NHỮNG TUỔI 18 – 20 ‘ĐẶC BIỆT’: SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

>
>
NHỮNG TUỔI 18 – 20 ‘ĐẶC BIỆT’: SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
MC Quỳnh Hương viết về tuổi trưởng thành

Ngồi gõ những dòng này khi lớp Cấp độ 2 Thấu hiểu cuộc sống với Nhân số học Offline tại Dak Lak của tụi mình đang bước vào ngày thứ hai. Càng ngày càng cảm thấy, các lớp cấp độ 2 càng ngày càng mở ra cho chúng mình những ‘kho’ đề tài mênh mông, vô tận.

Là bởi vì, nếu như cấp độ 1, Căn bản Quản trị cuộc sống với Nhân số học, chủ yếu tụi mình cung cấp cho các bạn những công cụ để các bạn tự vỡ vạc, soi chiếu cuộc đời mình, thì những ai cảm thấy thấm thía, sẽ chủ động muốn đi tiếp vào cấp độ 2. Ở đó, từng câu chuyện đời của các học viên mới được lần giở, mà như mình đã nói, càng về sau này càng thấy, những vấn đề giống nhau sẽ lần lượt được hội về cùng thời điểm.

Hội về thời gian gần gần đây, trải dài qua nhiều lớp cấp độ 2 cùng lúc, là vấn đề từ những người trẻ. Phải gọi là rất trẻ, tầm 18-19-20 tuổi, lứa tuổi vừa được coi là đủ trưởng thành để bước vào đời.

Nói là ‘đủ trưởng thành’ là căn cứ theo sự phát triển hoàn chỉnh của khung thể chất, chứ phần tinh thần bên trong, các con nào đã có kịp phát triển hoàn chỉnh gì đâu. Từ đó, mới dẫn ra biết bao nhiêu câu chuyện, mà nhiều khi nghe, thấy thương các con đứt ruột.

Gần đây nhất, trong lớp 2 Online mình đang dạy, là một cô gái trẻ sinh năm 2003, nghĩa là ở thời điểm 2022 này, cô bé vừa chạm 19. Em là sinh viên năm nhất của một trường đại học trong thành phố. Em cho biết, nhìn theo Nhân số học, em có con số chủ đạo là 6, và đúng thật, hệ quả của con số 6 đặc thù này, là em vô cùng bị dễ tuột năng lượng. Thêm nữa, biểu đồ hoàn chỉnh sau khi thêm họ tên của em vẫn thiếu con số 4 và 6, nên lắm lúc em thấy mình như một con bọ cánh cứng bị lật ngửa, cứ loay hoay trong chính vấn đề của mình, mà không biết làm sao để lật mình lại, mà bò đi tiếp. Vấn đề của em, cũng như rất nhiều người có con số chủ đạo 6 và/hoặc thiếu hoàn toàn con số 6 trong biểu đồ tổng hợp khác, chính là đề thi ‘kinh điển’ về tình thương: Em hoàn toàn thiếu tình thương của cả ba lẫn mẹ, mặc dù cả ba lẫn mẹ em đều còn có mặt đầy đủ trên đời!

Em cho biết, do ba mẹ em không hạp nhau, nên từ khi em nhỏ, tuy rằng trên giấy tờ vẫn họ là vợ chồng, nhưng ba mẹ em đã không còn ở cùng nhau trong một nhà nữa rồi. Ông một nơi, bà một nơi, và để thuận tiện cho việc làm ăn kinh doanh của ba mẹ, em… được gửi về sống với bà nội. Điều này tạo cho em một cảm giác thiếu thốn tình thương kinh khủng! Và hơn thế nữa, là cảm giác không biết nương dựa vào ai, không có ai để hỏi xin ý kiến hay chỉ dạy, vì có lẽ, vì đặc thù của những người già thuần chất phác, bà em chỉ có thể ‘nuôi’ em chứ không đủ sức ‘dạy’ em trở thành một con người cân bằng, bình thường.

Khi em bước vào lớp 6, một sự cố xảy ra khiến em bị cả lớp cô lập: Sau một bài kiểm tra, em phát hiện ra bạn cũng làm bài giống mình, sao bạn lại được điểm như vầy, mà mình… lại bị cô giáo trừ điểm cho là sai? Cái đầu con nít không hiểu được những điều tế nhị đàng sau, lúc đó chỉ cảm thấy như vậy là không công bằng, nên em cầm bài của cả hai lên xin hỏi lại cô giáo, mục đích là để cô chỉnh lại điểm số cho mình. Ai dè cô giáo đọc lại bài kỹ, nhận ra cô chấm điểm sót của bạn, thế là nâng điểm lại cho em thì không, hóa ra lại trừ lại điểm của bạn cho đúng với thực tế. Điều này làm cả lớp tức giận, cho rằng em ích kỷ, đố kỵ, xấu xa… và ‘tẩy chay’ em ra đồng loạt.

Mình nghe mà hiểu đậm sâu cảm giác này của em, vì cũng cái hồi lớp sáu lớp bảy như em, mình cũng đã từng… có lần y như em vậy. Thật tình lúc đó không hề nghĩ là vì đố kỵ hay ganh ghét gì, chỉ là cái tánh muốn mọi cái phải rõ ràng công bằng, đúng thực tế làm cho mình làm như vậy. Sau đó, hình như cũng có lúc mình cũng bị một số bạn khó chịu, mắng nhiếc… Nhưng may quá, thời điểm đó mình có nhiều người lớn xung quanh để kể, để khóc, để được giải thích và động viên, cũng chỉ dạy cách cư xử sao cho vẫn đúng theo nguyên tắc mà tế nhị hơn để không làm tổn thương ai có thể liên quan ngoài ý muốn… Để rồi mình đã sớm vứt được chút tổn thương đó ra sau đầu, tiếp tục sống được vui vẻ, và lớn lên, rồi trưởng thành một cách bình thường…

Cô gái nhỏ trong câu chuyện ở trên, em không có người lớn nào đủ để em méc hay kể hay được lắng nghe và dạy bảo, hướng dẫn, nên sự cố nhỏ đó đã hóa thành một nỗi thương tổn sâu đậm và kéo dài, suốt một thời học sinh dài sau đó, hết trung học cơ sở rồi lên tới cả trung học phổ thông, em hoàn toàn cô lập chính mình, vào lớp hoàn toàn là một mình, không nói chuyện với ai. Em nói, không phải là em không thích chơi với bạn bè, mà bởi vì em sợ, chỉ cần em chơi với ai, em không cẩn thận nói hay làm gì không phải, người ta lại cô lập em nữa!

Tình hình ấy tiếp tục kéo dài cho đến khi em lên đến năm nhất đại học, là bây giờ. Ở tuổi 19, em quá cô độc, cảm giác bơ vơ và hoang mang làm em không biết mình sẽ đi về đâu. Em mau chóng nhận ra, mình dễ dàng ‘ngả lòng’ vì những người đàn ông lớn hơn mình rất nhiều tuổi. Cụ thể, mới đây, em đã ngả vào một mối tình với một ‘người chú’ lớn hơn em tận 18 tuổi. Nhưng mối quan hệ tình cảm ấy cũng không kéo dài được lâu, vì em cảm thấy có cái gì đó chưa thực sự ổn lắm, và em cũng không tìm được sự cân bằng và bình yên nơi ‘người lớn’ đó như em tưởng tượng. Thế là em chủ động xin chia tay, và người ấy cũng chấp nhận…

Mình nói với em, cái đó, với em thật ra không phải là tình yêu thật sự đâu. Đó là vì em quá thiếu thốn tình thương từ người cha, nên là một người con gái bắt đầu trưởng thành, em tự nhiên có khuynh hướng ngã vào những người đàn ông lớn tuổi – mà thực chất, trong lòng em đang tìm kiếm tình thương của người cha là đúng hơn. Tình thương của một người cha – suy cho cùng nó sẽ khác với một tình yêu giữa hai con người quá cách biệt về tuổi tác, nên bây giờ, cái em cần nhất chính là tập mở lòng (vốn là điều em đang làm bây giờ, dám mở miệng kể về những nỗi đau, chỗ khó ở nhiều năm sâu thẳm trong lòng em đây). Sau nữa, em tập làm quen với việc tiếp nhận tình thương và sự thấu hiểu từ những người xung quanh em đây – chính là cộng đồng ‘bồ đề quyến thuộc’ – là các cô chú anh chị trong cùng lớp cấp độ 2 của em nè. Gần 60 con người, ai ai cũng đang nghe câu chuyện của em với tất cả sự trân trọng và đồng cảm nè, không ai chê cười hay tẩy chay em hết. Từ hôm nay, em đang có một ‘gia đình’ mới, là những con người đang mở rộng vòng tay đón em vào lòng đây… Hãy quay trở về và tập sống lại một cách hồn nhiên, chân thành của một cô con gái nhỏ 18-19 tuổi đi, em sẽ cảm thấy mình dần trở lại cân bằng. Và rồi với thời gian, em sẽ dần tìm ra được một tình yêu thực sự, phù hợp với em và dành cho em, thôi à…

Nói thiệt, đã lâu lắm rồi, mình không còn rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện đời sầu thảm của muôn mặt học viên các cấp độ 2, vì mình đã nhìn ra, họ chỉ cần dám mở lòng và dám dấn vào những hành trình thực hành và tiếp nhận những điều mới mẻ đến với cuộc sống mình, kiểu gì rồi đời họ cũng vẫn sẽ ổn cả thôi. Nhưng mà, bữa đó mình ứa nước mắt. Cái đoạn mà cả lớp Online sau đó rần rần gần cả trăm lời chia sẻ, động viên, đón nhận em vào lòng. Người lớn lớn hơn em chút chút thì nói “Em gái ơi, em cố gắng lên nha!” Còn những cô lớn tuổi hơn nhiều nhiều – mình đoán có thể trạc cỡ tuổi của mẹ em ở ngoài đời thì không ngần ngại gõ luôn: “Con gái thương ơi, con sớm bình yên nha! Cô thương con lắm nè!”

Ở đâu con người ta có thể thật sự có cảm giác mình được thương như vậy, an toàn mà moi đứa trẻ bên trong đầy thương tổn của mình ra mà được ôm ấp, vỗ về và biết rằng từ đây về sau, mình sẽ không còn đơn độc như suốt nhiều năm dài đã qua như vậy…? Mình thương em, và trong một thoáng chốc, trái tim mình thoắt nhói lên, khi nhận ra một sự thật đắng lòng rằng, bên ngoài cuộc đời kia có được bao nhiêu cô gái chàng trai cỡ trạc tuổi của em được may mắn bước đầu như thế này như em? Liệu còn biết bao nhiêu cô gái chàng trai trẻ khác, ở lứa tuổi mười tám đôi mươi này, cũng đã đang vì những vấn đề ‘không hạp nhau’ của ba mẹ, mà sống đời côi cút, đơn độc, bơ vơ và hoang mang rối rắm trong hoàn cảnh ‘vẫn còn đầy đủ ba mẹ trên đời’?

Mới cách đây có hơn một tuần, thế giới bàng hoàng, không tin nổi với một vụ xả súng vào một trường tiểu học, cướp đi mạng sống của hơn 20 con người vô tội. Nạn nhân là những em bé học sinh nhỏ xíu cùng với hai cô giáo đã lấy thân cản lằn đạn vô tình, tất cả đều không hề quen biết hay có thù hằn gì trước với hung thủ. Và hung thủ, thật bàng hoàng hơn nữa, là một cậu trai cũng mới có 18 tuổi! Cậu này được ghi nhận sống với một người bà, bản thân cũng cô độc, bị bắt nạt trong trường học thời gian dài dẫn đến ức chế, rối loạn tinh thần dẫn đến sự trầm cảm. Và trong một cơn ức chế không kiểm soát được những rối loạn từ bên trong, cậu đi tìm sự ‘xả ức chế’ bằng cách ôm súng – vốn là thứ được coi là hợp pháp tại Mỹ – đi xả vô chính người bà của cậu, rồi sau đó, là xả vào những em bé hồn nhiên kém may mắn tại ngôi trường tiểu học kia…

Mình ngồi, nhìn lại sự tương đồng giữa hai câu chuyện. Cũng là một sự ‘hết chịu nổi’ cảm giác đang chìm, những chàng trai cô gái tuổi mới vào đời đã đi tìm một cách thức để giải tỏa những ẩn ức trong lòng. Cô gái 19 tuổi kia đã chọn cách tham gia vào một khóa học thấu hiểu bản thân, để từ đó cô được mở lòng, được yêu thương, đón nhận và cân bằng lại những chênh chao, ẩn ức trong lòng mình. Còn cậu trai là hung thủ kia, cậu đã chọn một cách thức kinh hoàng hơn, ‘giải tỏa’ bằng cách tạo ra một nghiệp sát thảm khốc, cho bao nhiêu con người khác, trong đó bao gồm cả chính mình…

Trò chuyện với con trai mình, cậu cũng vừa tròn 20, đang học ở xa. Hai mẹ con ngồi lặng lẽ trong một hồi. Mình hiểu chứ, cái lứa tuổi coi như ‘trưởng thành thể chất mà vẫn còn ngơ ngác tinh thần’ này… Ở một cánh cổng quan trọng để mở ra và bước qua để đi vào đời sống trưởng thành, các con phải đối diện với biết bao nhiêu vấn đề lớn và nhỏ, bao nhiêu nỗi ngổn ngang, rối rắm và sầu não, mà, không có một hay một số người lớn đủ hiểu chuyện ở cạnh bên, luôn sẵn sàng lắng nghe, khuyên giải và tư vấn, định hướng, không biết các con sẽ như thế nào… Con trai mình, tuổi 18-19 của nó cũng từng đan cài trong những rối ren, hoang mang cùng áp lực…, mà trong một số bài viết trước đây, mình cũng từng chia sẻ. Và mình cũng nhìn thấy rõ, ở trong chặng đường đặc thù này, chỉ có cha và mẹ mới chính là những người thầy, người bạn lớn, người thương lớn nhất của các con, mới lúc nào cũng sẵn sàng ở kề cận bên con mà kịp đỡ sau lưng nó, nắm… tóc nó lôi lên khỏi sầu não, chìm nổi, bế tắc và bơ vơ mà thôi!

Viết những dòng này khi lịch trong máy tính báo, đã chạm gần đến cuối tháng 5, chuẩn bị qua đầu tháng 6. Ngay 1/6, đã có ngày Quốc tế Thiếu nhi. Cuối tháng 6, ngày 28/6, lại có thêm Ngày Gia đình Việt Nam. Mà tẩn mẩn nghĩ, duyên cũng khéo sắp xếp ghê, khi cả hai ngày nhấn mạnh tầm quan trọng và tình thương đến đối tượng cần yêu thương chăm dưỡng hơn cả trong xã hội – là trẻ em, và tầm quan trọng của tế bào căn bản làm nên xã hội – là gia đình, lại nằm gọn cả trong cái tháng mang con số của tình yêu thương – là tháng 6. Vậy, phải chăng ngay cả Vũ trụ cũng muốn hàm ý ngầm với chúng ta, tối thiểu trong một lúc nào đó, chúng ta cần phải thực sự nghiêm túc ngồi tĩnh tâm, quan sát lại cuộc sống của chính chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, chúng ta đã dành thời gian và tình thương cho chính những đứa con của chúng ta chưa? Và hơn thế nữa, chúng ta đã và đang làm gì cho chính cái ‘tế bào căn bản’ – là gia đình nhỏ của mình?

Liệu rằng, có phải do đời sống mỗi ngày cuốn trôi quá nhanh quá vội vã, chúng ta lâu lắm rồi chưa có thời gian mà giật mình nhìn lại, chúng ta đã cho con cái mình, những đứa trẻ đang trên đà tuổi lớn, sự yêu thương, lắng nghe và động viên, chia sẻ cần thiết, thay vì chỉ chăm chăm ‘dụt’ cho nó một mớ tiền bạc và đồ đạc vật chất, để cho chúng nó muốn làm gì làm? Đàng sau sự mất kết nối, nhàn nhạt lành lạnh dài hạn giữa bản thân chúng ta và các con cái của mình, chúng nó đang có cái gì đó chưa ổn, không ổn, mà lâu lâu, mỗi khi trên mạng đăng lên một cái tin đứa trẻ này nhảy lầu, đứa nhỏ kia nhảy song, đứa nhỏ nọ bỏ nhà ra đi và mất tích…, thì chúng ta mới hết hồn quay về, vội vội vàng vàng kiểm tra lại, coi mấy đứa nhỏ nhà mình… vẫn còn ở nhà đấy chứ, để rồi chỉ sau vài ngày, những sự việc kia chìm xuống với ngồn ngộn dòng chảy những sự kiện mới, thì ta… cũng tiếp tục để chìm luôn, cái sự quan tâm, lo lắng, kết nối và chia sẻ của ta với các con?

Và một mặt khác, chúng ta cũng đã bao giờ ngồi lại, tĩnh tâm và quán chiếu, xem mối quan hệ giữa ta với người bạn đời của mình, từ lâu, nó đã là đang ở cái dạng thể thế nào chưa? Nó nhàn nhạt, lành lạnh, ở trong cùng một nhà mà như hai thế giới, hoặc tệ hơn nữa, là… không chịu nổi nhau, mà đã mỗi người một nhà rồi? Để rồi đám con cái ta, đứa nào ở với cha thì sẽ chịu cảnh thiếu hơi ấm của mẹ, và ngược lại? Hoặc tệ hơn nữa, tụi nhỏ sẽ không có được bất kỳ hơi ấm nào của cả cha lẫn mẹ, vì… bị gửi về cho bà nội hay bà ngoại nuôi rồi, giống như hoàn cảnh của cô bé học viên ở trên, hay gã hung thủ 18 tuổi nọ?

Mình nghĩ thêm một chút xíu nữa, được không những người lớn? Nhìn sâu hơn những vấn đề đơn thuần về mặt xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng, bản thân mỗi người đều đang đến với cuộc đời để trải qua những bài thi lớn nhỏ, để trưởng thành. Trong số những bài thi lớn, chính yếu và dài hơi của chúng ta, chính là làm sao vượt qua mọi nghịch cảnh do những con người ở sát bên cạnh chúng ta mang đến, chúng ta phải xoay chuyển cho được cuộc sống chung giữa chúng ta trở thành một cuộc sống an hòa, ấm áp và yêu thương. ‘Những con người ở sát bên cạnh chúng ta’ mỗi ngày đó, hồi nhỏ thì chính là ba mẹ và các anh chị em ruột của mình, còn khi ta trưởng thành, đó chính là chồng, là vợ, là các con của chúng ta, chứ còn ai nữa! Vậy thì, nếu các bạn không nhìn ra đầy đủ tầm quan trọng của các ‘bài thi lớn, chính yếu và dài hơi’ này, liệu chúng ta có vượt qua nổi sự ‘chấm thi’ từ ‘Ban giám khảo Vũ trụ’, vốn luôn nghiêm khắc quan sát và ‘chấm điểm’ chúng ta mọi lúc, mọi nơi? Với tầm nhìn hữu hạn của con người chúng ta, ta có thể nghĩ ta giỏi lắm, khôn lắm khi thấy ‘đau đâu cắt đó, không vui đâu dứt đó’, nhưng những mối dây vô hình về duyên và nghiệp nó vẫn còn đeo đẳng đó, bạn không giải quyết êm đẹp cho rốt ráo, bạn nhắm có thực sự cắt được không, cắt nổi không, hay chỉ tổ làm cho nó càng cù nhây dây dưa ra, càng bôi càng lầy, càng dây càng rối rắm? Để rồi qua cái sự giải quyết không thể nào rốt ráo được đó, ta vô tình mỗi ngày qua, lại tạo thêm nhiều oán nghiệp, nơi chính những đứa con ta, đang tuổi lớn kia?

Một chút câu hỏi đặt ra ở đây, để mỗi người lớn tụi mình ngẫm nghĩ thêm. Dĩ nhiên, cũng là một người trưởng thành, mình hoàn toàn hiểu, nói ai nói cũng được, làm được hay không và làm được dài lâu hay không, đó mới là chuyện lớn. Bởi vì, dẫn dắt ta đi trong những hành động, ý nghĩ, lời nói hàng ngày…, có đến 90% là nghiệp đã tới thời trổ quả. Tuy vậy, trong khi vẫn đang chịu trôi đi theo sự trổ quả của nghiệp, nếu ta không chủ động cài cho chính mình một ý thức giải quyết các nghiệp thức kia, để xoay chuyển dần rốt ráo các bài thi của mình, biết bao giờ chúng ta mới có thể bước ra khỏi cái bức tranh ‘định mệnh’ – là kế hoạch A nhiều buồn khổ, thăng trầm của đời sống trưởng thành do ‘Vũ trụ hoạch định’, để tự tay mình kiến thiết nên một Kế hoạch B tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn, an hòa và yêu thương hơn, vốn cũng là… một khả năng tuyệt vời do chính Vũ trụ mở đường dẫn lối cho những ai biết bắt được cơ hội?

Đó là về phía những người trưởng thành, tức là những bậc làm cha mẹ. Còn đối với những người tuổi trẻ, tức chính các bạn tuổi 18 – 20 có thể đang ở trong những hoàn cảnh gia đình bất lợi giống như các bạn trẻ đã được đề cập trong bài viết hôm nay, cô Quỳnh Hương mong các con hãy nghiêm túc nhìn nhận giá trị thật của mình, và ý thức về sức mạnh tiềm ẩn của chính mình. Nói thiệt nha, mỗi một bạn nhỏ được sinh ra từ năm 2000 trở đi, sở hữu trong ngày sinh ít nhất một con số 2 – chỉ những giá trị tâm linh sâu sắc, sự phát triển của trực giác, khả năng lắng nghe và kết nối với nhiều tầng thức trong vũ trụ…, đại đa số các bạn đều là những ‘linh hồn già’, được đưa đến với thế giới này để làm một công tác đẹp đẽ, là làm cân bằng lại thế giới, vốn đã từng bị phát triển ‘lệch pha’ quá nhiều sau một thế kỷ toàn những con người đậm bản ngã (số 1) và nhiều tham vọng, lý tưởng, hoài bão (số 9). Việc cải tổ hay chấn chỉnh nào cũng phải tạo ra ít nhiều sự xộc xệch, xáo trộn. Và vấn đề là, các bạn 2xxx sẽ khó tự mình ‘thức dậy’ được phần thức sâu thẳm bên trong mình, cho nên bước đầu cần phải có sự trợ lực ‘đánh thức’ từ những người lớn, là những người thuộc hệ 19xx như tụi cô đây. Tuy nhiên, nếu không được may mắn có người đến đánh thức, hãy thử tự ‘thức dậy’, được không các con? 😊 Được nha, các con làm được nha! 😊

Cô QH muốn kể các con nghe câu chuyện về một bạn trẻ 20 tuổi khác, sinh năm 2002, cũng là một học viên cùng học chung lớp cấp độ 2 với bạn gái sinh năm 2003 mà cô nhắc ở phần đầu bài. Không giống như bạn gái 2003 chìm đắm rất lâu trong cô độc và bơ vơ, bạn trai trẻ 2002 này đã chủ động vượt qua những ‘bài thi chướng duyên’ là chính cha mẹ của mình. Với một gương mặt rất tươi và điềm tĩnh khó tin được là cậu mới chỉ có 20 tuổi, cậu bình tĩnh nói, kể từ năm lên 5 tuổi, cậu đã… hết được làm con nít, bởi vì một biến cố giữa ba và mẹ cậu đã biến cậu thành ‘ông cụ non’, để… theo dõi và thích nghi, hòa giải cho những cuộc xung đột thường xuyên của ba mẹ cậu (^^) Tới năm cậu được đúng 18, chuẩn bị vô đại học, một cuộc xung đột lớn từ ba mẹ cậu đã khiến ông một nơi bà một nơi, cậu bị… ra rìa, và mất luôn cơ hội đi học đại học vì không có tiền trang trải. Nghỉ luôn hai năm (coi như ‘gap year’), cậu đi làm, kiếm tiền tự nuôi sống mình, đồng thời dành thời gian để ôn tập và săn học bổng, đồng thời cũng không quên tự tìm kiếm phương thức để nuôi dưỡng phần tâm hồn của mình.

Tìm được thời khóa “49 Ngày nuôi dưỡng Thân – Tâm – Trí” của nhà MayQ tụi mình phát động, cậu nghiêm túc thực hành mỗi ngày, sau đó duyên dắt dây, cậu xin được tham gia các buổi Đại cộng hưởng Online để đọc Lương Hoàng Sám hàng tháng với nhà MayQ với mức trợ giá đặc biệt dành cho người khó khăn. Rồi vì đang không phải là sinh viên nên không được hưởng chế độ giảm 50% học phí, nhưng vẫn khát khao được vào dự để hiểu thấu về cuộc đời mình, cậu nghiêm túc ngắt ra một phần thù lao hàng tháng cậu đi làm được, dành dụm đủ thì đăng ký tham gia các khóa học Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ. Vào học, cậu Wow, nhận ra hèn chi cuộc đời mình như thế này, bởi cậu có con số chủ đạo là một con số 9 được tạo ra từ một tổng số là 18 – một con số hàm nghĩa sâu sắc, là “Ưu thương phiền não hóa Bồ đề”. Và cậu quyết tâm không để cho những ‘ưu thương’ – chính là những cư xử ‘chướng duyên dài hơi’ từ ba mẹ cậu ở lại hoài là phiền não của cậu, cậu quyết tâm, chủ động dùng sự tu tập miên mật theo những gì nhà MayQ hướng dẫn, để biến hết mấy cái đó thành cơ hội, để cậu ngày càng thông tỏ, hiểu chuyện, vững vàng hơn, theo đúng khả năng “hóa Bồ đề” mà những nỗi buồn sầu này mang đến.

Để rồi vào buổi học vừa rồi, tới phần chia sẻ của cậu, cậu đã làm cả lớp ‘thổn thức’ vì thương, mến, quý và cả cảm phục nữa, khi cậu thông báo: kết quả ý thức ‘Biến phiền não thành Bồ đề’ của cậu thời gian qua, là cậu đã thắng được một học bổng đào tạo ngành điều dưỡng (Nursing) trị giá 350 triệu đồng, tại một trường đại học lớn, mà cậu sẽ chính thức lên đường ra Hà Nội học từ năm sau. Woaa, Woaaa, Woaaa, bạn thấy, nỗ lực của cậu trai trẻ 2002 này, đáng nể chứ? 😊

Bởi vậy, những người trẻ 18-20 thân mến, cô QH chỉ muốn nói rằng, ai sinh ra đời cũng muốn cuộc đời mình suôn sẻ, chí ít ra chưa ‘sẵn ở vạch đích’ thì cũng nên… đâu đó dọc đường thành tựu sẵn rồi, héng. Tuy nhiên, nếu Vũ trụ đã cố tình… vứt chúng ta ở đâu đó… tuốt ở điểm ‘Bắt đầu’, khiến đời sống chúng ta dọc dài trong nhiều chuyện đau khổ, buồn bã, thăng trầm, hãy tự biết mình là ai, và hãy có ý thức tự tìm kiếm một hay những cánh cửa phù hợp, mở ra để xoay chuyển cuộc đời mình. Ở thời buổi mạng Internet phủ đến mọi ngóc ngách, mọi lúc mọi nơi này, việc tìm kiếm một cánh cổng phù hợp, một phương cách phù hợp, những người lớn đi trước phù hợp làm nhiệm vụ dẫn lối, đưa đường… chưa bao giờ là điều khó khăn. Chỉ là ta có ý thức là ta HOÀN TOÀN có thể làm được điều đó hay không mà thôi, nhen các con 😊

Đừng ngồi đó chìm đắm mãi trong sầu khổ, hay bơ vơ, hoang mang hay cô độc. Hãy cứ gõ, rồi sẽ có những cánh cửa mở ra. Dĩ nhiên, cửa sẽ mở với điều kiện, ta chứng minh đủ cho họ thấy, ta xứng đáng. 🥰

Gửi niệm lành cho tất cả,

(28/5/2022 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart