AN ĐÀI LOAN: DUYÊN MỞ RA TỪ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ NGỜ TỚI…
[Hành trình An trên Đất Đài Loan]
Đài Loan vốn là một trong những hành trình quen thuộc ngay từ những ngày đầu tiên nhánh MayQ Go được mở ra. Đã nhiều lần đến với Đài Loan, chỉ ngoại trừ lần chạm ngõ đầu tiên gặp ‘chướng duyên’ như mình từng chia sẻ trong một bài viết trước đây, còn lại dài về sau, tất cả đều là những lần để lại nhiều cảm xúc thật thương cho bản thân mình và mỗi thành viên trong chuyến đi. Nhưng rồi sau chuyến đi vào năm 2019, cùng với những biến chuyển bất ngờ về dịch bệnh trên toàn thế giới, hơn ba năm sau, chúng mình mới có thể đưa đoàn quay trở về vùng đất này trong những ngày tháng 4/2023, cùng với biết bao những kỷ niệm đáng nhớ cùng nhau.
Một chuyến đi 4 ngày 3 đêm, đến những cung đường dọc Đài Loan, từ Cao Hùng, lên Đài Trung và dừng lại ở Đài Bắc, với những lịch trình tham quan, cùng những thời cộng hưởng bên nhau, chắc chắn sẽ đọng lại nhiều cảm xúc, nhiều điều đáng nhớ cho 141 thành viên trong chuyến đi.
Gõ những dòng này, tụi mình tự hỏi, trong rất nhiều kỷ niệm bên nhau đó, điều gì khiến mọi người ấn tượng nhất? Điều gì sẽ vương vấn trong lòng mọi người nhiều nhất trong suốt chuyến đi và mãi dài về sau này?
Là buổi chiều hoàng hôn bình yên tại Phật Quang Sơn? Là những buổi dạo chợ đêm? Là sáng mưa tại công viên địa chất Dã Liễu với những chiếc áo mưa rực rỡ sắc màu? Hay là những khoảnh khắc cộng hưởng, tay nắm tay, bình yên bên nhau trong những thời Ho’Oponopono, cùng đọc kinh, lạy sám hối…
Còn với chúng mình, có lẽ hành trình của ngày thứ hai, từ Cao Hùng về Đài Trung với những sự dẫn duyên, những cú xoay chuyển kỳ lạ, mở ra những thời cộng hưởng đặc biệt đến không thể ngờ, chắc chắn, sẽ là điều không thể nào quên, thậm chí, còn góp phần làm cho lịch trình của chúng mình thêm phần hoàn thiện, đặc biệt và đậm đà hơn rất nhiều.
NHỮNG SỰ DẪN DUYÊN KỲ LẠ…ĐỂ CẢ ĐOÀN ĐƯỢC DẪN ĐẾN ĐẢNH LỄ NƠI THỜ XÁ LỢI NGÀI PHÁP SƯ TAM TẠNG TRẦN HUYỀN TRANG
Sáng hôm ấy, theo lịch trình, tụi mình sẽ mất ba giờ đồng hồ di chuyển từ Cao Hùng về Đài Trung, và điểm đến đầu tiên chính là Trung Đài Thiền Tự, là một thiền viện oai nghiêm được ví như một trong những trung tâm Phật học quan trọng nhất ở Đài Loan. Thiền viện vốn thường không nằm trong lịch trình của các chuyến du lịch phổ thông đến Đài Loan, nên để đảm bảo có được địa điểm này trong lịch trình, phía đối tác của chúng mình đã phải liên lạc trước từ rất lâu và xin được sự đồng ý cho tham quan của thiền viện. Thế nhưng, có lẽ… duyên chưa đủ thắm, nên khi chỉ còn tầm một giờ nữa là đến nơi, tụi mình nhận được dòng tin từ bạn đối tác phía Đài Loan rằng: “Hôm nay Trung Đài Thiền Tự tạm thời đóng cửa, không nhận khách vào tham quan!”. Ôi, rõ ràng là một tin bất ngờ. 141 con người đã ngồi xe cả ba tiếng đồng hồ để được đến đây, giờ sẽ biết làm sao?
Nhưng ở ‘đất khách quê người’, khi người ta đã không cho mình vào, thì mình cũng đâu thể làm khác đi. Mình nhắn lại với đối tác: “Vậy giờ phải cho chúng mình hướng giải quyết tiếp theo!”. Các bạn gửi chúng mình một ngôi chùa khác ở Trung Đài, là một ngôi chùa cổ, nằm ngay trên núi Bát Quái. Nhìn hình và đọc những thông tin chùa, mình thấy nơi đây cũng đủ đặc biệt để đưa mọi người vào đảnh lễ. Chốt mọi thứ xong xuôi, nhắn cho các bạn trưởng xe thông báo lại cho các thành viên trên xe, mọi thứ vừa xong, thì tụi mình lại nhận được tin nhắn từ bạn đối tác: “Hiện tại, đường từ đây đến đó quá xa, không thể chạy lên đó được, sẽ tạm chọn một ngôi chùa gần Hồ Nhật Nguyệt nhé!”. Lúc này đây, mình giận phía đối tác thật sự. Mình biết, mọi sự bất ý, hay mọi ‘chướng duyên’ mọc ra trên quãng đường đi, đều sẽ ẩn chứa một ‘bài thi’ nào đó. Nhưng cách làm việc của bạn bên đối tác lần này làm cho mình thất vọng về tính chuyên nghiệp mà trước đây, mình đã từng rất tin tưởng từ các chuyến đi trước. Và khi rồi ngôi chùa thay thế tiếp theo như đề xuất của bạn cũng không khả thi vì không mở cửa, mình quyết định sẽ không thả nổi vấn đề cho phía bạn đối tác tự xoay sở nữa, để cho đoàn mình lên đường du hồ Nhật Nguyệt theo kế hoạch mới điều chỉnh, tụi mình, gồm mình, em Yến Hương và em Phong Windie quyết định tạm tách đoàn, để cùng bạn đi khảo sát nhanh các ngôi chùa tại khu vực lân cận.
Văn Võ Miếu là một ngôi đền vô cùng đẹp đẽ và sâm nghiêm, nơi mình đã hoàn toàn ‘phải lòng’ ngay từ lần đầu tiên được diện kiến từ tận chục năm trước, giờ đây tụi mình cũng đã xin được phép để làm một thời cộng hưởng trên nóc thượng của miếu. Nhưng đó phải nên được diễn ra vào buổi chiều tà, lúc hoàng hôn dần buông thì mới gọi là tuyệt hảo; còn như với tình hình này, vẫn còn khi giữa trưa trời nắng chang chang, đưa đoàn lên đó làm sao được? Giữa tình hình nguy cấp như vậy, mình chợt thoáng nghĩ tới một khả năng, bèn nhờ bạn đối tác hỏi những người giữ đền trong Văn Võ Miếu, rằng quanh hồ liệu có ngôi chùa nào đủ thanh tịnh trang nghiêm cho đoàn mình đến viếng cho qua lúc nắng nóng này, để rồi trời tà, tụi mình sẽ quay lại Văn Võ Miếu viếng và có thời cộng hưởng, như theo đúng kịch bản gốc. Thì cô thủ từ rất sốt sắng kêu lên, Ôi, ở gần đây thôi, chỉ tầm vài cây số, cũng đối diện mặt hồ chính là Huyền Trang Tự, “hen piao liang” (rất đẹp)! Mình nghe đến chữ ‘Huyền Trang’, trong lòng chớp nghĩ, có khi nào… có liên quan đến ngài Trần Huyền Trang không đây?
Thế là không bỏ lỡ một giây nào, tụi mình nhảy lên xe, chạy ngay đến đó. Và chao ôi, trước mắt mình, ngay ngoài bức tường trước cổng, chính là hình ảnh của ngài Trần Huyền Trang – vị ‘Đường Tăng Tam Tạng’ từng là nguồn cảm hứng để tác giả Ngô Thừa Ân viết nên tác phẩm Tây Du Ký bất hủ. Trên bức tường, hình ảnh ngài một mình vượt đường xa, lưng cõng nặng những chồng kinh kệ. Hành trình thỉnh kinh lừng danh của ngài, ngay lúc đó hiển hiện trước mắt chúng mình bằng một bức phù điêu sinh động như vậy. Mình có một loại cảm động đến khó tả.
Là bởi vì sao? Không hiểu sao, vài năm gần đây, duyên như cứ đưa mình mỗi ngày một gắn bó hơn, một gần hơn với ngài. Từ cuốn sách Muôn dặm không mây mà mình được tặng cách đây vài năm, mình đọc qua, mới hiểu và cảm được công lao to lớn của ngài, khi là nhà sư Trung Hoa lặn lội vạn dặm đường xa và vượt bao hiểm nguy, để đến được nước Tây Trúc (chính là Ấn Độ) bây giờ, để thỉnh kinh. Những bản kinh tạng bây giờ chúng ta đọc, nhiều pho cũng đã có phần đóng góp thỉnh kinh và dịch nghĩa từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, từ ngài. Ngài còn có một công lao to lớn nữa, chính là trong hành trình đi thỉnh kinh, với đặc tính tỉ mỉ đặc trưng của người làm công tác nghiên cứu ở Trung Hoa cổ, ngài đã tỉ mẩn ghi chép rất nhiều những chi tiết quý gía về đời sống và tâm linh ở Ấn Độ và các nước khác trong quyển sách quý của ngài, Đại Đường Tây Vực Ký. Để rồi hơn chục thế kỷ sau, sau gần một ngàn năm Phật giáo tưởng chừng bị xoá sổ ngay trên đất nước đã sản sinh ra nó là Ấn Độ, vào cuối thế kỷ 18, chính nhờ những ghi chép về đời sống tâm linh tại Ấn Độ của ngài, mà người ta đã tổng hợp các nguồn từ khảo cổ, lịch sử, văn hoá… mà khẳng định Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật có thật trong lịch sử, và đạo Phật là một tôn giáo có thật trong dòng chảy văn hoá lịch sử, chứ không chỉ là truyền miệng, truyền lời.
Đọc và cảm, từ cảm đến kính trọng, và tôn quý. Cho đến khi trong quyển Muôn dặm không mây ấy, mình đọc được những dòng mô tả rằng ngài đã từng lặn lội đến viếng thăm khu thạch động Ajanta tại miền Nam Ấn Độ, trong lòng mình đã dội lên những sự thổn thức. Bằng một sự thôi thúc vô hình nào đó, mình đã cố gắng thu xếp để được đến thăm thạch khu Ajanta vào cuối năm ngoái, để rồi từ những cảm nghiệm khó tả đến xúc động nghẹn ngào chiêm bái quần thể đại già lam thiêng liêng có mặt từ trước công nguyên này, nơi mà vào cuối thế kỷ thứ 6, ngài Huyền Trang cũng đã từng tìm đến chiêm bái, và có lẽ, cũng đã từng lặng đi trong xúc động, giống như tụi mình. Trong khoảnh khắc đó, tụi mình có một loại cảm giác xoá nhoà tất cả sự phân định về thời gian, cảm giác được có mặt tại chính nơi ngài Huyền Trang đã từng đứng đó, đã lặng ngưỡng chiêm sự thiêng liêng những pho tượng cổ mà ngài đã từng xúc động tỉ mỉ mô tả trong quyển Đại Đường Tây Vực ký đó. Và đó chính là những động lực to lớn để tụi mình về, quyết tâm mở ra hành trình mới: An trên đất Ấn. Chuyến đi đã xác định diễn ra vào 28/4 năm nay, nghĩa là, sau chuyến đi đến Đài Loan vào giữa tháng 4 này về, chỉ non hai tuần nữa, chúng mình sẽ lên đường sang khu Ajanta ấy!
Lặng lẽ bước vào trong gian chánh điện. Ngay từ ở tầng thứ nhất, là pho tượng ngài Huyền Trang to hơn khuôn người thật, được khắc hoạ theo đúng mô tả nhân dáng chính thức của ngài trong các viện bảo tàng. Mình quỳ xuống, cúi đầu đảnh lễ ngài, trong dạ bắt đầu rưng rưng. Mình tự hỏi, điều gì đây đã dẫn dắt chúng mình đến đây, liệu đây có phải chỉ thuần tuý là một sự tình cờ? Hay là, đã có một sự an bài vi diệu nào đó, để những điều tưởng chừng là chướng duyên trùng trùng từ sáng đến giờ, khiến cho chúng mình không thể đến được các nơi trong lịch trình gốc, tất cả đã dẫn dắt, để cho chúng mình có đủ duyên lành được đưa đến ngôi đền này, thờ ngài? Ngôi đền khang trang, uy nghi và đầy đủ sâm nghiêm, tuy nhiên, để gọi là đủ ‘nổi tiếng’ để được đưa vào lịch trình tham quan ngắn ngày của một đoàn du lịch tâm linh, cũng không phải là quá điển hình. Chỉ có mọi sự ‘chận lại’ các kế hoạch khác, thì duyên mới dẫn dắt dần dần cho chúng mình được đưa đến đây thôi! Mình thoắt nhớ lại, cách đây mấy năm, mình cũng đã từng được đưa đến đền thờ ngài Trần Huyền Trang gần khu đại học Nalanda ở Ấn Độ, và cũng đã từng cúi đầu đảnh lễ, và xin nhận được sự dẫn dắt của ngài. Vậy…, ngày hôm nay được bất ngờ dẫn đến đây, liệu đây có phải là một sự dẫn dắt tiếp theo của ngài chăng?
Bước lên tầng hai, là tôn tượng đức Bồ tát Quán Thế Âm. Mình nhớ lại, trong mấy quyển sách có nhắc về cuộc đời ngài Huyền Trang, đều nói rõ, ngài có nhân duyên và chịu ơn sâu nặng với Bồ tát Quan Âm. Cái ngày ngài bị lạc đường giữa sa mạc Gobi mênh mông, chỉ còn một người một ngựa, đói và khát nước đến lả đi, chỉ còn nước nằm chờ chết, ngài Huyền Trang chợt nhớ đến bài Bát Nhã Tâm Kinh mà một người bệnh nhân ngài từng trị bệnh cho đã truyền lại cho ngài. Và thế là, nhờ chú tâm trì mải miết bản Bát Nhã Tâm Kinh này, ngài đã vượt qua được nỗi sợ hãi cái chết, thay vào đó, ngài đã bình tĩnh lại và tìm phương cách thoát khỏi hoang mạc. Đang đi thì chú ngựa bỗng trì tay ngài, dắt ngài đi theo một lối khác. Không ngờ, lối ấy đã dẫn đến một nguồn nước ngầm, và ngài đã thực sự thoát chết chờ mạch nước ngầm quý giá ấy. Ngài thực sự thành tâm tin rằng, chính Ngài Quan Âm đã thị hiện, dẫn dắt cho chú ngựa dẫn ngài đến với mạch nước ngầm kia. Và từ đó về sau, Bát Nhã Tâm Kinh đã là bài chú ngày gối đầu giường, trì tụng suốt hành trình thỉnh kinh, mỗi khi gặp khổ nạn. Và mỗi khi ngài gặp vướng mắc ở bất kỳ nơi đâu, ngài đều lần tìm đến tượng Đức Quan Âm, nếu nơi đó hữu duyên có tượng, để cầu nguyện và xin được gia hộ trợ lực. Và ngài đã thành công hành trình thỉnh kinh dài đăng đẵng mười mấy năm, mang về cho đất Trung Hoa cổ hàng chục ngàn bản kinh quan trọng, mà sau nữa, hàng ngàn thế hệ đời sau, các quốc gia và vùng lãnh thổ theo Phật giáo Bắc truyền còn mang ơn luôn công truyền bá kinh này của ngài. Mình cúi đầu, quỳ đảnh lễ Đức Quan Âm, hôm nay lại cảm thấy có thêm một tầng kết nối mới, thông qua ngài Huyền Trang. Mình khấn, nếu Mẹ Quan Âm thấy con hữu duyên, xin hãy tiếp tục soi đường tỏ lối, dẫn dắt con đi qua bao hiểm nạn, an lành ‘thỉnh kinh’ cho bản thân con, gia đình con và những người hữu duyên với chúng con nữa.
Em Phong vẫy mình, gọi mình lên tiếp lầu ba. Nơi này, thật ngoài sức tưởng tượng của mình, chính là gian thờ một mảnh xá lợi xương đầu của chính ngài Trần Huyền Trang! Vì sao, vì sao ở một nơi có thể gọi là khá xa xôi u tịch này của Đài Loan, lại có hẳn một ngôi đền thờ ngài Huyền Trang, và hơn thế nữa, lại được giao thờ một phần xá lợi (phần còn lại của nhục thân của một vị cao nhân sau lễ hoả táng) của ngài, cơ duyên đặc biệt vi diệu thế nào, mình cũng không đủ thời gian để tìm hiểu thêm nữa. Chỉ lại thêm lần nữa, cúi đầu, lễ ba lạy. Tới đây thì mình đã không còn muốn cầu nguyện gì nữa rồi. Chỉ cảm thấy, nếu đã không có duyên, hẳn sẽ chẳng bao giờ được nghe đến, huống gì được gặp. Còn giờ đây, hết lần này đến lần khác được dắt đưa tới, trong những hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ như thế này, có lẽ, từng trong một đời kiếp xa xưa nào đó, chúng mình đã có một nhân duyên sâu mầu nào lắm với ngài Huyền Trang rồi, có thể, là một trong những học trò của ngài chăng.
Khi đoàn 141 người của chúng mình rốt cục cũng đã chạm tới Huyền Trang Tự, mình đã xin được vị trực đền cho chúng mình được ngồi bình an dưới tán cây râm mát tại sân trước của ngôi tự viện. Mình bắt đầu buổi chia sẻ của chúng mình bằng một sự ngẫm nghiệm mà mình đã ngờ ngợ mấy hôm nay, khi bắt đầu chuyến đi lần này, quá nhiều những sự trục trặc nho nhỏ đến lớn lớn đã diễn ra trong suốt mấy ngày đi, từ một bạn đối tác trước giờ tính ra khá chuyên nghiệp và uy tín ở Đài Loan của chúng mình. Là vì, trên đường đi sang khảo sát ngôi tự viện mới mọc ra này, mình đã gặng hỏi ngày sinh của bạn ấy. Và không nằm ngoài phần dự đoán của mình, ngày tháng năm sinh của bạn hé lộ một số chi tiết rõ ràng về con đường tâm linh mà bạn cần theo, và phải theo. Chiếu theo ngày tháng năm sinh của bạn, bạn từng đã đi qua một đỉnh cao đầu tiên mang con số 2 – một dấu hiệu khá nghiêm khắc nhắc con người này buộc phải quay về, gắn bó với một đức tin tâm linh hữu duyên với bạn. Và bạn đã không biết để làm được điều đó, mặc dù duyên đã đưa bạn đi hẳn sang một vùng đất có thể nói là thánh linh của Phật giáo Đại thừa trên toàn thế giới! Để rồi, trải qua nốt đỉnh cao thứ hai mang tính chất số 7 với khá nhiều tổn thất cả về mặt sức khoẻ, đời sống và công việc làm ăn, năm nay chính là năm bạn đi vào đỉnh cao thứ ba mang tính chất số 9, là phụng sự nhân sinh! Phụng sự nhân sinh, xét theo một nghĩa nào đó, chính là công việc mà bạn đang làm nhiều năm nay. Thế nhưng, trước giờ, thế mạnh của bạn vẫn là tổ chức các tour phổ thông, thiên về du lịch và thụ hưởng, giải trí… Lần này bạn góp phần tổ chức một đoàn lớn trong một hành trình An của nhà MayQ, nghĩa là gồm bảy phần du lịch ngoạn cảnh, ba phần tu tập, bạn không đủ sức thực hiện.
Nói về mặt biểu hiện bên ngoài, bạn không đủ tần số năng lượng tâm linh để rung cảm và ‘tâm ứng tâm’ để nhận biết những gì cần làm, vì thế bạn bị ‘fail’ trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn. Còn nói về những gì nằm sâu hơn phần bề nổi, thì bởi vốn không có vốn liếng tâm linh cũng không có bề dày tu tập, bạn bị ‘khảo’. Bạn thú nhận với mình, điều này, bạn đã nhìn ra mấy tháng nay, khi cái sự ‘khảo’ này đã diễn ra dày đặc, cùng khắp quanh bạn. Mình nói, đây chính là lúc bạn hồi đầu tu tập đi. Bởi, nếu bây giờ bạn còn nấn ná trì hoãn không chịu làm, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy tiếp đến với bạn nữa. Bởi với cái đà này, bạn sẽ chẳng thể nào có đủ năng lực tâm linh để làm được một dạng ‘sứ mệnh’ thiêng liêng cao cả, vốn chắc chắn nằm trong đường đời của bạn chín năm sắp tới, khi rốt cục bạn sẽ chạm đỉnh cao cuối cùng mang tính chất của con số 11! Nói nôm na, những ‘bài khảo’ thời gian này cũng mới chỉ là những ‘lời nhắc sơ sơ’ từ Ơn Trên, nhằm để bận thấy không ổn mà tự biết quay về tu tập. Chứ thực sự, những ‘đòn khảo’ nghiêm khắc mà tới, nó sẽ không nhẹ nhàng như thế này đâu.
Cũng may, nhờ cú vướng của bạn, tụi mình được duyên dắt đến ngôi đền thờ – cũng là ngôi chùa này. Thế là trong khi đợi đoàn đến, mình đã kéo bạn lên lầu một, nơi thờ ngài Quan Âm, cùng quỳ xuống, xin thay mặt bạn khấn nguyện, và xin kính gửi gắm phó thác bạn vào bàn tay từ bi của Ngài. Và khi bạn tự mình thốt lên những lời thưa thỉnh với Đức Quan Âm, bạn nghẹn ngào, trào nước mắt. Mình tin, đó đã là những giọt nước mắt của sự ‘thức dậy’, khi với một con người có thể mang một phần linh thức sâu dày trải bao nhiêu đời tu tập, đời này đến đây lại mang những giá trị nặng phần đời sống vật chất, thì những khó khăn khổ nạn gần đây bạn trải qua, rốt cục cũng đã góp phần ‘đánh thức’ bạn rồi! Và tiếp nữa, mình cũng tin rằng, từ cột mốc này dài về sau, bạn sẽ miên mật tu tập, để không ngừng tinh tấn, xoay mình rất nhanh, để trở thành một con người mạnh mẽ như bạn vốn nên là, xứng đáng là một người làm công tác phụng sự nhân sinh hướng về đời sống tâm linh, ở một vùng đất đẫm tinh thần Phật giáo như xứ Đài Loan.
Từ cái duyên của bạn, đã bắc qua, cả đoàn được đảnh lễ ngài Huyền Trang. Mình cũng tin, khi cả đoàn, do một duyên bất ngờ cùng được đưa đến đảnh lễ ngài tại nơi này, ắt hẳn, đại đa số mỗi người trong đoàn cũng đã từng có nhân duyên sâu đậm với ngài, giờ đây đủ duyên thì được dắt về gặp lại. Như để khẳng định thêm cái duyên lành này, trong chùa vang lên những giai điệu của bài mantra Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh bằng tiếng Hoa! Chiều dần buông, những giọt nắng cũng phai dần, bình yên biết bao. Mọi người nhắm mắt lại, những câu mantra Bát Nhã Tâm Kinh vang lên, bình yên, dịu nhẹ, như một làn nước mát trong chảy dài xoa dịu lòng người. Chắc chắn cũng không phải ngẫu nhiên, trong ngôi đền thờ ngài Trần Huyền Trang, trước sau chỉ mở đúng một bài, là bài Bát Nhã Tâm Kinh này! Nó nhắc tụi mình thêm một lần nữa, về cái duyên của ngài Trần Huyền Trang thấm đẫm cái ngộ từ Bát Nhã Tâm Kinh, như mình từng chia sẻ ở trên. Nó cũng thêm một lần nữa, kết nối, giải mã, tại sao, trong suốt một năm nay, trong lòng mình chỉ thôi thúc rất mạnh mẽ, về sự tìm hiểu, trì tụng, cố gắng ‘thâm nhập’ và thấu hiểu Bát Nhã Tâm Kinh!
Ngày hôm ấy, trong kịch bản của chuyến đi không hề có những điều này. Vì bởi những điều sâu xa của Bát Nhã Tâm Kinh, đâu phải là chuyện muốn nói là nói. Thậm chí, tụi mình, đã lên kế hoạch cho một chuyên đề về chủ đề này trong chuyến Đại cộng hưởng tại Tây Ninh vào tháng 5 sắp tới, hoặc là một chuyên đề sâu xa hơn tại lớp cấp độ 6 về Quản trị cuộc sống với Chu Dịch Mandala, với chuyên đề Hành trình quay về Nhà. Nhưng duyên dẫn mọi người đang có mặt ở đây, chắc chắn, các bạn phải có duyên với ngài Huyền Trang, có duyên với Bát Nhã Tâm Kinh thật nhiều. Chính vì vậy, khi đã cùng nhau có mặt ở đây, vào lúc này, mình nói với cả đoàn, hãy thưa với ngài Huyền Trang, con đã về đây, đảnh lễ ngài, cúi xin ngài soi rõ con đường con đi, dạy cho con biết con cần phải làm gì trong thời gian sắp tới.
Những thành viên của nhà MayQ, bằng sự hữu duyên kỳ diệu nào đó, được đưa về đây, về trường năng lượng thiêng liêng đặc biệt này để kính đảnh lễ mười phương chư Phật, đặc biệt là mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát để thấu cảm áo nghĩa và diệu nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Được đảnh lễ Thầy Trần Huyền Trang. Trong những giây phút vừa qua, cả đoàn đã được sống lại ơn sâu đối với Thầy trong con đường duy trì mạng mạch của Phật giáo trường tồn, phạm vi toàn thế giới từ quá khứ, hiện tại kéo dài tới vị lai. Và mình tin, cũng không phải ngẫu nhiên chúng mình được đưa đến nơi này. Chỉ nguyện xin trong tầm ảnh hưởng nhỏ bé và khiêm tốn của chúng mình, đã có thể làm thức dậy phần chơn tâm nào đó còn đang ngủ sâu trong lòng một vài thành viên trong đoàn, khiến cho sau chuyến đi này dài về sau, cuộc sống tâm linh của họ sẽ thay đổi. Chúng mình hiểu rằng, đã là một con người có nguồn có cội, trước sau cũng được duyên đưa về với vùng đất tổ, về lại với vị thầy tổ của mình.
Sau đó, tất cả mọi người quỳ thật thành tâm, cúi đầu đảnh lễ trong rất nhiều sự xúc động và biết ơn, về những sự dẫn duyên một cách đầy diệu kỳ và thấu chạm tâm can đến như thế. Và cùng sau phút giây ấy, có những thành viên tưởng chừng như không tin gì, mênh mang vô định trong hành trình tìm kiếm mình là ai, được chạm đến một phần sâu tâm thức, lúc bấy giờ, họ biết, họ đã tìm được đâu là Nhà.
BÌNH YÊN TẠI VĂN VÕ MIẾU
Khép lại thời cộng hưởng đầy xúc động tại Chùa Huyền Trang, đoàn chúng mình đến Văn Võ Miếu khi trời bắt đầu ngả về cuối ngày. Chúng mình đi từ bình yên, xúc động này đến bình yên xúc động khác, lòng tràn ngập sự biết ơn và đủ đầy.
Biết ơn, vì cả đoàn có thêm được một thời cộng hưởng bên nhau, trong một khoảng sân vuông phía cao cao, trên nóc nhà của Văn Võ Miếu trong thời khắc đặc biệt như vậy. Những lần trước khi đến nơi đây, mình đã vô cùng yêu thích trường năng lượng ở đây, nhưng để quây quần cùng nhau, đọc những thời kinh, lạy Phật thì lần này, chúng mình mới có cơ hội để thực hiện.
Mình không biết cảm xúc của mọi người hôm ấy ra sao, còn với mình, nó như một món quà đầy bình yên và dịu nhẹ mà tụi mình được nhận sau một ngày dài, với những sự dẫn duyên xoay chuyển. Cùng nhau đọc những thời kinh Cầu An bằng tất cả sự nhiếp tâm và thành kính, càng đọc, càng thấy mình tươi mới, tròn đầy, một sự xúc động đến rưng rưng. Càng thương hơn, khi đến những lời kinh cuối, sau những áng mây mù, ông mặt trời xuất hiện như sự ‘chứng giám’ rằng các con đã về đã tới, và đây như một món quà đẹp mà Ta dành cho các con.
Cuối ngày, mọi người cùng đứng dậy, nhắm mắt, nắm tay nhau hòa mình trong những giai điệu Ho’Oponopono. Có lẽ giây phút ấy, mọi người mới thấy những thanh âm quen thuộc này, từ chuyến đi đến giờ đã nghe rất nhiều lần, nhưng trong không gian này, quyện cùng những cảm xúc đã và đang có, nó càng đặc biệt hơn rất nhiều lần. Và mình tin, dài về sau này, hành trình và những thời cộng hưởng đã có cùng nhau ngày hôm ấy, chắc chắn, sẽ là những ký ức đẹp đẽ trong mỗi người, khi nhớ về hành trình An – Đài Loan của nhà MayQ.
DUYÊN VỚI SƯ CÔ TÂM CHÂU CÙNG NGÔI CHÙA LẠC VIỆT & CHÙA A DI ĐÀ
Viếng thăm ngôi chùa Lạc Việt tại đất Đài Loan, cả đoàn được nghe Sư cô Tâm Châu kể lại mối duyên để thành lập ngôi chùa này đã khiến cho rất nhiều thành viên cảm động. Thương tâm nguyện của Sư cô, mong muốn xây một ngôi chùa, để là nơi cho người Việt Nam, đặc biệt là các cô dâu Đài Loan có một chốn để nương về nơi đất khách quê người. Tâm nguyện là thế, nhưng để có được một ngôi chùa nhỏ, với một gian chánh điện ấm áp mọi người đang ngồi, cũng là cả một sự nỗ lực về kinh phí của Sư cô. Tâm nguyện nhân văn của cô đã chạm đến rất nhiều người, và cứ thế, mỗi lần đưa đoàn sang được đây, tụi mình đều sắp xếp đưa mọi người đến viếng thăm nơi này.
Để rồi, từ chính duyên với Sư cô Tâm Châu, lần này, cô đã giúp chúng mình xin được một không gian trong Chùa Di Đà để có được một thời cộng hưởng đọc Kinh Di Đà và cùng lạy 108 lạy sám hối và khai tâm tại đây. Thương lắm, cách các cô Phật tử ở ngôi chùa này tạo điều kiện cho chúng mình cùng cộng tu với nhau tại đây. Càng thương hơn, mặc dù khác nhau về ngôn ngữ, dù không hiểu những gì chúng mình đang nói, nhưng đến lúc lạy Phật, các cô vẫn thành kính chắp tay, cúi đầu lễ Phật theo từng lạy của chúng mình. Và khi cả đoàn đã về, các cô nhắn sang Sư cô Tâm Châu và bảo rằng: “Đoàn Việt Nam này có một năng lượng thật tuyệt vời!” Thấy thương hết sức. Và với những sự hiếu khách, nhiệt tình của các cô như vậy, bất giác trong chúng mình phát lên nguyện ước, rằng một ngày nào đó đủ duyên, có thể mở được một lớp Nhân số học gieo duyên miễn phí cho bà con kiều bào Việt Nam tại nơi này, thật sự những lợi lạc không thể nghĩ bàn!
NHỮNG VUI CHƠI TRONG HÀNH TRÌNH AN
Bên cạnh những thời cộng hưởng đầy lợi lạc và đáng nhớ như thế, đúng như tính chất của hành trình An, cả đoàn còn có những thời vui chơi, dã ngoại, mua sắm đầy thú vị. Ba buổi tối được tự do dạo chợ đêm, là ba buổi mọi người được ‘ăn sập’ các món ăn đậm chất Đài, mua sắm quà lưu niệm, tự do vui vẻ gắn kết với nhau.
Rồi buổi sáng ở công viên địa chất Dã Liễu, dẫu trời mưa nhưng vẫn không làm ngại những bước chân đi, những nụ cười tỏa rạng. Đặc biệt, những chiếc áo mưa ở Đài Loan siêu dễ thương, đã cho mọi người có những tấm hình rực rỡ sắc màu.
Những chiếc đèn ước nguyện tại phố cổ Thập Phần, cũng sẽ mang những ước mơ thiện lành của mọi người bay cao, bay xa, và nguyện mong, một ngày nào đó nó sẽ thành viên mãn.
Đặc biệt là hoạt động làm bánh dứa, trong những khoảnh khắc cuối cùng bên nhau, cũng đã mang đến thật nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.
Khép lại hành trình An tại đất Đài Loan, thấy thương lắm mọi trải nghiệm, mọi khoảnh khắc có nhau của tất cả thành viên trong đoàn.
Duyên cho chúng mình gặp được nhau. Duyên dẫn chúng mình đến những điều không thể ngờ tới. Và Duyên, sẽ đọng sâu trong tâm của tất cả mọi người. Hẹn gặp lại hành trình An – Đài Loan vào đầu năm sau nha!
Thương lắm!
(22.04.2023 – QH & MayQ Team)
Không có bình luận