ĐẤT PHẬT ẤN ĐỘ – NEPAL: LẦN TRỞ LẠI THỨ 10

>
>
ĐẤT PHẬT ẤN ĐỘ – NEPAL: LẦN TRỞ LẠI THỨ 10
MC Quỳnh Hương chia sẻ lại trải nghiệm lần thứ 10 quay lại đât Phật Ấn Độ

[CHUYẾN ĐẠI CỘNG HƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI NƯỚC NGOÀI – ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ – NEPAL (04-09/10/2022)]

ĐẤT PHẬT ẤN ĐỘ – NEPAL: LẦN TRỞ LẠI THỨ 10, NHỚ LẠI LẦN CHẠM ĐẦU TIÊN…

Chuyến Đại cộng hưởng đầu tiên tại nước ngoài vừa rồi của nhà MayQ đã khép lại trọn vẹn. Riêng đối với cá nhân mình, chuyến đi này còn đánh dấu những cột mốc đặc biệt, ghi lại những lần mình bén duyên với đất Phật Ấn Độ – Nepal.

Cho tới thời điểm này, nhà MayQ mở được 9 chuyến đi đến Đất Phật Ấn Độ, trong đó có 7 chuyến đi theo lộ trình Tứ Động Tâm, tức bốn đại thánh tích nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân lần đầu tiên, và nhập Niết Bàn. Hai chuyến ngắn ngày dạng gieo duyên: một chuyến 3 ngày, một chuyến 4 ngày. Riêng mình, nhờ có thêm lần đầu tiên được chạm ngõ dưới dạng khách mời của Vietjet hồi tháng 3/2018, nên chuyến đi vừa rồi, với mình trở thành lần trở lại đất Phật chẵn thứ 10, trong vòng bốn năm qua. Và riêng với một số vùng đất không kịp có mặt trong lần chạm ngõ đầu tiên của mình, như vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal hay nơi Đức Phật nhập diệt Kushinagar, đó đã lần trở lại thứ 7. Toàn những con số khá đặc biệt, không khỏi khiến mình bồi hồi, nhớ lại những lần đầu tiên bỡ ngỡ chạm ngõ… Mà, ở những lần đầu tiên bỡ ngỡ ấy, mình hoàn toàn không ngờ, chỉ trong vỏn vẹn bốn năm ngắn ngủi, mình đã lại có đủ duyên để trở lại đất này từ 7 đến 10 lần! Mà không trở lại một mình, mình đã cùng các anh chị em nhà MayQ đưa được hàng ngàn bạn hữu duyên chạm đến đất Phật, giống như kiểu mình từng được gieo duyên ngày trước.

🌳LẦN THỨ NHẤT Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG: LÓNG NGÓNG, BỠ NGỠ, TÒ MÒ…
🌳 LẦN THỨ 10 Ở BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG: QUEN THUỘC ĐẾN TỪNG BƯỚC CHÂN, DẠT DÀO XÚC CẢM!

Tối hôm cuối cùng của chuyến đi, cùng nhau quây quần thiền trăng dưới cội bồ đề thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng, mình có cảm khái chia sẻ với 355 thành viên chuyến Đại cộng hưởng Tứ Động Tâm thứ 7 của chúng mình, ngày đó, khoảng đầu tháng 3/2018, mình cũng từng có mặt tại chính nơi này, trong cái vuông sân nằm sau lưng Tháp Đại Giác, bên dưới cội bồ đề thiêng như các anh chị bây giờ. Ngày đó, mình còn ngơ ngác lắm, còn chưa phân biệt được rõ ràng đâu là Phật Thích Ca Mâu Ni đâu là Phật A Di Đà, và mục đích khiến mình có mặt trong chuyến đi đến đất Phật ba ngày thời điểm ấy là… vì tò mò, để xem ngọn núi Linh Thứu có gì đặc biệt mà anh ca sĩ Tuấn Ngọc phải nhắc đến với nỗi ước ao mong được đến một lần đến vậy. Ngày mình tới lần đầu tiên là vào đầu giờ chiều. Buổi trưa tháng Ba, nắng oi ả, không có một chút gió. Tụi mình nghe các thầy giới thiệu, rồi mọi người được khuyến khích mở quyển kinh được gửi kèm ra đọc. Trong lúc mình đang đọc, có hai chiếc lá bồ đề từ trên cây rơi xuống trúng mình, một trúng đầu, một rớt lên vai. Ngỡ là chút duyên vui vui vậy thôi, đem ép vào trong quyển kinh. Nào ngờ, bây giờ nhìn lại, mới thấy, cái duyên mở ra dài dài về sau, có lẽ cũng từ hai chiếc lá bồ đề ‘giao nhiệm vụ’ đó 🙂

Để rồi từ đó, đi về, trong lòng mình thôi thúc mở được những chuyến bay tương tự, cho những ai là bạn trên trang mình, những ai hữu duyên với mình, những người nào giờ có thể chưa phải là Phật tử, chưa có duyên đọc kinh nghe pháp, có thể có một chiếc cầu nối nhẹ bằng những chuyến đi nhẹ nhàng mà đong đầy cảm xúc thiện lành. Chuyến đầu tiên nhà MayQ mở ra vào tháng 10/2018, và dài, dài về sau…, đã thành một vệt rõ nét. Cho đến lần gần đây nhất, lần thứ 10 được đặt chân trở lại Bồ Đề Đạo Tràng, một cảm giác thân thuộc vô cùng khó tả bao bọc lấy mình ngay từ khi tụi mình bắt đầu qua khỏi cổng xét an ninh lần thứ nhất, rảo bước trên con đường hai bên nhiều cây to phủ rợp. Thân thuộc đến lúc cho đôi dép vào túi quải bên hông, và cứ thế, cứ bàn chân trân mà từng bước chạm nền đất mẹ thiêng liêng, mỗi bước đi là một bước cảm nhận rõ mình đang được ‘sạc pin’ từ đất mẹ nơi này. Lần thứ 10 này, mình đã lâu thôi không còn lóng ngóng đường đi nước bước bên trong Bồ Đề Đạo Tràng mênh mông, chân rảo bước về khu vực dưới cội bồ đề thiêng, và một điều mà chúng mình mong ước đã lâu nay mới tựu đủ duyên thành hiện thực: được ngồi quây quần, tĩnh tâm, quán chiếu ngày Phật thành đạo dưới cội bồ đề. Sáng hôm sau, còn được cùng với 355 thành viên đọc kinh và lạy 108 lạy sám hối hướng về Tháp Đại Giác nữa chứ!

So với lần đầu tiên bỡ ngỡ ấy, mình đã trưởng thành hơn nhiều. Sau những phút bên nhau trong thời cộng hưởng chung, thời gian tự do cho mỗi cá nhân, lần thứ 10 này, mình hoàn toàn dành cho việc ngồi tĩnh tâm, trì Chú Lăng Nghiêm, và đi kinh hành 13 vòng quanh Tháp Đại Giác. Lại thêm một lần bồi hồi: cái thời mình sang lần đầu tiên đó, Chú Lăng Nghiêm là gì, mình còn chưa nghe tới tên, chứ đừng nói thân thuộc đến trì được nằm lòng như bây giờ… Lại thêm một lần biết ơn cái duyên xảo diệu nào đã khéo léo sắp xếp, đưa đẩy, để cho mình từng bước đi đến được ngày hôm nay. Thương lắm.

⛅️ LẦN THỨ NHẤT Ở ĐỈNH NÚI LINH THỨU: NHẮM MẮT THẤY CẢNH
⛅️ LẦN THỨ MƯỜI Ở ĐỈNH NÚI LINH THỨU: CÙNG ĐẠI CHÚNG TRÌ KINH PHÁP HOA, LẶNG NGẮM MẶT TRỜI BÌNH MINH VÀ CẦU VỒNG

Vì lý do chính dẫn mình đi chuyến Ấn Độ ba ngày ngày ấy VietJet mời là để biết núi Linh Thứu, nên thời điểm đó, mình đã vô cùng hào hứng thức dậy sớm để cùng một số anh chị trong đoàn ngồi xe từ Bồ Đề Đạo Tràng để đến núi Linh Thứu là vừa lúc mặt trời lên. Ngày ấy, mình như một chú thỏ la cà, thấy mặt trời lên sườn núi đẹp quá, cứ dừng lại mà chụp cảnh mải miết, đến khi lên đến nơi, đại chúng đã ngồi lại tụng kinh đâu được một lúc rồi. Sợ nhảy vào giữa chừng cũng không bắt kịp mọi người, lúc ấy, cũng không biết cái gì dẫn dắt, mình quyết định lẳng lặng đi tìm một chỗ khuất khuất ở đàng sau, nhắm mắt, khẽ hít thở nhẹ nhàng và nương theo thời kinh mọi người đang đọc thôi. Thì chao ôi, chỉ sau ba hơi hít thở, mình bỗng ‘nhìn thấy’ một bức tranh tuyệt đẹp ngay trước đôi mắt nhắm của mình! Bức tranh làng quê thanh bình, có từng lùm cây, có câu cầu, có làng mạc nhấp nhô…, và đặc biệt, toàn bộ bức tranh ấy toàn một màu tím! Mình giữ mãi sự tập trung vào khung cảnh ấy, mãi cho đến khi thời kinh kết thúc thì cũng là tầm hai mươi phút sau, mình mở mắt ra…, cả một sự an lạc và hoan hỉ khó tả!

Đó, không ngờ cũng là lúc bắt đầu một hành trình dài thật dài, dẫn dắt mình đi dài hơn vào con đường phát triển tâm linh của mình, và của các bạn hữu duyên với mình nữa. Cũng từ sự vi diệu được trải nghiệm ngay trên đỉnh núi Linh Thứu trong lần chạm ngõ đầu tiên, mà sau đó chúng mình đã kịp làm nhiều điều: hơn 1.000 vòng hạt gỗ thỉnh từ núi Linh Thứu đã được gieo duyên cho những ai bị bệnh nan y hay hiếm muộn, rất nhiều ca đã phản hồi vô cùng tích cực. Và hơn nữa, núi Linh Thứu cũng là một trong những động lực chính khiến cho chúng mình dốc tâm mở được những chuyến bay, đưa người về bén duyên đất Phật. Vì vậy, trong tất cả những chuyến đã qua, cho dù là chuyến ngắn 3-4 ngày hay chuyến dài 6 ngày, mỗi chuyến đi đều không thể thiếu địa điểm quan trọng là núi Linh Thứu!

Và, thân thương đến mức, mình mỗi lần đặt chân lên núi là một cảm giác thân thuộc và yên tâm tuyệt đối như thể ‘về Nhà’, cả mười lần đã qua, lần nào cũng cho mình và tất cả các thành viên trong đoàn của chúng mình những trải nghiệm thật sự khó quên, đầy vi diệu. Mà thương cái nữa, không gian thiêng liêng của núi Linh Thứu luôn dành cho chúng mình những bất ngờ, nên không có lần nào giống hoàn toàn lần nào, dẫu lần nào cũng sẽ diễn ra ở một trong hai thời khắc đặc biệt: hoặc là bình minh, hoặc là hoàng hôn. Những lần sau này, chúng mình luôn cố gắng đưa mọi người đi lên đỉnh núi đón bình minh. Và sau bốn năm, từ một người không biết phân biệt Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với Đức Phật A Di Đà ở lần đặt chân lên núi lần đầu tiên, buổi sáng hôm chạm lại lần thứ 10, mình đã thổn thức biết bao, khi được cùng với toàn thể đoàn gồm 355 con người, cùng trì Kinh Bổn Môn Pháp Hoa ngay trên đỉnh núi thiêng, nơi mà ngày xưa Đức Phật từng thuyết giảng Kinh Pháp Hoa cho chúng Bồ tát ở trong định! Và, như thể tặng thêm cho chúng mình một khoảnh khắc bất ngờ đầy vi diệu nữa: ngay sau khi chúng mình vừa trì xong phần kinh chính, mặt trời hồng rực vừa hay ló dạng ra khỏi rặng núi xa, và ngay đàng sau lưng chúng mình, chính là một chiếc cầu vồng!

Mình chỉ biết nói, thiệt biết ơn, biết ơn, biết ơn biết bao những gì mà con và chúng con đã cảm nhận, đã trải nghiệm. Và mình biết, những cảm giác này chắc chắn sẽ trở thành những cú hít ‘động tâm đạo’ thực sự mạnh mẽ cho tất cả những ai có cơ duyên được cùng san sẻ thời khắc tuyệt vời đó. Để rồi, dài về sau này, họ sẽ không để cho cuộc sống họ trở lại như trước đây đã từng. Thương lắm!

⛈ LẦN THỨ NHẤT Ở LÂM TÌ NI + LẦN THỨ 7 TRỞ LẠI LÂM TỲ NI: ĐỒNG LÀ BÀI THI ‘KHỐN CẢNH TẬN CÙNG SINH SỨC MẠNH’

So với hai địa điểm mình nhắc ở trên, chốn thứ ba này mình được đến viếng ít lần hơn. Nhà MayQ mở được bảy chuyến đi viếng Tứ Động Tâm, thì mình cũng vừa quay trở lại vườn Lâm Tỳ Ni được đến chẵn lần thứ 7.

Và cũng so với hai địa điểm trên, vốn vô cùng thân thương, ‘dễ thương luôn luôn’ với mình, mình luôn nghĩ về thánh tích vườn Lâm Tỳ Ni với một cảm giác phức hợp vừa thương vừa… sợ. Thương thì dĩ nhiên là thương rồi, nhưng vì sao lại có nỗi sợ nào len lén vào đây? Là vì, mình nghiệm thấy, địa điểm đặc biệt này luôn dành cho chúng mình những ‘đề thi’ hóc búa, lần nào cũng muốn vắt kiệt óc, xoắn cả não, cùng quyết tâm và độ linh hoạt, nhanh trí cũng phải thuộc hàng cao độ mới qua khỏi được mấy cái đề thi đó.

Trong tất cả bốn thánh tích, vườn Lâm Tỳ Ni nằm ở xa xôi nhất, lại ở bên kia biên giới, thuộc đất nước Nepal rồi. Ngồi xe cả một ngày ròng, lần này sang, chính phủ Ấn đã kịp làm lại đại đa số đường chính nối giữa bốn thánh tích, nên còn đỡ, chứ trước đây, đường giằn xóc thôi rồi. Trên đường dài lại còn có thể gặp đủ thể loại lễ hội tưng bừng có thể gây kẹt xe hàng nhiều tiếng đồng hồ, và nỗi ‘kinh hoàng’ lớn nhất, chính là cái nạn… xếp hàng dài dài dài chờ được duyệt xuất cảnh và nhập cảnh ở biên giới Ấn Độ – Nepal bởi một đội ngũ nhân viên mà tụi mình hay gọi vui là ‘nghệ nhân kiểm duyệt’, bởi cái sự tiêm tế, chậm rãi và… lâu lắc của các anh í. Ngày sang Lâm Tỳ Ni lúc nào cũng là ngày thử thách lòng nhẫn nại và học chữ ‘tùy duyên’ nhiều nhất, cho nên, bước qua được ngày này, trong đoàn nhìn ai ai cũng muốn… trưởng thành hơn một bậc, hihi.

Mà đó là mới nói đến những trở ngại ‘bình thường’ thôi đó nha! Còn riêng với mình, không biết có cái duyên đặc biệt gì, mà ngay từ lần đầu tiên, Lâm Tì Ni đã tặng cho mình một bài thi cực khó: kẹt xe dài dẫn đến vô tới Lâm Tỳ Ni đã chiều muộn sắp đến giờ đóng cửa, mọi người được dồn vào trong viếng đền thờ Hoàng hậu Maya Devi một cách vội vàng cho kịp, dẫn đến một số không ít người bắt đầu… chuẩn bị nổi nóng vì vượt đường sá xa xôi, vừa mệt vừa đói, rốt cục đi tới nơi mà cái thời khắc thiêng liêng ấy lại trôi đi quá vội. Anh đối tác phụ trách đoàn thời bấy giờ nhanh trí đẩy mọi người ra ngồi nghỉ mệt ngoài hồ nước phía sau đền thờ Maya Devi. Và anh giao cho mình một ‘bài thi’ nghiêm trọng: làm sao để ‘dỗ’ cho gần hai trăm con người đang vừa mệt vừa đói vừa nổi quạu này… hết quạu! Để rồi trong khoảnh khắc không còn kịp suy nghĩ cân nhắc gì nữa, bản năng ‘cứu hiện trường trong những lúc thủng sóng truyển hình trực tiếp’ của thời mình còn làm MC truyền hình đã thực sự… cứu mình. Mình đã lấy những kỹ thuật hướng dẫn hít thở mà cô giáo yoga vẫn thường hay hướng dẫn cho mình tập, đem lại hướng dẫn cho đại chúng. Đề thi ngặt nghèo hơn một bậc khi… chỉ nói được vài tiếng, là loa hết pin! Mình lại lao thêm một bước, là mở nhạc có sẵn trong điện thoại, và dùng giọng chân phương của mình, bước lui bước tới vòng quanh hồ, và hướng dẫn mọi người nhắm mắt, tĩnh tâm, hít thở, lấy năng lượng từ hồ.

Và kỳ diệu thay, chỉ sau vài chục phút ‘cứu nguy, chữa cháy’ ấy, mọi người… hạ hỏa thật! Nhiều người mở mắt ra trong sự nhẹ nhàng, khoan khoái, thậm chí nhiều người còn bảo họ không còn cảm thấy cần ăn cơm nữa. Nhiều người rơi nước mắt khi được yêu cầu nắm tay nhau, nói bốn câu xin lỗi và biết ơn của thời Ho’Oponopono… Khỏi nói, người mừng nhất là tụi mình, nhưng dài về sau, nhìn lại, mừng hơn nữa, từ sau vụ ‘khốn cảnh tận cùng’ đó, chính nhờ khốn cảnh đó đã khiến mình phát hiện ra một hoạt động mà sau này đã trở nên một ‘đặc sản’ của nhà MayQ qua mọi chuyến đi: tĩnh tâm dưỡng sinh, và kết nối qua Ho’Oponopono! Thật biết ơn cái lần đầu tiên đầy nghịch cảnh đó lắm!

Lần thứ 7 quay trở lại, thú thật trước khi đi, trong lòng mình có một chút… nghi nghi rằng thể nào ở lần thứ 7 sẽ có chút gì đó xảy ra, bởi từ khi nghiên cứu Nhân số học, mình biết, con số 7 luôn ẩn chứa những tác nhân gây biến động để từ đó con đường phát triển tâm linh xuất hiện. Và quả thật, đề thi lớn nhất, thử thách khắc nghiệt nhất đã dội xuống chúng mình đúng ngay cái ngoài đoàn tụi mình lên đường sang Lâm Tỳ Ni. Những cơn mưa trái mùa dữ dội kèm sấm chới đe dọa đã liên tục dội xuống dọc dài hành trình đoàn đi, khiến cho những ai cứng cỏi nhất cũng không thể tránh khỏi những phút giây chùng lòng. Mình cũng không nằm ngoại lệ. So với lần đầu tiên năm ấy, thử thách lần này xem ra chỉ có nặng nề khắc nghiệt hơn.

Thật lòng, những lúc như vậy, mình vô cùng biết ơn là trong mấy năm qua, mình đã được bén duyên với tâm linh, biết hành trì kinh kệ hàng ngày, biết nghe pháp giảng để hiểu nhiều hơn được chút, được truyền cho một số phương pháp để, trong những lúc nguy nan, thì không để nỗi sợ hãi chế ngự bản thân. Đêm hôm ấy, thức giấc lúc 12g20 trong tiếng mưa nặng hạt kèm sấm chớp bên ngoài, mình đã nhất tâm cầu nguyện. Tự nhiên, trong lòng mình hiểu rất rõ: chúng mình đưa đoàn mấy trăm con người đến đây không phải để làm những người thua cuộc, lầm lũi đội mưa đi về mà không có lấy bất kỳ một thu hoạch nào về tinh thần. Hẳn Ơn Trên đang giấu đâu đó những cái ‘mật mã’, những chiếc ‘chìa khóa’ vô hình mà, chỉ cần giữ mình đủ bình tĩnh, ta sẽ dần dò ra. Vì thế, thời thiền nửa tiếng giữa đêm đã cho mình một phác thảo hai kế hoạch song song trong những trường hợp ‘xấu vừa’ và ‘xấu nhất’. Gõ vào điện thoại vừa xong thì ekip cũng thức dậy. Một cuộc họp team nhanh để củng cố tinh thần nội bộ team, phà hơi tiếp sức, nâng cao sức mạnh đồng đội của MayQ cũng là điều nên làm, và thực sự, toàn bộ anh chị em nhà MayQ đã dốc lực tiếp tay với mình trong việc trấn an tinh thần khách chúng mình. Mình tiếp tục động viên đối tác đang đưa ra phương án xấu nhất, chỉ nói với các anh ấy một câu: Chúng ta cùng nhau nắm tay vượt qua bài thi này thật ngon lành, tôi tin chúng ta làm được!

Vậy mà…, chúng mình đã thực sự cùng nhau làm được, cứ như trong một giấc mơ!

Có lẽ, lòng thành và cả lòng quyết tâm của toàn thể chúng mình mạnh mẽ quá, động đến được Ơn Trên, khiến cho mọi chuyện sau đó xoay trở một cách diệu kỳ: người quản lý đền thờ Maha Devi đã cảm động trước tấm lòng của chúng mình, đã phá lệ, đặc cách cho chúng mình được ngồi yên bên trong đền thờ thiêng gần hai tiếng, trong khi mưa vẫn nặng hạt bên ngoài. Và thế là, lần đầu tiên, chúng mình được cùng nhau cảm niệm công đức Phật và Hoàng hậu Maya ngay trong chốn linh thiêng ấy, được cùng nhau trì Kinh Phật Bổn Sanh, được cùng nhau tự miệng mình ngỏ 108 lời khai tâm và lạy 108 lạy sám hối. Không gian thì chật, trước đó nhiều người thấy ngộp, vậy mà kỳ diệu thay, đến khi lạy, bao nhiêu người cũng thu vén được, cùng lạy bên nhau, nhất tâm nhất dạ. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi buổi sáng ngày hôm ấy, bên trong gian đền thờ thiêng liêng ấy, và sau đó, cả vòng quanh hồ nước thiêng, dẫu mưa vẫn cứ nặng hạt và mọi người vẫn co ro trong những chiếc áo mưa hay ô mỏng…

Để rồi, như thể xác nhận toàn thể chúng mình đã xuất sắc vượt ‘bài thi’, buổi trưa qua khỏi biên giới Nepal, mới nhắm lại chợp mắt được một chút, mở mắt ra, nắng đã ruộm vàng trên những cung đường quê hiền hòa, còn đâu những hồi mưa nặng hạt, còn đâu những sấm chớp đeo đẳng và nước chảy thành dòng? Tất cả làm cho chúng mình càng thêm cảm nhận rõ cái sự ‘ngũ uẩn giai không’ mà Bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh đã đề cập. Tất cả rốt cục chỉ là những bài thử mà thôi, chỉ cần chúng ta nỗ lực hết mình mà giải cho qua, mọi cái… trở về không, coi như chẳng có!

Hai cú ‘thử thách lớn’ cùng tại đất Lâm Tỳ Ni đã khiến mình ngộ ra một bài học lớn, đã từng rút ra thành tựa đề cho một bài viết trước đây của loạt bài này: đó là bài học về KHỐN CẢNH TẬN CÙNG SINH SỨC MẠNH. Ý này thực ra cũng đâu phải mới mẻ gì, bên tiếng Anh có hẳn một câu ngạn ngữ: You can’t know how strong you are until Being Strong is your Only Choice. Bạn không thể biết là bạn mạnh đến thế nào cho đến khi Mạnh mẽ là Chọn lựa duy nhất mà bạn có. Thấy chưa, con người chúng ta mạnh mẽ, giỏi giang, linh hoạt, đa trí hơn chúng ta nghĩ. Bình thường, chúng ta dễ phản ứng theo những cái gọi là ‘lập trình sẵn’. Vậy thì khốn cảnh tới sẽ cho chúng ta cơ hội… bị đánh văng ra khỏi những ‘lập trình sẵn’ đó, và buộc lòng, để sống sót, chúng ta… phải kiếm ra những cách mới! Và chắc chắn, đại đa số những ‘cách mới’ đó, chính là tài nguyên, là vốn liếng, là sự mở mang sâu rộng của bạn sau này, chứ còn gì nữa!

Mình đặc biệt biết ơn bài học kép này, đến và trở lại cũng vào những lần thật không tình cờ chút nào: lần đầu tiên và lần thứ 7. Hỏi mình, cái ngày nhìn mưa cứ trút nước xuống đường, và đất trời mù mịt một màu, mình có chắc ăn là tụi mình sẽ chạm được sự ‘vượt qua’, như trong thực tế hay không, mình nói, mình không chắc, bởi nó suy cho cùng vẫn là cái chưa xảy ra. Tuy vậy, mình vẫn có niềm tin hết sức mãnh liệt, bởi, trong tất cả mọi tình huống, mình chỉ quy về đúng ba nguyên tắc căn bản mà Kinh Dịch đã dạy:

_ Trong thuận lợi (khi đi lên) không được buông lơi cảnh giác, vì trong phúc họa sẽ sinh.

_ Trong khó khăn (lúc đi xuống) không được lo lắng, bởi đường đi xuống cũng là một lộ trình đương nhiên của Vũ trụ, và luôn có cách giải quyết, ngay cả lúc khó khăn nhất.

_ Trong lúc cùng đường, đừng tuyệt vọng, bởi ‘Vật cực tất phản’: cái gì chạm đáy, sẽ đâm đầu đi lên trở lại.

Cái chúng mình được qua bài học Khốn cảnh tận cùng sinh sức mạnh này, mình nhìn lại, thấy rõ ràng nhất, là:

_ Đội ngũ nhà MayQ tin tưởng, hết lòng với nhau hơn, bởi ngày đó, trong buổi họp đầu ngày trước khi ‘vào trận’, mình có nói: Trận này cam go, sức lực của chỉ mấy thành viên ban lãnh đạo thôi không đủ, mà cần sự chung tay, hết lòng từ tất cả toàn bộ thành viên TL nhà mình. Buổi sáng hôm đó, kéo dài về sau, mình nhìn mấy chục bạn TL nhà MayQ cùng quỳ lạy, đọc kinh, nắm tay kết nối… cùng nhau và cùng mọi người, lần nào cũng muốn rưng rưng, muốn khóc 🙂

_ Đối tác khắn khít và thương quý nhau hơn một bậc: Cổ nhân có nói, qua hoạn nạn mới biết lòng nhau. Trước giờ đối tác phía Ấn Độ vẫn luôn nhiệt tình, tử tế với chúng mình trong phối hợp triển khai các chuyến đi. Tuy vậy, chính xác là từ cái buổi sáng ngặt nghèo đó, khi tất cả mấy chục thành viên chúng mình đã không còn phân biệt ai bên phía MayQ ai phía đối tác nữa, mà đã thực sự nhất tâm hết lòng tìm cách ‘binh’ sao cho đoàn vào được đất Lâm Tỳ Ni mặc cho mưa to gió dữ, và sau tất cả, chứng kiến được cảnh cả đoàn mấy trăm con người được cùng hưởng thời cộng hưởng lợi lạc thiêng liêng cùng nhau bên trong đền thờ Ngài Maha Maya Devi, tất cả chúng mình chính thức coi nhau thành một team luôn rồi! Phía mình càng quý các bạn bội phần vì sự lăn xả, hết mình để cùng với chúng mình tìm phương án tốt nhất. Phía bạn thì nói các bạn thương và nể chúng mình vì sự quyết tâm không lùi bước của chúng mình… Sự thương quý, tin tưởng lẫn nhau đi qua khó khăn thử thách như vậy, thật lòng không phải ai cũng may mắn có được.

_ Các hành khách trong chuyến đi động tâm đạo và tăng thêm niềm tin vào những điều nhiệm màu: Ngày sang Nepal, ngay từ đầu buổi sáng, đã có những tín hiệu không mấy thuận lợi như mưa xuống khi đoàn vừa đang đi trên sông Hằng, khiến nhiều hành khách trở tay không kịp, dẫn đến bị ướt. Rồi trong suốt ngày đi, mưa cứ vần vũ khiến lòng người không an. Cảnh chờ đợi, đói bụng cũng làm nhụt chí không ít người… Trước những điểm cộng dồn bất lợi chồng bất lợi về tâm lý đó, để lỏng tay chèo một cái… là nguy cơ ‘vỡ trận’ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cũng chính ở những bờ ranh giới mong manh về tâm lý đó, chỉ cần họ được trải nghiệm rõ, rằng chỉ cần họ cùng nhau đồng lòng vượt qua, mà không để cho cái sân giận bản năng tự nhiên chế ngự, mà hơn nữa, lại còn có thể cùng nhau biến khó khăn thành sức mạnh, biến thử thách thành bài học sinh động để trưởng thành… Thì sau đó, thực tế nghiệm chứng những điều này, đại đa số các hành khách của chuyến đi đều tự mình xoay chuyển nhận thức! Đó, suy cho cùng, chẳng phải là mục đích tột cùng của một chuyến đi theo hành trình ‘Tứ Động Tâm’ này hay sao?

Buổi chiều cuối cùng, bước ra máy bay, bầu trời Ấn Độ chiêu đãi cho một cầu vồng đôi rực rỡ. Sự hoan hỉ và biết ơn tột cùng với vùng đất này cũng theo đó mà tròn đầy. Mà, nói thật lòng, không cần đợi đến sự xuất hiện của cầu vồng hay cầu vồng kép, lòng thương kính và sự biết ơn của cá nhân mình và nhà MayQ đối với đất linh thiêng này đã vẫn luôn tròn đầy như thế. Bởi vì, quay trở lại đây đã được lần thứ 10 chẵn chòi, các anh chị em khác của MayQ có người cũng được tới lần thứ 7 thứ 8, tụi mình đều hoan hỉ nhận ra rằng: chúng mình có duyên sâu đậm với vùng đất này, và đó hẳn là một mối duyên lành. Cho nên, cho dẫu Vũ trụ có bày ra cho chúng mình những mưa cùng nắng, những gì có thể thuận duyên hay chướng duyên, chúng mình đều hiểu, đó đều là những yêu thương mà Ơn Trên đang vi tế sắp xếp, để làm những bài thử nhỏ lớn cho chúng mình cùng nhau vượt qua. Thế thì, chỉ cần ngày nào thế giới này còn được thông thương, nhà MayQ tụi mình lại tiếp tục nguyện xin làm một nhịp cầu nhỏ bé, đưa thêm ngày càng nhiều hơn những con người hữu duyên với vùng đất này được chạm ngõ đất Phật. Bởi, như mình đã cảm ngộ sâu sắc, các vùng đất linh thiêng, không phải ai muốn tới là tới. Nhưng cũng ngược lại, ai đã từng có duyên gắn bó, dẫu trong tối thiểu một đời kiếp xa xưa nào đó, thì khi duyên đã chín mùi, thể nào bạn cũng được bằng cách nào hay cách khác, được thôi thúc để được đưa trở ‘về Nhà’…

Thương lắm!

(15.10.2022 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart