MÁ MÌNH

>
>
MÁ MÌNH

Má mình, nhưng không phải là má đã đẻ ra mình, mà là má đẻ ra anh xã nhà mình. Có điều, những ai theo dõi trang này của mình lâu lâu chắc cũng biết, mình không khi nào gọi là “Má chồng”, chỉ đơn giản là “Má”. Má, là má của chồng, giờ thành má của mình. Mẹ, sẽ là mẹ ruột sinh ra mình.

Vì thế, trong đầu mình sẽ không có sự phân biệt “Mẹ ruột” hay “Mẹ chồng”. Chỉ đơn giản mình có hai người mẹ: một Mẹ, một Má.

Má là một nhà giáo lão thành, ở Tầm Vu – Châu Thành, Long An, má có rất nhiều người gọi má là Cô, nhiều người giờ tóc cũng hoa râm, cũng con cháu đầy đàn. Tuy vậy, vì mình chưa từng học qua má ngày nào, nên trong đầu mình cũng không có hình ảnh má như một cô giáo đáng kính. Má, đơn giản chỉ là má thôi.

Nhà má không có con gái, chỉ tuyền năm gã con trai. Nên những chuyện rất riêng tư kiểu phụ nữ với nhau, mình không biết trước khi có đám con dâu về, má tâm sự với ai? Nhưng má thương đám con dâu tụi mình lắm. Nhà có mấy đứa con dâu thì mỗi đứa giỏi một nhánh, cũng… dở ở nhánh khác. Các con dâu khác rất giỏi nấu ăn, thường về cùng má ‘mở hội bàn đào’, khi nào cả nhà xúm lại là ăn đến lặc lè ^^ Nhưng cũng có những đứa dâu… hỏng có giỏi nấu ăn ở chỗ nào. Cụ thể nhứt là… mình, hihi (Và nghe nói em dâu mới nhất, mới về nhà cũng hỏng giỏi nấu ăn do là cô giáo tối ngày đi dạy) Má cũng không có ý kiến gì. Má chưa từng gây áp lực gì cho tụi mình. Một phần ‘hiện thực khách quan’ là tụi mình độc lập về tài chính, độc lập về cuộc sống. Nhưng cũng đâu thiếu những trường hợp những cặp đôi độc lập tài chính độc lập lối sống vẫn chịu ít nhiều áp lực từ nhà chồng, từ má chồng, kiểu “gây khó chịu vậy đó mà không để làm gì”. Má mình thì không như vậy. Kể cả những ngày mình cưới anh con trai trưởng, 39 tuổi mới có vợ, hai năm sau vẫn không có con, do tụi mình nói mình còn trẻ, còn phải để dành thời gian cho công việc. (Lúc ấy mình đang gần như ở đỉnh cao của việc dẫn chương trình, mình ham nghề lắm, không nỡ bỏ). Má chồng, ba chồng, cả nhà chồng, không hề có ai có ý kiến ra vô gì.

Anh xã nhà mình xa nhà độc lập từ sớm. Thương má đó nhưng mà… ‘tính phổi bò’, nên hầu như mọi chăm sóc nhỏ nhỏ chi tiết, … con dâu má, là mình chớ ai, sẽ tự động cân nhắc và chăm sóc. Mình cũng đâu có nhiều thời gian, nhưng những khi mình và má được trò chuyện với nhau, được gặp nhau, tuyệt đối không có cảm giác ‘giữ lễ’ giữa con dâu và má chồng. Mình khoe má về những gì mình làm được, cũng không ít lần khóc với má về những đau lòng trong mối quan hệ với anh xã của mình. Nhiều trường hợp má góp tiếng vô, giải quyết được. Nhiều trường hợp má chỉ im lặng, coi như chia sẻ, một sự chia sẻ ít nhiều mang tính cam chịu do thân phận của người phụ nữ. Rồi nó cũng qua.

Có những điều bất ý, mình cũng không biết những nhà khác thế nào, nhưng mình luôn chọn cách thẳng thắn nói chuyện với má, thẳng thắn trong sự yêu thương, kính lễ và cầu thị. Và má cũng lắng nghe. Không biết má có tổn thương ít nhiều hay không, má cũng không nói ra. Nhưng sau đó tình hình có thay đổi. Cũng tương tự như vậy, má có điều gì thấy ‘không ổn’ nơi mình, má hay khều mình ra, bày tỏ sự lo lắng. Lo lắng chứ không chỉ trích. Để mình có cơ hội giải thích cho má rõ, hoặc để mình nhìn lại rồi âm thầm tự điều chỉnh.

Cứ như vậy, tụi mình đã gắn bó trong mối quan hệ má – con được gần hai mươi năm rồi. Không ai dám nói trước được điều gì, nhưng ít ra, mình có thể nói rằng, trong gần hai mươi năm qua, chắc má từ lúc nào cũng không coi mình là con dâu nữa, mà là một đứa con gái của má, như má có thêm năm đứa con gái khác nữa, là vợ của năm thằng con trai của má. Mỗi cuối năm, má sẽ hớn hở trông chờ mình thu xếp công việc để alo má lên, hai má con ta bà dạo chợ cho má tha hồ ngắm đủ các loại hàng hóa sặc sỡ, sau đó sắm cho má một mớ quần áo đi chơi đồ bộ ở nhà…, cả một mớ đồ tế nhị của phụ nữ. Sẽ sẵn sàng lắc đầu, chê: “Thôi, má không chọn bộ đồ này đâu. Coi già quá!” mặc dù năm nay má mới chừng… 77 tuổi hà! Mỗi năm, hai bà mẹ sẽ cùng nhau háo hức lên kế hoạch để đi du lịch xa cùng nhau, mỗi năm một nước, do hai đứa mình ‘tài trợ’. Mẹ được tiêu chuẩn gì, từ quà đến tiền tiêu vặt hàng tháng, là má cũng sẽ được y chang như vậy.

Tóm lại, sẽ không có sự phân biệt gì là ‘chồng’ hay ‘ruột’. Thương là thương đều nhau, vậy thôi.

Image may contain: 1 person, sitting

Hehe cái hình mình chụp cho má hồi Tết. Make up cũng do mình thực hiện luôn. Năm nay mình nói, má phải đánh son tươi lên cho nó rực rỡ cuộc đời! Thế là… mình quất luôn màu son hồng ‘hot’ nhất trong túi trang điểm của mình lúc đó. Ahaha mấy anh con trai nói, má hôm nay quánh màu nổi bật dữ đa! Má ngại, má mắc cỡ, còn mình thì vẫn thấy nó quá xuynh tươi trẻ trung cơ, cho nên mình làm stylist, quánh luôn cho má một set hình chân dung So Deep như vầy nà. Coi dễ cưng chưa?

Mình sẽ không quá lý tưởng để phải cám ơn má chồng như trong bài thơ “Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh (sau này được phổ thành nhạc đó), cũng không giả dối để nói mình hoàn toàn hợp 100% với má (tới mỗi người trong nhà còn không được nữa là!) Tuy nhiên, mình cảm thấy, mình tôn trọng nhau trong sự thân tình, trước hết là giữa hai con người tử tế đối đãi nhau, bắc cầu qua một ‘người thương’ chung là anh xã mình. Sau đó, yêu thương quý mến nhau một cách trực tiếp vì thương quý bản thân người ấy chứ không phải vì anh xã (mình) (hay con trai má) mà phải thương nhau. Tiếp nữa, là vì muốn thương nhau được dài lâu thì nhất định không được để nó… drama, kiểu thương quá hóa giận hoặc ghim bực bội ghim bức xúc gì. Thương nhau trong sự tôn trọng, thân gần vừa phải, giữ khoảng cách vừa phải. Vậy mà ‘công thức’ đó đã ổn gần hai mươi năm qua, và mình cũng sẽ mong muốn nó kéo dài thêm vài ba mươi năm tới.

Hôm rồi quyết tâm làm chủ đề “Làm sao thương được mẹ chồng”, trong một cuộc chuyện trò qua điện thoại, mình rủ: “Bữa đó má lên chơi với tụi con nhen. Để sẵn các cô các bác, các chị em trên trang con có muốn ‘phỏng vấn’ gì má thì má chia sẻ cho vui”. Má vui lắm, má Ừ ngay, nhưng mà má cũng nói, má đi dự nhưng thôi má ngại phát biểu gì lắm, thôi cho má chỉ ngồi nghe rút kinh nghiệm thêm thôi, được không?

Mình cười. Được thôi. Nhưng bữa đó chắc chắn thế nào cũng có người tò mò hỏi thăm, mà tới lúc đó xem má có từ chối trả lời được hay không thì biết nhe. Mà mình cũng nhất định không chơi ‘thống nhất ý kiến’ gì trước với má, cũng không ‘mớm ý’ gì. Má sống sao, nghĩ gì về đứa con dâu này của má cũng như những đứa nhỏ con dâu khác, má cứ thoải mái chia sẻ 😛

Là như vậy đó. Bữa hôm đó sẽ là một buổi trò chuyện mở, không có những người dạng “chuyên gia tâm lý” gì đâu. Sẽ toàn là những người ‘có liên quan’ trong những mối quan hệ gia đình, mỗi người đều có thể tới cùng một câu chuyện nhà mình, để mỗi người đều là những người chia sẻ và những người lắng nghe nhau. Tụi mình cũng sẽ ráng rủ thêm một số trường hợp mẹ chồng hòa hợp được với các nàng dâu, để tụi mình tham khảo học hỏi thêm nhe.

Không chỉ có những cô con dâu mới cần tới dự, tụi mình rất mong sẽ có sự góp mặt của những người mẹ chồng, để tụi mình cũng xin nghe thêm những chia sẻ từ các cô, nhé. Nếu có mẹ chồng nào dắt tay nàng dâu đến dự được thì càng quá vui, mà cả nhà: mẹ – con trai – con dâu cùng đến dự sẽ lại càng vui nữa, héng!

Tụi mình đã bỏ tính bắt buộc của câu trắc nghiệm về mức độ mối quan hệ con dâu – mẹ chồng, để ai cũng có thể thoải mái đăng ký và đến dự. Vì vậy, thực sự hoan nghênh tất cả những ai quan tâm đến làm sao có một không khí hòa thuận, êm ấm trong mỗi gia đình. Đảm bảo khi ra về, bạn sẽ ‘bỏ túi’, ‘vắt vai’ không chỉ là một vài ‘bí kíp’ học hỏi được từ chính những người đến dự, mà còn được truyền cảm hứng để bạn quyết tâm tạo nên một bầu không khí hòa thuận, yêu thương với gia đình bên chồng, với má của chồng.

Biết là mỗi nhà mỗi cảnh, tuy vậy, mình cũng thực sự tin rằng một mối quan hệ bao gồm hai phía. Phía ta có động thái tích cực cùng những thay đổi tích cực, nhất địch phía còn lại cũng sẽ có những thay đổi tích cực. Bạn tin đi 😊

(16.4.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart