ĐỂ HIỂU VÀ THƯƠNG
Khi gặp những chuyện bất ý với một vài người, họ có thể là những người thân thương của mình, cũng có thể là người lạ lướt qua, chúng ta thường sẽ nhủ lòng rằng, họ đến để dạy cho ta một bài học nào đó, để ta học hiểu và thương cho những điều chưa hoàn hảo của họ nhiều hơn. Nhưng Hiểu và Thương, hai từ nghe có vẻ đơn giản vậy đó, vậy mà, để học và hành, đôi khi, con người ta phải mất cả cuộc đời…
Mình nhớ, trên chuyến xe từ lớp căn bản Quản trị cuộc sống với Nhân số học tại du thuyền Mekong Cruise trở về, lần lượt từng thành viên lên chia sẻ về những chiêm nghiệm của mỗi người sau khóa học. Trong những sự ngẫm ngộ của mỗi người, đến lượt một bạn học viên, chưa kịp trình bày, nước mắt bạn đã rơi. Bạn bảo: “Học xong, mình thấy thương chồng con mình quá. Hóa ra, bấy lâu nay, chồng và con phải chịu cái ‘tánh’ kỳ cục của một người có nhiều con số 6 như mình”.
Chỗ này phải mở ngoặc nói thêm xíu, cho những bạn nào chưa hiểu ‘cái tánh của người có nhiều con số 6’ là như thế nào. Người số 6 bình thường, khi chọn lối sống tích cực, họ sẽ có khả năng sáng tạo mạnh mẽ, năng lượng yêu thương dồi dào. Họ là những người đặt gia đình lên trên hết. Nhưng, nếu trong biểu đồ ngày sinh của bạn ngẫu nhiên có từ ba con số 6 trở lên, gặp thêm tên của bạn được dặm thêm một vài con số 6 nữa, thì lúc này, năng lượng cực đoan của quá nhiều con số 6 có thể lại trở thành nguồn cản trở bạn hạnh phúc hay an yên trong chính tình yêu thương của mình. Chính năng lượng yêu thương quá lớn cùng với nguồn năng lượng dễ bị trồi sụt, đôi khi biến họ thành những người khá cực đoan trong yêu thương, mong muốn chiếm hữu cao dẫn đến những người được thương cảm thấy ngột ngạt và khó chịu. Nhưng có mấy ai trong cuộc, chịu chấp nhận là cái ‘tánh’ đó của mình kỳ cục đâu, mà sẽ luôn đổ lỗi rằng, tại sao mình yêu thương người ta, chăm lo cho người ta như vậy, mà người ta không đón nhận những yêu thương của mình như cách mình đang dành cho họ?
Và rồi, chỉ sau ba ngày học, khi vẽ ra được chiếc biểu đồ ngày sinh với ngẫu nhiên trong ngày sinh, tháng sinh và năm sinh của mình có tới ba con số 6, ngẫm lại nhiều tình tiết quả thực đã diễn ra trong đời sống hôn nhân của mình, trong mối quan hệ của mình với đứa con gái mình thương như trứng mỏng, lại hết lòng khó chịu với tình thương của chị, nằng nặc một mực… đòi dọn ra ở riêng khi nó vừa đủ 18 tuổi…, chị đã sa nước mắt. Đã nhiều năm, chị không tài nào hiểu được, vì sao chị hết lòng hết dạ như vậy, với chồng, với con, mà rốt cục mạnh ai nấy đều… sợ hãi và xa lánh mình? Để rồi, những giọt nước mắt khi ngộ ra, ‘Tiên trách kỷ hậu trách nhân’ – Trách mình trước mới trách người, đã không còn là những giọt nước mắt vì tủi thân, vì thương thân mình, mà là… chuyển sang thương cho những ai kề cạnh mình, phải chịu đựng mình trong suốt những quãng thời gian dài. Lúc bấy giờ, mọi người trên xe mới bảo: “Không sao đâu, khi đã nhìn ra được vấn đề, hiểu mình đang bị mắc ở đâu thì tìm cách tháo gỡ. Tối nay về, nhớ là ôm chồng một cái, ôm con một cái, rồi từ từ mình điều chỉnh cách sống, cách thương của mình dành cho ‘mấy người ta’, thì từ từ mấy người ta cũng sẽ hiểu và thương mình trở lại thôi mà!”. Rồi cả xe cùng nở hoa, và gửi niệm lành cho bạn, chắc chắn sau chuyến đi này về sẽ luôn ý thức để ‘nhổ bớt con số 6 quá dư’ của mình bằng cách chia bớt ‘năng lượng thương’ của mình vào những việc sáng tạo khác như thêu thùa, vẽ, âm nhạc…, thậm chí vào trong việc dọn dẹp nhà cửa hay nấu nướng, để mình trở thành một người với những con số 6 tròn đầy năng lượng và yêu thương một cách chừng mực hơn.
Những trường hợp này không còn xa lạ gì trong các lớp về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của chúng mình. Phần lớn, mọi người đến để tìm hiểu tại sao chồng mình kỳ cục quá, tại sao con mình không nghe lời mình, tại sao khi đi làm sẽ gặp chuyện với đồng nghiệp,… Nhưng chỉ cần sau khi hoàn thành khóa căn bản về Nhân số học, các bạn ấy sẽ thôi không còn đặt những câu hỏi như vậy nữa. Họ hiểu ra, vấn đề không nằm ở đối phương, mà nằm ở chính họ. Họ nhận ra, hóa ra, trước giờ ngay cả chính họ cũng hoàn toàn không hiểu gì về bản thân mình cả. Và thông qua những con số ngày tháng năm sinh và những phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản, họ dần dà mở ra được những điều còn ẩn sâu bên trong mình, về những điểm mạnh điểm yếu để từ đó cải thiện. Hiểu mình là bước đầu, để dẫn đến hành trình hiểu người. Và khi ‘hiểu mình, hiểu người’, ‘biết người biết ta’ thì ‘trăm trận ít có thua’, phải không?
Không chỉ để hiểu hơn bản thân mình, việc hiểu biết nhiều hơn một con người thông qua các dữ liệu Nhân số học cũng giúp chúng ta dễ bắt cầu nối để hiểu và thương những con người cụ thể xung quanh chúng ta hơn. Chẳng hạn, trước đây chúng ta có thể sẽ khó chịu với một người thân trong gia đình, hoặc người yêu, người đồng nghiệp… vì những dạng tính tình hơi kỳ cục, hoặc quá nóng nảy, hoặc quá ‘khó thương’. Để rồi giờ đây, khi nhìn được người ta qua lăng kính Nhân số học, sẽ dễ cảm thông, vì sao tính khí họ dễ ra thành như vậy. Cái này giải quyết được nhiều vấn đề lắm nè. Cụ thể như,, nếu ‘con người kỳ quặc, khó thương’ đó nằm trong một mối quan hệ không mấy gắn bó thân gần với mình, mình sẽ thấy mình dễ dàng hơn việc cho qua, không mấy mảy may để ý đến những tác động của họ với mình nữa. Tuy nhiên, nếu ‘người ít dễ thương’ đó lại nằm trong một mối quan hệ rất thân gần với mình, thì ít ra mình cũng tìm được lý do vì sao người ta như vậy, và từ đó, sẽ đủ hiểu biết dùng các phương cách nâng dần năng lượng tự thân cao ổn định, và dùng nhiều cách thức linh hoạt và nhẹ nhàng, để dần dần xoay chuyển, cảm hóa con người đó. Chứ cái này mà chiếu theo bản tánh tự nhiên của hai con người mà không có một chiếc ‘kính lúp’ soi chiếu bản thân để hiểu và thương được những nhược điểm của nhau, thì hai cái bản ngã to đùng vấp vào cạnh nhau, trước sau gì… cũng có ngày ra chuyện, kiểu như nhiều mối quan hệ hôn nhân kém cơm lành canh ngọt, hay cha mẹ con cái bất hòa… vẫn đang diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện tại.
Và cũng vì điều đó, mà trong những lớp gần đây, thỉnh thoảng tụi mình sẽ nghe những phần chia sẻ thiệt dễ thương: “Tụi em đi học tới lớp này là ba mẹ bắt em và người yêu phải cùng đi nhau, ít nhất là hai cấp độ 1-2 của nhà MayQ rồi mới cho làm đám cưới!”. Hihi, khỏi cần phải hỏi cũng có thể ‘truy’ ra ngay, thông thường ba mẹ của những cặp đôi này đều đã là những người học lên đến cấp độ 4, 5, thậm chí là cấp độ 6 của nhà MayQ rồi, nên họ hiểu được những gì diễn ra trong những lớp học, có tác động tích cực đến nhận thức và cách sống của một con người nhiều như thế nào. Đây cũng là cách mà các bậc làm cha làm mẹ muốn cho các con mình được thấm đẫm trong một môi trường với năng lượng thanh lành, để cho các con trước hết là hiểu chính mình, sau đó là hiểu những ưu khuyết điểm của đối phương để có những cách cư xử, và đối đãi với nhau sao cho thuận hòa. Ví dụ như một anh chồng số 3 sẽ hiểu được mình là người có tính gia trưởng cũng như phần lý trí cao trong người, nên phải chủ động hạn chế lại. Hoặc một người vợ có con số chủ đạo 8 độc lập, tự chủ thì phải biết yếu mềm một tí, bộc lộ những yêu thương của mình ra bên ngoài để cho những người xung quanh không cảm thấy ngột ngạt. Hoặc giả, các bạn sẽ biết cùng nhau làm những gì để truyền thông cùng nhau tốt hơn, kết nối, sẻ chia với nhau, là một dạng ‘điền con số 5 ảo’ vào, đặc biệt khi cả người chồng và vợ trong cùng một gia đình đều không có con số 5, và quả tình tính tình mỗi người cũng dễ bị co rụt, không dễ mở lòng. Hoặc như mỗi người sẽ biết ý thức mà chú ý lắng nghe đối phương nhiều hơn, bớt đi ‘cái tôi cực đoan’ nếu chúng ta có nhiều hơn hai con số 1… Hoặc giả chúng ta sẽ biết cách bớt đi sự cầu toàn, khó tánh, đặt kỳ vọng quá cao vào những người thân hay chính bản thân mình, nếu chúng ta lỡ có quá nhiều con số 9…
Nói một cách tổng quát, mỗi chúng ta đến đời này đều phải học và thi những bài thi riêng. Mỗi người cũng sẽ có những nét tính cách, điểm mạnh điểm yếu chẳng ai giống ai. Chỉ khi ta chấp nhận mình có nhau, chấp nhận hiểu và thương cả những điểm mạnh và khiếm khuyết của người ta, cùng nhau cố gắng để trong phiên bản tốt hơn, ấy là lúc, cả hai đã hoàn thành được bài thi ‘hiểu và thương’ trong cuộc đời này.
Cũng có nhiều em nhỏ đến với các lớp học của tụi mình, phần lớn các con được ba mẹ gửi vào để được định hướng về tính cách và nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng mấy ai trong số ba mẹ ấy nhận ra, phần lớn bên trong các con là cả những khoảng lòng khó nói, và tất cả những điều đó đều liên quan đến ba mẹ. “Ba mẹ cứ mãi coi con là một đứa trẻ, không để con tự lớn, không cho con làm những việc con thích mà luôn là người quyết định mọi điều trong cuộc sống của con”, “Con học trường nào, đi chơi với ai, đều do ba mẹ chọn”, “Ba mẹ chỉ lo kiếm tiền, lo đủ đầy cho con về vật chất, mà không biết rằng, cái con cần là tình thương chứ không phải là tiền của ba mẹ”…
Nhìn những gương mặt của các con khi ấy, lúc đó mình chỉ ước rằng, giá như ba mẹ của các con có mặt tại đây, để lắng nghe những điều này. Trong lớp học ngày hôm ấy, cũng có những người đang làm cha làm mẹ nghe được những tâm tư của các con, lúc ấy họ mới tự suy ngẫm lại chính mình. Thông thường, tâm lý chung của cha mẹ là mình đã đi trước, trải qua nhiều biến động của cuộc sống rồi nên mình sẽ có những cái nhìn sáng suốt hơn, chính xác hơn. Nhưng thực chất mỗi môi trường mỗi khác, mỗi thế hệ mỗi khác và đôi khi góc nhìn của ba mẹ cũng không hoàn toàn phù hợp với con. Vậy thì những lúc như vậy, việc ngồi lại lắng nghe ý kiến của nhau là vô cùng quan trọng. Ba mẹ hạn chế cái tôi của mình, con cái can đảm nói ra tiếng lòng của mình. Khi đó, sợi dây kết nối của hiểu và thương, mới được hình thành.
Đừng mong muốn hay kỳ vọng một ai đó phải hiểu mình. Đôi khi, chính bản thân ta còn không hiểu hết những nội tâm xao động và tiếng lòng của mình, vậy tại sao ta lại muốn người khác phải hiểu thấu mình?
Để hiểu và để thương, là một hành trình dài trong cuộc đời của mỗi người. Quan trọng là chúng ta chịu nhìn về phía nhau, lắng nghe nhau để từ đó, cùng nhau hóa giải những gút mắc và xây đắp tình thương dài lâu.
Chúc bạn có những mối quan hệ an hòa, được xây đắp bởi hiểu và thương! 🤗🧡
Gửi niệm lành cho tất cả,
(27.10.2022 – QH & MayQ Team)