‘LÃO HÓA AN LÀNH’, TẠI SAO KHÔNG?

>
>
‘LÃO HÓA AN LÀNH’, TẠI SAO KHÔNG?

Khái niệm này mình nghe được từ buổi Listen show thứ 3 trong chuỗi chương trình Lắng nghe để sống khỏe cùng Varna, vừa lên sóng livestream trên fanpage Varna – Nutifood Thuỵ Điển cuối tuần rồi. Và tự nhiên, nghe tới khái niệm đó, trong lòng mình như có ai ‘bật công tắc’, mình tâm đắc hết sức. Vì mình nhận ra, điều này, mình đã vô thức hướng mình về, cũng như hướng tất cả những bạn hữu duyên trên trang mình đến điều đó, từ nhiều năm nay. Để rồi hôm nay, nghe và biết rằng, hóa ra đây không chỉ là một khái niệm, mà còn là một khuynh hướng sống hẳn hoi, đang được cổ xúy và phát triển mạnh mẽ tại Thụy Điển nói riêng và các nước Bắc Âu nói chung, nơi chất lượng cuộc sống dành cho người trung và cao niên rất được đầu tư và coi trọng.

Nhưng với bạn, khái niệm này có mới mẻ với bạn không? Bạn có cảm thấy thắc mắc, vì sao lại gọi là ‘Lão hóa an lành’?

Với người dân Đông Nam Á mình nói chung, từ khi bước vào tuổi trưởng thành, hầu như chúng ta ai cũng đã nghe và ngấm về quy luật ‘Sinh – lão – bệnh – tử’ của loài người. Rằng sinh ra làm người, chắc chắn rồi ai cũng phải trải qua một quy trình không thể nào tránh khỏi: lớn lên rồi sẽ già đi, sinh bệnh, rồi khép lại một đời người. Tuy vậy, thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, nghe, biết quy luật này là một chuyện, tuy nhiên, ai có đủ dũng khí để đối diện với quy luật này một cách thản nhiên được hay không, lại là một vấn đề khác. Chưa kể, nhiều người nghe và chấp nhận, nhưng lại chấp nhận trong một tâm thế khá là… thụ động, tùy duyên, để cho chừng nào nó tới thì nó tới.

Để rồi, trải qua nhiều cơn sóng gió cuộc đời, ta mới nhận ra: trước sau gì cũng già đi, tại sao chúng ta không đủ khôn ngoan để chủ động đón sự ‘già’ tới một cách tốt đẹp nhất, an lành nhất, kiểu như biết trước sau gì cũng phải nhảy xuống một vùng nước sâu, thì thay vì ngồi đó lo lắng sợ sệt và héo hon trong rầu rĩ, ta chủ động… đi học bơi, và học bơi cho giỏi vào? Và như thế, bạn ngẫm lại xem có phải không: rồi cái già cũng từ từ len lén tới. Nhưng giữa một người không hề có một sự chuẩn bị hay trang bị nào, với một người đã rèn giũa cho mình một phần thân thể khang kiện từ khi còn… chưa già, một tâm trí thật bình tĩnh, cân bằng từ bên trong, một thói quen sống tích cực và độc lập, với những kế hoạch học tập và mở mang trí tuệ, sở thích… từ lúc còn trẻ, thì rõ ràng, người có rèn giũa, trang bị chắc chắn sẽ có một tuổi già đẹp và an lành hơn rất nhiều, phải không? Và như thế, cũng sẽ không quá khó cho bạn làm một bước suy luận tiếp theo, rằng ok dĩ nhiên tuổi già rồi cũng sẽ khó tránh khỏi một số căn bệnh này kia, do các ‘cơ chế máy móc’ vận hành mấy chục năm rồi cũng phải có lúc mỏi mệt hỏng hóc chứ. Nhưng bạn thử nghĩ đi, giữa một người sống một cách bản năng, hồi trẻ hoặc lúc ‘chớm chớm hết trẻ’ mà không hề thực hành bất kỳ một hoạt động chăm sóc thân và tâm nào; với một người luôn ý thức tập luyện thể dục thể thao, có để ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp, có lối sống, sinh hoạt phù hợp, có ý thức kết nối và thực hành phát triển tâm thức, hướng thượng…, thì liệu người nào rồi sẽ có một tuổi già ít bệnh tật hơn?

Và nếu bạn đã nhìn ra được tới đó rồi, tại sao bạn chưa bắt đầu ngay từ hôm nay luôn đi, vạch ra một kế hoạch hành động cho đàng hoàng nghiêm túc, để xây dựng cho mình một lối sống biết-chuẩn-bị-cho-kế-hoạch-về-già của mình thật an-lành, từ khi bạn vẫn còn rất trẻ, từ khi bạn vẫn… còn lâu mới già? 🙂

Bạn đừng tưởng nó còn lâu mới tới, rồi bạn ‘xài hao’, sao cũng được. Vì bạn có đang nhìn thấy cách ông bà, cha mẹ chúng ta đang sống không? Có bao giờ bạn thử đặt mình vào vị trí của ông hay bà mình, ba hay mẹ mình không? Có bao giờ bạn tưởng tượng, những con người tóc bạc da mồi, đi đứng chậm chạp, ăn uống phải kiêng khem khó khăn, rồi đôi khi nhớ trước quên sau… mà mình không phải lúc nào cũng hiểu và cảm thông được hết đó, họ cũng đã từng có thời là những con người trẻ trung, mạnh mẽ, đi đứng ào ào, làm việc mạnh dạn… giống y như ta bây giờ vậy? Mình thấu hiểu điều này rõ lắm, đặc biệt là lúc ngồi trò chuyện, trao đổi với hai người chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, là Tiến sĩ – Bác sĩ dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi, và tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy. Nghe tới đâu, thấy thương tới đó… Rồi cũng sẽ có lúc, ta cũng sẽ như cha mẹ già của mình thôi…

Phật dạy, có hiểu mới có thương. Hiểu những khó khăn mà cha mẹ già của ta đã và đang đối mặt, đương đầu, để rồi ngẫm cho ra, một mặt ta cần dùng hết tình thương và sự thấu hiểu mà đối đãi với cha mẹ ta, để cha mẹ bớt đi cảm giác ‘sống những ngày không còn tương lai, chỉ có quá khứ’ ở đại đa số người già. Để ông bà cảm nhận được thật sự, mỗi ngày sống là một ngày vui, cho dù niềm vui bây giờ không còn là những kế hoạch lớn lao vĩ mô gì, hay cũng không hẳn là cần phải ăn uống cao lương mỹ vị hay điều kiện vật chất cầu kỳ gì. Đơn giản, chỉ là trong trạng thái khỏe nhất có thể với lứa tuổi, an lạc hết sức có thể, trong tình thương và sự sum vầy, quan tâm hỏi han từ con cháu.

Nói tới đây, lại thấy thương tên chủ đề của Listen show thứ 3 vừa rồi hết sức: “LẮNG NGHE BA MẸ BẰNG TÌNH YÊU, CHĂM SÓC BA MẸ BẰNG KHOA HỌC”. Ừ, để có thể lắng nghe ba mẹ ta bằng tình yêu, chỉ có thể hiểu và đồng cảm tâm trạng của ba mẹ ta, hiểu tâm lý người già. Ừ, để có thể chăm sóc ba mẹ ta một cách trọn vẹn, cần biết lắng nghe những nhu cầu thiết yếu của lứa tuổi, trong đó có nhu cầu về sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý. Những điều này, thật tình mình học hỏi được rất nhiều, rất chi tiết từ những chia sẻ của chị Yến Phi và chị Phạm Thị Thúy, bạn nào cũng muốn tìm hiểu thì có thể vào lại link này để xem lại nha:https://www.facebook.com/watch/live/?ref=watch_permalink&v=568694534344857

Nói thiệt, bữa đó mình ngồi trò chuyện với hai chuyên gia không phải chỉ với vai trò của một người host – kết nối chương trình, mà còn lắng nghe, và lắng nghe với tất cả sự tâm đắc và quan tâm của một người vừa có cha mẹ già, vừa có con đang bước vào tuổi trưởng thành, nghĩa là bản thân mình cũng đang ở lứa tuổi trung niên rồi. Một sự ý thức đầy đủ để một mặt có thể lắng nghe và chăm sóc cha mẹ già của mình được tốt hơn, một mặt để tự ngồi quán chiếu lại mình, bản thân đã chuẩn bị được bao nhiêu phần trăm cho sự chủ động, tích cực ngay từ thời vẫn còn… hơi trẻ trẻ (ahihi), để mỗi ngày trôi qua đều trong sự tích cực, chủ động, xây cho mình một ‘thế chân vạc’ – kiềng ba chân vững chắc: thân khỏe – trí sáng – tâm an. Những bạn nào theo dõi mình đủ lâu trên trang FB này chắc cũng nhận ra, từ rất nhiều năm nay, bản thân mình luôn cố gắng làm gương và khuyến khích các bạn hữu duyên năng tập yoga, khí công, hít thở đầu ngày… Gần đây lĩnh hội được thêm một số kiến thức sống và sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, thuận tự nhiên nữa, sẽ dần dần chia sẻ thêm cho mọi người hữu duyên. Mình tin rằng, duy trì được những điều này từ khi còn trẻ – hoặc tối thiểu, là chưa quá già, cơ thể bạn hay bất kỳ ai đều sẽ được nuôi dưỡng trong trạng thái ổn định và cân bằng tốt nhất, để rồi khi chúng ta mỗi ngày chậm rãi trôi đi theo tiến trình bất di bất dịch của vũ trụ, là sinh rồi phải lão, chắc chắn chúng ta sẽ có một tiến trình ‘Lão hóa an lành’ hết khả năng có thể!

Mà như vậy, thì đời sẽ luôn đẹp hết khả năng có thể, cho dù nó có thể đã nằm… tuốt đâu đó bên kia con dốc cuộc đời, phải không bạn? 🙂

Mình thật sự tin, rằng với những gì mình đang dốc lòng và kiên trì thực hành chuyên cần mỗi ngày, cho cả ba phần thân – tâm – trí, nhiều năm nay, kết hợp thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích thông qua các khóa học, các chương trình hữu ích, chắc chắn mình sẽ có một tiến trình ‘Lão hóa an lành’. Và bạn cũng sẽ được như thế, tại sao không, bạn ha? 🙂

Gửi niệm lành cho tất cả,

(24.10.2021 – QH)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart