“GIẬN CÁ CHÉM THỚT”

>
>
“GIẬN CÁ CHÉM THỚT”

Khi gõ xuống câu này, trong lòng mình nghĩ đến những dòng ‘cầu cứu’ một bạn gái gửi đến trang mình hôm qua.

“Chị ơi! Chị giúp em với! Em làm cho chị chung trường giận em. Chị ấy không nói chuyện với em, chặn tất cả tin nhắn và cuộc gọi của em. Lúc trước em và chị ấy chơi thân với nhau lắm. Cách nay 2 tuần em bị stress chuyện chồng và con em nên em lỡ nhắn tin trách móc luôn chỉ, trong lúc không kìm chế em đã giận cá chém thớt. Chỉ nhắn lại cho em là lần cuối cùng cho em than phiền, từ nay chỉ không muốn nói chuyện với em nữa. Không ai sống vừa lòng theo ý mình được đâu. Vô trường em nói chuyện thì chỉ bỏ đi chổ khác không nói chuyện với em. Em thấy buồn lắm. Vì em biết chỉ rất tốt với em. Chỉ giúp đỡ em rất nhiều. Em phải làm sao cho chỉ hết giận em đây chị? Chị giúp em với! Em cảm ơn chị!”

Giận cá chém thớt. Cái câu đầy tính ẩn dụ, vậy mà chắc ít ai không hiểu, mà cũng… ít ai không từng phạm qua một lần tình cảnh này. Cha mẹ giận nhau, lôi con ra mắng. Bạn bè người này giận người kia, … người ở giữa bị vạ lây. Những người gặp nhiều thất bại trong cuộc sống, buồn bực xã hội sẽ… gặp ai cũng dễ nổi đoá… Đó chỉ là vài cái liệt kê trong biết bao nhiêu ví dụ, mà mình tin chắc rằng chỉ cần bạn ngồi lại ngẫm nghĩ một chút, sẽ lảy ra được không ít, không ai giống ai.

Nhưng có một thứ sẽ khá tương đồng cho những câu chuyện này: đó là hậu quả dễ thấy từ những cuộc nổi đoá mà ‘nạn nhân trực tiếp’ lại không phải là người có lỗi, vì vậy sẽ dẫn đến những cuộc bất hoà, sứt mẻ; và cuối cùng là, nỗi ân hận dài lâu nơi kẻ gây ra, mà trong nhiều trường hợp, là khó thể hàn gắn.

Thật ra, bạn hỏi mình ư, mình cũng là một con người bình thường, cũng trầy trật vất vả trong bao muộn phiền của những khó khăn thử thách cùng phức tạp tế nhị của bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc xung quanh. Vì thế, cũng như bạn, thú thật mình cũng đâu tránh khỏi vài lần ‘giận cá chém thớt’, có cuộc dư chấn chỉ là vài ngày buồn bực rồi lại hoà nhau trong những cái vỗ vai cười xoà; cũng có những cuộc hậu quả dài lâu. Vì thế, trong những khi ta còn ý thức được, hãy cố gắng kiểm soát điều đó. Lúc nào trong con người ta tim bắt đầu đập dập dồn, máu bắt đầu xông lên não…, hai tai nóng lên, hãy cố gắng, cố gắng hít thở sâu và kiểm soát lại thật kỹ: con người mình sắp sửa phản ứng đây, họ có phải là đối tượng gây phiền não cho mình không?

Dĩ nhiên mình biết, những lúc lên cơn giận như vậy, sẽ khó có ai có thể đủ bình tĩnh để hít thở sâu và đặt ra thêm vài ba câu hỏi. Nhưng bạn ơi hãy ráng! Mình nói với bạn cũng như mình đang dặn mình đây, vì những ngày đang dồn về cuối năm này, công việc ai cũng dày đặc, lại thêm có vẻ như đang trở mùa khiến bầu không khí không dễ chịu chút nào. Tất cả những điều này sẽ khiến cho những mâu thuẫn xung quanh bình thường ta vốn dễ bỏ qua sẽ trở nên mẫn cảm, mà bạn biết đấy, giống như những mụn nhỏ hơi sưng tấy trên lưỡi bạn những ngày bị ‘nóng trong mình’, (ngoài Bắc hình như gọi là ‘nhiệt lưỡi’). Chỉ cần bạn vô ý chạm lưỡi phải vòm họng hay bất cứ đâu, nó cũng trở nên đau nhức và vô cùng khó chịu, phải không?

Hãy nghĩ về những điều mẫn cảm quanh bạn như những mụn sưng trên lưỡi, và cũng… cố gắng đối xử nó như vậy. Ví von có vẻ nghe hơi buồn cười phải không, nhưng mình thật thấy nó như thế đấy. Ác nỗi là khi lưỡi bạn càng nhiều mụn sưng mẫn cảm, bạn lại càng hay… thích cắn vô đó, vô tình cố ý gì không biết, mà đau đến hít hà ^^ Rồi sau đó bạn có thấy chúng đỡ đi miếng nào không? Toàn là trầm trọng lên thêm thôi!

Vậy, cố gắng nhớ, hãy tránh khả năng ‘giận cá chém thớt’ như tránh cắn nhằm nhưng vết sưng khi bị nhiệt lưỡi, nha. Và hãy nhớ, cách hữu hiệu để trị được nó là đi uống nước mát, ăn đồ mát. Vậy, với những ca đã lỡ lãnh hậu quả từ những cơn “giận cá chém thớt”, hãy cố mà bằng hết tấm lòng và thiện ý của mình, ‘vuốt’ cho đối phương nguôi giận. Biết là không dễ, nhưng đàng nào lỗi cũng ở mình rành rành rồi, có ‘xuống nước’ đàng nào cũng là đáng làm, phải không. Và quan trọng là, phải cho đối phương thời gian để mọi tổn thương trong lòng được nguôi ngoai, rồi từ đó, cộng thêm sự chân thành ‘kiên định’ từ bạn, nhiều khả năng họ sẽ bỏ qua cho bạn.

Nhưng hãy luôn nhớ: chiêu này chỉ hữu hiệu được đúng một lần. Vì thế, một khi đã được đối phương tha thứ, ngàn vạn lần đừng mắc lại chứng cũ nữa. Bởi chắc chắn, chẳng ai có đủ kiên nhẫn hay bao dung để mãi bị bạn tra tấn bằng những cơn Giận cá chém thớt tái đi tái lại, xen kẽ bởi những cuộc làm lành. Bạn nhớ nha bạn!
(11.11.2017 – QH)



🕊 Tặng bạn hình quả cầu gai mình chụp được ở dọc triền cát Long Hải. Bạn nhìn xem, mỗi khi ta nổi đoá ta sẽ… giống giống em cầu gai này vậy đó. Đụng đâu mắc đó đụng đâu dính đó.

🕊 Ngày hôm nay không hiểu là cái ngày gì mà mình cũng bứt rứt khó chịu từ sáng đến giờ mà không có lý do nào rõ rệt. Mình đoán là bầu khí quyển chúng ta đang sống có thể có một số xáo trộn khiến từ trường thay đổi chăng. Nên tự ngẫm ra, trong lúc mình còn chưa hiểu hết những gì có thể xảy ra để tác động đến thể chất hay tinh thần mình, cố gắng kiểm soát ý thức chúng ta được chừng nào hay chừng ấy, nha.

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart