LÃO HÓA AN LÀNH
[Kỷ niệm 10 Năm Trang FB Quynh Huong Le Do]
“LÃO HÓA AN LÀNH”
Mình đã bắt đầu thực sự ngày càng ngấm dần khái niệm ‘lão hóa’ là từ năm nay, ở độ tuổi 49 tuổi tây và 50 tuổi ‘ta’ (tuổi mụ). Có những ngày sáng thức dậy, nghe các khớp tay bắt đầu cứng lại, khó cử động, và mặc dù vẫn duy trì thể dục, yoga… đều đặn, vẫn nghe đau các khớp vai, khớp hông, khớp cổ tay… Tóc bắt đầu ngày càng mỏng mảnh và thưa hơn. Nhớ hồi bài viết kỷ niệm tuổi 48, mới năm ngoái chứ mấy, còn ghi cảm thán: Vẫn cảm thấy mình rất trẻ. Haha, được lắm. Vậy là học được thêm được một thực tế nữa: cái sự ‘già đi’, hay ‘lão hóa’ này nó không đến một cách từ từ như người ta đi từ từ xuống dốc đâu nha, mà sụt xuống theo từng nấc thang một. Tỉ như, ta có thể thấy mình vô cùng bình thường, nghĩa là duy trì được sự trẻ trung hoạt bát hay các sinh hoạt vận động bình thường khác vân vân trong khoảng vài ba năm, rồi đột nhiên vào một năm nào đó, đột nhiên những cảm giác ‘bình thường’ trong sự khỏe và trẻ đó không còn nữa. Ta nhận ra, ta đang lại đi tiếp xuống một nấc rồi, về sự trẻ và sự khỏe.
Và quan sát bản thân thật kỹ, mình nghiệm ra, các mốc thời gian chúng ta dễ dàng chạm một thêm một sự ‘sụt xuống’ về sự trẻ và sự khỏe này, nó thường diễn ra sau khoảng 4-5 năm một lần. Nó có thể dao động tùy theo thể trạng của mỗi người, của tình hình mỗi người ý thức chủ động bảo vệ sức khỏe hay chăm sóc ngoại diện vân vân. Nhưng đối với một người coi như là cũng có biết chủ động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần như mình đây ha, việc ‘lão hóa’ hay ‘già đi’ này vẫn không hề né tránh, chỉ là nó sẽ đến sớm hơn hay muộn hơn, và mức độ ảnh hưởng của nó sẽ mạnh hơn hay yếu hơn mà thôi. Và cũng vì luôn quan tâm để ý các yếu tố có liên quan đến Nhân số học trong đời sống, mình nghiệm ra rằng, các mốc ‘lão hóa’ này sẽ đến rõ nhất vào các năm cá nhân thứ 4 hay thứ 7, tức những vùng trũng năng lượng tự nhiên mà ở đó, năng lượng sẵn có trong con người ta đã thấp, kéo theo những sự chậm đi trong việc xử lý các tiến trình trao đổi chất, hoặc giữ cho các bộ phận, cơ quan, tế bào… được vận hành ở mức ‘bình thường’. Vì vậy, cho dù việc lão hóa là một việc đương nhiên, vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, tuy nhiên, cái mà ta có thể cảm nhận được rõ bằng các hiện tượng hay triệu chứng bên ngoài, phần lớn chỉ diễn ra ở các năm có ‘vùng trũng năng lượng tự nhiên’ là vì vậy.
Và, bạn sẽ nghĩ, ồ, chỉ là vì năm nay ta ‘không hên’, là ‘năm trũng’ hay là ‘năm tuổi’, năm ‘kỵ tứ hành xung’ vv… nên ta mới có vẻ kém sắc như vậy, mới chịu chút triệu chứng này kia… Nhưng không, sau năm đó, ngoại trừ một số rất ít con người trong xã hội chịu đi theo một số những chế độ ăn uống hay sinh hoạt cực kỳ nghiêm khắc, hơi có phần kham khổ, thì có còn mặc may hồi lại được một phần nào sự trẻ trung hay khỏe mạnh của những năm tháng cũ. Còn lại, đại đa số sẽ theo đó mà xuống đi tiếp, từng nấc một từng nấc một, sau từng giai đoạn 4-5 năm một lần.
Biết rõ điều này để, chuẩn bị tâm thế thật vững vàng mà đón nhận nó. Yêu thương từng chặng tuổi mình đang có như thể đó luôn là tuổi đẹp nhất, mà không bị sự luyến tiếc thời trẻ khỏe của quá khứ làm cho ta vướng chân mà không thưởng thức được cái đẹp cái hay của lứa tuổi hiện tại. Bởi vì ta hiểu thấu rõ, cái gì đã qua là cái không thể trở lại. Và nếu ta cứ mãi tiếc nhớ ‘thời của hôm trước’, thì cái ‘thời của tương lai’ chúng ta thậm chí nó sẽ còn… yếu hơn, già cả hơn cả thời kỳ mà ta chưa biết quý trọng, là thời của hiện tại này đây. Đó là lời khuyên quý báu mà mình học hỏi được từ một bài viết cho tuổi già của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cũng đang là một… người già hết sức thông thái và yêu đời.
Mình mới chuẩn bị đi tới 50 vào năm sau, nghĩa là nếu xét theo chủ nghĩa ‘tận hưởng thời gian của hiện tại’, mình sẽ còn.. .trẻ và khỏe hơn mình của những năm 60 tuổi, 70 tuổi tới… vài chục năm nữa, hihi. Tuy nhiên, điều mình cảm thấy quá may mắn, và biết ơn hết sức, là với sự lan tỏa sâu rộng của mạng Internet và các phương tiện mạng xã hội, mình đã được đọc, được ngẫm, được thấu về những giá trị quý báu của một tuổi già an lành và khỏe mạnh hơn so với lứa tuổi bình thường, tích cực và minh mẫn hơn so với lứa tuổi bình thường; thậm chí, học chấp nhận thực tế ‘mọi cái bắt đầu chậm dần đi, yếu dần đi, giảm dần đi’ như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc miêu tả. Và tự nhiên, cùng với mỗi ngày đều ngẫm đều nghĩ đều quan sát về nó, mình tự nhiên chợt nghĩ ra, chắc là trong giai đoạn này cho đến dài sắp tới, mình bắt đầu được lãnh thêm một trách nhiệm mới, hihi. Đó là, bên cạnh nhiệm vụ thứ nhất tối quan trọng, dài lâu mà mình đã nhận ra và đã nỗ lực làm thật tốt mấy chục năm nay, đó là lan tỏa lối sống tích cực và đầy yêu thương giữa người với người, người với vạn vật; rồi gần chục năm nay, thêm nhiệm vụ thiêng liêng thứ hai, là giúp đưa người về với con đường tu tập, sửa mình, tạo thêm những thói quen tốt mới, và kết nối phần tâm thức, tâm linh như đúng ba thể của con người ai cũng cần có và kết nối tốt. Thì từ năm nay trở đi, sẽ có thêm nhiệm vụ thứ ba: ngẫm nghiệm, học hỏi và lan tỏa tất cả những gì hữu ích cho một tiến trình Lão hóa An lành. “Lão hóa An lành”. Cái khái niệm gì mà nghe thương thiệt là thương, cũng yên tâm thiệt là yên tâm luôn đó mà! Vừa có cái gì đó thật là thấu hiểu, vừa có sự chấp nhận phần thực tại không thể thay đổi của tiến trình tự nhiên của tạo hóa, vừa có sự chủ động chuyển hóa để cho phần ‘tận nhân lực’ của chúng ta luôn sẽ có một phần tác động tích cực cho ‘thiên mệnh’ dành cho chúng ta sẽ luôn được đẩy về một mức tích cực, tốt đẹp hơn mức bình thường. Đẹp quá, tại sao chúng ta không nắm nó về, và tạo nó thành một phần tưởng thưởng cho bản thân mình, khi chúng ta bước vào lứa tuổi từ 40-45 trở đi? Các bạn càng hiểu, các chấp nhận và có tâm thế kỹ càng để chuẩn bị bước vào hành trình ‘dần lão hóa không tránh khỏi’ càng sớm chừng nào, khả năng các bạn đẩy chậm tiến trình lão hóa và giảm nhẹ các triệu chứng lão hóa tự nhiên càng mạnh mẽ, nha.
Nhớ, cụm khái niệm ‘Lão hóa an lành’ này, năm ngoái mình đã từng nghe được từ một vị chuyên gia về sức khỏe, trong một buổi trò chuyện xung quanh việc chủ động chăm sóc sức khỏe cho người từ tuổi trung niên trở lên. Thiệt tình, tự nhiên, nghe tới khái niệm đó, trong lòng mình như có ai ‘bật công tắc’, mình tâm đắc hết sức. Vì mình nhận ra, điều này, mình đã vô thức hướng mình về, cũng như hướng tất cả những bạn hữu duyên trên trang mình đến điều đó, từ nhiều năm nay. Để rồi hôm ấy, nghe và biết rằng, hóa ra đây không chỉ là một khái niệm, mà còn là một khuynh hướng sống hẳn hoi, đang được cổ xúy và phát triển mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng với bạn, khái niệm này có mới mẻ với bạn không? Bạn có cảm thấy thắc mắc, vì sao lại gọi là ‘Lão hóa an lành’?
Với người dân Đông Nam Á mình nói chung, từ khi bước vào tuổi trưởng thành, hầu như chúng ta ai cũng đã nghe và ngấm về quy luật ‘Sinh – lão – bệnh – tử’ của loài người. Rằng sinh ra làm người, chắc chắn rồi ai cũng phải trải qua một quy trình không thể nào tránh khỏi: lớn lên rồi sẽ già đi, sinh bệnh, rồi khép lại một đời người. Tuy vậy, thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, nghe, biết quy luật này là một chuyện, tuy nhiên, ai có đủ dũng khí để đối diện với quy luật này một cách thản nhiên được hay không, lại là một vấn đề khác. Chưa kể, nhiều người nghe và chấp nhận, nhưng lại chấp nhận trong một tâm thế khá là… thụ động, tùy duyên, để cho chừng nào nó tới thì nó tới.
Để rồi, trải qua nhiều cơn sóng gió cuộc đời, ta mới nhận ra: trước sau gì cũng già đi, tại sao chúng ta không đủ khôn ngoan để chủ động đón sự ‘già’ tới một cách tốt đẹp nhất, an lành nhất, kiểu như biết trước sau gì cũng phải nhảy xuống một vùng nước sâu, thì thay vì ngồi đó lo lắng sợ sệt và héo hon trong rầu rĩ, ta chủ động… đi học bơi, và học bơi cho giỏi vào? Và như thế, bạn ngẫm lại xem có phải không: rồi cái già cũng từ từ len lén tới. Nhưng giữa một người không hề có một sự chuẩn bị hay trang bị nào, với một người đã rèn giũa cho mình một phần thân thể khang kiện từ khi còn… chưa già, một tâm trí thật bình tĩnh, cân bằng từ bên trong, một thói quen sống tích cực và độc lập, với những kế hoạch học tập và mở mang trí tuệ, sở thích… từ lúc còn trẻ, thì rõ ràng, người có rèn giũa, trang bị chắc chắn sẽ có một tuổi già đẹp và an lành hơn rất nhiều, phải không? Và như thế, cũng sẽ không quá khó cho bạn làm một bước suy luận tiếp theo, rằng ok dĩ nhiên tuổi già rồi cũng sẽ khó tránh khỏi một số căn bệnh này kia, do các ‘cơ chế máy móc’ vận hành mấy chục năm rồi cũng phải có lúc mỏi mệt hỏng hóc chứ. Nhưng bạn thử nghĩ đi, giữa một người sống một cách bản năng, hồi trẻ hoặc lúc ‘chớm chớm hết trẻ’ mà không hề thực hành bất kỳ một hoạt động chăm sóc thân và tâm nào; với một người luôn ý thức tập luyện thể dục thể thao, có để ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp, có lối sống, sinh hoạt phù hợp, có ý thức kết nối và thực hành phát triển tâm thức, hướng thượng…, thì liệu người nào rồi sẽ có một tuổi già ít bệnh tật, ít đ.au kh.ổ hơn?
Và nếu bạn đã nhìn ra được tới đó rồi, tại sao bạn chưa bắt đầu ngay từ hôm nay luôn đi, vạch ra một kế hoạch hành động cho đàng hoàng nghiêm túc, để xây dựng cho mình một lối sống biết-chuẩn-bị-cho-kế-hoạch-về-già của mình thật an-lành, từ khi bạn vẫn còn rất trẻ, từ khi bạn vẫn… còn lâu mới già?
Bạn đừng tưởng nó còn lâu mới tới, rồi bạn ‘xài hao’, sao cũng được. Vì bạn có đang nhìn thấy cách ông bà, cha mẹ chúng ta đang sống không? Có bao giờ bạn thử đặt mình vào vị trí của ông hay bà mình, ba hay mẹ mình không? Có bao giờ bạn tưởng tượng, những con người tóc bạc da mồi, đi đứng chậm chạp, ăn uống phải kiêng khem khó khăn, rồi đôi khi nhớ trước quên sau… mà mình không phải lúc nào cũng hiểu và cảm thông được hết đó, họ cũng đã từng có thời là những con người trẻ trung, mạnh mẽ, đi đứng ào ào, làm việc mạnh dạn… giống y như ta bây giờ vậy? Mình từng đã quan sát hai người ‘từng trẻ, từng đi phà phà, làm việc ào ào’ là mẹ mình, và cha mình. Để rồi bây giờ, một người đã trải qua một quãng thời gian dài già yếu rồi đã khuất, một người còn đang sống với chúng mình, nhưng tất cả chỉ còn lại đâu còn 20%, từ sự năng động, trí minh mẫn, lòng vui sống… Và hơn thế nữa, còn nhìn xung quanh, biết bao người già khác, là cha mẹ của các bạn bè mình, hay là những người mình quen biết… Nhìn tới đâu, thấy thương tới đó. Rồi cũng sẽ có lúc, ta cũng sẽ như cha mẹ già của mình thôi…
Lần trước, mình có bài viết Hiếu kính với Cha Mẹ là phước đức lớn nhất, cũng đã có đề cập tới những gì những người con là chúng ta cần làm với cha mẹ đang già đi của chúng ta. Một mặt khác, những ngày này, khi miệt mài thực hiện những bài viết, những chiếc video… làm thành những món quà tinh thần thiết thực dành tặng các bạn trên trang nhân kỷ niệm 10 năm mở trang FB Quynh Huong Le Do, mình nhận ra, từ thời điểm này trở đi, nội dung các bài viết hay video clip của mình sẽ đẩy mạnh nhánh ‘Lão hóa An lành’. Mình sẽ tự lấy mình làm nhân vật thể nghiệm đầu tiên, tự mình thử, trải nghiệm, thực hành tất cả các phương pháp nào mình thấy hữu duyên và hữu ích thực tế cho sức khỏe thân, tâm, trí của những người đang ở đúng tuổi của chúng mình, làm sao để thân thể dùng mấy chục năm này có cơ hội giữ khỏe lâu hơn một chút so với bình thường, trí này làm sao có cơ hội giữ minh mẫn lâu hơn một chút so với bình thường, tâm này làm sao có cơ hội an dài lâu hơn một chút so với bình thường… Mình nghĩ, cái gì xuất phát từ thực tế, nó sẽ chạm sâu sắc với một thành phần không nhỏ những người bạn nào đang ở độ tuổi tương tự mình, hoặc cao hơn hay ít hơn một chút. Cùng nhau, biết đâu đấy, rồi đây đi qua năm tháng, chúng mình lại chẳng tạo nên một khuynh hướng sống ‘Lão hóa An lành’ một cách đầy hiểu chuyện, ngay trong đời sống bình thường của chúng ta!
Phật dạy, có hiểu mới có thương. Hiểu những khó khăn mà cha mẹ già của ta đã và đang đối mặt, đương đầu, để rồi dùng hết tình thương và sự thấu hiểu mà đối đãi với cha mẹ ta, để cha mẹ bớt đi cảm giác ‘sống những ngày không còn tương lai, chỉ có quá khứ’ ở đại đa số người già. Một mặt, sẽ biết cách biến mọi cơ hội khi ta còn có thể, để rút kinh nghiệm từ thế hệ của cha mẹ ta mà biến tuổi già của chính chúng ta trong tương lai thành một tuổi già khỏe mạnh hơn, vững vàng hơn, an vui hơn, minh mẫn dài lâu hơn thế hệ của cha mẹ chúng ta đã từng. Đó hoàn toàn có thể là một cách biết ơn cha mẹ của chúng ta một cách thiết thực nhất. Đồng thời, đó cũng là một cách làm giảm gánh nặng tương lai cho con cháu của chúng ta một cách rõ ràng nhất.
Một sự ý thức đầy đủ để một mặt có thể lắng nghe và chăm sóc cha mẹ già của mình được tốt hơn, một mặt để tự ngồi quán chiếu lại mình, bản thân đã chuẩn bị được bao nhiêu phần trăm cho sự chủ động, tích cực ngay từ thời vẫn còn… hơi trẻ trẻ (ahihi), để mỗi ngày trôi qua đều trong sự tích cực, chủ động, xây cho mình một ‘thế chân vạc’ – kiềng ba chân vững chắc: thân khỏe – trí sáng – tâm an. Những bạn nào theo dõi mình đủ lâu trên trang FB này chắc cũng nhận ra, từ rất nhiều năm nay, bản thân mình luôn cố gắng làm gương và khuyến khích các bạn hữu duyên năng tập yoga, khí công, hít thở đầu ngày… Gần đây lĩnh hội được thêm một số kiến thức sống và sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, thuận tự nhiên nữa, sẽ dần dần chia sẻ thêm cho mọi người hữu duyên. Mình tin rằng, duy trì được những điều này từ khi còn trẻ – hoặc tối thiểu, là chưa quá già, cơ thể bạn hay bất kỳ ai đều sẽ được nuôi dưỡng trong trạng thái ổn định và cân bằng tốt nhất, để rồi khi chúng ta mỗi ngày chậm rãi trôi đi theo tiến trình bất di bất dịch của vũ trụ, là sinh rồi phải lão, chắc chắn chúng ta sẽ có một tiến trình ‘Lão hóa an lành’ hết khả năng có thể!
Mà như vậy, thì đời sẽ luôn đẹp hết khả năng có thể, cho dù nó có thể đã nằm… tuốt đâu đó bên kia con dốc cuộc đời, phải không bạn?
Mình thật sự tin, rằng với những gì mình đang dốc lòng và kiên trì thực hành chuyên cần mỗi ngày, cho cả ba phần thân – tâm – trí, nhiều năm nay, kết hợp thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích thông qua các khóa học, các chương trình hữu ích, chắc chắn mình sẽ có một tiến trình ‘Lão hóa an lành’. Và bạn cũng sẽ được như thế, tại sao không, bạn ha?
Một bài viết nhỏ, xin được coi như một lời phát nguyện lành cho một ‘nhiệm vụ’ mới, tự nguyện nhận lãnh, tự mình cố gắng, tự mình lan tỏa cho mình và cho mọi người cùng thời với mình, dài lâu trong chặng đường sắp tới. Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, 1.10, đây cũng xem như món quà tinh thần thứ #7 trong vệt kỷ niệm 10 Năm trang QHLD, để rồi một trong những hoạt động cụ thể mà chúng mình vô cùng tâm huyết để mang đến những lợi lạc to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người tuổi trung và cao niên hy vọng sẽ sớm đến với tất cả mọi người trong thời gian sắp tới, sẽ được xem như một trong những dự án lớn để hướng đến kỷ niệm 15 năm MayQ Inspiration của chúng mình nha!
Gửi niệm lành cho tất cả,
(1.10.2021 – QH & MayQ Team)
#LãohóaAnlành
#QHLD #10NămtrangQuynhHuongLeDo
#QuynhHuongLeDo #QHLD #MayQInspirations
[#Sống]
Không có bình luận