AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 1: TÌM VỀ ‘CHÙA BỔN MÔN’ PHÁI NHẬT LIÊN TÔNG

>
>
AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 1: TÌM VỀ ‘CHÙA BỔN MÔN’ PHÁI NHẬT LIÊN TÔNG
AN NHẬT BẢN - TUYẾN 2 - BÀI 1: TÌM VỀ ‘CHÙA BỔN MÔN’ PHÁI NHẬT LIÊN TÔNG

[Ký sự hành trình chuyến khảo sát AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka]

Bài 1: TÌM VỀ ‘CHÙA BỔN MÔN’ PHÁI NHẬT LIÊN TÔNG NHẬT BẢN & TỔ SƯ NHẬT LIÊN THÁNH NHÂN (NICHIREN SHONIN)

Nếu bạn biết rằng, Ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin chính là lý do khởi thủy và cũng là động lực lớn nhất thôi thúc mình và team MayQ lên đường nước Nhật để tìm và khảo sát cho những chuyến AN, hẳn bạn sẽ càng cảm động hơn với những gì chúng mình chạm được, thông qua chuyến khảo sát này.

Với một người được chính thức ‘dắt’ vào đạo Phật một cách khá lạ lùng kiểu như mình, ở một lứa tuổi khá muộn, trên 40 tuổi, thì với mình, mọi cái đều là duyên, và mình lắng nghe trực giác của mình một cách cẩn trọng. Từ một người không thể phân biệt được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà thời điểm trước 2018, một chuyến bay thẳng đến Ấn Độ ba ngày theo một lời mời tình nghĩa khiến mình được đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng và Núi Linh Thứu. Và đặc biệt tại núi Linh Thứu, mình nhận được những ‘tín hiệu’ lành, để rồi sau chuyến đi ‘định mệnh’ đó về, con đường chúng mình đi hướng về tâm linh và hướng những người khác hữu duyên cùng đi, cứ được nối dài và sâu thêm mãi…

Mình được biết rằng, trên đỉnh Núi thiêng Linh Thứu đó, Đức Phật Thích Ca đã truyền dạy những bản Kinh quan trọng, trong đó có Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Sau đó, mình cứ được năm lần bảy lượt ‘gửi tín hiệu’ từ nhiều người khác nhau, rằng mình cần tiếp cận Kinh Pháp Hoa, nó rất cần và rất lợi lạc cho con đường mình đi giúp đỡ mọi người thay đổi cuộc sống tích cực hơn. Đã biết, đã hiểu tính chất cần kíp như vậy rồi, nhưng mỗi lần mở quyển Kinh Pháp Hoa ra, mình không tài nào đọc được quá ba trang, do cái đầu ‘hiện đại’ của mình không tài nào thẩm thấu được lối văn (thật xin lỗi về sự ấu trĩ ngày đó, huhu) có vẻ ề à, dài dòng, lặp đi lặp lại như trong văn bản của bản dịch gốc, do các Thầy ngày trước hoàn toàn tuân thủ nguyên văn bản kinh gốc, không dám sửa dù chỉ một chữ. Thế là trong mình cất lên một lời nguyện ước, liệu có ai đó trong Vũ trụ có bản dịch ngắn gọn, dễ hiểu và… mang hơi thở hiện đại hơn một chút không, thì làm ơn cho con biết và tìm đến đi!

Lúc đó vào khoảng gần Tết. Năm đó nhà MayQ có phong trào tự thêu áo mặc Tết. Mình phát động phong trào mà, cần làm gương chứ. Thế là cặm cụi vẽ hoa vào trên áo Tết, cặm cụi ngồi thêu. Trong lúc ngồi thêu không thì buồn, bèn lướt trên mạng xem có gì hay hay thì mở nghe trong lúc tay thêu. Lướt một hồi thì nhìn thấy một video của một vị sư thầy lớn tuổi, mặt rất hiền từ, có chút nét hao hao giống thầy tụi mình, nội dung bài giảng được rút tít ra đại loại có liên quan đến nhân – quả… Mình bấm vô nghe. Và không ngờ, từ bài giảng đầu tiên ngẫu nhiên nghe được đó, mình quá chừng ‘kết’ lời giảng của vị thầy già. Những gì trước giờ mình rất thắc mắc, mà chưa nghe được lời giải đáp từ các bài giảng của các thầy khác, lần lượt được thầy giải đáp qua hết bài giảng này tới bài giảng khác vậy. Và bất ngờ thứ hai khi nghe thêm vài bài nữa của Thầy: Ồ, Thầy chuyên giảng về Kinh Pháp Hoa! Có phải chăng Vũ trụ đã nghe được lời thỉnh cầu của mình mà đưa mình đến gần hơn được với những bài giảng của Thầy, vì Thầy đã tu tập và giảng Kinh Pháp Hoa từ mấy chục năm nay, chớ có phải mới đây đâu, tại sao mãi đến thời điểm này mình mới biết, và mới tìm đến? (Đoạn này, mình tin thật sự vào Luật hấp dẫn: Khi bạn khởi điều gì đó vào Vũ trụ, Vũ trụ sẽ đưa đường dẫn lối bạn đi mà!) Thế là mấy ngày ròng ngồi thêu mấy chiếc áo Tết, mình được lợi lạc kép, có thêm một kho kiến thức Phật pháp rất có ‘đầu – đuôi, gốc – ngọn’, và hiểu thêm, cảm thêm về Kinh Pháp Hoa rất nhiều.

Mình hiểu, Kinh Pháp Hoa là một pho ‘Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm’ – tức là một pho kinh mà Đức Phật hằng hữu dạy cho chư Bồ tát hạnh Bồ tát và hành Bồ tát đạo, không phải cho con người phàm phu chúng ta. Thảo nào lúc trước mình cứ dùng… con mắt phàm phu của mình ra mà đọc, đọc vô thấy lằng ngoằng khó hiểu, khó tiếp cận. Mà không phải bây giờ nhiều người mới gặp phải chuyện này, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế và giảng Kinh Pháp Hoa, cũng có không ít người tu không nghe được, không tin được vì căn cơ chưa chín mùi.

Mình hiểu, Kinh Pháp Hoa có một lực độ tha không thể nghĩ bàn, và tại Việt Nam, một số vị Thầy lớn nhờ đi theo lực dẫn của Kinh Pháp Hoa đã làm nên được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước. Trong đó, có thể kể ra, Thầy Thích Quảng Đức – Bồ tát Thích Quảng Đức, người đã hy sinh thân mình tự thiêu để cứu nền Phật giáo VN khỏi pháp nạn năm 1963, mà trái tim Thầy còn nguyên không bị lửa làm cháy. Hay Thầy Thích Trí Tịnh – Sư Ông Vạn Đức, vị Thầy uyên bác dành cả đời cho việc dịch kinh và giảng kinh. Hay như Thầy Thích Trí Quảng, chính là vị Thầy mình vô tình bấm vào xem được, mà mình kể ở trên đó…, bởi vì cũng từ rất cảm kích với những bài giảng của Thầy rồi, mình bèn muốn tìm hiểu thêm vị thầy này là ai. Bèn search tìm, muốn… té ngửa luôn vì bất ngờ: vị thầy ấy, thời điểm mình nghe được, chính là đương kim Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ còn tính tới bây giờ, Thầy đã được tôn lên làm Pháp chủ rồi.

Mình nhớ tới lời khuyên của một vị tăng, thời điểm vị ấy tham gia một khóa học Căn bản Quản trị cuộc sống về Nhân số học của chúng mình, vị bảo, xem ra cô QH là đang mượn Nhân số học để đưa mọi người về tu tập thay đổi cuộc sống, vậy là cô đang đi theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa. Và vị ấy khẳng định, nếu mình chịu đọc Kinh Pháp Hoa hàng ngày và hành theo những gì Kinh Pháp Hoa hướng dẫn, năng lực ‘độ chúng’ (từ chuyên trong Phật pháp, chỉ giúp đỡ mọi người, giúp đỡ cuộc sống) của chúng mình sẽ còn tăng và ổn định thêm nhiều nữa. Vì trì Kinh Pháp Hoa là để nhận được những giá trị mà những người nguyện học hạnh của chư Bồ tát và đi theo con đường hành Bồ tát đạo, giúp mọi người an vui, hạnh phúc, giải thoát khỏi phiền não khổ sở.

Mình từ nghe pháp của Thầy Trí Quảng, biết rằng từ trì nằm lòng bản Kinh Pháp Hoa gốc rồi, sau mấy chục năm, Thầy đã biên soạn lại một bản Kinh Bổn Môn Pháp Hoa ngắn ngọn, theo ngôn ngữ hiện đại, có vần điệu, dễ nhớ dễ thuộc hơn, trong đó chỉ lảy ra bảy phẩm quan trọng nhất từ Kinh Pháp Hoa gốc để Phật tử dễ trì tụng hàng ngày, dễ thuộc lòng. Mình bèn sang Chùa Huê Nghiêm ở Q.2, thỉnh những bộ kinh ấy về cho bản thân mình và team MayQ cùng đọc. Từ đọc hàng ngày, quả thật, lực giúp đời, giúp người của chúng mình trở nên vững vàng hơn, bạn nào thân thiết với nhà MayQ hẳn cũng nhìn thấy sự trưởng thành của chúng mình theo thời gian.

Bản thân cảm nhận sự ‘không thể nghĩ bàn’ của Kinh Pháp Hoa rồi, mình nguyện lan tỏa rộng hơn giá trị của bộ kinh này cho cộng đồng hữu duyên với chúng mình. Tuy vậy, như đã nói, bộ Kinh Pháp Hoa là một bộ ‘Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm’, và chỉ có những bậc cao tu đức cao lực trọng mới đủ sức lan tỏa Kinh Pháp Hoa một cách chính thức. Chúng mình chỉ dám âm thầm mở những buổi truyền cảm hứng về Kinh Pháp Hoa cho cộng đồng các học viên đã đi qua các khóa học về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của chúng mình. Ban đầu chỉ giới hạn ở các lớp cấp độ 4, sau đó thấy lợi lạc của Kinh Pháp Hoa quá lớn mà không phải ai cũng đủ duyên đi lên đến lớp cấp độ 4, chúng mình mở rộng ra, gieo duyên cho xuống đến học viên từ lớp cấp độ 2 trở đi, là những người đã ý thức nghiêm túc về sự tu tập, sẽ đủ duyên để cảm nhận và tự mình bước vào Kinh Pháp Hoa một cách nguyện ý, tự mình trì tụng Pháp Hoa và tự mình cảm nhận được những lợi lạc mà Kinh Pháp Hoa mang đến.

Qua những bài giảng của Thầy Trí Quảng, mình được biết Thầy từng sang Nhật du học và bảo vệ thành công bằng tiến sĩ Phật học tại Trường đại học Rissho – một trong những trường đại học được thành lập lâu đời nhất tại Nhật Bản, ban đầu được lập nên dành cho các tăng sĩ thuộc phái Nhật Liên Tông. Mình nghe Thầy nhắc đến vị Tổ Sư lập tông Nhật Liên – Ngài Nhật Liên Thánh Nhân – Nichiren Shonin với lòng trân trọng. Rằng Ngài là một trong những vị thánh tăng của thế kỷ 13, và cả cuộc đời của Ngài đau đáu đi tìm áo nghĩa vi diệu của Kinh Pháp Hoa, rằng Ngài đã đi vào thiền định, nhìn sâu vào mặt trời và đã nhìn thấy đóa liên hoa nở trong đó, và trong khoảnh khắc đó, Ngài đắc ngộ. Và từ đó về sau, Ngài một lòng hoằng dương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong đó khẳng định, Kinh Pháp Hoa cũng là một Pháp Bảo quan trọng cần được trân trọng thờ như thờ chư Phật, chư Bồ tát, vì trong Kinh Pháp Hoa sinh ra chư Phật, chư Bồ tát… Vì thế, Ngài đã rút gọn giáo pháp uyên thâm của Kinh Pháp Hoa thành một câu niệm: “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” – tiếng Nhật là “Namu Myo Renge Kyo”, để Phật tử ngày ngày niệm câu này, như một hình thức nhiếp tâm và kết nối với chư Phật, chư Bồ tát trong Kinh Pháp Hoa.

Được nghe, được nhắc đến mãi, từ một lúc nào không rõ, trong đầu mình đã gieo một ước mong, một lúc nào đó đủ duyên, mình mong tìm đến được đến đất Nhật, tìm đến những nơi Ngài Nhật Liên Thánh Nhân có những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài.

Sau hai năm, một ngày em Phong Windie team tụi mình rủ: em cảm nhận một sự thôi thúc đến Nhật khảo sát. Này thật quá trùng khớp với ước mong của mình rồi. Thế là đi, hai chị em book lịch lên đường.

Với những chuyến khảo sát, thường mình hay để tâm mình rỗng lặng, hoàn toàn trong tâm thế không xem trước hay chuẩn bị gì trước về những vùng đất mình sẽ được đưa tới, để hoàn toàn lắng nghe cảm nhận của chính mình khi chạm vào những nơi ấy, lắng nghe trực giác mình sẽ đẩy đưa mình đến những điều gì nữa… Phía đơn vị đối tác tìm được cho chúng mình một anh hướng dẫn thị trường Nhật Bản lại khá am hiểu về Phật pháp, thế là chúng mình yên tâm phó thác vào sự dẫn dắt của Ơn Trên, thông qua sự dẫn dắt của anh hướng dẫn này.

Khi nghe chúng mình đặt hàng: tìm đến những nơi có Ngài Nhật Liên Thánh Nhân lưu lại, anh ấy bảo, sẽ đến khu phía Nam Tokyo nhé. Nơi này có ngôi chùa Ikegami Honmon-ji (Bổn Môn Tự), là ngôi chùa đứng đầu trường phái Phật giáo Nichiren. Cũng chính tại đây, Ngài Nhật Liên đã trút hơi thở cuối cùng, lễ hỏa táng Ngài cũng từng diễn ra tại nơi đây. Đây được xem như nơi thờ phụng chính thức Ngài, cũng đồng thời, nơi đây được xem như trụ sở chính của phái Nhật Liên Tông tại Nhật Bản.

Vừa xuống sân bay ở Tokyo, địa điểm đầu tiên chúng mình đến viếng thăm chính là ngôi chùa Bổn Môn phái Nhật Liên Tông này. Ngôi chùa quả thực là một ốc đảo yên bình hiếm có giữa sự hối hả và nhộn nhịp của Tokyo. Không gian quang quẽ, tĩnh lặng, cây cối xanh mướt, ngập tràn cảm giác dễ chịu. Cầu thang cổ 96 bậc dẫn đường đi lên dốc nhưng không quá làm khó đôi chân người hành hương, dẫn lên một khu phức hợp thờ phượng rộng lớn gần 100.000 mét vuông, bao gồm phần Đại sảnh (Daidō) tráng lệ, cổng Niōmon, và ngôi chùa năm tầng cổ nhất ở vùng Kantō.

Ngay từ xa trước cổng chính Niomon, đã dựng lên một trụ đá cổ kính, khắc họa câu niệm: “Namu Myōhō Renge Kyō” bằng Hán ngữ, như thể nhắc nhở tất cả khách viếng thăm, bước qua cánh cổng chùa là lòng luôn sẽ niệm câu thần chú này, để nuôi dưỡng sự đồng cảm với muôn người muôn loài, và nguyện cầu cho hòa bình thế giới, những tiêu chí lớn lao mà phái Nhật Liên Tông hằng hướng đến.

Ngôi chùa ngót 750 tuổi vẫn vững vàng, tĩnh mặc, được dựng lên ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài Nhật Liên, cũng chứng kiến những phút giây cuối cùng của Ngài. Tại thế vừa tròn 60 năm (1222-1282), Ngài Nhật Liên đã từ nơi này mà bắt đầu cuộc đời hoằng pháp tại muôn phương, trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng, khi 60 tuổi, Ngài lại trở về chính quê nhà và tạ thế tại đây.

Những ai đã từng biết đến lịch trình chuyến đi AN trên đất Nhật tuyến 1 – diễn ra vào tháng 9 vừa qua sẽ hiểu vì sao chúng mình tuy đi khảo sát nhánh bên kia (Kyoto – Hieizan – Koyasan) sau, nhưng cuối cùng lại đưa nhánh bên ấy làm thành Tuyến 1, phải cho diễn ra trước. Bởi vì từ những nơi ấy đã hình thành nên Phật giáo Nhật Bản. Sau thời kỳ hình thành ở Nara vào thế kỷ thứ 8, thời kỳ phát triển rực rỡ đầu tiên của Phật giáo Nhật Bản diễn ra trong thời kỳ Bình An (Heian) từ cuối thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12, ngay tại kinh đô thời bấy giờ là Kyoto. Rồi từ đó mới chia thành hai nhánh lớn, là Huê Nghiêm Tông (hoằng dương Kinh Pháp Hoa, với Ngài Tối Trừng là Tổ sư lập tông, trụ sở trên Núi Hiei); và Chân Ngôn Tông (theo các bản chú Mật Tông, với Ngài Không Hải là Tổ sư lập tông, trụ sở trên Núi Koya). Từ núi Hiei ấy, Huê Nghiêm Tông đã phát triển dài ra nữa, trong đó, một trong những hậu duệ sáng giá của Ngài Tối Trừng chính là Ngài Nhật Liên, người đã lĩnh hội đầy đủ những giá trị ‘bất khả tư nghì’ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và đã thu gọn giá trị của Kinh vào trong câu niệm “Namu Myo Renge Kyo” (Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Nhật Liên Thánh Nhân cũng là một trong những người đóng dấu ấn quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Phật giáo Nhật Bản hiện đại.

Hiểu được tầm quan trọng này, bước chân qua khỏi cánh cổng Niomon, đi sâu vào không gian của khu phức thờ phượng, lòng chúng mình lại càng dâng lên nỗi xúc động đặc biệt. Hóa ra rốt cục nỗi ước mong trong lòng mình, chỉ sau hai năm, đã có thể trở thành hiện thực ư? Hóa ra, trong một buổi chiều của tháng Sáu 2023, rốt cục chúng mình đã có thể tiến đến một bước gần hơn, chạm được hơn vào một không gian mà Ngài Nhật Liên Thánh Nhân từng hiện hữu, và hơn thế nữa, còn là nơi chính thức thờ Ngài?

Bên phải ngay sau khi bước qua khỏi cổng Niomon là một không gian giản dị, rợp mát, có tháp thờ với tượng Ngài Nhật Liên Thánh Nhân đang đứng giữa trời. Quỳ xuống, đảnh lễ Ngài, mình tự nhiên muốn khóc. Thưa với Ngài, chúng con đã tìm về được nơi này, đã cảm được tấm lòng Ngài với việc hoằng hóa Kinh Pháp Hoa thông qua câu niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” giản đơn mà hiệu lực bất khả tư nghì đó. Liệu chúng con có đủ duyên sẽ đưa thêm được nhiều người nữa, đến đây cũng viếng Ngài, cũng để cảm nhận sâu xa hơn những giá trị mà Ngài muốn chuyển tải?

Sau đó, hai chị em lặng lẽ đi kora 13 vòng xung quanh tháp thờ Ngài, vừa đi vừa niệm “Namu Myōhō Renge Kyō”. Buổi chiều ngoại ô Tokyo thật thanh tĩnh. Có em sinh viên vào, ngồi lặng lẽ trên ghế đá quanh tháp thờ Ngài để ôn bài. Có đôi vợ chồng lớn tuổi đi vào đảnh lễ Ngài xong, dạo bước ra công viên nghĩa trang ở sát cạnh bên. Cũng nhắc lại luôn, đại đa số các ngôi chùa ở Nhật đều gắn liền với các nghĩa trang rộng lớn, vì theo quan điểm tín ngưỡng của nhiều người Nhật, họ sinh ra, lớn lên… theo tín ngưỡng Thần Đạo cổ truyền của địa phương, làm đám cưới có khi vào nhà thờ Công giáo, nhưng khi mất đại đa số sẽ về với các chùa Phật giáo. Vì vậy, nghĩa trang cổ kính trong khuôn viên chùa Honmon-ji này còn là nơi an nghỉ của rất nhiều bậc tao nhân mặc khách, giới chính trị, giới nghệ sĩ… của Nhật Bản qua nhiều thế kỷ.

Tụi mình ngắm vuông sân rộng thênh thang ngay trước khu Đại Sảnh. Tụi mình tới lúc chiều tà, lại vào ngày thường nên Đại Sảnh không mở cửa. Tụi mình trong lòng thầm nghĩ, nào có hề chi. Không gian này, từ trường năng lượng an lành và tĩnh mặc này, hoàn toàn phù hợp cho chúng mình đưa đoàn đến đây, ngồi tĩnh lặng mặc niệm Ngài Nhật Liên, rồi sau đó, đủ duyên sẽ có một thời trì “Namu Myōhō Renge Kyō” ngay tại vuông sân trước Đại Điện này, như chúng mình đã từng một lần làm được, và vô cùng xúc động, tại không gian Chùa 33 Gian – tức Diệu Pháp Đường của trường phái Huê Nghiêm Tông tại Kyoto, trong chuyến AN – Tuyến 1 vào tháng 9 vừa qua.

Mình tin, một khi đã đủ duyên đến đây, được viếng tôn tượng và nơi hỏa táng Ngài Nhật Liên Thánh Nhân, được trì một thời “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” bằng tiếng Nhật ngay tại ngôi Chùa Bổn Môn của phái Nhật Liên Tông, là chúng mình cũng đã đưa bản thân về rất gần với tình thương không giới hạn, về với ước mong về hòa bình dài lâu cho thế giới. Bởi vì, nói theo như người phụ trách ở ngôi tự viện cổ này giải thích, “Nói một cách đơn giản, Kinh Pháp Hoa dạy rằng hòa bình sẽ đến nếu chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác và biết sống một cuộc sống chân chính. Hy vọng rằng những ai đến viếng được nơi đây sẽ nuôi dưỡng những cảm xúc này trong lòng khi đọc Namu Myōhō Renge Kyō.”

Gửi niệm lành cho tất cả những ai đủ duyên cùng đi với chúng mình đến nơi này trong hành trình AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka vào 17 – 21/4/2024 tới đây. Nhà mình nhớ đón theo dõi bài tiếp theo của chuỗi bài Ký sự hành trình, Bài 2: Đất thiêng Kamakura và Những mối duyên lành, nhé.

(6/11/2023 – QH & MayQ Team)

#Kýsựhànhtrình
#ANtrênđấtNhật
#MayQGo

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart