THƯƠNG MỘT NGƯỜI

>
>
THƯƠNG MỘT NGƯỜI

Mình tâm đắc cái tứ này từ lâu lắm rồi, từ bữa nghe được một bài pháp giảng của một vị thầy ở xa. Nhưng mà mãi đến mấy hôm nay mới bắt mình phải viết cho xong bài viết, bởi vì cái tứ này, “Thương một người”, nó… trùng với tên một ca khúc rất được nhiều người ưa thích của Trịnh Công Sơn, cũng sẽ có mặt trong chủ đề Tình của Thay lời muốn nói tối chủ nhật này.

Tuy vậy, bài viết này mình không định phân tích về ca khúc này của Trịnh. Mình muốn nói về chuyện Thương một người cụ thể. Để vỗ về một số đáng kể trái tim đang ‘chênh chao, lao đao’ vì một người, hổm rày thả vô inbox trang mình cũng nhiều.Sống ở đời, bạn đã thấy qua một người trưởng thành nào chưa từng ít nhất một lần thương phải một người nào chưa? Một người, với một dạng ‘tần sóng’ đặc biệt nào đó, khiến cho toàn bộ sự chú ý, cảm xúc… của ta đều bị vô thức hút về phía đó. Và cũng chính vì điều này, bạn để ý không, những niềm vui nỗi buồn của bạn từ lúc nào đã không còn do bạn làm chủ được nữa. Nó đã… nằm trong tay người ấy. Người ấy làm cho bạn vui, hạnh phúc ngất trời mây. Nhưng cũng chính người ấy làm cho bạn đau khổ, buồn bã.

Và sau một đoạn thời gian, sự thật bạn nhìn lại thử coi, đáng buồn thay, phần lớn những gì bạn đã trải qua là… vui ít buồn nhiều, hạnh phúc lai rai mà dài dài đau khổ.

Chưa kể, đó là bạn đang đứng nhìn từ góc độ ‘cái tôi’ nhìn ra. Nghĩa là, bạn đang nằm trong nhóm đối tượng ‘thụ thương’ và người kia ở nhóm ‘người gây tổn thương’. Thế nhưng, chỉ cần khách quan hơn một chút, bạn lùi ra, nhìn lại, và chuyển góc nhìn. Tới đó, thể nào bạn cũng phát hiện ra, ở cương vị là ‘người được yêu được thương’, bạn cũng đang… gây đau khổ cho ‘người kia’ không ít.

Trong bài pháp mà mình nghe được, vị thầy ấy bảo, nếu một ngày bạn gặp phải một ai đó, và anh ta bảo anh ta đang… yêu một hòn đá. Gì? Yêu một hòn đá sao? Đúng vậy. Hòn đá này rất đặc biệt, mỗi lần anh được ở cạnh hòn đá ấy thì anh cảm thấy rất vui rất hạnh phúc, còn mỗi khi phải xa rời hòn đá, anh ấy rất buồn, rất cô đơn. Bạn nghĩ sao? Có thể bạn không nói ra miệng đâu (vì lịch sự), nhưng thể nào trong lòng bạn cũng âm thầm nghĩ, “Thằng cha này chắc hơi… bị ‘khùng’ nè ^^”

Thế nhưng nếu bạn gặp một người đang yêu, là yêu một con người khác. Anh ấy cũng thực sự rất vui rất hạnh phúc khi được kề cận ‘người trong lòng’ ấy, và cũng thực sự đau khổ nếu phải lìa xa người ấy. Lần này, ắt hẳn bạn lại thấy anh này hoàn toàn bình thường, thậm chí, trong lòng bạn còn dấy lên một chút cảm giác… đồng cảm cho hoàn cảnh của anh ấy nữa!

Rồi bạn thử so lại hai trường hợp xem sao. Với trường hợp 1, bạn nghĩ người ấy ‘khùng’, ‘tưng tưng’, tự nhiên đi yêu một hòn đá. Thế nhưng ít ra hòn đá ấy cũng… hiền khô à, không có… nhõng nha nhõng nhẽo rồi vô cớ quạu lên với ảnh. Không có lúc mưa lúc nắng với ảnh. Không có vòi vĩnh, bắt ảnh nửa đêm đi mua bing-su hay chân gà nướng về để em í gặm. Hay không có bỏ anh ta mà đi yêu người khác, rồi lại còn nói cho ảnh biết là người đàn ông sau của em í tốt hơn ảnh nhiều!

(Ờ, cái này chỉ là một vài ví dụ cho những ‘hiện tượng phổ biến’ ở chiều đàn ông chịu khổ vì phụ nữ thôi. Chứ nếu đưa ra ví dụ ngược lại, đảm bảo các bạn nữ cũng sẽ dễ dàng liệt kê tám chục cái ‘mệt mỏi’ với những anh người yêu trong vòng một nốt nhạc! Tỉ như, thói hờ hững, thiếu quan tâm. Rồi nguy cơ ‘bắt cá hai tay’, ‘có mới nới cũ’, vân vân…)

Có thể nói, nếu nhìn theo hướng này, thì cái người “đang yêu một người khác” rõ ràng là đang “chơi với lửa”, và có rất nhiều, rất nhiều nguy cơ anh ấy/cô ấy sẽ bị ‘Lửa tình’ liếm vào tay cho phải bỏng. Biết sẽ bị bỏng mà vẫn lao vào, như vậy xét ra, ai… khùng hơn ai? 

Nhớ lại, hôm bữa mình nghe vị thầy ấy ví von mà lăn ra cười. Cười cho đã, lại… giật mình. Vì quả thật nó đúng như vậy mà!

Hôm bữa vị thầy ấy đưa ví von này nằm trong cùng một bài với khái niệm “Bảo hiểm cho kiếp sau” đó. Ý rằng, cùng với cảm giác sân hận một người khiến cho bạn bị cột chân mãi trong cái vòng lẩn quẩn của chịu tổn thương và ‘trả đũa/ trả thù’, cái cảm giác yêu sâu đậm một người rồi chịu ‘lên bờ xuống ruộng’ vì người ấy, nó cũng có thể… làm mình mệt mỏi y như vậy. Vì thế, vị thầy ấy nói, khi khép lại vòng đời này, thay vì chúng ta được thanh thản đi đến ‘vùng đất lành’, nơi chỉ có an lạc và niềm vui, chúng ta lại nặng mang những ‘gánh đời’ gồm những yêu và ghét, thương và hận, để rồi tâm hồn chúng ta mãi mãi nặng mang, trồi sụt trong cõi luân hồi, khó bao giờ giải thoát được.

Thôi mình không bàn tới những vấn đề có thể quá sâu xa về ‘cõi luân hồi’ hay các kiếp. Chỉ cảm thấy, ngay tại vòng đời này, kiếp này, chỉ sợ ta không nhận ra thì thôi, chứ còn một khi đã nhận ra rồi, thì bằng ý thức, hãy kiểm soát cái sự ‘thương một người’ của mình mỗi ngày tốt hơn một chút.

Hôm bữa có dịp ngồi ăn trưa cùng một nhóm bạn trẻ. Câu chuyện vãn lòng vòng một hồi chạy về quanh chuyện con tim. Một bạn chỉ vào một cậu trai mặt mũi coi bộ cũng khôi ngô, méc “Thằng này nó đang thất tình đó chị!” Mình cười, nói với cậu, ngày nào em còn để trái tim em dồn tình cảm về thương một người là em sẽ còn khổ dài dài.


Vì, hãy nhận ra rằng, cùng với cái sự ‘thương’ đó với một người, mình sẽ vô thức phát triển cái dục chiếm giữ. Chỉ muốn người ấy vui vì mình, cười với mình, chỉ làm những điều tốt đẹp riêng cho mình. Rồi cái người ta làm hỏng được như vậy, mình đau lòng.

Vì thương, mình sẽ trở nên quá để ý. Một hành động, cử chỉ có thể hoàn toàn bình thường nếu là những người bình thường khác, nhưng chỉ vì nó xảy ra trên người mình thương, sẽ khiến mình bị tác động sâu sắc, mất ăn mất ngủ, băn khoăn thổn thức, suy diễn tới lui coi bản làm vậy ý gì.

Vì thương nên mình cũng sẽ quá “để bụng”. Mình tự nguyện dốc hết tâm lực lo cho người ta. Và bằng bản năng, đổi lại, mình cũng muốn yêu cầu người ta đối xử lại y như vậy với mình. Người ta làm không được, hoặc… không muốn làm, vậy là mình tổn thương sâu sắc.

Hơn nữa, cái cảm giác ‘thương’ mê mệt này nó luôn luôn đẩy con người ta ra khỏi ngưỡng cảm xúc cân bằng, không buồn thì vui, không vui thì khổ. Mà rõ ràng, cái tình trạng ‘lên lên xuống xuống thất thường’ trong cảm xúc, nó đã kéo bạn đi rất xa khỏi sự An lạc bình ổn rồi.

Chắc bị phân tích ‘đúng tim đen’, thằng nhỏ cười cười, vậy giờ em biết phải làm sao giờ chị? Mình nhìn nó, tự nhiên thấy thương cảm, như thể nhìn thấy mình hồi đó cũng từng có lúc ‘lóp ngóp, loi ngoi’ trong bể tình như vậy chớ có ngon lành gì hơn ai. Cái là bày đặt lấy giọng đàn anh đàn chị đi trước trải nghiệm đồ, mình nói với em nó. Trong lúc nào còn ý thức được, hãy cố gắng đừng dồn tình cảm của mình hết vào một con người. Nếu em giữ cái tình thương đó lại mà trải đều ra, thành một dạng tình thương chung đều khắp, nó sẽ thành một loại tình thương chan hòa, đầy an lạc và không muộn phiền. Điều đó, ít nhiều hướng ta về Tâm Từ bi, hoặc Tâm Bác ái. Mà dạng tình yêu thương này lại không có ‘lên bờ xuống ruộng’ gì, cũng không cần báo đáp, cứ thương là thương trải rộng ra khắp đi vậy, mỗi ngày một dày hơn lên, mỗi ngày một nồng hơn lên, thế thôi.

Nói vậy thôi, chớ mình biết mà. Gặp ai ‘Đúng duyên, đúng nợ’ của ta là ta nhảy vô yêu mê mệt. Nhưng, nhưng trong cảnh “yêu mê mệt” đó thể nào cũng có lúc ta đau khổ. Vậy thì những lúc đó, hãy thử dùng cách này. Chuyển tình thương tập trung ấy sang dạng trải rộng, cho nhiều người. Đi ra ngoài, tham gia các hoạt động vui chơi với nhiều bạn bè cùng sở thích. Kiếm nhiều chuyện khác để san sẻ lực chú ý của mình, chẳng hạn như đi du lịch, xem phim, đọc sách, nghe nhạc… (Nhưng mà nhớ kiếm mấy bài nhạc vui vui hớn hở để nghe, đừng ngẫu nhiên chọn trúng mấy bài nhạc tình buồn buồn… là tự nhảy xuống hố tiếp, vì âm nhạc là ‘chất dẫn’ lợi hại lắm người ơi ^^)

Với những mối quan hệ đang mới xây đắp từ đầu, hãy ráng ý thức sự hiểm nguy của những ‘tác dụng phụ’ đi kèm “Thương một người” đó, để thay vì cứ tối ngày chăm chăm suy nghĩ về con người đó, hãy… rủ con người đó cùng quan tâm đến những vấn đề tốt đẹp mà cả hai cùng yêu thích. Tỉ như những kiến thức mới, những vùng đất mới, những dự án thiện nguyện mới… Những mối quan tâm chung đó sẽ vi diệu ‘lái’ sự quan tâm của hai bạn, từ chỗ chiếu thẳng vào nhau, sang… cùng nhau chiếu về một hướng. Mà hai cái gì cùng đi về một hướng nó sẽ đi theo hướng song song, đúng không. Mà cái gì phát triển song song, nó đi bền lắm, bạn ơi 

Vậy cuối cùng, sẵn nói luôn. Những ‘bí kíp’ này không chỉ bó gọn trong các mối quan hệ lứa đôi, mà có thể mở rộng áp dụng trong cả những mối quan hệ bạn bè, người thân, như cha mẹ – con cái, hay các thành viên trong gia đình. Nếu bạn cảm thấy bạn đang ‘giữ rịt’ mẹ bạn lại không cho mẹ bạn thương thêm đứa em hay người chị bạn, thì bạn nên áp dụng thử cách này. Hoặc giả nếu bạn đang là một người mẹ và bạn cảm thấy mọi tình thương của bạn đang tập trung vô mỗi cậu con trai/cô con gái bảo bối của bạn, khiến cho bạn luôn thấy tổn thương sâu sắc mỗi khi nó làm cái gì trái ý bạn hoặc nó… thương yêu ai khác ngoài bạn, hãy thử áp dụng cách này.

Tóm lại, mình chỉ luôn tâm niệm một câu vầy: Thương là một loại hạt giống cây kỳ lạ, càng nuôi kỹ nuôi trong phạm vi hẹp chừng nào càng èo uột, mà càng đem chia ra gieo rắc đi càng nhiều càng nhiều càng sống khỏe, càng mọc hăng, càng ích lợi! Cho nên, cứ thoải mái đem gieo rắc lòng Thương của mình rộng rộng rộng ra đi, đừng chỉ tập trung Thương quá mức một / một vài con người cụ thể nhất định, bạn sẽ có nhiều cơ hội sống đời an lạc 

Vì vậy, lời cuối dành cho những ai cho tới thời điểm này vẫn chưa tìm thấy một người để mình ‘thương tập trung’, cũng đừng cảm thấy mình buồn khổ thiệt thòi gì. Trái lại, hãy cảm thấy phần nào may mắn. Sống thuận duyên đi, đàng nào bạn cũng có thể chuyển hoá cái tình thương lẽ-ra-tập-trung-vào-một-người ấy, để chan hoà cho nhiều người được hưởng  Như vậy cũng tốt mà!

(6.4.2018 – QH)

 

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart