THA THỨ BẢN THÂN MÌNH
Dưới bài viết Tha thứ một người của mình hôm qua, một bạn nam hỏi mình: “Tha thứ cho người thì được rồi. Nhưng còn tha thứ cho bản thân mình thì thế nào hả chị?”
Thế xem ra chủ đề ‘Tha thứ’ này có thể phát triển thành cả loạt bài rồi 🙂
Thật ra, hẳn chỉ có người trong cuộc mới thấu, cái loại lỗi lầm gì mình đã làm, cái tội gì mình đã gây ra, vô tình hay cố ý… Và, hẳn cũng không phải ai cũng đủ can đảm mà kể ra hết với người ngoài những điều lầm lỗi, những điều không phải đó. Nên nỗi khổ tâm cứ thế mà đóng ổ trong lòng, ngày này qua tháng khác…, khiến cuộc đời ta từ quãng đó về sau chỉ còn là một đám mây xám trì nặng, lúc nào cũng như chỉ chực chờ đổ mưa… Mà nó chẳng chịu mưa!
Thế mới biết cái cảm giác ‘Chờ mưa’ này, nó nặng nề khổ sở đến thế nào!
Thời gian sau này mình bắt đầu lĩnh hội được sâu hơn, mỗi ngày mỗi cố gắng để làm mờ dần cái Tâm phân biệt – tức phân biệt Ta và Người (mà bài audio “Ngã” trong cuốn Yên mà sáng nay mình mới up lên cho cả nhà nghe đó). Để rồi, một lúc nào đó, khi ta hiểu rằng Ta và Người thật ra chỉ là một, Ta thương tổn Người, Ta hại Người thì cũng chẳng khác nào Ta hại chính Ta, và ngược lại, Ta có làm điều gì tốt đẹp giúp cho mọi Người xung quanh thì cũng chính là Ta đang làm điều đó cho chính Ta được hưởng vậy, về lâu về dài, về sâu về rộng, về sau này. Vậy rồi, cũng trong cái sự buông bỏ được cái tâm phân biệt này, ta thử lật chiều lại ngược xem: Trong một phương diện nào đó, nhìn chiều ngược lại, bản thân Ta đó cũng chính là một Người, chớ ai! Nghĩa là, Ta cũng là một con người đáng được yêu thương, và được tha thứ.
Là một con người đáng được yêu thương và được tha thứ, nghĩa là bạn hãy tập tách bạn ra khỏi bản thân mình. Hãy bình tĩnh đứng ra ngoài quan sát bằng con mắt khách quan và phân tích: trong những phút giây lầm lỗi đó, trong những thời khắc phạm tội đó, người ấy (là ta) đang ở trong tâm trạng gì? Điều gì đã đưa đẩy người ấy đến những hành xử hay hành động đó? Ắt hẳn phải có những nguyên nhân chủ quan (về phía người ấy) và khách quan (tác động xung quanh) để dẫn đến những điều đó. Nếu là những điều khách quan, hãy hiểu đó là một kiểu ‘ác duyên’ đưa đẩy. Nếu là những điều chủ quan, hãy nghiêm túc dạy dỗ con người này (tức chính ta) rút kinh nghiệm sâu sắc, không bao giờ được phép lặp lại lần nữa.
Hãy thành tâm ăn năn sám hối cho những điều đã làm, bằng những điều mà tự thân bạn nghĩ ra được, hoặc giả nếu bạn không tự mình thoát ra khỏi được những điều ăn năn này, hãy tìm kiếm sự trợ duyên từ những phương pháp hỗ trợ tinh thần, chẳng hạn một bài kinh sám hối trong tôn giáo mà bạn gần nhất. Mình tin chắc rằng ở bất kỳ tôn giáo nào đều có một loại kinh đặc thù nào đó để con người ta men theo, nương dựa vào mà sám hối cho những điều lỗi lầm đã phạm. Hãy dùng lời, dùng tâm, đặt tất cả lòng thành của bạn vào những thời kinh ấy. Hoặc nếu bạn không gần một tôn giáo nào cả, hãy dùng bốn câu ‘thần diệu’ của người Hawaii cổ:
“I’m sorry. Tôi xin lỗi
Please forgive me. Hãy tha thứ cho tôi.
I thank you. Tôi cám ơn bạn.
And I love you. Và tôi yêu bạn.”
Hãy niệm trong lòng thật nhiều lần những câu nói giản đơn này, lòng nghĩ đến những người mà ta đã từng gây tổn thương hoặc mưu hại, hoặc những điều lầm lỗi khiến ta ân hận ray rứt dài lâu. Hãy gửi đến họ, đến chúng những rung động dịu dàng nhất từ tận đáy lòng. Và bạn sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của sự tha thứ! Nó không đến ngay sau một lần, mà là một quá trình, mỗi ngày một chút. Rồi lòng bạn sẽ dần được nguôi ngoai.
Thật ra, đứng ở một góc độ nào đó, những sai lầm, vấp váp của con người chính là một trong những bài học (dẫu đau đớn) nhưng thực tế và hiệu quả nhất, để dạy cho con người những giá trị sâu sắc nhất, mà qua đó, những người đủ khôn ngoan và mạnh mẽ sẽ trưởng thành, còn người yếu đuối sẽ gãy gục. Bạn thấy, những cây cổ thụ ven đường, có thân cây nào được lành lặn? Chính những vết sẹo, những vết hằn chi chít trên thân cây ấy là một phần của lịch sử phát triển của cây, là một phần giúp cho thân cây thêm vững vàng, trải qua bao mưa giầy gió giật.
Vậy, bạn muốn mình là người mạnh mẽ khôn ngoan hay người yếu đuối? Bạn có muốn mình trở thành một thân cây cổ thụ hay không? Tất cả đều do bản thân mình quyết định.
Nếu bạn muốn tự vượt qua những cảm giác giày vò ăn năn đó, hãy nghĩ, tất cả những gì đã xảy ra đều là cái đã xảy ra, có ăn năn, đau đớn bao nhiêu thì cũng chẳng thay đổi được phần quá khứ. Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ: “There’s no use crying over spilt milk” – “Chẳng ích gì ngồi khóc than thứ sữa đã bị đổ”. Đúng vậy. Nếu bạn cứ đau đớn mãi cho những lỗi lầm quá khứ, nó sẽ biến thành loại độc dược làm chết rụi hiện tại, và không chừng, rụi cả tương lai bạn nữa.
Vậy thì, hãy cứ để quá khứ thuộc về quá khứ. Hãy cắn răng coi nó là những bài học đắt giá mà bạn đã phải trả bằng một phần đời của mình. Hãy dùng sự yêu thương để nhẫn nại đắp lên từng viên gạch nhỏ, xây nên tương lai vững vàng và nhẹ nhàng, an yên từ chính hôm nay của ta. Nhớ, quá khứ có thể sai, nhưng hiện tại không thể mắc lại sai lầm cũ đó, là được.
Sẽ có một số lỗi lầm thuộc dạng ‘gây hậu quả dài lâu’, ảnh hưởng vô chừng đến hiện tại và tương lai. Chẳng hạn như sức khỏe. Chẳng hạn như hạnh phúc. Hãy nhẹ nhàng tiếp nhận hiện thực ấy không oán thán nữa, và hãy nhẹ nhàng ru hiên thực ấy bằng những câu hát về sự yêu thương và xin lỗi, hoặc những bài kinh sám hối theo tôn giáo bạn theo. Còn nếu lỗi lầm ấy có liên quan đến một/ một số người khác, và những người ấy có khả năng lật lên quá khứ ấy của bạn, hãy cứ mạnh mẽ can trường ngẩng cao đầu mà sống tiếp. Hãy ý thức rằng, ngay cả lỗi lầm quá khứ ấy một ngày nào đó bị quật lại, phơi bày, đó là những việc làm của ta trong quá khứ, cái quá khứ mà có thể thời điểm đó, ta không được hiểu chuyện như bây giờ, vô minh hơn bây giờ, dại dột hơn bây giờ. Đừng để cái quá khứ đó là nỗi ám ảnh khiến bạn từ bỏ quyền được an nhiên, hạnh phúc của những ngày hiện tại và cả tương lai! (Và sẵn đây, nhắc luôn những ai có thể đang nắm giữ một phần quá khứ đau thương của những người khác, hãy đừng bao giờ làm người đi quật lại những điều thương tổn đó, bạn nhé. Làm như vậy, nghiệp ác của bạn sâu lắm, rồi oán sẽ lại chồng chất oán mà thôi).
Cuối cùng, một câu cũ và quen thuộc lắm rồi, nhưng vẫn luôn đúng: “Nhân vô thập toàn”. Chỉ sợ trên đời này có được một phần triệu người sinh ra đã thánh thiện vô nhiễm để không bao giờ lầm lỗi, còn lại mấy tỉ người chúng ta trên thế gian này, ai dám chắc mình chẳng bao giờ phạm những sai lầm – thậm chí, những sai lầm dại dột, điên khùng, hoặc ngu ngốc? Bạn yên tâm đi, không phải ai cũng sẵn lòng nói ra cho bạn biết đâu, nhưng mình cá là trong bất kỳ người qua đường A bạn đồng nghiệp B người bà con C… nào của bạn đều luôn có những ‘góc khuất’, là những lỗi lầm lớn nhỏ hết! Kể cả mình 🙂 Vậy thì, tại sao mọi người xung quanh có thể coi đó là những bài học và sống tiếp một cách tốt đẹp, còn bạn thì không? Vậy tại sao bạn lại không cho bản thân mình một cơ hội được tha thứ, để bạn được nhẹ lòng sống tiếp, mà không chừng, còn sống tiếp một cách hữu ích cho đời, cho mọi người quanh mình?
Chỉ cần, trong hành trình sống tiếp và đi tới, ta luôn ý thức mình không ngừng hướng đến sự hoàn thiện bản thân, sao cho mỗi ngày qua ta sống tốt hơn thêm một chút, buông được nhiều hơn một chút những điều không nên làm, làm thêm được những điều đáng làm, cần làm, nghĩa là ta đã ‘tu thân dưỡng tính’ rồi. Và bằng điều đó, ta đã dùng cuộc sống này, phần đời tiếp theo này để chuộc lỗi, để bù đắp cho những lỗi lầm ta có thể mắc phải trong quá khứ rồi.
Sống tiếp nhẹ nhàng và tha thứ cho bản thân cũng là điều hoàn toàn trong khả năng của ta, phải không bạn?
(7.11.2018 – QH)
Không có bình luận