SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 5: SINH NHẪN & PHÁP NHẪN

>
>
SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 5: SINH NHẪN & PHÁP NHẪN
SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG - BÀI 5: SINH NHẪN & PHÁP NHẪN

[Từ những lời dạy của Sư Ông Làng Mai] Series LƯỢNG CẢ BAO DUNG (NHẪN BA LA MẬT)

[Lời QH] Cả nhà mình thương mến, như vậy, ngày cuối cùng của năm cũ, chúng ta cũng tạm thời đi đến bài cuối cùng lảy từ chuỗi bài pháp giảng lớn của Sư Ông Làng Mai theo chủ đề Lượng cả bao dung: Nhẫn Ba La Mật. Qua chuỗi bài này, chúng ta đã được tiếp cận qua hai khái niệm, hai loại Nhẫn, là Nhẫn thế gian và Nhẫn xuất thế gian. Hôm nay chúng ta được Sư Ông giảng về hai cái Nhẫn khác, là Sinh nhẫn và Pháp nhẫn. Mời cả nhà cùng học với chúng mình nhen.


[Bài giảng của Sư Ông]:

SINH NHẪN

Sinh tức là chúng sinh. Trước hết là loài người, tức là loài làm ta khổ đau nhiều nhất. Các loài khác như loài vi trùng hay là loài cọp beo cũng làm ta khổ, nhưng không làm cho ta cay đắng quằn quại như loài người. Sinh nhẫn tức là nhẫn chúng sinh. Nếu cha mẹ mình làm khổ mình thì cha mẹ mình cũng là chúng sinh, mình phải làm thế nào để có thể ôm được cha mẹ, hiểu được cha mẹ và thương được cha mẹ, đó gọi là sinh nhẫn. Nếu con mình làm khổ mình thì mình phải thực tập như thế nào để con mình hiểu được mình, để trái tim mình lớn lên và ôm được con mình, mình không còn giữ ý muốn từ con mình nữa tại vì con mình cũng là một chúng sinh, đó gọi là sinh nhẫn. Nếu có những con người kia chèn ép, ủy khuất mình và mình đau khổ cùng cực, thì mình phải làm thế nào để trái tim mình lớn lên và ôm được trọn những người đó, thương được những người đó tại vì những người đó cũng là chúng sinh, đó gọi là sinh nhẫn.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ để cho sự chèn ép và ủy khuất tiếp tục. Chúng ta phải tìm tất cả các biện pháp để có thể ngăn ngừa không cho họ chèn ép và gây ủy khuất ta nữa. Ta hành động không phải vì hận thù mà vì tình thương, tại vì những người kia cũng đang đau khổ. Họ tuy có thể đứng về một phía rất có ưu thế, nhưng họ cũng đau khổ. Họ không thấy được cái đau khổ của đồng loại và của những con người khác. Vì vậy cho nên trái tim của họ rất cần tình thương và đầu óc của họ rất cần trí tuệ. Và khi ta chấp nhận được họ và ôm được họ rồi, ta sẽ có thể giúp đỡ cho họ có một cái thấy và có một trái tim. Trong khi đó, ta vẫn làm hết sức tất cả những gì ta có thể làm để ngăn chặn không cho họ tiếp tục chuyện chèn ép và gây ủy khuất nữa. Ta hành động nhưng không hành động trên cơ bản căm thù. Ta hành động trên cơ bản tình thương và từ bi. Đó là phương châm của đạo Bụt (Phật).

Một người có hận thù và đau khổ trong lòng thì có thể mù quáng, có thể gây ra những đau khổ không cần thiết. Trong khi đó thì năng lượng cần thiết cho những người hành động hướng về điều tốt đẹp là cái thấy, cái hiểu và cái thương. Cái hiểu và cái thương là hai nguồn năng lượng vô cùng tận, gọi là Đại bi và Đại trí. Mà Đại bi và Đại trí đi với Đại dũng, cho nên các em trong gia đình Phật tử đã học bi, trí và dũng (đại hùng, đại lực, đại từ bi). Chúng ta biết rằng mỗi khi chúng ta có h.ậ.n thù trong trái tim thì chúng ta nhìn không rõ, chúng ta bị mù quáng. Vì mù quáng, chúng ta hành động sai lầm và gây đau khổ rất nhiều. Cho nên thay vì sử dụng chất liệu h.ậ.n thù làm năng lượng thì chúng ta dùng một năng lượng khác, đó là năng lượng của tình thương, năng lượng của hiểu biết. Năng lượng hiểu và thương rất mạnh. Năng lượng đó có thể thay đổi được thế giới, có thể thay đổi được trái tim ta.

PHÁP NHẪN

Chúng ta đã nói tới Sinh nhẫn, bây giờ chúng ta nói tới Pháp nhẫn. Pháp tức là các pháp. Đại Trí Độ Luận có nói tới hai loại pháp. Trước hết là Tâm pháp và hai là Sắc pháp.

_ ‘Tâm pháp’ là những trạng thái tâm lý của ta như là: buồn, giận, thất vọng, ganh tị, lo lắng, sợ hãi…, tất cả đều thuộc về phạm vi tâm pháp. Làm thế nào để chúng ta có thể ôm được và chuyển hóa những cái đó.

_ ‘Sắc pháp’ như là: bệnh tật, thiên tai, nước lụt, lửa cháy, nóng, lạnh, tai nạn xe hơi… Tất cả những cái đó chúng ta cũng phải làm thế nào để ôm lấy và chịu đựng được chúng.

Chúng ta đã biết rất rõ, chúng ta đã nghe nhiều lần rằng chúng ta chỉ có thể ôm chúng khi nào chúng ta có một trái tim lớn và một nhận thức lớn. Mà muốn có một trái tim lớn và một nhận thức lớn, chúng ta phải thực tập quán chiếu theo tinh thần vô ngã. Vì vậy cho nên, Vô ngã là chiếc chìa khóa độc nhất vô nhị mà Đức Thế Tôn đã trao truyền cho chúng ta. Nó có thể mở toang ra tất cả những giới hạn chật hẹp, của thành kiến, của nghi kỵ và của h.ậ.n thù. Vô thường và Vô ngã là chìa khóa để mở cửa thương yêu.

Và theo tinh thần đạo Bụt (đạo Phật) Đại Thừa, thì Pháp nhẫn là phép thực tập quán chiếu. Quán chiếu để thấy được tự tính vô ngã và không của mọi pháp. Chỉ khi nào chúng ta quán chiếu được tự tánh vô ngã, tương tức và không của vạn pháp thì chúng ta mới giải oan cho chúng ta được.

Tại sao tuệ giác về vô ngã, và tương tức lại giải oan cho ta được? Quý vị đã biết nguyên tắc “Cha ăn mặn, con khát nước”. Có những con người tạo ra những tội ác trầm trọng, nhưng từ là vì những lý do vì sao, chúng ta phải quán chiếu. Chúng ta không quy tội vào cho một người, mà chúng ta thấy được tất cả những nguyên do gần xa chằng chịt đã đưa tới những hiện tượng bức bách, hãm hại hay giày xéo kia. Và khi thấy được chúng sanh, cũng như thấy được các pháp trong sự liên hệ tương tức của chúng, thì tự nhiên trái tim chúng ta mở ra.

Chúng ta có thể chứa đựng và ôm lấy được tất cả những gì đang xảy ra cho chúng ta và chúng ta không còn đau khổ. Cũng như là trong ví dụ của bài giảng trước, người sư chú, trong khi lau dọn nhà vệ sinh có cảm giác rất hoan hỉ và an lạc là tại vì biết rằng mình đang làm việc này cho tất cả tăng thân. Nhờ mình đang làm chuyện này cho nên tăng thân mới có thể đang làm chuyện kia và chuyện nọ. Đó là cái nhìn tương tức, đó là cái nhìn vô ngã. Nếu chúng ta không thực tập quán chiếu vô ngã và tương tức thì cái Nhẫn của chúng ta chưa phải là Nhẫn Ba La Mật. Trong kinh luận, chúng ta thường nghe lặp đi lặp lại ý “chỉ có quán chiếu tự tánh vô sinh của các pháp mới thực sự là Nhẫn Nhục Ba La Mật”. Vô sinh có nghĩa là không sanh không diệt, cũng có nghĩa là tương tức. Mà bất sinh bất diệt, cũng như tương tức, là những đóa hoa nở trên sự quán chiếu vô ngã. Nắm được vô ngã tức là thấy được vô sinh. Vì vậy cho nên kinh luận nói rằng chỉ có quán chiếu vô sinh mới là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chúng ta lại có một danh từ rất nổi tiếng là “Vô sinh pháp nhẫn”. Vô sinh pháp nhẫn tức là cái Nhẫn đạt được do quán chiếu tự tánh vô sinh của các pháp.

Sinh nhẫn tiếng Anh gọi là Patience, nghĩa là chịu đựng được. Nếu sức mình không lớn, nếu trái tim mình không lớn thì làm sao mình chịu đựng. Nếu cha mà không chịu đựng được con là tại vì trái tim cha và sự hiểu biết của cha còn nhỏ. Nếu con mà không chịu đựng được mẹ là tại vì trái tim cũng như cái thấy của con chưa đủ lớn để có thể ôm được mẹ. Khi mình đủ sức để ôm rồi thì mình không còn khổ nữa, mình có thể chịu đựng được. Nếu mình chịu đựng mà thấy không được thoải mái lắm là tại vì mức chịu đựng của mình còn nhỏ, và mình phải thực tập để có thể chịu được mà không khổ thì mới hay. Thí dụ như mình có một đứa học trò cứng đầu, làm và nói những điều không cho mình hạnh phúc thì mình cũng có thể chịu đựng được. Mình nói là phải cho nó thời gian để nó thực tập. Tùy theo chiều sâu của sự quán chiếu mà mình chịu đựng đứa học trò đó dễ hay khó. Hoặc hơi cồng kềnh nếu mình có một sư anh, một sư em hay là một sư chị hơi khó ôm thì mình đừng nói: “Anh ơi, chị ơi, nhỏ lại một chút đi để tôi ôm cho dễ.” Thay vì nói như vậy, thì mình phải làm sao để trái tim mình lớn lên, lớn lên thêm nữa để mình có thể ôm được anh mình, chị mình hoặc em mình. Và tự nhiên, tuy không đòi hỏi ở người kia một sự thay đổi nào cả, mà mình vẫn có hạnh phúc như thường. Cái đó là Nhẫn Ba La Mật.

Đây không phải là chuyện xa vời trên trời dưới đất, mà là chuyện hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải nên tự hỏi và mỗi ngày phải trở về trái tim để hỏi thăm: “Trái tim của ta ơi, hôm nay em có lớn lên chút nào không? Sự quán chiếu của ta có giúp em trưởng thành không?” Vô Sinh Pháp Nhẫn rất mầu nhiệm. Ôm giữ được mà không bị nứt rạn, bao trùm được mà không thấy chật vật.

Và vì vậy, khi dịch về chữ Nhẫn qua tiếng Anh, tôi thường đề nghị dịch thành chữ “Inclusiveness” (mang nghĩa Ôm choàng, bao gồm tất cả) chứ không phải là Patience hay Forbearing (Chịu đựng).

[Từ chuỗi bài pháp giảng của Sư Ông Làng Mai]


[Từ QH & MayQ Team]

Như vậy là chuỗi 5 bài tụi mình trích lược từ chuỗi bài pháp giảng của Sư Ông Làng Mai về LƯỢNG CẢ BAO DUNG: NHẪN BA LA MẬT cũng đã được đăng lên vào ngày cuối cùng của năm cũ Quý Mão. Chúng mình thực sự tin rằng, những ai đủ duyên theo dõi đủ cả năm bài này đều ít nhiều lảy được cho mình những sự tri ngộ quý giá từ những lời giảng dạy của Sư Ông, để, trong những ngày qua, những ngày cuối cùng của năm cũ, chúng ta đã kịp thời ngộ lại những gì đã diễn ra cho mình và những người thân, mà quán chiếu học hỏi, tập thực hành mở dung lượng tâm ngày càng mở rộng, để ôm choàng lấy tất thảy, yêu thương tất thảy. Để rồi, từ sự thực tập để mỗi ngày càng mở rộng dung lượng trái tim rộng lớn hơn, để mỗi ngày đều đặn quán chiếu và thực hành pháp Nhẫn Ba La Mật như được Sư Ông hướng dẫn để đối diện với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau bước sang năm mới Giáp Thìn với tất cả sự nhẹ nhàng và an lạc, cả nhà mình nhé.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(9/2/2024 (30/Chạp – Quý Mão) – QH & MayQ Team)

#SưÔngLàngMai
#Nhữnglờidạy
#Lượngcảbaodung
#Nhẫnbalamật
#SinhLãoBệnhTử

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart