NHỔ ‘CÁI DẰM’ TRONG TIM: CHƯỚNG DUYÊN VỚI BA/MẸ, MÌNH CHUYỂN HÓA ĐƯỢC MÀ!

>
>
NHỔ ‘CÁI DẰM’ TRONG TIM: CHƯỚNG DUYÊN VỚI BA/MẸ, MÌNH CHUYỂN HÓA ĐƯỢC MÀ!
NHỔ ‘CÁI DẰM’ TRONG TIM: CHƯỚNG DUYÊN VỚI BA/MẸ, MÌNH CHUYỂN HÓA ĐƯỢC MÀ!

Mình tin rằng bất kỳ ai đọc qua bài viết này cũng không xa lạ với khái niệm ‘bị xóc dằm’. ‘Dằm’ là một dạng vật cứng, có thể là một vụn gỗ, lỡ tay hay lỡ chân sượt vào nó một cái, nó cắm vào trong da thịt thì khó chịu thôi rồi. Không chịu lể hay nhổ nó ra khỏi, nhiều khi nó còn gây ra mưng mủ, vừa đau nhức, vừa nguy hiểm.

Nhưng cái dằm dạng ‘hữu hình’ như mình vừa mô tả ở trên, xem ra cũng chỉ gây ra nỗi đau vật lý trên thân ta. Chứ còn ‘bị xóc dằm’ bằng một vài chướng duyên gì đó, kiểu một câu nói, một cách đối xử… có thể gây cho ta những nỗi đau còn tệ hại hơn gấp trăm lần. Vì dằm gỗ còn biết cách nhổ ra được, dằm này đã len lỏi mà cắm vào tận trong tim, biết nhổ ra bằng cách nào…!

Thú thật, cảm giác đầu tiên khi mình ngồi nghe chia sẻ từ các bạn học viên lớp cấp độ 2 Online khóa Quản trị cuộc sống với Nhân số học gần đây nhất chính là cảm động. Vì trong số gần chục bạn có phần phân tích vấn đề của bản thân trong buổi học hôm đó, hơn phân nửa đã có đọc qua bài viết “Hiếu kính với cha mẹ là phước đức lớn nhất” mà mình đã viết hồi tháng Bảy âm lịch vừa qua. Bài viết ấy, mình đã lảy hai câu trong bản Kinh Đại Hạnh Phúc, cũng là Kinh Phước Đức (Maha Mangala Sutta) mà Đức Phật Thích Ca đã dạy. Và qua đó, mình cũng đã đề cập, chính vì biết hiếu thảo với các bậc sinh thành là nghĩa vụ quan trọng của tất cả mọi người làm con, xét về cả mặt đạo đức, lần tâm linh, nên với những ai không may sinh ra trong một gia đình có người cha hay người mẹ là ‘chướng duyên cỡ lớn’ của mình, đã vô tình cố ý gây nên cho mình biết bao nhiêu là tổn thương hay đau khổ, thì ta cũng nên tỉnh giác mà quán chiếu đó chính là mối quan hệ ‘oan oan tương báo’, sinh ra ở đời này được đặt kế bên nhau để… đòi nợ/trả nợ đời cho nhau. Mà phận làm con, đương nhiên ở vòng đời này ta đang bị đặt ở thế ‘chiếu dưới’, phải bằng mọi giá mà học chấp nhận, ngưng oán giận và tập nuôi lại tình thương với các bậc đã có công sinh ra mình.

Và, mình nghĩ chắc cũng không phải ngẫu nhiên, có đến ba đến bốn trong số các bạn có phần trình bày trong lớp hôm ấy đã bị gặp chướng duyên nặng nề với người cha đã sinh ra các bạn.

Một bạn học viên nữ có gương mặt thoạt trông khá lạnh lùng cho biết, em từ nhỏ đã không sống cùng ba, chỉ sống với mẹ. Em đang sống ở Nhật, làm công việc hộ lý chăm sóc người già. Em nói, nghề này nhiều người làm vì lương bổng rất hậu, nhưng em có cảm giác em làm vì sứ mệnh của mình. Hồi đó nào có biết Nhân số học là gì, em sống đến năm 19 tuổi thì mẹ mất, một năm sau em trai em cũng qua đời, còn bản thân em bị tai nạn. Một người quen gặp em khuyên em nên chăm đi làm từ thiện. Em đi làm từ thiện, ban đầu với tâm thế để chuộc em ra khỏi nỗi sợ hãi về nạn tai hay mất mát, nhưng sau càng làm càng thấy những việc mình làm càng ý nghĩa nên lại càng năng làm. Sau này đủ bén duyên với Nhân số học, mới nhìn ra, em là người số 9, cần phải dành cuộc đời mình cho công việc phụng sự giúp đời, còn thời điểm em gặp nhiều mất mát người thân và nạn tai kia, ngẫu nhiên rơi đúng vào giai đoạn 9 năm tiền kỳ trước khi em chính thức đi vào đỉnh cao đầu tiên mang tính chất số 7…

Em cảm thấy may mắn vì trước khi em biết đến Nhân số học, đã có người chỉ em tự biết tìm về đúng sứ mệnh của mình, biết nên cần làm gì để góp phần chuyển hóa nghiệp thức xấu để cuộc đời dần tốt đẹp hơn, bây giờ những điều đó vô hình chung lại khớp với những gì được hướng dẫn từ Nhân số học. Có điều, một vấn đề mà em cứ đau đáu trăn trở hoài mà chưa tìm ra được lối thoát. Em đọc sách, biết rằng việc em và ba có chướng duyên nặng nề với nhau, nó hẳn có liên quan rất lớn đến những mâu thuẫn hay tổn thương giữa hai người với nhau từ các tiền kiếp. Lý trí em thôi thúc em phải giải quyết mối mâu thuẫn này luôn trong đời này kiếp này, chứ nếu em để đó bỏ ngỏ, đời sau, nhiều khả năng em gặp lại đúng ba em, trong một hình hài khác, trong một vai trò nào khác…, mà trong đó, em có thể sẽ phải thi lại bài thi cay đắng giống như đời này! Lý trí em nói như vậy, em cũng biết như vậy. Nhưng từ ‘biết’ tới ‘có thể làm nổi’ là một khoảng cách khá xa. Em thấy em chưa bao giờ sẵn sàng để giải quyết nổi chuyện này cả, và nó làm cho em mất an vui đi nhiều.

Mình nói với em, nếu chúng ta tập tách bản thân mình ra khỏi ‘cái tôi’ đang làm mình đau khổ đó, mà bình tĩnh nhìn nhận nó như là một trường hợp một con người đang phải vượt bài thi tình thương, để tập thương lại một con người từng gây tổn thương cho mình. Em bình tĩnh quan sát em để tập hiểu rằng, do trong biểu đồ của em cũng có vài tín hiệu cho thấy em phải vượt một số bài thi về chướng ngại và tình thương, thì ba em có khả năng được cử tới để làm bài thi lớn cho em. Và khi em đã tập vượt được những trở ngại cảm xúc cá nhân này mà thương được ông trở lại, thì đó sẽ chính là một kinh nghiệm quý báu để em tập thương được thêm những đối tượng mà em đang phục vụ hàng ngày đó, là những người già. Và mình khuyên em hãy cố gắng liên lạc với ông, tạo lại sự kết nối với ông đi. Em cảm thấy không thoải mái, đưa ra hết lý do này tới lý do khác khiến em chưa tiện kết nối lại với ông. Chẳng hạn, từ nhỏ đến lớn, em với ba dù nhà ở rất gần nhau nhưng ba đã không lo cho em. Hoặc như, hiện giờ, ba đang sống với người vợ trước nữa, và họ cũng có con riêng… Và nói tới đây, tự nhiên gương mặt hơi có vẻ lạnh lùng của em tự nhiên hiện lên một số tia đau khổ. Lúc đó mình mới nhận ra, cái sự lạnh lùng mà em đã cố gắng đắp tạo lên trên gương mặt lúc em trình bày đó, thực ra nó chỉ là một lớp ngụy trang cho một sự thương tổn sâu sắc mà em đã cố gắng khỏa lấp, khi nói đến người cha ruột của mình.

Mình nói với em, “Khi ta muốn ta sẽ tìm ra cách, còn khi ta không muốn, ta sẽ tìm lý do.” Em có đang nhận ra em đang tìm mọi lý do để thoái thác, trì hoãn cái ngày em buộc phải làm điều mà em biết em cần làm, nhưng em không muốn, là bắc cầu và làm lành với ba. Thôi được, chúng ta sẽ trung thực với nhau ở điểm này. Khi chúng ta chưa thương ba mình được một cách tự nhiên được, thì mình phải cố gắng thương ba. Và khi ta chưa thể thương ba được bằng cảm xúc, thì hãy thương bằng kỹ thuật trước.

Và cái ‘kỹ thuật’ này, đó là trong lòng không cần biết em đang cảm thấy thế nào về ba, em hãy dành cho ba em 49 ngày trọn vẹn mỗi ngày một thời kinh Vu Lan. Tháng Bảy âm lịch vừa qua, dư âm của những câu kinh động lòng người về ơn cha nghĩa mẹ trong các bản Kinh Vu Lan Bồn vẫn còn như vương vấn đâu đó. Mình tin rằng, những ai còn đang lấn cấn gì đó với cha mẹ mình, hãy cứ tập trung đọc Kinh Vu Lan, tự nhiên sẽ lắng lòng để chịu nhìn lại, công lao của mẹ, của cha đối với ta như thế nào, cho dẫu người đó có thể đối xử với ta ít tốt đẹp thế nào… Rồi bên cạnh đó, cũng trong 49 ngày ấy, hàng này em tìm ảnh có ba, nhìn gương mặt ba mà đọc 108 lần bốn câu thần chú về xin lỗi và biết ơn trong Ho’Oponopono: “Con xin lỗi. Hãy tha thứ cho con. Con cám ơn ba. Thương ba lắm!” Những câu ‘thần chú chữa lành’ này chắc chắn sẽ như thuốc dần rịt lấy những vết thương vẫn còn đang âm ỉ trong tim em, lặng lẽ nhổ dần cái dằm khó trị nằm mãi trong tim em mấy chục năm rồi. Và em hãy tin đi, rồi có ngày, tự nhiên em sẽ nhận ra, em thương ba em thực sự. Và em nghĩ xem, ba em năm nay bao nhiêu tuổi rồi, còn lại bao nhiêu năm để em kịp bắc cầu làm hòa và nói lời yêu thương trước khi quá muộn?

Khi mình nói tới đó, thì em cũng rơi nước mắt luôn rồi. Gương mặt giả vờ lạnh lùng ấy, trong thoáng chốc đã không còn một mảnh cứng rắn nào. Thấy thương em đang phải cố gắng trong cuộc chiến nội tâm của mình, nhưng mình tin rằng, một khi đã tự ép mình vào trong lớp học cấp độ 2 này rồi, em đã đang tìm kiếm thêm một lực đẩy, một lực tác động để em đủ dũng cảm dấn lên phía trước một bước, đưa tay ra cho người cha của mình. Và mình tin, cú đẩy ngày hôm nay nhất định có một chút lực tác động nhất định.

Vừa xong câu chuyện với em học viên này, thì chỉ sau đó vài phần trình bày, có một em học viên tiếp theo lại làm mình trầm ngâm hơn một chút. Em học viên này cũng đang sống ở Nhật, làm công tác tư vấn trong một một lĩnh vực chuyên ngành. Em nói, nãy giờ em đã ngồi nghe, tham khảo rất kỹ những lời khuyên mình dành cho em học viên trước. Bởi vì… em cũng có tình huống na ná như của em học viên kia, những cảm giác không dễ chịu khi nghĩ về mối quan hệ giữa bản thân mình với người cha ruột cứ làm em khó ở mãi… Em nói, nơi em đang công tác, đủ thứ mọi kiểu người: từ người châu Á, châu Phi, châu u, đủ kiểu tính tình và cách hành xử, cũng không phải ai cũng rất dễ thương, nhưng em ‘cân’ được tất. Để rồi, vấn đề luôn làm em vừa buồn vừa khó chịu, vừa thấy có phần có lỗi, là tại sao người bên ngoài tốt xấu gì em vẫn cư xử tốt được với họ, mà sao em không cư xử tốt nổi với cha ruột của mình?

Dĩ nhiên, đằng sau cảm giác rất phức tạp khó chịu này cũng là một hoàn cảnh không mấy vui. Bởi vì từ khi em sinh ra, trụ cột trong nhà là mẹ, và khi mẹ mất, trụ cột ấy chuyển về đôi vai người anh trai. Cha em chưa bao giờ là trụ cột trong nhà, và cũng chính vì vậy, em không nuôi nổi tình thương với cha mình. Từ sau khi học Phật và bắt đầu có tu tập chút ít, có nhận thức sâu sắc hơn, em đã cố gắng bắt cầu truyền thông với cha. Chuyến Đại cộng hưởng vừa rồi của nhà MayQ ở Bến Tre, từ nước Nhật em cũng đã liên lạc về đăng ký cho cha và cháu em đi, và ngoài sự mong đợi của em, cha em ừ, chịu đi chuyến đó! Em cười, nói dù chuyến đi ấy, cha đi chứ không chịu vô chùa cùng đọc kinh với mọi người, em vẫn cảm thấy rất vui, vì em biết, một ‘bài thi lớn’ như vậy nào có phải muốn thay đổi là thay đổi được chỉ trong một ngày một bữa, mà cần phải hết sức kiên trì. Tới đây thì mình cũng cười, nói nếu vậy, con nên nhập hội “Đọc Kinh Vu Lan Bồn + Ho’Oponopono 49 ngày cho ba” với chị ở trên luôn nhen. Nói vui, nhưng là lời khuyên nghiêm túc, vì những giá trị to lớn của những bài kinh hay Ho’Oponopono này, ngoài tác dụng góp phần đem lại sự dễ chịu cho người đọc, còn mang những giá trị ‘phá tan tảng băng chìm’ chính là phần nghiệp thức oan oan tương báo giữa hai phía, vốn là phần âm thầm điều khiển những gì đã xảy ra trước đó, chỉ là chúng ta không nhìn thấy mà thôi.

Đến đó thì bắt đầu có những lời phát biểu của các bạn khác trong lớp (Trong một lớp học Online qua Zoom, các bạn khác có thể góp phát biểu bằng cách gõ vào ô chat). Mình đọc thấy, cả những bạn đã trình bày qua ban nãy, vấn đề của các bạn nằm ở những chỗ khác, vậy mà cũng nói: “Nãy em chưa kịp chia sẻ vấn đề của em với ba của em…” “Em cũng gặp chướng duyên với ba của em cô ơi!” “Còn em gặp chướng duyên với mẹ”…

Mình nói nghiêm túc với cả lớp, các bạn chịu khó quan sát mọi cái đang diễn ra quanh mình, sẽ nhìn thấy: cây quạt máy quạt mát xung quanh, chỉ có vùng nóng nhất chính nằm ở… dưới chân quạt. Ngọn nến hắt ánh sáng ra một vùng rộng lớn xung quanh, nơi tối nhất… chính nằm ngay dưới đế nến. Vì vậy, cũng không có gì khó hiểu, những chướng duyên sâu nặng nhất thường nằm ở sát bên mình. Và một khi nó đã được cài cắm dưới dạng huyết thống nghĩa là mối quan hệ không bao giờ có thể phủ nhận được, chúng ta nên đủ thông minh để nhìn ra, bằng mọi giá phải vượt qua được thật tốt bài thi tình thương này, để kiểu gì thì kiểu, cuối cùng giữa ta và người ấy tối thiểu phải là sự nhẹ nhàng, hiểu cho nhau, thông cảm với nhau, thương yêu nhau. Và bạn cứ tin mình đi, thật sự tình thương ấy, nó luôn nằm sẵn sâu trong tim các bạn rồi! Chỉ là do những thử thách che phủ, tình thương ấy chưa được trào dâng ra trở lại như đúng như nó nên như thế thôi. Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi lớp cấp độ 2 Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ chúng mình đã chuyển thành ‘Sống An hòa với Nhân số học’. Chịu khó đồng hành cùng nhau, bạn sẽ không đơn độc trong hành trình ‘dùng kỹ thuật làm phương tiện đánh thức tình thương thật sự dậy’. Và ở các buổi học sau cùng của cấp độ này, chúng mình cũng sẽ cấp thêm cho các bạn một số phương tiện và kỹ thuật nữa, đừng lo.

Lớp 2 Online buổi ấy kết thúc trong nụ cười và những cái ‘ơm ơm’ vui vẻ nhẹ nhàng với nhau qua màn hình Zoom. Mình tha thiết dặn các bạn, trong một tháng còn cùng ngồi với nhau trong một lớp học, cùng một loại ‘đề thi’, các bạn hãy sớm rủ nhau mà cùng đọc một thời kinh Vu Lan, những thời Ho’Oponopono gửi đến đấng sinh thành đi, lợi lạc và hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều lần so với bạn hành trì chúng một mình. Nói tới đó, tự nhiên nhớ lại tình hình của lớp 2 Offline tại Hồ Lak gần nhất. Cũng là những câu chuyện đầy tủi thân, đau khổ vì ba không thương, không biết lo cho mẹ và cho các con… Và cũng lại là những ánh mắt đồng tình, những câu chia sẻ tiếp nối dạng “Em cũng vậy”, “Mình cũng trong hoàn cảnh tương tự”… Mình nghĩ, có thể dạng bài thi “Bắc cầu thương với cha mẹ” luôn là một dạng bài thi ẩn tàng, ngấm ngầm đâu đó trong rất nhiều người trưởng thành bây giờ, trong rất nhiều gia đình bây giờ, mà có thể do ngại ngần, không phải ai cũng dám thừa nhận.

Vậy thì, nếu bạn hữu duyên đọc qua bài viết này, và bạn cũng vô tình cảm thấy mình đâu đó phảng phất trong những câu chuyện của các bạn học viên mình kể ở trên, xin hãy hiểu, đây có thể là những ‘tín hiệu từ Vũ trụ’ nhắc bạn cũng nên thanh lý cho nhẹ lòng những cái dằm vô hình bạn đã cho chúng nằm lẩn khuất quá lâu trong tim rồi. Cố lên bạn. Việc bắt tay vào thực tế làm cho được việc này không quá khó khăn như bạn nghĩ đâu. Cho dù bạn có nhìn nhận hay không, một phần thiêng liêng của tinh cha, huyết mẹ vẫn âm ỉ len lỏi trong huyết mạch của bạn, cấu tạo nên cấu trúc tế bào cơ thể bạn. Vậy, hãy dũng cảm cho mình quyền tự tay nhổ nhẹ nhàng chiếc dằm ấy ra, để cho bản thân chúng ta nhẹ nhõm hơn, an yên hơn được thêm biết bao nhiêu! Bạn thử đi!

Mình đang viết những dòng này trong tháng 10, tháng có ngày 1/10, ngày Quốc tế Người cao tuổi… Những năm tháng sau này, chưa bao giờ mình ý thức rõ được sự mong manh, yếu ớt của những người cao tuổi như trong lúc này. Bạn ơi, trong bất kỳ một mối quan hệ nào, phải có một người, một phía chủ động là người bắt cầu trước. Hãy mạnh dạn là người chủ động bắt cầu trước. Bạn sẽ thấy bạn sẽ bước qua bài thi của đời này kiếp này thật rạng rỡ.

Gửi niệm lành cho tất cả những ai đang cần sự hỗ trợ để nhổ được ‘cái dằm trong tim’. Chướng duyên với cha hay mẹ ta, ta chuyển hóa được mà!

Thương lắm.

(8.10.2023 – QH & MayQ Team)

#HóagiảichướngduyênvớiChaMẹ
#Nhổdằmtrongtim
#Thương #Sống

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart