VIẾT TIẾP “CHUYỆN HIẾM MUỘN”

>
>
VIẾT TIẾP “CHUYỆN HIẾM MUỘN”

Một đứa em trong team nói với mình, “Em đọc bài Chuyện hiếm muộn chị viết mà có cảm tưởng chị dành tâm tư mấy chục năm mới gom được vô một bài viết này”.

Cậu em nhìn ra thiệt hay. Cái vấn đề mà mình ‘ứa mắt’ bao nhiêu năm qua. Từ hồi còn mười mấy tuổi, chứng kiến bà dì xinh đẹp, thanh tú động lòng người của mình dần dần biến thành một người phụ nữ khô héo, mỏi mòn trong tuyệt vọng vì hiếm muộn. Vậy mà bao nhiêu năm qua mình chưa từng dám mở miệng ra động tới chủ đề này một lần, vì sợ sẽ làm động đến nỗi đau đớn nhất trong lòng dì. Rồi hôm rồi ngồi trên xe về nhà, sau bao nhiêu sự việc diễn ra những ngày này, ý tứ trong đầu mãnh liệt như sóng cuộn. Mình nhận ra, nếu mình còn lần lữa hoài không chịu cất lên tiếng nói về vấn đề đau lòng mà đầy tế nhị này, thì ai sẽ chịu nói đây?

Về nhà, mình hỏi dì, “Dì còn vướng bận gì về người đàn ông đó không?” Mặt dì bình thản, dì nói, dì bỏ qua con người ấy lâu rồi. Thế là bài viết “Chuyện hiếm muộn” trào xuống bàn phím.

Và bạn biết không, chỉ trong vòng một ngày sau khi bài viết được up lên, Facebook báo mình đã có hơn 100.000 lượt người reached và gần 400 lượt share lại, mấy trăm cái comment, cái nào cái nấy đọng lại trong mình với bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vậy mới thấy, cái vấn đề này quả thật như một đợt sóng ngầm mà dữ dội, đã âm thầm càn quét đi bao nhiêu hạnh phúc gia đình, bao nhiêu lâu nay. Vậy mà mấy ai dám lấy câu chuyện của bản thân mình ra mà làm ‘ví dụ’, để cảnh tỉnh hay nêu gương cho những người khác?

Càng đọc muôn mặt ý kiến từ bạn đọc, mình mới âm thầm ngẫm lại. Thấy, hóa ra cái điều cho tới bây giờ làm mình may mắn nhất trong chuyện này KHÔNG PHẢI là ở chỗ mình không bị hiếm muộn, mà là mình CHƯA TỪNG BAO GIỜ chịu áp lực từ chính nhà chồng của mình. Hồi đó lấy mình, anh xã mình đã 39 tuổi. Anh là con trai trưởng trong gia đình, con mình sau này sinh ra sẽ trở thành “cháu đích tôn” đó chứ, lẽ ra phải bị áp lực chứ? Nhưng mà chưa từng, không hề. Mình lấy chồng hai năm chưa có em bé (là do lúc đó tụi mình chưa có kế hoạch có em bé), má chồng mình có sốt ruột không thì không biết (chắc có chớ!), nhưng bà chưa bao giờ hỏi ngắn hỏi dài, nói gần nói xa mình một lời. Cả nhà chồng mình cũng vậy, từ ba chồng tới mấy cậu em trai của anh xã. Trước giờ mình thấy việc đó là cũng bình thường, hiển nhiên thôi, giờ mới nhận ra, mình – xét theo khía cạnh này, cũng là khá ‘có phước’.

Bởi càng ngày mình càng chua xót nhận ra, cái điều làm người ta dễ xuống tinh thần nhất, mất đi sự an nhiên nhất, không còn ý chí để phấn đấu hay làm bất cứ việc gì tốt đẹp khác ngoài nỗi ‘ám ảnh’ phải có con, có con, có con, chính là từ những đối tượng ở gần ta nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến ta nhất! Mà giờ mình cũng dần nghiệm ra, vì sao mình lại có thể thương má chồng, mình cư xử với má chồng không phân biệt má chồng – mẹ ruột như vậy, bởi vì có lẽ bà chưa từng đặt cho mình những áp lực lẫn đe dọa rất ‘điển hình mẹ chồng’, theo kiểu như vậy.

Như vậy mới thấy càng thương comment của một cô – mình đoán là một mẹ chồng của ai đó, dưới bài Chuyện hiếm muộn của mình hôm qua. Cô viết: “Các con đọc đi nhé! Mẹ cũng nghĩ như cô QH, hãy thuận theo lẽ tự nhiên của đất trời ban bảo… Các con đừng đau nữa. Các con đau một mẹ đau mười, mẹ chỉ cần hai con thương yêu nhau là mẹ mãn nguyện rồi …Yêu các con…”

Thật là muốn thả một trăm trái tim cho người mẹ này!!!

Muốn thả tim cho bà, là vì tuy không phải gia đình chồng nào cũng vậy, nhưng vì thực tế đã cho thấy, đang có Không Ít nhà chồng đang đã và đang gây áp lực, thậm chí trở thành một dạng ‘tra tấn tinh thần’ cho người vợ hiếm muộn. Mình xót xa khi đọc những chia sẻ này từ một bạn gái khác gửi vào tin nhắn riêng trang mình. Bạn nói, mặc dù câu chuyện này không dính dáng gì trực tiếp đến bạn, nhưng vẫn làm cho bạn cảm thấy tổn thương vô cùng.

Rằng trong xóm của chồng bạn có một anh lấy vợ 6-7 năm rồi, và vì vợ anh ta bị vô sinh, sảy thai liên tục nên gia đình anh ấy rất không đồng ý, “và kết cục là anh ấy đã bỏ chị ấy. Sau khi li dị chị lủi thủi về quê nương nhờ cha mẹ.” Lúc đó cô bạn – người kể chuyện này – đang mang thai, qua nhà bố mẹ chồng bạn chơi và nghe bố mẹ chồng kể với chồng bạn: “Anh ấy lấy vợ khác, giờ có con rồi, mừng cho anh ấy may mắn, chứ ở với cô vợ cũ thì chả biết già cả có được mụn con nào để nương nhờ không”. Và đáng buồn hơn, là chồng bạn cũng bày tỏ sự mừng vui cho anh bạn cùng xóm ấy!

Cái suy nghĩ làm cô bạn bị sốc, vì nhận ra không chỉ bản thân chồng hay nhà chồng có thể làm khổ một người phụ nữ, mà cộng đồng xung quanh cũng tiếp tay tung hô cho chuyện ấy. Bởi nhiều người vẫn đang – bằng vô thức – mặc nhiên coi người phụ nữ là những ‘cái máy đẻ’, nhân danh đó là ‘thiên chức của phụ nữ’. Và cách thức giáo dục truyền từ đời ông bà sang cha mẹ, cha mẹ sang con…, đã mặc nhiên thừa nhận việc đó, khiến cho những điều vốn bản chất là vô cùng thiếu nghĩa, nghiễm nhiên trở thành… đúng đắn, hợp lẽ!

Phải, sinh con cái là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng nó là một hạnh phúc mà người phụ nữ ai cũng mong được hưởng, không phải là một nhiệm vụ, một gánh nặng để họ oằn lưng đánh mất cả niềm vui và niềm hạnh phúc ở tất cả những mặt còn lại của cuộc sống, được không?

Vì sao vẫn phải mãi sống trong cái tâm tưởng “có con để sau này nương nhờ tuổi già”, trong khi tất cả chúng ta đều thấy rõ, con cái bây giờ thì ít, lớn lên phần lớn lại đi học xa rồi lập nghiệp luôn ở xa, có mấy đứa mà được ở gần cha mẹ, để mà “mình được nương nhờ?” Tại sao lại không ý thức tự chủ động lo cho những ngày già sau này của mình bây giờ, dành dụm một khoản tài chính, sau này về hưu vợ chồng “dắt tay nhau du lịch khắp thế gian”, giống như lời một cặp vợ chồng hiếm muộn nào đó đã vui vẻ comment trên trang mình. Tâm ta, ta chủ động thấy nó vui là nó vui, bất kể ta ở với ai, con ruột hay người dưng. Cho dẫu bạn có đến mấy người con mà lớn lên các anh chị bay nhảy mỗi người một phương, sợ là cũng chỉ là người bạn đời của mình cũng những người dưng thân thiết xung quanh trở thành những người yêu thương, lo lắng chăm sóc cho ta là chính.

Mình thực nghĩ, chỉ cần ta sống thật lòng, không phân biệt người thân – người ngoài, thì mỗi khi đau ốm, tối lửa tắt đèn, về già ốm yếu, ta cũng sẽ không bao giờ cô độc! Bởi chính cái sự không dùng tâm phân biệt của bạn đã lay động và cảm hóa được những người xung quanh, khiến cho đến lượt những người ấy cũng sẽ nhất định không coi bạn như ‘người ngoài’, dẫu bạn với họ chẳng có dính líu chút xíu máu mủ ruột thịt nào.

Dĩ nhiên, mình hiểu, với đại đa số người có tuổi, cảm giác mong ngóng con cháu là lẽ tự nhiên và có thật, nhiều ông bà nội ngoại trẻ trung còn thú nhận, họ thiếu điều… còn thương cháu họ hơn cả mấy đứa con, đặt ‘ưu tiên một’ của họ lên đám cháu nội cháu ngoại, mấy đứa con xuống… hàng hai. Tuy vậy, như mình đã nói, đôi khi cuộc sống không cho ta tất cả, thì hãy ráng nhìn ra, những cái khuyết đó, thiếu thốn cảm giác vui vầy con cháu ruột rà đó, nhìn theo một góc độ nào đó, cũng chính là một dạng ‘bài tập khó’ cho bản thân ta hành cái lòng bao dung, vị tha, chấp nhận hiện thực, an trú trong hiện tại của ta, không phải sao?

Tập đứng lên cao hơn một chút những dòng cảm xúc lẫn lộn của hỉ-nộ-ái-ố cuộc sống này, ta sẽ nhìn ra con đường ta đang đi trong cuộc sống này. Nếu coi chặng đời này của ta như một đoạn đường, đây sẽ là đoạn bạn bị ‘gài bẫy rập’. Nếu bạn đau khổ, lúng túng, loay hoay trong những phiền muộn và chì chiết người thân của mình vì tội hiếm muộn, vô sinh => rồi xong, ta sẽ bị ‘sập bẫy’, chân kẹt trong một đống vướng chấp, nghiệp chồng nghiệp do tiếp tục gây ra tổn thương nơi người phụ nữ là vợ mình/con dâu mình. Nhưng nếu bạn tỉnh táo đứng lên trên, nhìn cho ra đây chỉ là một cái bẫy rập, bạn bình thản nhẹ nhàng rút chân ra, bạn sẽ bảo toàn được cơ thể và tâm hồn bạn chẳng đau đớn chỗ nào, và đi tiếp!

Mà, trên đường đời, ai mà chẳng mong thoát được càng nhiều ‘bẫy rập’ trời ơi đất hỡi mà thiên cao oái ăm thích giáng xuống, như thử thách lòng ta, phải không bạn?

Trong xã hội mình đang sống, bên cạnh một số rất ít những người nặng nghiệp sao đó quá mà sống quá xấu quá vô minh, thôi mình mạn phép không bàn đến. Nhưng mình cảm thấy, đại đa số người mình đều là những người thiện lương, ai cũng mang mầm thiện trong người, biết nghe theo những điều phải, biết học làm theo những việc tốt, và biết cầu nguyện, nương nhờ ơn trên, biết đi chùa, đi nhà thờ, có ý thức đi làm từ thiện. Vậy, xin hãy mở lòng và nhìn nhận sự thật, rằng nếu bạn chấp nhận sự hiếm muộn của vợ bạn/con dâu bạn, và thay vì bạn ngấm ngầm hay biểu lộ rõ ràng cái áp lực cho những người phụ nữ ấy, bạn hãy tập san sẻ nỗi khổ ấy, đồng cảm, yêu thương vợ/con dâu bạn, cái phước cái đức bạn đang gầy dựng được, mang về cho bản thân bạn và gia đình bạn, con cái bạn là vô lượng, gấp trăm lần bạn đi từ thiện bên ngoài.

Bởi bạn còn nhớ có lần mình nhắc đến Hạnh Bố thí (Hạnh Cho đi) chứ, đó là một hạnh tuyệt diệu nhất, là cái hạnh đầu tiên và là cái hạnh cuối cùng để sống tốt đẹp ở đời. Cái bạn Bố thí (cho đi) trong trường hợp này, chính là sự đồng cảm, chia sẻ, không mất một đồng xu nào, nhưng cần ít nhiều sự tỉnh thức để vượt qua được những mặc định suy nghĩ theo quán tính trước giờ. Hãy tập ngưng dùng tâm phân biệt để đối đãi với vợ/con dâu bạn nữa. Hãy thử một lần không coi đó là ‘con dâu’, mà là ‘con gái’ mình. Con gái mình chịu cảnh hiếm muộn, vô sinh, ta có nỡ lòng nào nặng nhẹ nó không? Nếu đó không phải là vợ ta, mà là chính ta bị ruồng bỏ, ta sẽ cảm thấy thế nào?

Vậy đó, bạn ạ. Dạo gần đây càng ngày mình càng thấm cái sự tuyệt vời vô tả của cái sự ‘không dùng tâm phân biệt’. Dĩ nhiên không phải lúc nào mình cũng nghiệm ra được hay thực hành nó được. Nhưng những lúc mình nghiệm ra được, hoặc hữu duyên có ai chỉ cho mình thấy, nhất định mình sẽ cố gắng thực hiện. Và, nếu có anh chồng nào, người mẹ chồng nào còn cảm thấy quá khó trong việc buông chấp kỳ vọng con cháu nối dõi tông đường mà tập yêu thương con dâu mình như con gái ruột, hãy thử nhìn vô ‘ví dụ trực quan sinh động’ là mình đây nè. Bạn hãy nghĩ, cô Quỳnh Hương đó, cổ có ba má chồng và cả gia đình chồng dễ thương không gây áp lực cho cổ chuyện có con cái, nên cổ mới sống vui vẻ tới bây giờ. Mà nhờ cổ sống vui vẻ không áp lực đối phó chuyện gia đình, giờ cổ mới tươi vui như vậy, mới có thời gian và tinh lực muốn đi giúp nhiều người khác như vậy.
Như vậy bạn thấy không, một việc bạn làm thôi, sẽ dắt dây gieo tới n hiệu quả tốt đẹp cho bản thân bạn và những người xung quanh bạn. Sao bạn lại không thử làm qua, nhỉ? 🙂
(19.1.2018 – QH)

😰 Chài ai, mình còn nguyên cái kịch bản Thay lời muốn nói tháng 2, chủ đề Nhà, ghi hình tối 1/2 tới đó, ahuhu! Kịch bản thì chưa động vô nổi, nhưng máu huyết lại ‘sôi nổi’ hướng về vấn đề này, mình… mệt mình thiệt chớ ^^ Thế nhưng mình không hối hận đâu, vì mình biết, một khi đã mở ra rồi, mình sẽ phải viết cho tạm rốt ráo những việc có liên quan tới vấn đề này rồi mới có tâm thanh thản mà đi làm kịch bản Nhà. Và mình tin chắc rằng, một khi có thêm nhiều người phụ nữ bớt nặng lòng hơn vì gánh nặng hiếm muộn và ‘bản án’ vô sinh, chủ đề Nhà của mình nhất định sẽ nhẹ nhàng hơn, bay bổng hơn nữa 

🤗 Và bởi vì vậy, mình sẽ còn viết tiếp một kỳ nữa, đề cập đến một số những cách thức mà các bạn hiếm muộn trang mình đang áp dụng để tìm thấy niềm vui trong tiếng bi bô của trẻ con: Nhờ người mang thai hộ – Xin con nuôi – Tiếp nhận con riêng của chồng… Đúng là vấn đề này, mênh mang bao la thật!

Hình em bé chim thiệt dễ thương lấy từ nhà em admin Phung An héng

 

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart