KÝ SỰ HÀNH TRÌNH: MỘT NGÀY Ở YÊN TỬ

>
>
KÝ SỰ HÀNH TRÌNH: MỘT NGÀY Ở YÊN TỬ
MC Quỳnh Hương cùng team trong hành trình khảo sát tại Yên Tử

[Ký sự hành trình]

Một ngày tháng 1, năm 2021…

Khép lại lớp Căn bản Quản trị cuộc sống với Nhân số học tại Du thuyền Hạ Long, mình và một team nhỏ lên xe đi thẳng vào Yên Tử, chuẩn bị cho năm ngày tiền trạm ở đó, trước khi đón đoàn 300 thành viên cho chuyến Đại cộng hưởng vào cuối tuần tới.

10 giờ đêm, bốn cô trò đến khu Làng Nương Yên Tử. Tiết trời tháng 1 lạnh dưới 15 độ, vừa xuống xe gió đã thổi phà phà, lạnh buốt. Thế nhưng khi mở cửa bước vào căn phòng sẽ lưu trú trong những ngày sắp tới, mắt đứa nào cũng sáng trưng, không ngừng thảng thốt: “Sao có thể đáng yêu như vậy!” Một chiếc phòng nhỏ ở khu Làng Nương, với bốn chiếc giường được thiết kế theo dạng giường tầng đôi, không quá rộng rãi kiểu sang trọng nhưng đủ ấm áp, tinh tươm. Những ánh đèn vàng tỏa ra càng làm cho không gian ấm áp hơn. Và ‘chiếc tổ kén’ xinh xắn, ấm áp này đủ thương gần để bốn cô trò làm việc, nghỉ ngơi trong suốt những ngày lưu trú tại nơi đây, trong tiết trời đầu năm giá lạnh ở Yên Tử. 😊

Mình đặc biệt yêu dãy phòng này, vì bởi mỗi sáng thức dậy, chỉ cần mở cánh cửa phía sau phòng ra, là có thể nghe được tiếng suối chảy róc rách. Phía hành lang phòng, mình có thể đọc một thời kinh sáng, ngồi thiền, hít thở trong khung cảnh đầy hữu tình như thế. Không khí thanh lành, quyện với những âm thanh suối chảy róc rách vô cùng dễ chịu, để bắt đầu một ngày mới. 🌥

Những ngày ở Yên Tử, là những ngày tụi mình được ‘dẫn dắt’ đi theo một lộ trình không hề được định trước. Mỗi ngày đến, đều sẽ có những câu chuyện khác nhau, mà bao nhiêu kế hoạch định sẵn của chúng mình đều phải tạm ngưng, để ‘xách giỏ’ đi theo những gì xảy ra, những cái duyên dẫn dắt trong ngày. Và ngày đầu tiên ở Yên Tử, cũng là một ngày như thế.

Sáng ngày đầu tiên ở Yên Tử…

Những tưởng mấy cô trò sẽ dành trọn vẹn một ngày nghỉ ngơi sau chuyến công tác cuối tuần, nhưng không… Hôm đó, trời Yên Tử có nắng sau những ngày dài âm u. 10 giờ sáng, ánh nắng chan hòa khắp cả một vùng trời, không quá lạnh, không quá nóng, vô cùng thích hợp cho một ngày khám phá Yên Tử. Chính vì vậy, thay vì nghỉ ngơi, bốn cô trò quyết định đi tiền trạm cho chuyến Đại cộng hưởng vào cuối tuần. Mà, thay vì đi cáp treo theo lộ trình thông thường, một đứa nhỏ trong team nói: “Hay mình leo bộ từ dưới lên luôn không cô?”. Haha, một lời đề nghị nghe có vẻ hấp dẫn nhưng cũng phải cần cân nhắc một xíu vì… chỉ có bốn đứa con gái đi cùng nhau, không biết có đủ sức để mà đi trọn vẹn hành trình không, và cũng chưa có đứa nào từng đi theo lộ trình này trước đó. Nhưng nhìn sự háo hức của tụi nhỏ, mình cũng đồng ý. Và hành trình chinh phục 6.000m đường bộ từ chân lên đến đỉnh Yên Tử bắt đầu…

11 giờ, các cô trò sẵn sàng tư trang lên đường.

Ghé vào một quán ven đường, mua một ít hạt dẻ và chè lam ăn vặt dọc đường, khoảnh khắc ấy, chúng mình nào có ngờ được, hai túi thức ăn này đã ‘cứu đói’ bữa trưa của chúng mình. Tụi mình leo núi với một tâm thế lạc quan, rằng sẽ có những trạm dừng chân ven đường, và chúng mình có thể dùng bữa trưa tại đó. Nhưng mà… cái câu ‘đời đâu như là mơ’ áp vào tình huống này, là có thật ^^

Điểm đến đầu tiên chúng mình ghé vào là chùa Giải Oan, một ngôi chùa nhỏ nằm ngay dưới chân núi Yên Tử. Tại đây, sẽ có hai ngả đường để bạn lựa chọn: nếu đi cáp treo thì đi hướng bên trái, còn nếu leo bộ thì đi hướng bên phải. Hỏi dò đường kỹ càng, tụi mình vẫn giữ quyết định ban đầu là đi theo đường bộ. Cầm những tấm bản đồ trên tay, bốn cô trò xuất phát.

Đúng là đường lên núi không hề dễ dàng chút nào. Những đoạn đường khó, dốc bắt đầu xuất hiện. Hơn một tiếng trôi qua, vẫn chỉ có bốn cô trò tụi mình trên đoạn đường ấy. Nhưng một điều đặc biệt là, trong chúng mình không hề có cảm giác bất an, lo sợ gì cả, vì tụi mình cảm nhận rõ mình được chở che trong mảnh đất này, tụi mình tin việc ‘dẫn dắt’ chúng mình đến quyết định leo bộ như thế cũng sẽ có lý do nào đó. Nên một lòng tin mà tiến về phía trước. 🙏

Quyết định đi ngẫu hứng nên chúng mình cũng chưa kịp tìm hiểu những thông tin chi tiết về những địa điểm nơi đây. May thay, khi những bước chân bắt đầu cảm thấy mỏi, và cũng không mường tượng được đoạn đường phía trước sẽ ra sao, sẽ có điều gì chờ đợi, thì trước mắt chúng mình xuất hiện một chòi tạp hóa nhỏ, cũng có thể coi đó như một trạm dừng chân ven đường. Một quán nhỏ không quá nhiều lựa chọn ‘mua sắm’, tụi mình gọi mấy quả trứng gà luộc, vài củ sắn, và mấy chai nước khoáng ngọt. Ngồi nghỉ mệt, cũng là lúc nhiều câu chuyện được mở ra. Anh chủ quán là người dân địa phương, ngày ngày leo từ chân núi lên đến đây để bán nước. Vì là người địa phương, nên anh am hiểu tường tận về những câu chuyện lịch sử diễn ra tại nơi này. Qua lời kể, và qua ánh mắt của anh, tụi mình cảm nhận rõ, tình cảm của anh dành cho vùng đất thiêng này nhiều đến chừng nào.

Một cuộc gặp gỡ chóng vánh trong tầm 30 phút, nhưng lại cho chúng mình quá nhiều dữ liệu, để có thể hiểu hơn Yên Tử một chút, và làm cho chúng mình cảm thấy thú vị hơn với hành trình phía trước.

Anh hỏi: “Lúc lên đây, mọi người có ghé ngang chùa Giải Oan không?”. Tụi mình trả lời: “Dạ có”. Rồi anh hỏi thêm: “Vậy mọi người đã biết gì về ngôi chùa này chưa?”. Tụi mình thú thật là chuyến đi sáng nay khá ngẫu hứng, nên chưa kịp tìm hiểu. Thì anh mới bảo: “Ngôi chùa Giải Oan này được thành lập, là do khi xưa vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông để tìm đến cõi Phật. Lúc ấy, rất nhiều cung tần, mỹ nữ đã đi theo và khuyên ông trở về nhưng không được, nên đã trầm mình xuống suối, ngay sát chùa Giải Oan bây giờ. Vua Trần Nhân Tông thương cảm họ, nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan. Từ đó, chùa và con suối mang tên là Giải Oan”. Như vậy, đã có rất nhiều người mất dưới con suối này. Nghe đến đây, trong đầu mình bật lên ý tưởng, là sẽ đọc thời kinh A Di Đà tại đó, để hồi hướng thêm cho chư hương linh đang ở đây, để giúp họ nương vào ánh sáng của Phật A Di Đà mà siêu thoát. Và thế là, ngày hôm sau, bốn cô trò quay trở lại nơi này, đọc một thời kinh A Di Đà. Không gian chùa yên tĩnh, giọng của chúng mình đều đều ngân vang, xúc động vô cùng. Chỉ có bốn người thôi, mà không khí đã vậy rồi, thì với đoàn gần 300 người, cùng nhau đọc chắc chắn lực sẽ rất mạnh và lợi lạc mang lại không thể tính đếm được. Và thế là, thời cộng hưởng chung đọc kinh A Di Đà tại chùa Giải Oan, chính thức được chúng mình đưa vào trong lịch trình hành trình chuyến đại cộng hưởng năm ấy.

Sau câu chuyện về chùa Giải Oan, anh kể cho chúng mình thêm nhiều thông tin về vùng đất này. Chẳng hạn như khoảng vài trăm mét nữa trên đoạn đường này, mọi người sẽ đi qua hàng tùng cổ khoảng 700-800 năm tuổi, thân rất to rắn chắc, rễ mọc lên đường tạo thành những bậc thang vững chắc để đi. Hay những câu chuyện Phật Hoàng Trần Nhân Tông, về tượng An Kỳ Sinh, đỉnh chùa Đồng cũng được anh kể một cách đầy hăng say và dễ ghi nhớ. Bên cạnh đó, anh còn giới thiệu cho chúng mình thêm một địa điểm, chính là Am Ngọa Vân, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt, nằm ở một vùng đất khác, cách Yên Tử mấy chục kilomet. Vậy đó mà, chỉ hai hôm sau, tụi mình lại hữu duyên được đến thăm Am Ngọa Vân như lời anh kể.

Tạm biệt anh, tụi mình mua thêm ít sắn và nước khoáng mang theo dọc đường. Đúng như lời hướng dẫn, tụi mình đã gặp được hàng tùng 700-800 năm tuổi, cao to, sừng sững oai vệ giữa đất trời. Lúc này, trời cũng đã đứng trưa, nhưng những cành lá to của hàng tùng, đủ rộng để che khuất một vùng trời nắng, cho chúng mình những bóng râm nhẹ nhàng, dễ chịu. Bốn cô trò, chẳng ai bảo ai, mạnh đứa nào đứa nấy vừa đi vừa dang tay ôm những thân cây vào lòng, miệng lẩm nhẩm bốn câu: “I’m sorry/Please forgive me/I thank you/I love you”, biết ơn vì những hàng cây cổ thụ này đã âm thầm làm bóng mát cho con người, cân bằng hệ sinh thái trong suốt bao nhiêu năm qua. Vậy đó mà thấy mình và thiên nhiên như hòa làm một. Những mỏi chân dọc đường vừa qua cũng tạm lắng xuống. Sạc được thêm một ít năng lượng, chúng mình tiếp tục hành trình. 🌳🌳🌳

Vượt những bậc dốc cao, tụi mình đến Vườn tháp Huệ Quang. Từ nơi đây nhìn xuống, xung quanh được bao bọc bởi những màu xanh mát của cây lá, như một phần thưởng dịu dàng cho hành trình đã qua của mấy cô trò. Ngắm nhìn đoạn đường đã qua, mà đứa nào cũng thảng thốt: “Không hiểu sao mình có thể làm được, haha”. Vườn tháp Huệ Quang được xem là trái tim của Yên Tử, nơi đây đang thờ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng như lưu giữ 97 ngôi mộ của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê. Nhận thấy được những năng lượng mạnh mẽ nơi đây, chuyến An: Về miền phúc địa trong tháng 9 sắp tới này, tụi mình quyết định đưa hoạt động nhiễu 13 vòng quanh tháp Huệ Quang, làm một trong những thời cộng hưởng chính của chuyến đi. Vì tụi mình tin, cấu trúc của vườn tháp Huệ Quang này, tựa như cấu trúc của một mandala, cùng với những năng lượng, oai lực tại nơi đây, đủ để giúp cho mỗi người khi tĩnh tâm đi nhiễu quanh tháp, đủ sức mạnh để xoay chuyển những nghiệp lực của mình, thanh tẩy những vấn đề tồn đọng của bản thân, để trong một phiên bản mới hơn, tốt hơn. Sau đó, cả đoàn cũng sẽ cùng nhau cộng hưởng một thời kinh tại vườn Hoa Yên ngay cạnh đó. Tụi mình tin, với nguồn năng lượng sẵn có nơi núi thiêng Yên Tử, cùng với sự cộng hưởng của hơn 350 thành viên trong đoàn, chắc chắn sẽ vô cùng lợi lạc, và sẽ là một cột mốc đáng nhớ cho mỗi người.

Quay trở lại với hành trình của bốn cô trò, rời Hoa Yên, tụi mình bắt đầu hành trình ‘chinh phục’ điểm đến tiếp theo, là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Đoạn đường đi bắt đầu khó hơn, những dốc cao và gập ghềnh hơn. Có những đoạn, tụi mình gần như phải dùng tay lấy lực để ‘bò’ lên dốc. Lúc này đây, những câu chuyện dọc đường của mấy cô trò tạm lắng lại, để tập trung giữ sức mà leo qua những ngọn dốc khó. Thấm mệt, nhưng không đứa nào dám than la một tiếng, vì bởi, ai cũng ý thức được một điều, mình chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiến về phía trước, không còn đường lùi. Và thế là, động viên nhau, cố lên!

Khó khăn lắm, tụi mình mới đi thêm một quãng đường nữa. Trời đã về xế chiều, trên đường không một trạm dừng chân. Tụi mình chia nhau mớ hạt dẻ, chè lam, và củ sắn mua khi sáng ăn. Nhìn cả đám như những chú sóc con, vừa đi vừa ăn hạt dẻ một cách ngon lành, hihi.

Đúng là hành trình này không hề dễ dàng với bốn cô trò, nhưng đứa nào cũng đầy niềm tin rằng tụi mình sẽ hoàn thành được đoạn đường này, để chạm đến được tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và xa hơn tí nữa là đỉnh chùa Đồng. Nhưng phải thành thật thừa nhận rằng, lúc này đây, đôi chân đã bắt đầu mỏi mệt, cơ thể bắt đầu lên tiếng, và lý trí cũng bắt đầu xuống tinh thần một tí. Nhưng kỳ diệu thay, ngay lúc yếu lòng nhất, trước mặt chúng mình, phía xa xa đang thấp thoáng một ngôi chùa. Cố gắng đi đến ngôi chùa, ngồi nghỉ chân một chút, tụi mình vào lễ Phật. Trong khuôn viên chùa, có một tượng Mẹ Quan Âm lớn, nhìn vào, mình bỗng nghe tim mình rung lên những nhịp đập kỳ lạ. Mình cùng hai đứa nhỏ trong team, ba cô trò chắp tay dưới tượng Mẹ, đọc ba biến Chú Đại Bi. Lúc bấy giờ, một luồng cảm giác an lành chảy qua trong mình. Nơi đây có một nguồn năng lượng rất mạnh, mình cảm nhận những sự rung động bên trong mình đang tỏa ra. Nhìn ba đứa nhỏ đi cùng mình trong chuyến đi này, khoảnh khắc này, mình có một niềm tin mãnh liệt, là tụi nhỏ khi trở về, sẽ trong một phiên bản thật khác. Sau đó, tụi mình xin sự gia hộ của Ơn trên, để có đủ sức khỏe và đủ niềm tin để đi trọn vẹn hành trình này. 🙏

Cứ sau mỗi chặng mệt mỏi, muốn chùng lòng, là tụi mình sẽ được duyên ghé vào những địa điểm như vậy, sạc pin và tiếp tục hành trình. Ngôi chùa tụi mình vừa ghé qua tên là Bảo Sái, mà sau này khi trở về, tìm hiểu thêm thì tụi mình mới biết, ngôi chùa mang tên một thiền sư từng tu hành ở đây, là đệ tử đầu tiên, thân tín của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Bảo Sái là người duy nhất được vua cho gọi về, ở bên và được nghe lời dạy cuối cùng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông về triết lý căn bản của nhà Phật trước khi ngài viên tịch. Biết được những điều này, tụi mình càng trân trọng và biết ơn chuyến hành trình đã qua hơn, vì nếu đi cáp treo, tụi mình sẽ không được viếng thăm ngôi chùa này, hay hàng cây tùng 700-800 năm tuổi kia. Vậy thì, chuyến đi bằng đường bộ của chúng mình, quả là một hành trình đặc biệt và đáng nhớ, cho chúng mình những trải nghiệm vô cùng quý giá, phải không? 😊

Cứ mỗi bước đi, mỗi lần vượt dốc, dù đã thấm mệt nhưng mấy cô trò vẫn luôn động viên nhau cố lên, sắp đến rồi. Thỉnh thoảng nói với nhau dăm ba câu chuyện vui dọc đường, cũng khiến quên đi bớt cái mệt về thể xác bên trong mỗi đứa. Càng đi, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ từ hiển lộ, từ xa đến gần. Cảm giác háo hức, vui sướng ngập tràn khi thấy tượng Phật càng lúc càng gần mình hơn một tí. Và gần bốn giờ chiều, tụi mình chính thức đặt chân đến khoảng sân dưới chân tượng Phật Hoàng. Cảm giác xúc động tràn ngập cõi lòng, một cảm giác thương quen, tựa ‘về Nhà’ ùa về.

Hoàng hôn dần buông trên đỉnh đồi, lúc này đây, tụi mình bắt đầu mở bản 108 lạy sám hối và khai tâm, để lạy thử trước khi chính thức đưa nó làm hoạt động chính tại chuyến đại cộng hưởng Yên Tử. Bạn biết không, bản 108 lạy sám hối và khai tâm, mà chúng mình đăng lên Youtube cách đây 2 năm, đến nay đã trở nên quá quen thuộc với những khán giả trên trang Fanpage và Youtube Quynh Huong Le Do này, đã được đứa nhỏ trong team mình dựng vào những ngày lưu trú tại Yên Tử, để được cộng hưởng những năng lượng thanh lành ở đây. Và lần đầu tiên, chúng mình lạy bản sám hối này, chính là buổi chiều hoàng hôn hôm ấy, trong tiết trời se lạnh của Yên Tử.

Từng lời sám hối và khai tâm vang lên, nhẹ nhàng mà chạm thấu tâm can: “Con nguyện tôn kính tôn trọng muôn loài – Con nguyện giữ tâm khiêm hạ và chế ngự những tật xấu – Con nguyện đem cả thân và tâm soi lại chính mình…”. Cứ mỗi một lạy cùng một lời dạy đi kèm, cúi gập đầu sám hối dưới chân tượng Phật Hoàng, nước mắt tụi mình tuôn rơi. Khoảnh khắc này, phút giây này, sao mà đặc biệt mà thân thương quá đỗi. Nhỏ bé giữa mênh mông núi đồi, nhưng tụi mình cảm nhận rõ được những luồng ấm áp, an lành tỏa quanh mình, như được bao bọc bởi những tình thương, và sự chở che vô hình nhưng đầy thương quen. Phút giây ấy, chính thức, tụi mình nhận ra, mình đang trở về ‘Nhà’. 🤗

Kết thúc 108 lạy sám hối, mấy cô trò ‘ơm ơm’ nhau đầy hoan hỷ, mặt đứa nào cũng sáng rỡ. Lên đến được đây, quả là một hành trình đáng ghi nhận và cố gắng của bốn cô trò. Lúc bấy giờ, hoàng hôn đỏ rực một góc trời, và chỉ sau thời hoàng hôn này thôi, trời sẽ sập tối khá nhanh. Nhìn đỉnh chùa Đồng còn khá xa, tụi mình quyết định sẽ đi xuống núi, và lên thăm Chùa Đồng vào ngày hôm khác. Thống nhất vậy rồi, tụi nhỏ rủ nhau chụp những tấm hình kỷ niệm nơi đây, còn mình tranh thủ ngồi tĩnh tâm một chút. Trong thời tĩnh tâm, mình nghe có tiếng lao xao, mở mắt ra thì thấy hai bạn trẻ khác cũng đang đảnh lễ nơi đây, và có ý định sẽ lên Chùa Đồng. Và thế là… bốn đứa mình thay đổi kế hoạch, sẽ không quay về ngay, mà quyết tâm leo lên đến đỉnh chùa Đồng, cho trọn vẹn hành trình một ngày.

Và thế là đi tiếp…

Sau bao nhiêu cố gắng, tụi mình cũng lên đến được đỉnh Chùa Đồng. Tụi nhỏ hét lên vì sung sướng. Bốn cô trò nằm ngả người trên mỏm đá, duỗi thẳng chân, dang rộng tay, bình yên hít thở những nhịp thật chậm và thật sâu. Cảm giác như mình đang gom tất thảy những thanh lành nơi núi thiêng Yên Tử vào lòng. Phút giây này, như một phần thưởng tuyệt vời mà nơi đây dành tặng cho chúng mình sau một ngày dài. Cũng chẳng thể giải thích được, tại sao tụi mình có thể vượt qua được những đoạn đường dài và đầy thử thách như thế. Chỉ biết giải thích rằng, nhờ vào sức mạnh của niềm tin và nhờ vào những sự trợ lực vô hình, đã giúp cho chúng mình vững vàng trong mọi bước chân, và kết thúc một chuyến đi trọn vẹn và đủ đầy vậy.

Đảnh lễ Chùa Đồng xong, tụi mình xuống núi. Màn đêm đã buông, tụi mình phải bật đèn flash trên điện thoại lên để soi đường. Hai bạn trẻ mình kể trên đã đi trước một quãng đường, nên lại một lần nữa, chỉ có bốn cô trò chúng mình cùng nhau. Để đoạn đường ngắn lại, tụi mình đã mở audio thu sẵn 108 lần Ho’Oponopono đọc cùng nhau dọc đường, cùng đọc những lời kinh trong cuốn Khấn nguyện trợ duyên, Kinh Lăng Nghiêm,… vừa hay, kết thúc lời kinh cũng là lúc tụi mình đến cáp treo, và xuống núi…

Về đến khu Làng Nương cũng đã 8 giờ hơn, phần thưởng tự dành cho chính mình đó chính là một bữa ăn tối thiệt ngon sau một ngày dài chỉ ăn hạt dẻ, chè lam, và củ sắn, hihi. Nhưng đó là những hạt dẻ, chè lam, củ sắn ngon nhất từ trước đến giờ mà tụi mình từng ăn, và sẽ nhớ thật nhiều trong hành trình sau này. 🤗

Gần hai năm trôi qua, hôm nay, ngồi gõ những dòng này, mà ký ức của những ngày ở Yên Tử ấy vẫn thật rõ nét và chảy dài trong tâm trí mình. Mấy đứa nhỏ đi cùng mình trong chuyến đi ấy, bây giờ cũng vững vàng và trưởng thành hơn nhiều, đủ lực để phụ mình trong những dự án dài hơi của nhà MayQ, mà chính tụi nhỏ cũng thừa nhận: “Chuyến đi Yên Tử đã thay đổi tụi con nhiều. Chuyến đi cho tụi con có niềm tin hơn vào chính mình, và như được bồi đắp thêm nội lực vô hình, để có thể đủ sức làm tốt công việc của mỗi đứa”. Và ngay cả những thành viên trong chuyến đi Đại cộng hưởng tại Yên Tử của nhà MayQ năm đó, cũng đã có thật nhiều sự đổi thay trong cuộc sống của họ, để rồi mỗi lần khi nhắc về mảnh đất này, ai cũng xúc động, rưng rưng một cảm giác ‘nhớ Nhà’.

Hành trình mình kể ở trên, là do bốn cô trò chúng mình chọn lối đi khó hơn, vất vả hơn, để trải nghiệm và cảm nhận những cảm giác đi từ chân núi lên đỉnh núi Yên Tử sẽ như thế nào. Còn với tính chất của đoàn lớn như Đại cộng hưởng, hay tour An, bạn yên tâm là đoạn đường đi sẽ dễ dàng và ngắn hơn nhiều, khi chúng ta sẽ được đi hai chặng cáp treo. Nhưng bạn cũng phải chuẩn bị một sức khỏe thật tốt, vì chúng ta vẫn phải leo bộ một vài quãng đường nhen! Nhưng tin chắc rằng, sự trở lại Yên Tử trong hành trình An: Về miền phúc địa 23-25/09/2022 cũng sẽ là một cột mốc thật đẹp, đáng nhớ cho MayQ và cho tất cả những ai sẽ có mặt trong hành trình này.

Hẹn gặp các bạn hữu duyên trong chuyến đi này nhen.

Gửi Niệm lành cho tất cả! 🌷🌷🌷

(15.08.2022 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart