THỦ THUẬT ĐỌC KỊCH BẢN TRÔI CHẢY

>
>
THỦ THUẬT ĐỌC KỊCH BẢN TRÔI CHẢY

Chiều nay ngồi hướng dẫn vỡ lời dẫn Thay lời muốn nói cho Đinh Phú Vinh, chàng trai Nhất Bảng C Tiếng hát mãi xanh năm nay, sẽ là khách mời dẫn chuyện cho chủ đề Màu xanh lần này. Sực nhớ ra, một số cái mình và các anh chị em dẫn chương trình vẫn hay làm, nhưng chưa chắc những ‘người ngoài nghề’ biết mà áp dụng, nên sẵn mình ghi ngắn gọn ra đây, ai chưa biết qua thì tham khảo héng.

1/ Thường kịch bản khá dài, nhiều chữ, mà các MC lại ít có thể ‘cắm mắt’ xuống trang giấy mà đọc, nên nếu không có những ‘thủ thuật trợ giúp’ này, sau khi mình ngẩng đầu nhìn đám đông khán giả và nói nói nói nói…, tới chừng ngó xuống một đống chữ, sẽ có cảm giác… chới với hỏng biết đâu mà ‘chụp vô’ luôn. Vậy, để dễ dàng cho việc ‘định vị’ phần mình nói, mình thường khuyên các bạn khách mời dẫn chuyện của mình tô đậm (bold type) chỉ riêng phần lời dẫn của các bạn ấy. Phần này bạn Hồ Trung Dũng rất hay dùng, và tỏ ra khá hiệu quả, như mọi người vẫn thấy.

2/ Cách thứ hai, mình có thể dùng một cây bút dạ quang (màu xanh hoặc hồng là ổn nhất, có thể đi được với ánh sáng vàng sân khấu) và tô từng cụm từ quan trọng (key words) trong câu, những từ mà mình nhìn xuống ‘cái độp’ có thể chụp vô ý mà diễn đạt theo ý mình. Nên nhớ, tránh tô cả vạt câu, vừa không làm được nhiệm vụ chỉ làm nổi bật (highlight) những cụm từ cần thiết, mà còn có khả năng làm chóa mắt bạn khi nhìn xuống.

Hoặc bạn có thể kết hợp cả hai cách (vừa in bold type vừa tô highlight các cụm từ then chốt) để hiệu quả đạt cao hơn nữa.


3/ Và để đảm bảo bạn ngắt nghỉ giữa câu đúng ý, không bị vụn hay sai chỗ trong hoàn cảnh bạn không được nhìn chăm chú vào kịch bản, mình thường hay phết những dấu sổ xuống sau những cụm từ cần ‘đi một lèo’. Như vậy, khi nhìn vào, bạn sẽ theo phản xạ nhận ngay được bạn cần ‘đọc một lèo’ hết cả cụm từ này, cho đến khi gặp dấu sổ thì được ngắt chút xíu. Ảnh minh họa như kịch bản TLMN dưới đây là những dấu sổ khá dày đặc, thường dành cho các bạn khách mời dẫn chuyện ‘mới toanh’, còn với các bạn thường xuyên làm, hoặc ít nhiều chuyên nghiệp thì không cần quá dày như vậy. Cá nhân mình, khi dẫn những kịch bản không phải do chính tay mình viết (nghĩa là không nắm ý ‘từ trong trứng nước’), mình vẫn phải dùng các nét sổ để đảm bảo mình ngắt đúng nơi, dừng đúng chỗ, hỏng bị lâm vào tình trạng đọc câu kiểu “Ông trăng lủng – lẳng trên cành”, héng 

(8.7.2014. QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart