DIỆU NGỘ

>
>
DIỆU NGỘ
Bạn đọc cái tựa đề bài viết này, thấy nó nghe hơi giống một cái pháp danh bên nhà Phật, ha. Mà nó… đúng vậy đó! Chính xác hơn, đây là… pháp danh của mình, của bạn Quỳnh Hương mà bạn đang thấy trong hình nè, hihi.
Đây cũng là lần đầu tiên mình cho cái pháp danh của mình được chính thức ‘lên sóng’. Trước đây chắc nhiều bạn trên trang mình còn chưa biết là mình có pháp danh luôn mà, phải không? Mà không phải mình bạn đâu, thậm chí chính ngay vị thầy ‘ruột’ của tụi mình, vị thầy mà do duyên, hay do Vũ trụ dắt từ Mỹ về Việt Nam gặp gỡ và dạy Phật pháp và bao nhiêu điều hay lẽ phải cho tụi mình, trong đó có các loại Nhân số học, cũng không biết luôn! Thầy còn tưởng đâu, con nhỏ Quỳnh Hương này nó mọc đâu giữa đời, trụi lủi trụi lơ nữa chứ! Một ngày, Thầy mình từ bên kia gửi mail về, nghiêm trang bảo: “Pháp Phật cô đang chia sẻ cho muôn người toàn là thứ tối thượng thừa của Phật giáo. Mà cô lại chưa phải là Phật tử, làm như vậy là một hình thức ‘đi ăn trộm pháp’, không được. Cô phải đi tìm một chùa hữu duyên, một vị thầy phù hợp, và xin quy y Tam Bảo đi!” Chao ơi, lúc đó mình muốn… bật ngửa, vừa thấy thương cho tấm lòng của Thầy, vừa thấy… mắc cười cho mình. Mình lật đật email lại sang: “Thầy ơi, liệu có chỗ thông tin nào Thầy bị lỡ mất từ con không? Chớ con thiệt sự là Phật tử mà! Chính xác hơn, con được Sư Ông Cố của con quy y cho từ bé tí lận. Pháp danh do Sư Ông Cố đặt cho con là Diệu Ngộ nha!” 😅😅😅
Thư gửi đi rồi, mới ngồi rà lại lý do vì sao Thầy mình có sự e ngại này… Thì mới nhớ ra là, hồi nào giờ, tụi mình theo học Thầy cả bốn năm hơn, ờ mà đúng thiệt, là hình như chưa bao giờ mình kể cho Thầy mình nghe, mình từng có một vị Sư Ông Cố là trụ trì một ngôi chùa cổ ở Long An. Sư Ông Cố mình sống đến hơn 105 tuổi mới viên tịch, và là một trong những vị trưởng lão hòa thượng có công đứng ra chủ trì công trình biên dịch quyển Kinh Vạn Phật mà hiện nay vẫn đang nằm trong tủ kinh kệ của nhiều tự viện, nhiều gia đình Phật tử đó!
Kể ra thì cũng hơi dài dòng… Sư Ông Cố này là cậu họ của bà ngoại mình. Ông cũng từng là một người nông dân, có vợ con đề huề. Đột nhiên sau 35 tuổi, không biết cám cảnh đời hay duyên đủ chín hay sao, ông xuất gia, và sau đó, một mực tu hành nghiêm mật gần bảy chục năm ròng. Việc tu tập của ông, những người Phật tử thuần thành ở Long An bây giờ vẫn còn vô cùng kính trọng. Mình được nghe kể lại, lúc Sư Ông Cố viên tịch vào khoảng năm 1992, xong lễ hỏa táng, các đệ tử Sư Ông thu được hàng mấy chục viên xá lợi nho nhỏ đủ màu, minh chứng cho một quá trình tu tập vô cùng chuyên tâm và miên mật của người.
Nhưng đó là mãi sau này, khi cuối cùng cũng đã bén duyên vào con đường Phật pháp và cảm nhận được hết sự thậm thâm vi diệu của pháp Phật, mình mới ngẫm ngợi xâu chuỗi lại được. Chớ bạn tin không, trong mấy mươi năm đầu tiên của cuộc đời, trong đầu mình không hề có một chút khái niệm nào về Sư Ông Cố hết, một chút hình ảnh, kỷ niệm, sự kiện… gì đó nhắc nhớ cũng không! Thứ duy nhất còn nhắc mình việc mình quả thật có một vị Sư Ông Cố trong dòng họ, chính là cái pháp danh ‘Diệu Ngộ’ này đây. Là do lâu lâu mẹ lại nhắc mình: “Khi con cầu nguyện, nhớ xưng con tên là Diệu Ngộ. Là tên do Sư Ông Cố đặt cho con đó. Hồi đó tụi bay còn chút tí, bốn đứa chạy hai chiếc xe đạp qua Nhơn Thạnh Trung cho Sư Ông Cố làm lễ quy y đó, có phước lắm mới được đích thân Sư Ông Cố đặt tay lên đầu làm lễ và đặt tên đó!” Ủa, quả thật có việc này xảy ra sao? Mình không nhớ chút nào, thậm chí hình ảnh Sư Ông Cố ra sao, nét mặt thế nào, ngôi chùa ở đâu, dáng vẻ ra sao…, mình cũng không nhớ!
Hôm vừa rồi, về dự buổi đưa tang một người họ hàng bên chồng mình ở Long An, tụi mình hỏi mẹ mình lối vào chùa của Sư Ông Cố, và hai vợ chồng mình lần về đi tìm. Cảm giác bồi hồi như mình sắp được lần giở một trang ký ức cũ, mà vì một lý do nào đó, đã hoàn toàn phai nhòa trong tâm trí. Mấy mươi năm sau khi Sư Ông Cố qua đời, ngôi chùa đã có nhiều biến đổi, xây dựng lại… Mình hồi hộp và xúc động ngắm bức họa Sư Ông Cố thượng ở vị trí trang trọng trong chánh điện, thấy vừa thương, vừa có cái gì đó, như bồi hồi… Cảm giác như, khoảng cách mấy chục năm của đời người không hề tồn tại. Cho dẫu con bé Quỳnh nó có vô minh, cứng đầu, ham trì hoãn chuyện tu tập đến mức nào, Sư Ông Cố, với cái nhìn minh mẫn xa rộng của bậc chân tu, đã tiên lượng được trước mọi việc, nên pháp danh nào khác không đặt, đặt ngay cho mình cái tên DIỆU NGỘ!
Diệu Ngộ, cái tên nghe không có… văn hóa văn nghệ, nữ tánh, hương hoa chút nào như phần lớn các pháp danh khác thường có, như của chị hay em mình: Diệu Tâm, Diệu Liên… Mà nghe nó vừa có vẻ… chùa hết sức, vì chữ ‘Diệu’ (bạn nhớ, hồi đó, mình từng rất ‘vô minh dài hạn’ nha! Nghe cái gì có vẻ ‘rất chùa’ là sẽ có vẻ… dị ứng, nha!) Thế là, trong suốt mấy chục năm, mình im thin thít, không hề hé răng với ai mình có pháp danh, và pháp danh là gì luôn!
Cái sự ‘vô minh dài tập’ này nó chưa dừng lại ở đó. Những năm gần đây, với những cái duyên kỳ lạ dẫn dắt mình rốt cục cũng về với Phật pháp, mình từng ngày bén duyên sâu hơn vào trong con đường học Phật, và hành theo những gì Phật dạy. Duy chỉ có cái vụ ‘pháp danh Diệu Ngộ’ này sao vẫn còn là một cái vướng mắc trong lòng mình. Mình vẫn cảm thấy ngại ngần hết sức với cái pháp danh ‘nghe rất chùa’ này, mà đỉnh điểm là, sau khi biết về Nhân số học, một ngày, mình bèn tẩn mẩn lôi biểu đồ ngày sinh của mình ra, tự mình ngẫm nghĩ ra một cái tên nghe nó hơi ‘thiền tịnh’ một chút. Xong mình nghĩ, được rồi, có thể một lúc nào đó đủ duyên, mình sẽ gặp Thầy mình và năn nỉ Thầy mình ban lại… cái tên mình nghĩ ra cho mình, làm thành pháp danh chính thức ^^ Và mình còn khá khoái chí với cái sự ‘thông minh linh hoạt’ này của mình nữa chứ!
Vấn đề là, vừa sau khi mình vừa ‘chốt’ xong cái quyết định này, một ngày nọ mình đi dọn dẹp lại mớ ghi chép cũ. Thì trong số các ghi chép đó, có một cái Note ghi lại một giấc mơ rất ‘có đầu có đũa’ mà khi thức dậy mình còn nhớ. Và trong giấc mơ đó, lần đầu tiên mình được nghe ai đó (không biết là ai) chỉ vào một tô canh hẹ đậu hũ nấu chay đã ăn xong chỉ còn chừa lại vài cọng rau) và nói là “Pháp danh là Diệu Ngộ héng?” Giấc mơ này xảy ra mấy năm rồi, mình thức dậy còn nhớ, thấy lạ thì ghi chép lại như một thói quen. Xong rồi bỏ luôn đó, đâu có nhớ gì!
Thế là khi ngẫu nhiên được đọc lại chi tiết được nhắc nhở “Pháp danh là Diệu Ngộ héng?”, cái đầu giờ đây đã nhạy ‘giải mã tín hiệu’ hơn của mình bèn chớp chớp đèn liền! Cảm thấy, hình như, có ‘ai đó’ đang âm thầm nhắc nhở mình, đừng có bỏ cái pháp danh ‘Diệu Ngộ’! Thế là, từ đó về sau, trong mỗi thời đọc kinh, cầu nguyện, mình bèn rất ngoan ngoãn bổ sung: “Hôm nay là ngày…, con tên là Lê Đỗ Quỳnh Hương, tuổi Giáp Dần, pháp danh Diệu Ngộ…” Âm thầm đọc vậy thôi, chớ trong bụng thú thật cũng còn chấp lắm. Chỉ cảm thấy nên đưa kèm cái pháp danh này vào cùng tên mình vì có lẽ ‘Ơn Trên đã muốn như vậy’, chứ vẫn còn thấy nó… sao mà nghe đậm hương ‘chùa’ quá đi mà (huhu).
Để rồi, một ngày cũng vào dịp gần Tết như vầy của năm ngoái, trong lúc ngồi thêu hoa lên áo mặc Tết theo phong trào nhà MayQ khởi xướng, như một sự dẫn dắt từ vô thức, mình dò trên Youtube, chọn đại một chiếc clip pháp giảng của một vị thầy có nét mặt hao hao Thầy tụi mình. Mở lên để nghe cho có cái hay hay để nghe lúc thêu thùa thôi, vậy mà, bài pháp giảng đó đã làm mình sửng sốt vì thú vị, vì trong đó, vị sư thầy ấy đã… vô tình giải thích giùm cho mình biết bao nhiêu điều mà mình vẫn còn đang thắc mắc, về cách sống, cách tu tập giữa đời thường! Quá ấn tượng, mình xem kỹ lại tên của vị sư thầy ấy, thấy tên là Hòa thượng Thích Trí Quảng. Mình bèn lục tìm thêm một số bài giảng khác nữa của Thầy trên Youtube để nghe tiếp, thì chao ôi…, bài nào cũng hay, bài nào cũng có chỗ chạm đến những điều mình đang tâm đắc! Cái cảm giác nào giờ mình toàn đi làm ‘thay lời muốn nói’ cho bao người, xong giờ có những điều mình tâm đắc, bỗng dưng có một vị thầy nói ra được hết trơn những điều ấy, như ‘thay lời muốn nói’ cho mình, cho những tâm tư và khát khao của mình, ta nói… nó thật là ‘thiên ngôn vạn ngữ’, một lời khó tả hết!
Và đáng nói hơn, qua những bài pháp giảng ấy, mình phát hiện ra, Thầy Trí Quảng chuyên về Kinh Pháp Hoa, vốn là bản kinh mà mình cứ năm lần bảy lượt nhận được các dạng ‘tín hiệu’ là cần phải bắt tay vào tìm hiểu, trì tụng, mà trước đó mình cứ như bị chướng duyên, không tài nào vượt qua được phần câu chữ có vẻ dài dòng lê thê của Phẩm thứ Nhứt! (Câu chuyện về cái duyên với Kinh Pháp Hoa này, mình đã đưa hẳn vào làm một nội dung chính thức để chia sẻ với các bạn học viên lớp cấp độ 4 Quản trị cuộc sống với Nhân số học, còn các bạn hữu khác trên trang, vui lòng đợi xíu nha, năm sau, khi đã hoàn tất đọc Lương Hoàng Sám, tụi mình sẽ triển khai việc tìm hiểu Kinh Pháp Hoa trên trang mình qua các buổi Đại cộng hưởng Online hàng tháng, tới đó mình kể lại chi tiết các bạn nghe, nha).
Từ chỗ bén duyên với những bài pháp giảng của Thầy Trí Quảng, mình đã cảm được sự vi diệu của Kinh Pháp Hoa, để rồi đúng mồng 1 Tết năm ngoái, cả nhà MayQ tụi mình, các anh chị em hữu duyên đã đồng rủ nhau trì Kinh Bổn Môn Pháp Hoa lần đầu tiên, cho đến nay đã gần đúng một năm rồi.
Cái duyên gắn vào Kinh Pháp Hoa đã kịp bắt cầu mở ra cho mình mênh mông những trải nghiệm và tri thức mới, mà ở đó, đúng nghĩa là mình như được chắp cánh! Cảm giác xâu chuỗi lại được nhiều sự biết hiểu chắp vá, thủng lỗ chỗ… về Phật đạo và Phật pháp trước đây, giờ đang dần dần được đắp liền lạc lại. Hơn thế nữa, đúng như tinh thần của Kinh Pháp Hoa mà Thầy Trí Quảng đã giảng: “Vô biên Diệu nghĩa quảng hàm tàng”, chữ ‘DIỆU’ chính là một trong hai cốt lõi tinh túy của bộ kinh này nha! Thậm chí, Trí Giả Đại sư – Tổ sáng lập nên tông phái Thiên Thai, sau khi đắc đạo, đã xuống núi và giảng cho vua và quần thần, dân chúng nước ông thời bấy giờ, xoay quanh sự diệu màu của mỗi một chữ ‘DIỆU’ thôi, ba tháng cũng chưa hết ý!
Đến đây thì mình mới… đổ mồ hôi hột, nhìn ra cái sự ngu muội, vô minh, nông cạn của mình suốt bao năm. Cái pháp danh ‘DIỆU NGỘ’ mà một thời mình… không thích lắm đó, thậm chí còn thấy… hơi mắc cỡ vì nó, ngại ngần không dám nói cho ai biết đó, chiết nghĩa ra, nó thật sự… bao trùm bao nhiêu ý nghĩa thậm thâm vi diệu nha!
Và lớn lao hơn, ngẫm lại dài dọc con đường tâm linh mà mình đã đi qua, cho đến giờ này, dẫu có muộn màng và cũng chưa có được gì nhiều, phải chăng, cũng nào có là gì khác, ngoài những giá trị tuyệt vời của chữ ‘NGỘ’? 🌻
Thốt nhiên, mình thấy mình… giống giống như anh chàng Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký. Chú khỉ ở Hoa Quả Sơn được Phật Tổ đặt cho cái pháp danh này, cũng có một giai đoạn bắng nhắng ban đầu, gây ra biết bao nhiêu phiền toái, rốt cục thì cũng chịu thúc thủ trong lòng bàn tay của Phật Tổ, và ngoan ngoãn theo sư phụ Đường Tăng đi thỉnh kinh 😛 Hihi, thì ra, trong con đường mình đi, trải qua bao nhiêu trì hoãn, bướng bỉnh cùng ngoan cố, rốt cục con bé Quỳnh Hương ngày nào vẫn có ngày ngoan ngoãn tìm về với Phật pháp, làm đúng nhiệm vụ của một người Phật tử được Sư Ông Cố ‘điểm chỉ’ cho và ‘giao nhiệm vụ’ từ bé: nghiền ngẫm, nghiên cứu những giá trị thậm thâm vi diệu của Phật pháp, dùng chính bản thân trải nghiệm, và sau đó, chia sẻ lại cho những ai cũng có duyên với pháp Phật! ‘DIỆU NGỘ’, cảm được tới đó thì trái tim mình như muốn ấm áp, nở hoa, mình muốn rưng rưng rơi nước mắt luôn, vì cái sự phát hiện muộn màng này của mình! 🌹🌷🌻🌸🌼
Bởi vậy, nói làm sao mình không quá biết ơn Nhân số học! Nếu không có Nhân số học, làm sao mình biết được, mình chính là một người có con số chủ đạo là 9 – một người tạm coi như là ‘có căn tu’ và chuyên nghiên cứu tìm tòi để đem những giá trị tốt đẹp từ tri thức cho nhân loại. Nếu không có cái full Mandala trong Giải tích Nhân số học, mình sẽ không thể nào biết được, trong cái bản đồ full Mandala đó, có bao nhiêu con số chỉ ‘căn cơ tâm linh cao’ mà nhất thiết cần phải biết quay đầu về tu tập cho miên mật, mình đều có đủ hết! Và mình cũng đã hiểu, vì sao, một con người coi như có đủ điều kiện để bén duyên tâm linh từ bé như vậy, từng được một vị Đại lão Hòa thượng xoa đầu thọ ký và đích thân đặt pháp danh ý nghĩa cho, vẫn loay hoay, mịt mờ, chạy lòng vòng mãi bên ngoài cửa Phật… Là bởi vì, trong biểu đồ full Mandala của mình có đến tận hai con số 22 trải dài, một từ giai đoạn đầu đời, hai nằm ở tận chặng đường đời sau! (Con số 22 ‘đặc biệt’ hay ‘cá biệt’ này, mình đã từng chia sẻ chi tiết trong bài “Full Swing cho những người có con số 22 rồi đó!) Để rồi, mịt mờ trong những thăng trầm mà không hiểu tại sao cuộc đời mình nó bầm dập đến như vậy, những loại tổn thương hay chấn thương lặp đi lặp lại mãi mà mình vẫn ngu khờ không nhận ra đó là những ‘tín hiệu’ nhắc nhở mình phải tìm về tu tập. Mãi cho đến sau hơn nửa đời người, rốt cục mới được Ơn Trên đích thân ‘kéo đầu’ về, qua những chuyến đi vô tình mà hữu duyên đến đất Phật Ấn Độ, Nepal, rồi Tây Tạng, rồi Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Borobudur của Indonesia… Mà sau mỗi chuyến đi về, hình như, cái sự ‘vô minh dài hạn’ của mình nó lại được rụng rơi thêm một chút…
Sự hồi tưởng xâu chuỗi liền mạch càng làm mình giật mình, khi từ chỗ một đứa không hề có chút thiện cảm nào với xứ Ấn Độ, vậy mà chỉ trong chưa đầy hai năm bén duyên với đất Phật, mình đã hữu duyên làm được tổng cộng 9 chuyến lui tới đất này, đồng nghĩa với, mình đã hữu duyên được đặt chân tới đỉnh núi Linh Thứu đúng 9 lần!
Cho tới đây, mình mới xúc động mà nổi cả da gà, khi cảm nhận một cách đầy đủ, đỉnh núi Linh Thứu thiêng liêng đó, cái nơi mà hồi xưa mình không hề biết là cái chi chi, chỉ tìm đến từ sự tò mò trước lời kể của anh Tuấn Ngọc, mình từng có chia sẻ với nhà mình rồi đó. Để rồi ở đó đã dẫn đến bao nhiêu trải nghiệm thật vi diệu, như nhắm mắt thấy cảnh vật tuyền một màu sắc tím, và sau đó thỉnh những chiếc vòng gỗ từ núi Linh Thứu về đã hữu duyên làm quà tặng tinh thần tạo động lực giúp bao nhiêu bạn trên trang vượt qua bạo bệnh, bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn đã sinh được bao nhiêu em bé kháu khỉnh… Đỉnh núi Linh Thứu, nơi chúng mình đã kịp đưa hàng ngàn lượt khách MayQ Go đến và ngồi trải qua những thời thiền bình minh hay hoàng hôn đầy nhiệm màu khó quên… Đó cũng chính là nơi mà, trong kinh điển Phật giáo Đại thừa, là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho chúng Bồ Tát và hàng Nhân Thiên 🙏🏻🙏🏻🙏🏻
Dĩ nhiên, cũng đa dạng như 84.000 pháp môn phong phú mà Đức Phật đã truyền dạy lại cho chúng hữu duyên với những căn cơ khác nhau, sự tin và cảm ngộ về sự nhiệm màu của Phật pháp cũng thật là đa dạng và phong phú khác nhau. Cho nên, càng cảm sâu về sự thậm thâm vi diệu của những gì Phật dạy qua Kinh Pháp Hoa, mình lại càng ít muốn tranh luận, tranh cãi gì với bất kỳ ai, về việc ‘tu thế nào mới đúng’, và ‘Kinh Pháp Hoa có thật hay không’, ‘Đỉnh Linh Thứu nhỏ xíu vậy làm sao là nơi Đức Phật đã thật giảng Kinh Pháp Hoa cho chúng”… Đúng như lời Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã nói: “Phật pháp nhiệm màu, ai tu nấy chứng. Hơi sức đâu mà tranh cãi”. Và mình thật sự ngày càng cảm nhận rõ, mặc cho mình có vô minh dài dạn đến đâu, vì ngày xưa đó, mình đã từng được Sư Ông Cố xoa đầu thọ ký và đặt cho cái pháp danh Diệu Ngộ, thì trước sau, sớm muộn gì mình cũng sẽ được tìm về với cái sự NGỘ những cái DIỆU của Phật pháp thôi à 🤗
Hôm qua, trong lớp học cấp độ 2 khóa Online cuối tuần, một bạn học viên cũng chia sẻ, bạn từng vốn được bà nội bắt về ở cùng hồi thuở nhỏ với bà, và được cho vào chùa học kinh và làm công quả. Vị sư trụ trì ở chùa quy y Tam Bảo cho bạn, đặt cho bạn pháp danh là Chánh Vân. Và, hihi trùng hợp ghê, bạn ấy lúc đó cũng… không cảm nhận được vẻ đẹp của cái pháp danh ấy, bạn cảm thấy “pháp danh gì mà giống của con trai, hong đẹp”, và… bạn giấu nhẹm luôn. Lớn lên, cuộc đời bạn bôn ba chìm nổi. Để rồi trong cơn nguy khốn khi bị lừa mất sạch tài sản, một người bạn đã tặng cho bạn một cuốn Chú Đại Bi, và bạn đã cặm cụi đọc Chú Đại Bi như một cái phao, khi không còn cách nào khác. Vậy mà nhiệm màu, một thời gian sau, có một người anh họ từ nước ngoài về, mang theo tiền cho bạn trả lại nợ nần và khôi phục chuyện làm ăn… Và cho tới khi bạn bén duyên với Nhân số học, bạn mới vỡ òa: Thì ra, với tính chất đặc trưng của một con số chủ đạo là 11: năng lực và cơ duyên tâm linh cao nhưng thường không ý thức về điều đó, trái lại thường ham chơi, rong ruổi đó đây, cái pháp danh đầy ý vị mà vị sư thầy trụ trì ngày xưa đặt cho bạn hệt như một lời nhắc nhở, một dạng ‘ấn chỉ’ để đưa bạn trở về nẻo đúng: Chánh Vân: một đóa mây đoan đoan chính chính, biết miên mật đi theo nẻo Phật! ⛅️
Bởi vậy, như mình hay nói với các bạn học viên các lớp cấp độ cao hơn của chúng mình, cuộc đời này còn ẩn chứa nhiều huyền cơ đầy thú vị, bao gồm cả những chi tiết có liên quan đến chính bản thân ta. Vì vậy, hãy ngưng sầu não vì những oán giận, muộn phiền, bế tắc vì những điều bất ý quanh mình. Buông được oán giận rồi, tâm trí ta sẽ đủ thảnh thơi để đầu ngẩng lên mà quan sát cuộc sống, quan sát những nhân duyên diệu kỳ đang tỉ mỉ cài cắm đan xen tầng tầng lớp lớp xung quanh chúng ta, ngay từ khi chúng ta mới chào đời kia kìa. Người bạn càng nhẹ oán thù, trí bạn càng đủ sáng để nhận biết những ‘mối dây’ tinh tế ấy. Và, nhân duyên sẽ đưa bạn về với đúng con đường mà bạn phải đi, những gì mà bạn nên làm… Tất cả, rốt cục chỉ đơn giản là như vậy thôi đó 😊
Gửi niệm lành cho tất cả,
(10.1.2021 – QH & MayQ Team)

🙏🏻 Viết nhân ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Bản thân câu chuyện thành đạo của Người, nhìn theo những lăng kính khác nhau của các tông phái khác nhau của đạo Phật, cũng cho ra những góc nhìn khác nhau. Ngày trước, hồi mới được đưa đến Ấn Độ và biết cặn kẽ hơn về cuộc đời của một Đức Phật có thật trong lịch sử cách đây hơn 2.600 năm, tụi mình thương và kính Ngài tha thiết. Nay, khi đã đủ duyên bén thêm vào Kinh Pháp Hoa, mới hiểu ra rằng, theo Kinh Pháp Hoa, cuộc đời của Đức Phật có thật trong lịch sử ấy chỉ là một chương, một hóa thân diệu kỳ của một Đức Phật thường hằng, miên viễn, luôn tồn tại, bao quanh ta, trên đầu ta, mọi lúc, mọi nơi! Tình thương và sự yêu kính, giờ đây đã khó thể diễn đạt được bằng lời nói thông thường rồi. Và điều này vẫn đang tiếp tục được nối dài, lan rộng trong tâm của mỗi chúng mình, theo mỗi ngày chúng mình trì kinh, chia sẻ với những người hữu duyên… Thương lắm! 🙏🏻

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart