NHƯ MỘT ‘ĐẠI HỘI BỒ ĐỀ QUYẾN THUỘC’
[Chuyến Đại cộng hưởng cuối năm Nhâm Dần: Tha thứ để bình an]
Gõ nhanh những dòng này khi chuyến Đại cộng hưởng cuối cùng của năm Nhâm Dần, chuyến Đại Cộng Hưởng Bình Dương, diễn ra chủ nhật 9.1.2023 đã đi qua được vài ngày. Những cảm xúc của chuyến đi đặc biệt này thì như vẫn còn vương vấn đâu đó trong sự lưu luyến của tất cả những ai tham gia. Là một chuyến đi với rất nhiều sự Thương, và sự Buông.
THƯƠNG…
Trong hơn mấy trăm gương mặt cùng ngồi với nhau trong thời thiền Biết ơn và Xin lỗi trên không gian rộng lớn dưới chân đại tượng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ tát, tụi mình thấy hầu như toàn những gương mặt quen thuộc qua các chuyến đi hay các khóa học quản trị cuộc sống của nhà MayQ tụi mình trong những năm qua. Chuyến đi cuối cùng của năm cũ, thế là các nhóm Bồ đề quyến thuộc từng cụm từng cụm một, ‘hú’ nhau, phải thu xếp có mặt trong chuyến hội ngộ lần này. Và cũng gần giống như một số kỳ Đại cộng hưởng gần đây, bên cạnh những người sống tại Việt Nam, không ít những gương mặt học viên ở nước ngoài, trước giờ chỉ gặp mặt qua màn hình của các khóa học online, giờ đây hiển hiện bằng xương bằng thịt, ôm ôm nhau, mừng mừng tủi tủi.
Bình thường, các thời thiền sáng bắt đầu bằng thời thiền tĩnh tâm Nở bảy đóa hoa luân xa trong con người mỗi người. Với chủ đề Tha thứ để bình an lần này, thời thiền ban mai được chọn lựa là thời thiền Biết ơn và Xin lỗi. Biết ơn và xin lỗi từng cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Biết ơn và xin lỗi bản thân. Rồi mở rộng, rải tâm từ và tâm bi đến những người ở quanh mình, từ cha mẹ anh chị em chồng vợ con cái, đến những người hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, đến những người trong cùng một thành phố, một đất nước…, mở rộng ra đến con người chung nghĩa đồng bào trên toàn thế giới, mở rộng ra đến chúng sinh muôn loài…Thiệt ngộ, bài thiền này chính mình ghi âm phần dẫn thiền chứ ai, và cũng từng cùng ngồi cộng thiền với mọi người hàng chục lần rồi. Vậy mà sáng ấy, khi nghe khuyến khích cùng mọi người chậm rãi đọc lại, và nghiền ngẫm từng từ từng ý một của bài Kệ rải tâm từ, đọc trong lúc đôi mắt mình nhắm khép và toàn bộ sự chú ý xoay vào bên trong, bỗng dưng chảy nước mắt.
“Hằng mong người an tịnh – Trí tuệ càng hiển minh – Nguyện thái bình an lạc – Đến tất cả sinh linh – Tròn đầy muôn hạnh phúc…”
Ừ, ngồi quây quần cùng chúng mình hôm ấy trong buổi Đại cộng hưởng Tha thứ để bình an, đều là những con người quá đỗi thân thương. 70% giơ tay xác nhận họ là những người từng đi nhiều lần với nhà MayQ qua các chuyến đi, nhiều người là học viên, đã cảm và đã thấm thía những tiêu chí và thông điệp lớn mà nhà MayQ muốn truyền tải: Vũ trụ đồng một thể, Trong bạn có mình, Trong mình có bạn, Trong ta có nhau. Vì thế, buông bỏ được giận hờn, gút mắc, thù hận hay mâu thuẫn với bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì, vẫn là một sự buông xuống để tăng niềm thương không phân biệt, gửi niệm lành thật tâm đến tất cả mọi người, muôn loài. Nhiều gương mặt mới góp mặt lần đầu với nhà MayQ cũng bắt đầu cảm nhận được thông điệp này, qua những cái ôm được khuyến khích trao nhau vào cuối thời thiền Biết ơn và xin lỗi này. Mọi người lại cũng thêm một lần ‘Trước lạ sau quen’, đi một mình về một khối. Thương lắm.
Lòng rưng rưng thương cảm tiếp theo là khi được ngắm từng dòng người kiên nhẫn đứng xếp hàng trong trật tự đợi lấy cơm và thức ăn, để thực hành tập ‘ăn trong chánh niệm, ăn trong tỉnh giác’. Chùa Hương Nghiêm – Bình Dương, nơi cung cấp cho chúng mình chỗ trú chân huân tập ngày hôm đó đã thật ý vị khi tập cho mọi người ăn trong những chiếc bình bát. Buổi sinh hoạt cuối giờ sáng kết thúc cũng không sớm. Những hàng dài xếp đợi lấy đồ ăn cũng không ngắn. Vậy mà mọi người, với sự hướng dẫn và chuẩn bị tâm lý từ Thầy Thích Trí Chơn, trụ trì Chùa, đã rất hợp tác, trong sự kiên nhẫn và tĩnh tâm thật đáng biểu dương. Rồi từ sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng ấy, bữa ăn trưa đã diễn ra trong yên lặng chánh niệm, điều mà thật lòng tụi mình vẫn muốn tập cho đại chúng như một thói quen đẹp mới trong các chuyến đại cộng hưởng mỗi khi có thể. Thiền tập đâu chỉ là khi ta ngồi xếp chân nhắm mắt hít thở, thiền tập còn là mọi lúc mọi nơi, mỗi khi ta tập trung tỉnh giác, chú ý vào từng cử chỉ, hành động, lời nói của mình. Và buổi trưa hôm ấy, mọi người đã được thực tập thiền – ăn thật nhẹ nhàng. Ngắm nhìn những cảnh ấy, tự nhiên cũng mắc chảy nước mắt 🙂 Thương gì đâu à.
Rồi cái, khi tất cả mọi người đã lấy xong thức ăn và vào chỗ đâu đó, team nhà MayQ tụi mình mới đi vòng ra phía sau, lấy phần cơm của tụi mình. Ngồi ăn cơm ngay trước sảnh thờ Đức Địa Tạng Bồ tát, không ít những bạn đã dùng xong cơm trưa đi ngang qua chỗ mình để đi đến chỗ xếp hàng tự rửa bát. Nhiều bạn đi đến, nắm tay mình hay ôm lấy mình, kể cho mình nghe biết bao nhiêu điều là quá chừng dễ thương và cảm động. Một cô xem ra nhỏ hơn mình tầm chục tuổi đi tới, bụng bầu lùm lùm vượt mặt, ôm mình và lại xưng ‘con’ với mình. Bạn nói, cô ơi, trong bụng em đây là hai em bé thứ 64 và 65 từ dự án Gửi Bé Yêu đây cô! Em cận ngày sinh lắm rồi, nhưng vẫn ráng tham gia đây hôm nay, để hai bé được ra mắt cô với team MayQ, và được cô vuốt bụng cho mẹ con sinh nở bình an nè… Choy…, nói thiệt, kể từ khi dự án Sách lành gửi tặng Mẹ hiếm muộn được khởi động từ đầu năm 2022, đến cuối năm, tin vui báo về được 91 em bé ‘mọc ra’ từ những quyển sách Gửi bé yêu do nhà MayQ góp công và các trái tim vàng góp kinh phí, vậy chứ hôm nay mới hội duyên ngắm được một bà mẹ hiếm muộn với cái bụng chở hai em bé ngoài đời. Mẹ bé nói, em cũng là một học viên cấp độ 4 của nhà MayQ mình, từ nhận thức thay đổi, kéo theo nhiều điều thay đổi, tích cực tốt đẹp lắm cô ơi… Bắt chảy nước mắt.
Còn đang rơm rớm chưa xong, thì có một cặp mẹ con kéo đến. Cô bé tuổi ngoài 20 nói, cô ơi, con là bé Linh từ New Zealand về đây, con là học viên lớp cấp độ 4 của cô nè. Bà mẹ cũng còn khá trẻ đứng cạnh bên mắt cười lấp lánh: Cũng nhờ học cô mà bé đã thôi không còn mâu thuẫn, chịu kết nối rất tốt với mẹ, giờ về đây thăm mẹ, đi Đại cộng hưởng với nhà MayQ, sắp tới còn cùng nhau đi chuyến An – Thái Lan nữa nè cô! ‘Bà Nội điển hình’ là chị học viên lớp cấp độ 6, chuyến Đại cộng hưởng hay chuyến An lớn nhỏ nào hầu như chị cũng đều có mặt, chuyến này cũng chạy đến, hớn hở khoe tụi mình tấm hình cô cháu nội mới hơn một tuổi, bụ bẫm dễ thương trong điện thoại. Chị từng là người chịu khổ không ít từ sự mâu thuẫn hay mất kết nối với con trai, con dâu. Vậy mà từ sự chủ động tự đi học rồi về ‘dụ’ các con cũng theo học, mấy đứa nhỏ từ đầu miễn cưỡng sau hứng thú chủ động đi theo, chủ động đọc kinh lạy Phật để em bé trong bụng sinh ra được an lành…, đến nay thì gia đình chị đã rất ấm êm, an lành, cháu nội thì kháu khỉnh ngoan ngoãn, biết lạy Phật theo bà nội và ba mẹ từ khi chút xíu… Chị vô cùng hài lòng với đời sống hiện tại, còn tụi mình thì nở hoa trong lòng.
Lại tiếp tục được một chị khác, hôm nay nhìn mặt chị giãn ra, mắt sáng, miệng mỉm cười tươi rói, chạy đến ôm mình. Là chị L.A, một trong những học viên tìm đến chúng mình khi tuổi đã muộn màng, 65 tuổi. Nhìn chị lọm cọm, trầm thinh của thời điểm đó, đến khi lên các lớp cấp độ cao hơn nghe chị kể về hoàn cảnh mình, tụi mình chỉ biết thở dài, vì một cuộc đời quá nhiều bi kịch, những bi kịch không chỉ kéo dài từ quá khứ với muôn vàn vấn đề với thân phận con người, mà xem ra những vấn đề vẫn còn đang dọc dài trong hiện tại, cũng lại với các sự đau đầu và cả đau lòng với con trai, con dâu và các cháu nội… Mình thấy các vấn đề có vẻ trầm kha khó giải quyết chỉ trong vài tháng, bèn hỏi chị, chị có sẵn sàng dành ra ba năm để miên mật tu tập để chuyển hóa nghiệp thức và giải quyết các vấn đề của gia đình chị hay không. Chị kiên định gật đầu: Tôi sẵn lòng. Vậy mà thật là đáng kinh ngạc, chỉ sau sáu tháng kể từ khi chị chia sẻ chúng mình những vấn đề đầu tiên đó, lên đến cấp độ 4 là tụi mình đã nhìn chị thấy rất khác. Chị kể tụi mình nghe những biến chuyến vi diệu trong đời sống gia đình chị, và một sức sống dồi dào dường như quay trở lại trong con người đã bắt đầu đi qua khỏi tuổi 65… Chị còn được các bạn cùng lớp tin tưởng bầu làm ‘ban cán sự lớp’, để chuyên giữ mạch, kết nối và dẫn dắt, truyền cảm hứng trong các buổi đọc kinh kệ online hàng ngày với các bạn trong lớp. Hôm nay thấy chị, ngắm được sự trẻ trung hóa và an nhiên trên gương mặt chị, đôi mắt chị, lại bắt chảy nước mắt.
Vẫn còn nữa, còn nữa biết bao nhiêu là gương mặt quen thuộc, của hàng chục, thậm chí hàng trăm những con người thân thương, mà chỉ cần nhìn mặt, mình đã có thể kể ngay những câu chuyện thật ấm áp dễ thương từ họ, những hành trình lội ngược dòng từ những vướng mắc, khó chịu hay đau khổ ban đầu, mà nhờ bắt đầu từ những chuyến đi hay những lớp học của nhà MayQ, họ bắt đầu được bắt cầu đến kinh kệ, đến tu tập, đến sự kết nối với các cộng đồng bồ đề quyến thuộc, và từ đó, họ bắt đầu hưởng quả lành. Ta nói bữa đó đứng trong chánh điện Chùa Huê Nghiêm, lướt mắt một vòng ngắm những gương mặt quen thuộc thân thương ấy, chỉ muốn chảy nước mắt! Mình biết, những chuyến đi hay những lớp học chỉ là những phương tiện hỗ trợ các anh chị, các bạn trên con đường tự giải thoát cho mình khỏi những khổ đau, phiền não trần lao. Nhưng chính các bạn đã là người kiên định gửi thông điệp đến Ơn Trên, rằng Con muốn Thay đổi, và đã là những người kiên định đi cho được trên hành trình lội ngược dòng khổ đau tìm lại sự an lạc vốn là bản chất trong mỗi con người đó. Và mình cũng tin, những gương mặt quen thuộc, những ‘người cũ’ ấy ở chuyến Đại cộng hưởng lần này, cũng sẽ tiếp tục giống như những kỳ Đại cộng hưởng trước đây, là nguồn cảm hứng và tạo niềm tin cho những người mới, lần đầu đến với các chuyến đi này. Để rồi, sau chuyến đi, chắc chắn các bạn mới cũng sẽ tạo cho mình sự kiên định, để thay đổi! Thương lắm!
BUÔNG…
Chủ đề của chuyến đi lần này là Tha thứ, Buông xả để Bình an. Vì thế, rất nhiều hoạt động được diễn ra, xoay quanh thông điệp xuyên suốt này.
Phần chia sẻ pháp của sư thầy Thích Trí Chơn (Ủy viên Ban Hoằng pháp tỉnh Bình Dương, phó trưởng ban trị sự Phật giáo thị sẽ Bến Cát, trụ trì và là người sáng lập tại chùa Hương Nghiêm), về đề tài Buông xả để bình an thật ý vị và thấm thía. Thông qua những thông điệp đơn giản mà đi vào lòng người, Thầy đã cho tất cả mọi người cảm ngộ được bình an có được khi chúng ta không làm những việc ngoài tầm tay mình, mà chỉ lo những gì nằm trong tầm tay, trong khả năng, đó là sửa mình và ngưng mong cầu. Đồng thời, qua những ví dụ dí dỏm và trực quan sinh động, Thầy cũng hướng mọi người về lời dạy của Đức Phật trong bản Kinh thương yêu: “Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, nhũng kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.” Và khi nhà MayQ biếu Chùa một hộp quà trầm hương là sản phẩm mới của nhánh OM nhà MayQ, Thầy đã rất nhanh cho ra thêm được một bài pháp thật ý vị. Thầy nói, trong chùa hay tại gia người ta thường đốt trầm, nhằm thanh tịnh không gian, tạo nên cảm giác dễ chịu. Tuy vậy, trầm cũng có nhiều loại, trầm tốt thuần chất trầm, và trầm không tốt thì sẽ có pha lẫn tạp chất. Nụ trầm tốt đốt lên sẽ làm tất cả những người xung quanh thật dễ chịu, trong khi nụ trầm xấu đốt lên sẽ gây khó chịu cho tất cả những ai ngửi phải. Và, cho dù trầm loại nào thì thời gian đốt lên mới là quan trọng, còn khi đã đốt xong rồi, tốt xấu gì cũng chỉ còn lại đám tro tàn mà thôi. “Vậy, đời sống của chúng ta cũng giống như đời một nụ trầm. Hãy gắng sống làm sao để khi ta ‘đốt lên’ (nghĩa là còn sống), hương từ ta tỏa ra sẽ làm mọi người thật dễ chịu chứ không có vô tình làm mọi người sợ hãi hay khó chịu khi phải sống gần ta, nhớ nha!” Thầy kết luận. Mọi người vỗ tay rần rần.
Như để đậm đà thêm cho thông điệp Buông xả để bình an là những lời thơ thâm thúy: Nắm nước trong tay của nữ thi sĩ Diệu Nhân:
“Tôi đã từng nắm nước trong tay
Nắm hoài nắm mãi cũng không đầy
Hỡi ai trên khắp cùng trái đất
Có nắm được gì xin cho hay.
Thiên tai bão lụt đó cùng đây
Sóng thần động đất chẳng hẹn ngày
Vô thường biến dịch hằng chi phối
Muôn pháp đổi dời trong phút giây.
Tuổi xuân ngày tháng cứ dần qua
Tóc xanh tóc bạc trẻ rồi già
Quy luật sanh trụ rồi hoại diệt
Khống chế mọi người chẳng riêng ta.
Hơi thở vào ra mãi không ngừng
Ngày qua tháng lại chẳng hề ngưng
Tưởng rằng như thế là miên viễn
Công danh sự nghiệp ráng vun trồng.
Hơi thở cùng ta vốn gắn liền
Còn không giữ được lúc hết duyên
Sá chi danh lợi mà mong giữ
Nắm nước trong tay để ưu phiền.”
Trong thời sinh hoạt chung, mọi người còn được thử thực hành thiền quán thân và quán tâm, hai pháp thiền trong bốn pháp quán Tứ niệm xứ. Và, thời đọc kinh cộng hưởng Sám hối Lục căn và Hồng danh Phật cùng thời lạy 108 lạy sám hối và khai tâm đã càng làm cho chủ đề hướng đến sự Bình an thêm đậm đà.
Một ngày có thể rất dài từ sáng sớm đến chiều muộn, nhưng với một ngày như chuyến Đại cộng hưởng cuối cùng khép lại năm Nhâm Dần, với nhiều thành viên trong đoàn, tất cả vẫn có vẻ trôi qua quá nhanh. Để rồi, cùng xúm xúm lại, thương thương yêu yêu chụp cùng nhau tấm ảnh cả đoàn để khép lại hành trình, tất cả lại hoan hỉ nắm tay nhau, ôm ôm nhau. Vẫn là những lời tạm chia tay để cùng hẹn nhau vào những chuyến đi gần nhất cùng nhà MayQ sau Tết.
Tạm biệt nhau rồi, leo lên xe về, tụi mình mệt nhừ, haha. Nhưng thương là thương câu nói nhỏ nhẹ của một cô bé trong team nội dung tụi mình. Nó cười, nói cô ơi, chuyến tháng 12 thiền nến hoành tráng và đông vui thật, nhưng ngày hôm nay con thực sự cảm nhận đây mới chính là kỳ đại cộng hưởng ‘wrap up’ (gói lại) một năm Đại cộng hưởng của chúng mình viên mãn nhất.
Thì đúng là như vậy mà. Cái tháng đặc biệt nhất trong năm, vừa là tháng mở đầu năm mới dương lịch 2023 tràn trề hy vọng, vừa là tháng Chạp cuối cùng bên âm lịch để mọi người rốt ráo rũ bỏ mọi muộn phiền vướng mắc còn vương mang, để đi vào một năm mới âm lịch thật rạng rỡ. Cho nên, Đại cộng hưởng của tháng 1 hàng năm vẫn xứng đáng là một dấu chấm son đong đầy cảm xúc, chấm kết cho hành trình một năm Nhâm Dần thật không thiếu những trở ngại thách thức, nhưng khép lại xứng đáng. Thương lắm!
Chào tạm biệt nhé, những người khách thân thương của những chuyến hành trình ấm áp đậm tính kết nối của nhà MayQ Go. Hẹn nhé, thật nhiều những chuyến đi càng yêu thương ấm áp trong năm sau, năm Quý Mão, nha!
Gửi niệm lành cho tất cả,
(11.1.2022, 20 tháng Chạp Nhâm Dần – QH & MayQ Team)
Không có bình luận