“GIA ĐÌNH KHÔNG CẦN CHUNG GỐC ADN, KHÔNG CẦN CÙNG MÁU MỦ HUYẾT THỐNG…”
Sáng nay ở tỉnh xa, dặn dò một đứa em trong team, mình có nói: Nếu lúc nào đó em gặp phải quá nhiều khó khăn trở ngại, giống như cứ vùi dập em xuống, ngăn không cho em phát triển, hãy hiểu những điều đó đều chỉ là những thử thách, coi em có đủ can trường để vượt qua làm một người thành công hay không. Nhưng, một ngày em sẽ thành công, rồi tiền tài, danh vọng, quyền lực cũng sẽ dễ dàng trôi đến với em, thì những lúc ấy, hãy luôn nhớ lại những giá trị sống mà em từng theo đuổi, coi chúng như một dạng ‘sợi chỉ đỏ’ để em luôn bám vào, men theo và đi, sẽ không sợ bị mất cân bằng hoặc bị cuốn theo những tiền tài danh vọng ấy. Tóm lại, cả thử thách chướng ngại và tiền tài danh vọng đều cũng chỉ là Những Phép thử, và cái gì được Ơn Trên cho được cũng sẽ dễ dàng lấy lại được. Hãy luôn tỉnh táo nhìn ra sự thật đó, em sẽ thấy đỡ bi quan hơn khi chưa thành công, hoặc bình thản hơn khi nắm được thành công trong tay.
Thằng nhỏ ôm lấy mình, cám ơn mình, hứa sẽ nghe theo những gì mình chỉ dạy. Mình cười, nói, không sao, với tất cả những đứa nhỏ theo duyên mà tới, và đủ duyên để trụ lại, với mình, đều được liệt vào nhóm “gia đình”, để thương yêu và chăm chút, nuôi dưỡng. Mà một trong những sự nuôi dưỡng quan trọng, với mình, chính là phần hồn, phần tinh thần của bọn nhỏ.
Nói tới đây, chợt nhớ trong chuyến tour Kết nối gia đình vừa rồi có hoạt động sáng tạo tự do trên một bức bích hoạ cùng dán thủ công, đề tài “Chúng tôi nói về chúng tôi”. Mỗi gia đình là một nhóm để thực hiện hoạt động, riêng gia đình nào đông người có thể tách ra thêm thành các nhóm nhỏ. Nhóm ấy gồm bốn cô bé tuổi mười ba, mười bốn, chơi chung với nhau từ hồi cùng sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi thành phố. Điều làm cho mình chú ý đến các cô là vì tình bạn của các cô đã kéo dài suốt chín năm qua, kéo theo các bà mẹ và ông bố cũng kết lại chơi cùng, làm thành bảy gia đình thân thiết, đi đâu cũng cùng nhau. Cái rồi khi các cô thực hiện bích họa “Chúng tôi nói về chúng tôi”, các cô viết: “Chúng tôi không cùng một cha một mẹ, nhưng chúng tôi hiểu nhau và thương nhau. Người ta không cần phải cùng ADN, không cần cùng máu mủ, huyết thống, chỉ cần hiểu nhau và thương nhau, chúng ta đã là một gia đình…”
Quan niệm mới về ‘gia đình’ của các cô bé tuổi teen đã khiến toàn bộ thành viên người lớn trong đoàn hôm ấy xúc động và thuyết phục hoàn toàn, khiến cho mọi người bình chọn tác phẩm của các cô là một trong những tác phẩm ấn tượng nhất để được tặng giải. Mình thì xúc động theo một kiểu khác, vì bằng sự hồn nhiên của mình, các cô bé tuổi mới lớn đã trao tặng cho người lớn một giá trị lớn: một khái niệm thân gần, yêu thương, tin tưởng vô điều kiện.
Điều này, nhà MayQ chúng mình đã âm thầm áp dụng nhiều năm qua. Mỗi thành viên đến với chúng mình đều được chào đón trong yêu thương và tin cậy. Thương như những đứa em, đứa cháu, đứa con trong gia đình để không chỉ lo lắng về chuyên môn, còn rèn dạy về tính cách, định hướng sống cho tương lai. Nhiều đứa chọn ở lại. Hôm rồi, dịp hội ngộ nhân 10 năm MayQ, xướng tên lên nhiều em gắn bó đến đủ mười năm, chín năm, rồi sáu năm, bảy năm, tám năm, chín năm…, thương đến rưng rưng. Tặng các bạn chút quà nhỏ cám ơn và trân trọng sự gắn bó, mình nói với tập thể MayQ, những bạn mới vào lứa sau đang ngồi bên dưới. Rằng các bạn nhìn thấy hôm nay trên sân khấu là các anh chị đi trước, nhưng sau này, sẽ là các bạn. Chỉ cần gắn bó cùng nhau, cùng tâm huyết cùng nỗ lực, thì sau này, dịp MayQ 15 năm hay 20 năm, sẽ là các bạn…
Thật ra, gắn bó cùng nhau có quá khó khăn không? Mình cũng không biết. Bởi, bằng bản năng và dường như cả ý thức, một khi đã quyết định đi cùng ai, mình sẽ nguyện ý chủ động thương và tin họ. Từ thương và tin, sẽ hình thành nỗ lực chủ động dung hòa cùng vun đắp. Mà cùng nhau vun đắp cho một tương lai đẹp đẽ, có phải đều là gia đình với nhau cả sao… Mà cũng chẳng phải nhờ thế, mình đã có được biết bao nhiêu thành viên thương thiết của một ‘gia đình’ mở rộng, từ ekip cùng làm chung Thay lời muốn nói hồi đó, rồi mấy đứa nhỏ team Seed – Mầm xanh gần đây, rồi các khách hàng thương thiết đi tour hơn một lần cùng nhà MayQ Go… Nhiều, nhiều lắm, cái sự thương quý, tin tưởng, gắn bó, thân gần này…, mà đâu cần phải cùng ADN hay huyết thống, máu mủ 🙂
Hôm rồi, tour Ngũ tự Cao nguyên mùa Tết giữa năm, trong đoàn có cô bé con tầm bảy tám tuổi thật kháu khỉnh, có vẻ yêu quý mình một cách đặc biệt. Nó cứ lon ton chạy theo nắm tay mình, phụ mình xách giỏ, cầm nón… Rồi thật bất ngờ, nghe mấy bé Mầm trong team tập sự MayQ kể lại, cô bé mon men đi theo hỏi các anh chị: “Bao giờ thì em mới có thể được nhận vào làm chung với các anh chị, để được làm việc cùng cô?” Trời, nghe mà vừa mắc cười vừa xúc động dễ sợ luôn! Mình bèn nín cười, nghiêm túc nói với cô bé: “Bây giờ con ráng học cho tốt vào nè, ngoan ngoãn để trở thành người tốt nữa. Mai mốt học xong đại học, cô sẽ nhận con vào ekip của cô nhen!” Mặt con bé sáng rỡ, hy vọng lời hứa của cô Quỳnh Hương sẽ ít nhiều tiếp thêm sức mạnh cho em bé cố gắng học hành, ngoan ngoãn nè… Tại sao lại không chứ nhỉ? 🙂
Mắc cười hơn nữa là trông thấy cảnh mình nắm tay con bé đi tới đi lui giữa các chùa, có một chị lớn lớn tuổi khuyên: “Nè em, cũng ráng làm thêm đứa nữa đi. Một đứa ít lắm đấy, rồi về già ai mà trông mà chăm cho nè…” Rồi chị nhiệt tình chỉ mình cách đi làm thụ tinh nhân tạo hay thậm chí, nhờ người mang thai hộ cho đỡ cực công sinh (^^) Mình nói, vợ chồng em vốn thích thuận tự nhiên, trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Giờ em cố gắng chèo kéo cho thêm được một đứa nữa, mốt mà nó ngoan không nói, lỡ nó bướng, nó cãi, có phải mắc mệt vì nó không. Đàng này, em không mắc công sinh mà lại đang có cả bầy con đây này. Chỉ cần chăm dưỡng tụi nó cho tốt cũng đủ hết thời giờ… Chị hỏi, đâu, đâu? Mình cười, quơ tay một vòng chỉ cả đám gà con nhà MayQ giờ đã vững vàng đi theo phục vụ cho cả đoàn của các tour lớn, mặt mày đứa nào đứa ấy sáng rỡ, thông minh, vui vẻ, hòa ái. Chị hơi bất ngờ, cười cười, ồ, vậy à…, vậy cũng được. Thấy chị cũng còn muốn thuyết phục thêm, mình lại cười: Gia đình theo quan niệm mới bây giờ là đâu cần phải cùng gốc ADN, đâu cần phải chung máu mủ, huyết thống, chị ơi! 🙂
Gõ tới đây lại nhớ về cuộc trò chuyện vụn vặt ở bàn ăn sáng nay với cậu em mà mình nhắc ở bên trên, đầu câu chuyện. Thằng bé là người thuộc giới LGBT, nó thú nhận thời gian gần đây, thi thoảng sáng giật mình thức dậy, nó hốt hoảng bởi cảm giác rồi đây về già nó sẽ ra sao…, không vợ không con (vì nó đâu yêu phụ nữ), rồi ai sẽ lo cho mình… Mình cười, nói với nó, rằng em đừng lo. Hiện giờ em đang có cảm giác này là vì xung quanh em đang có rất nhiều bạn nhưng không có bạn thân, không có người thâm giao, không có tri âm tri kỷ, không có cả những đứa em đứa đệ tử thân thương mà em một lòng coi như con như cháu trong nhà mà chăm dưỡng. Thử nghiêm túc nuôi trồng những mối quan hệ như thế này, rồi em sẽ thấy, mối lo của em thật là không cần thiết. Bởi, không thiếu những người có đủ con cái theo máu mủ huyết thống, vẫn vì thiếu tình thương nhau mà để cho cha mẹ già trong cô đơn, ghẻ lạnh. Còn nếu em đủ thương, đủ hiểu chuyện, và đủ vững vàng để tạo dựng sức khỏe tốt và sự tự lập về tài chính, sau này một khi trăm tuổi già, rồi em cũng sẽ ra đi trong sự nhẹ nhàng, bằng an và ấm áp của những người thương người thân xung quanh, dẫu họ chẳng cần có máu mủ ruột rà gì với em hết.
Thằng nhỏ hỏi, thiệt hả chị?
Mình cười, nhìn nó, nói, thiệt. Đó cũng là cách mà chị đang sống, và chị tin rồi chị cũng sẽ được như vậy.
Mà nói thiệt, mình cũng tin thiệt là như vậy 🙂 Mà trời ơi, nếu nhiều người cũng nhìn ra được theo kiểu như vậy, chắc những nạn nhân của sự hiếm muộn, vô sinh, những thành viên của giới GLBT, những ai đang không đủ duyên để có một cuộc hôn nhân đầy đủ như khuôn khổ của xã hội, sẽ cảm thấy bớt áp lực cùng nặng nề đi nhiều lắm…, ha…
(13.6.2019 – QH)
Không có bình luận