TIBET – TÂY TẠNG #1: CẢM NHẬN CHUNG VỀ VÙNG ĐẤT HUYỀN BÍ

>
>
TIBET – TÂY TẠNG #1: CẢM NHẬN CHUNG VỀ VÙNG ĐẤT HUYỀN BÍ

… Mới về có vài ngày, có đáng gọi là ‘hồi ức’ không nhỉ? Thôi kệ, những gì đã được trải qua suốt tám ngày vừa qua, thực sự đáng xếp vào một ‘hộc’ riêng, lâu lâu lôi ra, ngắm nghía, nhớ nhung, cùng ước mong ngày trở lại.

Một trong những điều làm mình nuối tiếc nhất trong chuyến du hành đến Tây Tạng vừa qua, chính là không đưa Tin Nhái theo cùng như trong mọi chuyến du hành trước đây giữa hai mẹ con, đặc biệt là khi con trai được nghỉ học đúng tám ngày mình đi. Lý do lớn nhất là do mình bị nghe ‘hù’ nhiều quá, chốn hẻo lánh hiểm trở, độ cao khó thở, không biết lành dữ thế nào, không dám mạo hiểm… Cảm giác nuối tiếc ấy lên đến ‘đỉnh cao’ khi ba ngày đầu đến Tây Tạng, đi vòng quanh khắp thủ phủ Lhasa ở độ cao 3.650m so với mặt nước biển và thăm viếng nhiều đền thờ thiêng ở đây, mình hầu như không gặp bất cứ một biến động nào về sức khỏe. Vẫn có thể đi rất nhanh ngoài phố, leo cầu thang dốc, cùng cô bạn mới gặp trong chuyến đi rảo bộ vòng quanh khu đền thiêng Jokhang cho đến tận gần nửa đêm… Đồ ăn cũng không phải là nguồn cản trở gì lớn đối với chúng mình, thậm chí, với dạng cho tự do order thức ăn phù hợp khẩu vị theo tour này, chúng mình còn thấy dễ ăn hơn các tuyến tour đến một số nước châu Á khác. Gọi điện thoại về nhà thăm con trai, mình áy náy quá sức, cứ liên tục xin lỗi cùng tiếc nuối… Bởi mình hiểu, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Việc được tiếp xúc với một nền văn hóa lạ lẫm và đầy thú vị, đầy tính trải nghiệm như thế này là vô cùng hấp dẫn và bổ ích cho Tin Nhái, đặc biệt với cái máu mê lịch sử cùng địa lý của ảnh.

Tuy vậy, cái ngày vượt đèo dốc cao quanh co, lên đến độ cao 5.200m đến với hồ Namtso, một trong những hồ thiêng nhất ở Tây Tạng theo tín ngưỡng của người dân địa phương, lúc lên thì không sao, lúc xuống lại, hầu như trong đoàn ai nấy đều bị nhức ong ong đầu, choáng váng, mệt mỏi. Ngày hôm sau nữa ngồi xe đúng một ngày đường đèo dốc tiếp tục hiểm trở quanh co để đến với trấn Gyengse và trấn Shigatse, cảm giác mệt mỏi và ong ong nhức đầu lại đến, đặc biệt mỗi khi cần trèo dốc (để chụp được bức ảnh đẹp) hay phải khiêng một vật gì đó hơi nặng hơn bình thường, là dễ kiệt sức vô cùng. Lúc này mới ngẫm nghĩ lại, ờ héng, mình đi với mỗi cô em gái, hai người trưởng thành mà ở chặng này còn muốn ‘ngất ngư’, con nít theo có chịu nổi không, thiệt không dám đoán.

Tuy vậy, không biết với những người có thể coi chuyến đi này thuần túy để du lịch sẽ có cảm giác như thế nào. Riêng với hầu hết các thành viên trong đoàn mình, ai nấy ít nhiều đều đến đất Tây Tạng trong tâm thế vừa khám phá, vừa trải nghiệm tâm linh. Riêng mình, còn là ước mong được tích thêm nhiều năng lượng tích cực từ vùng đất thiêng này, như từng đã nếm trải cảm giác tích đầy năng lượng tích cực khi đến với núi Phú Sĩ hay các đền thiêng ở Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia…, hay Vatican. Đi, từng ngày dài trôi qua đường đèo dọc theo những bình nguyên mênh mông thưa vắng cây cối, thảng hoặc mới có vài đàn yak (một loại bò Tây Tạng nhưng hay được người Việt mình gọi là ‘trâu Yak’), hoặc đàn dê đàn cừu thản nhiên gặm cái gì đó trên mặt đất nâu mờ, trong lòng lại dội lên câu nói lừng danh của tác giả cuốn The ways of the White Clouds (Đường mây qua xứ tuyết – dịch giả Nguyên Phong), tu sĩ – nhà nghiên cứu triết học người Đức Anagarika Govinda. Ông nói, “Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó. Và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn”.

Cảm giác này, mình đã thực nếm trải, cái ngày ngồi trên máy bay nội địa bay từ thủ phủ Lhasa trở về Thành Đô để tiếp tục nối chuyến về lại Hà Nội. Đang gà gật ngủ, cô khách đi cùng đoàn thương tình đánh thức dậy, đổi cho mình ra ngồi gần cửa sổ máy bay để nhìn xuống phía dưới. Máy bay nội địa bay thấp, dưới tầm mắt mắt mình, má ơi là trùng trùng điệp điệp những mỏm núi phủ tuyết liền kề bên nhau, xếp dài và rộng đến mút tầm mắt. Rặng Tuyết Sơn đó, dãy Hymalaya hùng vĩ trong truyền thuyết đó! Cảm giác thật khó tả, chỉ thấy gai ốc nổi lên từng đợt, lấy điện thoại ra chụp chi chít mà cũng không cảm thấy vừa ý, bởi cái gì đang được ‘chụp lại’ bằng chính đôi mắt và con tim mình đây, mới thực sự rung động tự tâm can. Cũng tương tự cảm giác ngồi xe lắc lư lắc lư, bỗng dưng trước mắt mình hiện lên những rặng núi tuyết thật gần… Cảm giác vừa đẹp vừa xúc động, đến tràn nước mắt.

Tám ngày cùng những trải nghiệm ‘dọc đường gió bụi’ không phải là một thời gian ngắn ngủi, do vậy có lẽ mình sẽ chia chuyến ‘Đi và Ghi’ đến Tibet của mình thành một số bài viết nhỏ nhỏ cho nhà mình đọc dần. (Mà cũng để mình có thời gian mà viết dần dần, hehe). Trước mắt, sẽ gom cho nhà mình ngắm qua trước một số tấm ảnh chụp dọc đường đi của chúng mình. Sau đó, sẽ là những bài viết cụ thể hơn, chi tiết hơn về những điều mình tâm đắc, hoặc ấn tượng hơn cả trong chuyến đi vừa rồi, nhé.

Image may contain: 7 people, people smiling

* CẢM GIÁC CHUNG: Tây Tạng không quá khó đi như nhiều người đồn. Tuy vậy, nơi này cũng không đặc biệt phù hợp với những người đơn thuần muốn đi du lịch, do không khí ở nơi cao rất khô, khi lên đó bạn thường xuyên sẽ có cảm giác rất khô mũi và họng. Tour cũng không quá kén chọn người cao tuổi, trong đoàn mình có một đôi cô chú trên dưới 70, vẫn đi được tốt. Mình nghĩ, những ai có niềm tin tâm linh hẳn sẽ được hỗ trợ tinh thần rất nhiều để đi tốt tour này. Tuy vậy, đúng là nếu đã muốn đi, cần chuẩn bị một chút về thể lực, yoga là một hình thức rất phù hợp. (Lên đó mới quá cám ơn những buổi tập yoga thường xuyên của mình ở nhà, hihi, nhờ nó mà xem ra mình được liệt vào nhóm ‘ít bị tác động sức khỏe’, còn khiêng nổi đồ đi băng băng và trèo tới tất cả các cao độ cần trèo 

* NHỮNG ĐIỀU ‘ĐƯỢC’: một nền văn hóa lạ và độc đáo. Bề dày lịch sử tôn giáo hấp dẫn để trải nghiệm và khám phá. Đặc biệt phù hợp cho những ai tin vào tâm linh và sự huyền diệu của cuộc sống. Năng lượng dạt dào.

* NHỮNG ĐIỀU ‘GÂY KHÓ’: độ cao là một thử thách với những người bị tim mạch kém. Bên cạnh đó, vấn đề đi vệ sinh ở Tây Tạng là một ‘vấn nạn’ (bữa khác mình tả kỹ hơn cho nghe, để… chuẩn bị sẵn tinh thần mà đừng bị sốc, haha). Nếu vấn đề này được cải thiện tốt hơn, mình nghĩ chuyện đến Tây Tạng không là vấn đề gì lớn. Thêm nữa, ở độ cao mấy ngàn mét, nắng mặt trời gay gắt cùng gió lạnh quất vào mặt sẽ khiến da mặt bạn bị tác động một mớ đáng kể. Lời khuyên là phải mang khẩu trang (chuyến rồi mình không chịu mang, vì nó cũng vướng víu khó chịu quá hà huhu, về hai má nóng rát, không hay nha). Luôn luôn chuẩn bị thuốc nhỏ mũi để nhỏ liên tục, nếu không tiện đem theo nhiều, ở Lhasa có bán một loại thuốc nhỏ mũi theo đông y rất hay, có cảm giác thông thoáng cùng mát mũi liên tục (sẽ bổ sung hình chai này ở một bài khác).

* QUÀ LƯU NIỆM: mênh mông bao la bát ngát, chỉ sợ không đủ thời gian và tiền bạc để mua. Từ các chuỗi vòng hạt bằng các thể loại đá và hạt, đi kèm các thể loại icon may mắn hay đắc nhân tâm…, các bức tranh Thangka hay Mandala… Rất nhiều vật phẩm đeo trên người hay chưng trên bàn, treo tường có ký tự Om hoặc Lục Tự Đại Minh Chú (Om Ma Ni Pad Me Hum), bạn hãy cố gắng tìm mua một vài món mang về cho bản thân hay gia đình nhé. Chuyến vừa rồi đoàn mình đi ‘càn quét’ mấy chỗ bán hàng lưu niệm các vật phẩm thể loại này, ai nấy đều hỉ hả khoe nhau các món mua được, hồi ở đó đã thấy mua nhiều lắm rồi đấy, về nhà vẫn thấy ít quá, còn thiếu ^^

(8.5.2016 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart