CHÙA CÔN SƠN – ĐỀN KIẾP BẠC: TIẾNG VỌNG TỪ HỒN THIÊNG XƯA CŨ…

>
>
CHÙA CÔN SƠN – ĐỀN KIẾP BẠC: TIẾNG VỌNG TỪ HỒN THIÊNG XƯA CŨ…
CHÙA CÔN SƠN - ĐỀN KIẾP BẠC: TIẾNG VỌNG TỪ HỒN THIÊNG XƯA CŨ…

Với chuyến Đại cộng hưởng tại Yên Tử năm nay, hành trình mở rộng ra thêm hai địa điểm cùng nằm trong một quần thể mà năm nay nhà MayQ mới đưa vào trong lộ trình lần đầu. Đó là khu quần thể di tích Chùa Côn Sơn, và Đền Kiếp Bạc, đều nổi danh xứ Bắc.

Năm ngoái, khi đi chuyến Company trip cùng với các anh chị em nhà MayQ, tụi mình vô tình được đưa đến Chùa Côn Sơn. Và thật ngoài mong đợi của tụi mình, cụm quần thể chùa Côn Sơn cứ mở dần mở dần ra, đẹp đẽ, thanh tao, uy nghi và trầm mặc trong tiết trời se lạnh của mùa cuối năm. Cả hội thích quá, nhất định về phải đưa cho được nhiều người hữu duyên với nhà MayQ đến nơi chốn này. Nhưng lần đó đến nhanh quá, chưa kịp cảm nhận đầy đủ tất cả những giá trị của cụm quần thể, và đặc biệt, chưa kịp cân nhắc xem, rốt cục, với một quần thể bao la rộng lớn như vậy, thì đoàn vài trăm người của nhà MayQ Go sẽ nên quần tụ lại chỗ nào, cho thời cộng hưởng, để những giá trị và cảm xúc được đong đầy nhất? Thế là, trong khi còn hai tháng nữa thật đến ngày lên đường, tuần rồi mấy chị em team nội dung chúng mình lại quảy gói lên đường, ra Bắc, một lần nữa quay lại nơi này.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn nằm trên địa bàn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương bao gồm hệ thống các di tích và danh thắng như: chùa Côn Sơn, đền Ức Trai (thờ Nguyễn Trãi), đền Thanh Hư, Ngũ Nhạc linh từ, suối Côn Sơn, nền nhà Nguyễn Trãi, Bàn Cờ Tiên, cầu Thấu Ngọc… Chuyến đi lần này tập trung chủ yếu vào Chùa Côn Sơn, và trong quỹ thời gian cho phép, mở rộng thăm viếng thêm một số địa điểm nữa trong quần thể. Lần này đi với tâm thế người tiền trạm, mình triệt để thả lỏng bản thân, cho mình hoàn toàn vào cảm xúc của một người có thời gian thong dong để vãn từng chút quang cảnh của cụm quần thể này, để thấm từng chút giá trị về lịch sử và năng lượng thiêng liêng của khu di tích cổ xưa này.

Chùa Côn Sơn có tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc Tự, tục gọi là chùa Hun, được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, sau đó được trùng tu xây dựng tôn tạo năm 1.304. Bảng thông tin ngay trước cổng chùa nêu rõ, cả ba vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ngài Pháp Loa, ngài Huyền Quang đều đã từng tu hành và thuyết pháp tại đây. Vì thế, ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm, cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh):

“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm,
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành”.

Thời Trần, kiến trúc của chùa là nội công ngoại quốc. Thời Lê, chùa mở rộng quy mô 83 gian, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa có 385 pho tượng, các công trình lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly… trông xa long lanh như ngọc biếc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay chùa Côn Sơn vẫn lưu dấu ấn kiến trúc của nhiều thời đại, cùng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, như hệ thống văn bia từ thế kỷ 14 – thế kỷ 19, hệ thống tượng thờ niên đại từ thế kỷ 17 – 19.

Cái làm mình thích thật thích, có lẽ ngay từ trước khi đi vào tới cổng khu quần thể, chính là đường đi lên núi Côn Sơn để dẫn vào khu quần thể quá thanh bình. Những đồi thông xanh ngắt hai bên như muốn chuyển thẳng không khí trong lành của núi thấu qua lớp kính xe, làm cho chúng mình muốn như hít hà cái mùi vị trong veo của rừng đó. Xuống xe, đi vào khu quần thể, qua lớp cổng tam quan đầu tiên, đã ngợp ngay với hai hàng cây tỏa bóng, lẫn không gian thanh tao của gian chùa đầu tiên. Bước đến đảnh lễ, nhân thể ngắm luôn hai cây lão tùng đổ thân ngang như hai lão quan tận tụy cúc cung vẫn luôn trực canh chầu hai bên gian điện thờ. Hai lão chắc phải già nhiều trăm năm rồi, thân đổ dài ra, tán lá vẫn xanh um. Thấy thương gì đâu.

Bước qua cánh cổng, lại lạc vào khu vực thứ hai. Thật sự, không gian đa tầng của chùa đủ sức làm ngây ngất những du khách thập phương lần đầu mới đến viếng thăm, và cứ mỗi tầng lại mang nét sâm nghiêm riêng biệt. Chúng mình cứ nhẹ nhàng vừa đi vừa đảnh lễ, lại vừa không bỏ qua cơ hội chiêm bái, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính cứ chan hoà xung quanh… Cảm động biết bao khi đứng trước vuông đất từng là nền ngôi chùa cổ thời kỳ đầu tiên, thế kỷ thứ 8. Thiêng liêng biết bao, khi lội lên nhiều bậc thang đá chỉn chu dẫn lên không gian cao nhất của khuôn viên chùa, nơi đó đặt gian thờ tượng Đức Quán Thế m Bồ tát bằng ngọc đầy uy nghiêm. Đảnh lễ Ngài xong, bước ra bên ngoài, đứng bên ngoài gian thờ, phóng mắt nhìn ngược xuống, cả một không gian bao la bát ngát của tầng tầng lớp lớp mái ngói chùa trải rộng theo triền núi… Tất cả tạo nên một cảm giác mênh mang thật khó tả. Mình chốt với em Phong: thời cộng hưởng đầu tiên của chúng ta trong chuyến Đại cộng hưởng Côn Sơn – Yên Tử sắp tới sẽ diễn ra ngay tại đây, chính bên ngoài điện thờ Ngài Quán m trên cao này. Lúc đó tháng 12, tiết trời miền Bắc hẳn sẽ không nắng gắt, lại se rét, đủ để chúng ta cảm nhận thật đầy đủ giá trị của từng phút được ngồi lại bên nhau, cùng lắng lòng theo những thời Khấn nguyện trợ duyên, được tĩnh tâm gửi lời cầu nguyện, tại một trong những ngôi chùa linh thiêng trên một trong những ngọn núi thiêng đất Bắc. Nghĩ tới đây, tự nhiên thấy lòng ấm áp quá.

Chốt được như thế xong, chúng mình lại tiếp tục đi sang bên trái điện thờ Ngài Quán Âm. Nơi đây có giếng ngọc, lúc nào cũng đầy nước trong lành từ mạch nước ngầm thiêng từ núi. Đi một chút nữa, có ngôi tháp cổ, giản dị nhưng cũng đầy thiêng liêng: Đăng Minh Bảo Tháp. Nơi đây thờ xá lợi Ngài Huyền Quang, vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm.Tổ Huyền Quang sinh năm 1254, đỗ tiến sĩ, ra làm quan rồi cáo quan đi tu. Năm 1330, Ngài được Đệ nhị Tổ, Ngài Pháp Loa trao y bát, trở thành vị Tổ thứ ba. Năm 1334, Tổ Huyền Quang viên tịch ngay tại chùa Côn Sơn này. Hoàng đế Trần Minh Tông ban cho dựng tháp thờ, đặc phong Trần Triều Trúc Lâm Đệ Tam Tổ, sắc phong tam giáo Trạng Nguyên tự tổ Huyền Quang Tôn Giả.

Đăng Minh Bảo Tháp với dáng đậm, chắc, uy nghi, thế vững chãi trong không gian bao la giữa đại ngàn Côn Sơn…Chúng mình cúi đầu đảnh lễ Ngài Tam Tổ, cảm nhận, sau hai lần đến Yên Tử trước đây, lần thứ ba quay trở lại Yên Tử trong hành trình Đại cộng hưởng tháng 12 tới đây, chúng mình đã có thể đưa những người hữu duyên đến gần hơn với vị Tổ thứ ba, cũng là một bậc anh tài kiệt xuất này. Càng thấy thương, lại càng thêm phần kính trọng.

Đi lên thêm chút nữa, đường lại rộng thênh thang dẫn qua một không gian cũng uy nghiêm rộng lớn không kém, là Đền Ức Trai thờ Ngài Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi xuất thân từ chính chốn này, nền nhà ông ngoại Ngài là Trần Nguyên Đán – tướng quốc ba triều vua thời Trần, vẫn còn được lưu giữ tại khu quần thể này. Chúng mình nhẹ nhàng bước qua Cầu Thấu Ngọc, đi vào đảnh lễ Ngài Nguyễn Trãi, xong lại bước ra phóng mắt nhìn dài ra khoảng sân thênh thang. Không biết bạn có bao giờ trải nghiệm qua cảm giác này của chúng mình không, cái cảm giác ta đang đứng cùng một không gian với những con người vĩ đại, chỉ là sau rất nhiều năm tháng. Cảm khái, nhìn rõ sự chảy xuôi của dòng thời gian đi qua dòng lịch sử. Cũng nhìn rõ sự vô thường…

Chúng mình quyết định dành hẳn thời gian cho mọi người trải nghiệm đủ lâu và đủ sâu tại các nơi chốn quan trọng nhất tại đây. Quần thể chùa Côn Sơn vừa rộng rãi bao la vừa thoáng đãng thanh bình, lại nhiều năng lượng lành của núi thiêng. Có đủ thời gian tụ lại cho thời cộng hưởng, vừa có đủ thời gian để từng nhóm khách tự do cảm nghiệm theo duyên của mỗi người, chúng mình tin rằng ngày đầu tiên của chuyến Đại cộng hưởng 22-24/12 tới đây sẽ cho mọi người nhiều ấn tượng đẹp và thanh lành.

Chuyến Đại cộng hưởng tháng 12 sắp tới của chúng ta còn được mở đầu bằng chuyến đến viếng Đền Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ phụng Ngài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây cũng là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Vào thế kỷ 13, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2. Sang thế kỷ 14, đền thờ Ngài được nhân dân địa phương xây dựng tại nơi đây và là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm để dâng hương tưởng niệm vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.

Dưới sự lãnh đạo của các vua Trần và Hưng Đạo vương, quân đội Đại Việt đã vượt qua nhiều gian nan, chỉ với số đội quân ít thiện chiến, yếu hơn so với đối phương lại hai lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên hùng mạnh.

Khu vực đền Kiếp Bạc nằm gần Lục Đầu Giang, là nơi tụ hội của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Một số người theo thuyết phong thủy cho rằng đây chính là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Lúc chúng mình đến, đền đông đúc khách thập phương đến viếng và đảnh lễ. Nhiều hoạt động cùng lúc diễn ra sôi nổi, cũng là một nét văn hoá đặc trưng tại nơi đây. Mình lại đặc biệt yêu thích con đường thênh thang dẫn lối vào đền, đi qua khu vực đầm nước thật rộng. Không gian hữu tình, nếu thêm tiết trời tháng 10 se rét nữa, thì thật là thích.

Sau chuyến đi tiền trạm lần nữa cho chuyến Đại cộng hưởng 22 – 24/12/2023, team MayQ chúng mình đã hoàn toàn yên tâm, rằng chuyến đi năm nay với ngày 1 đến quần thể Côn Sơn Kiếp Bạc sẽ đủ sâu sắc và ấn tượng, để dẫn vào ngày thứ hai và thứ ba, chúng ta hoàn toàn được đắm mình trong không gian thiêng liêng của núi thiêng Yên Tử. Đặc biệt, lần này dành hẳn hai ngày trọn vẹn trên Yên Tử, nên chúng mình còn đưa được mọi người đến thêm những ngôi chùa nằm trong hành trình Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng đi qua khi Ngài quyết chí dấn bước vào con đường tu hành: chùa Cầm Thực, chùa Suối Tắm, Chùa Lân.

Một hành trình luôn là niềm nôn nao, háo hức và chờ đợi của cả team MayQ hàng năm, để bản thân mình cũng được quay về, được nương náu, tĩnh tâm và cùng hàng trăm thành viên hữu duyên của chuyến đi hoà quyện vào nhau trong tinh thần cầu Phật đạo, đã đang đến gần kề.

Chúng mình hẹn gặp lại các bạn trong hành trình đặc biệt này nhé!

Gửi niệm lành cho tất cả,

(21.10.2023, QH & MayQ Team)

#Kýsựhànhtrình
#ChuyếnkhảosátCônSơnKiếpBạc

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart