NHỮNG ‘ĐỀ THI’ VỀ TÌNH THƯƠNG PHẦN 2: GIẰNG CO, NHỮNG ‘NHÂN TỐ’ TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

>
>
NHỮNG ‘ĐỀ THI’ VỀ TÌNH THƯƠNG PHẦN 2: GIẰNG CO, NHỮNG ‘NHÂN TỐ’ TÌNH YÊU & HÔN NHÂN
NHỮNG ‘ĐỀ THI’ VỀ TÌNH THƯƠNG PHẦN 2: GIẰNG CO, NHỮNG ‘NHÂN TỐ’ TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

NHỮNG ‘ĐỀ THI’ VỀ TÌNH THƯƠNG

PHẦN 2: GIẰNG CO, NHỮNG ‘NHÂN TỐ’ TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

Thương và được thương, có lẽ là một trong những điều mà con người ta quan tâm và khao khát có được khi đến đời này. Nhưng có lẽ, cũng chính tình thương, lại là thứ khiến con người ta đôi khi dành cả một đời để đau đáu suy nghĩ, là thứ khiến con người ta đau, người ta tổn thương và dành một đời để đi chữa lành”

Mới hôm rồi, tụi mình vừa chia sẻ cho nhà mình nghe về câu chuyện ‘đề thi tình thương’ của hai bạn 9x, học viên của lớp cấp độ 2 Online gần đây nhất về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của nhà MayQ, thì ngay buổi học tiếp theo, tụi mình liền lại được nghe bộc bạch tiếp tục về những đề thi tình thương, nhưng lần này, là những nỗi sầu khác, tựu lại ở những lứa tuổi lớn hơn, trưởng thành hơn. Ở lứa tuổi này, phần lớn các bạn đã đi vào hôn nhân, và giờ đây, ít nhiều bị khảo với chính mối hôn nhân mà các bạn đang có.

Một bạn học viên nữ thuộc thời kỳ đầu 8x, nghĩa là năm nay bạn cũng đã tròm trèm U40, bộc bạch, bạn khá năng động, giỏi giang, lại có tính tình hơi mơ mộng, nghệ sĩ một chút. Đỉnh cao đầu tiên mang tính chất số 5 đúng là mang đến những sự xoay chuyển nhận thức lớn cho bạn khi rất nhiều biến động xảy ra. Lặn lội cho qua được những năm dài của đỉnh số 5 ấy, bạn trưởng thành hơn, biết quay vào bên trong, biết tu tập nhiều hơn… Cũng trong chặng thời gian ấy, gia đình bạn đi đoàn tụ ở nước ngoài. Và những năm này, sau khi cố gắng nỗ lực để ổn định cuộc sống, thì giờ đây, những vết rạn trong cuộc sống bắt đầu xuất hiện, ứng với đỉnh cao thứ hai mang tính chất số 6. Bạn liên tục gặp phải các bài khảo về các mối quan hệ thân gần. Chồng bạn đang có sự xích mích với mẹ ruột của bạn, khiến bạn đứng giữa cũng thật khó xử. Thêm vào nỗi nặng lòng đó, còn xuất hiện thêm một người bạn, là bạn cùng ngành mà trước đây bạn từng công tác, và rất giỏi. Hai người ăn ý với nhau vô cùng, lại chia sẻ với nhau được nhiều điều trong công việc và trong cuộc sống… Bạn cười cười, nói, em biết đây là bài khảo của em, nhưng em đang lung lay, dạng say nắng mất rồi.

Mình hỏi em, hôn nhân của em với chồng được bao lâu rồi. Em nói, năm thứ 12 rồi. Mình chia sẻ với em, đời sống hôn nhân cũng có những quỹ đạo lên xuống không khác gì cuộc đời của một con người. Mọi người thử quan sát lại mà xem, có phải vào những năm thứ 4, thứ 7, thứ 10, thứ 13…, trong đời sống hôn nhân của chúng ta đã từng xảy ra những lục đục, lao đao, hoặc tệ hơn, rất nhiều tình trạng nứt vỡ, ly thân, thậm chí ly hôn cũng đã diễn ra trong những mốc thời gian này. Vì vậy, nếu năm nay cuộc hôn nhân của em đang đi vào năm thứ 12 mà em gặp chuyện này, nó đúng là một cái ‘mầm ít lành’, để mà nếu em không đủ tỉnh táo nhận chân ra được đây chính là một bài khảo lớn, và em ráng lướt cho qua, thì năm sau, năm thứ 13 của cuộc hôn nhân, sẽ không biết sẽ diễn ra thế nào nữa…

Như tụi mình đã từng khẳng định, trong một bài viết lâu rồi, rằng xét theo cả khía cạnh đời sống xã hội lẫn đời sống tâm linh, người ta đến cuộc đời này, lấy nhau không phải để bỏ nhau. Mới chỉ nhìn về mặt xã hội thôi, một mối quan hệ giữa hai con người không có quan hệ huyết thống, được xác định gắn bó với nhau mật thiết trong một mối quan hệ pháp lý chính thống và được pháp luật và xã hội thừa nhận, nó là một việc rất trọng đại để thành lập một ‘tế bào’ mới của xã hội, là một gia đình. Chưa kể, từ tế bào mới đó, còn có những hệ lụy rất lớn phía sau, là những đứa con. Nếu bạn quan sát kỹ, sẽ thấy rất nhiều những người trưởng thành bây giờ đang sống không hạnh phúc với gia đình nhỏ của họ cũng đã từng đi ra từ những mái gia đình mà ba mẹ họ không hạnh phúc, hoặc ly hôn trong cay đắng. Vết xe đổ từ người lớn in bóng tối tâm lý lên cuộc đời của những đứa con đậm nét đến mức, các con trong các gia đình này một khi lớn lên thường ám ảnh về hôn nhân, về người phối ngẫu của mình, nhưng một khi thực sự bước vào hôn nhân, họ lại vô thức lặp lại những mô thức không đẹp mà ngày xưa ba mẹ họ từng đối xử với nhau, để rồi tiếp tục tạo ra những thương tổn mới cho những tế bào gia đình mới hình thành…

Mình nói với em học viên, đời sống hôn nhân kéo dài qua nhiều năm tháng sẽ không giống với trong truyện ngôn tình đâu, mà bao nhiêu tình cảm yêu đương say đắm cỡ nào, rồi dần nó cũng sẽ phai đi theo thời gian. Vì vậy, trên cái nền sống chung một cách nhàn nhạt, phai phai như vậy, mà có một ‘nhân tố mới’ xuất hiện, mà nhân tố này lại có được những tố chất khá hợp ý với những gì em yêu thích, thì lập tức trái tim đã ngủ yên lâu rồi của em đương nhiên sẽ khó dằn nhảy lên vài nhịp… bất thường. Nhưng em ơi, em hãy tỉnh táo mà nhìn ra rằng, ngay cả bây giờ, nếu em nuôi cảm giác ‘lung lay, say nắng’ này lâu lâu, nó sẽ làm lung lay mối hôn nhân đang có thật của em, và có thể tệ hơn, là làm đổ vỡ mối hôn nhân này.

Mà em ơi,em cũng hãy tỉnh táo mà nhìn cho ra, ngay cả mối quan hệ đang làm em ‘rất tương đồng, rất ăn ý’ này mà nó trở thành chính thống hóa, một thời gian sau, chính nó cũng sẽ trở nên… phai phai đi, nhàn nhạt đi, theo đúng quy luật của đời sống, để rồi, trên nền đó, lại có những ‘nhân tố mới’ xuất hiện, ở cả phía em lẫn người phối ngẫu của em (thời điểm đó là ai, chưa biết).

Nói ra điều này, mình nhớ lại lời thú nhận của một bạn nữ học viên trong một lớp trước đây của tụi mình. Bạn xinh đẹp, giỏi giang, độc lập, nên làm say nắng không ít anh đã có gia đình. Nhưng bạn cũng đủ cá tính để nói rõ: bạn không thèm làm người thứ ba đâu nha. Vì vậy, cũng đã có một số anh chấp nhận ly hôn với vợ ở nhà để đưa bạn lên làm ‘ngôi chính thất’. Để rồi, chỉ một vài năm sau, ở ngôi vị ‘chính thất’, bạn chua xót nhận ra, anh chồng ngày xưa từng ly hôn vợ để cưới bạn về, giờ lại đối xử với bạn y chang như anh ta từng đối xử với vợ trước của anh ta vậy, nghĩa là, lại tiếp tục… có người khác bên ngoài!

Vậy, bạn thấy chưa. Tất cả những gì yêu đương đắm đuối, thậm chí cảm giác về x.ác thân, tất cả cũng chỉ là những khoảnh khắc. Và những khoảnh khắc này không thể kéo dài để đảm bảo cho bạn một cuộc sống an vui. Nếu để cho những khoảnh khắc này lôi kéo, bạn sẽ trôi tuột đi trong vui – buồn, sướng – khổ, hạnh phúc – cay đắng… Nhưng nếu chúng ta đủ tỉnh táo để xác nhận: TẤT CẢ chẳng qua đều là những bài khảo, thì rồi, bạn đang có 50% khả năng để vượt qua được lần lượt từng bài khảo một.

Vì sao mình lại nói, mới chỉ được 50%? Là bởi vì, nhìn theo góc độ tâm linh, không ai vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời ta nếu ta không… từng mắc nợ họ, hoặc tạo ơn với họ. Trong những bài khảo tình thương này, ở cả người đang ở ngôi ‘chính thức’ là người chồng, lẫn người đem bài khảo tới, là ‘nhân tố mới’, ta đều ít nhiều mắc nợ cả hai. Vì vậy, muốn sớm thoát được cảnh khổ đau, khó chịu, giằng co của hiện tại, bên cạnh việc ý thức tỉnh táo trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh có thể, việc bạn cần làm chính là miên mật, hết lòng… sám hối với cả hai người ấy!

Mình nhớ, cũng trong một lớp cấp độ 2 khá lâu trước đây, ngồi trước màn hình Zoom là một em gái trẻ, gương mặt đầy đau khổ. Em nói em đang sống ở nước ngoài, em đang khổ lắm, vì em đang lỡ… thương cùng một lúc hai người, không bỏ được người nào! Một người là chồng của em, người vô cùng dễ thương, yêu chiều vợ, thương con. Một người kia là một cậu trai trẻ nhỏ hơn em gần chục tuổi, xuất hiện trong xưởng em làm việc. Vấn đề là, em cũng biết chuyện như vậy là sai trái, nhưng em không bỏ được! Thậm chí, em còn xuất hiện một ý nghĩ rất… điên rồ rằng hai anh đàn ông em thương sẽ…cùng sống với em chung một mái nhà!

Mình cười, hỏi em, vậy chồng em có biết chuyện này không, và ý kiến thế nào. Em nói, chồng em biết hết, vì em đã đưa cậu nhỏ kia về nhà giới thiệu với chồng, cùng nhau đi trong những chuyến đi dã ngoại chung… Và từ ban đầu chồng em khá bao dung, nhẫn nhịn, đến thời điểm đó cũng đã hết nhẫn nhịn nữa rồi. Chồng em bảo anh cho em 40 ngày để em phải cân nhắc kỹ, để chọn một là gia đình, gồm chồng và con em, và hai là người trai nhỏ tuổi đó. Và em khóc, cô ơi, em biết lý thuyết là em phải làm gì, nhưng thực sự em không bỏ được em trai ấy!

Nghe tới đây, mình thật sự nhớ một bài hát rất nổi tiếng của thời thập niên 60, 70, tụi mình thời mới lớn hay nghêu ngao hát, vì giai điệu quá hay: “Torn between two lovers…” (Giằng xé giữa hai người thương…) Nhưng đó là người thương, người yêu thôi, cùng lắm chỉ mang tiếng là ‘bắt cá hai tay’. Chứ còn đây, rõ ràng cán cân đã lệch hẳn về một bên là người chồng chính thức rồi, mà…

Xin những ai đọc đến đây khoan vội lên cơn tức giận hoặc lên tiếng mắng em ấy ‘đàn bà không biết kiểm soát’. Đại đa số chúng ta đang sống trên đời này, với những việc làm gì, nói gì, nghĩ gì, gặp ai, diễn tiến thế nào…, đừng lầm tưởng là do chúng ta có thể tự quyết định, mà thực chất, đại đa số chúng đều đang được dắt đi bởi lực dẫn vô hình của nghiệp lực. Vì vậy, một khi ta đã biết hết hiểu hết, mà ta dừng không được, ngưng không nổi, thì đừng mong chỉ bằng vào ý thức, rằng ‘Ta không nên làm vậy’ mà ta dừng lại được. Hãy nghiêm túc bồi thêm cho mình một khả năng thanh tẩy những ‘sợi dây oan oan’ vô hình trong bao nhiêu đời kiếp trước ấy bằng những phương pháp sám hối thành ý nhất có thể.

Pháp đầu tiên ta có thể nghĩ đến là Ho’Oponopono. Với bốn câu “Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi. Cám ơn anh. Thương lắm” (Mình có thể thay đổi ngôi xưng hô sao cho nó gần nhất với lối xưng hô thực tế với những người có liên quan). Cố gắng đọc ít nhất 108 lần mỗi ngày, lúc đọc nên ngồi tĩnh tâm, mường tượng gương mặt (những) người ấy đang mỉm cười ôn hòa với ta. Nếu có ảnh họ để mình nhìn vào trong lúc đọc thì càng tốt. Cố gắng đọc hết lòng, thả hết tâm hồn mình vào những lời xin lỗi. Mỗi lúc ‘cơn nhớ nhung’ trào lên, hãy đi kiếm một góc nào mà đọc những câu ấy. Dần dà, sẽ có những thay đổi vi tế trong lòng mình. Ban đầu, có thể vẫn còn nhớ, nhưng cảm giác bớt đau khổ dày vò, bớt lung lay. Rồi từ từ, cảm giác trầm tĩnh sẽ lớn lên dần, át đi những cơn khích động ‘muốn bỏ hết tất cả để được đến với người ấy’.

Tiếp theo, những ai đang có một mái nhà tâm linh nào, nên cầu nguyện xin thêm lực gia hộ của chư Ơn Trên mà mình đang nương nhờ. Như đã nói, nghiệp lực tác động thật sự rất mạnh, nếu bản thân tự ta không chắc có thể quản nổi, thì bảy phần tự nỗ lực ý thức của ta, ba phần quan trọng, ta nương nhờ sự dẫn dắt che chở của Ơn Trên cho ta đi qua giai đoạn bài khảo khó khăn này. Với những ai đang theo đạo Phật, có rất nhiều bản kinh sám hối có liên quan đến các mối quan hệ, như Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thủy Sám, hay phẩm 5 “Diệt trừ nghiệp chướng” trong kinh Kim Quang Minh (Ánh Sáng Hoàng Kim)… Bạn có thể chọn lựa bản nào hợp với bạn và vừa sức bạn, chí thành đọc hàng ngày. Cũng sẽ có tác dụng theo thời gian.

Với ‘nhân tố mới’, chúng ta sám hối theo ý “Nếu từng là chồng tôi hay vợ tôi trong vô lượng kiếp, tôi có lỡ làm quý vị đau khổ một đời nào, thì giờ đây cho tôi thành khẩn xin lỗi quý vị. Nguyện xin hãy buông tha cho tôi, đừng đòi nợ tôi nữa, mà hãy chuyển hóa thành bạn đồng tu tập, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo, giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng”.

Với người chồng hiện tại của mình, hãy cố gắng xác định anh ấy là người dễ thương hay ít dễ thương. Nếu là người ít dễ thương, cũng áp dụng lời sám hối như trên, để trong tương lai, những tính chất ‘ít dễ thương’ sẽ phai đi mà tăng thêm được phần dễ thương tiềm ẩn trong anh ấy. Còn nếu anh ấy vốn vẫn là một người dễ thương, thì phải nói chuyện tâm thức rằng “Nếu từng là chồng tôi hay vợ tôi trong vô lượng kiếp, và đã từng làm tôi đau khổ thế nào để bây giờ theo đúng luật nhân quả tôi đang làm đau lại anh, tôi xin lỗi anh. Chúng ta nguyện buông bỏ cho nhau, cùng nương nhau mà sống an hòa, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau nuôi dạy con cái, giữ mái gia đình bền vững, đồng thời cùng nhau tu tập, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo, giúp ích cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng”.

Mình cứ nghiêm túc dành cho bản thân thời gian mà lắng sâu vào trong những thời kinh, thời sám hối…, rồi thì mọi cái dần cũng qua. Nhất là, bạn hãy quan sát, những ‘bài khảo’ này luôn có những thời hạn nhất định, khi thường nó sẽ rơi vào những năm đang bị chịu sự chi phối của các đỉnh cao mang tính chất số 6, hoặc nếu bạn đang đi qua những vùng ‘năng lượng cực đoan’ như các năm trũng: năm cá nhân 4 hoặc 7, hoặc đi tới các đỉnh cao mang tính chất ‘thức tỉnh’… Vì vậy, hãy cứ bình tĩnh. Cái gì rồi cũng sẽ qua, bạn nhớ nhé.

Cái gì rồi cũng sẽ qua. Chỉ tình thương ở lại… (* Như một bài hát từ ý thơ của Thầy Minh Niệm) Và đi qua được những bài khảo ‘tình thương hay tình yêu’ này, bạn sẽ càng nhận ra, người cùng nhà với mình, có thể đã không còn mang đến cho mình những loại tình yêu say đắm, nhưng là một thứ tình thương của nghĩa tình lâu dài, của sự gắn bó, của thiện ý tái kết nối của cả hai phía. Và tình thương ấy, nó mới chính là chất dinh dưỡng, nuôi mái gia đình của bạn bình ổn, an hòa và ấm áp. Và, cũng chính nó mới là lớp đất tơi xốp đầy dưỡng chất, nuôi các con bạn lớn lên một cách cân bằng.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(11.11.2023 – QH & MayQ Team)

#Nhânsốhọc #Sống

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart