Thư gửi người trẻ – số 4: SINH VIÊN NGÀNH Y: CỐT LÕI LÀ TRÁI TIM MÌNH

>
>
Thư gửi người trẻ – số 4: SINH VIÊN NGÀNH Y: CỐT LÕI LÀ TRÁI TIM MÌNH

Hôm nay được dịp đến nói chuyện truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Một buổi sáng gần ba tiếng rưỡi, mình và thầy giáo của các bạn – thầy Trương Trọng Hoàng, đã thực sự được quyện vào tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết và cảm thấu của những người trẻ. Cái chủ đề mà ngay từ khi đại diện hội sinh viên trường ngỏ lời mời cách đây bốn tháng mình đã hứa ưu tiên sắp xếp giờ để đến: “Biến tha nhân thành quý nhân” – câu ‘thần chú’ mà mình học được, giờ nhiều bạn trang mình cũng biết. Ưu tiên sắp xếp để đến trò chuyện với các bạn, là vì trong môi trường y tế, lượng ‘tha nhân’ xung quanh các bạn càng nhiều hơn nữa. Vì thế, một khi các bạn nắm được cốt lõi của ‘thần chú’ này, ích lợi của nó càng to lớn hơn nữa.

Ngành y là một ngành mang ý nghĩa đặc biệt trong xã hội muôn đời. Và bạn có thể để ý rằng, dẫu xã hội có thay đổi chóng mặt đến thế nào, dẫu cho bao nhiêu nghề nghiệp từng là ‘thời thượng’ sẽ dễ dàng bị mai một đến mấy, chỉ có nghề giáo và ngành y sẽ mãi luôn tồn tại. Bởi một ngành là để dạy dỗ con người, một ngành – là để cứu người tồn tại. Như mình đã từng nói, không ai ép các bạn vào hai ngành này, thế nhưng, một khi bạn đã quyết định chọn chúng, nghĩa là hãy ý thức bạn đang gánh vác một sứ mệnh, chứ không chỉ một nghề nghiệp đơn thuần.


Image may contain: 1 person, sky

Sáng nay, ngắm mấy trăm bạn trẻ ngồi đối diện, mặt sáng ngời háo hức nhìn mình, mình nói thật lòng, mỗi bạn, khi bước chân được vào giảng đường ngành Y và sau này bước ra được khỏi cánh cổng này, mỗi bạn là một thiên sứ. Hãy cảm thấy mình thật sự đặc biệt, thật sự thiêng liêng. Hai bên vai bạn luôn có những thiên thần để hộ bạn làm được thật tốt công việc cứu người của mình, nếu bạn biết giữ tâm bạn thật sáng và một lòng hướng về bệnh nhân. Tụi nhỏ cười. Mình nói, cô nói thiệt mà! Nếu không, các bạn giải thích làm sao với chuyện cùng một bệnh nhân mà hai bác sĩ có thể tương đương về trình độ, bác sĩ này chữa không khỏi nhưng bác sĩ khác lại chữa khỏi? Tụi nhỏ gật gù.

Mình lại nói, hãy biết giá trị thật lớn của riêng những người làm ngành y. Không phải là việc phải miệt mài học hành, thi cử, “hết biết tuổi thanh xuân là gì” như các bạn tự nhìn ra. Đó chính là đức hy sinh. Còn không phải sao. Tối ngày đối mặt với sự sống – cái chết, với máu mủ và vô vàn sự ‘ghê gớm’ khác mà những người bình thường khó thể nào chịu nổi. Môi trường làm việc quá nguy hiểm. (Đứa em trong team mình nằm bệnh viện, tụi mình muốn vào thăm nó không cho. Bảo các anh chị đừng vô, trong này thật nhiều vi trùng lắm, bác sĩ cũng không cho người nhà vào thăm nữa, chỉ có bác sĩ và một người nuôi bệnh thôi).

Và một buổi sáng ngồi cùng các bạn trẻ, mình nhận thức thêm một mối hiểm nguy nữa mà trước giờ tuy có đọc qua trên báo chí nhưng cũng không ý thức nó trầm trọng đến thế: nạn bạo lực, hành hung nhân viên y tế từ chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân! (Mà khổ cái là, nếu như một hành khách đi máy bay có hành hung một thành viên phi hành đoàn sẽ bị kết án và có khả năng bị cấm lên máy bay sáu tháng/một năm, thì một bệnh nhân có tát tai một nhân viên y tế, người ấy lại không thể sáu tháng/một năm… bị cấm không thể bước chân vào bệnh viện được!)

Ngồi nghe thầy các em phân tích các tình huống và dạy các em các chiêu thức… chạy thế nào để tránh những đòn ập đến, hay khuyên các em nên học võ để tự vệ và cho tham khảo thêm các thông tin từ các tổ chức y tế trên thế giới, mình mới bần thần biết thêm rằng, hóa ra cái sự bạo lực, hành hung chốn bệnh viện không phải chỉ là ‘thảm cảnh’ xảy ra ở mỗi xứ ta, mà là ‘bi kịch chung’ cho ngành y tế trên toàn thế giới!

Thực sự nghĩ cũng có thể hiểu được. Bệnh viện – suy cho cùng cũng là một xã hội thu nhỏ, với mỗi một bệnh nhân/gia đình bệnh nhân là một hoàn cảnh, môi trường sống, nền giáo dục riêng. Cũng khó đòi hỏi ai cũng biết lễ, biết tôn trọng, nhẹ nhàng với những người đang chữa trị họ thế này…, đặc biệt là khi họ trong trạng thái không khoẻ, đang đau đớn, lo lắng hay bực tức… Vì thế, có lẽ ở ngành y, càng đặc biệt phải Hành chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn, trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là Nhẫn nhục hay Nhẫn nhịn, mà còn khởi rất nhiều chữ Tâm được bao hàm trong chữ ấy nữa. (Bạn nhớ chứ, trong ký tự Hán Nôm, chữ Nhẫn bao gồm bộ Tâm nằm dưới bộ Đao đấy).

Chữ Tâm – chính là trái tim mình. Bạn đừng nghĩ nó khó dùng. Trong mỗi con người ai cũng có trái tim trong lồng ngực trái. Hiện giờ, 100% con người chúng ta đang biết sử dụng trái tim mình cho mục đích cơ bản nhất: bơm máu nuôi cơ thể. Thế nhưng việc bơm máu nuôi cơ thể thì ai cũng giống ai cả mà, vậy tại sao có những con người trở nên đặc biệt hơn những con người khác? Là vì những con người ấy, họ biết dùng thêm trái tim họ vào một chức năng cao hơn, tinh tế hơn: đó là dùng trái tim ấm nóng của mình để tỏa lòng thương đến người khác.

Ai có thể phát cái Tâm ấm nóng của mình đến cho được càng nhiều người, người ấy càng trở nên đặc biệt hơn. Là vì trái tim kết nối thẳng với não bộ và mọi cơ quan bộ phận trên cơ thể ta. Chỉ cần trái tim phát ra những nhịp đập yêu thương, tự nhiên sóng não cũng sẽ phát đi những tín hiệu dịu dàng, làm cho tay chân ta săn sóc, tiếp nhận bệnh nhân… trở nên mềm nhẹ hẳn. Làn da ta sẽ toát ra một loại từ trường từ ái làm bệnh nhân dễ chịu. Đôi mắt ta nhìn bệnh nhân cũng chan chứa yêu thương… Bạn nghĩ đi, lúc toàn thể cơ quan bộ phận trên cơ thể ta đều phát ra những sóng yêu thương như vậy, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân – vốn đang trong cơn hoảng loạn, lo lắng, mất kiểm soát… sẽ như những cơn chấp chới mà cố vươn đến ta – không phải để… đòi hành hung, mà là để phát ra tín hiệu xin hấp thu năng lượng! Lúc ấy, mình thật lòng nghĩ, khả năng phát sinh va chạm, hành hung… có lẽ cũng sẽ giảm sút được đáng kể.

Tuy vậy, để có thể phát ra những dòng năng lượng đặc biệt mang đậm tính từ ái, yêu thương như vậy, đó không thể chỉ là nỗ lực của một ngày một bữa, mà phải là một sự vun đắp của một quá trình lâu dài. Bạn phải toàn tâm toàn ý hướng tới bệnh nhân của mình, lắng nghe họ, không được phân tâm bằng những câu chuyện phiếm với đồng nghiệp hay chúi đầu vào điện thoại. Bạn cần vận dụng mọi giác quan trên cơ thể bạn để ‘cảm nhận’ người bệnh, kể cả một kênh hữu hiệu để duy trì từ trường từ ái là dùng tương tác qua lời nói. Tiếp nhận bệnh hơi lâu, bạn chỉ cần mỉm cười, thưa với bệnh nhân trước một tiếng, chắc khó ai đến nỗi gây sự với bạn. Khám bệnh hơi đau, bạn nhẹ nhàng báo trước một tiếng, những sự đau sau đó chắc cũng sẽ không làm bệnh nhân nổi đóa.

Và quan trọng nữa, như cụm từ thời thượng mà giới trẻ bây giờ thích dùng, “Quan trọng là Thần thái”. Đúng vậy, cái thần thái của ta có tác dụng trấn an mọi người xung quanh rất hiệu quả. Một con người nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tươi cười… sẽ tạo cảm giác tin tưởng nơi người bệnh. Mà cái gọi là ‘Thần thái’ đó, cũng là một quá trình xây dựng thường xuyên, từ tác phong ăn mặc, tóc tai, cử chỉ… Chịu khó ngó mình một cách nghiêm túc trong gương, bạn sẽ nhìn thấy bạn lúc tươi cười và lúc quạu quọ ‘chùng ục’ khác nhau đến thế nào. Chính bạn còn chỉ thích nhìn gương mặt bạn tươi cười thôi, mọi người xung quanh bao gồm bệnh nhân bạn cũng thế thôi, bạn ơi!

Mỗi khi xảy ra xung đột, cứ trong mười vụ, có đến bảy tám vụ là… cả hai bên đều mỗi người lỗi một chút, anh lời qua thì tôi tiếng lại. Thế thì, bản thân là người làm ngành y nói riêng và nghề phụng sự cứu người/phục vụ con người nói chung, nỗ lực phát Tâm từ sẽ khiến ta đủ trấn tĩnh để vượt qua được cái Tôi luôn cho mình là đúng của mình, để ngẫm ngợi lại, một cách khách quan, xem mình đã không phải ở chỗ nào và người ta sai chỗ nào. Dây chỉ căng khi cả hai đầu kéo. Bản thân bạn chủ động buông nhẹ đầu bên bạn, nhẹ giọng xin lỗi và giải thích, bao dung cho những phần chưa phải của bên kia, chuyện có lẽ cũng sẽ ‘chùng’ đi, hệ quả về sau cũng sẽ đỡ hơn nhiều.

Tuy vậy, kiểu gì cũng phải nhìn nhận, tuy ít, nhưng đúng là trên thực tế vẫn có những trường hợp… ta không sai chỗ nào nhưng ta vẫn bị người gây sự, đòi hành hung. Lúc đó, nói như thầy Hoàng của các em – vốn là một bác sĩ tâm lý, thì các giải pháp tình thế thiên về xử lý thể chất: chậm rãi lấy cốc nước ra uống, hít thở sâu bằng bụng, hay đơn giản là… bỏ đi vô… toilet để xả bớt uất ức! Còn mình thì lại ham nghiên cứu các ‘phép thắng lợi tinh thần’, những kiểu ‘tự ám thị’ vô hại cho ai mà lại làm lợi lạc vô cùng cho mình. Theo đó, mình khuyên các bạn trong trường hợp này hãy nghĩ về luật Nhân – Quả. Ta không làm gì sai mà ta vẫn bị gây sự, vậy thì hãy nghĩ tới khả năng ắt hẳn là trong một đời kiếp trước nào đó ta đã… ăn hiếp người kia rồi, mà đời này ta làm gì nhớ được! Vì thế, thay vì sửng cồ lại dẫn đến xô xát hay to tiếng, hãy chỉ âm thầm niệm trong đầu, cái câu mà mình đã từng nêu trong bài “Bảo hiểm cho kiếp sau” đó. Niệm trong đầu với cái căn thức của người đối diện, rằng “Tôi xin lỗi vì có thể đã từng gây thương tổn cho bạn trong một đời kiếp trước. Tôi không giận bạn vì bạn kiếm tôi trả đũa lần này. Thôi hai ta buông bỏ cho nhau, không còn gút mắc hận thù, đường ai nấy đi nhé.” Thế là sẽ qua 🙂 Hay ít ra, mọi chuyện cũng sẽ đỡ trầm trọng hơn vốn nó phải như vậy.

Một cách ‘tự ám thị’ cũng khá hiệu quả là làm sao mỗi lần xảy ra chuyện xung đột, khó chịu, bắt bí nơi người bệnh/người nhà người bệnh…, đừng vội bực tức ngay mà hãy cố gắng nghĩ về nguyên cớ nào dẫn họ đến thái độ như vậy. Phải chăng là từ cơn đau? Phải chăng là từ nỗi khổ tâm nào họ không giãi bày được…? Phải chăng là do quá được cưng chiều dẫn đến ‘đành hanh’, khó thông cảm? Nếu bạn hiểu được khả năng này, cơn bức xúc của bạn sẽ nhiều phần chuyển hóa thành lòng thương xót. Bạn sẽ không còn thấy muốn chấp nhất những giằn vật, đay nghiến từ các ‘tha nhân’ bệnh nhân của mình nữa, mà chỉ một lòng muốn cho họ thoát được những cảnh khổ đó thôi. Điều đó, bạn biết không, kỳ diệu lắm, sẽ dần dà được thể hiện qua mỗi điều bạn nói, mỗi cử chỉ bạn làm. Và ‘tha nhân’ người bệnh/người nhà người bệnh kia, cũng kỳ diệu luôn, sớm muộn cũng sẽ cảm nhận được lòng bao dung đó ở bạn!

Cả một buổi nói chuyện dài, nhưng có lẽ tóm lại cũng chỉ gom về một ý. Với ngành y nói riêng và tất cả các ngành mang tính hy sinh, phụng sự nói chung như ngành y, ngành giáo dục, nghề truyền hình của tụi mình (hihi), cốt lõi vẫn là trái tim mình. Điều này, như thầy Hoàng của các em phát hiện ra, chữ ‘cốt lõi’ trong tiếng Anh (Core) rất gần với chữ ‘Trái tim’ bên tiếng Pháp (Coeur). Vậy thì, gần như trong mọi tình huống, chỉ cần ta ý thức lấy Trái tim làm Cốt lõi để hóa giải mọi bất ý, mọi xung đột, mọi việc sớm muộn sẽ ổn. Mà để được như vậy, cần lắm nhiều sự bao dung cùng tha thứ. Trong tiếng Anh, chữ ‘tha thứ’ là “Forgive” – hiểu theo chiết tự (For-give) là “Tiếp tục cho đi tình thương” sau những va chạm, xung đột, biến cố. Ai cũng có một trái tim đập bên ngực trái. Hãy ý thức dùng nó nhiều hơn chức năng duy nhất là bơm máu nuôi cơ thể, bạn sẽ thấy con người bạn thay đổi một cách mãnh liệt! Khi có dịp bắt đầu thực tập tiếp xúc bệnh nhân, hãy thử áp dụng ba lần phát tâm từ. Chắc chắn sẽ có ít nhất một trong ba lần đó bạn sẽ thành công trong việc ‘đắc nhân tâm’ người bệnh. Nói ‘ít nhất một lần’ là mình nói thận trọng đó, chứ xác suất bạn ‘đắc’ được không chừng lên tới cả ba trên ba lần!

Mà chỉ cần được ít nhất một lần ‘đắc nhân tâm’ như vậy, rõ ràng bạn có đủ cơ sở để tin tưởng con đường mình đang theo, phải không các bạn trẻ. Dùng Trái tim làm Cốt lõi, bạn nhớ nhé!

(17.3.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart