“TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH. CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH…”

>
>
“TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH. CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH…”

Hồi chiều vừa nhận được một câu hỏi từ phía đối tác cùng khai thác chuyến đi Ấn Độ của công ty mình, nói rằng có khách đến công ty họ bày tỏ muốn đi tour Đất Phật sắp tới, nhưng còn ngần ngại… Là vì họ có hỏi qua ý kiến một người bạn đã từng đi tour 1, chị bạn này nói tour tụi mình ‘không đúng’. Họ hỏi, “Không đúng ở chỗ nào?”, chị kia đáp: Đến Đất Phật mà tụi mình lại không niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, mà lại niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”…

Mình cười một mình. Ai lại đi nói như vậy, lại không sợ mang tội nói không đúng sự thật nha! Rõ ràng ngay từ lúc sinh hoạt chung trên máy bay, trước khi đặt chân tới Đất Phật, mình từng giải thích rõ: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” thật ra mang ý nghĩa nhẹ nhàng, đại ý là: “Xin kính chào/ Xin quy mạng Vị Thầy của tôi – Đức Giác ngộ Trầm tĩnh Minh triết họ Mâu Ni”. Và bởi vì khách đi tour mình có rất nhiều thành phần khác nhau, nhiều người không phải theo đạo Phật, trong đó còn có một số người đạo Công giáo, nên mình còn có lời khuyến khích mọi người đừng ngại câu này, mà cứ coi như đến nhà ai thì cất lời kính chào vị trưởng lão đáng tôn kính nhất nhà đó là được. Nghĩa là, đến Đất Phật thì cứ kính chào Đức Phật Mâu Ni như một bậc hiền triết có công lớn trong việc phổ biến những tư tưởng đúng đắn để cho bá tánh chúng sanh sống tốt đẹp nhiều đời sau. Và như vậy, thay vì nguyên câu: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, sẽ có thể lược bớt chữ “Bổn Sư” (Thầy tôi), chỉ còn như một lời chào kính lễ, là “Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật”, là cũng đủ đẹp rồi.

Nói như vậy để mọi người hiểu, quan điểm của chúng mình KHÔNG HỀ là phủ nhận Đức Thích Ca Mâu Ni trên Đất Phật! Mà trái lại, Ngài còn là một nhân vật được tôn kính nhất, được nhắc đến nhiều nhất, với lòng thương mến nhất! Đi đến đâu cũng là lời kính lễ ấy đầu tiên, và lặp lại nhiều lần, đi kèm với nhiều điển tích và câu chuyện cảm động về Người.

Hình buổi hoàng hôn trên đỉnh núi Linh Thứu, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng trải qua 6-8 năm quan trọng trong cuộc đời hành đạo của Ngài.

Có điều, cũng như mình đã từng nói, mình không phân biệt các pháp môn riêng biệt của đạo Phật, nên bên cạnh Đức Thích Ca Mâu Ni, mình còn yêu kính nhiều đấng thiêng liêng khác tồn tại trong nhiều pháp môn trong đạo Phật, như Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Dược Sư, Đức Văn Thù Sư Lợi… Những vị này vô cùng gần gũi với tín ngưỡng của nhiều người Việt nói chung, và là một phần niềm tin to lớn với họ mỗi khi họ buồn, họ đau khổ, họ tổn thất, họ tật bệnh… Vì thế, trên đất Phật, bên cạnh niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, chúng mình cũng có thưa luôn “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”… Những câu chữ này, suy cho cùng, đang hướng họ đến sự kính ngưỡng thiêng liêng, nơi mà toàn bộ lòng lành của họ đang hướng lên… Và những khi ấy, năng lượng lành trong con người họ được phát khởi. Những khi ấy, tất cả các vị Phật vị Bồ Tát nói chung đã không còn phân biệt ai là thuộc ‘nhánh’ nào, mà đã trở thành những đối tượng thiêng liêng chung, để mọi người hướng đến, để buông bỏ phần xấu phần ác tồn đọng trong con người họ, để hướng đến cái thiện lành, cái tích cực, cái yêu thương từ bi vô điều kiện!

Thế thì, chấp nhất làm chi người ơi! Thật ra, giá trị cốt lõi nằm ở chỗ: Phật pháp chính ở tại tâm mình. Và tự thân giá trị Phật pháp KHÔNG CẦN NGÔN NGỮ, chỉ cần Tâm-chạm-Tâm là cảm nhận được rồi. Vậy, cái quan trọng nhất không phải nằm ở chỗ câu nệ là ai đúng – ai sai, câu nệ pháp môn nào mới đúng pháp môn nào không phải, mà tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề quan trọng nhất nằm ở chỗ: làm sao khơi dậy được cái Phật tính, là cái mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng khẳng định là luôn có sẵn trong mỗi con người đó! Tức là, nhiệm vụ của mỗi chúng ta là bằng mọi cách có thể, khơi dậy chất thiện lương tiềm tàng trong mỗi con người! Còn, bằng cách nào để khơi dậy được, kéo họ về lại cái Phật tính tiềm ẩn trong mỗi người, để mỗi ngày họ buông bỏ được nhiều sân hận mà sống từ bi hơn, đâu nhất thiết phải CHỈ có một con đường duy nhất đâu, người ơi!

Nói tới đây mới nghĩ ra một cách ví von như vầy, tuy hơi phiến diện chút nhưng nó… dễ mường tượng nè. Giả sử có một cội bồ đề Rấtttt to, to lắm, mắt người không thể thấy bao quát cùng lúc cả cội bồ đề đó được. Và giả sử có một số người được đứng dưới gốc bồ đề đó. Vậy thì người đứng chỗ nắng sẽ nhìn thấy cành lá đó màu xanh tươi, nhưng một người đứng góc khác, nhìn nhánh bồ đề trong bóng râm sẽ nhìn ra cội bồ đề màu xanh sẫm… Anh nào sờ trúng cành thẳng thì mô tả “Ôi, cây bồ đề cành thẳng”, còn người chạm trúng một cành cong lại mô tả “Bồ đề cành cong nha!”

Nhưng, cho dù lá xanh nhạt hay xanh sẫm, nhánh lá bồ đề có thẳng hay có cong…, thì chung quy lại, đó vẫn là Lá và Nhánh của Cùng cây bồ đề đó mà!

Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài từng nói: “Ta là Phật đã thành. Các Thầy (tức chúng sinh) là Phật sẽ thành“. Vậy thì, những ai thực sự coi mình là những người con thương yêu của Đức Phật, chúng ta hãy bỏ qua tâm phân biệt để đừng bị cái Chấp gây khó chịu nữa. Khi ta hiểu rằng cho dù có tám vạn bốn ngàn pháp môn của đạo Phật hoặc hơn thế nữa, tất cả thật ra đều quy về chung một mối: Chỉ cần có đủ Đức tin tốt đẹp, thì bản thân một con người bình thường thôi, cũng đủ sức mạnh để cảm hóa một kẻ ác, để khiến hắn trở thành một vị Phật-sẽ-thành, như ý của Đức Thế Tôn kính yêu chung của chúng ta đã nói! Và, nếu bằng cách vẫn giữ tâm phân biệt ai đúng – ai sai, ai ‘chính thống’ – ai ‘lệch phái’, hình như ta đã vô hình chung làm chia rẽ nội bộ Phật pháp rồi… Và như vậy, hình như vô hình chung ta đã góp phần gieo mầm mống để cản trở, làm chậm lại con đường “thành Phật” của bao nhiêu con người bình thường khác rồi…

Như đã thưa qua khá nhiều lần, bản thân QH cũng như các cộng sự nói chung, chúng mình không giữ tâm phân biệt, cũng có cơ sở để Không bài xích bất kỳ nhánh nào, phái nào. Và chủ trương nhất quán của chúng mình là: Tình Yêu thương xóa bỏ mọi ranh giới.

Mới hôm qua đây thôi, có việc lục lục trên mạng để tìm một số tư liệu, tự nhiên lạc được vào một trang web của một anh. Thật sự xúc động khi nhìn ra, mấy anh em tuy không quen nhau nhưng hình như, mỗi người đều đang cùng quan điểm, đồng phương cách. Anh ấy cũng khuyến khích mọi người tư duy tích cực nói chung…, và ôi, anh còn giỏi hơn mình nhiều, anh chỉ cụ thể luôn, muốn tập tâm tĩnh lặng hay buông bỏ hay tha thứ… thì những ai đạo Phật thì đọc các loại kinh gì chú gì nè… (Mà chao ơi, trong đó mình đếm đủ, có cả kinh chú bên các loại nhánh pháp môn Phật giáo khá nhau nha! Có Nguyên Thủy, có cả Đại thừa, có cả Mật tông nữa. Ờ quên, còn cho cả những ai không theo đạo nào, anh hướng mọi người tới Ơn Trên, tới Ông Bà mình nói chung luôn hihi). Và nể hơn, anh còn chỉ luôn, người theo bên đạo Chúa có thể đọc kinh gì bài gì… nữa chứ! (Cái này thì mình còn chịu ‘bó tay’ nè, vì mình không được ủ duyên để hiểu nhiều bên Thiên Chúa giáo ^^)

Chỉ vậy thôi đó, mà ngồi cảm động, mà muốn khóc. Thấy, à thì ra con đường mình đang muốn đi theo cũng đâu phải chỉ một mình mình. Hình như, càng ngày càng có nhiều người nhận ra, các tôn giáo, các loại pháp môn trong cùng một tôn giáo… có thể khác nhau, giống như một vật dưới nước sẽ bị nhìn ra các dạng hình thù khác nhau do chịu ảnh hưởng khúc xạ qua các loại ánh nắng khác nhau. Tuy nhiên, vật thể ấy cũng chỉ có một mà thôi, là chính nó thôi, mang đúng những giá trị đó thôi!

Ai nhìn ra được điều này, hẳn tâm sẽ đỡ mệt mỏi đi nhiều lắm… Và cũng như vậy, thay vì mất nhiều thời gian và năng lượng để công kích hay chỉ trích lẫn nhau, làm cho cả mấy bên có liên quan đều mệt mỏi hay tuột mất năng lượng, chúng ta sẽ dồn toàn bộ năng lượng lành chung của chúng ta lại, để giúp đỡ thêm được nhiều người lắm… Giống như cách chúng ta đã từng được giúp đỡ, bằng nhiều cách khác nhau đâu ai giống ai, để dần dần tự nhận thức và hoàn thiện dần, như chúng ta hiện tại.

Vậy đó.

(30.11.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart