TU ĐỂ HIỀN ĐI. VÀ ĐỂ KHÔN RA

>
>
TU ĐỂ HIỀN ĐI. VÀ ĐỂ KHÔN RA
Câu nói MC Quỳnh Hương tâm đắc từ thầy Thích Trí Quảng: Tu để Hiền đi và Khôn ra.

Câu nói này, mình đã học được từ một bài pháp giảng của Thầy Thích Trí Quảng. Và lập tức tâm đắc ngay từng từ một, vì nó lột tả đúng quá.

Tấm hình đăng kèm bài viết này không phải hình mới. Thực ra, tụi mình đã đăng kèm bài ký sự hành trình về chuyến khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai Thái Lan vừa rồi. Giữa một chục tấm ảnh các thể loại khác nhau, tấm hình này đột nhiên nhận được lượt like gấp cả chục lần các tấm ảnh khác. Mà thoạt nhìn vô, nó nào có cái gì đặc biệt hơn, dòng chú thích chỉ vỏn vẹn ghi chữ “Chùa Xanh”, và mình ở trong hình cũng không phải tô son vẽ phấn gì lộng lẫy. Mình cười, hỏi tụi nhỏ, vì sao có lượt like cao đặc biệt vậy, tụi nhỏ cũng cười, rồi đáp một câu: Chắc tại nhìn tấm hình này, trông mặt Quỳnh hiền quá 🙂

Mình muốn lấy một ví dụ nhỏ nhưng ‘trực quan sinh động’ như vậy để các bạn cảm nhận rõ, một bước tiến bộ không nhỏ trong hành trình tu tâm dưỡng tánh của mình. Chữ ‘Hiền’ hồi đó chưa bao giờ nằm trong danh sách mô tả cá tính mình. Một… con cọp cái (tuổi Dần mà), ba cái xoáy tóc trên đỉnh đầu, có sao Thiên Tướng trong cung mệnh của tử vi, mình sống hơn bốn chục tuổi đầu với nguyên tắc sống tưởng chừng ‘bất di bất dịch’: “Tui Lành chớ không có Hiền nha!” Và cũng bao nhiêu năm sống đó, mình trung thành với nguyên tắc song song với nguyên tắc gốc ‘Lành chớ không Hiền’ đó, mình từng dạy con mình, là “Con sống đừng giẫm lên ai, nhưng quyết không để ai giẫm lên mình, nha con”. Nguyên tắc này, tới mãi cuốn sách đầu tiên của mình – An nhiên mà sống, ra đời năm 2014, nó còn… oanh oanh liệt liệt nằm hẳn thành tiêu đề một bài viết ở trong đó nữa.

Đủ để biết, trong mấy chục năm đầu tiên này, mình cứ thẳng băng mà sống, trong từ điển không có chữ ‘Nhịn’. Mình có thể sẵn sàng… đập bàn, tranh cãi tay đôi với các sếp lớn của mình hồi đó, nếu việc đó trái với quan điểm sống (chính đáng) của mình, hay (có vẻ) đi lệch với lợi ích chung. Mình có thể ‘sửng cồ’ với một đối tác, thậm chí đứng dậy, … bỏ về luôn không làm nữa, nếu trong quá trình hợp tác, đối tác đó tỏ ra khó thương hoặc có điều gì không phù hợp. Mình có thể thẳng băng lôi một vụ việc ra xử cho ‘tới bến’, nếu việc đó vô lý… Nói chung, những việc này, khẳng định là nó không có sai về lý, nhưng vì cái tánh nóng nảy bộc trực, thẳng băng này, mình chuốt… không ít ‘năng lượng nhọn’ từ người khác. Hôm bữa có kể qua, đọc dưới một bài viết về đề tài Nhân số học rốt cục là để Thành Công hay để Thành Nhân, có một chị bạn đọc trên trang viết dòng bình luận dài, chị nói giờ đây chị… sém không tin nổi con người ôn hòa bây giờ đây là mình, vì mấy chục năm trước, chị từng dự một sự kiện mà mình làm MC, và ở đó, chị đã chứng kiến cái sự nóng nảy như lửa của mình, khi vì bất đồng quan điểm gì đó trong lúc làm event, mà mình đã… quạt cái anh ban tổ chức ‘tới bến’!

Haha, trước đây, nếu mình đọc được những dòng này, có thể mình sẽ… bốc lửa phừng phừng tiếp. Nhưng ở thời điểm này, mình đã có thể đọc qua mà mỉm cười. Vì có thể chị ấy đã nói không sai. Có thể con người của mình, thời điểm đó, nó đúng là như vậy. Mình của một thời tuổi trẻ đầy bản năng bộc trực và nóng nảy, mà sau này nhờ biết tới Nhân số học mới biết, cái tánh đó là do đến tận ba con số 5 cộng với ba con số 8 lộng lạc ngự trong biểu đồ tổng hợp sau khi đã điền họ tên, nó làm cho phần nội tâm mình đầy ắp, mà thời điểm đó nào đã biết tu tâm là gì để mà học nhẫn nhịn, học nhu nhuyến. Mãi sau năm bốn mươi tuổi, đời dắt dần dần về con đường tâm linh, thời gian đầu học sửa mình, ai nói tới khái niệm ‘tu tập’, mình còn thấy ngại ngùng, thậm chí không dám nhận mình đang trong hành trình ‘tu tập’. Mãi dài về sau rồi, khi hành trình tu tâm dưỡng tánh kéo được cũng nhiều nhiều năm chút xíu rồi, thì ngó lại, mới nhận ra, nếu không phải một hành trình vừa ngẫm ngộ ra thêm nhiều điều thông qua hành trì kinh kệ, rồi lấy những lời Phật dạy, lời các quý thầy dạy, mà khảm vào trong lòng, để rồi mỗi ngày trôi qua, từ từ ‘tém’ cái ‘nết sống bản năng’ của mình lại một chút, mình đã không thể có được cái sự… từ từ hiền đi, như vậy.

TU ĐỂ HIỀN ĐI:

Vì sao hành trình tu tập có thể khiến một con người, dẫu có đang xấu, ác cỡ nào, cũng có thể dần trở nên hiền đi?

Khi một con người sinh ra trên cõi đời này, người đó đã là một dạng ‘combo’ với rất nhiều quả ngọt – quả đắng khác nhau, là kết quả tụ duyên của rất nhiều những cái nhân tốt xấu khác nhau, chính là những điều chúng ta đã làm, đã nói, đã nghĩ… trong nhiều đời kiếp sống trước đây. Bạn đã có bao giờ nghe, hoặc tâm đắc với câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Và bạn có bao giờ cảm nhận rõ, trong một gia đình, ngay cả các anh chị em ruột, tính khí cũng có thể vô cùng khác nhau, mặc cho cùng cha cùng mẹ, cùng một môi trường nuôi dưỡng hay giáo dục. Cho nên, nếu chúng ta sống theo bản năng, tức là một đường đi theo thẳng cái ‘khuôn’ mà Vũ trụ đã nhào nắn ra thành ‘Ta’ dựa trên ‘combo’ đó, ta sẽ cứ một đường mà được dẫn đi bởi chính những nghiệp quả mà ta đã gieo, mà bên nhà Phật gọi là các ‘tập nghiệp’, hoặc ‘tập khí’ bất thiện.

Cổ nhân cũng có câu “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Nếu không có một quá trình nào thực sự chăm chỉ, hết lòng, đều đặn, dài lâu, đi kèm ‘thuốc’ hành trì mỗi ngày đó phải đủ mạnh, đủ ‘thông não’, thì đại đa số chúng ta sẽ lao theo các đường dẫn là các tập nghiệp hay các tập khí bất thiện đó, để rồi, từ việc hưởng những cái ‘quả không tốt’ này – chính là các tánh tình xấu của chúng ta, đến lượt chúng ta sẽ tiếp tục tạo tác ra những cái ‘nhân ác’ mới. Vòng lặp Nhân tạo Quả, rồi Quả lại thành Nhân mới… này có thể là những vòng tròn bất tận, khiến cho những tập tính không tốt đó ở một con người có thể càng ngày càng tệ hơn, càng đậm đặc hơn, khiến người đó càng lúc càng trượt dài hơn trong nguồn năng lượng xấu, để rồi càng qua một đời, ‘chất lượng làm người’ của người đó có thể càng ngày càng giảm, thậm chí, nếu đến một đời nào đó, sự việc xấu ác của người đó đủ sâu dày khiến người đó mất luôn đi suất được trở lại làm người, họ có thể đi thẳng xuống luôn ba con đường không ai muốn rơi vào – gọi là ‘Tam đồ khổ: là làm Ngạ quỷ (là những loài quỷ luôn sống trong cảnh đói khát), Súc sanh, và Địa ngục.

Bởi vì sao, một trong ba thói xấu nhất có sẵn trong bản năng của con người, chính là thói sân giận. Ngay từ nhỏ, một em bé vài tháng tuổi đã có thể tức giận, khóc đến tím tái mày mặt nếu bị bỏ đói hay bị lạnh. Tánh khí này sẽ theo một người đi dài dài cho tới lớn, thậm chí, tới già. Cái nết tức giận này sẽ có thể gia giảm ở mỗi người khác nhau, nhưng tựu trung, ít ai có thể hoàn toàn nói ‘không’ với biết bao những bất ý tác động vào mình, từ sáng mở mắt ra đến khi khép mắt đi ngủ, hoặc những ‘chướng duyên’ hạng nặng, nằm trong vùng nhạy cảm chịu đựng của mình. Và cộng thêm môi trường sống, cách giáo dục, hoàn cảnh… tác động, mà tính dễ sân giận này nó sẽ có khả năng mỗi ngày thêm lớn.

Từ cảm giác đầu tiên là giận, người ta có thể tạo ra những cái xấu xí gì tiếp theo:

_ Đầu tiên là phản ứng lại với cái nguyên nhân tác động vào, gây ra cái sự tức giận ấy cho mình. Nói tới đây chắc khỏi cần ví dụ minh họa thêm, vì bởi ai ai cũng có không dưới một lần ‘bầm ruột tím gan’ vì giận một ai khác, ai một sự gì khác. Và phản ứng lại, nó có thể bằng một câu nói ‘cho đã nư mình’, hoặc giả, là một hành động dữ dội. Câu nói ‘cho đã nư’ sẽ dẫn đến một trận khẩu chiến, để rồi sau đó, nhẹ nhất, là… hai bên ‘từ’ mặt nhau, sau đó mỗi bên đều mất đi một người bạn tốt, một người thương, lẽ ra nên cùng nhau chung sống cho vui vẻ. Một hành động phản ứng lại trong cơn giận dữ có thể dẫn đến hậu quả đến thế nào, giờ đây mỗi ngày nhan nhản trên mặt phương tiện mạng xã hội, chúng ta cũng nhìn thấy nhiều rồi. Con cái ‘xử lý’ cha mẹ, vợ chồng ‘thanh toán’ lẫn nhau. Còn không thì đem nhau ra tòa. Hoặc thậm chí, một trận bất hòa, xô xát cãi vã đâu đó ngoài đường ngoài xá, cũng có thể dẫn đến những cuộc ẩu đả.

Bởi vậy, trong kinh, Phật đã dạy: “Sinh một niệm sân, oán thù vô lượng”. Sự oán oán tương báo lẫn nhau qua lại như thế này sẽ dẫn dắt chúng ta càng ngày càng trầm luân trong đau khổ, ngay trong đời này, và vì thế, cảnh địa ngục có đâu xa, nó chính là thế giới này khi ta bị mất đi niềm vui thưởng thức cuộc sống, mà bao bọc xung quanh ta, lại chỉ toàn sân giận, và thậm chí, còn có thể gây tiếp tục hệ lụy cho các đời kiếp sau, khi những người mà ta chuốt oán thù ngày nay, họ cũng khởi tâm sân giận, và vì vậy, nhiều khả năng sẽ tìm được ta trong những đời kiếp sau, để mà ‘tính sổ’. Thêm nữa, Đức Phật cũng đã dạy, “Sinh một tâm sân, đốt cả rừng công đức”. Phải có một quá trình tích lũy phước đức thế nào, chúng ta mới đủ duyên sinh lại làm người. Mà bây giờ đây, chỉ vì để mình bị cuốn vào một cơn sân giận, những phước đức dày công tỉ mỉ tích lũy từng chút một ấy nhanh chóng bị ‘bào’ đi, mất sạch, ta không tiếc hay sao?

_ Tiếp theo, nguồn gốc của cái sự sân giận này vốn hoàn toàn có thể được dắt dây từ hai cái độc bạn bè của nó, chính là tâm tham lam, và tâm si mê. Vì sao người ta nổi cơn sân giận, có phải vì người ta tham cầu nhiều thứ: người thì ham tiền tài, danh vọng, người ham nhà cao cửa rộng, đồ hiệu, cuộc sống sang trọng xa xỉ, kẻ lại ham lao đầu vào những cuộc tình vui ngắn buồn dài, sướng ngắn khổ dài… Mà, nếu truy nguyên nguồn cội của tâm sân này mà nó kéo luôn đủ ‘combo’ Tam độc căn bản: Tham – Sân – Si, không biết con đường lặn ngụp mãi trong sinh tử luân hồi, trong khổ đau của con người ta còn kéo dài đến bao giờ nữa.

_ Cái nghiêm trọng không kém, là đại đa số chúng ta không biết, hoặc không nhận ra, khi chúng ta để chúng ta bị cuốn theo một cơn giận, ta là người hại chính mình đầu tiên. Bởi cơ thể ta cũng chính là một cỗ máy đang hoạt động theo nguyên lý cân bằng âm dương ngũ hành. Một cơn giận đến, kéo theo sự rối loạn sự cân bằng vốn có này, khiến cơ thể sinh ra đủ bệnh tật. Chính vì vậy, một trong những nguyên lý quan trọng của chẩn đoán và điều trị bệnh theo Đông Y, không phải là trị trên triệu chứng bệnh, mà là Điều Tâm. Tâm hiền hòa đi, tự khắc bệnh tật dần được hóa chuyển.

Trong hành trình của sự tu tâm dưỡng tánh, hành trì tu tập, điều đầu tiên mà các thầy, nương theo lời Phật dạy, là dặn chúng ta phải bỏ tâm Tham – Sân – Si. Ý này hoàn toàn không mới, nhưng mà ai cũng nắm lý thuyết, chớ thực hành, không phải ai cũng làm được, hoặc làm được cho rốt ráo đâu mà! Là kiểu ‘ý thức biết rồi, mà khiển cái thân này làm theo không có được’. Bởi nghiệp lực sâu dày, các tập nghiệp, túc nghiệp cứ dẫn dắt chúng ta đi, mà chỉ có một quá trình dài lâu, bình ổn, vững vàng không ngưng nghỉ quán chiếu thân tâm mỗi ngày, mà xin lỗi là, nếu không có những bài kinh, lời kệ, bài pháp giảng mình trì niệm mỗi ngày, như những lời nhắc nhở hàng ngày, đem lời kinh, ý dạy nạp vô tận trong lòng, thì mỗi khi chướng duyên tới tác động, cái con sâu ‘Sân’ nó hay ngo ngoe trỗi dậy, cắn xé… và dẫn ta đi vào con đường ‘phản ứng lại’. Thậm chí là đã qua một hành trình tu tập lâu dài rồi, vẫn sẽ có những con người, những sự việc ‘nặng đô’ hơn, tới thử thách ta, xem khả năng ‘tém cái nết sân giận’ của ta, nó thành tựu được mấy phần. Thậm chí, như mình quan sát được trong những lớp cao hơn của Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ tụi mình gần đây, các bài khảo về ‘thu liễm tâm sân’ nơi một số con người cụ thể, nó có thể lên đến… vượt ngưỡng chịu đựng thông thường của một con người bình thường, như thể xem với những người như thế, họ có triệt để hành được chữ Nhẫn nhịn cho rốt ráo, đến mức độ Ba la mật, là Nhẫn nhịn mà không còn thấy mình đang nhẫn nhịn nữa hay không. Cái này, lúc nào đủ duyên, mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn trong một bài viết khác.

Quan trọng hơn nữa, một quá trình dài tu tập cùng kinh kệ, chúng ta Ngộ ra được thêm nhiều điều, những thứ mà trước đây, nếu chưa qua quá trình tu tập, chúng ta hiểu không nổi. Chẳng hạn như, sự vận hành sâu mầu và vi tế của luật Nhân – Quả. Chúng ta sẽ hiểu rằng, tất cả những bất ý chúng ta đang đối diện hiện tại, nó có thể là một thể hiện của một cái quả đắng, khi bất thuận duyên đủ chín. Mà khi nó đã chín mùi và trổ quả, thì cũng qua quá trình tu tập, chúng ta hiểu rằng, chỉ có hai cách thức để có thể đối diện với tình trạng này: Một là bình thản chấp nhận để trả, cho xong, càng bình thản vui vẻ trả chừng nào, ‘quả đắng’ càng trổ ngắn đi được chừng đấy. Hai là, chịu khó chăm chỉ nuôi dưỡng được các nhân lành khác, với cùng đương sự đó, thì sau này mới chuyển ghét thành thương, chuyển thù thành bạn, chuyến ma vương quyến thuộc thành bồ đề quyến thuộc. Ai làm điều này, chính là bạn đang hành một cách thực tế, cụ thể nhất khái niệm ‘Hiểu và Thương’ mà Phật và các Tổ đã dạy. Mà, Hiểu và Thương chính là hai cách nói đơn giản nhất của hai chữ ‘Từ bi’ và ‘Trí tuệ’. Khi Hiểu ra được rồi, người ta thường ít chịu để cho mình bị giam cầm mãi trong tù ngục vô hình của những ràng buộc ngàn đời của sự tạo tạo ân oán, và họ đã biết, chỉ có dùng Tình thương mới hóa giải được oán thù, chứ Oán thù không thể nào hóa giải được oán thù. Và, một sự hành trì tu tập miên mật mỗi ngày sẽ tiếp thêm năng lượng từ bi, năng lực hiểu biết, để họ có thể dần xoay chuyển chính bản thân họ, kiểu ‘tùy chiêu tiếp chiêu’ mà thoát dần ra khỏi những mối dây ràng buộc oan oan tương báo, để mỗi ngày họ được thanh nhẹ hơn, an hòa hơn. Mà hệ quả thấy được của điều này, là sau một thời gian, mọi cái trong cuộc sống ta sẽ hửng lên, theo nghĩa: những việc làm ta bực mình nổi sân trước đây sẽ từ từ vắng đi, còn người xung quanh ta cũng sẽ từ từ mà… dễ thương lên hết cả. Đó chính là một hình thức biểu hiện rõ nét của ‘Nghiệp tiêu – Phước trưởng’.

Mà, cổ nhân cũng có thêm câu nữa, là ‘Tâm sinh Tướng’. Tâm bên trong thế nào quyết định Tướng bên ngoài thế ấy. Việc lâu ngày dài tháng bạn không còn sống trong tức giận, oán thù, thậm chí có thêm những tác nhân gây tức giận, oán thù… mới đến với bạn, nhờ công phu tu tập, bạn có nhiều khả năng đủ lực định tĩnh để giữ được tâm bạn an tĩnh thường trực hơn, ít phản ứng lại hay phản ứng lại tiêu cực hơn trước những ‘cú chọc giận’ ấy. Và những khi đó, không phải cố gắng, mà gương mặt bạn tự nhiên trông trở nên hiền đi, cuộc sống của bạn, biểu lộ ra trong đời sống bình thường, cũng trở nên hiền hòa hẳn.

Đó chính là một diệu dụng của hành trình tu tập rồi.

Đây là một quá trình chuyển hóa dài và sâu, cũng chính là một cách thể hiện của chữ Vô thường. Như vậy, khái niệm ‘Vô thường’, nó đâu phải lúc nào cũng xấu, cũng tiêu cực. Con người ta, dẫu có trong bản tính có xấu, ác, hung dữ, kỳ cục… đến cỡ nào, miễn là đủ duyên gặp được, có cảm hứng bắt vào việc tu tập, và tu tập cho đúng, con người ấy hoàn toàn đều có khả năng hiền đi. Bởi vì sao bạn biết không, Đức Phật đã từng khẳng định, trong lõi của mỗi con người chúng ta đều có sẵn bản chất thiện lương, tốt đẹp (hay có thể được gọi là Phật tính). Cho nên miễn làm sao đủ duyên khơi ra cho được, làm cho nó lưu lộ ra càng ngày càng rõ càng dạt dào, là lúc chúng ta đang về lại gần hơn với bản tánh chân như sáng trong của mỗi chúng ta rồi đó.

TU ĐỂ KHÔN RA:

Nãy giờ mình đã dành rất nhiều chữ để diễn đạt vế đầu tiên: ‘Tu để hiền đi’. Nhưng, ngay cả trong hầu hết các ý mình chia sẻ, chắc bạn cũng nhìn ra, chúng ta không thể nào làm được những điều như vậy, nếu chúng ta không Ngộ ra được những sự thật nằm đàng sau đó, chi phối tất cả mọi việc đang xảy ra trong đó. Vì vậy, chữ Ngộ này, chính là cái giá trị vi diệu của vế thứ hai, ‘Tu để khôn ra’. Càng tu sửa thân tâm, càng miên mật trì đọc và biết khảm giá trị kinh kệ vào lòng, càng ngày chúng ta càng ngẫm ngộ thêm nhiều giá trị sâu mầu mà, có thể trước đây, nếu chỉ sống theo bản năng của vui buồn, yêu giận…, ta sẽ không thể nhấc tầm mắt chúng ta ra khỏi con mắt trần, ra khỏi những trí biết hữu hạn của tính toán lý tính, mà cảm thụ được. Rồi cái, càng vượt ra khỏi những ràng buộc hữu hạn của vui buồn, yêu giận… thông thường, ta cảm thấy, sao cuộc sống này còn nhiều cái vi diệu quá, để ta tiếp tục học hỏi, Vũ trụ này còn nhiều điều sâu mầu quá, để ta tiếp tục khám phá. Hơi sức đâu bỏ phí thời gian và năng lượng của mình cho những mắc mứu rối ren, ân oán hận thù sân giận, cứ giữ đầu ta cúi gục xuống hoài.

Và từ khi ngộ ra được giá trị then chốt này, cuộc đời ta bắt đầu bước sang chặng hành trình mới. Ta bỏ đi cái tâm lý nạn nhân, lúc nào cũng cảm thấy mình chịu đựng nhiều bất công, bế tắc, khổ đau. Ta lật một phát, chuyển được cái nhìn, như nào giờ… con rùa lật ngửa, sao bao phen công phu tu tập, đã đủ duyên lật trở mình. Cuộc sống của chúng ta bây giờ đây cũng bao nhiêu đó việc xảy ra, nhưng nếu trước đây ta sẽ chấp vào trong đó mà sanh tâm tức giận, thì giờ đây, ta sống với lòng biết ơn tha thiết, vì biết rằng, mỗi chướng duyên đi tới đều cũng chính là cơ hội để ta luyện lòng mình, luyện tâm mình, cho mỗi ngày ta trở thành một phiên bản đẹp hơn của chính mình. Ta cũng biết sống khiêm cung, lễ độ hơn, vì ta cũng ngộ ra, mỗi sự thành công, thuận lợi đến cho mình, cũng đồng thời là một ‘bài thi thuận’, để ta không bị sa đà hay ngủ quên trong vinh hoa mà đi lệch khỏi con đường tiến hóa. Ta cũng biết, con người chúng ta vốn có phần con người tâm linh ẩn thật sâu bên trong thân xác và tâm trí này, và chỉ thông qua một hành trình tu tập miên mật hàng ngày, con người tâm linh đó mới ngày càng hiển lộ rỡ ràng.

Nhờ con người tâm linh đó, vốn nằm trong một tổng thể lớn lao, bao trùm, không có sinh ra hay mất đi, mà khi mỗi ngày một gắn kết với bản thức của mình được nhiều hơn, dày hơn, nhất tâm hơn, có một loại ‘trí biết’ dần dần được sinh ra. Trí biết này được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau, như trí tuệ bát nhã, hay trí giác, hoặc trí vô sư…, vốn là thứ không phải thông qua việc học mà có được, mà phải thông qua quá trình tu tập mà có được. Việc bỏ thời gian thọ trì kinh kệ, lạy sám hối, hay thiền tập… đều là những nỗ lực chung của quá trình đánh thức trí giác này. Để rồi, sau một thời gian hết lòng miên mật tu tập, nhìn lại, chúng ta bắt đầu cảm nhận, đúng là, hình như chúng ta bắt đầu ‘khôn’ ra hơn. Nhìn nhận mọi vấn đề rõ ràng, chính xác hơn. Biết những điều nên làm và những gì không nên làm. Đưa ra những quyết định đúng nhiều hơn, bớt đi những phán đoán sai lầm… Phần trực giác bên trong con người ta mỗi ngày thêm bén nhạy, nhiều khi dẫn dắt ta đi qua được nhiều khúc quanh khó, vượt được nhiều dốc đời hiểm trở, hiểm nguy. Và ta nhận ra, lại cũng như những vòng tròn lặp lại, càng ngẫm ngộ ra được thêm nhiều điều hay điều quý, ta càng biết nghiêm ngặt tự ‘siết’ mình, trong khuôn khổ Giới và Định, để hành trình tu tập càng nghiêm túc, càng miên mật, thì như một phần tưởng thưởng tương xứng với giá trị mà chúng ta đã vun đắp, trí tuệ chúng ta sẽ lại càng ngày càng sáng. Ở đây, lại muốn nhắc lại một ý thật thâm thúy mà Thầy Thích Trí Quảng đã dạy trong một bài giảng: “Giá trị của sự tu tập là, một thời gian sau, cái gì người thế gian biết, ta cũng phải biết; mà có những cái, người thế gian (người bình thường) không biết, ta (người tu) cũng biết”.

Ở đây, lại phải nói rõ, mọi so sánh đều khập khiễng. Ta không so sánh ta sẽ hiền hơn hay khôn hơn ai, chỉ tự quan sát lại bản thân, thấy rõ rằng, sau quá trình kiên nhẫn tu tập hết lòng, ta mỗi ngày một hiền hơn chính mình ở quá khứ, khôn ngoan, hiểu chuyện, biết lẽ hơn ta của thời quá khứ, là coi như ta đã bước đầu thành công.

Và những thành quả ban đầu này báo ta biết rằng, ta đang đi đúng trên con đường tiến hóa của chính mình, và cũng đủ thực tế để biết luôn, là hành trình sắp tới còn là một hành trình rất dài và còn phải vượt nhiều đồi dốc. Nhưng không sao, nắm rõ được nguyên lý ‘Tu để Hiền đi và Khôn ra’ này, ta sẽ đủ bình tâm để đối diện, xoay chuyển mình từng chút, từng chút một.

Ai rồi cũng sẽ tới lúc xoay trở mình thành công, cũng như, ai rồi cũng tới lúc Về tới Nhà.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(05.11.2022 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart