà đã chọn cách chủ động từ giã cuộc đời ở tuổi 86, mình mới lên mạng gõ và tìm những thông tin tương đối chi tiết về cuộc đời bà. Ở bài phân tích này, chúng mình xin phép được dựa vào hai bài viết tham khảo chính mà mình đọc được sớm nhất. Nguồn tham khảo đầu tiên, là bài viết trên bách khoa mở Wikipedia, với tiểu sử đầy đủ kèm theo chuỗi tác phẩm của bà trải dài theo năm tháng. Nguồn tham khảo thứ hai là bài viết trên Thanh Niên Online với tựa đề “Cuộc đời đầy sóng gió của nữ văn sĩ Quỳnh Dao” vào ngày 04/12/2024. Trước khi chúng ta đi sâu hơn vào trong phân tích cuộc đời bà qua góc nhìn của Nhân số học, tụi mình xin được trích lại bài viết trên Thanh niên Online cho mọi người tham khảo để những ai đã biết và đã thích các tác phẩm của tác giả Quỳnh Dao lại thêm một lần được bồi hồi tưởng nhớ bà. Còn với những ai có thể chưa quen lắm với bà, thì thông qua đoạn trích dẫn này, hy vọng rằng mọi người cũng sẽ được hiểu hơn, hiểu thêm về một con người tài hoa và có một cuộc đời tương đối đặc biệt.
“CUỘC ĐỜI ĐẦY SÓNG GIÓ CỦA NỮ VĂN SĨ QUỲNH DAO
Tin nữ văn sĩ Quỳnh Dao giã từ cõi tạm khiến nhiều độc giả bất ngờ. Bà qua đời ở tuổi 86 tại nhà riêng tại Tân Bắc (Đài Loan) vào chiều ngày 04.12.
Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, sinh ngày 20.4.1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bà có một người em trai song sinh và hai người em nữa (một trai, một gái). Trong đó, em gái Trần Cẩm Xuân là tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân Đại học Wisconsin (Mỹ). Lúc nhỏ thành tích học tập của Quỳnh Dao không bằng em gái khiến bà rất tự ti, mãi đến khi tốt nghiệp trung học và trở thành nhà văn nổi tiếng, bà mới có lòng tin vào bản thân.
MỐI TÌNH ĐẦU TRÁI NGANG
Năm 1949, Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Đài Loan, đến năm 1958 mới có dịp trở về Bắc Kinh gặp lại những người thân.
Thời đi học, Quỳnh Dao từng là một thiếu nữ nổi loạn, không chịu học hành, ngoại trừ môn văn, đồng thời thường xuyên có những ý tưởng, lý luận bất thường.
Là người đa sầu đa cảm, mê đắm văn chương và có trí tưởng tượng khác thường, Quỳnh Dao từng được bạn bè trung học gọi bằng biệt danh Lâm Đại Ngọc (nhân vật chính trong Hồng Lâu Mộng) vì lúc nào trông bà cũng phảng phất nỗi buồn, tâm tình đa sầu đa cảm.
Bà trải qua hai lần thi đại học nhưng không thành công. Đây là vết thương lòng của Quỳnh Dao. Chính vì sự thất bại đó nên bà chuyên tâm vào việc sáng tác.
Thời gian đó Quỳnh Dao bắt đầu yêu. Mối tình đầu của bà để lại nhiều dấu ấn với không ít ngang trái vì người bà đem lòng si mê là thầy giáo dạy văn góa vợ, hơn mình tới 25 tuổi. Mối quan hệ này bị dư luận thời đó cho là là sai trái nên họ chỉ có thể yêu nhau trong âm thầm.
Sau này, vì tình mà Quỳnh Dao xao lãng chuyện học. Sau khi trượt đại học, gia đình phát hiện chuyện hẹn hò của bà và ngăn cấm kịch liệt. Thầy bị đuổi việc vì chuyện yêu đương học sinh. Cú sốc đầu đời này khiến bà không chịu đựng được, thậm chí đã tìm cách t.ự v.ẫ.n để phản kháng. May mắn là sau đó bà được người nhà phát hiện kịp thời. Bà quyết định từ bỏ con đường học hành và chuyên tâm cho việc sáng tác.
Năm 1959, bà lập gia đình khi mới 21 tuổi. Cuộc hôn nhân của bà tan vỡ năm năm sau đó. Năm 1979, bà kết hôn lần hai với ông Bình Hâm Đào – từng là Tổng biên tập tạp chí Hoàng Quán.
ĐƯỢC CHỒNG HỖ TRỢ
Từ năm 16 tuổi, bà viết bộ tiểu thuyết đầu tay Vân Ảnh. Cho đến năm 24 tuổi, bà đã viết gần 100 tập truyện ngắn, 2 bộ tiểu thuyết Tầm mộng viện và Hạnh vân thảo. Năm 1963, tác phẩm Song ngoại được phát hành rộng rãi, đánh dấu bước khởi nghiệp của bà. Đến nay bà đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.
Nhưng để có thể trở nên nổi tiếng, thời ban đầu Quỳnh Dao phải cần đến sự trợ giúp. Bình Hâm Đào là người góp sức chắp cánh cho sự nghiệp văn chương của bà vì khi ấy ông là một tổng biên tập, thường xuyên đăng truyện bà viết.
Giữa hai người dần nảy sinh tình cảm dù Bình Hâm Đào đã có gia đình.
Năm 1979, sau 16 năm chung sống trong bóng tối, Quỳnh Dao (khi đó 41 tuổi) kết hôn với Bình Hâm Đào (52 tuổi). Năm 2019, người bạn đời Bình Hâm Đào đã từ biệt bà sau 40 năm chung sống.
Năm 2018, ở vào tuổi 80, Quỳnh Dao công khai một bức thư dặn dò người thân, trong đó, bà ghi rõ dù có bệnh tật nghiêm trọng cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu, chỉ cần để bà ra đi một cách không đau đớn là được.
Bên cạnh đó, Quỳnh Dao cũng nói rõ bà mong muốn tang lễ của mình diễn ra đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh minh…
Những năm tháng cuối đời bà sống lặng lẽ một mình.”
(Theo Thanh niên Online, Bài viết “Cuộc đời đầy sóng gió của nữ văn sĩ Quỳnh Dao”, ngày 04/12/2024)
❄️❄️❄️
Thông qua những dòng tin ngắn gọn ở trên, chúng ta đã có thể hình dung, mường tượng được cuộc đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Cuộc đời của một con người đã phải trải qua đủ đầy những cung bậc cảm xúc, những niềm vui nỗi buồn, những đong đầy, những khó khăn, những ngang trái,… Và có lẽ từ muôn vàn những cảm xúc ấy, bà đã lột tả vào trong hàng trăm những tác phẩm từ những tập truyện ngắn, cho đến những bộ tiểu thuyết và sau này đã trở thành rất nhiều những tác phẩm điện ảnh cũng như tác phẩm phim truyền hình. Sau đây, chúng mình xin phép được lảy những thông tin mà chúng mình vừa tham khảo được ở bài viết trên vào trong sự phân tích cuộc đời bà dưới góc nhìn của Nhân số học.
Ở đây, tụi mình xin phép không phân tích Biểu đồ tên, Biểu đồ Tổng hợp vì tên bà bằng tiếng Hoa, theo một hệ thống chữ khác. Ta chỉ nhìn vào Biểu đồ ngày sinh gốc với ngày sinh 20/4/1938.
Với ngày sinh 20/04/1938, nữ văn sĩ Quỳnh Dao có con số chủ đạo là 9. Người có con số chủ đạo 9 thường là những người khá đặc biệt về mặt tinh thần. Những người khi sinh ra ý thức của họ về nhân văn, về xã hội rất cao. Bên cạnh đó, họ còn có một loại cảm xúc, tinh thần có thể cống hiến cho xã hội, hoặc ở một số con người, có thể dẫn dắt xã hội. Hơn thế nữa, họ còn muốn cống hiến cho xã hội bằng những tác phẩm và sự đóng góp về mặt tinh thần. Nói về điều này, có lẽ cả cuộc đời của nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã gần như lột tả chính xác tính chất con số chủ đạo 9 này thông qua các tác phẩm rất nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng của bà.
Thông thường trong một biểu đồ, cân bằng nhất là phải có hai con số 1. Ở đây, bà có một con số 1, nên cuộc đời bà khá lặng lẽ, nội tâm và cô độc. Một con số 2, sẽ giúp cho trực giác của bà phát triển. Số 2 này sẽ có một sự kết nối vô hình, giúp bà có thể ‘kết nối’ được với những trải nghiệm bà đã có thông qua nhiều đời kiếp sống trước đây, để rồi những nỗi sầu, nỗi bi của bà được chuyển tải qua các tác phẩm cũng trở nên đậm đà, sâu lắng hơn. Bên cạnh đó, một con số 3 cho bà sự mộng mơ vừa đủ và con số này còn thể hiện khả năng viết lách, rất đúng với bà.
Tuy nhiên, trong biểu đồ của bà trống số 5. Hôm ấy, trong lúc mình ngồi vẽ biểu đồ, con trai mình nhìn vào và nói rằng: “Mẹ ơi, nhìn vào biểu đồ của bà trống số 5 và số 6, sao nhìn bà cô độc quá”. Mình đồng ý với con về điều đó. Việc trống số 5, số 6 làm cho cuộc đời bà mất một loại kết nối tự nhiên. Nhưng có lẽ đây cũng là một sự an bài của Vũ trụ, vì với một người làm công tác viết lách, nếu điều gì cũng có thể bộc lộ ra bằng lời nói được, kết nối được dễ dàng, thì sẽ khó thể hiện được bằng câu chữ.
Ngoài ra, bà còn có một con số 8, một con số 9 trong Biểu đồ ngày sinh, điều này thể hiện tuệ giác đã luôn sẵn có ở trong bà. Hơn thế nữa, con số 9 cho bà một loại hình mẫu, một lý tưởng mà cụ thể ở đây, bà là người ‘tôn sùng’ tình yêu lý tưởng và gần như tất cả những sản phẩm của bà luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao đi tìm hạnh phúc, làm sao có được hạnh phúc lý tưởng trong cuộc đời này? Nhưng những điều này vốn dĩ là điều khó tìm được sự trọn vẹn, chính vì vậy các tác phẩm của bà phần lớn khá buồn. Ngay cả những tác phẩm kết thúc có hậu, cũng phải trải qua những thăng trầm hết sức mãnh liệt trong cuộc đời.
Trong biểu đồ ngày sinh này, bà không có số 7. Một người không có số 7, không có nghĩa là họ sẽ không gặp những khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Trống số 7 trong biểu đồ ngày sinh, hàm ý rằng người này có thể sẽ trải qua những biến động trong đời sống nhưng họ không tự mình ngộ ra những giá trị để quay về đánh thức phần tâm linh ở sâu thẳm bên trong mình. Với nữ văn sĩ Quỳnh Dao, vốn dĩ những chất liệu này bên trong bà đã rất đong đầy, nhưng do bà không có con số 7 nên riêng với việc quay về với con đường tâm linh để kết nối với phần tâm thức của mình, thì có lẽ bà không có duyên lắm. Điều này cũng giải thích cho khá nhiều những nỗi buồn, ưu thương trong cuộc sống dài về sau của bà.
Khi nhìn vào bốn đỉnh cao, bà có lần lượt bốn đỉnh cao mang tính chất của các con số 6 – 5 – 11 – 7. Vì là người có con số chủ đạo 9, nên 27 tuổi, bà chạm đỉnh cao đầu tiên mang tính chất của số 6 vào năm 1965. Số 6 thể hiện năng lượng yêu thương một cách mãnh liệt. Con số tình thương này có thể có hai mặt, hai chiều tùy theo năng lượng tích cực hay tiêu cực của mỗi người ở thời điểm đó. Nếu bạn tích cực, lúc bấy giờ, con người bạn như bình năng lượng đầy ắp, bạn sẽ có thể lan tỏa tình yêu thương đến cho muôn người, muôn loài. Ngược lại, nếu bạn là người ‘đa sầu đa cảm’, ưu thương, gặp nhiều chuyện buồn trong tình cảm thì ngay thời điểm đỉnh cao mang tính chất số 6 diễn ra, bạn sẽ gặp khá nhiều ‘bài khảo’ về tình cảm, tình thương.
Theo đoạn tiểu sử viết về nữ văn sĩ Quỳnh Dao mà chúng mình đã chia sẻ ở trên, bà đã có một mối tình đầu khá buồn, vì bà đem lòng yêu một người thầy lớn hơn bà 25 tuổi. Nếu xét về luật pháp thì không có gì sai vì người ấy đã góa vợ rồi. Tuy nhiên so với nếp suy nghĩ của xã hội bấy giờ, thầy trò không được yêu thương nhau, thầy ấy quá lớn tuổi so với cô Quỳnh Dao mười tám, hai mươi tuổi, nên bà đã bị rất nhiều sự ngăn cấm kịch liệt, gần như chống đối từ gia đình.
Năm 27 tuổi, bà chính thức đi vào đỉnh cao đầu tiên mang tính chất số 6. Không phải chỉ vào năm 27 tuổi, bà mới chịu tác động bởi con số 6 này, mà nó đã tác động vào cuộc đời bà từ khoảng thời gian chín năm tiền kỳ. Đỉnh cao đầu tiên có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người, vì từ chín năm tiền kỳ, những hạt giống của ‘bài thi’, thử thách của đỉnh cao đầu tiên đã được gieo. Chính vì vậy mà trong vòng chín năm ấy, nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã có những ‘bài khảo’ liên tục về tình thương, tình cảm lứa đôi.
Bên cạnh đó, tính chất của con số chủ đạo 9 quá rõ nét trong bà, một ‘linh hồn già’ được ẩn chứa trong con người đa sầu đa cảm. Nhìn sâu hơn vào biểu đồ Giải thích Mandala của bà, thì con số chủ đạo 9 bên Nhân số học Pythagoras, khi sang đến biểu đồ Giải tích Mandala, nó trở thành con số tương ứng là 18. Số 18 là con số của ưu thương phiền não, chỉ khi nào người ta nhận chân được phiền não ấy, biến nó thành tuệ giác của mình thì mới có thể chuyển hóa được ưu thương thành bồ đề. Đức Phật cũng đã từng nói: “Không bùn làm sao có sen”. Và Đức Phật cũng đã dạy, con người từ khi sinh ra, mang tấm thân này, đương nhiên sẽ có một bài thi điển hình, là bài thi về sự khổ. Ai cũng khổ, nhưng người nào nhận diện được nỗi khổ đó, làm sao để đi qua được nỗi khổ đó, xoay chuyển nó để có thể sống một cách nhẹ nhàng và an nhiên, thì người đó đã xoay chuyển thành công ưu thương thành bồ đề. Nhưng không phải ai cũng may mắn hiểu được điều này, nên có vẻ như với tác giả Quỳnh Dao, cuộc đời của bà nhận về những ưu thương nhiều hơn. Chất liệu ưu thương này đong đầy đến mức, trong chín năm tiền kỳ, đến năm 24 tuổi, bà đã viết được gần 100 bộ truyện ngắn. Với bản năng sáng tác đã ăn sâu trong con người, bà đã chuyển tải tất cả những nỗi sầu muộn đời mình thành tác phẩm. Khi hiểu được điều này, ta có thể giải thích được rằng, tại sao các tác phẩm của bà lại buồn đến như vậy. Bà đã mượn văn chương, mượn con chữ để làm bạn với nỗi buồn của mình.
Thời điểm bà chuẩn bị bước vào đỉnh cao đầu tiên vào năm 1965 (27 tuổi), là thời điểm chín muồi để đỉnh cao mang tính chất số 6 này tạo tác, làm điều kiện để bà ra đời rất nhiều tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm “Song Ngoại” (1963), tác phẩm đầu tiên được ra mắt công chúng. Sự kiện này diễn ra vào năm cá nhân thứ 7 của bà, chuẩn bị dẫn vào đỉnh cao thứ nhất mang tính chất số 6. Như vậy, với tính chất số 6 của đỉnh đầu tiên, bà đã được dẫn dắt để thể hiện mạnh mẽ cả hai tính chất của số 6: là về tình thương, và tính sáng tạo.
Đến năm 1964, ở giai đoạn năm cá nhân số 8, bà cho ra hàng loạt các tác phẩm được rất nhiều người yêu thích như: “Hạnh Vân Thảo”, “Lục Cá Mộng”, “Thố Ty Hoa”, “Dòng sông ly biệt”, “Triều Thanh”, “Kỷ Độ Tịch Dương Hồng”. Đã có sáu tác phẩm ra đời trong cùng năm 1964 này. Nhiều người hỏi, tại sao bà có thể sáng tác được sáu tác phẩm trong cùng một năm? Điều này có thể giải thích rằng, bà đã đem tất cả những chất liệu vui buồn trong giai đoạn trước, dồn sức và đẩy mạnh hoàn thiện trong năm ấy, rất đúng với tinh thần và năng lượng của năm cá nhân số 8.
Khi chạm đến đỉnh cao đầu tiên vào năm 1965, bà có tác phẩm tên là “Thuyền”. Để rồi xuyên suốt giai đoạn từ năm cá nhân số 1 đến năm cá nhân số 4, của đỉnh cao mang tính chất số 6, bà đã tiếp tục cho ra đời rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết diễm tình như “Nguyệt Mãn Tây Lâu” (1966), “Hàn Yên Thúy” (1966), “Tử Bối Xác” (1966), “Tiễn Tiễn Phong” (1967), “Thái Vân Phi” (1968), “Xóm Vắng” (1969), “Tinh Hà” (1969). Ở đây, xin nhắc kỹ lại, là tính chất của một đỉnh cao sẽ thường có tác động trong khoảng trên dưới 9 năm, chứ không chỉ có ở ngay thời điểm chạm đỉnh cao ấy, như nhiều người lầm tưởng.
Tuy nhiên, từ sau năm cá nhân số 4 sau khi bước qua đỉnh cao số 6 này, bà hầu như vắng mặt trên văn đàn và không có tác phẩm ra mắt tiếp theo (nhìn theo bảng thống kê trên Wikipedia). Mãi cho đến năm 1971, năm cá nhân số 6, bà đã cho ra mắt hai tác phẩm “Thủy Linh” (1971), “Hồ ly trắng” (Bạch Hồ – 1971). Năm cá nhân số 7 chuẩn bị đi vào đỉnh cao tiếp theo, bà cho ra đời một tác phẩm rất nổi tiếng thời đó, là “Hải âu phi xứ” (1972). Từ năm ấy để bước vào đỉnh cao thứ hai vào năm 1974 – mang tính chất của số 5, con số của thay đổi nhận thức một cách mãnh liệt để hướng lên tầng nhận thức mới, giai đoạn này hầu như bà không sáng tác nữa. Tiếp tục bẵng đi một thời gian dài 13 năm, cho đến tác phẩm tiếp theo được ghi nhận, là tác phẩm “Băng Nhi” (1985). Vào thời điểm bà im hơi lặng tiếng trên văn đàn trong suốt 13 năm ấy, bà đã sống và có những trải nghiệm tương đối thăng trầm với tình yêu lớn thứ hai của cuộc đời bà. Như đã trích dẫn ở phần tiểu sử phía trên, giai đoạn đó bà đã có tình cảm với một người tổng biên tập trong một tạp chí, nhưng vì người này đã có gia đình nên đó là một tình cảm khá dùng dằng, đau khổ và không hợp với ‘luân thường đạo lý’, không được công nhận. Điều này rất tương thích với đặc điểm của đỉnh cao mang tính chất số 5. Ở những đỉnh cao mang tính chất số 5 thường sẽ có những biến động rất dữ dội đến với cuộc đời mình, để từ trong dữ dội đó, người ta buộc phải ngồi lại, suy ngẫm tại sao người ta lại khổ đau đến như vậy, tại sao người ta sợ hãi như vậy,… để rồi họ sẽ tìm một cánh cổng, một chỗ dựa cho phần tâm thức của mình để từ đó trục tâm thức của họ sẽ đi lên.
Ở đây, không có một tư liệu nào nói bà đã làm gì để phát triển phần tâm thức của mình trong giai đoạn đó hay không. Tuy nhiên, như tài liệu trích dẫn đã nói, năm 1979 sau 16 năm sống với nhau không chính thức, trải qua khá nhiều những dằn vặt, bà đã kết hôn với người tổng biên tập ấy. Rõ ràng, đây là một hành trình rất khó khăn đi từ giai đoạn lặng lẽ, phải tự chiến đấu với những nỗi dằn vặt nội tâm của bà từ đỉnh cao thứ hai mang tính chất số 5 đến với đỉnh cao thứ ba mang tính chất số 11. Ở giai đoạn đỉnh cao thứ ba này, bà đã bắt đầu cuộc sống hôn nhân chính thức với chồng thứ hai, và cuộc hôn nhân này kéo dài đến 40 năm.
Quay trở lại với những tác phẩm của bà, cả khoảng thời gian ở đỉnh cao thứ hai sang đến đỉnh cao thứ ba, bà hầu như không sáng tác. Nếu giải thích một chút theo góc nhìn Nhân số học Pytago, đỉnh mang tính chất số 11 thường sẽ có sứ mệnh khá đặc biệt. Với nữ văn sĩ Quỳnh Dao, cuộc đời bà đã đặc biệt bởi những tác động về mặt tư tưởng, cảm xúc xã hội của bà vô cùng lớn, không chỉ trong vùng lãnh thổ bà sinh sống mà còn ảnh hưởng trên toàn khu vực. Nhưng số 11 còn chỉ tính chất là thay đổi đời sống con người diện rộng về mặt tâm thức, tâm linh. Khi nghiên cứu Nhân số học trong mấy năm qua, mình và team MayQ thật sự rất kinh ngạc khi nhìn thấy ở rất nhiều vị cao tăng, những bậc thầy trong nhiều tôn giáo khác nhau, thường có đỉnh cao mang tính chất số 11 hay số 10. Điều đó chứng tỏ họ mang một sứ mệnh trước khi họ đến với cuộc đời này. Để rồi khi họ đến cuộc đời này và có đỉnh cao mang tính chất của số 11, duyên sẽ đưa họ bằng nhiều hình thức để quay về và lĩnh hội được những phần tâm thức đặc biệt. Vì thế, với những ai có đỉnh cao mang tính chất số 10 và số 11, bạn phải hiểu trong phần căn thức của bạn đã mang những giá trị tâm linh khá đặc biệt. Con người vốn không sinh không diệt của bạn mang những giá trị và những sức mạnh tiềm tàng rất đặc biệt. Tuy nhiên có một sự thật, không phải ai có đỉnh cao số 10, 11 cũng có duyên để được dắt về những cánh cổng tâm linh phù hợp, thông qua đó có thể đánh thức được, trui rèn được nội lực.
Những trường hợp đi qua đỉnh cao mang tính chất số 10 hay số 11 không đủ sức mạnh tâm linh và không chuẩn bị cho mình một nền tảng tâm linh, thì tại giai đoạn đó, cuộc sống của họ khá nhiều biến động. Rất nhiều những chướng nạn đã xảy ra dọc dài hành trình chín năm đó và chủ nhân của những đỉnh cao ấy chịu khá nhiều những tổn thất có thể về mặt sức khỏe, hoặc tính mạng, hoặc những sự đổ vỡ, đau đớn trong hôn nhân, hoặc những đổ vỡ trong các mối quan hệ,… Rất nhiều những hình thức, tổn thất khác nhau. Ở đây, với nữ văn sĩ Quỳnh Dao về đời sống riêng tư thì bà chịu khá nhiều những sự đau khổ, tổn thương và dằn vặt.
Nếu nhìn về mặt tác phẩm, giai đoạn 1985 khi đang ở năm cá nhân số 2 của đỉnh cao mang tính chất số 11, bà mới cho ra đời được tác phẩm tiếp theo với tên “Băng Nhi” (1985). Bẵng đi năm năm sau đó, năm 1990 đi vào năm cá nhân số 7 chuẩn bị đi vào đỉnh cao thứ tư mang tính chất của số 7, bà cho ra đời tác phẩm tiếp theo là “Tuyết Kha”. Một đoạn thời gian liên tục từ lúc bà đi qua lần lượt các đỉnh cao mang tính chất số 5 – 11 – 7, cuộc đời bà có khá nhiều thăng trầm về mặt đời tư. Còn với mặt tác phẩm, thì đây cũng là giai đoạn rất ít sáng tác được ra đời. Mãi cho đến năm 1999 vào năm cá nhân số 7, khi bà đã qua khỏi bốn đỉnh cao và đang ở giai đoạn đỉnh cao hậu kỳ, bà mới cho ra được tác phẩm mang tính chất cực kỳ mới so với những tác phẩm phảng phất những nỗi buồn trước đây. Giai đoạn này, tính chất hơi thở mới, thời đại mới đã thực sự thấm nhuần vào trong tác phẩm của bà, và trở nên rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Đó chính là tác phẩm “Hoàn Châu Cách Cách” và được chuyển hóa thành phim truyền hình rất nổi tiếng. Sau đó, đến 2006 bà mới xuất bản được tác phẩm mới là “Đoạn cuối cuộc tình”, đến 2013 mới có tác phẩm “Không phải hoa, chẳng phải sương”. Điều này thể hiện rằng, càng về sau, bà đã không còn mật độ sáng tác mãnh liệt như ở giai đoạn đầu.
Nhìn lại bốn đỉnh cao của bà, giai đoạn ưu thương buồn khổ nhất từ lúc lập gia đình sớm, sau đó phải ly hôn, rồi đem lòng yêu một người thầy lớn tuổi, bị sự chống đối của gia đình, xã hội,… rơi vào giai đoạn đỉnh cao tiền kỳ của bà. Chính vì vậy, hàng trăm tập truyện ngắn và những bộ tiểu thuyết gần như ra đời trong giai đoạn đỉnh cao tiền kỳ và đỉnh cao đầu tiên mang tính chất số 6 của bà. Từ giai đoạn đỉnh cao thứ hai kéo dài về sau, những tác phẩm đã không còn ra đời nhiều nữa vì có lẽ bà đã bận nghiền ngẫm, suy tư với những thân phận trong đời sống.
Một con người có số chủ đạo 9 chắc chắn phải có quá trình phát triển phần tâm thức rất sâu từ nhiều đời kiếp trước, thậm chí có khá nhiều những thành tựu đáng kể về mặt phát triển tâm thức. Hơn thế nữa, bà còn có con số 20 trong ngày sinh, số 21 (1938) ở năm sinh, nên gần như bà có đầy đủ mọi điều kiện về con người tâm thức chín muồi, để suy nghiệm được rất nhiều điều về vô thường, chấp nhận sự biến đổi trong cuộc sống, kể cả nhẹ nhàng chấp nhận sự ra đi khi cuộc đời này khép lại.
Nếu như với một người biết quay về để kết nối với tâm thức, thì biết đâu ở chặng cuối đời này, có thể sẽ xoay chuyển bà để trở về một kết thúc có thể đẹp hơn một chút. Nhưng với những người không đủ duyên để nhìn ra mặt cao hơn về tâm thức, ở đó họ nhìn sự vô thường, nhìn sự biến diệt của thời gian tương đối ‘hơi cá tính’ theo cách mà bà đã chọn chủ động ra đi. Xin phép không bàn luận đúng sai về điều này, và điều này nhất định không nên diễn ra ở những người trẻ hơn vì khi ta đến với cuộc đời này, ta buộc phải sống cho đến giọt năng lượng cuối cùng. Đạo Phật có dạy rằng ta không nên tự cắt liễu cuộc sống của mình. Tuy nhiên, khi nghe được tin này về quyết định của bà, mình có một sự thấu hiểu bà một cách sâu sắc. Bởi thông qua những dòng thông tin ít ỏi, ta cũng có thể biết được rằng, người bạn đời rất thương yêu của bà đã ra đi vào năm 2019, mà trước đó, ông đã có quãng thời gian khá dài vật lộn trên giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), bị gắn ống thở và hôn mê. Có một sự thật khá tàn khốc luôn diễn ra tại các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), là người nhà có đủ dũng cảm rút ống thở ra cho người nằm đó có thể ra đi một cách nhẹ nhàng hay không. Đại đa số là không dám, mặc dù biết người nằm trong đó cũng vô cùng đau đớn, khổ sở, dằn vặt,… nhưng vì đó là cha mình, mẹ mình, là người thân thương nhất của mình,… nên không ai nỡ làm. Cũng vì đã từng chứng kiến người bạn đời của mình rất nhiều những khổ đau khi ra đi như vậy, đặc biệt là bà đã không thể tự quyết định được chuyện đó, vì thời điểm ấy, bạn đời của bà còn vướng quyết định từ phía những người con riêng của ông. Chính vì vậy, bà đã viết cho con trai mình một bức thư vào năm 2018, bà dặn khi bà bệnh, không được đưa bà vào phòng chăm sóc đặc biệt, không được cấp cứu, không được dùng tất cả phương pháp hồi sức để đưa bà trở lại cuộc sống mà hãy để bà ra đi một cách nhẹ nhàng.
Có nghĩa là với một linh hồn già như là nữ văn sĩ Quỳnh Dao, bà đã quá hiểu biết về quy luật vô thường, vui vẻ nhẹ nhàng chấp nhận làm một bông tuyết rơi xuống. Bà đã viết chi tiết này trong bức thư giã biệt cuộc sống, để rồi khi đọc được bức thư, mình đã cảm nhận được rất sâu sắc những tâm tư của bà. Vì bà đã sống quá đầy đặn, trọn vẹn tất cả những trải nghiệm và bài học cuộc sống này rồi, khi sống bà chọn làm một ngọn lửa, khi rời đi chọn làm một bông tuyết buông mình rơi xuống tan ra, lẫn vào trong mênh mông nước. Triết lý này của bà thật sự mang tính triết lý nhà Phật rất sâu sắc. Dù trong đây, bà không hề nhắc bà có học Phật hay lĩnh hội những điều đó từ đâu, nhưng mình tin rằng, đâu đó trong phần tâm thức của bà, dù bà có chính thức được gieo duyên với Phật pháp hay không thì bản thân bà cũng ngộ được tính Không của Đạo Phật, tính Không của quy luật Vũ trụ và sự trở về Không một cách nhẹ nhàng, trọn vẹn.
Ở đây, chúng ta rất tôn trọng quyết định của bà. Tin rằng đây là quyết định của một người già đã bắt đầu bệnh tật và có khả năng sẽ rơi vào hoàn cảnh giống người bạn đời của mình trước đây nên bà đã chủ động chọn cho mình một sự ra đi nhẹ nhàng để trở về tính Không đúng như tính chất vạn vật vốn không sinh, không diệt.
Chúng ta nhẹ nhàng nghiêng mình, cúi đầu tiễn bà đi. Bà nói đừng ai khóc, cũng đừng ai buồn, vì bà được trở về với sự không sinh không diệt theo quy luật vô thường của cuộc sống. Sau đây, chúng mình xin được trích lại thư giã biệt như một lời chào tạm biệt bà. Mong rằng những ai từng rất yêu thích các tác phẩm của bà, chúng ta sẽ nhìn về bà với một sự nhẹ nhàng, kính trọng. Và với những ai chưa biết bà, ngày hôm nay được đọc bài phân tích này, cũng sẽ hiểu thêm về một con người, để có thêm niềm tin về cuộc sống để sống một cuộc đời trọn vẹn.
“Các bạn và bằng hữu tâm tình thân mến:
Đừng khóc, đừng buồn, đừng thương hại tôi. Tôi đã đi rồi. ‘Phiên nhiên’ là từ yêu thích của tôi. Nó có nghĩa là bay lượn đầy tự do và thoải mái. Tôi thoát khỏi cơ thể đang dần đau đớn hơn và ‘phiên nhiên’ biến thành những bông tuyết bay đi.
Đây chính là tâm nguyện của tôi. Cái chết là con đường duy nhất cho tất cả mọi người, cũng là công việc lớn cuối cùng phải hoàn thành. Tôi không muốn phó mặc đời mình cho số phận, cũng không muốn ngày càng héo mòn. Tôi muốn mình được tự đưa ra quyết định cho sự kiện cuối cùng này.
Thiết kế của Thượng đế cho quá trình sống không tốt lắm. Khi con người già đi, họ phải qua giai đoạn rất đau đớn là suy nhược, thoái hóa, bệnh tật, đi bệnh viện, chữa trị và chết đi. Chắc chắn sẽ chết già. Nếu không may thì các bạn sẽ trở thành cụ già nằm liệt giường, phải nhờ đến đặt nội khí quản để duy trì sự sống. Tôi đã chứng kiến bi kịch đó và không muốn chết theo kiểu đó.
Tôi là ngọn lửa và tôi đã đốt cháy hết sức lực của mình. Bây giờ, trước khi ngọn lửa bị dập tắt, tôi chọn con đường này để về nhà một cách duyên dáng. Những điều tôi muốn nói đều được ghi lại trong video Khi Bông Tuyết Rơi. Tôi mong các bạn của tôi sẽ xem video nhiều lần và hiểu được điều tôi muốn bày tỏ.
Các bạn ơi, đừng tiếc thương cho cái chết mà hãy mỉm cười với tôi nhé. Vẻ đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ có thể yêu, ghét, cười, khóc, hát, nói, chạy, di chuyển, hòa nhập với thế giới phàm trần, sống một cuộc sống vô tư, ghét cái ác nhiều như hận thù, sống một cách mạnh mẽ… Những thứ này, tôi đã sở hữu tất cả chúng trong đời! Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc đời này làm thất vọng!
Thứ tôi không thể buông bỏ nhất chính là gia đình và các bạn. Tình yêu đã buộc chặt vào trái tim tôi và họ là người tôi sẽ nhớ nhất. Để linh hồn tôi (không biết con người có linh hồn hay không) có thể bay đi, hãy cười với tôi, hát cho tôi, nhảy nữa nhé! Linh hồn tôi trên thiên đường sẽ nhảy múa cùng mọi người.
Tạm biệt! Người yêu dấu của tôi! Tôi rất vui vì đã gặp và quen biết tất cả các bạn trong cuộc đời này.
Lưu ý rằng cách tôi chết được thực hiện vào cuối đời. Các bạn trẻ ơi, đừng dễ dàng từ bỏ cuộc đời. Thất bại nhất thời có thể chỉ là cơn giận của một cuộc đời tươi đẹp. Tôi mong các bạn có thể vượt qua thử thách và sống đến 60, 70, 80 tuổi như tôi. Khi không còn sức mạnh thể chất nữa mới chọn cách đối mặt với cái chết. Mong rằng đến lúc đó con người sẽ tìm ra cách thật nhân văn để giúp đỡ những người già ra đi vui vẻ.
Các bạn ơi, hãy dũng cảm lên, sống với ‘cái tôi’ mạnh mẽ, xứng đáng với chuyến hành trình trong thế giới này! Thế giới này tuy không hoàn hảo nhưng cũng có đủ loại niềm vui, nỗi buồn và sự bất ngờ! Đừng bỏ lỡ những điều tuyệt vời thuộc về bạn!
Có quá nhiều điều để nói. Cuối cùng, tôi chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và sống một cuộc đời vô tư, không gò bó!
Quỳnh Dao”.
(07.12.2024, QH & MayQ Team)

#Khibongtuyetroi #QuynhDao #Nhansohoc c #Numerology #NumerologyVietNam #ABetterLifewithNumerology

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart