BA MẸ & CON CÁI – NHỮNG TIẾNG LÒNG CHÔN SÂU ĐƯỢC DỊP MỞ RA: PHẦN 1
PHẦN 1: TÌNH THƯƠNG CỦA BA MẸ, MỚI LÀ THỨ CON CẦN NHẤT
Mình tin, bài viết này thật sự vô cùng cần thiết cho những ai đang làm cha, làm mẹ, bạn chỉ cần chịu khó dành 15-20 phút để đọc thật kỹ và soi chiếu mình trong những câu chuyện kể sau đây, để biết đâu, bạn sẽ thấy thấp thoáng chính mình và gia đình mình trong đó. 😊
Khép lại hành trình lớp Cấp độ 2 “Thấu hiểu cuộc sống với Nhân số học” tại Dak Lak ngày 01-03/07 vừa qua, điều đọng lại trong chúng mình nhiều nhất chính là những câu chuyện liên quan đến chủ đề gia đình. Ngẫu nhiên làm sao, đây là lớp học có nhiều gia đình đăng ký tham gia nhất từ trước đến nay, và điều đó đã tạo nên được một chủ đề thật lớn, bao gồm những câu chuyện về những vấn đề chung diễn ra tại những mái gia đình này, mà trong đó, bài thi ‘vượt khổ’ và ‘vượt sướng’ chính là nguyên nhân chính dẫn đến những khoảng cách giữa các thành viên.
Đầu tiên phải kể đến một gia đình có bốn thành viên: ba mẹ và hai con. Cũng hiếm khi có một gia đình nào đầy đủ các thành viên chịu khó tham gia cùng một lớp cấp độ 2 như thế. Nhìn bên ngoài, một gia đình khá giả có ba mẹ, một cô con gái và một cậu con trai, quấn quýt nhau trong những chuyến đi, các buổi học, ai cũng nghĩ gia đình này thật hạnh phúc và có phước. Nhưng mấy ai biết rằng, đằng sau sự vui vẻ bên ngoài ấy, là cả một khoảng ‘bão giông lòng’ của mỗi thành viên, mà họ chưa một lần có dịp được ngồi lại nói với nhau. Để rồi, lớp học lần này, lần đầu tiên, họ mở lòng cùng nhau…
Đầu tiên là phần trình bày của cô con gái. Con có số chủ đạo 8, con số của sự bao bọc rất kỹ về mặt vật chất. Đúng là như vậy, từ khi sinh ra, con đã được ba mẹ chu toàn không thiếu bất kỳ thứ gì. Nhưng vì không thiếu gì, con cảm thấy mình quá đủ đầy, không biết mình muốn gì, và cố gắng vì điều gì. Con thừa nhận, mình đang trong một ‘bài thi thuận’ – ‘bài thi vượt sướng’.
Con không thiếu gì cả nhưng trong lòng con luôn cảm thấy mình vẫn thiếu một điều gì đó, sâu thẳm, khiến con chênh vênh không biết mình nên phải làm gì. Con thành thật thừa nhận một cách đáng yêu: “Nhiều khi con cũng tức con lắm, đã bướng rồi còn làm biếng nữa! Cho nên, dù biết mình cần phải thực hành tăng năng lượng, đọc kinh tu tập nhưng mà con chưa bắt đầu làm được. Hơn nữa, con thấy cảm tình với mọi tôn giáo, Chúa, Phật con đều yêu cả, nên hoang mang không biết mình thật sự thuộc về nơi nào”.
Mình biết, việc đứng giữa một cái bùng binh với tám ngả rẽ không phải là điều dễ dàng. Đôi khi, không có điều gì để lựa chọn là một ‘bi kịch’ nhưng có quá nhiều điều để lựa chọn, cũng ‘bi kịch’ không kém. Đây là một hành trình mất thời gian, chỉ có mình mới hiểu và tự khai phá được. Mình nói với con, “đề thi sướng” đó chỉ xuất hiện ở nửa vòng đời đầu thôi. Vũ trụ sẽ dẫn con đi đến những con đường khác, mà đôi khi ba mẹ hay tiền bạc cũng sẽ không giúp được gì cho con. Hãy cho mình một cơ hội, để đẩy mình nhanh trên con đường tiến hóa một chút. Và con biết, sự trống rỗng bên trong con xuất phát từ đâu không? Tiền bạc, sự đủ đầy đôi khi sẽ không khỏa lấp được những khoảng trống về tình thương. Con có đang thật sự vui và cảm nhận được tình yêu thương dưới mái nhà của mình? Con chỉ cười cười tỏ vẻ đồng ý, và hứa: “Con sẽ cố gắng!”
Mãi đến tối, phần trình bày của cậu con trai đã khiến cho cả lớp thật bất ngờ trước sự can đảm dám nói ra của con, để rồi ai cũng sụt sùi trong nước mắt vì thương con, và thấy chính họ, con cái họ, ba mẹ họ đâu đó trong câu chuyện ấy. Con bằng tuổi bạn Tin nhà mình, sinh năm 2002, nghĩa là năm nay mới tròn 20 tuổi. Mình nhớ trên đường di chuyển về lại thành phố sau chuyến cấp độ 1 ở Du thuyền Mekong Cruise, xe ghé vào trạm dừng chân, con tiến lại chỗ mình và bảo: “Nhìn con vậy chứ con đau khổ từ lớp 1 rồi á cô”. Lúc đó, thú thiệt mình nghĩ, “Trời, cái thằng nhỏ ‘già’ dữ. Mới chừng đó tuổi đầu mà đã than khổ rồi” Mà nhìn cái vẻ ngoài vô tư cộng với ‘lý lịch’ gia đình, ai mà nghĩ được con khổ từ lớp 1 cơ chứ! Nhưng vì không có thời gian, nên mình cũng không hỏi thêm được là con khổ vì điều gì, mà thấy đáng yêu trước cái sự ‘khổ từ lớp 1’ của nó! Để rồi, cho đến khi nghe phần chia sẻ của con trước lớp, mình ngẩn người, có cái gì đó nhói trong tim…
Con bảo: “Trong biểu đồ của con có Mũi tên 7-8-9 (Mũi tên Hoạt động), nên con thích đi ra ngoài chơi lắm. Ngày nhỏ thích được chơi với bạn bè, thích được ra công viên, thích khám phá thế giới bên ngoài, nhưng vì ba mẹ cứ mải miết đi làm, không thể đưa con đi và cũng không cho con tự đi chơi. Chính vì vậy, từ một người hướng ngoại, con trở nên ù lì. Bố mẹ cho con đủ đầy về vật chất, từ khi sinh ra con không thiếu gì cả, nhưng cái con thiếu nhất là tình thương. Ngay từ những ngày đầu đi học tiểu học, con đã bị ăn hiếp, bị bạn bè bạo hành, bị tẩy chay,… con buồn và đau khổ lắm nhưng không biết tâm sự cùng ai. Con ôm theo những tổn thương, đau khổ ấy suốt cả chặng đường dài. Và hôm nay, cũng là lần đầu tiên ba mẹ con biết điều này”. Mình lặng người, cả lớp lặng người. Mình khẽ đưa ánh mắt xuống vị trí ba mẹ của con đang ngồi, mình cảm nhận được một nỗi đau ửng lên trên khuôn mặt của hai vị phụ huynh ấy. Ừ thì, mình người ngoài cuộc đây mà còn nghe lòng cuộn lên mấy chặp, huống gì những người trong cuộc.
Con nói tiếp: “Gia đình con không có sự kết nối, vì ba mẹ quá bận, giao con lại cho chị dạy dỗ, mà chị thì quá gay gắt. Con tự hành hạ nội tâm mình từ lớp một cho đến hết cấp ba. Con thích âm nhạc, thích thời trang, nhưng ba mẹ lại luôn muốn con phải học trường top, lớp chọn thì mới tốt cho con. Trong khi khả năng của con không đủ. Mẹ xin được cho con vào một lớp chuyên, vào đó, con không theo kịp các bạn, lại bị các bạn tẩy chay, nói xấu. Điều đó, làm con cảm thấy càng tồi tệ hơn vì cảm giác “mình không tự thi vào được như các bạn, mà phải nhờ ba mẹ gửi gắm vào”. Những ngày đó, mỗi ngày khi thức dậy, con luôn phải tự hỏi: “Hôm nay, mình phải mở mắt à?” Con cũng đã nhiều lần nghĩ đến cái chết.” Đến đây, mình nghe những tiếng sụt sùi từ dưới các bạn học viên khác. Thương cho thằng bé mới 20 tuổi đầu mà phải sống trong những chuỗi ngày cô độc chống chọi với những điều này một mình. Mình hỏi con: “Tại sao con không thử một lần nói ra với ba mẹ về những chuyện con đang gặp phải?” Con bảo: “Những cái này, khi con kể ra, nhiều khi ba mẹ sẽ bảo đó là chuyện bình thường, chuyện nhỏ, mà không ai lắng nghe con. Con quá thiếu tình thương trong gia đình, nên con đi rải tình thương của mình cho những người xung quanh. Con để ý, thương và thích nhiều bạn. Nhưng những bạn con thích lại không thích con, còn những bạn thích con thì con lại không thích. Con cũng khổ vì tình dữ lắm á cô! Đi học đàn để ‘tán gái’ mà cũng không thành công nữa!”. Tới đoạn này, cả lớp phải bật cười vì cái sự hồn nhiên của con.
Một cậu bé 20 tuổi, lần đầu can đảm nói hết những điều con mang nặng trong lòng suốt bao nhiêu năm qua, vì con biết, trong không gian này, có đến 50 người sẵn sàng lắng nghe con mà không phán xét. Con còn biết, nếu không nói ra bây giờ, con sẽ khó có dịp nào để nói cho ba mẹ và chị nghe những điều mà con đang nghĩ. Con bảo: “Con bắt đầu học cách tha thứ cho bản thân, và đang trên hành trình quay về tha thứ cho ba mẹ và chị vì tại sao quá khắt khe với mình, thấu hiểu cảm xúc của họ và ngay cả những người ‘đâm sau lưng’ con, chơi xấu con, con cũng tập tha thứ cho họ. Con biết, con có nhiều tín hiệu tâm linh, nhưng vẫn còn vương vấn nhiều ‘bụi trần’ quá, nghĩa là vẫn ham chơi, ham hưởng thụ, ham yêu đương nhiều. Nên con sẽ cố gắng đẩy năng lượng của mình lên, và biến mình tốt hơn mỗi ngày”.
Trong những sự xúc động của phần chia sẻ từ cậu con trai, phía cuối lớp, mẹ cậu bé giơ tay xin trình bày. Một người phụ nữ quyền lực, và có vẻ sắc sảo ngày thường, nay tay run run cầm mic, nghẹn ngào chia sẻ: “Đúng, đây là lần đầu mình được nghe con chia sẻ những điều này. Mình nhớ hồi con học cấp hai, lúc về nhà nó cũng chạy lại mình kể này, kể kia, nhưng mình chỉ ừ ừ cho qua, và mặt vẫn cắm vào màn hình máy tính. Mình không quá để tâm đến những câu chuyện của con, có lẽ vì thế, điều đó làm con tổn thương và có khoảng cách với mình. Mình thuộc thế hệ 6X, khi đó nhà rất nghèo, cái nghèo ám ảnh đến nỗi mình buộc mình phải luôn trong tâm thế thoát nghèo, để gia đình mình không còn khổ, các con mình phải được sung sướng như bao đứa trẻ khác. Mình luôn ép con trong những điều mình muốn và quên mất rằng, phải hỏi các con có muốn điều đó hay không?”
Đến đây, một ‘đề bài’ rõ ràng hiện ra: Mẹ thì phải thi ‘bài thi vượt khổ’, còn các con đang thi bài thi ngược lại – ‘bài thi vượt sướng’. Cái khổ đeo bám người mẹ khiến chị chỉ một đường mà tiến tới. Trong đầu chị lúc nào cũng kiếm tiền, kiếm tiền, kiếm tiền. Chị kiếm nhiều tiền thật, đứng đầu vận hành một cơ sở kinh doanh. Để rồi, chị đem hết uy quyền của một người đứng đầu, đem hết sự nóng tính, bảo thủ trong suy nghĩ áp đặt lên gia đình. Mình biết, những điều đó khi làm, chị chỉ nghĩ đó là điều tốt nhất chị đang dành cho mái gia đình này, nhưng chị không nhận ra rằng, chồng chị, con chị cảm thấy ngột ngạt, khó thở, và không có niềm tin tựa vào chị. Một người phụ nữ đầy oai quyền ngoài xã hội, nhưng hoàn toàn thất bại trong cách yêu thương gia đình. Chị đã từng nghĩ gia đình mình ổn cho đến khi mùa dịch đến, phải ở với nhau cả ngày, chị mới thấy “Gia đình mình rối beng!”. Chị quyết định đưa cả nhà tham gia khóa học về Quản trị cuộc sống với Nhân số học, không phải vì chị, mà vì hai đứa con của chị. Chị muốn tụi nhỏ sẽ hiểu hơn và có những định hướng tốt hơn.
Mình hỏi chị: “Chị có biết, điều nhanh nhất để có thể thay đổi các con mình là gì không?” Lúc này đây, chị mới chịu thừa nhận: “Là chị phải sửa mình. Và để con sống cuộc sống mà nó muốn”. Mình bảo chị nhìn vào bốn đỉnh cao, một con số 7 ở đỉnh cao số 4 đang chờ đợi chị ở những năm sắp tới, mà khi đã học đến lớp cấp độ 2 chị thừa hiểu tính chất của con số 7 là gì rồi. Vậy thì, ‘bài thi’ lớn nhất của chị đang nằm ở hai đứa nhỏ đó.
Nếu nhìn vào biểu đồ của hai con, cả hai đứa đều có số chủ đạo 8, điều đó chứng minh cả một chặng đường đầu được bao bọc quá kỹ về vật chất, nhưng, ông trời có cho ai tất cả đâu. Các con không phải quá lo lắng về tiền bạc, nhưng đứa nào cũng đang rất khổ tâm. Mà điều này, tiền của ba mẹ cũng không giúp được con. Mà, cũng đâu có điều gì chắc chắn được, những sự bao bọc về vật chất này sẽ theo các con trên cả chặng đường đời sau này. Nếu bây giờ không lo bồi thêm phước, rồi một ngày phước vơi, liệu các con có đủ vững chãi để tự đứng trên đôi chân của nó?
Bởi vậy, đừng nhìn vào năm sinh, số tuổi của các bạn nhỏ này mà nghĩ các con còn nhỏ và cần được bao bọc một cách chu toàn mọi mặt. Như mình vẫn hay nói, các con sinh sau năm 2000, quả thật là những ‘linh hồn già’, và người lớn chúng ta cũng phải nên đối đãi với các con bằng chính sự trải nghiệm, sâu sắc của các linh hồn chứ không phải trong những khuôn khổ, cha mẹ nói là con phải nghe, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó. Điều may mắn nhất của những đứa bé chặng sau này, là các con được đảm bảo về mặt vật chất, nên các con không quá khổ đau vì kinh tế. Đặc biệt ở hai chị em nhà này, hai con đều cùng con số chủ đạo là 8, nên điều này càng rõ nét. Nhưng sau tất cả, tiền bạc không đem lại hạnh phúc cho tụi con. Cái các con cần chính là sự thấu hiểu, là tình thương tỏa rộng với những tiếng cười trong ngôi nhà. Điều mà các con thật sự khao khát có được.
Mình thương sự can đảm của cậu bé, đã dũng cảm nói ra những gì con đang nghĩ, để cho ba mẹ của con và rất nhiều người lớn trong lớp phải giật mình nhìn lại chính mình. Rằng, mình có đang áp đặt suy nghĩ của mình lên các con không? Rằng con mình có đang mang những tổn thương nào đó ở thế giới bên ngoài mà mình chưa cho các con một cơ hội để nói ra? Và rằng, mình có chạy theo công việc, tiền bạc mà quên mất rằng, con mình cần hơi ấm của mình, gia đình cần những sẻ chia giữa các thành viên?
Mình biết, cũng sẽ có rất nhiều bạn khi đọc được bài viết này, sẽ giật mình nhìn lại chính mình. Thật dễ để nhìn ra những hạn chế của người khác nhưng thật khó, để nhìn ra yếu điểm của chính bản thân mình. Đặc biệt là với những ai đang làm cha mẹ, những cư xử hàng ngày với con, ta cứ luôn nghĩ đó là tốt nhất, cần nhất cho con mình và cứ áp đặt lên chúng mà quên mất rằng, chúng có thật thoải mái và an vui, trước tình thương đó không?
Mình tự hỏi, còn bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia, đang từng ngày chống chọi với những nỗi khổ tâm như vậy? Còn bao nhiêu đứa nhỏ, đang phải chịu những áp lực học hành, bị cô lập trong học đường, mà vẫn im lặng, kìm nén nỗi cô độc ấy mỗi ngày. Vậy thì với gia đình nhỏ mình vừa kể trên, và với những ai đang trong hoàn cảnh tương tự, cần phải làm gì để dung hòa được các mối quan hệ và gắn kết với nhau hơn?
🌻 Thứ nhất, hãy thành thật với nhau. Hãy can đảm như cậu bé kia, nói ra hết những gì mà mình đang suy nghĩ về đối phương và mở lòng kể cho nhau nghe về những áp lực, gánh nặng mà mỗi người đang trải qua. Mỗi thành viên phải hạ cái tôi của mình xuống một tí, học cách lắng nghe nhau, hiểu nhau, để cùng nhau tìm những giải pháp cho các vấn đề.
🌻 Thứ hai, ta phải hiểu rằng, kiếm tiền và xây dựng kinh tế gia đình là điều quan trọng nhưng nó không quan trọng bằng việc xây đắp tình thương, sự thấu hiểu trong mái ấm gia đình. Có những thứ đôi khi tiền bạc không thể mua nổi. Mà con người ta khi đến đời này, hơn cả sự đủ đầy về vật chất, cái khao khát lớn nhất mà ai cũng cần đó chính là thương và được thương. Đừng biến mình như một cỗ máy mỗi ngày trong guồng quay công việc, cùng đừng biến con mình thành những đứa trước được lập trình sẵn trong những sự sắp xếp của ba mẹ. Mà hơn hết, hãy lắng nghe nhau, và cho nhau những khoảng sinh hoạt chung: chẳng hạn là những bữa cơm nhà, những cuối tuần cùng nhau đi chơi, hay đơn giản là dành thời gian để trò chuyện cùng con,…
🌻 Và điều quan trọng, là mỗi người phải biến mình thành một bình năng lượng thật tròn đầy, cùng nhau thực hành các bài tập tăng năng lượng và tìm về với một đức tin phù hợp, miên mật tu tập, thì từ từ mọi thứ sẽ xoay chuyển. Bạn dễ thương hơn mỗi ngày, con bạn dễ thương hơn mỗi ngày, chồng bạn dễ thương hơn mỗi ngày. Lúc đó, có phải cả nhà ai cũng dễ thương không? Và khi ai cũng dễ thương, thì những cãi cọ, xích mích bất đồng quan điểm cũng ngày càng bé lại.
Mình tạm khép lại bài viết này, trong những vòng tay ôm và hứa hẹn sẽ thay đổi của gia đình nhỏ kia. Mình mong, cũng sẽ có thêm thật nhiều gia đình thay đổi sau khi đọc được bài viết này. Sẽ có những tiếng lòng mở ra, và những sự thấu hiểu được đáp lại. Niềm vui sẽ ngập tràn trong những mái nhà, những đứa trẻ sẽ được lớn lên trong tình yêu thương và tự do là chính nó.
Phần tiếp theo nằm trong chủ đề “Gia đình: Những tiếng lòng chôn sâu được dịp mở ra” này, tụi mình sẽ chia sẻ cho cả nhà thêm chuyện kể về một gia đình nữa, mà ở đó, sự mạnh mẽ của người mẹ, có thật sự là đang bảo vệ cho con mình? Mời cả nhà cùng đón đọc nhen. 😊
Gửi Niệm lành và niềm an vui, đến với mọi mái nhà!
(06.07.2022 – QH & MayQ Team)